Zangthalpa – Phần 19: Nàng Độ Hà Và Cô Gái Điếm Cát Tường Đã Giác Ngộ Ngay Giữa Đời Thường Thế Nào?

Mọi người sau khi nghe xong câu chuyện về sự giác ngộ của nam cư sĩ Cấp Cô Độc thì trong lòng phấn khởi hơn hẳn. Có tiếng vài người phụ nữ reo lên phía xa xa: – Thưa ngài Zangthalpa, thế còn những nữ cư sĩ sống đời sống thế tục như chúng tôi thì sao? Có tấm gương nào tiêu biểu cho chúng tôi noi theo không?

Zangthalpa mỉm cười rất hiền từ, đợi cho đại chúng im lặng hết rồi cất giọng trầm ấm, đọc lên một bài kệ:

“Lấy sự bình an, thắng sự giận dữ,
Lấy lòng tốt, thắng lòng hung ác,
Lấy lòng bố thí, thắng lòng keo kiệt,
Lấy sự thật, thắng sự giả dối”

Trong khi cư trú tại Tu Viện Trúc Lâm (Veluvana), Đức Phật đã nói bài kệ này, về một nữ cư sĩ, tên là Độ Hà (Uttarā). Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về quá trình tu hành và giác ngộ của cô ấy.

  1. Xuất thân và hoàn cảnh đắc thánh quả của nữ cư sĩ Độ Hà

Độ Hà là con gái của một người làm lao động trong trang trại có tên là Phú Lâu Na (Puñña) và vợ của ông. Phú Lâu Na làm việc cho một người đàn ông giàu có tên là Sumana, tại Vương Xá (Rājagaha). Một ngày kia, vợ chồng Phú Lâu Na cúng dường thức ăn cho Tôn Giả Xá Lợi Phất ngay sau khi ngài vừa xuất thiền ra khỏi tầng thiền sâu sắc Diệt Thọ Tưởng Định, và kết quả của việc làm thiện lành này là họ đột nhiên trở nên rất giàu có. Phú Lâu Na trong khi đang cày trên một cánh đồng, ông đã may mắn kiếm được vàng, rồi được nhà vua chính thức phong là chủ ngân hàng của hoàng gia.

Việc đầu tiên hai vợ chồng bàn nhau là phải biết tri ân Tam Bảo nên họ đến tịnh xá Trúc Lâm, thỉnh Đức Phật, hai vị đại đệ tử cùng chư Tăng để họ được đặt bát cúng dường trong bảy ngày tại tư gia. Đồng thời cũng là cơ hội để họ khánh thành tòa biệt phủ, ra mắt với mọi người, mọi giới trong kinh thành.

Buổi lễ lớn quá, họ phải thuê mướn tất cả từ tổ chức, lều trại, trang hoàng, nấu ăn, bưng dọn cùng trăm việc linh tinh khác. Bà vợ của Phú Lâu Na và con gái Độ Hà tuy tháo vát, đảm đương nhưng họ chỉ chăm lo cẩn thận, chu đáo phần việc cúng dường Đức Phật và chư Tăng mà thôi.

Cứ mỗi ngày, mỗi buổi như vậy, Đức Phật và hai vị đại đệ tử lại thay nhau thuyết pháp đến cho gia đình và quan khách. Đức vua Tần Bà Xa La (Bimbisāra), hoàng hậu Vi đề hi (Videhi) cùng triều đình cũng đến tham dự buổi đầu tiên, là một vinh hạnh lớn cho gia chủ.

Trong bảy ngày đặt bát, có một thời pháp của Đức Phật đã giúp cho hai vợ chồng Phú Lâu Na, cô con gái Độ Hà đều được chứng thánh quả Nhập Lưu! Từ đó, cả vợ chồng và cô con gái không ngày nào là không cúng dường thức này vật nọ đến chư Tăng tịnh xá Trúc Lâm. Và hễ có cơ hội là họ lại cùng nhau đi nghe pháp, do đó, càng ngày họ càng khăng khít với đức tin Tam Bảo.

  1. Xuất gia lấy chồng

Trưởng giả Sumana thấy gia đình nô lệ Phú Lâu Na, bây giờ với tài sản lớn, danh vọng lớn hơn cả mình nên cho người đến dạm hỏi cô con gái cho con trai của mình nhưng bị khước từ. Không hiểu lý do, trưởng giả Sumana đích thân tìm đến hỏi. Đại phú gia Phú Lâu Na tiếp đón “chủ cũ” của mình thật đàng hoàng, lịch sự, nhưng khi đề cập đến chuyện cầu hôn thì ông bảo:

– Xin lỗi! Con gái tôi theo Đức Phật, có đức tin với Tam Bảo; con trai ông theo ngoại đạo, chẳng có đức tin chân chánh, tôi không thể gả được!

Trưởng giả Sumana xuống giọng:

– Chúng ta dù sao cũng đã từng quen biết nhau mà! Đừng cạn tàu, ráo máng như thế! Được con gái ông làm vợ, con trai tôi biết đâu nó sẽ khá hơn, tốt hơn!

Đại phú gia Phú Lâu Na khăng khăng không chịu. Sau, do nhiều nhà quyền chức, vọng tộc, phú hào đã khuyên Phú Lâu Na đừng làm mất tình thân của trưởng giả kia, dù sao trước đây cũng đã có chút tình, chút nghĩa, chút duyên. Cuối cùng, Phú Lâu Na nhận lời, vào ngày trăng tròn rằm tháng bảy (Asalhi), gả Độ Hà cho con trai trưởng giả Sumana là chủ cũ của mình.

Từ khi về nhà chồng, Độ Hà không có dịp gặp gỡ chư vị tỳ kheo tăng ni, hoặc cúng dường hoặc nghe pháp tại tịnh xá Trúc Lâm nữa. Hôm kia, nàng Độ Hà hỏi người hầu:

– Mùa an cư còn bao lâu?

– Thưa phu nhân, nửa tháng nữa.

Độ Hà nhắn tin về cho cha đẻ: “Tại sao cha mẹ lại để cho họ nhốt con trong cái nhà vô phước này vậy? Thà là cha mẹ đánh con, chửi con còn hơn là gả con cho một gia đình ngoại đạo như thế này. Từ ngày về đây, con không được gặp đức Phật, hai vị thượng thủ giáo hội, chư vị trưởng lão, thậm chí một vị tỳ kheo cũng không thấy mặt! Ôi! Một chút công đức nhỏ cũng không làm được thì cuộc sống làm người có ý nghĩa, giá trị gì nữa?”

Cha mẹ nàng được tin, buồn bã nói với nhau rằng:

– Ôi! Con gái ta bất hạnh quá!

  1. Thuê kỹ nữ Cát Tường ở với chồng mình 15 ngày

Rồi cả hai tính kế. Sau đó, ông bà Phú Lâu Na gửi cho con gái mười lăm ngàn đồng tiền vàng, kèm theo lời dặn dò: “Trong kinh đô Vương Xá này có cô kỹ nữ tên là Cát Tường (Sirimā) nổi tiếng là một mỹ nhân trong thiên hạ; ai ở với cô ta một đêm phải bỏ ra một ngàn đồng tiền vàng, không thừa không thiếu. Thế mà các vương tôn công tử phú gia tranh giành nhau đấy! Vậy, với số tiền này, con mời cô ấy về cho chồng con để thay thế con. Và con sẽ có được thời gian mười lăm hôm để đi làm phước, cúng dường, nghe pháp tùy thích!”

Vui mừng khôn xiết, nàng Độ Hà cho mời kỹ nữ Cát Tường đến, với lời dịu dàng, đề nghị làm bạn với chồng mình mười lăm hôm, với số tiền mười lăm ngàn đồng tiền vàng đưa trao ngay tận tay. Cát Tường tức thì ưng thuận, mà chồng của nàng Độ Hà cũng vì say mê nhan sắc của cô kỹ nữ nên mau mắn đồng ý, hài lòng để Độ Hà tự do như ý.

Như chim được sổ lồng, nàng Độ Hà đi thỉnh ngay Đức Phật cùng chư vị trưởng lão để đặt bát tại tư gia nửa tháng cuối cùng trong mùa an cư. Được Đức Phật nhận lời, nàng vô cùng vui sướng nghĩ thầm: “Từ ngày mai trở đi cho đến ngày mãn hạ, ta không còn bị ràng buộc gì với ông chồng và công việc gia đình chồng nữa. Hãy để tâm vào việc sắp đặt bánh trái cơm nước cho được chu đáo!” Thế rồi nàng đích thân tính toán các loại thực phẩm, món ngọt, món mặn thượng vị cứng mềm đâu đó rồi cùng với các nữ tỳ đi chợ, vào bếp, chăm lo từ việc nhỏ đến việc lớn. Muốn cho việc đặt bát cúng dường được thành tựu tốt đẹp, nàng luôn nở nụ cười, thái độ dịu dàng, mềm mỏng khi chỉ bày công việc; và nàng lại còn vui vẻ ban thưởng tiền bạc cho những người phụ việc, kẻ làm công, tôi trai tớ gái nên ai cũng hoan hỷ, ai cũng thương kính cô chủ tốt bụng.

Đức Phật chỉ tham dự một hôm, sau đó là tôn giả Xá Lợi Phất, đôi khi thay thế bằng tôn giả Mục Kiền Liên hay tôn giả A Nan Đà dẫn đầu hội chúng. Và các thời pháp cũng thay đổi như thế.

Vậy là ngày nào nàng cũng được như ý, ngày nào nàng cũng mãn nguyện. Và thời pháp nào nàng cũng chăm chú lắng nghe, do vậy, kiến thức về kinh giáo của nàng có thêm được bề rộng và bề sâu. Điều đặc biệt, nàng thích bài giảng của tôn giả A Nan Đà về tâm từ, nên khoảnh khắc nào nàng cũng niệm tâm từ, tu tập tâm từ ngày cũng như đêm nên khuôn mặt nàng lúc nào cũng tươi rạng và mát mẻ.

  1. Bị kỹ nữ Cát Tường hãm hại

Một hôm, tình cờ chồng nàng Độ Hà đứng ở cửa sổ lầu cao, nhìn xuyên qua cửa bếp, chợt nẩy sinh ý nghĩ: “À, ta xem thử cô vợ của ta làm gì ở trong đó mà suốt cả nhiều ngày không hề thấy mặt?”

Rồi ông thấy Độ Hà đi tới đi lui, mình mẩy đẫm mồ hôi, mặt mày dính đầy tro bụi, mồ hóng… với dáng dấp như đang tất tả với công việc. Ông rủa thầm: “Họa là cái con điên! Không điên cũng khùng! Sống trong một gia đình giàu sang, danh giá như thế này, lại không thích thọ hưởng ngũ dục, những tiện nghi xa hoa, những thú vui quý phái – mà lại đầu tắt mặt tối trong bếp núc như kẻ tôi đòi, hạ tiện, nấu nướng thức ăn, cung cung kính kính phục vụ cho những ông thầy tu trọc đầu!” Nghĩ thế xong, ông cất tiếng cười rồi bỏ đi!

Cô kỹ nữ Cát Tường đứng gần đó thấy vậy, tự hỏi: “Ông ấy thấy ai mà cười vậy?” Nhìn thẳng qua cửa sổ nhà bếp, trông thấy Độ Hà đang vuốt mồ hôi trên má, Cát Tường nghe ghen tức trong lòng: “Chỉ vì bà ta thôi! Ồ! Hóa ra giữa họ vẫn còn tình tứ với nhau lắm”.

Sở dĩ có chuyện như vậy là vì, dù Cát Tường sống chưa đầy nửa tháng trong nhà triệu phú, nhưng loá mắt vì sự giàu sang, hào nhoáng, lộng lẫy của gia chủ, nàng quên mất thân phận “chỉ là kẻ thế thân vui chơi cho người ta”, lại cứ tưởng mình là “nữ chủ”! Vì vậy, Cát Tường cảm thấy căm ghét Độ Hà, khởi ác tâm muốn hại nàng, muốn làm gì đó cho nàng phải khổ sở, phải đau đớn mới cam lòng! Cô ta bèn chạy xuống lầu, đi vào nhà bếp, đến bên chảo bánh, múc một vá bơ đang sôi tiến về phía Độ Hà.

Cô Độ Hà vô tư, thấy Cát Tường đi tới không biết có việc chi, nhưng cũng mở lời: – Cô bạn đã giúp tôi rất nhiều. Trái đất này có thể to rộng, cõi trời Phạm thiên kia có thể cao lớn, nhưng lòng tốt của cô còn vĩ đại hơn nhiều. Nhờ cô, tôi được rảnh thời gian để cúng dường và nghe pháp. Cảm ơn cô nhiều lắm!

Vừa nói đến ngang đó, thoáng thấy đôi mắt cô kỹ nữ hằn lên tia lửa và cái cách cầm cái vá bơ sôi, đoán biết ngay chuyện gì. Cô Độ Hà nhắm mắt lại, niệm tâm từ rồi bình tĩnh, chậm rãi nói: – Cô bạn làm gì thì làm, tuyệt đối tôi không nổi giận với cô đâu. Nếu điều tôi nói là chân thật thì vá bơ sôi kia chẳng thể làm gì tôi được, bằng lời kia là gian dối thì tôi sẽ bị hại!

Nói thế xong, một năng lượng tâm từ như bao phủ con người cô, sắc mặt cô, nên khi vá bơ sôi từ trên đầu hắt xuống, nó chợt như nhúm nước lạnh tưới nhẹ lên đầu lên mặt mà thôi. Tức giận, Cát Tường quay lưng định đi múc vá bơ thứ hai…

Tuy nhiên, những gia nhân giúp việc đã kịp thời ra tay. Người thì la hét, người thì nguyền rủa: – Cút đi! Đồ mất nết!

– Mày là cái gì trong nhà này mà tưới bơ lên đầu bà chủ của tao!

– Hãy đánh nó!

Rồi họ đồng ùa tới Cát Tường, kẻ đánh bằng tay, kẻ đạp bằng chân, kẻ đập bằng chảo, bằng vung, người giật tóc, người xé xiêm áo… cho đến khi cô ta thân tàn ma dại.

Nàng Độ Hà can ngăn không kịp, chạy tới đẩy mọi người ra, còn nằm úp xuống trên thân để che chắn, bảo vệ cho cô kỹ nữ. Sau đó cô nói lớn tiếng rằng:

– Cô Cát Tường đã hành động thô bạo là do sân si không kiềm chế được mình; mà các người cũng bằng hành động thô bạo để đối lại thì xấu ác cũng tương đương! Làm cho người khác đau đớn như thế là không đẹp rồi, không tốt rồi!

Mọi người thấy tấm lòng quảng đại của cô chủ Độ Hà, họ cúi đầu như hối lỗi. Nàng Độ Hà đưa tay dịu dàng đỡ Cát Tường dậy rồi nhờ mọi người mang cô ta vào phòng. Sau đó, nàng tận tay tắm rửa cho cô ta bằng nước ấm, lấy khăn thơm lau khô rồi lấy dầu quý xoa bóp những chỗ bị sưng tấy. Nàng cũng đích thân vào tủ lấy xiêm áo tốt, đẹp, sang trọng để cho Cát Tường thay đổi bộ đồ cũ đã bị dơ, rách.

  1. Giúp kỹ nữ Cát Tường đến với Phật pháp

Cảm động quá, Cát Tường bưng mặt, thút thít khóc! Bây giờ, cô ta mới sực nhớ, mình chỉ là người hầu, lại được bà chủ rộng lòng tha thứ, chăm sóc chu đáo với bàn tay dịu dàng của người mẹ, cô suy nghĩ: “Thật là thô bỉ, hung ác và cả vô lý nữa, khi mình đổ bơ nóng lên đầu cô chủ chỉ vì ghen tức chồng nàng cất tiếng cười với nàng! Và nàng, thay vì sai gia nhân trói ta lại, hạch sách ta, mạt sát ta, đánh đập ta… thì nàng lại la mắng gia nhân, bảo vệ ta, lại còn tắm rửa cho ta, xoa bóp dầu thơm cho ta, hết lòng xoa dịu vết thương đau cho ta nữa! Ôi! Nếu ta không ôm gót chân nàng mà xin lỗi thì cái đầu của ra sẽ bị bể làm bảy mảnh!”

Nghĩ thế xong, Cát Tường lồm cồm bò dậy, quỳ dưới chân Độ Hà, sụt sùi nói rằng:

– Xin phu nhân tha lỗi cho tôi! Tôi đã ăn năn, bứt rứt nhiều lắm!

Độ Hà là người có trí tuệ nên nàng thản nhiên nói:

– Tôi là con của cha tôi. Nếu cha tôi tha lỗi cho cô thì tôi mới tha lỗi cho cô!

– Lành thay, thưa phu nhân! Cô Cát Tường nói – Tôi sẽ thành tâm xin lỗi với người, đại phú gia Phú Lâu Na!

– Không! Độ Hà đáp –Phú Lâu Na là cha thế gian của tôi! Tôi muốn nói đến Đức Cha xuất thế gian của tôi kìa!

Cát Tường không hiểu. Độ Hà phải giải thích:

– Chính là Đức Phật! Chính là bậc Tôn sư Vô Thượng Giác! Cả gia đình chúng tôi đều được sinh ra trong lòng giáo pháp. Cô phải thành tâm xin lỗi tôi, có sự chứng minh của đức Đạo sư mới được!

– Tôi đã hiểu rồi! Thế tôi phải xin lỗi với Ngài bằng cách nào mới xứng hợp?

– Mai là ngày cuối cùng trong mười lăm ngày làm phước sự của chúng tôi. Vậy cô phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, cơm bánh vật thực để đặt bát cúng dường đến Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ kheo! Chỉ có việc làm ấy mới nói lên lời xin lỗi chân thành nhất.

Nghe lời, cô kỹ nữ tức tốc về nhà, sai bảo gia nhân chuẩn bị đâu đấy mọi thứ. Sáng ngày, cùng với chục chiếc xe ngựa kéo cùng với tỳ nữ mang thức ăn, vật uống, thượng vị loại cứng, loại mềm đến trang viện của gia đình Độ Hà.

  1. Sự giác ngộ của kỹ nữ Cát Tường

Khi Đức Phật và hội chúng tỳ kheo đến, cô kỹ nữ Cát Tường cúi gầm mặt, không dám ngửng đầu lên, cũng không dám tận tay dâng vật thực đến cho ai cả. Biết được sự tự ti mặc cảm của cô bạn, nàng Độ Hà sai bảo gia nhân, cùng với mình làm những công việc như lệ thường.

Trong lúc Đức Phật và hội chúng thọ trai, Cát Tường cùng một đoàn tỳ nữ của cô vẫn lặng lẽ quỳ ở phía trước.

Độ thực xong, khi tay vừa rời khỏi bình bát, Đức Phật mỉm cười nói:

– Vật thực đặt bát cúng dường hôm nay, dường như không phải là của “con gái nhỏ” (ý là nữ học trò đã giác ngộ) của Như Lai?

Độ Hà đang hầu bên, cung kính đáp:

– Đúng vậy! Bạch đức Thế Tôn! Phần phước sự hôm nay là do bạn con, Cát Tường thành tâm xin sám hối với đức Thế Tôn vì một việc làm không được đúng, không được tốt!

Đức Phật với từ tâm mát mẻ, ngài nói:

– Này Cát Tường! Hãy nghe, Như Lai muốn nói chuyện với con đây.

Và khi cô kỹ nữ lí nhí:

– Thưa vâng, thưa vâng.

Rồi ngửng đầu lên, đức Phật hỏi:

– Con đã làm việc gì mà nghĩ là có tội vậy?

– Con đã tạt vá bơ sôi lên mặt của nữ chủ, bạch đức Thế Tôn!

– Ừ, ấy là việc xấu, ác! Rồi sao nữa?

Cô Cát Tường bèn kể lại toàn bộ sự việc rồi nói thêm:

– Do vậy, con muốn xin lỗi thì cô chủ bảo, hãy “xin lỗi với người cha xuất thế gian của tôi” nên hôm nay mới có phước sự này! Cô còn bảo, nếu cha tôi tha lỗi thì tôi sẽ tha lỗi!

– Có đúng vậy không, Độ Hà?

Rồi đến lượt, Độ Hà kể lại. Nghe xong toàn bộ sự việc, Đức Phật khen ngợi:

– Này Độ Hà! Hành động được vậy là quý lắm, là tốt lắm! Con đã thấy được sự thật muôn đời, và cũng sống được với sự thật muôn đời ấy! Chỉ có dòng nước mát ngọt của tâm từ mới tưới tắt tất thảy cơn lửa nóng của tâm sân, tâm hận. Từ bi mới có thể xóa sạch oán thù! Dùng không mắng chửi để thắng mắng chửi. Dùng bố thí để thắng xan tham. Dùng thật ngữ để thắng vọng ngữ. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi đó con!

Rồi đức Phật đọc lên một bài kệ:

Không sân chế ngự hận sân
Với người xấu, ác; phải cần lành, vui!
Xan tham, bố thí diệt rồi
Lấy lòng chân thật thắng lời dối gian!

(Kinh Pháp Cú bài kệ số 223)

Khi Cát Tường nghe xong bài kệ, cô đắc quả Nhập lưu, sung sướng quá, cô quỳ lạy đức Phật và cô đã khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Chỉ có đức Thế Tôn và một số trưởng lão là đọc được “ngôn ngữ” của tiếng khóc ròng rã ấy.

Đức Phật dịu dàng cất tiếng hỏi:

– Con có học được bài học gì đấy, có phải thế không, Cát Tường?

– Thưa vâng! Bạch đức Tôn sư! Như đám mây phủ ngàn năm đã được xua đi mãi mãi! Như đêm tối trời, chân cao chân thấp trên bờ vực thì giáo pháp của đức Đạo sư đã cho con một ngọn đèn. Xin cho con được trở về nương tựa nơi Tam Bảo, để từ rày về sau sống cuộc đời lành, tốt hơn!

– Ừ! Vậy là con đã sám hối rồi đấy! Như Lai chứng nhận hành động sám hối thiết thực ấy của con.

Chợt một tiếng nói bên sau vọng lại:

– Đệ tử cũng nhìn nhận sự sám hối ấy hôm nay của Cát Tường là chân thật, là đại chân thật, bạch đức Tôn sư!

Mọi người quay mặt nhìn lại, hóa ra là vị thần y Kỳ Bà (Jīvaka), ông ta chính là anh ruột của cô kỹ nữ.

Thần y Kỳ Bà bước vào quỳ bên cạnh Cát Tường, đảnh lễ Đức Phật rồi nói tiếp:

– Bao nhiêu năm qua, bạch đức Tôn sư! Đệ tử đã không nhìn mặt nó, đã đoạn tuyệt với nó; từ rày về sau, đệ tử sẽ nhìn nhận nó là em, một đứa em chân chính, lang thang lưu lạc nay đã trở về. Ôi! Trong mịt mù cát bụi lầm lỡ, may nhờ uy đức của Tam Bảo, anh em con mới nhìn thấy rõ mặt nhau! Tri ân đức Vô Thượng Giác.

Thần y Kỳ Bà cũng quay sang, chắp tay xá sâu, cảm ơn ánh sáng trí tuệ và năng lượng từ bi của nữ gia chủ Độ Hà đã cảm hóa, đưa em ông trở về với chánh đạo! Những người có mặt ở trang viện, ai ai cũng xúc động.

Độ Hà cảm thấy mừng vui đến nghẹn ngào, nàng cũng chấp tay xá chào lại:

– Tôi cũng cảm ơn người bạn của tôi, cô Cát Tường, đã giúp tôi tu tập được chút ít tâm từ mà đức A Nan Đà đã chỉ dạy.

  1. Vị tỳ kheo phải lòng kỹ nữ Cát Tường

Về phần cô kỹ nữ Cát Tường sau khi đắc quả Nhập Lưu, không những cô đã hoàn lương mà còn thu xếp đời mình để sống theo giáo pháp một cách rất thuần thục nữa.

Mùa an cư mãn hạ đã lâu, sợ đức Phật và chư Tăng không biết sẽ tản mát ra đi du hóa lúc nào, nên nàng đến Trúc Lâm thưa bạch với đại đức Ma-Ha Banh-tha-ca (Mahāpaṅthaka) xin mỗi ngày được đặt bát cúng dường tám vị tỳ kheo tại tư gia.

Thế là, nàng trích mười sáu đồng tiền vàng mỗi ngày, sắm sanh vật thực với những món cứng mềm thượng vị rất chu đáo. Sau khi chư tỳ kheo thọ thực tại chỗ xong, nàng còn tận tay, khi thì sữa chua, khi thì sữa tươi sớt đầy bát cho các vị nữa, nhiều đến nỗi ba bốn người dùng phi thời có lẽ cũng không hết.

Hôm nọ, có một vị đại đức, sau khi độ thực xong ở nhà nàng, ông du hành đi đến một nơi xa, cách thành phố chừng ba bốn do tuần rồi ngụ tại một tịnh xá trong làng.

Trong lúc rảnh rỗi, chư tỳ kheo tại trú xứ thăm hỏi sức khỏe của đức Thế Tôn, sau đó hỏi han đời sống tứ sự ở Trúc Lâm giờ ra sao; và riêng đại đức thì đi trì bình ở đâu, có đủ cứng mềm, ngon bổ không.

Vị đại đức thành thật đáp:

– Khỏi nói! Tại Trúc Lâm, khi nào có đức Đạo sư thì tứ sự sung mãn, không hề thiếu thốn thứ gì.

– Đúng là vậy rồi! Còn nếu đi trì bình trong kinh thành thì lúc này như thế nào?

– Nơi nào cũng tạm đủ. Ngày nào cũng đủ no lòng. Tuy nhiên, có những lúc gặp những thí chủ đặc biệt.

– Đặc biệt ra làm sao?

– Ví như lúc nào họ cũng cúng dường thượng vị. Ví như lúc nào, họ cũng cúng dường thêm thức ăn phi thời như mật, đường, sữa tươi, sữa chua cả một bát đầy!

– Lúc nào cũng thế sao?

– Ừ, có một nữ thí chủ đặc biệt hình như lúc nào cũng thế! Tròn vành vạnh. Lại còn biết cách cúng dường như lễ độ, khéo léo. Lại còn ngôn ngữ dịu dàng, khả ái. Lại còn nụ cười duyên dáng làm cho ai cũng thấy mê, thấy mệt!

Có một vị tỳ kheo trẻ nghe kể vậy, lần tới một bên, xen vào một câu góp chuyện:

– Vì thấy mê, thấy mệt nên đại đức bỏ trốn từ đó về đây phải chăng?

– Không dám thế đâu! Nhưng quả thật là tôi đã thấy nguy hiểm thật đấy!

Một vị hỏi:

– Nữ gia chủ ấy đẹp lắm sao?

– Dĩ nhiên rồi! Đệ nhất kinh thành đấy!

Thêm sau câu chuyện kể, vị đại đức còn cho biết là không phải ai cũng tùy tiện đến tư gia cô ấy để khất thực được đâu. Tịnh xá Trúc Lâm được điều hành quy củ đâu ra đó. Tư gia cô gái kia mỗi ngày chỉ thỉnh tám vị, không dễ gì đến phiên mình đâu. Nhưng nếu ai biết cách, đi thật sớm, khi mặt trời vừa lên là có mặt ở phòng phát thẻ rồi. Tám vị tỳ kheo đầu tiên sẽ được vị đại đức tri sự trao cho tám thẻ tre ưu tiên đến nhà cô ấy.

Họ thắc mắc:

– Thế chư vị trưởng lão, họ đến sau, không có thẻ ưu tiên sao? Và nếu nhiều vị muốn đi, không phát sinh việc mất trật tự sao?

Vị đại đức cười:

– Chúng ta là phàm Tăng nên mới đưa ra những câu hỏi như vậy. Từ khi mấy ông sư cứng đầu, lộn xộn bị chư trưởng lão trục xuất đi rồi thì Trúc Lâm rất bình yên, không có chuyện tranh trước, tranh sau đâu. Còn chư vị trưởng lão thì không bao giờ đến phòng phát thẻ, ngoại trừ có yêu cầu; và quý ngài cũng không cần bất cứ một ưu tiên nào cả. Quý ngài thọ dụng đâu cũng được, ngon dở, bổ béo gì, các ngài có để tâm đâu!

Chư tỳ kheo nghe xong, một vị nói:

– Đúng vậy! Chư trưởng lão là tấm gương cho chúng ta. Trường hợp là tôi, nếu cô ta dịu dàng, khả ái như thế, tôi cũng sẽ trốn chạy như đại đức vậy.

Riêng vị tỳ kheo trẻ mới nghe qua chuyện cô nữ chủ, tuy chưa biết mặt mũi ra sao, trong tâm mình đã cảm nghe xao xuyến, trái tim mình đã đập rộn trong lồng ngực. Không nói với ai, ông lặng lẽ thu dọn chỗ ở, ôm y bát bộ hành ngay về Trúc Lâm tịnh xá trong đêm ấy. Sớm hôm sau, trời vừa rựng sáng thì vị tỳ kheo kia đã có mặt trong phòng phát thẻ. Thế là ông được đi bát tại tư gia Cát Tường.

Rủi ro cho vị tỳ kheo trẻ muốn diện kiến dung nhan của cô Cát Tường vì nữ chủ đã bị bệnh từ chiều hôm trước. Tuy nhiên, cô cũng dặn bảo gia nhân chăm lo chu đáo vật thực y như mọi ngày. Khi được báo chư Tăng tám vị đã đến, nằm tại giường trong, nàng bảo: – Này các em! Hãy thỉnh các ngài vào nhà an tọa, dâng nước uống, khăn thơm lau mặt. Sau đó, kiểm soát lần cuối cùng vật thực chuẩn bị sẵn, thỉnh bát, sớt đầy bát rồi dâng cúng đến quý ngài. Nhớ nói rằng, chủ của con, đệ tử Cát Tường, hôm nay bị bệnh, không tận tay sớt bát cúng dường được, xin quý ngài cho nữ chủ con được sám hối!

– Thưa chủ, vâng!

Lát sau, gia nhân vào thưa:

– Công việc đã xong, thưa chủ!

– Tốt lắm! Giỏi lắm! Nàng cất giọng thều thào, trông có vẻ đã quá mệt – Hãy dìu ta ra bên ngoài để đảnh lễ quý ngài, nằm như thế này là không được, là thất lễ!

Cô Cát Tường gắng gượng đi từng bước, có hai thị nữ dìu hai bên, đến phòng khách, nàng lảo đảo quỳ xuống đảnh lễ chư tăng. Vị tỳ kheo cao hạ nhất, ái ngại nói với cô:

– Được rồi! Chúng tôi ghi nhận tấm lòng rồi! Nữ chủ hãy vào nghỉ ngơi đi.

Vị tỳ kheo trẻ “phải lòng” cô, âm thầm quan sát mỹ nữ một hồi rồi nhủ thầm trong tâm rằng: “Trời đất ơi! Cô ta bị bệnh mà còn đẹp như thế kia, huống hồ khi vô bệnh? Huống hồ có thêm xiêm áo, son phấn, điểm trang? Chắc chắn cô ta đã cắt đứt hằng trăm, hằng ngàn trái tim của vương tôn, công tử kinh thành Vương Xá này rồi!” Vị tỳ kheo càng nhìn thì lòng ông như càng bị lửa nóng nung đốt. Trong khi các vị kia ngồi độ thực tại chỗ, còn ông thì lật đật ôm bát đứng dậy, rồi như người vô hồn, đi thẳng về Trúc Lâm. Vội vàng kiếm một phòng của khách Tăng, vị tỳ kheo đặt nguyên bát vật thực còn nguyên trên kệ; rồi đến giường nằm vùi, cứ tơ, cứ tưởng hình bóng của nàng Cát Tường trong tâm tưởng. Vậy là vị tỳ kheo trẻ ôm cả mối tình si khó phân, khó giải suốt mấy hôm như thế, không ăn, không uống…

  1. Cái chết của kỹ nữ Cát Tường

Hôm kia, cả Trúc Lâm tịnh xá đều hay tin, cô Cát Tường, cận sự nữ Thánh đệ tử đã đột ngột qua đời do bệnh tim. Thần y Kỳ Bà đến ngay tức khắc nhưng không còn cứu kịp, tưởng là chỉ cảm sốt thông thường thôi. Ai ngờ! Ngay chính đức vua Tần Bà Xa La cũng bàng hoàng, vì Cát Tường là em gái của thần y Kỳ Bà, là kỹ nữ nối tiếng của kinh thành, có chút liên quan đến hoàng gia. Lễ hỏa táng của cô, nhà vua cũng muốn tham dự.

Zangthalpa - Phần 19: NÀNG ĐỘ HÀ VÀ CÔ GÁI ĐIẾM CÁT TƯỜNG ĐÃ GIÁC NGỘ NGAY GIỮA ĐỜI THƯỜNG THẾ NÀO? 2

Một số đông chư Tăng đã từng biết cô kỹ nữ, họ bàn tán xôn xao, cái gọi là “hồng nhan bạc mệnh”. Có một số vị cảm thương cô vừa trở về đời sống của một cận sự nữ thuần thành đã vội lìa đời quá sớm. Đa phần họ thương tiếc.

Có vị chứng kiến sự si tình của tỳ kheo trẻ, ông đẩy cửa phòng đến báo cho bạn hay:

– Cô Cát Tường đã mất rồi!

Đang nằm mê man bỏ ăn cả ba ngày, nhưng mới nghe nhắc đến tên Cát Tường, ông đã vội nhỏm dậy. Sau khi nghe bạn kể cô kỹ nữ đã từ trần, vị tỳ kheo trẻ ngồi thừ rất lâu.

Đức Phật biết chuyện vị tỳ kheo si tình nên cho tôn giả Mục Kiền Liên đến báo cho thần y Kỳ Bà hay, là đừng vội hỏa táng thi hài Cát Tường, ngài sẽ đến nghĩa địa cùng với chư Tăng.

Khi Đức Phật và chư Tăng đến nơi thì thần y Kỳ Bà ra đón rồi dẫn ngài đến bên hỏa đài. Lát sau, đức vua Tần Bà Xa La với nghi vệ thiên tử và tùy tùng cũng vừa xuống ngựa. Rồi còn rất nhiều quan khách, đa phần là những vương tôn, công tử có kỷ niệm với cô kỹ nữ nên họ đến đây như thầm lặng từ giã giai nhân mà họ đã từng thầm yêu, trộm nhớ một thời.

Cô nằm nhắm mắt an lành trên giàn hỏa phủ đầy hoa, nhưng vẫn toát ra sự gợi cảm nhục dục một cách mãnh liệt, không khác gì lúc còn sống, làm cho không biết bao trái tim xung quanh phải xốn xang. Trong đó có vị tỳ kheo trẻ, ông đã núp trốn sau lưng vị tỳ kheo khác, nhưng đôi mắt thì đắm đuối, mê man bị cuốn hút vào thân xác vô tri. Và dường như ai ai cũng đang lặng im chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hóa sắp bị thần lửa mang đi.

Chợt Đức Phật bước đến sát bên giàn hoa, tụng một bài kệ ngắn rồi nói lớn tiếng rằng:

– Như Lai đã tiễn biệt “con gái út” của Như Lai rồi đó!

  1. Đức Phật cho bán xác chết của kỹ nữ Cát Tường để giáo hoá

Ngài lại nói với thần y Kỳ Bà:

– Ông hãy cho che một mái rạp và hãy cho người giữ gìn để nguyên thi hài cô mỹ nữ như vậy trong vòng bảy ngày. Như Lai sẽ có đề tài giáo hóa chúng sanh.

Rồi Đức Phật lại quay sang đức vua Tần Bà Xa La; và cuộc đối thoại giữa họ, người thứ ba không nghe được:

– Bắt đầu ngày mai, phiền đại vương cho người rao khắp kinh thành: “Ai muốn mua đệ nhất mỹ nhân Cát Tường, nhà vua sẽ bán với giá một ngàn đồng tiền vàng!”

Đức vua chưa hiểu ý, cũng hỏi nhỏ: – Ai họ sẽ mua, bạch đức Đạo sư?

– Nếu ngày thứ nhất không ai mua thì cho rao hạ giá xuống là năm trăm đồng tiền vàng!

– Thưa, nếu cũng không ai mua?

– Thì hạ giá xuống còn một trăm, hai mười đồng, một đồng, một cắc, một xu… cuối cùng là biếu tặng không! Đại vương hiểu ý Như Lai chứ?

Đức vua mỉm cười, gật đầu: – Đệ tử hiểu tôn ý rồi!

Xong, Đức Phật và đại chúng tỳ kheo trở lại Trúc Lâm tịnh xá. Mọi người lần lượt giải tán.

Hôm sau, quân lính đi khắp các ngã đường trong kinh thành, rao bán mỹ nữ Cát Tường với giá một ngàn đồng tiền vàng, vọng từ nơi này sang nơi khác. Và có lẽ không ai mua nên ngày thứ hai, những toán lính rao truyền hạ giá xuống nữa. Và tuần tự hạ giá xuống một đồng, một xu; đến ngày thứ bảy, tặng không, biếu không cô mỹ nữ nhưng chẳng ai lên tiếng ừ hử!

Đến ngày thứ tám, Đức Phật và hội chúng tỳ kheo đến nghĩa địa thì đức vua, tùy tùng, hoàng gia và quan khách rất đông cũng đã có mặt. Và cũng chính ngay lúc ấy, chỉ có Đức Phật và chư Thánh lậu tận có thắng trí mới thấy rõ cô kỹ nữ Cát Tường đã hóa sanh làm bà hoàng hậu của vua trời Dạ Ma Thiên (Suyāma) ở cõi trời thứ ba Dạ Ma (Yama); và cô đã cùng với năm trăm thiên nữ ngự trên năm trăm cỗ thiên xa đồng ngự xuống đảnh lễ Đức Phật và đại chúng tỳ kheo.

Đức Phật chỉ tay vào thi hài, nói rằng:

– Quý vị hãy nhìn kìa! Lúc còn sống, kỹ nữ Cát Tường được xem là đệ nhất mỹ nhân của kinh thành Vương Xá! Biết bao nhiêu thanh niên vương giả, quý tộc, đại phú gia, tiểu phú gia tranh giành nhau được cận kề mỹ nữ một đêm, phải trả đúng một ngàn đồng tiền vàng. Nhiều hơn, cô ta không cần, thiếu chút ít, kẻ tình si sẽ bị gia nhân tống ra khỏi cửa cho dù là một ông vua con! Cô ta làm vậy không phải vì tham vàng, ham bạc mà chỉ để biểu tỏ đẳng cấp và quyền lực của cái đẹp mà thôi!

Này chư vị! Thuở sanh tiền, thức ăn vật uống tẩm bổ xác thân của nàng phải nói là ăn tinh, uống hoa. Việc giữ gìn nhan sắc, các vòng eo, vòng thắt phải nói là đã học hết “bí quyết” chân truyền của cổ xưa! Châu báu, kim ngân trang điểm của nàng có giá trị có thể mua đứt một chức quan tổng trấn! Xiêm áo, lụa là, phấn son… phải nói là có sẵn ở những cửa hiệu trứ danh của kinh đô Ba La Nại (Bārāṇasī) hoa lệ.

Như vậy đó! Giá trị thân xác mỹ miều gợi cảm và sắc đẹp “hoa ghen, liễu hờn” của nàng đã được thế gian tôn vinh, quý trọng quả thật là đã hết ngôn ngữ diễn đạt. Nhưng bây giờ thì sao? Trong bảy ngày qua, quân lính của đức vua hiền thiện đã khổ công rao bán nhưng chẳng ai thèm mua! Một xu, một cắc cũng không ai mua. Cho đến đỗi cho không, biếu không, tặng không cũng chẳng ai đoái hoài! Tại sao vậy? Tại vì cái thể xác mê hồn kia, cái sắc đẹp quyến rũ ong bướm kia, bây giờ chỉ còn là một đống thịt thối cho giòi bọ tranh nhau, chỉ còn là một bọc máu mủ tanh tưởi cho ruồi lằn họp chợ! Rồi ngày qua tháng lại, nó chỉ còn như một trái bầu khô người ta quăng bỏ bên vệ đường, chỉ còn là một đống xương trắng, chẳng có ai thích thú để đứng mà ngắm nhìn cả.

Này chư vị! Hãy thấy rõ sự thật của cái thân là như vậy! Là phải bị suy già, bệnh tật, ốm đau và dơ uế! Nó lại còn mong manh như gốm sứ dễ vỡ. Nó lại còn nguy hiểm như một cục ung bướu không biết hờm sẵn chỗ nào ở lục phủ, ngũ tạng? Nói cách khác là tất cả chúng đều bị thời gian làm cho thay đổi, biến hoại từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nói cô đọng hơn thế nữa, tất thảy pháp hữu vi đều bị định luật vô thường và vô ngã chi phối. Nó không chắc thật, không trường cửu, không ổn định, thường phát sanh sầu ưu, khổ não.

“Nhìn kia, thể xác mê hồn

Đống phân, hầm bệnh lại còn đớn đau

Bậm tâm lo trước, tính sau

Có chi bền vững mà cầu trường sanh?”

Rồi tiếp theo đó, đức Phật thuyết liên tục mười bốn kệ ngôn rồi giảng giải rất chi li, khúc chiết về sự cấu tạo của thân gồm ba trăm khớp xương được ràng buộc bởi chín trăm sợi gân, được nối bởi bảy ngàn sợi dây thần kinh, được tô trét bởi chín trăm thớ thịt, bao bên ngoài bởi một làn da mỏng… Cái bao, cái túi da ấy đựng bên trong nào tim, nào phổi, nào thận, nào lá lách, nào gan, bao tử, ruột non, ruột già… Trong bao tử, ruột non, ruột già thì chứa thức ăn cũ, mới và phân, sán lãi, vi trùng… Trong tim thì có máu đen, máu đỏ; tuy nhiên, màu sắc của nó còn tùy thuộc trạng thái tâm mà biến dạng, đổi màu. Ví dụ người có tâm ái dục mạnh thì máu màu đỏ; tâm sân hận nhiều thì máu có màu đỏ sậm hay đỏ đen; tâm si mê nhiều thì máu có màu đỏ nhợt nhạt; tâm có đức tin nhiều thì máu đỏ thắm ửng vàng; tâm có trí tuệ thì màu máu đỏ trong…

Đức Phật nhấn mạnh sự bất tịnh của thân, nó chứa đầy ô trược và dơ dáy; thường bài tiết, rỉ chảy ra chín cửa như đại tiện, tiểu tiện, ghèn mắt, nước mũi, cứt mũi, đàm, nước bọt, nước miếng, ráy tai… Và ngay cả cái đầu của con người mà ai cũng quý trọng, nó cũng đáng nhờm gớm chẳng khác gì. Kẻ si mê không thấy rõ sự thật như vậy nên bị ngã ái, ngã kiến chi phối, sống bít bùng trong ái dục, ngã mạn và dối lừa.

“Thành trì kẹp cốt, bó xương

Đắp thêm máu thịt, tô hường, quét son

Mang thêm tật bệnh, tử vong

Chứa đầy ngã mạn lại gom dối lừa!”

Được biết rằng, sau buổi thuyết pháp ấy, rất đông chư Tăng và quan khách uống được hương vị Pháp bảo. Hoàng hậu của đức vua trời Dạ Ma Thiên (Cô kỹ nữ Cát Tường hóa sanh) đắc Thánh quả Bất lai. Riêng vị tỳ kheo si tình thì đã có cuộc chuyển hóa vĩ đại, ông đã đắc pháp nhãn, bước vào dòng giải thoát.

Kể đến đây Zangthalpa kết luận:

– Vì giới tu hành thường có định kiến về nữ nhân không thể giác ngộ, qua câu truyện về 2 nữ cư sĩ đều đắc thánh quả Nhập Lưu này, ta có thể thấy ở thời Đức Phật đã có những vị thánh nữ cư sĩ đạt giác ngộ ngay giữa đời thường, nên định kiến trên là không có sở.

Sách nói- Người đọc Phương Thúy

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 20: Tuệ Trung Thượng Sĩ, bậc cư sĩ giác ngộ tiêu biểu của Việt nam 

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.