Khi giúp đỡ ai mình cần nhớ 3 câu hỏi:
Thứ nhất, khi giúp nếu chẳng may không có kết quả gì thì tôi còn giúp nữa không, tôi có làm như thế nữa không?
Thứ hai, không có kết quả gì, người ta còn quay lại hại tôi, tôi còn làm nữa không?
Thứ ba, tôi làm có phải vì “cái tôi” của tôi không?
Giúp một người khác vì cái tôi của mình thì không phải là giúp đỡ thực sự.
Mình thường xuyên gặp mọi người đến để nhờ mình giúp, mình tập cái đấy từ lâu lắm rồi. Sự thực là những điều nói trên rất dễ xảy ra. Ví dụ người ta được giúp xong, người ta quay lại nói xấu mình là chuyện bình thường. Ở đây có bạn nào đi giúp người nhiều sẽ thấy ngay. Nếu giúp chưa nhiều thì thấy khó hiểu, giúp nhiều người lên một chút sẽ thấy xã hội này rất phong phú. Có người luôn mong đợi người khác làm điều tốt cho mình. Ai đó không làm điều tốt cho họ là bị họ ghét rồi. Có những người khi được giúp thì mong muốn kết quả phải xảy ra, nên không có kết quả là người ta khó chịu ngay.
Có nhiều loại người và mình có điều khiển được họ đâu! Mình chỉ điều khiển được cách hành động của mình thôi. Nên với mỗi người đến với mình, mình đơn giản là: “Tôi sẽ giúp”. Sau một quá trình, dần dần mình sẽ có một thói quen mới: thấy khổ là tôi giúp, thấy phù hợp thì tôi sẽ giúp, không phù hợp thì thôi. Mình sẽ không còn các loại chờ đợi, mong muốn không cần thiết nữa.
Mấu chốt buổi chia sẻ ngày hôm nay là thế. Mấu chốt là mình giúp người vị tha và không bám chấp – đó là mấu chốt của việc “Giúp đỡ trong suốt”.
* Vị tha là vì người ta, không phải vì mình, dù tinh vi hay không tinh vi.
* Không mong chờ kết quả tốt. Không bắt buộc kết quả tốt phải xảy ra. Và không bắt buộc người ta phải tử tế lại với mình. Đấy là giúp đỡ không bám chấp.
Còn tại sao lại gọi là “Giúp đỡ trong suốt”? Tại vì bề ngoài trông mình chẳng khác gì một người bình thường đâu. Bề ngoài mình vẫn giúp mọi người, mình chẳng hề tuyên bố với mọi người rằng “Tôi giúp mà tôi không mong chờ gì hết”. Mình không tuyên bố: “Tôi giúp anh rồi sau đó anh muốn hại tôi thì hại”. Không! Trông mình vẫn như một người bình thường giúp người khác nhưng tâm mình đã thay đổi rồi, không ai biết chuyện đấy, ngoài mình ra. Nên ngày mai nếu người ta quay trở lại cảm ơn mình hết cỡ, mình thấy vẫn bình thường; hoặc ngày kia người ta quay lại mắng chửi mình, mình vẫn thấy bình thường, vì tâm mình khác rồi.
Nên là một người tập “Giúp đỡ Trong Suốt” thì trong cách hành xử chẳng khác gì người bình thường, nhưng cái tâm mình đổi. Tâm mình đổi thì khi nào hoàn cảnh bất ngờ xảy ra mình sẽ biết.
– Trích Trà đàm “Giúp đỡ Trong Suốt”, Hà Nội 2012
Đọc bản đầy đủ tại đây.