Zangthalpa – Phần 38: Cây Gậy Của Ta Đã Dựng Đứng Lên Rồi

Ngày xưa, vào khoảng thế kỷ thứ XIII, Thiền tông đã rất phát triển và trở thành quốc giáo của Trung Quốc. Rất nhiều người đi tu, không tu xuất gia thì tu tại gia. Người dân ai ai cũng mến mộ Phật, kính trọng người tu thiền.

Ở ngôi làng nọ, có một nữ trưởng giả tên là Hồng Thảo, bà goá chồng và đang sống cùng cô con gái mới lớn rất xinh đẹp tên là Hồng Nhung. Bà trưởng giả tốt bụng, hiểu biết, sống có trước có sau nên công việc làm ăn rất thuận lợi, có của ăn của để. Không những thế, bà còn là một cư sĩ tại gia thuần thành, tu hành miên mật, tích tập công đức và tham thiền.

Một ngày kia, hai mẹ con bà trưởng giả cùng nhau đi dạo trong chợ, thấy có một cư sĩ theo trường phái khất thực đi ngang qua. Người này mặt mũi thanh tú, sáng sủa, dáng vẻ đoan chính. Cảm thấy người này thực tâm tu hành và có tương lai trong Pháp, mới nhìn là đã có thiện cảm, cô tiểu thư Hồng Nhung liền thưa chuyện với mẹ. Hai mẹ con có ý định hỗ trợ, với hi vọng giúp đỡ người này tu hành giác ngộ.

Nhà bà Trưởng giả có một mảnh vườn rất rộng bên cạnh nhà, trước giờ để đó chưa biết dùng làm gì, nay xem đúng là ý trời. Bà Trưởng giả cho gọi ngay cô em họ Hồng Hạnh – thợ mộc giỏi nhất làng – đến cất một căn nhà gỗ nhỏ xinh trên mảnh đất ấy với ý định đợi hôm nào vị khất sĩ trẻ qua đây khất thực thì đặt vấn đề luôn.

Mấy hôm sau, chàng khất sĩ đến trước cửa nhà Hồng Thảo, bà cho gia nhân mời vào nhà, nhã nhặn nói:

– Này chàng trai trẻ, nếu cậu một lòng quyết tâm tu hành giác ngộ, thì tôi sẽ hết lòng trợ duyên cho cậu tu tập. Tôi có một căn nhà gỗ nhỏ ngay bên cạnh, cậu có thể đến ở và tập trung hành trì. Tôi sẽ giúp cậu thêm thức ăn, nước uống. Cậu chỉ việc tu hành thôi!

Ngày đấy đói kém khắp nơi, có người nuôi để tu hành thì đúng là phước báu hiếm có, khất sĩ trẻ tên Minh Việt rất cảm động, hết lời cám ơn.

Bà trưởng giả giao hẹn thêm:

– Tôi chỉ muốn nuôi một người giác ngộ thôi, nếu mà cậu không giác ngộ được trong vòng ba năm thì xin mời cậu đi cho!

Minh Việt đáp:

– Tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của bà, trong ba năm chắc chắn tôi sẽ quyết tâm giác ngộ bằng được.

Minh Việt về ở căn nhà gỗ trong khu vườn, ngày ngày đọc sách tham thiền, thỉnh thoảng ra ngoài tưới cây, đi dạo, tránh xa sự xô bồ đông đúc.

Hằng ngày, cô tiểu thư Hồng Nhung mang thức ăn tới, lén nhìn khuôn mặt khôi ngô của Minh Việt qua khe cửa và rồi đem lòng cảm mến lúc nào không hay. Cô thầm tưởng tượng đến cảnh một ngày chàng cư sĩ này giác ngộ, sẽ cùng sánh đối với mình đi khắp nhân gian cứu độ chúng sinh.

Bà trưởng giả bận buôn bán làm ăn, không gặp trực tiếp Minh Việt, lâu lâu lại hỏi thăm tình hình qua cô con gái:

– Thế nào, con thấy người tu hành ấy thế nào rồi?

Cô Hồng Nhung nhanh nhẹn báo cáo, không giấu nổi sự háo hức:

– Dạ, chàng ấy rất chăm chỉ ngồi thiền, con nghĩ sắp giác ngộ đến nơi rồi.

Thấm thoát 3 năm trôi qua, đã đến ngày cuối cùng của giao ước, bà trưởng giả thầm nghĩ: “Làm thế nào biết Minh Việt giác ngộ hay chưa?” Nghĩ ngợi một lúc, bà mỉm cười đắc ý, gọi cô con gái yêu đến nói chuyện:

“Con gái, con hãy đến chỗ thợ may Ngọc Bích, nói cô ta may một cái quần cho Minh Việt, xong con hãy làm thế này… Thế này… ”

Cô Hồng Nhung chắm chú nghe, nghe đến đâu mắt sáng đến đó, cười cười, gật gật, hào hứng. Cô nhanh chóng đến cửa hàng may. Sáng hôm đó, cô sốt sắng ở luôn cửa hàng chờ thợ may làm xong cái quần để mang về. Bà trưởng giả tối đến ngửa mặt lên trời, tính tính toán toán gì đó… Nhìn thời tiết đoán rằng, tối nay canh 3 khả năng mưa to, bà ra hiệu cho cô con gái sẵn sàng hành động.

Đêm hôm đó, đã khuya lắm rồi, xung quanh im lặng như tờ, cô gái cầm lồng đèn mang cái quần mới may cho chàng cư sĩ, rón rén đến căn nhà gỗ. Hồng Nhung đến tuổi cập kê, vừa xinh đẹp vừa khao khát yêu đương. Tối nay, cô bận xiêm y trắng hồng tinh khôi, dưới ánh sáng mờ mờ từ chiếc đèn lồng, gió lớn bắt đầu thổi, thân hình mơn mởn đầy sức sống như muốn bung ra khỏi làn áo mỏng.

– Cốc cốc cốc…

Minh Việt đang ngồi thiền hỏi vọng ra:

– Ai gọi đó?

– Em là bạn của gió – Cô Hồng Nhung thỏ thẻ.

Minh Việt lạnh lùng đáp:

– Nếu là bạn của gió, xin ở ngoài.

Cô Hồng Nhung đang hào hứng bỗng bị đối xử lạnh lùng nên rất hụt hẫng, nghĩ: “Mấy năm trời một lòng một dạ chăm sóc hỗ trợ chàng ta tu hành, thức ăn nước uống không thiếu ngày nào. Vậy mà lại đối xử với ta phũ phàng như vậy, không lẽ đối với ta, chàng không có chút rung động nào sao?”

Lúc này, trời bắt đầu chuyển mưa to, cô Hồng Nhung đứng ngoài hiên, mưa táp ướt hết cả áo, vẫn nhỏ nhẹ:

– Không, em không có ý gì đâu! Chỉ là quần áo của chàng đã mấy năm nay không có mà thay, em thấy quần cũ đã sờn và rách nhiều. Em mới thức đến khuya, vừa may xong cho chàng một cái quần mới, xin chàng cho em vào để em đưa.

Minh Việt nhìn xuống quần, ngẫm: “Cũng có lý, quần này cũng đã mặc bao nhiêu năm, sờn rách hết cả mà lâu nay ta không để ý. Quần rách cũng không sao. Nhưng hở mông mà cô ấy đưa cơm nhìn thấy cũng không tiện. Trời thì đang mưa to, để cô ấy đứng ngoài cũng đáng thương. Thôi! Cho vào vậy”.

Minh Việt nói vọng ra:

– Cô hãy đợi ta một chút! – Nói rồi đứng dậy, chỉnh lại áo, buộc lại quần rồi đi ra mở cửa.

Cô Hồng Nhung bước vào phòng, bộ xiêm y bị mưa làm ướt hết, đã trắng lại còn mỏng cứ dính chặt vào thân thể, khúc nào ra khúc nấy.

Minh Việt mở cửa là đoán ra ngay ý của Hồng Nhung, tuy nhiên vẫn rất bình tĩnh nhận lấy chiếc quần, khuôn mặt không chút bối rối:

– Cám ơn cô, ngày mai ta sẽ thay. Ở đây có cây dù, cô hãy cầm lấy và về đi.

Hồng Nhung như không nghe thấy Minh Việt nói gì, tiến tới:

– Để em thay cho chàng!

Không chờ Minh Việt đồng ý, Hồng Nhung sấn tới kéo phăng cái quần Minh Việt xuống!

Thường thì đứng trước một cô gái quá đỗi khiêu gợi trong một không gian vắng vẻ như thế, thật khiến người ta không kìm được tình ý. Nhưng kì lạ thay, quần bị tụt xuống quá gối mà cái ấy của Minh Việt vẫn y như cũ, không có biểu hiện gì. Hồng Nhung có hơi bất ngờ, nhưng cô chưa dừng lại, lần lượt cởi luôn xiêm áo của mình ra, ép sát vào người Minh Việt, tiếp tục vuốt ve thân thể chàng cư sĩ. Ban đầu chàng Minh Việt còn tránh né, gỡ tay cô gái, thế rồi sau đó buông xuôi luôn, kệ, tiếp tục đứng thẳng không chút động tâm, và thân thể từ trên xuống dưới cũng chả có gì động đậy, mặc cho cô Hồng Nhung tích cực ve vuốt bên cạnh.

Được một lúc làm đủ mọi chiêu trò mà thân thể Minh Việt vẫn không phản ứng, Hồng Nhung có vẻ đã chán. Lúc bấy giờ, Minh Việt mới từ tốn nói:

– Ta đã như một cây củi khô rồi… Cô hãy về đi.

Được một lúc làm đủ mọi chiêu trò mà thân thể Minh Việt vẫn không phản ứng, Hồng Nhung có vẻ đã chán. Lúc bấy giờ, Minh Việt mới từ tốn nói: – Ta đã như một cây củi khô rồi… Cô hãy về đi

Hồng Nhung dừng tay, lặng lẽ ra về, lòng mừng khấp khởi, tự nhủ “Chưa có người đàn ông nào chịu đựng được khi nhìn thấy thân thể này. Vậy mà chàng không chút rung động, định lực của chàng quả thật cao thâm. Chắc hẳn chàng đã đắc đạo. Thật không uổng công ta đưa cơm, chăm sóc chàng ba năm nay. Giấc mơ của ta sắp thành hiện thực rồi!”

Cô chạy về nhà, cuống quýt gõ cửa phòng mẹ, kể tường tận câu chuyện, thông báo tin mừng.

Ai ngờ, bà trưởng giả nghe xong, sa sầm mặt mày, không nói không rằng, đóng cửa ngồi một mình.

Sáng sớm hôm sau, bà sang căn nhà gỗ, gõ cửa nói to:

– Thời hạn đã hết, cậu hãy đi khỏi chỗ này đi, tôi đã lãng phí cơm nuôi cậu ba năm nay rồi!

Minh Việt giật mình, không hiểu mình đã làm sai điều gì. “Rõ ràng đêm qua mình đã thể hiện được phong độ của một người tu hành chân chính cơ mà”. Nhưng người ta đã đuổi, đành ra đi chứ biết làm sao. Vừa đi vừa nghĩ miên man, chả hiểu vì sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này. Tuy nhiên linh cảm cho hay, có điều gì đó sai sai: “Vì nếu thực sự giác ngộ thì mình đã không rơi vào cảm giác bối rối như vậy”. Nghe ngóng được ở bên xứ Phù Tang có bậc giác ngộ nổi tiếng, chàng ta quyết định khăn gói sang đó tầm sư học đạo.

Thời đấy, Hồng Phong là một vị thiền sư giác ngộ rất nổi tiếng về “công án” ở Nhật Bản. “Công án” là một câu hỏi nghĩ cả đời cũng không ra được. Khi học, người thầy dùng công án để hỏi trò. Người trò về ngẫm nghĩ, rồi trình đáp án cho thầy. Lần nào cũng bị thầy tát đuổi đi vì trả lời sai. Ấy vậy mà, sau ba đến năm năm tham Công án, nhiều học trò lại ngộ được, thật kỳ diệu! Có lần Thầy Hồng Phong hỏi học trò: “Con hãy nói cho ta biết thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” Học trò về nghĩ năm năm mới chợt ngộ ra chân lý, mất năm năm để đốn ngộ.

Thiền sư Hồng Phong không ở một chỗ mà chu du khắp nơi. Minh Việt lang thang tìm Thiền sư, hỏi thăm hết người này đến người khác… Ở đâu có dấu tích của Hồng Phong, chàng không quản đường xa mệt nhọc, vừa ăn xin dọc đường vừa tìm đến cho bằng được, bất kể mưa hay nắng, rét hay nóng, ốm hay khoẻ. Nhiều lần suýt chết trên đường đi, nhưng chàng vẫn không bỏ cuộc.

Hai năm trôi qua, một ngày đi qua dòng suối nọ, thấy có một người đang ngồi trên bờ suối, một bên chân quần xắn móng lợn, đầu trọc nhưng trên đỉnh lại có một chỏm tóc dài rực đỏ, dáng bộ thư thái, an nhàn, có vẻ rất giống mô tả về Thiền sư Hồng Phong, Minh Việt mạnh dạn tiến lại hỏi:

– Thưa Thầy, Thầy có phải là Hồng Phong Thiền sư nổi tiếng Nhật Bản không?

Người ấy với đôi mắt nhân hậu, sáng trong, mỉm cười gật đầu:

– Phải, chính ta là Hồng Phong đây!

Minh Việt mừng rỡ như vỡ oà vì mối nghi tình trong lòng mình đã có thể có lời giải đáp. Chàng ngay lập tức ngồi xuống cạnh Hồng Phong, mặc kệ nước ướt đẫm đũng quần, ngay lập tức kể lại đầu đuôi sự việc không sót một chi tiết nào, đặc biệt là cảnh mình bị bà trưởng giả đuổi ra khỏi nhà mà không rõ nguyên nhân:

– Con thật không hiểu nổi tại sao bà trưởng giả lại nói con như thế? Tự nhiên đang rất tử tế lại đuổi con đi. Con không hiểu con đã làm gì sai, vì con thấy đó là cách hành xử chuẩn mực của một người tu hành, là phải diệt dục. Trong suốt thời gian con lang thang đi tìm thầy, câu chuyện này ám ảnh con từ sáng đến tối. Khi con đi ngủ con cũng mơ thấy cảnh căn nhà gỗ, cảnh cô gái ấy vào, con đuổi cô ấy ra và bà mẹ đuổi con đi. Con mơ đi mơ lại từ tháng này sang tháng khác cả hai năm nay rồi. Con nghĩ mãi mà không ra. Xin thầy từ bi chỉ cho con.

– Ha ha ha! – Thiền sư Hồng Phong bất giác cười lớn, những tiếng cười sảng khoái và thoải mái nhưng khiến Minh Việt giật mình trố mắt, không hiểu vì sao. Chuyện của mình nghiêm trọng như vậy cơ mà.

Thiền sư vui vẻ đáp:

– Con hành xử thế là hoàn toàn trật rồi!

Minh Việt quá đỗi bối rối vì vẫn tin rằng mình đã hành xử vô cùng đúng. Chàng vừa lắc đầu vừa lắp bắp “Không thể như thế được! Không thể như thế được! Vậy phải thế nào mới là đúng hả thầy?”

Thiền sư Hồng Phong nheo mắt cười, vuốt vuốt chỏm tóc đỏ:

– Nếu ta là con, lúc ở với cô gái nuột nà như vậy, ta sẽ thế này này…

Minh Việt tròn xoe mắt đợi. Vừa nói Thiền sư vừa chỉ tay xuống quần rồi nói tiếp:

– Nếu ta gặp một cô gái nuột nà như vậy, thì cây gậy của ta đã dựng đứng lên rồi!

Minh Việt kinh hãi không thốt được nên lời. Thiền sư Hồng Phong đứng dậy đi mất, tiếng cười còn văng vẳng phía xa, bỏ lại Minh Việt đứng trân trân bên bờ suối. Ngay khoảnh khắc đó, Minh Việt hốt nhiên đại ngộ!

***

Thầy Zangthalpa đã dừng kể, mà đại chúng vẫn còn ngơ ngác. Một học trò tên Pháp Nguyên đứng phắt dậy thưa:

– Con không thể hiểu tại sao Minh Việt lại có thể hốt nhiên đại ngộ được, thưa thầy?

Thầy Zangthalpa nói:

– Con sẽ có câu trả lời khi nghe thêm đoạn này:

Sau khi Minh Việt bị đuổi đi, giấc mơ tan vỡ, cô Hồng Nhung lập tức đến vấn an mẹ để hỏi rõ ngọn ngành. Bà trưởng giả đáp:

– Câu nói “Ta đã như một cây củi khô” thể hiện Minh Việt chưa phải người giác ngộ. Minh Việt có một sai lầm rất lớn nghĩ rằng củi khô là dấu hiệu của tu hành đúng. Tu hành mà trở thành củi khô thì làm sao có thể giác ngộ được. Củi khô là vô cảm, Minh Việt đã đi lạc đường rồi.

Thầy Zangthalpa giải thích thêm:

– Xưa nay, nhiều người tu hành thường có nhầm lẫn rằng tu hành rồi là phải kìm nén dục vọng, cho rằng ham muốn là xấu. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nhà Phật chỉ cấm tà dâm – quan hệ bất chính, chứ không tìm cách tiêu diệt năng lượng dục. Con nên hiểu rằng:

– Thân thể có nhu cầu tự nhiên của thân thể, chúng ta không thể dùng lý trí để kìm nén hiện tượng tự nhiên. Bản chất của năng lượng dục là năng lượng sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta không tiêu diệt, không đè nén mà nên biết cách ôm trọn lấy bản năng tình dục.

Tuy nhiên, không kìm nén không có nghĩa là chúng ta buông lung. Hiểu rằng mọi cảm xúc chỉ đến rồi đi như pháo hoa nổ trên không trung thì không có vấn đề gì. Vấn đề chỉ nảy sinh khi ta bị cảm xúc khống chế, tin rằng tôi là thân thể này, làm mọi thứ chỉ để thoả mãn cái thân thể này, cho cái tôi này được sướng. Để ôm trọn được bản năng tình dục, chúng ta phải có trí tuệ. Có trí tuệ chúng ta sẽ biết cách chuyển hoá.

Trong Mật Thừa, sự hoan lạc của tính dục còn là nguyên liệu của con đường đi tới giác ngộ. Đức bà Yeshe Tsogyal dùng chính năng lượng dục để dẫn dắt người khác đến giác ngộ.

Nhưng các con phải nhớ: Ai chưa hiểu đúng hoặc cố tình lợi dụng để bao che cho sự cám dỗ bên trong thì lại sai. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói: “Những kẻ có đạo đức lỏng lẻo sẽ không thể thành tựu trong Mật Thừa”. Chính vì vậy, là người tu hành, các con phải có cái nhìn đúng đắn và biết sử dụng năng lượng dục đúng cách.

Đại chúng bên dưới như cởi tấm lòng, vấn đề này ai ai cũng quan tâm nhưng không phải ai cũng mạnh dạn nói ra. Nhưng vẫn có mấy người còn xì xào thắc mắc tại sao Minh Việt lại đốn ngộ, và đốn ngộ là gì? Thầy Zangthalpa nhìn qua là biết ngay, Thầy chầm chậm giảng giải:

– Nên hiểu là một người đốn ngộ được là rất hiếm có và đặc biệt, phải hội tụ đủ những yếu tố sau:

  • Đầu tiên, người đó phải có tinh thần khát khao chân lý vô cùng lớn, những người không khát khao chân lý không bao giờ đốn ngộ được.
  • Thứ hai là dồn hết tâm trí vào việc đi tìm chân lý. Minh Việt đã dành hai năm liền chỉ để nghĩ về chuyện bị đuổi, thắc mắc xem sự thật dưới câu chuyện đó là cái gì? Liệu việc không còn ham muốn có phải là đang trên con đường đúng đến giác ngộ hay không? Đối với Minh Việt, đó chính là một Công án chưa có lời giải.
  • Thứ ba, là gặp bậc Thầy Giác ngộ và có niềm tin tuyệt đối vào Thầy. Tin rằng Thầy là người Giác ngộ và lời thầy nói là chân lý.
  • Thứ tư là có những nghiệp lực, công đức trong quá khứ đã tích tập được đủ lớn để bây giờ có thể đốn ngộ được.

Minh Việt hội tụ tất cả những yếu tố ấy, trong quá khứ đã tu hành nhiều đời, đời này lại khát khao chân lý, dồn hết tâm trí vào tu hành và gặp được bậc Thầy giác ngộ. Minh Việt có lòng tin nơi Thiền sư Hồng Phong, nên lời thầy nói là chân lý. Nhưng Minh Việt không ngờ được rằng: một Bậc giác ngộ lại có thể “dựng đứng” lên được. Vì sao lại thế? Vì Minh Việt nghĩ đã đi theo con đường tu hành là phải diệt dục, phải toạ thiền, phải không bận tâm đến các cảnh sắc thế gian.

Và khi nghe Thầy nói “Cây gậy của ta đã dựng đứng lên rồi!” thì tất cả khuôn mẫu trong tâm trí của Minh Việt, vào giây phút đó bỗng nhiên hoàn toàn tan vỡ! Thế giới khái niệm của Minh Việt giống như những đám mây, lâu nay vốn che phủ bầu trời đột nhiên tan rã. Trong giây phút đó bầu trời trong sáng của chân như tự nhiên hiển lộ. Minh Việt kinh nghiệm được điều này một cách trực tiếp, ra ngoài tâm trí, đấy là cảnh giới của giác ngộ.

Trong Suốt kể tại Hà Nội 2015.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 39: Nhà giả kim – Chương 1

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.