BỐ GIÀ – Hiểu để thông cảm, thông cảm để yêu thương

Bộ phim lấy đi nhiều nước mắt của khán giả – đâu đó trong mỗi người xem đều đọng lại những câu chuyện, những lần tranh cãi, những mâu thuẫn và nhiều điều chưa chia sẻ được hết với bố mẹ của mình.

Toàn bộ mạch phim là những tranh cãi liên tục giữa anh chị em trong gia đình Giàu – Sang – Phú – Quý, và đặc biệt là mâu thuẫn trong quan điểm sống, ước mơ nghề nghiệp và lựa chọn ưu tiên giữa cha con Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần).

Yêu thương mà không nói chuyện được với nhau

Ngay từ những phút đầu, bộ phim đã khắc hoạ tính cách khác biệt của mỗi người dân trong xóm, đặc biệt là trong gia đình ông Ba Sang. Họ có quá khứ khác nhau, cuộc sống khác nhau, cá tính càng khác nhau nên mỗi người trong họ nhìn nhận cuộc sống bằng những lăng kính rất riêng biệt và thậm chí trái ngược nhau.

Bác Hai thực dụng, vật chất, khinh thường người không kiếm ra tiền, vì tự tin vào khả năng kiếm tiền của bản thân và quá lo lắng cho tương lai của đứa con trai.

Thím Tư chanh chua, đanh đá, vì luôn khổ sở bất lực trước người chồng yếu sinh lý mà thím cũng không thể thổ lộ cùng ai.

Cảnh tượng khu xóm không thể hỗn loạn hơn – mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười…

Ba Sang nhiều chuyện, bao đồng, vì từ lâu đã quen với lối sống trách nhiệm, gồng gánh cho gia đình nhỏ và cả gia đình lớn.

Quắn bốc đồng, bất cần, xấc xược, vì thường trực trong anh là cảm giác bất công cho bố của mình khi bị đối xử không đáng trong gia đình.

Mỗi người một phong cách, một kiểu ăn nói, một góc nhìn… nên dù là người thân máu mủ ruột rà, họ chưa bao giờ nói chuyện được với nhau thực sự, bằng ngôn ngữ của nhau. Nếu lắng nghe nhiều hơn, phán xét ít hơn, và nhất là không mang áp lực và tiêu cực bên trong của chính mình vào cuộc đối thoại với người mình thương yêu, thì có lẽ bi kịch đã không xảy ra với gia đình họ.

Ba Sang – ông bố bao đồng, tự trọng cao và quá tin vào cách sống của mình

Yêu thương mà không thông cảm được với nhau

Đối diện với những vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày, mỗi người trong bộ phim đều đã chịu nhiều áp lực, họ trút áp lực đó lên người khác – những người ít “gây hại” đến mình mà không biết rằng cách sống đó đang ngày ngày gây tổn thương tâm lý nặng hơn cho đối phương. Khi từ chối nói chuyện cũng là lúc từ chối hiểu, từ chối hiểu cũng là từ chối thông cảm cho quan điểm của người khác.

Quắn rất thương bố nên càng muốn kiếm tiền đỡ đần cho bố đi làm đỡ vất vả. Anh muốn bố được mạnh khoẻ và an nhàn hơn; anh nghĩ rằng khả năng của mình là âm nhạc và có thể kiếm tiền đủ cho cả gia đình nhờ khả năng đó.

Ba Sang rất thương con nên càng muốn chắt chiu làm lụng để con tập trung vào việc học hành. Ông muốn con không mất thời gian vào những “trò” vô bổ để tập trung cho tương lai tươi sáng; ông nghĩ rằng khả năng của mình là bòn rút ít sức lực để chắt chiu dành dụm, ăn tiêu tiết kiệm, kiểu gì cũng đủ chờ đến ngày con cái khôn lớn hiển vinh.

Cả hai đều không ai sai, nhưng trong góc nhìn của mỗi người thì người kia sai lè – sai không chấp nhận nổi. Vì vậy mà họ không có khoảng không để hiểu cho góc nhìn của nhau, mà dồn hết năng lượng vào việc tấn công quan điểm sống của người kia, nhào nặn người kia theo ý của mình. Quắn không cho bố mời người thân đến nhà mới, Ba Sang đòi về nhà cũ nếu Quắn không nhượng bộ mình… câu chuyện mãi không có hồi kết và càng để lại tổn thương trong lòng nhau. Để rồi một ngày, khi không chịu đựng nổi nữa, họ đành phải dùng đòn đánh đau đớn nhất là phủ nhận tình yêu dành cho nhau, để đối diện với cảnh yêu thương mà không thể hiểu được nhau.

Khi mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm, ta chỉ có thể nghĩ rằng “Mình không yêu người kia” chứ không thể tin được có tình yêu thương nào đau đớn như thế

Yêu thương mà không chấp nhận nhau

Không đặt mình vào vị trí người kia nên không hiểu, không hiểu nên không thông cảm, không thông cảm nên không chấp nhận. Chuỗi tiêu cực cứ kéo dài như thế và rồi họ buộc phải oán trách nhau rằng người kia không yêu thương mình, nhằm kết thúc những nỗ lực, cố gắng sửa đổi người kia.

Thực tế là, ai cũng đang làm điều đúng nhất trong góc nhìn của mình, nên mong muốn sửa đổi người khác khi không hiểu được góc nhìn của họ chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ. Khổ trong tâm lý, đau đớn cả thân xác khi Ba Sang bị suy thận nặng và Quắn bị bệnh tim lại muốn hiến thận cho bố mình. Rõ ràng họ yêu thương nhau rất nhiều, đến mức có thể hy sinh mạng sống cho nhau, nhưng vì thiếu cảm thông mà dẫn đến bi kịch gia đình.

Liệu có thể vừa yêu lại vừa bắt người khác sống theo ý mình?

Không có gì sung sướng hơn việc được là chính mình, trong đó có cả quyền được sai lầm và đứng lên từ sai lầm đó. Cả hai cha con đã đẩy sai lầm của mình lên đến đỉnh điểm để rồi nhận ra hạnh phúc thực sự là được sống đúng với con người của mình, và yêu thương thực sự là hiểu và chấp nhận người kia như chính con người họ đang là. Vào cuối phim, cảnh tượng bình yên trong gia đình với những nụ cười trên môi mỗi người, đã phần nào nhấn mạnh một lần nữa về thông điệp thực sự của tình yêu thương.

Mời các bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học cùng CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!