“Kẻ cuồng sát” là một trong những bộ phim hành động giật gân được yêu thích nhất mùa hè 2020. Cuộc rượt đuổi kinh hoàng, khốc liệt và đẫm máu lại bắt nguồn từ một hành động cẩu thả, một sự thờ ơ vô cảm. Chỉ chậm lại một nhịp trước khi hành động để cân nhắc động cơ và hậu quả, có thể Rachel đã không phải đối diện với ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời của mình.
Lấy bối cảnh nước Mỹ dưới đại nạn về bạo lực xã hội gia tăng trong khi lực lượng cảnh sát thì mỏng, còn dân chúng thì ngày càng dễ tức giận trước những sức ép vô hình của cuộc sống công nghiệp, bộ phim “Kẻ cuồng sát” mang đến một câu chuyện vừa khó tin, vừa đáng sợ, song lại có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta ngay lúc này.
CẨN THẬN ĐỘNG CƠ, DÙ CHỈ LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG NHỎ
Rachel, bà mẹ một con đang làm thủ tục ly dị chồng, là một người phụ nữ có lối sống khá cẩu thả, vô trách nhiệm, và hay đổ lỗi ra bên ngoài. Tiếc thay, Rachel không thừa nhận những tính xấu này của mình, ngược lại cô rất tự tin, thậm chí có phần chủ quan khi nghĩ mình sẽ kiểm soát tốt mọi việc.
Vì sự cẩu thả, thiếu kỷ luật mà Rachel bỏ lỡ cơ hội cuối cùng khách hàng dành cho mình bởi cô lại một lần nữa trễ hẹn và kết cục là cô bị sa thải. Thói quen đổ lỗi ra bên ngoài khiến Rachel không chịu thừa nhận sai lầm của mình. Cô cho rằng nguyên nhân trễ hẹn với khách là do tắc đường. Không thể im lặng trước sự vô lý này của Rachel, con trai cô đã phải thốt lên “Chẳng phải do chính mẹ đã ngủ quên và không nhớ hôm nay có hẹn khách hàng hay sao!”.
Chuỗi hình ảnh vừa rồi là lời mô tả ngắn gọn về cuộc đời của Rachel. Hãy xem những vướng bận cô đang mắc phải là gì? Hồ sơ li dị chưa hoàn thành, mẹ ruột ở viện dưỡng lão không hài lòng, nhà cần bán để trả phí cho mẹ, cậu em trai và bạn gái sống nhờ ngôi nhà Rachel đang thuê… Chính vì bản tính xuề xòa nên Rachel đã “nhắm mắt” làm ngơ để không phải đối diện với những bất ổn bên trong mình.
Với suy nghĩ tiêu cực rằng “cuộc đời mình đã tồi tệ đến đỉnh điểm”, Rachel xả cơn giận vào chiếc xe chắn lối đi của cô khi đèn giao thông đã chuyển màu xanh. Hành động bóp còi khó chịu này là nguồn cơn cho mọi đau khổ mà cô và gia đình sắp phải chịu đựng. Bỏ qua lời khuyên ngăn của con trai, Rachel thể hiện sự khó chịu, coi thường và kỳ thị người lái xe, khiến ông ta tức giận và kiên quyết dạy cho Rachel một bài học nhớ đời. Tiếc thay, bài học đó cô phải trả giá bằng sinh mạng người bạn thân nhất, vợ sắp cưới của cậu em trai, nhiều người dân khác và suýt chút nữa là cả mạng sống của chính cô và đứa con trai.
Chúng ta không bao giờ biết được một hành động dù rất nhỏ, như nhấn còi xe hay một ánh nhìn miệt thị có thể gây ra hậu quả khủng khiếp như thế nào. Bộ phim này có thể sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn chi tiết và nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, điều đầu tiên chúng ta có thể làm trước khi có bất cứ hành động gì, là kiểm tra xem động cơ vì sao mình muốn thực hiện nó. Mọi hành động và thái độ của Rachel lúc đó đều chỉ để xả cơn tức giận với khách hàng và với chính bản thân mình. Nếu dừng lại một nhịp và nhận ra chính mình và những người khác không đáng nhận những phản ứng gay gắt như thế, có lẽ tấn bi kịch đã không xảy ra.
AI CŨNG CẦN MỘT SỰ CẢM THÔNG
Nói về người đàn ông tên Tom – kẻ cuồng sát – cũng là một nạn nhân của cuộc sống khắc nghiệt. Bị vợ bỏ và mất hết tài sản, Tom bị cắt lương hưu gần một năm, và lại bị đuổi việc sau khi vừa mới đi làm được một tháng. Tưởng như cuộc đời không thể tệ hơn được nữa, thì trong một cơn giận đỉnh điểm, Tom đã về nhà vợ cũ, phóng hoả đốt nhà và giết sạch những người trong nhà. Hành động cuồng sát đó khiến Tom bị đơ, bần thần sau chiếc vô lăng dù đèn giao thông đã chuyển màu xanh từ lâu, cũng là khởi nguồn cho tiếng còi giục giã kèm thái độ của Rachel sau đó.
Với lời xin lỗi và thừa nhận mình đang có một ngày vô cùng tệ, Tom mong chờ một sự cảm thông từ người mẹ trẻ. Đồng thời gã cũng đòi hỏi cô phải xin lỗi vì thái độ không đúng mực của mình. Song không những không thông cảm với Tom, Rachel còn miệt thị tính cách của Tom và thể hiện rõ thái độ không thèm quan tâm của mình. Hành động này của cả Rachel và Tom đều cho thấy một thói quen trong cuộc sống mà rất nhiều người vẫn đang mắc phải, đó là khi đau khổ, ta chỉ vô thức trút nỗi đau của mình lên người khác để cảm thấy đỡ hơn, dễ chịu hơn.
Đã sẵn máu giết người và cơn giận vẫn đang ngùn ngụt trong lòng, Tom chỉ cần một lý do để trút toàn bộ những gì mình đang phải chịu lên một người khác, gã cho rằng dạy cho Rachel một bài học để cô biết thế nào là một ngày tồi tệ thực sự.
Bài học từ cơn thịnh nộ của Tom và thói vô cảm, kiêu ngạo của Rachel đã cho chúng ta thấm thía được rằng: Khi đang gặp chuyện đau khổ, dù có là nạn nhân, chúng ta vẫn không có quyền hành xử như thể cả thế giới này đều có lỗi với mình, vì có thể người khác còn đang khổ hơn mình rất nhiều. Không cần phải trải qua những nỗi khổ mà người kia đang gặp phải, ta mới có thể cảm nhận được, mà chỉ bằng sự cảm thông, ta hoàn toàn có thể thấu hiểu và có thể giúp đỡ cho họ. Nhưng trong lúc đang đau khổ, mấy ai nghĩ được cho người nào khác, ngoài bản thân mình?
CÂN NHẮC HẬU QUẢ KHI HÀNH ĐỘNG
Sự thay đổi mạnh mẽ nhất của Rachel khi liên tục chạy trốn khỏi cuộc truy sát của kẻ cuồng nộ chính là cách hành xử của cô. Nếu biết nhìn vào bên trong mình để chấp nhận những thói xấu của mình, có lẽ Rachel và những người thân của cô đã không phải chịu đựng những mất mát kinh khủng như vậy. Hãy xem một người cẩu thả, vô trách nhiệm, thường xuyên trễ hẹn – một Rachel ngày hôm qua, đã thay đổi thế nào ngày hôm nay?
- Từ việc chủ quan nghĩ Tom không dám làm hại ai, cô đã ý thức được hậu quả chính mình và người thân hoàn toàn có thể phải chết dưới tay một kẻ lạ mặt vô tình gặp trên đường.
- Từ lối sống thiếu kỷ luật và luôn ngụy biện, cô đã biết nhận trách nhiệm và bám sát kế hoạch.
- Từ thói quen ỷ lại vào cảnh sát, cô đã biết đứng lên, tự tìm lấy sức mạnh bên trong mình.
- Từ những hành động mang tính bột phát do thói cẩu thả, cô đã bắt đầu biết “dừng một nhịp” như trong cảnh cân nhắc bấm còi ở phân cảnh cuối của phim.
Nếu chúng ta không thể tự tưởng tượng và cân nhắc về hậu quả kinh khủng nhất có thể xảy đến từ một ý nghĩ, một lời nói, một hành động vô ý nào đó của mình thì cuộc đời sẽ dạy cho ta bài học tương xứng. Bài học đó có thể sẽ nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, giống như hậu quả kinh khủng mà Rachel phải nhận từ một nhân cẩu thả, thờ ơ của mình.
Khi đã học được rồi, thì mỗi lần định mắng ai đó, định vứt rác ở góc đường, định mang một cây bút từ cơ quan về nhà dùng, định giết thịt một con vật để nấu nướng… một cách tự nhiên ta sẽ “dừng một nhịp” để vừa kiểm tra động cơ vừa cân nhắc về hậu quả tệ nhất có thể xảy ra, để lựa chọn hành động tiếp hay không.
Hơn thế, kiểm tra động cơ giúp ta phát hiện trạng thái cảm xúc của mình. Mong muốn hành động đó có đến từ cơn sân hận, ghen tỵ, tham lam nào đó hay không. Sự nhận ra này giúp ta chuyển hoá những cảm xúc tiêu cực để đạt trạng thái bình an trước, xong mới hành động trên cơ sở đã cân nhắc hậu quả.
Mời bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học với CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!