CHỈ CÓ CÁI BIẾT LONG LANH RỰC RỠ ĐANG NHÌN VÀO CHÍNH NÓ

Hải Tuệ: Thưa Thầy, con cần cắt đứt nhầm lẫn và an trụ trong Biết như thế nào?

Thầy Trong Suốt: Về mặt kinh nghiệm thì con luôn nhìn thẳng vào Biết, lúc nào con cũng nhìn vào Biết, không lúc nào con rời mắt khỏi Biết. Nhưng ngay sau một khoảnh khắc thì suy nghĩ bảo: “không, đây không phải là Biết, đây là tôi, đây là các bạn, đây là Thầy, đây là thế giới”. Giống như khi con nhìn thẳng vào màn hình ti vi, về kinh nghiệm thì con nhìn thẳng vào màn hình, nhưng ngay khi con vừa nhìn, trên màn hình hiện ra con sư tử, và con nghĩ rằng con nhìn vào con sư tử, trong khi thực ra lúc đó con vẫn đang nhìn vào màn hình ti vi.

Khi xem một bộ phim mà con bị cuốn hút thì con sẽ thấy đúng cái Thầy mô tả. Mắt con nhìn chằm chằm vào cái màn hình ở rạp, nhưng con lại không nhìn thấy cái màn hình nào cả, con chỉ thấy chàng trai, cô gái, tình yêu, thù hận… Trong khi con vẫn đang nhìn chằm chằm vào cái màn hình. Việc xem phim là một hình ảnh ẩn dụ để con hiểu cuộc đời mình sống thế nào. Ngay bây giờ con đang nhìn chằm chằm vào màn hình của Biết, nhưng suy nghĩ tự động nhảy vào và nói: “Màn hình nào? Biết nào? Chỉ có tôi, có thế giới. Tôi sờ sờ đây này, thế giới sờ sờ đây này”.

Một đứa bé mới sinh ra không bị như vậy. Đứa bé mới sinh ra nhìn thế giới giống như một mặt gương, không phân biệt ra tôi và vật. Khi con giơ ngón tay sang phải, sang trái đứa bé sơ sinh sẽ không nhìn theo, vì nó chưa đến đoạn phân biệt vật này vật kia. Đến tháng thứ hai, bé mới có khả năng phân biệt vật thể qua thị giác. Khi đó con giơ ngón tay sang phải rồi sang trái, bé mới nhìn theo được. Nghĩa là sự phân biệt không phải là trạng thái vốn có của con, đấy là cái được thêm vào sau.

Trong cuộc sống, ngay bây giờ con đang nhìn thẳng vào Biết, cái Biết không phải là trống trơn mà long lanh rực rỡ. Nhưng ngay sau đấy, ngay lập tức suy nghĩ phân biệt nhảy vào tạo ra cái gọi là “tôi” và “thế giới” và con quên mất hoàn toàn sự thật.
Con cho rằng tôi là người này và thế giới là những vật kia. Vì tiến trình này xảy ra quá nhanh nên đối với con thế giới đã có sẵn ở đó rồi. Nghĩa là con thấy trước mặt con không phải là cái Biết nào hết, mà có sẵn tôi và mọi người ở đấy rồi. Con mở mắt nhìn là có thế giới và có tất cả mọi người rồi. Con không thấy những người này chỉ là khái niệm được tạo ra trong suy nghĩ, mà những người này đã có sẵn ở đấy rồi. Con không thấy “cái tôi” là một suy nghĩ đang được tạo ra, mà tôi đã ngồi sẵn ở đây rồi. Con sống với cảm giác tôi có sẵn ở đây rồi chứ con không sống với cảm giác “tôi” được nghĩ ra.

Sự thật chỉ có cái Biết long lanh sống động không thể nắm bắt hay mô tả được, nhưng ở trên nền sự thật đó suy nghĩ dán các nhãn “tôi”, “đồ vật”, “thế giới”… vào đó. Con chỉ có một trong hai trạng thái thôi: Vô minh là tin những cái nhãn này là sự thật, còn Minh là sống mà không bị lừa bởi sự gán nhãn.

Con đang nhìn thẳng vào sự thật nhưng con lại tin vào sự giả. Giống như mắt con nhìn thẳng vào màn hình ti vi nhưng con lại tin ở chỗ đó có chàng trai, cô gái đang yêu nhau. Hàng ngày con nhìn thẳng vào Biết nhưng lại tin rằng đây là tôi và kia là thế giới. Việc đó xảy ra từ sáng đến tối, từ ngày này đến ngày khác khiến con bị lừa. Cái lừa đấy dẫn đến đau khổ. Có tôi là có sở hữu, có mong muốn, có sợ hãi… tất cả đều gây ra đau khổ và còn tôi thì đau khổ còn kéo dài vô tận. Trạng thái đấy gọi là luân hồi, vòng lặp bất tận của vô minh.

Vậy nên con cần thực hành để bẻ gẫy vũ khí của kẻ thù, bẻ gẫy cái gây nên ảo giác. Cái gây ảo giác ở đây là niềm tin nhầm lẫn có tôi và thế giới. Vì những suy nghĩ đó gây ảo giác, khi bẻ gẫy sự đúng đắn của nó, con mới thấy rằng: Không có cái tôi nào, không có thế giới nào. Bằng cách thực hành sâu sắc những phương pháp kiến và thiền con đã được học như phá mô hình cái tôi, tìm tôi trong kinh nghiệm, năm bước tri huyễn, phá vật thứ 6 – suy nghĩ … con sẽ bẻ gẫy sự đúng đắn của những niềm tin đó và không còn bị lừa nữa.

Ngay khi ngồi đây nếu có thể thấy rằng “tôi” chỉ là một suy nghĩ thôi, nghĩa là con đã bẻ gẫy vũ khí của ảo giác rồi. Thực ra chẳng có tôi nào hết, chỉ có một suy nghĩ bảo “đây là tôi”. Cũng thế, chẳng có gì là “thế giới” hết, chỉ có những suy nghĩ bảo đây là cái này, đây là cái kia, đây là thế giới… Khi thấy chẳng có cái gì là tôi và chẳng có cái gì là vật hết, nghĩa là con đã bẻ gẫy vũ khí của ảo giác. Khi con đang ngồi đây, bản chất là con đang nhìn thẳng vào cái Biết long lanh, rực rỡ, ngay bây giờ! Không phải nhìn vào Thầy, vào các bạn. “Thầy” và “các bạn” chỉ là những khái niệm được bịa đặt vào do thói quen nắm bắt kinh nghiệm thông qua suy nghĩ.

Nếu cái con đang nhìn vào chính là cái Biết long lanh rực rỡ, vậy còn người nhìn là ai? Không có cái tôi nào đang nhìn hết mà là cái Biết đang nhìn vào chính nó. Đấy là sự thật. Nên con cần bẻ gẫy tất cả suy nghĩ lừa con rằng: “có cái tôi là người đang nhìn”, “có các vật thể là cái được nhìn thấy”. Cả hai đều không có, không có tôi nào nhìn và cũng không có vật gì được nhìn thấy, đó chỉ là những khái niệm trỏ về những thứ không có thật. Giống như “lông rùa”, “sừng thỏ”, “đứa con đẻ của người đàn bà vô sinh”. Thực tế, chỉ có cái Biết long lanh, rực rỡ đang nhìn vào chính nó.

Nhận ra được điều này chính là cắt xuyên qua mọi nhầm lẫn!

❤️
Trong Suốt
(Trích bài: Tu để giác ngộ hay tu để sống đúng với sự thật? – Hà Nội 1/9/2024)

Giọng đọc: Thùy Anh