Zangthalpa – Phần 25: Dịch Giả Marpa – Bậc Địa Chủ Giác Ngộ Vĩ Đại Của Tây Tạng Thế Kỷ 11

Nhìn ánh mắt chờ đợi của đám đông, mong được nghe tiếp những câu chuyện về tấm gương của các bậc cư sĩ giác ngộ, Zangthalpa nheo mắt nhìn về phía xa, có vẻ suy nghĩ rất lâu, nhưng không giấu được vẻ ung dung thích thú và nói:

– Được. Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn câu chuyện về một bậc cư sĩ cũng rất thích kiếm tiền và du lịch. Ngài đã chu du 21 năm ở nước ngoài, theo 13 người thầy để học pháp. Là người nóng tính, thích ăn ngon, thích uống bia, và vô cùng thực dụng. Ngài có vợ và 7 người con, rất nhiều của cải, và nhiều đệ tử để dạy dỗ và trông nom. Tuy nhiên, trong vô số những ràng buộc và trách nhiệm đó, Ngài vẫn tìm đường vượt qua muôn trùng khó khăn tới Ấn Độ, gặp các bậc đại thành tựu giả và nhận được nhiều giáo huấn từ họ để đem về thắp sáng cho toàn Tây Tạng. Đặc biệt là pháp Đại Thủ Ấn, giáo pháp mà ngài đã thực hành và đạt chứng ngộ tối thượng. Như vậy, Ngài đã đạt thành tựu trong khi vẫn sống một cuộc sống giàu có với gia đình và nhiều trách nhiệm.

Ngài cũng được coi là một người thầy thiện xảo nhất ở Tây Tạng vì đã đào tạo Milarepa, một kẻ giết người mà vẫn thành tựu Phật quả chỉ trong một đời.

Đó là câu chuyện về Marpa, dịch giả lỗi lạc, cư sĩ địa chủ vĩ đại của Tây Tạng.

  1. CHÚ BÉ NGỖ NGHỊCH CON NHÀ ĐỊA CHỦ XỨ LHOTRAK

Ngày xửa ngày xưa, vào đầu thế kỷ 11, ở xứ Lhotrak vùng biên giới phía nam Tây Tạng, có hai vợ chồng gia đình địa chủ giàu có với rất nhiều đất đai trù phú. Họ sinh được ba người con, trong đó cậu út là một bé trai vô cùng hiếu động, nóng tính và bướng bỉnh, tên là Marpa.

Ngay từ nhỏ, Marpa đã tỏ ra rất nghịch ngợm và phá phách, chẳng bao giờ ngồi yên. Thế nên từ khi chú mới 12 tuổi, cha mẹ đã quyết định gửi Marpa theo một vị giáo sĩ trong làng để tu học. Marpa được người thầy đầu tiên đặt pháp danh là Chokyi Lodro, nghĩa là Pháp Trí.

Đúng như pháp danh của mình, chẳng bao lâu Marpa đọc và viết vô cùng thông thạo. Dù học rất giỏi, nhưng chú bé vẫn không thuần dưỡng được tính nóng nảy của mình. Chú ngỗ nghịch tới mức họ hàng và người dân trong làng vẫn phải thường xuyên than phiền với nhau rằng, “một kẻ phá phách như vậy sẽ chẳng mấy chốc phá tan cơ nghiệp của gia đình!” Cha mẹ của Marpa rất phiền lòng về cậu con trai hiếu động này.

Chẳng đợi được quá lâu, cha của Marpa quyết định khuyên chú nên đi thật xa và tìm một người thầy thật tốt để học pháp. Thế là Marpa xin cha mẹ một sang vàng (khoảng 37g ngày nay), một chiếc thìa bằng bạc, một con ngựa tốt, một cuộn tơ lụa, và hai chồng giấy đủ để ghi chép 16 bộ Bát Nhã Tâm Kinh, và lên đường.

Thời đó, ở Tây Tạng chỉ có một vài tu viện và ít người học pháp. Nghe danh một vị thầy và dịch giả nổi tiếng tên là Drogmi vừa trở về từ Ấn Độ, Marpa tìm đường tới tu viện của ngài ở thung lũng Nyugu. Tới nơi, Marpa cúng dường thầy hai chồng giấy và xin được nhận lễ quán đảnh và mật chú, nhưng bị thầy Drogmi từ chối. Vậy là suốt ba năm ròng, Marpa ở lại tu viện chỉ để học tiếng Phạn và những thổ ngữ ở Ấn Độ. Không ai hay biết rằng, đó là những nền tảng đầu tiên mà Marpa tự rèn luyện để trở thành một dịch giả lỗi lạc trong tương lai.

  1. MARPA GẶP BỔN SƯ CỦA MÌNH – BẬC THẦY VĨ ĐẠI NAROPA

Là một con người rất thực dụng, Marpa nhanh chóng nhận ra rằng, con đường tốt nhất để học pháp là tìm đến nguồn gốc của Phật Pháp. “Nếu ta ở lại Tây Tạng, kể cả có được học hết các pháp, đây vẫn chưa phải là giáo pháp của những bậc thầy lỗi lạc nhất,” Marpa nghĩ. Với phẩm tính không ngăn ngại, hành động trực tiếp, ngay khi nhận ra mục tiêu của mình, không chần chừ thêm một giây phút nào nữa, Marpa lập tức đổi hết tài sản thành vàng, trở về nhà xin phần thừa kế của mình, và bất chấp sự phản đối của cha mẹ, Marpa lên đường bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên tới Ấn Độ.

Trên đường đi, Marpa gặp Nyo, một dịch giả giàu có vùng Kharak, nhưng đầy kiêu ngạo và ghen tỵ, cũng đang tìm đường sang Ấn Độ học pháp. Là một người thực dụng, thấy lợi ích có thể cùng đồng hành để tìm được pháp, Marpa đồng ý làm người hầu cho Nyo, và cả hai cùng lên đường.

Con đường từ Tây Tạng sang Ấn Độ phải vượt qua nhiều thử thách. Từ vùng núi cao giá lạnh và băng tuyết, băng qua các thung lũng và đi vào vùng nắng nóng ẩm ướt của Nepal, Marpa phải trải qua rất nhiều biến đổi đột ngột về độ cao và khí hậu khắc nghiệt.

Tới đất Nepal, một hôm Marpa và Nyo chợt thấy người dân trong vùng xôn xao hẳn lên. “Có chuyện gì vậy?” Họ đáp, “Hai vị đệ tử của Đạo sư Naropa, Chitherpa và Paindapa đang ở đây! Dân làng đang tổ chức cúng dường và vũ hội, có rất nhiều đồ ăn được ban phát”.

Chỉ mới nghe thấy tên gọi của Đạo sư Naropa, trong lòng Marpa bỗng trào dâng một cảm giác xôn xao, cảm động, và mong ngóng không lời nào tả hết, như thể đã có một mối quan hệ gắn bó sâu sắc từ muôn kiếp trước. Không thể kìm nén được lòng vui sướng, Marpa kéo tay Nyo: “Đây là cơ hội ngàn năm có một, chúng ta cùng đi thôi!”

Ngài Chitherpa, vị đệ tử người Nepal của Naropa lúc đó đang thuyết giảng Bí mật tập hội Đát-đặc-la (Guhyasamaja). Thấy Marpa và Nyo, Chitherpa thì thầm nói với Paindapa bằng tiếng Nepal:

– Những kẻ Tây Tạng này chưa được nhận quán đảnh. Chúng ta có thể vi phạm lời thề nguyện nếu để lộ mật chú với họ. Đừng nên giảng pháp cho họ!

Nghe vậy, Nyo nổi cơn giận dữ, lập tức đứng phắt dậy:

– Này Marpa, nếu ngươi thích thì cứ đi, còn ta sẽ không bao giờ thèm nghe những kẻ kiêu ngạo này! Họ coi người Tây Tạng chúng ta như loài bò. Người Nepal mới đúng là loài bò!

Nói rồi Nyo đùng đùng bỏ đi, còn Marpa với lòng khao khát chánh pháp đã không hề để ý mà còn tiếp tục một mình tới nghe pháp. Sau khi hỏi Marpa và hiểu sự tình, Chitherpa nói với Marpa:

– Mỗi con đường, mỗi người thầy đều xuất hiện khi đủ duyên. Nyo và chúng ta không có duyên, nhưng thật tốt lành là ngươi đã đến đây. Ta sẽ giới thiệu ngươi đến gặp Đạo sư Naropa. Với ta Ngài là vị Phật thứ hai, và là người Thầy duy nhất sẽ truyền pháp cho ngươi mà không đòi hỏi vàng bạc cúng dường. Chỉ có điều, con đường tới đó không dễ dàng, ngươi cần phải rèn luyện, trước hết là với cái nóng ở đây.

Trong lòng Marpa trào dâng một niềm tin tưởng và biết ơn vô hạn với hai vị đệ tử của Đạo sư Naropa. “Ta phải vượt qua nỗi sợ, không màng sống chết, bằng mọi giá ta phải tìm gặp Đạo sư Naropa”.

Và Marpa đã phải ở lại Kathmandu, thủ phủ của Nepal tới 3 năm để làm quen với cái nắng nóng chói chang ở đây. Ba năm thấm thoắt trôi qua, Marpa đã học hết tất cả các pháp từ hai vị đệ tử của Naropa. Cái nóng bên ngoài không thể nào so được với khao khát cháy bỏng như lửa đốt trong lòng Marpa. Ngày ngày chàng trai trẻ đều cầu nguyện để được gặp Thầy. Mãi tới một ngày cuối mùa hạ thứ ba, hai vị sư huynh mới đồng ý viết cho Marpa một lá thư mang tới gặp thầy Naropa ở Ấn Độ.

Người bạn ghen tỵ Nyo cũng đi cùng, nhưng tới nơi, một lần nữa Nyo lại đổi ý.

– Trước kia, Naropa đã từng là một bậc hiền trí, nhưng lại bỏ đi theo Tilopa, và đang thực hành thiền kusulu dành cho những kẻ có tâm trí đơn giản, thật là quá tầm thường. Ta sẽ không đến gặp một kẻ như thế. Còn có rất nhiều bậc thầy vĩ đại như mặt trăng và mặt trời ở Ấn Độ, ta sẽ đi tìm họ.

Và thế là một lần nữa, dù đã đến rất gần người thầy vĩ đại Naropa, Nyo vẫn bỏ đi. Marpa mang lá “thư giới thiệu” tới gặp Prajnasimha, một vị đệ tử của Naropa, và thuật lại câu chuyện về 3 năm ròng rã rèn luyện dưới cái nóng của Nepal để được tới đất Ấn Độ. Sau bao ngày mong ngóng và cuộc hành trình dài vất vả, tới nơi, vị đệ tử của Naropa thủng thẳng trả lời:

– Ngươi đến thật không đúng lúc. Đạo sư Naropa đang đi Labar vùng Tây Ấn, không biết khi nào Ngài mới trở về.

Nghe vậy, dù là một người cứng rắn với lòng can đảm vô cùng, Marpa vẫn khóc òa lên như một đứa trẻ. “Ta đã chờ đợi bao nhiêu năm để có hôm nay, sao lại có thể như vậy? Thầy đã rèn luyện cho bao học trò, dành cho họ bao tâm huyết, tại sao có thể bỏ rơi ta ở đây? Phải chăng ta không có duyên với Thầy? Phải chăng những thử thách này vẫn chưa đủ? Phải chăng nghiệp xấu của ta quá nhiều? Phải chăng ta chỉ là kẻ vứt đi không xứng đáng học Pháp…?”

Bao nhiêu suy nghĩ quay cuồng trong đầu Marpa. Không! Ta sẽ phải quyết chờ đợi và gặp được Thầy, xin Thầy dạy cho ta con đường giải thoát! Dù có phải chịu đựng gian khổ bao nhiêu đi chăng nữa, ta cũng phải giác ngộ để cứu mình, cứu mọi người thoát khỏi luân hồi vĩnh viễn và giác ngộ ngay trong kiếp người ngắn ngủi này. Với quyết tâm còn nóng bỏng hơn cái nóng của mặt trời, Marpa quyết định đứng ở ngoài cửa chờ cho đến khi thầy Naropa trở về. Chân Marpa tê rộp sưng phồng vì cái nóng của đất. Đầu, chân tay cháy rát vì cái nắng của trời. Cổ họng khô ran, đầu óc quay cuồng. Nhưng không gì lay chuyển được thân, khẩu, ý của Marpa. Marpa nhất định phải gặp được Thầy.

Zangthalpa dừng lại nhấp một ngụm trà, nhìn những khuôn mặt dường như cũng đang nóng lên vì sốt ruột. “Trên con đường tìm thầy có thể xuất hiện nhiều khó khăn, chướng ngại. Có câu, khi người học trò đã sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện. Thực ra, Đạo sư Naropa đã bỏ đi để thử thách lòng quyết tâm, kiên trì của chàng trai trẻ vốn có tính cách nóng nảy này. Xin đại chúng nghe tôi kể tiếp”.

Marpa chờ 7 ngày 7 đêm, lả đi vì kiệt sức, nhưng vẫn kiên định quyết chờ đến cùng. Đến chiều ngày thứ 8, một vị đệ tử xuất hiện mang theo lời nhắn của Đạo sư Naropa cho Prajnasimha: “Một Phật tử người Tây Tạng đang ở cùng ngươi, hãy dẫn hắn đến Phullahari”. Marpa đi theo Prajnasimha tới một thành phố mang tên Cánh Đồng Hoa, tu viện Hoàng Sơn ở Phullaharri, và được dẫn vào gặp Đạo sư Naropa. Quang cảnh ở đây thanh tịnh và đẹp không bút nào tả xiết. Dưới cái nắng nóng như biển lửa, nhưng muôn hoa đua nở rực rỡ, tươi mới bên bờ hồ nước xanh biếc. Đạo sư Naropa ngồi đó, thong dong mà đĩnh đạc, mỉm cười hài lòng nhìn Marpa. Đôi mắt Marpa đẫm lệ khi nhìn thấy Thầy. Đúng rồi, đúng rồi! Trong lòng chàng trai trẻ reo lên như đứa trẻ lạc cha đã bao năm tìm được đường về. Marpa quỳ sụp xuống lễ lạy mãi không thôi. Naropa nhìn Marpa và đọc bài thơ:

Đúng như lời tiên tri của thầy ta
Con trai của ta, Marpa Lodro,
Người con đến từ xứ Tuyết
Chào mừng con đến với cánh cổng của Pháp.

Đạo sư Naropa truyền cho Marpa pháp quán đảnh của bổn tôn Hô Kim Cương (Sri Hevajra), Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra tantra), Kim Cương Điện (Vajrapanjara) và mật điển Samputa. Trên không gian nắng rát bỗng ào rơi một cơn mưa mát lành. Mưa ngớt, những đám mây lùi xa mở rộng thênh thang một bầu trời quang đãng. Phía chân trời bỗng xuất hiện một cầu vồng rực rỡ. Marpa ngước nhìn bầu trời xanh, ôm trọn tất cả những gì đang diễn ra, cảm thấy biết ơn và ngập tràn ân sủng. Đó là một ngày rất đặc biệt của lịch sử, ngày dịch giả Marpa xứ Tây Tạng được nhận lễ quán đảnh từ vị thầy vĩ đại Naropa, bắt đầu cuộc hành trình mang những kho báu của Phật Pháp từ Ấn Độ tới Tây Tạng.

  1. LẬP GIA ĐÌNH, SINH CON, KINH DOANH VÀ TRUYỀN PHÁP

Thời gian thấm thoắt trôi qua. Sau 12 năm đầu tiên ở Ấn Độ và Nepal học pháp, lúc này, lượng vàng mang theo đã dần cạn. Để tiếp tục được học pháp, Marpa buộc phải quay về Tây Tạng, tìm cách kiếm thêm vàng bạc.

Nói đến đây, có tiếng hỏi cất lên từ đại chúng.

– Ngài Zangthalpa, xin hãy giải thích cho chúng tôi. Tại sao tu hành mà còn ham kiếm tiền và vàng bạc của cải đến vậy? Chẳng phải Đức Phật nói rằng chúng ta không nên bám chấp vào sự giàu có và tài sản hay sao?

Zangthalpa đưa mắt nhìn về nơi tiếng nói cất lên và trả lời:

– Đúng vậy. Trong các hành trình tìm thầy học đạo của Marpa, vàng bạc là thứ rất quan trọng. Là một người rất thực dụng, miễn là đạt được mục tiêu được học và truyền bá giáo pháp, Marpa không ngần ngại bất cứ điều gì.

Ngay từ ngày đầu tiên rời khỏi nhà, Marpa đã xin cha mẹ phần tài sản thừa kế của mình để đổi ra thành vàng. Khác với các vị tu sĩ khác chỉ sống trong hang núi hay tu viện, Marpa vào đời, kinh doanh, giảng pháp, kiếm tiền, và thu được rất nhiều vàng bạc, tơ lụa, của cải. Có phải ngài thực sự muốn giàu có? Xin đại chúng nghe tôi kể tiếp…

Sau khi trở về Tây Tạng, Marpa ở lại một ngôi làng và bắt đầu giảng pháp. Ở quê nhà Lhotrak, cha mẹ ngài đều đã qua đời. Người thầy cũ, anh chị em và họ hàng, dù đã không còn coi thường Marpa như trước, nhưng không ai xin học pháp từ Marpa. Chỉ có vài người từ xa tới xin học, và cúng dường ngài vài món tượng trưng. Marpa thu phục một vài người phụ tá, đi về hướng miền trung Tây Tạng, tìm cách kiếm vàng.

Tới bờ nam sông Tsangpo, cả đoàn gặp hai vị tu sĩ. Khi được hỏi thầy trò Marpa đang đi về đâu, một đệ tử nhanh mồm nhanh miệng “quảng cáo”:

– Các ngài chắc hẳn đã nghe tiếng thầy ta từ lâu. Đây là vị đại học trò của Đạo sư Naropa ở Ấn Độ, đại dịch giả nổi tiếng Marpa! Thầy trò chúng ta đang trên đường tìm kiếm những người có nhiều phước đức và duyên lành để truyền pháp cho họ. Các ông thật là may mắn!

Cứ thế, cứ thế, các học trò nhanh miệng của Marpa hào hứng giới thiệu về người thầy của mình. Theo chân một người thầy thật sự là một cơ hội hiếm có để học thầy bằng cách “bắt chước”. Ở gần Marpa, đám học trò của ngài cũng dần học được phẩm tính thực dụng của ngài, với mục tiêu duy nhất là truyền bá giáo pháp chân chính.

Chiều đó, Marpa theo chân một vị tu sĩ trở về tu viện của họ ở núi Kim Sí Điểu. Vị tu sĩ ấy đã trở thành đệ tử chính thức đầu tiên của Marpa, Ngokton Chador xứ Shung. Marpa ở đó hai tháng, truyền pháp và ban lễ quán đảnh cho Ngokton và các đệ tử khác. Khi đó ở Tây Tạng rất hiếm có các tài liệu và giáo pháp Mật thừa, nên tiếng tăm của Marpa tiếp tục vang xa, ngài đã tích lũy được thêm rất nhiều vàng bạc và đồ cúng dường từ các đệ tử và nhà bảo trợ.

Một ngày nọ, khi đang giảng pháp ở Sesamar, một lãnh chúa giàu có của tỉnh vùng cao nguyên phía bắc Tây Tạng tên là Golek đi ngang qua trong một chuyến giao thương. Golek dừng lại, tặng thịt, muối, và rất nhiều quần áo đẹp cho Marpa, rồi mời về nhà để xin được học pháp. Khi gặp lại, Golek thấy Marpa ăn mặc rất xuềnh xoàng, và đã cất đâu hết số quần áo được tặng.

– Người miền bắc chúng tôi, diện mạo là rất quan trọng. Thầy có rất nhiều quần áo đẹp sao không mặc?

Marpa đáp:

– Sẽ thật bất tiện nếu mang vác số quần áo này sang Ấn Độ, mặc vào rồi sẽ không thể đổi thành vàng. Ta muốn đổi hết quần áo thành vàng, và cúng dường các vị thầy để có Pháp mang về Tây Tạng. Quần áo của ngươi ta đã mặc, sao còn đổi thành vàng được nữa.

Golek chợt hiểu ra, thực sự, Marpa không màng gì tới quần áo đẹp. Tài sản, vàng bạc, tất cả chỉ là phương tiện để Marpa tìm đến được với các vị thầy và được học pháp. Golek nghĩ thầm, “Sự ham muốn của cải này không phải là một tội lỗi mà thực ra là một phẩm tính cao quý về lòng khao khát với Pháp”. Lòng tin tưởng trào dâng khiến Golek bật khóc, quỳ xuống xin Marpa cho được đi theo học. Golek cúng dường rất nhiều vàng bạc, trâu bò, tơ lụa cho Marpa, và kêu gọi họ hàng, quần thần theo học. Thế là phẩm giá, danh tiếng và tài sản của Marpa càng tăng trưởng.

Vàng bạc và đồ cúng dường cũng chính là một cách để kết duyên với người thầy. Chuyện kể rằng, trong cuộc hành trình lần thứ ba tới Ấn Độ, gặp lại vị thầy Naropa, Marpa đã cúng dường lên ngài toàn bộ số vàng quý giá mà Marpa có sau nhiều năm làm việc rất vất vả. Naropa thản nhiên ném toàn bộ vàng đi. Naropa mỉm cười nhìn Marpa, rồi ngài dùng tay nhặt một nắm đất, xoa vào nhau, và khi ngài mở lòng bàn tay ra, chúng đã biến thành vàng. “Ta không cần vàng. Nếu ta cần, thì cả mặt đất này đều là vàng”. Nói rồi Naropa dẫm chân lên mặt đất, và cả mặt đất đều biến thành vàng.

Mặc dù đã chứng ngộ và thông thạo nhiều giáo pháp, Marpa sống một cuộc sống cư sĩ có vẻ hết sức đời. Nhìn bên ngoài, Marpa giống như một người bình thường. Dáng ngài cao to, bè bè chắc nịch. Khuôn mặt ngài cháy nắng, tóc húi cua, và một chút ria mép. Hàng ngày, ngài là một người địa chủ, là chồng, cha, làm nông, và đem buôn bán ở chợ. Marpa thích ăn ngon, thích uống bia làm từ lúa mạch. Ngài vẫn rất nóng tính, và rất hay cáu giận với vợ con.

Marpa là một người vô cùng thực dụng, có tác phong của những người làm kinh doanh. Ở nhà, hầu như người ta chẳng mấy khi thấy Marpa thực hành thiền định. Ngài càng chẳng bao giờ có thời gian nhập thất dài ngày giống như các vị tu sĩ khác hay như chính các học trò mình. Hơn thế nữa, người ngoài nhìn vào, chẳng mấy ai biết hay thừa nhận ngài là một vị thầy tâm linh, bởi vì ngài cũng chẳng buồn mặc những bộ đồ quần áo như các vị tu sĩ. Thậm chí, đến cả hàng xóm và họ hàng thân thuộc của Marpa cũng nghi ngờ không biết ngài có thực sự là một vị thầy tâm linh hay không.

Tuy nhiên, thông qua khả năng hòa hợp việc thực hành những chứng ngộ Đại Thủ Ấn với cuộc sống đời thường, trí tuệ và hành động của Marpa là vô cùng rộng lớn và thiện xảo, hơn bất cứ người bình thường nào. Marpa không hề cố gắng trở thành một người đặc biệt, mà chỉ đơn giản sử dụng chính cuộc sống đời thường làm con đường, để làm nền tảng và kết quả của sự chứng ngộ Đại Thủ Ấn.

Ở dưới đại chúng có tiếng cười khúc khích. Nhiều ánh mắt thích thú hướng về phía Zangthalpa, nhìn từ đầu tới chân. Hôm nay, Zangthalpa vẫn mặc chiếc áo dứa quen thuộc, đi đôi dép thủng nhiều lỗ, tay liên tục bốc trái cây ăn ngon lành. Như có vẻ hiểu ý của mọi người, Zangthalpa bật cười to thành tiếng, và kể tiếp.

  1. CON LỄ LẠY AI?

Mỗi vị thầy đều có rất nhiều cách để thử thách học trò. Trước khi chấp nhận Marpa trở thành vị đại đồ đệ kế thừa dòng truyền thừa của mình, Đạo sư Naropa tiếp tục thử thách sự chứng ngộ của Marpa.

Rạng sáng hôm đó, Đạo sư Naropa hiển bày một mạn-đà-la Hô Kim Cương (Hevajra) với 9 vị Hộ Phật tỏa ánh sáng rực rỡ trên bầu trời. Rồi ngài hỏi Marpa:

– Con trai ta, Marpa Chokyi Lodro, đừng ngủ nữa, hãy thức dậy! Vị Bổn tôn Kim Cương của con, Đức Hevajra, cùng với 9 vị Hộ Phật nữa đã xuất hiện trên bầu trời trước mặt con. Bây giờ, con muốn nhận gia trì, bản chất của thành tựu từ ai hơn – ta hay vị Hộ Phật?

Marpa nghĩ, “Ta luôn ở bên thầy, nhưng gặp vị Hộ Phật thực sự là cơ hội hiếm có”. Thế là Marpa quỳ xuống lễ lạy trước mạn-đà-la rực rỡ của vị Hộ Phật.

Nhìn Marpa quỳ sụp lễ lạy, Đạo sư Naropa cất tiếng,

Như ta đã từng nói,
Trước khi có bất cứ vị thầy nào trên đời
Chưa ai từng nghe tên Đức Phật
Tất cả các vị Phật của một ngàn kiếp
Chỉ xuất hiện nhờ một vị thầy
Mạn-đà-la này là sự hiển bày của ta.

Đạo sư Naropa làm tan biến hình ảnh bổn tôn Hevajra trở về trung tâm trái tim và hỏi Marpa:

– Bây giờ con sẽ lễ lạy ai?

Marpa bàng hoàng hiểu ra rằng, từng vị bổn tôn thiền định đều là sự hiển bày của đạo sư.

Kể đến đây, thấy sự ngẩn ngơ trên khuôn mặt của nhiều người, Zangthalpa dừng lại, và giải thích.

– Vị Bổn tôn hay Hộ Phật là hóa thân của một vị Phật trong Kim cương thừa. Khi quán tưởng vị Hộ Phật tức là quán tưởng Hóa thân của một vị Phật, hòa nhập với tâm giải thoát của chư Phật. Trong thực hành vị Hộ Phật, vị thầy được biểu hiện trong hình tướng của một bổn tôn đặc biệt. Nếu bạn chứng ngộ mình là một với vị thầy, bạn sẽ chứng ngộ tâm của tất cả chư Phật. Ngài Liên Hoa Sanh đã từng nói trong kho tàng ẩn mật Barchey Kunsel, “Nếu con chứng ngộ ta, con sẽ chứng ngộ tất thảy chư Phật. Nếu con nhìn thấy ta, con sẽ nhìn thấy tất thảy chư Phật”.

Người thầy của đạo sư Naropa, Tổ sư Tilopa từng nói với Naropa rằng có vô số các giáo pháp khác nhau và rất nhiều nghi quỹ phức tạp trong Mật thừa. Nhưng mọi thứ đều nằm trong giáo Pháp đơn giản: “Đạo sư Du già” (Hợp nhất với Đạo sư). Ngài Tilopa nói rằng, “Khi khẩn nguyện, hãy hòa nhập đối tượng, ý nghĩ, và bản chất thành một”. Đối tượng ở đây là vị Bổn sư, vị thầy gốc. Ý nghĩ là mong muốn hoàn thành mọi điều mà vị thầy chỉ dẫn. Mong muốn tinh tấn này là thái độ dũng cảm để tiếp tục thực hành dù bất kể khó khăn trở ngại gì xảy ra. Bản chất là sự không khác nhau giữa Thầy và trò trong Pháp thân tuyệt đối.

Đối với mọi hành giả, hãy nghiên cứu càng nhiều càng tốt. Nhưng khi kết hợp mọi thứ vào thực hành, hãy cô đọng nó thành ba nguyên tắc sau. Đầu tiên, hãy khéo léo trong việc quán sát vị thầy, sau đó, hãy khéo léo trong việc theo chân vị thầy, và cuối cùng, hãy khéo léo trong việc thấu triệt sự chứng ngộ của vị thầy. Ba điều tinh yếu trên chính là Đạo sư Du già, mà tinh túy của nó bao trọn mọi cấp độ khác nhau của Phật pháp.

Bổn tôn Hevajra cùng các vị Hộ Phật khác xuất hiện trên bầu trời.

Sau thử thách trên, khi Marpa lạy nhầm vị Hộ Phật thay vì lạy Thầy của mình, Đạo sư Naropa đã tiên tri rằng dòng máu của Marpa, các con trai ngài không thể tiếp tục kế thừa dòng truyền thừa này. Nhưng những học trò của Marpa sẽ kế thừa rất xuất sắc dòng truyền thừa. Trong một thời gian dài sau đó, Marpa đã trải qua nhiều cơn ốm bệnh rất nặng. Đạo sư Naropa giải thích rằng, kể cả những đau ốm đó cũng là sự ban phước của người thầy và dòng truyền thừa dành cho Marpa, giúp ngài trả bớt nghiệp xấu từ nhầm lẫn trong thử thách này.

Sau khi đã trải qua rất nhiều thử thách và chướng ngại, Marpa kết thúc chuyến đi tới Ấn Độ lần thứ ba, hoàn tất 21 năm tu học, từ biệt Naropa, và trở về Tây Tạng.

  1. SỰ CHỨNG NGỘ NHỮNG GIÁO HUẤN KHẨU TRUYỀN NẢY SINH TRONG TRÁI TIM MARPA

Marpa đã thực hành pháp dựa trên những giáo huấn khẩu truyền mà ngài học được, và những chứng ngộ kỳ diệu đã xuất hiện trong tâm ngài. Marpa đã hát nhiều bài ca chứng ngộ. Đặc biệt, Marpa đạt được sự tự tin về thành tựu của mình bằng việc thực hành pháp Chuyển di thần thức, pháp giúp người ta đạt được thành tựu tối thượng.

Có một người họ hàng tên là Marpa Cha-se, vốn rất ghen ghét Marpa đã không ngớt lời phỉ báng ngài:

– Những kẻ khác thật là khờ. Marpa suốt ngày khoe khoang về những chuyến đi sang Ấn Độ, nhưng hắn thực sự chỉ học được vài phép ảo thuật vớ vẩn và đã lừa bịp những người cả tin. Mặt khác, nếu cái gọi là Pháp di chuyển thần thức này là chân chính, Marpa hẳn phải đã đạt được chứng ngộ Phật quả và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ phiền não nào nữa. Đằng này, hơi thở của hắn thì bốc mùi hôi thối. Cơ thể hắn cũng đầy ô uế. Hắn sống nhờ vào đồ cúng dường của những người bảo trợ. Hắn vẫn sống cuộc sống vợ chồng, ăn mặn và hưởng thụ nhiều khoái lạc. Phật quả mà như vậy thì những giáo pháp mà hắn dạy cũng chẳng khác gì một đống bùn.

Nghe những lời này, Marpa từ tốn trả lời:

– Pháp di chuyển thần thức là chân chính. Ta đã thực hành pháp này. Mật thừa được coi là con đường ít vất vả và nhanh chóng đạt được thành tựu. Đối với Mật thừa, nếu bị dính mắc vào khoái lạc, hoặc nếu không dùng khoái lạc làm phương tiện thì đều không đạt được kết quả. Chánh kiến sâu sắc từ Mật điển nói rằng, nếu ngươi không mang những cảm giác khoái lạc vào con đường, mà lại từ bỏ chúng, thì đó là một cách tự cản trở chính mình.

Marpa Cha-se tiếp tục dè bỉu:

– Thật vớ vẩn! Hắn đang phải nghĩ ra những lời lẽ ra vẻ có Phật pháp để tự bào chữa cho những hành động của mình mà thôi.

Nghe vậy, một vài người bắt đầu tin lời Marpa Cha-se, vài người khác thì cảm thấy khó chịu. Khi đó, bậc thầy Ngokpa và những đứa con tâm linh khác của đạo sư Marpa đang tham dự một buổi lễ cúng dường, và được nghe một học trò thuật lại về những gì Marpa Cha-se đã nói. Marpa trả lời:

– Hỡi Ngokpa và những người hiểu biết về pháp khác, các con không nên sợ điều này! Những chúng sinh với những suy nghĩ lầm lạc đã gây ra vô số ác nghiệp và nảy nở thành vô số quả xấu. Trong số họ, những kẻ bám chặt lấy ý kiến của riêng mình, và những kẻ có cái nhìn báng bổ Phật pháp sẽ nói những lời phỉ báng kể cả với Đức Phật. Có những kẻ còn nguyền rủa cả chính cái bóng của mình. Đừng chạy theo những khái niệm của họ. Hãy buông bỏ một cách tự nhiên trong trạng thái của lòng từ bi và hiểu rõ mọi thứ là ảo giác. Khi các con đã tìm được trạng thái bổn nhiên thanh tịnh, con sẽ không còn tích nghiệp xấu nữa. Đó là cách vận hành của thế giới.

Một lần khác, Marpa và các đệ tử đang đi dạo dọc bờ sông. Bỗng đâu xuất hiện mấy con chó săn đuổi theo một chú hươu, khiến chú hươu hốt hoảng nhảy xuống nước và chết đuối.

Marpa nói:

– Ta sẽ thực hành phép di chuyển thần thức. Các con, một vài người hãy đi tới bảo vệ con hươu, còn lại hãy ở đây bên cạnh ta.

Marpa thực hành chuyển di thần thức của mình vào chú hươu, và chú hươu đứng dậy bước tới sân trước nhà, để lại một vài dấu chân ướt trên nền đất. Rồi Ngài chuyển thần thức trở lại thân thể mình và đứng dậy, chú hươu trở lại thành cái xác không hồn.

Khi Marpa, một vài đệ tử, họ hàng và rất nhiều người khác đứng nhìn xác chú hươu, đoàn thợ săn đã đến nơi và chuẩn bị làm thịt nó. Marpa nói đùa:

– Ta đã tìm được xác con hươu này trên bờ sông, nên các người không được lấy nó.

Các đệ tử của Marpa và mọi người thuật lại câu chuyện ngài đã chuyển di thần thức như thế nào. Những người thợ săn tỏ vẻ không tin:

– Ông hãy làm lại pháp chuyển di thần thức để chúng ta xem tận mắt thì mới được lấy xác con hươu này.

Một vài kẻ khác thì nói:

– Nếu ông cho bọn ta xem ông chuyển di thần thức thế nào, bọn ta sẽ còn cúng dường ông nhiều thứ khác nữa.

Và thế là Marpa tiến hành pháp chuyển di thần thức vào con hươu. Một lần nữa nó lại đứng dậy và đi qua cửa vào sân nhà.

Marpa nói:

– Khi thần thức của ta đang ở trong thân xác của một con vật, ta cảm nhận được sự mờ mịt của tâm thức nó.

Sau khi Marpa thực hành pháp này, mọi người ai ai cũng đều cảm thấy rất kỳ diệu. Những người thợ săn vô cùng vui vẻ cúng dường cho ngài con hươu và nhiều vật phẩm khác. Nhiều người theo Marpa bước vào cánh cổng pháp. Đặc biệt, Marpa Cha-se cũng có mặt ở đó và niềm tin với Pháp bắt đầu xuất hiện nơi ông. Marpa Cha-se bắt đầu hối tiếc về những suy nghĩ và hành động trước đó của mình, và nói:

– Thưa ngài Marpa, ngài nói rằng nếu một người không thích ăn thịt, không thích uống rượu, và không thích phụ nữ, đó là cách tự cản trở chính mình trong Pháp. Nhưng tôi thấy những việc này không khác gì những điều phàm phu mà người bình thường như chúng tôi cũng đang làm. Giờ đây có vẻ như ngài rất tự tin vào Pháp, vậy thì hãy giải thích cho chúng tôi đi.

Marpa trả lời:

– Ngươi vẫn không hiểu ư? Kể cả nếu ngươi nhìn thấy hai vị hộ phật đang trong trạng thái phối ngẫu, ngươi cũng vẫn nghĩ rằng việc đó giống hệt những gì ngươi vẫn làm khi quan hệ nam nữ. Mặc dù ta thích những cảm giác khoái lạc này, nhưng ta không bị trói buộc trong những khoái lạc đó.

Nói rồi Marpa hát bài hát về sự chứng ngộ sâu thẳm của mình, trong niềm tự tin rằng ngài đã hoàn toàn thấu triệt mọi giáo pháp.

Con xin đảnh lễ các bậc đạo sư
Và các tổ sư từ bi của dòng truyền thừa Kagyu.

Khi ở một mình trong trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi, ta thiền định về các kinh mạch năng lượng và luân xa
Kiên trì nỗ lực hết sức bằng thân và tâm, ta thiền định.
Ngay cả khi thân thể đang bệnh tật, ta hoàn toàn không lo lắng
Bởi ta đã thấy rõ rằng việc này sẽ làm cho sự thực hành pháp trở nên sáng rõ hơn.

Khi ngủ, ta thiền định về tịnh quang
Kiên trì tập trung vào các biểu hiện, ta thiền định.
Kể cả khi trải qua giai đoạn ngủ sâu, ta hoàn toàn không lo lắng.
Bởi ta đã thấy rõ rằng, giấc ngủ sâu với sự sáng tỏ chỉ là một.

Khi nằm mơ, ta thiền định về thân thể trong giấc mộng
Kiên trì tự nhân lên các biểu hiện thành vô số lần, ta thiền định.
Kể cả khi những giấc mơ trở nên rối rắm, ta hoàn toàn không lo lắng.
Bởi ta đã thấy rõ rằng tất cả chúng đều là ảo giác. 

Khi tận hưởng những đồ ăn thức uống, ta quán tưởng về Bổn tôn
Kiên trì nếm trải những hương vị đó, ta thiền định.
Kể cả khi nhìn thấy đồ ăn và thức uống bình thường, ta hoàn toàn không lo lắng
Bởi ta đã thấy rõ rằng đây là những đồ cúng dường thanh tịnh.

Trong những lúc thực hành pháp phối ngẫu, ta thiền định về thân thể của đối phương
Kiên trì khởi phát sự khoái lạc, ta thiền định
Kể cả khi hành động này trông có vẻ thế tục, ta hoàn toàn không lo lắng
Bởi ta đã thấy rõ rằng kinh nghiệm đó chính là sự hợp nhất giữa khoái lạc và tính Không. 

Ở thời điểm cái chết, ta thiền định về pháp chuyển di thần thức
Kiên trì luyện pháp chuyển di thần thức, ta thiền định
Kể cả nếu những dấu hiệu của cái chết xuất hiện, ta hoàn toàn không lo lắng.
Bởi ta đã thấy rõ rằng đây là thành tựu.  

Ở thời điểm chết, ta bước vào giai đoạn trung ấm
Giai đoạn trung ấm giống như một đám mây hay màn sương mù
Kể cả khi sự ham muốn và giận dữ nổi lên, ta hoàn toàn không lo lắng.
Bởi ta đã thấy rõ rằng chúng sẽ tự giải phóng.

Marpa đã hát như vậy. Niềm tin không thể lay chuyển đã xuất hiện ở Marpa Cha-se và ông đã quỳ xuống xin được học pháp và nhận quán đảnh từ Marpa. Sau này, Marpa Cha-se trở thành một tu sĩ dâng hiến tận tụy cho pháp.

Bởi vì ngài đã chứng ngộ pháp chuyển di thần thức, Marpa được biết đến như một bậc đại thành tựu giả, không ai có thể phủ nhận. Tương tự như vậy, Ngài đã truyền toàn bộ các giáo pháp sâu sắc về pháp di chuyển thần thức của dòng truyền thừa cho con trai trưởng của mình là Tarma Dode.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 26: Cách dạy dỗ kỳ lạ của Marpa dành cho Milarepa

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.