Bấm like thiếu suy nghĩ, nói quá lời cũng tạo khẩu nghiệp xấu. Đùa cũng có thể nhận hậu quả tiêu cực. Khi đang tức giận thì đừng gửi mail… Khẩu nghiệp vừa có sức sát thương vừa có sức chữa lành.
“Cái miệng hại cái thân – ông bà ta từ xưa đã có óc quan sát rất tinh tế và từ đó đúc rút ra những châm ngôn rất đúng với giáo lý nhà Phật” – Thầy Trong Suốt, Chủ tịch CLB Unesco Thiền – Yoga Trong Suốt mở đầu trong buổi trò chuyện về “Khẩu nghiệp”.
1. Khẩu nghiệp là gì? Các loại khẩu nghiệp
Một bạn: Thưa Thầy, có thể hiểu “khẩu nghiệp” theo cách đơn giản nhất như thế nào?
Thầy Trong Suốt: Khẩu nghiệp là những hành động bằng lời nói, phát ngôn (miệng) dẫn đến kết quả tốt, xấu hoặc trung tính. Trong cuộc sống con người luôn luôn có khẩu nghiệp và khẩu nghiệp ảnh hưởng đến rất nhiều chuyện trong đời mình.
Khẩu nghiệp xấu có 5 loại: nói dối, nói lời không phù hợp, nói lời vô nghĩa, nói lời gây chia rẽ, nói lời thô lỗ ác nghiệt. Ví dụ:
– Trong đám ma, mọi người đang khóc, mình vào nói: “Ôi trời, hôm nay đẹp thật!”. Quả là trời đẹp, mình không nói sai tí nào, nhưng đó là lời không phù hợp, cũng là khẩu nghiệp không tốt.
– Nói chuyện phiếm, nói lời vô nghĩa, chả có ích cho ai mà gây mất thời gian của mình và người khác.
– “Đi đứng kiểu đó thì chết đi cho rồi!” là kiểu lời thô lỗ ác nghiệt.
– Lời nói vô tình hay cố ý gây chia rẽ người khác như “Hôm qua con bé A bảo cậu béo lắm” cũng là khẩu nghiệp xấu.
Nhà Phật quan tâm hành động thế nào để gây nghiệp tốt và hành động thế nào để tránh nghiệp xấu.
Bạn Trọng: Nói dối thì gây nghiệp xấu đúng không, thưa Thầy? Nhưng nói dối mà động cơ và kết quả tốt thì có được coi là khẩu nghiệp tốt không?
Ví dụ: Bố em gọi điện hỏi các cháu khỏe không. Thực ra các cháu đang ốm nhưng nói ra thì ông lo mà cũng chẳng làm được gì, nên em nói là các cháu khỏe, như vậy là nói dối?
Thầy Trong Suốt: Nói dối mà không hại cho ai hết, sau đó là có lợi cho người khác thì được. Trường hợp này em nói dối để bố khỏi lo, có lợi cho bố thì được. Nhưng không phải là mình không chịu nhân quả. Sau này sẽ có người nói dối em như thế. Sau này có thể con em ở xa sẽ bảo “Con chả sao đâu” trong khi nó đang gặp khó khăn để làm em yên lòng. Đấy là nhân quả không thể thoát được.
Khẩu nghiệp là những hành động bằng lời nói, phát ngôn dẫn đến kết quả tốt, xấu hoặc trung tính.
Khẩu nghiệp xấu có 5 loại: nói dối; nói lời không phù hợp; nói lời vô nghĩa; nói lời gây chia rẽ; nói lời thô lỗ ác nghiệt.
- Đùa cũng phải nghĩ
Một bạn: Vậy làm thế nào để biết là khẩu nghiệp tốt và thế nào là khẩu nghiệp xấu, thưa Thầy?
Thầy Trong Suốt: Có hai thứ liên quan đến khẩu nghiệp: Một là động cơ, hai là kết quả. Phải nhìn động cơ và kết quả sinh ra thì mới biết là khẩu nghiệp tốt hay không tốt.
Ví dụ mắng một người có thể xấu hoặc tốt: Mắng để họ tốt lên thì tốt; mắng để hả giận thì không tốt; mắng xong làm cho một người sửa đổi thì tốt; mắng xong làm cho họ đi tự tử thì không tốt.
Không thể kiểm soát kết quả hành động nhưng có thể cố gắng gieo khẩu nghiệp tốt và tránh khẩu nghiệp xấu, tuy nhiên điều đó lại rất ít người làm. Vì muốn làm được, trước khi mình nói bất kỳ cái gì, mình phải nghĩ đến “động cơ lời nói của mình là gì?” và “kết quả của nó là gì?“.
Khi cân nhắc đến 2 yếu tố đó, thì mới là “quan tâm đến khẩu nghiệp”. Còn nếu chưa cân nhắc hai yếu tố đó tức là đang gieo khẩu nghiệp lung tung. Ngay cả đùa cũng là khẩu nghiệp.
Như Hiền: Thực ra thì đùa mọi người cũng chỉ nghĩ là cho vui thôi. Như câu chuyện đang bàn tán xôn xao trên mạng về câu đố vui trên truyền hình “Đưa cái đầu vào đâu thì nó sẽ bị hư?”, Hương Giang Idol bèn nói vui rằng: “Vào cầu tiêu”. Chỉ đùa thôi, nhưng nghệ sĩ Trung Dân giận ghê lắm. Bản thân con thấy rằng cô ấy trong sáng và chỉ đùa thôi, thì có sao đâu ạ? Một câu đùa có thể thành chuyện to đến thế ư?
Thầy Trong Suốt: Đúng là cô gái ấy chỉ đùa thôi, nhưng khi đùa cô ấy không nghĩ đến động cơ và kết quả. Trước khi nói, cô ấy không quan tâm đến “động cơ của mình là gì” và ” kết quả của nó là gì”. Vô tình cô ấy không cân nhắc, cứ thế nói thôi. Vì không quan tâm đến hai điều đó nên kết quả là cô phải chịu.
Ví dụ nếu mình đùa là “Đưa đầu vào rượu”, động cơ là để mọi người vui và nhắc rượu chè say sưa là có hại. Đưa đầu vào rượu thì đúng là hư mất đầu thật, hư quá còn gì! (Thầy cười), thì kết quả là vui và giúp mọi người nhớ là rượu có hại.
Như hai ví dụ trên, nói đùa cũng là khẩu nghiệp, một cái là khẩu nghiệp xấu, một cái là khẩu nghiệp tốt. Nói đùa cũng có thể sinh chuyện. Ngay cả nói đùa cũng phải cân nhắc, khẩu nghiệp đến trong tất cả các lời nói.
Ngay cả nói đùa cũng phải cân nhắc động cơ và kết quả.
Khẩu nghiệp đến trong tất cả các lời nói.
- Nói đúng nhưng quá lời có phải là khẩu nghiệp không?
Bạn Vân: Thế thì em thấy là em cũng có rất nhiều khẩu nghiệp. Gần đây em mới mắng em gái là: “Chị thấy em toàn nói dối, không thể tưởng tượng em lại vô ơn như thế!”, vì trong một ngày em phát hiện nó nói dối hai lần (em đã chăm lo cho nó suốt từ lúc bé, gần như là thay mẹ). Sau đó hai chị em không nói chuyện với nhau 2 tuần, em thấy buồn và nó chắc cũng khổ.
Thầy Trong Suốt: Nếu mình mắng ai đó, trong đó có phần để thỏa mãn sự khó chịu của mình thì động cơ là có phần ích kỷ. Động cơ ích kỷ thì kết quả xấu chắc chắn quay lại với mình.
Bạn Vân: Nếu trong động cơ và hành động của mình mà có cả phần tốt và xấu thì sao ạ? Ví dụ như em mắng em gái mình, 8 phần là mong muốn tốt cho nó, 2 phần là vì mình muốn xả sự tức giận?
Thầy Trong Suốt: Nhân quả là em sẽ nhận quả của 8 phần tốt, nhưng em cũng sẽ nhận quả của 2 phần xấu. Phần tốt em nhận quả tốt, ví dụ như sẽ có người sếp tốt mắng em để em sửa đổi. Nhưng phần xấu em cũng nhận quả xấu, ví dụ như người sếp đó có hôm mắng em sai chỉ vì nóng giận.
Đấy là chỉ nói về động cơ, còn bây giờ nói về kết quả. Kết quả là em gái em không những không sửa theo ý em mà bị khổ 2 tuần liền và em cũng buồn – Cái đó không thể gọi là kết quả tốt được. Động cơ thì 8 phần tốt, 2 phần xấu nhưng kết quả là cả 2 cùng khổ, thì là quả xấu.
Nếu giỏi hơn thì lần sau mình chỉ giữ phần tốt, bỏ phần xấu, không mắng em để giải quyết bực dọc trong lòng. Mình giải quyết bực dọc xong rồi hãy mắng. Khi em mắng chỉ để em của em tốt lên thì lời nói của em sẽ nhẹ nhàng. Thay vì nói câu nặng nề “Chị không thể tưởng tượng em lại vô ơn như thế!”, em có thể nói: “Em nghĩ xem làm thế có phụ công chị không?”
Vì em mắng để xả cơn tức nên mới nói nặng như thế khiến em của em bị tổn thương. Một người bị tổn thương không bao giờ muốn nghe tiếp nữa. Còn nếu em tập các giáo pháp để giải quyết cơn tức trước khi nói, tự khắc lời nói sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trong ví dụ trên em nên nói: “Chị thấy em nói không đúng sự thật lần thứ 2 trong ngày”, thay vì nói quá lên rằng: “Em toàn nói dối thôi” – cách nói nào đúng sự thật hơn, có bằng chứng xác thực hơn? Nói đúng nhưng quá lời cũng gây ra khẩu nghiệp xấu.
Không mắng người khác để xả cơn tức, để thỏa mãn bực dọc trong lòng, lời nói sẽ nặng nề, quá lời, gây ra khẩu nghiệp xấu.
Giải quyết tức bực xong rồi mắng để họ tốt lên thì lời nói tự khắc sẽ nhẹ nhàng hơn.
- Facebook – Mạng xã hội cũng là khẩu nghiệp
Một bạn: Thế còn trên mạng xã hội, mọi người tức và lên mạng xả cho người khác biết thì có cần tránh không ạ? Bạn bè hay bản thân mình like ủng hộ thì sao ạ?
Thầy Trong Suốt: Mình like (ủng hộ) cái gì thì có nghiệp đúng bằng người làm việc đấy, cả xấu lẫn tốt. Ví dụ người ta cứu người, theo quan điểm nhà Phật, nếu bạn chân thành ủng hộ thì bạn sẽ được nghiệp tốt bằng việc cứu người đó, dù bạn không trực tiếp cứu người.
Như câu chuyện có anh lái xe tên Bắc dùng xe tải làm phanh cứu được 37 người trên đèo Bảo Lộc, mình chân thành ủng hộ hành động thiện đó thì mình có nghiệp tốt tương đương cứu 37 người. Ngược lại, bạn lên Facebook chê bai hành động đó thì bạn mất đi một lượng nghiệp tốt tương đương với nghiệp tốt của việc cứu 37 người.
Khi bạn mình đăng Facebook (FB) chê bai một ai đó thì đừng vì đồng cảm, vì là bạn của mình mà ấn like, mình phải xem động cơ của người chê bai là gì. Một bài viết chê bai tiêu cực có thể có những lời vô nghĩa, thậm chí có những lời nói sai sự thật, có lời gây chia rẽ… thì mình ấn like làm gì? Nếu mình like những lời nói đó, mình cũng sẽ tạo ra nghiệp xấu tương đương với những lời nói đó.
Khi like, mình nên kiểm tra động cơ like là gì, hậu quả là gì. Động cơ đã không tốt thì đừng like. Ví dụ: đừng like cho bõ tức, đừng like vì bức xúc, đừng like khi mình không chắc chắn chuyện có thật hay không…
Ủng hộ cái gì thì nghiệp bằng cái ấy. Vì vậy hãy like để ủng hộ cái tốt, ủng hộ những việc làm đem lại hạnh phúc cho người khác. Bình luận, viết Facebook, like phát ngôn của người khác… ngôn từ toát ra từ mình đều là khẩu nghiệp.
Đừng like cho bõ tức, đừng like vì bức xúc, đừng like khi mình không chắc chắn chuyện có thật hay không.
- Tập thế nào trước và sau khi nói?
Bạn Trọng: Như vậy là mỗi người cần xác định động cơ và lường trước hậu quả, nhưng trong lúc nóng giận quá không kiểm soát được cảm xúc, trong thời gian rất ngắn, không kịp suy nghĩ thì có cách nào không ạ?
Thầy Trong Suốt: Có những cách rất hay mà chúng ta nên tập.
Trước khi nói gì, hãy tập thói quen suy nghĩ: “Động cơ của tôi là gì?”. Khi thấy có dấu hiệu không tốt thì việc của mình là dừng lại hít thở 2 giây. Nếu em tin vào Phật Pháp thì hãy đọc Om Mani Padme Hum (câu Thần chú Sáu âm của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát).
Em chỉ cần hít vào đọc thầm “Om Mani”, thở ra đọc thầm “Pê mê Hung”, chỉ 2 giây thôi, nếu không đọc gì thì chỉ hít thở cũng được. Khi mình cảm nhận có gì đó không tốt, chỉ cần dừng 2 giây thôi. Ở đây không phải là mình kiềm chế, mà mình chỉ dừng 2 giây rồi nói tiếp.
Nhưng không ngờ 2 giây đó cực kỳ hiệu quả. “Phao cứu mạng” nằm ở 2 giây đó, vì tất cả bình tĩnh sẽ quay lại. Suy nghĩ của mỗi người giống như dòng thác, nếu cứ chảy liên tục thì không dừng được, nhưng mình chỉ cần dừng 2 giây, thì 2 giây đó là chỗ để tất cả Trí tuệ, bình tĩnh len vào.
Ví dụ: Khi cơn tức xuất hiện, bình thường, em sẽ nói ngay, làm ngay theo nó – rất dễ phạm sai lầm. Bây giờ, khi cơn tức xuất hiện, em hãy dành 2 giây để hít thở.
Chỉ cần mình hít vào thở ra là một phần cơn tức đã đi ra, bình tĩnh và sáng suốt đã đi vào rồi. Nhưng mình phải tập thói quen, khi tức lên, hít thở 2 giây rồi làm gì thì làm, cái đấy tập thành thói quen được.
Cách đây hơn 10 năm, khi chưa đến với thiền, anh đã là sếp và là kiểu người rất khó chịu với cái sai. Mỗi lần đọc thấy cái thư sai là mình ấn nút “Reply” (trả lời), và gõ rất nhiều luôn. Những cái thư đó thường gây ra hiệu quả tiêu cực vì nó là những lời gõ ra khi đang tức giận.
Khi bắt đầu sửa chính mình, mỗi lần định ấn vào nút “Reply”, mình dừng lại. Vì sao? Vì lúc ấy mình đang tức. Mà nguyên tắc anh đặt ra cho mình là “đang tức thì không làm”, “đang tức thì không gửi mail”.
Anh vẫn gõ rồi lưu lại, chứ không gửi đi. Sau đó khi hết tức rồi, anh sửa mail lại thì nó thành tử tế, nói đúng mực, đúng vấn đề. Dễ mà! Nguyên tắc chỉ cần là: “Đang tức giận thì không ấn nút Gửi”. Khi tập thành nguyên tắc thì nó trở thành cái phanh an toàn.
Mỗi người nên xác định vài nguyên tắc cứng như: đang tức không ấn nút gửi; dừng 2 giây hít thở… Đến điểm mình biết phải phanh là phanh lại. Giận là phải đạp phanh, giống như đứng trước bờ vực, không đạp phanh là rơi. Lúc đầu đạp xong có thể có lúc do đà lao nhanh quá mình vẫn bị rơi, nhưng dần sẽ thành thói quen và sẽ dừng lại được.
Bạn Trọng: Thường thì chuyện xảy ra rồi, nói xong rồi em mới nghĩ lại là có thể nói nhẹ nhàng hơn…
Thầy Trong Suốt: Em có biết vì sao em lại “không nhẹ nhàng” ngay từ đầu không?
Vì mình không có thói quen CÂN NHẮC trước khi nói. Đó là một thói quen có thể tập được. Nhưng mình không có thói quen đó, thậm chí một số người có thói quen không bao giờ cân nhắc mà cứ thế nói. Sau đó họ mới thấy là dại.
Nói đùa cũng nên cân nhắc, người ta thường không cân nhắc khi nói đùa, nhưng hậu quả thì vẫn có, đúng không? Vì vậy, trước khi nói bất kỳ cái gì cần phải tập thói quen cân nhắc đến 2 điều sau:
Một: “Động cơ nói là gì?”.
Hai: “Lời mình sắp nói sẽ gây ra kết quả gì?”
Một bạn: Nhiều lúc em cũng cố để không nói ra những lời giận dữ, nhưng rất bực bội, rồi có lúc lại không kìm được mà bung ra. Liệu cứ nhịn có phải là một cách tốt không Thầy?
Thầy Trong Suốt: Nguyên tắc căn bản là: “Đè nén cái gì để không phát tác ra ngoài thì nó sẽ phát tác vào trong”. Chính vì đè nén như thế nên bên trong em rất khổ sở, bực bội. Cái gì mình đè thì có ngày nó sẽ bật lại. Mình đè cái lò xo thì nó sẽ bật mạnh hơn. (Cười)
Ở đây mình không phải là đè nén cơn giận xuống mà mình phải dùng trí tuệ để giải quyết. Mình phải dùng trí tuệ để thấy cái gì đúng, cái gì sai. Cái nào sai thì tự mình sẽ không muốn nói nữa. Cái nào đúng thì vẫn nói để đem lại kết quả tốt.
Trong câu chuyện của Vân vừa kể, câu “Em suốt ngày nói dối” là sai. “Em nói sai sự thật 2 lần rồi” mới là đúng. Thấy như vậy, mình sẽ tự không nói câu sai mà nói câu đúng.
Khi thấy rõ nói quá lên vừa là sai, vừa gây tổn thương và có hậu quả xấu trong tương lai, lúc đó Trí tuệ tự nhiên bảo mình là “Đừng nói nữa”, chứ không phải là mình nén đừng có nói. Đè nén là mình không quan tâm cái gì đúng, cái gì sai, cứ đè nó xuống, thì lúc nào đó nó bung ra còn mạnh hơn.
Hai vợ chồng, ông chồng thường nhịn vợ chuyện nhỏ, bất chợt một ngày xảy ra đúng chuyện nhỏ đó, nhưng chồng lại tát vợ và bỏ đi luôn – (Cười) Đó là ví dụ về đè nén.
Một bạn: Thế lỡ nói hay ấn like mà gây ra hậu quả xấu rồi thì nên làm gì ạ?
Thầy Trong Suốt: Có một điều phải làm, nhà Phật gọi là Sám hối hay Tịnh Hóa.
Sám hối có 2 phần. Một là mình “Hối hận” – thực sự hối hận với hành động, lời nói đấy. Hai là mình “Quyết tâm không tái phạm”, tự hứa với mình quyết tâm không mắc lại điều đó một lần nữa. Thông thường một số người hối hận nhưng không quyết tâm, nên sau đó lại mắc phải. Khi mình thực sự hối hận và hạ quyết tâm không mắc lại một lần nữa thì cường độ, số lần gây khẩu nghiệp xấu sẽ giảm chứ không tăng được nữa.
Sức sát thương của khẩu nghiệp là rất lớn. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi nói và sám hối ngay khi nhận ra đã lỡ gây khẩu nghiệp xấu.
Trước khi nói tập thói quen CÂN NHẮC: 1. Động cơ nói là gì? – 2. Lời mình sắp nói sẽ gây ra kết quả gì?
Nếu đã lỡ nói:1.Thực sự hối hận – 2. Quyết tâm không tái phạm.
- Ứng dụng khi dạy con
Bạn Vân: Em và mẹ rất khắc khẩu, em nghĩ là do mẹ hay mắng em, nên giờ mẹ cứ nói là em tìm cách bỏ đi, nếu không là cãi lại ngay. Cả hai mẹ con sau mỗi lần cãi cự đều thấy buồn, bị tổn thương. Qua trò chuyện với Thầy, em mới thấy đấy chính là khẩu nghiệp.
Thầy Trong Suốt: Đứa con trai nhỏ 5 tuổi của anh, mỗi lần nó làm sai, mẹ nó thì mắng, còn anh chỉ ôm lấy nó và khuyên nó làm điều tốt. Nó thường chơi iPad quá giờ, nếu mẹ nó giật lại máy, thì nó bắt đầu vùng vằng: “Con ghét mẹ, ghét bà”.
Anh nói: “Na Đi là một đứa bé ngoan, nó rất là tự giác”. Thật ra nó chưa tự giác, nhưng anh cứ nói thế: “Nó là đứa bé ngoan, rất tự giác”. Lần nào anh cũng nói như thế. Dần dần mẹ nó nhận thấy con tự động đưa máy cho mẹ khi hết giờ và đi khoe cả nhà là con tự giác.
Không cần chê con là hư mà chỉ cần động viên nó là đứa bé ngoan, tự giác. Dần dần nó có niềm tin nó là đứa bé ngoan, tự giác và hành xử như một đứa bé ngoan và tự giác. Nếu nói với con rằng “Con hư thế” thì dần dần nó sẽ tin nó là đứa bé hư và nó có thể sẽ hư cả đời.
Những lời nói động viên, khen ngợi có sức chữa lành rất cao. Đứa bé nào cũng có lúc hành xử “hư” như thế, tại sao mình không nhìn vào những cái tốt của nó. Khi mẹ mắng con thì có 50% là muốn sửa con, 50% là bực, muốn trút giận lên đầu nó. 50% cái bực đấy gây đau khổ cho đứa con và cho mình.
Vì thế nên không phải con mình thì mắng kiểu gì cũng được đâu (cười). Ngay cả mắng con cũng phải nghĩ xem động cơ, hậu quả là gì trước khi mắng.
Vợ anh cũng đã thay đổi và biết nói lời động viên lên nhiều, nhưng những lời mắng trước đây vẫn còn ảnh hưởng đến đứa trẻ nên thỉnh thoảng nó vẫn còn phản ứng với mẹ – đấy chính là nhân quả đấy.
Ví dụ nó chơi iPad 15 phút, mẹ nó nói “Con chơi 20 phút rồi đấy”, là nó phản ứng ngay “Mẹ nói dối”. Nó tìm ngay ra chỗ nói quá của mẹ và phản ứng, đó là nhân quả đấy. Vì thế ngay cả với con cái mình cũng phải cẩn thận khẩu nghiệp.
Những lời nói động viên, khen ngợi có sức chữa lành rất cao.
- Ứng dụng cho nhà quản lý
Bạn Tùng: Làm sếp nếu buộc phải mắng nhân viên thì mắng như thế nào cho phù hợp, thưa thầy?
Thầy Trong Suốt: Cách đây chừng 13 năm, khi anh chưa đến với thiền, có một chuyện xảy ra với một nhân viên của anh. Bạn ấy giỏi nhưng lại có thái độ không tôn trọng ý kiến lãnh đạo. Thế là một hôm có một chuyện nhỏ xảy ra, do nóng giận, anh bảo bạn ấy là “Em cút đi!”.
Một lúc sau anh hối hận ngay, nhưng bạn ấy có thể nhớ cả đời. Sau đó một hai năm bạn của bạn ấy gặp anh và kể là anh từng nói “Em cút đi” như vậy. Một lời nói trong lúc nóng giận có thể làm người ta tổn thương đến tận nhiều năm sau!
Chắc chắn là anh nhận quả xấu cho khẩu nghiệp này, dù nhiều năm sau này, anh sửa mình, tu tập rồi vẫn có nhiều người nói lời ác ý về anh, có thể vì chỉ một lần “Cút đi” hoặc những lần tương tự đó thôi. Vì mình là lãnh đạo nên lời của mình với nhân viên có sức nặng như những nhát búa đập xuống. Nhát búa có thể phá tường, đóng gạch xây nhà cũng có thể gây đau đớn cho người khác.
Sau khi đến với thiền, đầu tiên là tất cả những lời anh nói ra phải xem ĐỘNG CƠ của nó có đến từ SỰ TỬ TẾ hay không. Nếu động cơ không đến từ sự tử tế, anh không nói nữa. Kể cả chê bai một người, nếu động cơ là có phần không tử tế trong đấy, anh không nói vội mà sửa xong động cơ rồi mới nói.
Thứ hai là anh để ý xem HẬU QUẢ như thế nào. Hậu quả thì không thể đảm bảo hoàn toàn là không có hậu quả xấu, nhưng mình giảm thiểu tối đa hậu quả xấu bằng cách nhìn vào lợi và hại cho người.
Hai thứ đó anh cứ để ý thật nhiều khi nói, từ để ý nhiều thành thói quen thì thực hành rất dễ.
Khi cần mắng thì vẫn phải mắng – Mắng từ Trí tuệ
Khi mắng nhân viên mình phải cân nhắc cả hậu quả chứ không chỉ động cơ. Kể cả khi động cơ mình tốt rồi, nhưng hậu quả mình cũng phải cân nhắc.
Nhát búa đập xuống tạo kết quả nào, làm họ sửa được cái sai, làm theo cái đúng hay làm họ sợ hãi mà không sửa được gì hết? Với người sếp, suy nghĩ động cơ chưa đủ mà phải đặc biệt quan tâm đến hậu quả của lời nói với nhân viên.
Với người làm sếp, suy nghĩ động cơ chưa đủ mà phải đặc biệt quan tâm đến hậu quả của lời nói với nhân viên.
Có câu chuyện như thế này:
Một người phụ nữ theo đạo Phật đang tha thiết thực hành tình yêu thương với tất cả mọi người.
Nhưng mỗi lần cô vào chợ, lại có một gã lái buôn trêu đùa cô những lời khiếm nhã.
Một buổi sáng trời mưa, lại bị làm phiền, không chịu nổi nữa, cô tức mình phang cái ô thẳng vào đầu gã lái buôn.
Chiều hôm đó, người phụ nữ đến gặp một nhà sư, kể đầu đuôi sự việc và than thở: “Trời ơi, con thật xấu hổ quá. Sao trong con vẫn còn đầy sự căm ghét!”
Nhà sư nói: “Đúng là con đã sai khi ghét anh ta rồi.
Nhưng cuộc sống chính là việc đối thoại cảm xúc với những người khác, và con cần phải thấu hiểu sự khác biệt ở mỗi người….
Lần tới, nếu anh ta tiếp tục trêu đùa con, hãy hít thở sâu, mang tình yêu thương tràn ngập trái tim mình, rồi hãy đập cho anh ta nhát nữa.
Vì đó là ngôn ngữ duy nhất mà anh ta hiểu được”.
Có những người nói nhẹ mãi không hiểu, quát nặng lời thì họ lại hiểu. Nếu nói nhẹ, người ta tưởng chưa gây ra vấn đề gì hết, chưa gây ra hậu quả gì to tát thì thứ ngôn ngữ duy nhất để họ hiểu được là “quát”.
Các bạn: (Cười) Vậy lúc cần thì phải đập ạ? Cái đập đầu tiên và cái đập sau của cô gái khác nhau, đúng không ạ?
Thầy Trong Suốt: Đúng. Một cái đập là do muốn bõ tức, một cái đập là do Trí tuệ. Trí tuệ biết rằng cái ngôn ngữ duy nhất mà người ta hiểu là “đập” (với quản lý là mắng đấy) – thì mình đập, à quên mắng (Cười) .
Người quản lý nên nhớ “Không phải nói lời nhẹ nhàng là đúng, mà nói lời ích lợi cho người đối diện mới là đúng”. Với một số người phải dùng lời quát mà vẫn là khẩu nghiệp tốt.
Trước khi đi vào con đường sửa chính mình anh có thể đã gây tổn thương cho một số người, vì anh là kiểu người có sức sát thương bằng lời nói. Tuy nhiên, có cái hay là người có sức sát thương bằng lời nói thì cũng có sức chữa lành bằng lời nói. Lời nói có sức mạnh, dùng tốt sẽ chữa được vết thương. Vì thế anh cố gắng dùng lời nói để chữa thương, khi có cơ hội. Khi gặp một người đang tự ti mình động viên họ, gặp một người đang buồn mình chia sẻ với họ. Một đứa trẻ mình khen nó ngoan để nó muốn và trở thành đứa bé ngoan.
Không thể kiểm soát kết quả hành động nhưng có thể cố gắng gieo khẩu nghiệp tốt và tránh khẩu nghiệp xấu.
Trước khi nói bất kỳ cái gì, hãy nghĩ “Động cơ lời nói của mình là gì?” và “Kết quả của nó là gì?”.