Zangthalpa – Phần 49: Tụt quần mà chỉ biết là đang tụt quần

(Truyện không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi)

Một buổi chiều, Zangthalpa đang giảng Pháp cho các học trò trên một đồng cỏ rộng mênh mông thì thấy cô học trò nhỏ tên Ngọc Tuyết cứ ngẩn ngơ, không tập trung vào bài giảng, khuôn mặt lại rầu rĩ khác thường. Zangthalpa bèn hỏi: “Ngọc Tuyết, có chuyện gì mà hôm nay con mất tập trung vậy?”.

Ngọc Tuyết thở dài đánh thượt một cái, rồi thưa: “Thưa thầy, con đã quá chán và mệt mỏi rồi. Đã 30 tuổi mà con chưa có một mối tình thực sự, chưa bao giờ được yêu hết mình. Con thấy mình còn quá ít kinh nghiệm về cuộc đời. Hiểu biết của con cũng không sâu sắc, chắc chắn là vì con không đủ trải đời. Nghe các bạn kể về “chuyện ấy”, con chỉ có thể tưởng tượng chứ không thực sự biết nó thế nào. Ngày trước, ngây thơ trong sáng là điểm mạnh của con, nhưng giờ con thấy ghét chính cái gọi là điểm mạnh ấy, con thậm chí xấu hổ không muốn để ai biết. Con muốn được “giải ngố”, cứ trao quách cái ngàn vàng đi cho rồi, với bất kỳ ai cũng được. Mấy hôm nay đầu con cứ vẩn vơ mãi về việc làm hay không làm, làm thì sẽ thế nào, khiến cho con không thể tập trung được, ngồi nghe giảng mà cứ nghĩ đâu đâu.”

Zangthalpa mỉm cười: “Làm hay không tuỳ con, không có vấn đề gì. Nhưng ta có một câu chuyện nghe được trên đường đi du lịch cũng về giải ngố, con có muốn nghe không?”.

Ngọc Tuyết mắt sáng rực: “Có ạ! Xin thầy kể cho con nghe.”

Zangthalpa bắt đầu: “Câu chuyện có tên là “Có cần phải giải ngố không?”. Nghe xong con quyết định cũng chưa muộn.”

Ngày xửa ngày xưa ở một vùng thôn quê nọ có một nữ đạo sư tên là Hồng Ngọc. Trước đây Hồng Ngọc là một người tính tình phóng khoáng, cởi mở, đặc biệt là rất mở trong lĩnh vực “chuyện ấy”. Cô nổi tiếng khắp vùng là một cô gái dày dạn tình trường. Không biết bao nhiêu trai tráng đã từng qua tay cô. Chẳng có ai ngờ, khi cô thực lòng yêu một người đàn ông, thì lại gặp đúng phải gã sở khanh, lừa tình cô có con rồi quất ngựa truy phong. Cả làng xì xào cô là kẻ “không chồng mà chửa”, xóm giềng coi khinh gia đình cô ra mặt. Bố mẹ cô không chịu nổi, từ mặt cô và đuổi ra khỏi nhà. Cô đành dọn ra cái lều cuối làng, một mình sinh con và nuôi con trong tủi hổ. Chịu bao nhiêu điều tiếng và đau khổ, Hồng Ngọc dần nhận ra bản chất bất toại nguyện của cuộc sống này. Cô bắt đầu tu tập ngay giữa đời và tiến bộ rất nhanh. Khuôn mặt cô trở nên rạng rỡ, đầy sức sống, còn đẹp hơn ngày trước. Ban đầu, người ta vẫn còn xì xào sau lưng cô. Nhưng ở cô toát ra một vẻ hạnh phúc và bình an kỳ lạ, khiến mọi người xung quanh, kể cả những người có ác cảm với cô, cũng không hiểu sao nhưng lại muốn ở gần cô. Dần dần, chẳng ai nhắc lại chuyện cô bị lừa tình thế nào nữa. Hồng Ngọc còn trở thành một chuyên gia trong chuyện yêu đương, hiểu được tâm lý của cả đàn ông và phụ nữ, giúp các cặp đôi hàn gắn vết thương, được cả làng tín nhiệm.

Hàng xóm ngay cạnh nhà Hồng Ngọc là Minh Ngọc. Tuy cả hai cô đều xinh đẹp, cùng tên là Ngọc, lại ở sát nhà nhau, nhưng tính nết lại hoàn toàn trái ngược. Minh Ngọc đã 27 tuổi nhưng chưa làm chuyện ấy bao giờ. Cô nổi tiếng khắp vùng về độ ngây thơ trong sáng của mình. Cô thường xuyên bị bạn bè trêu vì đã chập choang ba mươi rồi mà vẫn chưa nếm mùi vào đời là như thế nào. Mẹ của Minh Ngọc cũng đau khổ vì hôn nhân không hạnh phúc nên đâm ra ghét đàn ông, lại càng cố sức bảo vệ đứa con gái ngây thơ của bà. Bà rất hay lấy gương Hồng Ngọc ra để giáo dục con: “Phải giữ cho bằng được cái ngàn vàng nghe chưa con? Bọn đàn ông bây giờ xảo quyệt lắm! Nhìn gương chị Hồng Ngọc kia kìa! Thông minh xinh đẹp là thế mà giờ phải nuôi con một mình. Nhất định phải lấy chồng rồi mới làm gì thì làm. Con lấy chồng mà không còn trinh tiết thì nó khinh cho cả họ hàng dòng tộc nhà mình! Bố mẹ không biết chui vào đâu cho hết nhục đâu!”.

Nghe mẹ dặn dò như vậy, Minh Ngọc cũng lo lắng muốn giữ cái ngàn vàng, tránh xa bọn đàn ông nham hiểm. Nhưng sâu thẳm bên trong cô, một sự tò mò trỗi dậy, cô nung nấu ý muốn sang gặp Hồng Ngọc để xin bí kíp giải ngố, để biết cái mà bạn bè đồn đại là sẽ sung sướng lắm thực sự là như thế nào. Minh Ngọc chơi thân với một đám bạn. Ngày trước đứa nào cũng ngây thơ trong sáng như cô. Nhưng dần dần, các bạn đều có người yêu hết, chẳng ai dành thời gian với cô nữa. Mà kể cả có những lần bạn bè tụ họp thì những đứa bạn thân cứ kể chuyện thầm kín rồi cười với nhau, để mặc cô ngơ ngác và lạc lõng. Bạn bè gọi cô là “của hiếm” một cách đầy giễu cợt, hoặc không thì cũng lắc đầu chép miệng nhìn cô đầy thương cảm. Minh Ngọc cảm thấy rất cô đơn, cô không hiểu mình đã làm sai điều gì. Nếu chỉ vì chưa giải ngố mà phải chịu như vậy, thì nhất định cô phải giải ngố cho bằng được.

Trong làng có một chàng trai tên là Minh Thành, bạn của Minh Ngọc. Hai đứa rất thân nhau vì cùng trong sáng như nhau. Minh Thành đã 25 tuổi mà cũng chưa làm chuyện đó bao giờ. Đám con trai coi khinh cậu ra mặt, luôn coi cậu chỉ ở chiếu dưới. Minh Thành tức lắm nhưng không biết phải làm sao. Cậu và Minh Ngọc rất hay tâm sự với nhau về những tò mò giới tính của mình. Nhưng cả hai đều quá trong sáng nên những tâm sự ấy rốt cục cũng chỉ là những câu hỏi không lời đáp. Nghe danh Hồng Ngọc đã lâu, Minh Thành hâm mộ lắm và rất muốn tới học hỏi kinh nghiệm.

Một lần, Minh Thành đánh liều rủ Minh Ngọc tìm hiểu chuyện đó cùng mình: “Tớ nghĩ chúng mình cứ hỏi nhau thế này không ăn thua đâu. Phải hỏi người có kinh nghiệm ý. Hàng xóm nhà cậu có chị Hồng Ngọc rất nổi tiếng trong lĩnh vực này luôn. Hay mình sang hỏi chị ấy? Cậu ở cạnh nhà, chắc chị ấy sẽ hướng dẫn tận tình!”. Minh Ngọc đã mong ngóng từ lâu, nay mới có người rủ nên mừng húm, nghĩ bụng: “Gái hơn hai, được thế thì còn gì bằng! Dù gì Minh Thành cũng là bạn thân của mình, lại hiền lành tử tế, nó chưa làm gì ai nên chắc chắn là an toàn, tặng nó cái ngàn vàng cũng yên tâm!”. Nhưng để tránh hiểu lầm, Minh Ngọc vẫn hỏi: “Thế chị Hồng Ngọc chỉ dẫn xong, thì tớ với cậu …”. Minh Thành ngắt lời: “Chứ còn gì nữa! Cậu định trong sáng đến bao giờ? Tớ thì quá ngán ngẩm khi phải làm trai tân mãi rồi!”. Vậy là bao lời dặn dò của mẹ bay biến đâu mất, Minh Ngọc và Minh Thành dắt tay nhau sang nhà Hồng Ngọc.

Phải mất đến cả tiếng, Minh Ngọc và Minh Thành mới trình bày xong vấn đề của mình. Hồng Ngọc nghe xong mỉm cười “Có chắc các em muốn làm chuyện này không? Đã làm rồi là không quay lại được đâu. Lúc ấy có hối tiếc thì cũng muộn đấy!”. Minh Ngọc và Minh Thành nhìn nhau có phần e ngại, xong hai đứa nắm chặt tay nhau dõng dạc: “Chúng em đã suy nghĩ rất kỹ trước khi tới đây rồi. Chúng em quyết tâm giải ngố cho bằng được!”.  

Hồng Ngọc mỉm cười trả lời với đôi trai gái: “Đơn giản lắm. Chỉ cần cởi hết quần áo ra.”

Minh Thành thì lẩm nhẩm đọc lại, còn Minh Ngọc thì lúi húi ghi chép: “Bước một: Cởi hết quần áo ra.”

Hồng Ngọc tiếp lời: “…và ở trên nhau là được.”

Minh Ngọc ghi lại từng lời cẩn thận: “Bước hai: Ở trên nhau là được.” Ghi xong đến đó thì giật mình ngạc nhiên: “Chị ơi! Sao lại có mỗi hai bước à? Đơn giản thế thôi à?”. Hồng Ngọc phá lên cười: “Về cơ bản thì chỉ cần làm thế, sau đó các em sẽ tự biết phải làm gì tiếp theo. Thích thì trai trên gái dưới, không thì gái trên trai dưới. Muốn sướng hơn thì nhún, càng nhún thì càng sướng!”. Minh Ngọc và Minh Thành nhìn nhau, cười khoái chí, không ngờ là làm chuyện đó lại đơn giản như vậy, thế mà bao lâu nay mình không biết để làm sớm hơn. Hai người tạm biệt Hồng Ngọc, dẫn nhau về nhà để thực hành ngay cho nóng, nhân lúc bố mẹ đi làm đồng chưa về.

Hồng Ngọc lắc đầu nhìn theo đôi bạn trẻ ngây thơ trong sáng, tự hỏi không biết hai đứa có làm nên cơm cháo gì không. Một lúc sau thấy nhà bên phát ra những âm thanh kỳ lạ, tiếng đồ đạc rơi loảng xoảng, tiếng va đập, tiếng thở hồng hộc, thỉnh thoảng lại có tiếng la: “Nhún vừa thôi, tớ sắp không chịu nổi nữa rồi!” hay “Từ từ, làm chậm lại! Mỏi quá!”. Hồng Ngọc bật cười, vậy là chuyện đã xong!

Vài tiếng sau, Hồng Ngọc đang đọc sách thì thấy Minh Thành và Minh Ngọc mò sang, quần áo xộc xệch, vẻ mặt bơ phờ. Minh Thành vừa thở không ra hơi, vừa nói: “Chị ơi, em không ngờ trò này nó lại mệt thế!”. Hồng Ngọc nháy mắt tinh nghịch: “Mệt, nhưng mà sướng!”.

Minh Ngọc lanh chanh xen vô: “Có sướng gì đâu chị? Chỉ thấy mỏi và đau thôi!”. Hồng Ngọc gật đầu thông cảm: “Uh không sao, lần đầu có thể thấy đau một chút cũng bình thường. Các lần sau quen rồi sẽ không thế nữa đâu!”. Minh Ngọc tròn mắt: “Em chẳng muốn có lần sau nữa đâu chị. Trò này có gì hay ho đâu?”. Hồng Ngọc thông cảm cho đôi bạn trẻ ít kinh nghiệm: “Mà chị thấy bọn em làm lâu lắm cơ mà! Không thấy sướng, tại sao lại lâu thế?”.

Minh Thành ngao ngán: “Có phải một lần đâu chị ơi! Nhiều lần lắm! Bọn em thử đủ các cách theo lời chị dặn, hết đứa này ở trên rồi đến đứa kia ở trên mà cũng không ăn thua. Chẳng đứa nào sướng cả! Khổ thân Minh Ngọc, người nó bé thế mà bị em đè.” Minh Ngọc nghẹn ngào: “Em vẫn còn đau hết cả lưng, mỏi hết cả mình mẩy đây này!”. Đến lúc này, Hồng Ngọc có chút cau mày, nghĩ: “Sao làm chuyện ấy mà lại khổ sở thế nhỉ? Có gì đó sai sai rồi!”, bèn nói: “Các em có làm đúng như lời chị dặn không? Thử biểu diễn lại cho chị xem nào!”.

Minh Ngọc và Minh Thành nhìn nhau chẳng có chút nào hứng thú, nhưng cũng muốn hỏi cặn kẽ xem mình đã làm sai điều gì. Minh Ngọc thất thểu tiến về phía Minh Thành, vừa đi vừa nói: “Ban đầu bọn em tụt hết quần áo ra, đúng như chị bảo, nhưng không cần diễn lại đoạn đó nhé!”. Nói rồi, Minh Ngọc nhảy lên lưng Minh Thành: “Sau đó em ở trên nó. Ôm mãi mà chẳng thấy sướng, em bắt đầu nhún.” Minh Thành vừa cõng Minh Ngọc trên lưng, vừa nhún theo điệu nhún của Minh Ngọc, kể tiếp: “Suốt mấy tiếng liền, hết nó cõng em, rồi em cõng nó, một đứa nhún, rồi hai đứa cùng nhún. Sướng chả thấy đâu, chỉ thấy mệt thôi chị ơi! Lúc Minh Ngọc cõng em, em nặng quá mà lại nhún trên lưng nó nữa, thế là nó loạng choạng đánh đổ cả đồ đạc trong nhà. Nó cứ hét ầm lên bắt em dừng lại.”

Minh Thành vừa cõng Minh Ngọc trên lưng, vừa nhún theo điệu nhún của Minh Ngọc

Hồng Ngọc phì cười, không còn gì để nói. Không nỡ làm ô nhiễm hai tâm hồn quá sức trong sáng như vậy, Hồng Ngọc thấy không cần phải chỉ cách giải ngố cho Minh Thành và Minh Ngọc nữa. Nhưng nhận thấy vấn đề của hai bạn trẻ, Hồng Ngọc hỏi: “Trước khi quyết tâm giải ngố, các em có hài lòng với việc chưa giải ngố của mình không?”. Minh Ngọc vừa trèo xuống khỏi lưng Minh Thành, vừa tuôn một tràng: “Hài lòng thế nào được hả chị? Bọn bạn cứ trêu ghẹo em, gọi em là “của hiếm”. Bọn nó chẳng thèm nói chuyện với em, coi em là đứa chẳng hiểu biết gì. Em điên tiết lắm, không thể kém chúng nó được!”. Minh Thành gật gật đầu đồng tình: “Em cũng thế chị ơi, 25 tuổi đầu mà chưa có tí kinh nghiệm gì! Nhục lắm!”.

Hồng Ngọc gật đầu thông cảm, hỏi tiếp: “Thế sau khi thử giải ngố thì em có hài lòng với việc giải ngố này không?”. Minh Ngọc và Minh Thành thở dài đánh thượt một cái: “Trò này chán chết, em chẳng thấy có gì hay, chỉ thấy mình mẩy ê ẩm. Chờ mãi chẳng sướng, chỉ tổ bực mình!”.

Hồng Ngọc mỉm cười: “Khi đang có kinh nghiệm “chưa giải ngố”, các em đã không hài lòng với kinh nghiệm hiện tại của mình, khó chịu, bực bội và muốn tiêu diệt nó. Với tâm trạng như vậy, các em mong tìm được kinh nghiệm mới dễ chịu hơn bằng việc giải ngố. Nếu các em khó chịu với cái đang là, muốn tiêu diệt nó để tìm đến một cái sẽ là, thì dù có được cái sẽ là rồi, với thói quen đó, các em sẽ lại khó chịu với cái đang là mới, và tìm đến một cái sẽ là khác. Cái vòng luẩn quẩn: ở trong cái đang là, khó chịu với nó, muốn có được cái sẽ là, rồi lại khó chịu với nó… sẽ không bao giờ chấm dứt.”

Minh Ngọc và Minh Thành trầm ngâm suy nghĩ về những điều Hồng Ngọc vừa giải thích rồi thắc mắc: “Thế theo chị chúng em phải làm gì bây giờ?”.

Hồng Ngọc nói tiếp: “Các em cần phải sửa thái độ với thực tại. Cái gì đang diễn ra đều chính là thực tại, tự nó không có tính chất gì là sai hay đúng cả, cho đến khi ý nghĩ chủ quan của các em xen vào, gây ra sự phán xét, không hài lòng. Các em hãy tập cách thản nhiên ở trong cái đang là, không chống lại nó, không đánh nhau với nó, không tìm cách tiêu diệt nó. Chỉ có như vậy, các em mới tiếp xúc được trọn vẹn với thực tại và hiểu thấu bản chất của nó hơn. Sự hiểu thấu đó chính là trí tuệ, trí tuệ đó sẽ mang cho các em hạnh phúc.

“Ví dụ kinh nghiệm chưa “giải ngố” là một điều bình thường trong đời người. Ai chẳng có lúc như vậy! Nó hoàn toàn bình thường. Chỉ khi ý nghĩ chủ quan của các em xen vào, các em cho đó là bất thường và tìm cách tiêu diệt nó. Đó chính là sự bất toại nguyện. Khi các em hành động dựa trên bất toại nguyện, thì hết bất toại nguyện này đi, hoàn cảnh mới tới và bất toại nguyện khác sẽ tới. Chi bằng, các em hãy tập cách hài lòng với kinh nghiệm chưa “giải ngố” của mình, khi đó thì chuyện chưa “giải ngố” chẳng còn là vấn đề nữa, các em có ngay hạnh phúc trong hiện tại mà không phải tìm kiếm đâu xa.

“Muốn được như vậy thì phải tu hành để có trí tuệ chứ không phải tìm kiếm kinh nghiệm bên ngoài, “Chỉ có sửa bên trong mới là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc” thôi. Khi hai đứa thấy đầy đủ bên trong, hài lòng với thực tại rồi thì làm chuyện đó hay không làm chuyện đó đều vẫn hạnh phúc thực sự được em ạ! Tu hành sẽ giúp các em tận hưởng được bất kỳ cái gì hiện ra như nó là.”

Minh Ngọc vẫn không thôi thắc mắc: “Những lời chị nói thật trí tuệ. Thật là khác những gì mọi người đồn đại về chị! Chắc hẳn nhờ tu hành chị đã vượt lên được những thói đời bình thường. Thế trước khi tu chị làm gì hả chị?”. Hồng Ngọc mỉm cười: “Trước khi tu thì chị tụt quần, rồi lên giường, rồi ở trên bạn trai chị, rồi nhún.”

“Thế sau khi tu thì thế nào ạ?” – đôi bạn trẻ cùng đồng thanh.

Hồng Ngọc cười, nói tiếp: “Sau khi tu thì chị cũng tụt quần, rồi lên giường, rồi ở trên bạn trai chị, rồi nhún.”

Minh Ngọc và Minh Thành tròn mắt ngồi nghe mà không thể hiểu nổi: “Thế khác nhau chỗ nào ạ? Tu hay không tu có gì khác nhau đâu? Cũng là tụt quần, trèo lên giường, ở trên một người, rồi nhún mà.”

Hồng Ngọc lắc đầu: “Ngày trước khi tụt quần thì chị nghĩ đến chuyện trèo lên giường. Đang trèo lên giường thì nghĩ đến chuyện sẽ nhún thế nào. Ngay khi đang nhún thì lo khi nào lại phải mặc quần áo nhỉ? Còn bây giờ, tụt quần thì chị chỉ biết là đang tụt quần thôi. Tương tự, trèo lên giường thì chỉ biết là đang trèo lên giường, nhún thì chỉ hưởng cảm giác đang nhún thôi. Đấy chính là sự khác nhau đấy.”

Minh Thành thốt lên: “Hay quá!”.

“Còn bây giờ, tụt quần thì chị chỉ biết là đang tụt quần thôi.”

Hồng Ngọc nói tiếp: “Nếu không có trí tuệ để ở trọn vẹn trong thực tại, các em sẽ không bao giờ thực sự tận hưởng được bất kỳ kinh nghiệm gì mà sẽ bị chui vào suy nghĩ. Hiện tại tuyệt đẹp sẽ không bao giờ hiện ra bởi các em bị những suy nghĩ phán xét hiện tại, nuối tiếc quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai che mờ mất. Nếu tụt quần mà bị những lo lắng về quá khứ hoặc tương lai lôi đi thì chính là các em đang từ chối kinh nghiệm tụt quần của mình. Nếu tụt quần mà chỉ biết là đang tụt quần thôi, thì các em có thể tận hưởng thực tại ngay lúc ấy rồi.”

Minh Ngọc và Minh Thành kinh ngạc. Chưa bao giờ có ai dạy cho họ về những điều này. Không ngờ đi học về giải ngố mà lại được giảng về những giáo lý thâm sâu như vậy. Đúng là ngay khi tụt quần, Minh Ngọc chỉ lo mất cái ngàn vàng còn Minh Thành chỉ miên man tự hỏi chuyện ở trên nhau sẽ thế nào, nên cả hai đều không hề tận hưởng được những gì hiện ra. Hồng Ngọc trầm ngâm nói tiếp: “Bởi thế, các em hãy cứ giữ tâm hồn trong sáng này. Việc quan trọng không phải là giải ngố, mà là tu hành để có trí tuệ. Khi hiểu sự thật thì việc giải ngố xảy ra hay không, hoặc nếu có xảy ra thì sướng hay không sướng cũng không còn quan trọng nữa. Các em sẽ có thể tận hưởng được hiện tại cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra.”

Kể từ đó, Minh Ngọc và Minh Thành không còn thắc mắc về giải ngố nữa. Cả hai cùng theo nữ đạo sư Hồng Ngọc tu hành tinh tấn. Sau một thời gian, sự giải ngố của từng người đã diễn ra một cách rất tự nhiên và hạnh phúc.

Zangthalpa ngừng kể. Đám học trò ban đầu cười ngặt nghẽo trước sự ngây thơ của Minh Ngọc và Minh Thành, sau đó lại trầm ngâm cùng những chia sẻ của nữ đạo sư Hồng Ngọc. Zangthalpa quay sang Ngọc Tuyết, hỏi: “Con đã nghĩ xong mình sẽ giải ngố thế nào chưa?”.

Ngọc Tuyết bẽn lẽn: “Con hiểu rồi Thầy ơi! Hiện giờ con đang không hài lòng với thực tại của mình thì dù con có chọn được một anh để giải ngố đi chăng nữa, con sẽ chỉ có một thực tại khác cũng đầy phiền muộn mà thôi. Việc con cần làm bây giờ là sửa bên trong để chấp nhận và hài lòng với thực tại đã, rồi làm gì thì làm.”

Zangthalpa gật đầu: “Con người luôn nằm trong trạng thái không thỏa mãn mà nhà Phật gọi là bất toại nguyện. Không ai hài lòng với kinh nghiệm hiện tại của mình. Đang ở kinh nghiệm này, lại luôn muốn tìm một kinh nghiệm khác. Chưa giải ngố thì suốt ngày nghĩ đến chuyện khi nào giải ngố, không hài lòng với sự thiếu kinh nghiệm của mình. Giải ngố rồi thì lại không hài lòng với trải nghiệm giải ngố, nuối tiếc trạng thái ngày xưa: “Biết chán thế này thì thà không làm còn hơn!”. Nếu để ý, sẽ thấy mỗi người luôn tìm một kinh nghiệm khác kinh nghiệm mình đang có. Tu hành là để làm gì? Mục tiêu của tu hành không phải là để trở thành bậc này bậc kia, không phải để bất tử, thậm chí không phải để trở nên giác ngộ, mà là hưởng được trọn vẹn giây phút đang là này vô điều kiện. Nếu tụt quần mà chỉ biết là đang tụt quần thôi, không hề lo lắng về những gì xảy ra sau đó thì đấy mới là trí tuệ!”.

Một làn gió mát thổi qua mang theo hương cỏ sữa mát lành. Các học trò của Zangthalpa hạnh phúc tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ và đầy ắp hương thơm ấy mà không còn phải lo lắng về việc tối nay ăn gì, tiếp theo sẽ làm gì nữa.

(Dựa trên một câu chuyện có thật được Trong Suốt kể ngày 19/03/2016.)

(Còn tiếp)

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 50: Trao đổi khái niệm

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.