TRONG TRẠNG THÁI PHẬT CHỈ CÓ MÌNH CON – BIẾT

Một học trò hỏi thầy Trong Suốt:

Thưa thầy, con cảm thấy mình mâu thuẫn giữa sự hiểu biết về sự thật tuyệt đối và sống trong thế giới tương đối. Ở một mặt, vài lúc con cảm nhận được sự thật mình là không gian ngập tràn Nhận Biết. Lúc đó, mọi thứ đều hạnh phúc, không có vấn đề gì. Nhưng những khi mà con chỉ nhớ điều đó như một khái niệm, con thấy mình vẫn khổ như một cái tôi sống trong luân hồi. Xin thầy chỉ dạy cho con lối sống theo sự thật tuyệt đối trong thế giới tương đối.

Thầy Trong Suốt trả lời:

Khi hành động trong thế giới tương đối, nếu con hiểu Ai là người làm thì con sống trong tương đối mà không vấn đề gì. Chỉ có vấn đề khi con tin rằng tôi là người làm. Bởi nếu con là người làm thì con sẽ là người chịu. Con có niềm tin: “Tôi là thân thể này làm mọi thứ, thì tôi cũng là thân thể này, chịu mọi thứ.” Đấy là hoàn toàn bị lừa bởi tương đối, là nguyên nhân của khổ.

Khi thực hành, con dần nhận ra cái làm những việc này không phải là thân thể này. Giống như trên màn hình phim, có vẻ như có một người làm những hành động này hành động kia. Nhưng ‘người’ trên màn hình đó không làm gì cả – mọi việc được làm bởi cái màn hình. Trên quan điểm của màn hình, làm gì có ‘người’ nào mà làm, bởi nhân vật đó chỉ là một đống các điểm hình mà thôi.

Cũng như vậy, trong đời, cái làm mọi việc, cái chiếu ra mọi cảnh này chính là cái Biết này, không có thân tâm nào là người làm cả. Tương tự như thế, cái kinh nghiệm mọi kinh nghiệm này – các cảm xúc buồn, vui, đau khổ, mất mát, là cái gì? Cái kinh nghiệm mọi chuyện đấy cũng chính là cái Biết này mà thôi. Các con đã học về vô ngã và hiểu rồi: không có tôi nào đứng sau thân tâm để chịu. Có niềm vui, nỗi buồn nhưng không có người chịu niềm vui nỗi buồn. Có những cảm giác nhưng không có người nào ở dưới để chịu những cảm giác đó cả. Vậy, cái làm tất cả mọi chuyện diễn ra là Biết, mà cái trải nghiệm mọi kết quả của tất cả các hành động đó cũng chính là Biết. Cái gây nhân vừa cũng là cái chứng kiến, không có tôi nào đằng sau các hành động.

Thứ ba là, giống như hình trong gương là gương, cả nhân quả, cả các hành động hiện ra trong Biết đó cũng là Biết. Chính cuộc sống này của con: tất cả mọi thứ diễn ra chính là Biết. Nhưng Biết không phải là một cái gì xa lạ, Biết chính là bộ mặt xưa nay của con. Gọi là ‘của con’ nhưng không có cái con nào tách rời với Biết cả, Biết chính là Con, Con chính là Biết. Sự thật tuyệt đối là duy nhất, bao trùm lên tất cả. Đừng sợ những từ như Tôi, Chân Ngã, Chính Mình… dùng nó nhưng không có ngã chấp là được. Người đã chứng ngộ thì không còn mắc vào ngôn từ, gọi là Biết cũng được, gọi là God, Allah, Đạo, gọi là Phật, là Tâm, hay là Ta, Mình… cũng được, những từ ngữ này chỉ là những cái tên tạm dùng để trỏ đến một trạng thái tuyệt đối không tên mà thôi.

Khi con thấy được ba điều đấy, thì đấy gọi là trạng thái Phật. Trạng thái Phật là trạng thái Biết nhìn vào Biết, đã nhận ra và sống với sự thật Mình là ai rồi. Ở trạng thái đó, con nhìn cuộc sống rất đơn giản: Cái tạo ra mọi thứ này là Mình – Biết Cái chứng kiến mọi thứ này cũng là Mình – Biết Những cái hiện ra này cũng chính là Mình – Biết Đời chỉ còn là Mình thôi, chẳng còn gì khác!

Lúc đó, con sẽ hiểu câu thơ sau mà thầy vừa viết: “Dù làm gì cũng chỉ thấy Chính Mình Con vĩnh viễn tung hoành trong Sự Thật” Khi nào con làm gì cũng chỉ thấy Biết, thấy Chính Mình, đó chính là trạng thái Phật. Khi nào con kinh nghiệm bất cứ thứ gì khởi lên cũng là Biết, thì khi đó con sống trong đời, làm ăn kiếm sống như một người bình thường, nhưng trong trạng thái sống rất giải thoát, vì con đã biết mọi chuyện xảy ra thực chất là cái gì. Con biết thực ra ai là người làm, ai là người xem, và tất cả mọi chuyện xảy ra thực chất là cái gì. Ba thứ đấy chỉ là một thôi – Chính Mình – Biết!

Mời các bạn đọc tiếp tại đây: https://docs.google.com/document/d/1d…

❤,Trong Suốt

(Trích từ buổi nói chuyện “Vì sao nên đi bộ 1 tiếng mỗi ngày”, Hà Nội, 18/10/2023)