Trên đồi Ba Vì, sau một buổi thiền cảm nhận không gian của Biết, một học trò tò mò hỏi Trong Suốt: “Khi con thiền cảm nhận không gian của Biết, con cảm thấy rất đầy đủ, hạnh phúc, cảnh rất đẹp, không vấn đề gì cả, nhưng sau buổi thiền lại quay trở lại với cảm giác bình thường. Ngày xưa con tò mò về thầy: ‘Tại sao đời sống của mình khổ thế này, mà sao trông thầy lúc nào cũng có vẻ tự tại, thong dong?’ Nên con tự hỏi, trạng thái con thấy lúc thiền đó có phải là trạng thái sống của thầy không?”
Thầy Trong Suốt trả lời:
Thầy chỉ khác các con ở chỗ là thầy không quay lại nữa. Còn các con sau khi thiền xong lại quay lại là cái người ngồi trên cái ghế và ngày mai phải giải quyết bao nhiêu chuyện. Tại sao các con lại quay lại? Tại vì suy nghĩ bắn ra ‘tôi là người này’, và các con đồng ý với nó. Còn thầy thì cứ rộng mở thế này thôi, đúng theo nghĩa đen của câu ‘Không gian của Biết đang nhìn những ảo ảnh bên trong mình’. Miêu tả giống nhất kinh nghiệm sống của thầy là một người đang ngắm giấc mơ của chính mình. Nhưng ‘thầy’ không phải là người này, mà ‘người này’ cũng chính là một phần của giấc mơ. Nhân vật ‘thầy’ cũng chỉ là một trong những ảo ảnh trong không gian của Biết. Các con cũng thế thôi. Nhưng khi các con quên thì, tự nhiên, từ không gian biến thành ‘người này’, hai chân hai tay, không thoát ra nổi, nhốt chặt vào trong cái ảo giác này. Đó là tại sao phải cần môn ‘vô ngã’ và ‘không có thật’, không có ‘tôi’ và không có ‘thế giới’, để phá cái ảo giác đó.
Bản chất các con vốn là cái không gian này rồi, tự thế, không cần phải luyện gì cả. Nhưng bỗng nhiên lại tưởng tượng ra rằng có hai thứ trên đời này, nhà Phật gọi thứ nhất là có ‘tự ngã’ và thứ hai là có ‘tự tính’, hay nói cách khác là có ‘tôi’ và có ‘vật’. Tự nhiên tưởng tượng rằng trong không gian đang bao la, đẹp đẽ, sáng rực này, có hai thứ là ‘tôi’ và ‘vật’, thế giới bị chia thành 2 nửa: ‘chủ thể’ và ‘đối tượng’, có ‘người nhận biết’ và ‘những cái được nhận biết’. Con bảo rằng không gian này không thể chỉ bình yên và rực rỡ thế này thôi, mà phải có ‘tôi’ và ‘vật’. Sau khi tưởng tượng ra ‘tôi’ và ‘vật’ rồi thì bắt đầu nhận mình là phần ‘tôi’ và tách rời khỏi phần ‘vật’. Thế là tất cả đời sống của luân hồi bắt đầu sinh ra. Tu hành là các con quay trở lại trạng thái lúc đầu, trạng thái nguyên thủy này. Trạng thái nguyên thủy là trạng thái không bị lừa rằng có ‘tôi’ và ‘vật’ nữa, chỉ thấy không gian của Biết, sáng rực rỡ này thôi.
Thế giới của thầy sáng hơn các con rất nhiều, không phải là ánh sáng vật lý, mà là ánh sáng của sự biết, mọi thứ hiện ra rõ ràng. Khi thực hành trở về trạng thái nguyên thủy, các con phải đi qua ba việc:
- Một là, các con phải gặp người thầy nói các con Sự thật này. Nếu không ai nói với con điều này thì chẳng bao giờ con có thể hiểu thế giới thực ra là thế nào. Đó là định mệnh quyết định.
- Hai là, bên trong các con phải có lòng tin, bởi Sự thật tuyệt đối thầy nói đến là rất khó tin.
- Thứ ba là, các con phải đầu hàng. Đây là điều quan trọng, là thành phần không thiếu được của con đường, mà các con phải tự làm. Con phải đồng ý rằng tất cả là Biết làm, rằng các sự kiện trong cuộc đời là không thể thay đổi được. Các con phải chấp nhận điều đó, để mà đầu hàng. Còn nếu các con không đầu hàng, vẫn sống như một cái ‘tôi’ khống chế mọi việc, thì đến lúc chết các con vẫn chết như một cái ‘tôi’. Cái ‘tôi’, niềm tin “tôi là người này, thân thể này, tách rời khỏi thế giới” là cản trở lớn nhất để các con nhớ ra mình thực sự là không gian ngập tràn nhận biết này, chứ ai ở đây cũng là không gian nhận biết đó.
Có thể cái ảo ảnh “tôi tách rời khỏi thế giới” vẫn đang còn, nhưng với sự thực hành đúng, nó sẽ mờ dần đi theo thời gian, một ngày nào đó nó sẽ biến mất. Nhưng khi nó đang còn, thì các con sẽ chịu những thống khổ của cái ‘tôi’ này. Ảo giác tách rời rất khổ: các con ở đây ai cũng cảm giác phải tách khỏi một cái gì đấy. Tách rời dẫn đến thiếu thốn, khổ sở. Những thống khổ đó nhắc nhở các con rằng ‘phải thoát khỏi ảo giác đi, khổ lắm.’
(Trích từ buổi hỏi đáp sau thiền tại Ba Vì, 09/04/2022)