Một đứa bé ngã, mẹ nó lập tức đánh vào cái bàn “Đánh chừa cái bàn này!”. Lập tức, đứa bé sẽ hiểu nỗi khổ của nó không phải do nó, mà tại cái bàn. Phần lớn chúng ta được nuôi dạy như vậy, và lớn lên với tâm lý Nạn nhân của nỗi khổ, không thoát ra được. Chỉ khi là Chủ nhân của vấn đề, mình mới có thể quyết định chấm dứt vấn đề. Vậy có cách nào để chuyển hoá từ tâm lý Nạn nhân thành tâm lý Chủ nhân?
Mục lục
1. KHỔ – KHÔNG HÀI LÒNG, CÓ AI CHƯA TỪNG KHỔ?
Thầy Trong Suốt: Chắc là mọi người biết gần hết rồi, nhưng mình giới thiệu lại, mình tên là Thắng, hiện giờ đang làm kinh doanh ở Hà Nội. Đồng thời, một trong những việc mình hay làm nữa là việc giúp mọi người giải quyết những khúc mắc bên trong lòng của mọi người.
Ngoài việc chia sẻ với nhau thì mình nhìn nó với một góc độ khác. Khi nhìn vấn đề dưới một góc độ khác, không những mình có thể vượt qua được đau khổ mà vấn đề đó gây cho mình, mà mình còn học được bài học cần thiết. Mục đích của những buổi như thế này là mọi người chia sẻ và học được một điều gì đấy. Có thể thông qua một câu chuyện của người khác chứ không phải thông qua câu chuyện của mình.
Ở đây có những anh chị theo Phật Pháp, có những anh chị không theo Phật Pháp, nhưng nỗi khổ thì của chung tất cả mọi người, hạnh phúc là cái mà ai cũng hướng đến. Nên chúng ta sẽ nói chuyện trong một tinh thần cởi mở, thoải mái. Để bắt đầu, có lẽ mọi người thử trả lời câu hỏi này xem: “Ở đây có ai mà không hề có bất kỳ một nỗi khổ nào không?”. Giơ tay ạ.
Một vài bạn: Có chứ!
Thầy Trong Suốt: Bây giờ có câu hỏi này dễ hơn một chút: “Ở đây có ai quen với một người mà chưa gặp bất kỳ một cái khổ sở nào không?”. Quen một người hoặc biết một người thôi cũng được. Quen mà quen biết ấy, chứ không phải nghe kể. (Không ai giơ tay) Rồi, như vậy là ai cũng có nỗi khổ đúng không ạ? Không ít thì nhiều. Thế khi mà gặp một chuyện khổ, theo mọi người thì đấy là một chuyện tốt hay là một chuyện xấu? Theo chị áo xanh, chị tên là gì ạ?
Một chị: Mình tên Thảo.
Thầy Trong Suốt: Chị đã đến buổi này như thế nào ạ?
Chị Thảo: Mình theo chồng.
Thầy Trong Suốt: À, theo chị đau khổ là tốt hay xấu?
Chị Thảo: Xấu!
Thầy Trong Suốt: Xấu? Vì sao lại xấu ạ? Buồn đúng không ạ?
Ở đây có ai nghĩ đau khổ là không xấu tí nào không? Hoàn toàn tốt không ạ?
Một bạn: Không phải hoàn toàn xấu.
Minh Nguyệt: Nếu mà mình hiểu được giá trị của những đau khổ thì mình cảm thấy thú vị, giúp cho mình nhiều cái.
Bạn khác: Nhưng mà nếu nói xấu hoàn toàn thì cũng không phải.
Thầy Trong Suốt: Bây giờ thế này, tốt nhất là ai xung phong kể một nỗi khổ của mình. Ai dũng cảm nhất trong những người này kể một nỗi khổ của mình? Buổi nói chuyện này không phải là một người giảng cho những người khác. Chúng ta nói một câu chuyện ra và tương tác với nhau. Bất kỳ một câu chuyện nỗi khổ nào cũng được, không nhất thiết là một nỗi khổ kinh khủng nhất. Ai đấy xung phong kể một câu chuyện đi ạ?
Nguyên Thảo: Thôi để em kể trước một chuyện lấy cảm hứng từ câu chuyện của người bạn của em.
Thầy Trong Suốt: Không, phải câu chuyện của chính mình cơ, ai kể câu chuyện của chính mình, không chơi lấy chuyện người khác. (Mọi người cười) Nếu không ai xung phong thì sẽ bị chỉ định. Nỗi khổ thì có gì khó đâu, ai chẳng có, đúng không ạ?
Ai đủ dũng cảm kể thì là người được ích lợi nhiều nhất. Bí mật… bật mí cho mọi người biết là như thế.
Chị Lan: Tôi nghĩ là cái nỗi khổ chung của phụ nữ nói chung thôi. Ví dụ chị em phụ nữ bây giờ, nói chung ai cũng thích ăn, nhưng mà ai cũng sợ mập. Như ngồi trước một bữa tiệc rất thịnh soạn, hay bản thân tôi ăn chay một tháng 4 ngày: 14, 15 và 30, mùng 1. Thì cái ngày 30, mùng 1 cuối năm sẽ trùng với ngày 30 Tết và mùng 1 Tết. Tức là ăn uống rất thịnh soạn, nhà nào cũng thế, nhưng mà mình đã nguyện là mình ăn chay rồi, nên 30, mùng 1 Tết mình cũng ăn chay. Ngồi nhìn thế nhưng đấu tranh với bản thân rất là nhiều. Tôi nghĩ ở đây rất nhiều phụ nữ có chung một nỗi khổ là rất muốn ăn, nhưng mà lại rất sợ béo.
Thầy Trong Suốt: Hoan hô người đầu tiên dũng cảm đúng không ạ! (Mọi người vỗ tay) Như vậy nỗi khổ là muốn mà không được, đúng không ạ? Muốn mà không được! Có một anh nào không ạ? Chị đây đã đại diện phái nữ rồi, có anh nào dũng cảm kể nỗi khổ của mình? Nỗi khổ nào nó sâu sắc hơn một chút.
Một anh: Có nhiều mà không biết kể.
Thầy Trong Suốt: Bây giờ anh đang lo về cái gì?
Anh đó: Tương lai một ít.
Thầy Trong Suốt: Vì sao anh lại phải lo về tương lai, chứng tỏ hiện tại của anh không tốt, đúng không ạ? Hiện tại của anh như thế nào anh thử nói xem ạ!
Anh đó: Nghĩ xa vời quá nên thấy tương lai nó mịt mờ.
Thầy Trong Suốt: Hiện tại của anh có gì mà anh không vừa lòng? Anh thử dũng cảm kể đi ạ.
Anh đó: Tại vì mình thấy mình học vấn không bằng người ta, thấy thua kém mọi người.
Thầy Trong Suốt: Có ai coi thường anh không?
Anh đó: Cũng có một số người có, mà cũng có một số người không.
Thầy Trong Suốt: Khi mà anh bị coi thường, vì anh cảm thấy mình học vấn không bằng người khác, anh thấy buồn đúng không ạ? Đấy là một nỗi khổ. Rất hay!
Thêm một người nữa đi ạ! Mọi người chịu khó kể đi, vì kể là một cách giải quyết vấn đề. Dám kể là giải quyết một nửa vấn đề rồi. Bạn áo đỏ kể đi ạ! Em có một tí nỗi khổ nào không?
Bạn Thanh: Em đang suy nghĩ xem có nỗi khổ nào không.
Thầy Trong Suốt: Không có tí nào?
Bạn Thanh: Hiện giờ thì chưa.
Thầy Trong Suốt: Thật á? Không có tí nỗi khổ nào? Hay là em không dám kể?
Bạn Thanh: Không ạ, em sẵn sàng kể nhưng mà em không nghĩ ra được. Vì đối với em, nỗi khổ là phải làm cho mình rất là đau khổ.
Thầy Trong Suốt: À không, lúc nãy quên nói về chữ khổ. Khổ không phải là một cái gì đau khổ quá ghê gớm. Như chị nói là muốn ăn không được cũng là khổ, chứ không phải là khổ là cái gì đó kinh khủng đâu. Em có nỗi khổ nào không? Cái gì làm em bận tâm nhất bây giờ ấy. Muốn tìm nỗi khổ của mình rất là dễ, mình tìm trong đầu xem là mình đang bận tâm về cái gì nhất – Đấy chính là cái vấn đề ở chỗ mình. Em đang bận tâm về cái gì nhất? Tình yêu hay là học hành hay là công việc?
Bạn Thanh: Em nghĩ mối quan tâm lớn nhất là cách đối xử giữa hai thế hệ giữa em và bố mẹ.
Thầy Trong Suốt: Bố mẹ em đang làm cái gì khiến cho em cảm thấy khoảng cách?
Bạn Thanh: Bố mẹ em thiên về khuynh hướng quá truyền thống ạ. Đại loại là em sẽ có những giờ giới nghiêm.
Thầy Trong Suốt: Mấy giờ là em phải về nhà?
Bạn Thanh: Sau 10h40 thì không được về nhà nữa.
Thầy Trong Suốt: Và đối với em đó là một nỗi khổ, đúng không?
Bạn Thanh: Đấy là một trong những nỗi khổ.
Thầy Trong Suốt: Còn nỗi khổ nào hơn thế một chút không? Ví dụ như bắt em phải lấy ai đấy trước bao nhiêu tuổi chẳng hạn.
Bạn Thanh: Đấy đấy đấy! Em định kể cái đấy. (Mọi người cười)
Tức là đối với em thì việc lập gia đình hay không, nó không phải là một vấn đề. Nhưng với bố mẹ, đó là một vấn đề và bố mẹ luôn luôn nhắc mình mỗi ngày. Không thể nào gọi là một nỗi khổ, nhưng nó khá là khó chịu.
Thầy Trong Suốt: Khổ chứ, khổ chứ. Em sinh năm bao nhiêu?
Bạn Thanh: Em sinh năm 85 ạ!
Thầy Trong Suốt: 85, nghĩa là bố mẹ em đã muốn em phải lấy chồng rồi, đúng không?
(Buổi Trà đàm diễn ra vào năm 2012, lúc ấy bạn Thanh 27 tuổi)
Bạn Thanh: Vâng ạ!
Thầy Trong Suốt: Điệp khúc đấy lặp đi lặp lại bao nhiêu lần trong một ngày?
Bạn Thanh: Một ngày một lần thôi ạ! (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Mỗi ngày một lần? Khi bố mẹ em nói thế thì em cảm thấy trong lòng như thế nào?
Bạn Thanh: Lúc đầu em thấy rất khó chịu. Nhưng mà dần dần em thấy đó là sự thể hiện quan tâm lẫn nhau thôi ạ. Em không còn cảm thấy khó chịu nữa.
Thầy Trong Suốt: Không một tí nào nữa?
Bạn Thanh: Không khó chịu – không có nghĩa là em cảm thấy hài lòng về chuyện đấy.
Thầy Trong Suốt: Em không còn tí khó chịu nào về chuyện đấy nữa?
Bạn Thanh: Em không còn có cảm giác gì về chuyện đấy luôn.
Thầy Trong Suốt: Vô cảm? Vì kiểu bị chai sạn rồi đúng không? Đúng là một nỗi khổ.
Bạn Thanh: Em không biết làm sao để diễn tả.
Thầy Trong Suốt: Anh hiểu, anh hiểu. Ở đây chắc là có một số bạn nữ sẽ hiểu chuyện đấy, đúng không ạ? Nỗi khổ vì các cụ cứ nhắc mình phải lập gia đình. Không phải là nữ đâu, nam cũng bị. Có bạn nam nào ở đây cũng bị như vậy, thử giơ tay xem ạ! Hay bạn nam nào cũng có được bố mẹ rất tuyệt vời, không yêu cầu mình phải lập gia đình bao giờ? Đây mình ngày xưa cũng bị này, các bạn nam ở đây chắc trẻ quá, chưa đến nỗi đấy.
Em có nỗi khổ nào không? Thôi giờ hay là nói từ này đi, có gì không hài lòng không? Nỗi khổ mọi người sợ quá đúng không ạ? Em có gì không hài lòng không? Hay là hài lòng hoàn toàn, toàn bộ 100% trong cuộc đời này?
Một bạn nữ: Khi mà vào đại học, thì em có đắn đo là có đi du học hay ở lại trong nước học. Lúc đó em cũng có khả năng đi nước ngoài. Nhưng mà vì không muốn xa ba mẹ, ba mẹ tốn tiền. Nhưng khi học chương trình trong nước, em cũng cảm thấy không phù hợp.
Thầy Trong Suốt: Em có hối tiếc vì quyết định của em không? Hối tiếc cũng là một loại đau khổ. Chắc chắn là rất nhiều việc trong quá khứ mình cảm thấy mình có quyết định sai, nên bây giờ mình có hối tiếc. Đấy cũng định nghĩa là đau khổ. Rất tốt!
Thế khi có nỗi khổ thì mọi người thường làm gì để vượt qua, để giải quyết nỗi khổ đấy? Em làm gì để vượt qua nỗi khổ?
Bạn nữ: Em luôn nghĩ là cố gắng học những kiến thức mình có ở đây. Nếu như thật sự mình có năng lực, mình có thể ra nước ngoài học sau đại học.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là cắn răng chịu đựng cho đến lúc ra được nước ngoài, đúng không? (Mọi người cười)
Thanh, em làm gì để vượt qua nỗi khổ bố mẹ bắt mình lập gia đình?
Bạn Thanh: Em tìm hiểu nguyên nhân tại sao bố mẹ lại bắt em như vậy.
Thầy Trong Suốt: Nguyên nhân là gì em?
Bạn Thanh: Đối với em đó là sự quan tâm của bố mẹ thôi. Thì khi em nghĩ được đó là sự quan tâm đến từ phía bố mẹ, tại sao bố mẹ muốn như thế, thì em không có cảm giác khó chịu nữa. Nhưng không có nghĩa là em sẵn sàng đón nhận nó.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là cách của em là tìm hiểu nguyên nhân đúng không? Và để chấp nhận nó. Nhưng mà thực sự bên trong mình vẫn chưa hài lòng, mình vẫn bị hơi khổ một chút?
Bạn Thanh: Em không biết đó có gọi là khổ hay không tại vì em cũng không có cảm giác nhiều lắm.
Thầy Trong Suốt: Anh làm gì để bớt nỗi khổ? (Thầy Trong Suốt hỏi một anh khác)
Anh đó: Mình quên nó đi để mình bớt nỗi khổ.
Thầy Trong Suốt: Ít nghĩ về nó đi, nhưng mỗi khi nghĩ đến nó, anh có khổ nữa không?
Anh đó: Khổ nhưng ít hơn chứ không phải như lúc đầu, lúc mới vừa vấp ngã.
Thầy Trong Suốt: Bây giờ là bớt, đỡ hơn rồi đúng không ạ?
Hay nói cách khác, Khổ là không hài lòng.
2. BẢY GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ
2.1 Tất cả nỗi khổ của mình đều do mình hết
Thầy Trong Suốt: Nhưng mình nói câu này xem ở đây có bao nhiêu người đồng ý nhé! Câu này rất, rất khó nghe này. Nếu ai đồng ý thì giơ tay, không đồng ý thì thôi: “Tất cả các nỗi khổ của mình đều do mình hết!”, bao nhiêu người đồng ý ạ? (Nhiều người giơ tay) Woa, nhiều người giác ngộ quá! (Mọi người cười) Mình kỳ vọng là rất ít người.
Nhắc lại là: Tất cả nhé – là do mình hết. Do mình hết cơ mà? Vẫn nhiều người giơ tay ạ? Woa, kinh quá, kinh quá! Thế không còn gì để nói nữa rồi. Giác ngộ quá!
Mọi người bây giờ đừng bỏ tay xuống vội, câu này khó hơn này.
(Thầy Trong Suốt nhìn một bạn và hỏi)
Tại sao em lại nghĩ là tất cả nỗi khổ là do em hết?
Một bạn: Nếu mà mình nhìn sự việc đó một cách đau khổ thì mình sẽ thấy khổ.
Thầy Trong Suốt: Là do cách nhìn đúng không?
Bạn đó: Dạ!
Thầy Trong Suốt: Em, tại sao em lại nghĩ tất cả là do mình hết? Vì sao?
Bạn đó: Đấy là do cách suy nghĩ của mình thôi. Khi một việc đến là nó chỉ đến vào thời điểm đó, còn mình kéo dài nỗi khổ đó là do mình cứ suy nghĩ mãi.
Thầy Trong Suốt: Ai dạy em cái đấy?
Bạn đó: Tự nhiên em nghĩ ra.
Thầy Trong Suốt: Tự nhiên em nghĩ ra à? Wow, quá siêu! Chị có giơ tay không? Chị trả lời đi ạ, tại sao chị lại nghĩ như thế?
Chị đó: Em cũng nghĩ là do suy nghĩ của mình. Tức là có thể mình nghĩ đến chuyện chưa xảy ra, rồi mình lo. Khi mình ngừng nghĩ lại thì thấy đỡ lo hơn. Cũng có lúc trải qua nỗi sợ, giống như sợ chết vậy. Khi mình đi xa, ví dụ, gần đây nhất có bạn rủ đi đâu đó thì mình lại lo: “Không biết chuyến đi sẽ như thế nào? Gặp chuyện gì?”. Mình cứ lo về ngày đó hoài. Lần gần đây nhất thì làm việc không được khi mình suy nghĩ về nó. Nguyên nhân là có những chuyện đã xảy ra hồi nhỏ, như mình bị tai nạn lúc nhỏ nên rất nhiều cái mình làm mà không kiểm soát được. Dù biết do mình suy nghĩ, nguyên nhân là do mình hết, nhưng mà mình vẫn không thể nào dừng cái đó lại được.
Thầy Trong Suốt: Ừ. Ai lúc nãy không giơ tay, giơ tay lên đi ạ! Tại sao em không giơ tay?
Bạn nữ đó: Tại em không hiểu câu hỏi của anh. Anh nói là…?
Thầy Trong Suốt: Anh nói tất cả nỗi khổ của mình đều do mình hết.
Bạn nữ đó: Tại vì có những nỗi khổ của mình do người khác tác động vô mình, nhưng mà cái đó lại do nghiệp của mình.
Thầy Trong Suốt: Có bạn nào có một lý giải khác không ạ? Bạn nào không giơ tay nữa nhỉ? Thanh đi, trả lời xem tại sao em lại nghĩ thế?
Bạn Thanh: Tức là có những lúc mình không khống chế được việc xảy ra, nhưng khi nó xảy ra mình không nghĩ là do mình.
Thầy Trong Suốt: Do người khác? Như bố mẹ em đúng không? Câu chuyện của em là do bố mẹ em, đúng không?
Bạn Thanh: Đúng vậy.
Thầy Trong Suốt: Hay đấy. Em nào không giơ tay nữa nhỉ? Em trả lời đi, tại sao?
Bạn nam đó: Nếu nói là tất cả thì em nghĩ chắc là hơi không chính xác.
Thầy Trong Suốt: Đấy anh nói là tất cả đấy, 100%.
Bạn nam đó: Em thì nghĩ là 50% thôi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, thế còn phần trăm còn lại thì sao?
Bạn đó: Theo em nghĩ sự việc nào cũng có hai mặt của nó, tích cực và tiêu cực. Tức là không phải việc nào cũng đến như ta mong muốn cả.
Thầy Trong Suốt: Em ví dụ cho anh một chuyện mà không phải là do em đi.
Bạn đó: Ví dụ như đang đi trên đường, thì bất thình lình một chiếc xe cua bất ngờ và nó tông vào chúng ta. Thì đó không phải là điều chúng ta mong muốn và cũng không phải là điều mà chúng ta có thể làm chủ được. Nếu mà suy nghĩ một cách tiêu cực thì nó là một nỗi khổ rồi. Theo em nghĩ không phải tất cả là do mình.
Thầy Trong Suốt: Theo em lúc đấy do ai? Do lái xe à?
Bạn đó: Do tác nhân bên ngoài là người tông chúng ta.
Thầy Trong Suốt: Ừ. Còn em hoàn toàn vô tội?
Bạn đó: Có lẽ…
Thầy Trong Suốt: Không một tí nào?
Bạn đó: Thì…
Thầy Trong Suốt: Rất tốt, rất tốt! Còn ai lúc nãy không giơ tay không ạ?
Minh Nguyệt: Em đang cảm thấy có một chút khó khăn như vầy nè.
Thầy Trong Suốt: Kể đi em!
Minh Nguyệt: Một cái nỗi khổ là tính em rất hay đi làm trễ! Ngày nào cũng đi trễ nửa tiếng đến một tiếng đầu giờ ấy! Mình cứ nghĩ làm xong công việc là được rồi. Còn đi trễ thì phòng em có phép giờ nên cứ đi trễ một giờ thì ghi là trừ phép một giờ. Sếp cảm thấy việc đó rất là chướng tai gai mắt. Có một con bé suốt ngày cứ đi trễ, lề mề xong nó cứ ghi phép một giờ, một giờ. Rồi tranh thủ khi mà mình nghỉ thai sản, sếp họp phòng rồi hủy bỏ chuyện nghỉ một giờ. Thế thì thiệt thòi cho mọi người lắm. Vì phụ nữ nhiều khi người ta phải đi đóng tiền học cho con hoặc tiền điện, tiền nước.
Thầy Trong Suốt: Bên em mấy giờ là đúng giờ?
Minh Nguyệt: Dạ 7h40 là đúng giờ. Em thường 8h mới tới, em cứ chấm 1 giờ như vậy đó. Mọi người cảm thấy rất là căm tức mình – tại vì mình mà mọi người bị ảnh hưởng đến quyền lợi, nên họ cũng ngấm ngầm bực với mình. Tự nhiên mình trở thành đối tượng bị ghét. Nên là mình cũng cảm thấy rất là phiền muộn về chuyện đó, nhưng mà cũng không biết phải làm sao. Em cũng chưa biết phải giải quyết nỗi khổ đó làm sao. Dĩ nhiên là mình bị mọi người bực bội, tự nhiên mình cũng thấy buồn lòng lắm.
Thầy Trong Suốt: Theo em nỗi khổ của em là do ai? Do mọi người hay do ông sếp hay là do…?
Minh Nguyệt: Em hay né tránh các vấn đề lắm, em cứ lãng quên cái vấn đề đó đi. (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Bây giờ đi, trước mặt anh, em trả lời đi, theo em là do ai? Sếp?
Minh Nguyệt: Là do… Đúng là khi anh hỏi em trực tiếp như vầy, thì em nghĩ đúng nguyên nhân là do em.
Thầy Trong Suốt: Nhưng mà thông thường em nghĩ là do ai?
Bạn Nguyệt: Nhưng mà khi anh chưa hỏi em câu này thì em cứ nghĩ là do ông sếp! (Mọi người cười) Dù rất là buồn lòng, nhưng mà lúc nào mình cũng né tránh vấn đề, cứ như là chuyện đó không xảy ra. Mình cứ quên đi mình tập trung vào chuyện khác.
Thầy Trong Suốt: Rồi, rất hay! Quá hay! Hoan hô cái nhỉ! (Mọi người vỗ tay) Thực ra hôm nay Thảo nói về chủ đề là gì? Vẻ đẹp của khổ đau đúng không?
Nguyên Thảo: Vâng ạ!
Thầy Trong Suốt: Nhưng phát hiện ra là rất nhiều người hiểu chuyện mất rồi, nên anh sẽ nói chủ đề khác. (Mọi người cười)
2.1.1 Tâm lý nạn nhân
Thầy Trong Suốt: Hỏi thêm một câu chuyện nữa. Ở đây có ai đã từng thấy một đứa bé, khi nó ngã ấy, thì mẹ nó đánh: “Chừa cái đất này”, hay đánh: “Chừa cái bàn” chưa? (Nhiều người giơ tay).
Nghĩa là tất cả mọi người đều thấy kiểu đấy rồi đúng không? Một đứa bé ngã thì mẹ nó lập tức đánh vào cái bàn… “Đánh chừa cái bàn”, “Đánh chừa cái đất”. Như vậy nỗi khổ của đứa bé không phải do nó, mà do cái bàn, do mặt đất… không phải do nó, đúng không ạ? Hầu hết chúng ta ở đây được nuôi nấng và lớn lên như vậy. Khi ta thấy một đứa bé ở ngoài như thế thì ta nhớ lại là bố mẹ ta khả năng rất cao cũng nuôi một người như vậy. Ở đây có bao nhiêu người nghĩ rằng mình được nuôi lên theo kiểu đấy? Nghĩa là mình ngã và bố mẹ mình đánh chừa mặt đất, đánh chừa cái bàn.
Một bạn: Không biết nữa.
Thầy Trong Suốt: Không, đoán thôi, vì không ai biết hết đúng không? Mình chỉ đoán thôi. Vì mình thấy trẻ con như thế và mình đoán kiểu bố mẹ mình là kiểu như thế nào. Có lẽ ở đây, các bạn ở Sài Gòn, hay miền Nam, thì văn hóa hơi khác miền Bắc một chút. Miền Bắc khi hỏi câu ấy thì ai cũng giơ tay hết. Vì ở nhà mình quan sát cháu mình hay là con mình đều được dạy theo kiểu đấy hết. Khi mình bị ngã thì chẳng ai nói là do mình hết, mà là do cái bàn, mặt đất. Cái cách dạy đấy làm cho chúng ta lớn lên với một tâm lý gọi là: Tâm lý nạn nhân.
Khi một hoàn cảnh khổ xảy ra thì không bao giờ mình nghĩ là do mình hết. Mình luôn nghĩ rằng “tôi là nạn nhân của ai đấy”, hoặc “tôi là nạn nhân của cái gì đấy”. Ngay lập tức tâm lý mình sinh ra là như vậy. Mình đi mình đá vào cái bàn, mình nghĩ ngay là: “Ông nào kê bàn giữa đường”, đúng không ạ? Trên công ty mình bị mắng, mình nghĩ là sếp không công bằng hay là ai nói xấu mình sau lưng. Vậy ở đây có người nào mà có tâm lý nạn nhân thử giơ tay xem ạ? Đã từng có hoặc đang có. Tâm lý nạn nhân nghĩa là: khi tôi khổ thì tôi nghĩ ngay là do ai đấy gây ra cho tôi.
Một chị: Từng có.
Thầy Trong Suốt: Có ai đã từng có hoặc đang có cũng được. Có ai kiên quyết không giơ tay không ạ?
Cái tâm lý nạn nhân làm cho mình thấy: Tôi là nạn nhân của ai đấy bên ngoài. Ví dụ: “Tôi là nạn nhân của bố mẹ tôi”; “Tôi là nạn nhân của cái xã hội Việt Nam này!”. Hay có kiểu đấy đúng không? “Tôi là nạn nhân của mấy thằng tham nhũng ở đâu đấy”, đúng không ạ? “Tôi là nạn nhân của cái ông…” – đấy như em nói – “của ông tài xế”.
Cái người gây nạn cho mình hoặc gây đau khổ cho mình, mình không thể thay đổi được họ. Vì họ là người ở bên ngoài mình mà, họ có phải là mình đâu, nên mình sẽ mãi mãi là nạn nhân. Đấy là vấn đề của tâm lý nạn nhân. Khi mình có tâm lý nạn nhân, thì mình không thể thay đổi cái người làm cho mình đau khổ được, nên mãi mãi mình chỉ là nạn nhân thôi. “Ông ấy bỏ tôi vì ông ấy lang thang lăng nhăng, còn tôi không có vấn đề gì hết”; “Ông sếp làm như thế tức là lỗi của ông sếp”, đúng không ạ?; “Bố mẹ làm thế là lỗi của bố mẹ”, đúng không ạ? Tâm lý nạn nhân mà.
Đây nói tâm lý nhé, khác với suy nghĩ, suy nghĩ thì nói sau. Nhưng nói tâm lý, khi khổ một cái, mình nghĩ ngay lập tức mình là nạn nhân. Cái tâm lý đấy làm cho mình không hành động được nữa, hoặc rất khó hành động. Vì sao? Vì mình trao quyền thay đổi vào tay người khác. Khi mình là nạn nhân, nghĩa là cái người kia mới là người có thể làm cho mình sướng hoặc khổ. Cái người kia mới là người quyết định mình sướng hoặc khổ, còn mình mất đi khả năng hành động. Và rất tiếc là xã hội Việt Nam mình, chúng ta lớn lên trong cái tâm lý đấy.
Và thậm chí nếu chúng ta chỉ cần quan sát, theo dõi thôi, thì tâm lý đấy là tâm lý thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta gặp chuyện, chúng ta hay nghĩ ngay là ai đấy gây cho mình, còn mình thì chả sao. Mình không có tâm lý tôi là chủ. Chính tâm lý nạn nhân đấy là rào cản lớn nhất để mình thay đổi hoàn cảnh. Khi mình có tâm lý nạn nhân, mình không thể thay đổi hoàn cảnh được nữa.
Bây giờ ở đây có ai đã từng có chuyện buồn trong tình cảm? Trong chuyện tình yêu ấy.
Mọi người: Nhiều quá!
Thầy Trong Suốt: Nhiều quá? (Cười) Rồi, bây giờ ai có vấn đề trong tình yêu mà nghĩ rằng, tôi là nạn nhân của người bên kia? – “Tôi là nạn nhân của cái ông kia đấy! Ông ấy đối xử sai với tôi!”, “Ông ấy lăng nhăng” hay “ông ấy bỏ tôi đi”, v.v…
Một bạn nữ: Đã từng hay là đang?
Thầy Trong Suốt: Đã từng! Đã từng nghĩ: “Tôi là nạn nhân của ông kia”. Bao nhiêu người ạ?
Duy Minh Tuấn: Lừa đảo ạ! (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: “Ông kia lừa đảo tôi”, đúng không? Hoặc là: “Ông ấy đang yêu tôi tự nhiên nhảy sang yêu cô khác!”. Rồi bây giờ cần một người dũng cảm nhất kể câu chuyện của mình.
Một bạn: Về vấn đề gì ạ?
Thầy Trong Suốt: Đấy, tình yêu đấy! Trong tình yêu tôi là nạn nhân. Ông kia là người bỏ tôi đi, lăng nhăng cô khác hay là đối xử xấu với tôi, đánh đập tôi, tôi là nạn nhân. Có bạn nào đủ dũng cảm kể không ạ?
Minh Ngân: Em tên là Ngân ạ. Có một anh chàng này, khi mà đang yên đang lành, mình cũng chẳng có để ý, cũng chẳng có tình cảm gì với họ cả. Xong rồi tự nhiên họ thể hiện tình cảm của họ đối với mình. Sau một thời gian quen biết, tình cảm phát triển nhiều hơn thì tự nhiên mình lại trở thành người có nhiều tình cảm với người đó hơn. Và lúc đó mình nghĩ rằng là: “Nếu mà ban đầu ông này không tiếp cận tôi, thì tôi đã không phải là nạn nhân của cái tình yêu này, để mà cuối cùng, tôi lại là người cho người ta nhiều tình cảm hơn là người ta có thể mang lại cho tôi”. Cho nên lúc đấy em nghĩ là: “Tiếc quá! Ước gì mình không bị cuốn vào cái đoạn đầu đấy! Giá mà mình có thể chắc ăn là hồi đấy kiên quyết không là không!”.
Thầy Trong Suốt: Thì bây giờ đã không rồi đúng không?
Minh Ngân: Thì bây giờ đâu có phải khổ như thế này.
Thầy Trong Suốt: Mà quá khứ đấy em có thể thay đổi được không?
Minh Ngân: Em không thể thay đổi được ạ. Chuyện đó đã xảy ra rồi.
Thầy Trong Suốt: Chính xác! Khi mình là nạn nhân, mình trao cho một cái gì đấy, cho người nào đấy thành chủ nhân nỗi khổ của mình. Trong trường hợp của em là em trao cho cái quá khứ đấy. Mà quá khứ chả ai thay đổi được cả! Khi quá khứ không thay đổi được thì cái nỗi khổ vẫn cứ còn ở đấy, đúng không? Bây giờ câu chuyện của em có tiến triển gì không?
Minh Ngân: Thì em cũng cố gắng làm một số động tác như những lần trước anh và nhiều các bạn khác có trao đổi ở trên “Om mani”. Thì một là, điều đấy nó đã xảy ra rồi, và hai là, thực sự không phải do người ta, mà rõ ràng là tình cảm của mình lúc đó nó đã đến và bây giờ thì nó vẫn còn, nhưng có thể là nó sẽ qua. Cũng giống như là đối với người ta, lúc đấy người ta cũng có tình cảm nên người ta đến với mình. Nhưng mà bây giờ khi họ không còn tình cảm nữa thì họ đã trải qua. Nó vẫn khó khăn, nhưng mà nó vẫn là một nỗi khổ vì nó vẫn chưa đi hết.
Thầy Trong Suốt: Rất hay, rất hay!
Bạn Ngân: Nhưng không đến nỗi như là “100% là tại ông này làm cho tôi rơi vào đau khổ”.
Thầy Trong Suốt: 50 – 50?
Bạn Ngân: Không ạ! Có nghĩa là nó đỡ hơn rồi.
Thầy Trong Suốt: 20 – 80? Ông 20, mình 80?
Bạn Ngân: Ông ấy ít, mình nhiều.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Khi nào mình thành 100% thì mình hết khổ. Đảm bảo với mọi người như vậy. Khi nào thấy rằng mình là 100% của cái gây ra nỗi khổ cho mình ấy, thì nỗi khổ sẽ do chính mình quyết định nó, kết thúc nó. Nhưng bây giờ nó chưa kết thúc, bởi vì mặc dù là nó đã đỡ rất nhiều rồi nhưng vẫn còn là 90 – 10, đúng không? Nó vẫn còn một phần mười là do người khác, do cái hoàn cảnh ngày xưa. Mà cái đấy không thay đổi bao giờ được, nên chắc chắn hôm nay mình vẫn khổ. Vì cái đấy có thay đổi được đâu? Mình nghĩ rằng, một phần mười nỗi khổ của mình là do cái gì trong quá khứ, cái quá khứ không ai đổi được hết nên chắc chắn nỗi khổ của mình sẽ còn đến bây giờ. Dù mình có lý luận hay như thế nào đi nữa thì vẫn còn đến bây giờ.
2.1.2 Chuyển hóa từ tâm lý Nạn nhân thành tâm lý Chủ nhân
Thầy Trong Suốt: Vì vậy mình nên tập một phương pháp gọi là chuyển hóa từ tâm lý nạn nhân thành tâm lý chủ nhân. Bởi vì sao? Vì khi mình là chủ nhân của vấn đề thì mình sẽ là người quyết định kết thúc vấn đề. Còn khi nào mình còn cho mình là nạn nhân của vấn đề thì mình luôn luôn là nạn nhân và vấn đề luôn luôn còn đấy. Chúng ta sẽ nói ở đây xem làm thế nào để chuyển hóa từ tâm lý nạn nhân thành tâm lý chủ nhân. Điều này hoàn toàn làm được! Tại sao lại là chủ nhân, không phải là nạn nhân?
Bây giờ quay lại câu chuyện của bạn Ngân vừa xong. Có rất nhiều cái lý giải tại sao ngày xưa chuyện đấy lại xảy ra, nhưng có một lý giải rất đơn giản thôi, đó là: Mọi thứ xảy ra trên đời này đều tuân theo luật nhân quả. Nghĩa là hai người đến với nhau không phải tự nhiên gặp nhau, cũng không phải ông kia cố tình tìm cách hại mình, mà đều do hai người có một cái nhân duyên nào đấy trong quá khứ và kết quả là quả ấy nở ra. Nó không phải là do ông kia cố tình đến gặp em để hại em, đúng không? Em có nghĩ thế không?
Minh Ngân: Không ạ!
Thầy Trong Suốt: Không, đúng không?
Minh Ngân: Chắc chắn là không!
Thầy Trong Suốt: Rồi, đó là mục đầu tiên này. Khi mình hiểu về nhân quả, thì mình thấy nó không vô lý nữa. Tuy là mình chưa có tâm lý chủ nhân, vì dù sao cũng tại ông kia một ít. Nhưng mình bắt đầu hiểu rằng, cái việc tôi bị khổ như vậy ấy là không vô lý. Vì nếu mình hiểu nhân quả, mình hiểu rằng nỗi khổ của mình là do ngày xưa mình gây một cái nhân xấu nào đấy trong quá khứ, thì cái quả xấu nó nở ra. Nên việc mình bị người ta làm cho mình khổ là do mình gây nhân ngày xưa, chứ không phải tự nhiên. Không có quả nào mà không có nhân cả. Không bao giờ có một quả mà không có nhân. Không bao giờ có một nỗi khổ mà không hề có một lý do nào từ phía mình cả. Như vậy, thay vì việc mình nghĩ nỗi khổ của mình là do anh kia gây ra, mình bắt đầu chuyển sang tâm lý rằng: “Nỗi khổ của tôi là do một nhân xấu mà tôi đã gây ra trong quá khứ”, đúng chưa ạ?
Ở đây mọi người có đồng tình với lập luận đó không ạ? Có ai phản đối lập luận đấy không?
Một bạn: Đang đứng ở vỉa hè tự dưng bị xe buýt cán thì do cái nhân xấu mình đã gây ra ạ?
Thầy Trong Suốt: Đúng thế! Do mình làm tổn thương và sát hại những người khác. Thì cái quả của việc sát hại là mình sẽ bị sát hại. Đấy là nhân quả. Không thể có một cái quả mà không có nhân được! Không bao giờ mình tìm ra một cái quả mà không có nhân được, không có cái nguyên nhân của nó cả. Hay là em tin rằng, có một thứ có kết quả mà không có nguyên nhân? Đấy, chỉ cần hiểu một cách đơn giản về nhân quả thôi, chúng ta thấy rằng dù đau khổ nào chúng ta phải chịu thì đều do một cái nhân nào đấy. Có thể chúng ta nhớ được, hoặc là trong những đời trước chúng ta không nhớ được. Chúng ta gây ra cho chính những người khác, nên ngày hôm nay mình phải nhận lãnh lại cái quả của nó.
Khi chúng ta gây khổ cho một người ấy, chúng ta không hiểu cái cảm giác mình-bị-gây-khổ. Thế thì chúng ta sẽ phải quay lại để nhận lại cái cảm giác đấy, vào lúc nào đấy. Để chúng ta có sự hiểu biết nhiều hơn. “À, là bị gây khổ sở là như thế đấy! Thế này là bị gây khổ sở!”. Đấy là nhân quả nó hoạt động như vậy, thế nên chúng ta không phải là nạn nhân nữa. Mà em bị đau khổ đơn giản là vì cái nhân em đã gây đau khổ cho ông ấy, hay cho những người khác nào đấy, trong một lúc nào đấy trong quá khứ.
Ở đây có bạn, anh, chị nào mà chưa từng gây khổ cho bất kỳ ai bao giờ không ạ? Chắc là không, đúng không?
Chúng ta đã gây khổ cho người khác, thế mà chúng ta lại thấy rất bất công khi người khác gây khổ cho chúng ta. Đấy là vấn đề rất tâm lý. Khi chúng ta nhìn nhận một cách sâu sắc rằng, chúng ta đã từng gây khổ cho người khác, bây giờ chưa nói đời trước, đời trước không ai nhớ được hết, thì chúng ta nhớ đời này đi, chúng ta gây khổ cho bao nhiêu người rồi? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi là người ta không được gây khổ cho mình? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi một việc trái với nhân quả như vậy? Người ta không được quyền gây khổ cho mình? Điều đấy làm chúng ta thấy rằng là: “À, chúng ta đã từng gây đau khổ cho ai đấy đời này và có thể là đời trước, nên là cái quả chúng ta phải nhận lãnh”. Vậy cái việc xấu xảy ra cho mình ấy, là nhân quả. Ví dụ trong trường hợp của em áo đỏ, bố mẹ em làm cho em không vui, bởi vì em cũng đã từng làm cho ai đấy không vui. Đúng không? Hay em chưa làm cho ai không vui bao giờ?
Bạn đó: Nghe xong đúng là em đồng ý với anh.
Thầy Trong Suốt: Ừ, đúng không? Thì đấy là bước đầu tiên của việc là mình chuyển từ tâm lý nạn nhân thành chủ nhân. Việc này đơn giản, rất dễ. Chỉ cần mình tin chắc vào nhân quả là đủ, không quá khó. Mà người Việt Nam mình thì rất hay là rất dễ tin vào nhân quả. Người phương Tây thì phải lý luận rất lâu, nhưng mà người phương Đông thì rất dễ tin nhân quả vì nó là sự thật. Điều đấy Đức Phật đã nói, Ấn Độ giáo đã nói và các tôn giáo khác đều nói. Ông bà mình có câu là: “Ở hiền gặp lành” đấy, v.v…
Một chị: Tôi có câu hỏi. Nếu mà tôi gây đau khổ cho người khác, nhưng không phải vì bản thân mình mà vì một nguyên nhân khác. Ví dụ bây giờ tôi là sếp, nhân viên lười, tôi ép nhân viên phải làm việc, làm ban ngày không xong thì đêm phải làm. Tóm lại là phải làm. Thì đối với người đấy, người ta sẽ thấy như thế là đau khổ, đúng không? Nhưng mà việc đấy là việc chung, chứ không phải là vì cá nhân tôi. Như vậy trong trường hợp ấy thì nó có nhân quả không?
Thầy Trong Suốt: Có nhân quả. Ừ. Chính xác! Có thể khi nào đấy chị làm nhân viên, chị lại bị ông sếp hành xử như vậy. (Mọi người cười) Không có gì không có nhân quả cả. Tuy nhiên, một hành động gồm có ba điều như thế này:
- Một là do tác ý của mình, mình mong muốn gì khi hành động.
- Thứ hai là cách mình hành động.
- Thứ ba là kết quả của hành động đấy.
Ví dụ khi chị nói nhân viên của chị là phải chăm lên chẳng hạn. Nếu tác ý của chị là: “À, người này lười quá, người ta làm khổ tôi và vì quyền lợi của tôi, tôi phải làm khổ lại người ta, mắng người ta một trận”. Khác với việc chị thấy là: “À, nếu mình không nói thế, người ta không tiến bộ được, mình phải nói để giúp người ta”.
Nên ở đây khi mình gây ra nghiệp, mình phải để ý vào tác ý của mình trước. Nếu tác ý của mình mà vì quyền lợi của mình và để hại quyền lợi của người khác ấy, thì đấy là một cái nhân rất xấu. Còn nếu tác ý của mình là vì giúp đỡ người kia, giúp cả mình – giúp cả người kia thì nó lại tốt. Thế nên nhân quả thì xuất phát từ tác ý, nhưng mà thường khi chúng ta chưa hiểu biết thì tác ý của ta thường là sai lầm. Đó là lý do chúng ta phải tập để chúng ta có tác ý đúng đắn.
Chị đó: Nhưng nếu như ý mình là ý tốt mà người kia nhận thức người ta không tốt?
Thầy Trong Suốt: Đấy! Thế nên liên quan đến thứ hai đó là hành động. Hành động của mình đủ thiện xảo và khéo léo. Nếu ý mình tốt mà mình không khéo léo thì khi mình gây đau khổ cho người kia mình không biết. Đúng không? Ở đây có rất nhiều người sẽ gặp chuyện đấy rồi. Nghĩa là mình rất tốt, nhưng mà giả sử ông kia bố vừa mất chẳng hạn, mình vào quát ầm ĩ lên, ông ấy quá buồn khổ đi tự tử luôn. Mình hành động không đủ khéo léo, dù ý tốt để giúp người ta nhưng cuối cùng mình lại gây khổ cho người ta.
Thế nên đầu tiên là tác ý, nhưng thứ hai là hành động phải đủ thiện xảo. Nghĩa là hành động trong hiểu biết và trong thông cảm, thì ý nghiệp mới tiếp tục. Thế nhưng mà thứ ba nữa là kết quả. Có thể là ý nghĩ mình rất tốt, hành động mình rất khéo, nhưng mà kết quả mình không được tốt.
Thì cả ba cái: tác ý, hành động, kết quả đều gây ra nghiệp của nó và tiếp tục sẽ có những nghiệp khác như vậy. Ở đây nói sâu sắc hơn một chút về đạo Phật, về nhân quả để mọi người hình dung. Nhưng quay lại câu chuyện chủ đề của chúng ta là: Chúng ta là chủ nhân của hành động đấy, chứ không phải cái ông kia đến để tìm cách hại mình.
Ví dụ câu chuyện của anh cũng thế thôi, anh có là nạn nhân của cái gì, của ai ạ?
Bạn nam: Của gia đình.
Thầy Trong Suốt: Vì gia đình anh không cho anh đi học hay vì sao ạ?
Bạn đó: Bây giờ hiện tại gia đình cứ ép, ví dụ như là 10 giờ hay là 7 giờ gì đó phải ở nhà, không được đi chơi.
Thầy Trong Suốt: 7 giờ đã phải ở nhà rồi? Bạn này 10 giờ 30 mà anh 7 giờ? (Mọi người cười). Woa, vì sao ạ? Vì ngày xưa anh ham chơi, chứ không phải vì tự nhiên ai muốn anh ở nhà lúc 7 giờ? Anh thấy anh không có tí lỗi nào ạ? Cái nhân của anh là, ngày xưa anh rất ham chơi thì hôm nay anh có cái quả là 7 giờ phải về, đúng không ạ? Cái này nó là nhân quả ngay trong một đời rồi, không cần phải đợi đời trước. Chứ còn các bạn kia bạn còn được 10 giờ 30 mà, đúng không ạ? (Mọi người cười)
Bạn đó: Em đi sáng đêm hoài ấy.
Thầy Trong Suốt: Đấy, từ ngày xưa, mình thấy không? Nỗi khổ của mình, mình tưởng là do gia đình, nhưng mà mình lần một chút xa về quá khứ thì thấy là do mình.
Một bạn nữ: Em có một câu hỏi. Nếu mình làm điều tốt thì mình sẽ được cái quả tốt. Nếu mình xuất phát nguyên nhân xấu thì mình có thể có quả xấu. Nhưng mà việc phân định giữa tốt và xấu, em thấy mỗi người có một cách ước lượng khác nhau…
Thầy Trong Suốt: Rất nhiều cách phân biệt tốt xấu. Nhưng cách mà anh sử dụng đơn giản nhất là: cái gì làm lợi cho mình mà hại người khác thì là xấu. Đấy, anh nghĩ đơn giản thế thôi. Lợi mình hại người là xấu. Tất nhiên là nếu mình đi vào các tôn giáo khác nhau thì có cách phân định. Thậm chí là mỗi quan điểm triết học khác nhau cũng có cách phân định. Nhưng đơn giản là khi mình có một hành động mà mình biết là có hại cho người khác mà mình vẫn làm, chỉ vì lợi mình thôi thì rất xấu. Thế thôi! Đơn giản đúng không? Cố gắng là mình làm những việc lợi mình lợi người.
Bạn đó: Hại mình lợi người?
Thầy Trong Suốt: Hại mình lợi người cũng không phải là tốt.
Bạn nam: Nếu mà giả sử mình làm mà hại cho mình mà tốt cho người ta thì sao ạ?
Thầy Trong Suốt: Một ví dụ cụ thể đi em. Vì có rất nhiều trường hợp khác nhau. Có một cách cụ thể thì anh sẽ trả lời cho em.
Bạn nữ: Ví dụ như một người đi ra đường, gặp một chiếc xe sắp sửa tông một em bé đi, người đó lao ra cứu em bé. Khi mà đưa được em bé vô đường thì người đó bị xe tông phải và người đó bị chết. Như vậy là hi sinh bản thân mình để cứu người khác. Nếu người khác nhìn thì có thể đánh giá là người đó tự hại mình. Nhưng mà cũng có người nói tốt: Người ta hi sinh bản thân để cứu em bé đó chẳng hạn thì cách nhìn của từng người…
Thầy Trong Suốt: Cái việc hại mình lợi người có tốt hay xấu là do người đó có trí tuệ hay không. Ví dụ cụ thể thế này, rất nhiều đời trước, Đức Phật có đi trên một chuyến tàu. Trên chuyến tàu biển ấy có 500 người thương gia và một ông thuyền trưởng. Đức Phật hồi đấy là một thủy thủ. Tình cờ viên thủy thủ đấy biết được rằng ông thuyền trưởng sẽ định đánh chìm con tàu để giết 500 thương gia kia. Ông thuyền trưởng rất là xấu. Và Đức Phật lúc đấy không biết cách nào khác ngoài việc là phải cầm dao giết chết ông thuyền trưởng để cứu 500 người kia. Rõ ràng là hại mình rồi vì chắc chắn là Đức Phật đã học đạo, biết đó là nghiệp xấu – giết người khác, nhưng mà để cứu 500 người kia.
Thì câu chuyện này nhân quả là như thế nào? Một hôm Đức Phật đang đi trên đường thì vấp phải một hòn đá chảy máu.
Học trò Đức Phật mới hỏi là: “Ôi con tưởng Đức Phật toàn nghiệp tốt, tại sao lại bị chảy máu thế này?”. Phật mà, Phật phải toàn nghiệp tốt chứ.
Phật bảo là: “Không”. Phật kể câu chuyện đấy. Phật nói là: “Một hành động bao giờ cũng có nhân và quả. Cái việc mà ta giết ông thuyền trưởng và cứu 500 người ấy, thì nó nở ra cái quả là ta rút ngắn được 500 kiếp tu hành vì cứu 500 người. Nhưng đồng thời khi hành động làm người khác chảy máu và chết ấy, thì cũng có một cái quả là dù ta đã làm rất nhiều điều tốt, hôm nay ta vẫn bị chảy máu chân”.
Hãy liên kết câu chuyện về một câu chuyện như thế. Một hành động bao giờ cũng có nhân quả của nó. Kể cả một hành động thậm chí nó có cả nhân xấu và quả xấu, hoặc là nhân tốt và quả tốt cùng một lúc. Chứ không phải hành động luôn luôn tốt hoặc luôn luôn xấu.
Anh kia cứu mạng đứa bé đấy thì tất nhiên là anh sẽ nhận được quả của việc cứu mạng, đúng không ạ? Thế còn việc anh ấy bị chết thì anh ấy sẽ nhận quả. Ví dụ anh ấy làm ông lái xe kia giết người chẳng hạn, vô tình thôi. Cho nên chúng ta cũng nên nhớ là quan trọng khi đấy chúng ta có trí tuệ, có tác ý như thế nào. Ví dụ mình lao ra vì đứa bé kia và mình chấp nhận nhân quả của việc đấy thì rất tốt, hành động rất đáng ca ngợi. Nhưng cũng có những người mà hại mình lợi người, nhưng sai lầm do thiếu hiểu biết. Vì vậy mà lúc nãy mình muốn nghe câu chuyện cụ thể là vì thế. Vì có rất nhiều trường hợp là hại mình lợi người, nhưng mà đấy là việc thiếu hiểu biết. Tưởng là lợi người nhưng mà thực ra không phải.
Một ví dụ thế này nhé. Ở Hà Nội, có một người đến nhờ mình giúp, có kể rằng là: “Cách đây hai năm, vì em 28 tuổi rồi bố mẹ bắt em phải lấy chồng. Và em tất nhiên là 28 tuổi thì chính em ở trong xã hội đấy, không muốn lấy em cũng buộc phải lấy chồng. Em chọn một người bạn từ hồi bé của em” – “Thôi lấy đi cho xong, bố mẹ vui!” đúng không? Mình có một người chồng bố mẹ cũng vui. Thế là hại mình một chút mà lợi người là lợi bố mẹ. Nhưng mà kết quả có thực sự là như thế không? Kết quả là sau một năm thì bạn ấy li dị vì chồng đánh đập rồi lăng nhăng, v.v… Và bố mẹ bạn ấy lại rơi vào nỗi buồn một lần nữa, vì con gái mình ngày xưa là không lấy được chồng, còn bây giờ không những là thế mà còn đã qua một đời chồng rồi phải li dị.
Như vậy là cái hại mình – lợi người đấy không có trí tuệ, nên cuối cùng là chả lợi được ai cả. Bố mẹ bạn ấy cũng chả hạnh phúc được. Nên là hại mình hay lợi người, ở đây phải liên quan đến trí tuệ và chúng ta luôn nhớ về nhân quả khi hành động.
2.2 Không ai có thể hài lòng 100%
Thầy Trong Suốt: Mà nếu mình không kể câu chuyện đấy thì có thể bạn nào ở đây đang nghĩ như thế: “Thôi lấy đại một anh nào cho nó xong. Cho nó được việc. Cho đỡ bị sức ép”. Chắc là miền Nam thì ít bị hơn, mình không hiểu là văn hóa ở đây như thế nào. Văn hóa miền Bắc thì đến tuổi nhất định mà không lấy chồng là một vấn đề lớn đối với gia đình. Ở đây có bạn nào bị sức ép đấy không ạ? Ngoài em ra, có ai bị nữa không ạ?
Bạn nữ: Có sức ép đấy nhưng em không có nghĩ đến chuyện đấy.
Thầy Trong Suốt: Đấy! Nếu mà nghĩ kiểu hại mình – lợi người như thế không phải là tốt.
Bạn An: Ở đây có em này!
Thầy Trong Suốt: Em kể câu chuyện đi! Em cũng bị ép à? Hay thế nào?
Bạn An: Dạ không! Thì chỉ là ba mẹ mong muốn con cái tới tuổi thì cũng phải lập gia đình thôi, chứ cũng không có can thiệp gì nhiều.
Thầy Trong Suốt: Ừ. Em có định hại mình – lợi người không?
Bạn An: Dạ, cũng có lúc.
Thầy Trong Suốt: Suýt à? Đã từng… suýt?
Bạn An: Thực ra cũng không đến nỗi là làm đại hay không có tình cảm gì. Chỉ nghĩ là ai cũng phải như vậy thì mình thấy nó cũng ổn, thấy nó cũng… được. Nhưng mà sau đó nghĩ lại, tự nhiên mình cảm thấy không ổn nữa nên là thôi thì cứ để tự nhiên vậy, chứ đừng có cố gắng để phải làm cho mọi thứ nó tròn trịa.
Thực ra là tại vì em không thích đời sống hôn nhân mà lúc đó cũng không nghĩ đến chuyện tình yêu gì hết á. Chỉ đơn giản là thích tự do hơn thôi. Em cảm thấy là không muốn lấy chồng. Nhưng mà quan điểm nó giống như là thi đại học vậy đó. Nghĩa là người ta lớn lên thì ai cũng phải thi đại học, thì lấy chồng lấy vợ cũng vậy. Giống như là một chuyện phải làm, chứ cũng không có gì vui thú hết trơn. Ba mẹ thì chắc chắn là sẽ cảm thấy: Ờ, con cái thì nó phải thành đạt và phải lập gia đình. Thì đó cũng là một cái mong muốn rất là bình thường. Mà em thì từ nhỏ đến lớn thuộc dạng rất là muốn làm vui lòng ba mẹ.
Thầy Trong Suốt: Mọi người rất hay nghĩ rằng ba mẹ muốn mình phải lấy chồng lấy vợ, đúng không? Em cũng đang nghĩ như thế đúng không? Anh hỏi em nếu như em lấy một người về rồi đánh đập nhau, hành xử xấu với nhau thì bố mẹ em có vui không?
Bạn An: Dạ tất nhiên là không rồi. Chính vì vậy nên em lựa chọn để chuyện đó không xảy ra. Nếu mà có một cái gì đó không hài lòng thì chỉ là vì em đánh mất cái đời sống tự do của em thôi. Ngay lúc đó em cũng không nghĩ đến chuyện là em sẽ rơi vào tình cảnh như thế. Vì em rất tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Nghĩa là chí ít là nó sẽ ổn và ba mẹ mình nhìn vào sẽ không thấy có gì là không ổn cả. Và người đó, chí ít là mình cũng có tình cảm, tình thương. Chẳng hạn như em rất là thương người đó. Dù em không có cảm thấy yêu thương, nhưng mà em vẫn thương.
Nói chung là em cảm thấy: Ờ thì cũng chả có gì là khổ cả. Tại vì ở ngoài kia người ta còn bao nhiêu người khổ hơn, còn những cảnh ngang trái hơn. Còn mình chỉ là một chút không hài lòng, vì mình thay đổi cái cuộc sống của mình thôi mà.
Nhưng mà sau đó thì em quen tới bảy năm rồi, và cứ cương quyết là không cưới, cứ câu giờ vậy đó. Cuối cùng em cũng vượt qua cảm giác là sợ. Sợ rằng mình là một đứa con không ra sao. Sau rồi em chia tay, thôi thì em rất là mong cái người đó sẽ kiếm được ai đó yêu thương và cưới. Mà tụi em thì không hề có mâu thuẫn gì hết, cho nên là bạn đó rất là ngạc nhiên. Nhưng mà tại em thấy vậy hợp lý cho em hơn. Và ba mẹ vẫn cứ lâu lâu thì lại nhắc thôi, nhưng mà em cũng cố gắng thuyết phục.
Thầy Trong Suốt: Ba mẹ em có đau khổ không?
Bạn An: Em nghĩ là nếu gọi là có cái nỗi khổ về sự không hài lòng thì có, nhưng mà không đến nỗi quá đau khổ. Tại vì em cũng có cách thuyết phục ba mẹ.
Thầy Trong Suốt: Ba mẹ em có hài lòng về em không?
Bạn An: Thì về tất cả những khía cạnh khác thì hài lòng, nhưng trừ cái chuyện đó thì…
Thầy Trong Suốt: Không hài lòng đúng không? Em có nghĩ là em có thể làm ba mẹ em hài lòng hoàn toàn được không?
Bạn An: Em cố gắng nhưng mà em không biết có được hay không.
Thầy Trong Suốt: Em có nghĩ là sẽ có lúc em làm bố mẹ hài lòng hoàn toàn 100%?
Ở đây những ai nghĩ rằng mình có thể làm bố mẹ mình hài lòng hoàn toàn 100% giơ tay xem nào? Mình có thể làm được chuyện đấy. Em à? Woa, còn ai nữa không ạ? Có ai nghĩ rằng mình có thể làm bố mẹ mình hài lòng 100%?
Duy Minh Tuấn: Thầy hạ xuống 80% đi ạ! (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: 90% đi ạ!
Câu chuyện của An dẫn đến một cái chân lý khác. Như chúng ta vừa nói về nhân quả. Bây giờ chúng ta sẽ nói thêm một điều nữa. Đấy là: chúng ta, hay bố mẹ chúng ta, hay những người xung quanh ấy, không ai có thể hài lòng 100% được. Không ai trên đời này hài lòng 100%. Trừ những người giác ngộ thì mình không nói, mình sẽ nói về người thường. Bằng chứng là từ nãy giờ chẳng ai giơ tay là: “Tôi có thể làm bố mẹ hài lòng 100%”. Chắc có em đúng không? Em giải thích đi, em sẽ làm thế nào để bố mẹ hài lòng 100%?
Nguyên Thảo: Ngày trước em là một người quá khép kín. Con đường em đi, công việc, tình cảm hay mọi thứ em chọn đều là do em tự quyết. Và bố mẹ không hề biết là em đang làm những gì hết. Trong họ thì luôn luôn có một cái bất an là nếu mà em cứ tiếp tục tìm hiểu về sách Phật Pháp em đang đọc, hay là những con đường em đang đi, em đi theo một cái lý tưởng nào đó quá hoàn hảo thì sẽ không có hạnh phúc. Và ba mẹ luôn luôn không yên tâm về điều đó.
Nhưng mà đợt vừa rồi em có nghe về một buổi tọa đàm, chia sẻ của nhóm Bồ Đề Tâm Hà Nội về: “Khoảng cách giữa hai thế hệ, mâu thuẫn và cách chuyển hóa”. Được dịp nghe anh Thắng chia sẻ thì em cũng hiểu hơn rất nhiều về việc nếu mà muốn bố mẹ thực sự hạnh phúc thì mình phải thực sự hạnh phúc. Và em đã tìm ra một cách là mình không thể nói được cho bố mẹ hiểu thì mình sẽ viết. Viết thư hay bất cứ điều gì đó mà để em chia sẻ được với ba mẹ em. Rằng là cái con đường mà mình đang đi, tuy là còn rất nhiều khó khăn nhưng mà đó là một con đường đúng. Và em hài lòng về điều đó thì em vẫn cứ sống như thế. Tuy là một vài năm hoặc lâu hơn nhưng mà em nghĩ là họ sẽ hiểu.
Thầy Trong Suốt: Anh nói lại là 100%.
Nguyên Thảo: Từ từ sẽ được như thế ạ.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em vẫn tin sẽ có 100 %. Nghĩa là em có thể làm bất kỳ điều gì ở đây mà bố mẹ vẫn thấy hài lòng 100%.
Nguyên Thảo: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Đấy là một ảo tưởng rất lớn. Ở đây có ai có bố mẹ thì sẽ hiểu. Chắc là ở đây em ít gặp bố mẹ. Ở đây có ai có bố mẹ, như anh chẳng hạn, bố mẹ anh có hài lòng 100% không? Em nghĩ thế nào?
Nguyên Thảo: Em nghĩ là anh Thắng chuyển hóa được.
Thầy Trong Suốt: Không 100%. Bố anh suốt ngày, cứ khoảng 10 giờ là bắt đầu nói với mẹ anh: “Tại sao thằng này nó chả chịu về với vợ buổi tối gì cả! Thằng này nó không chịu về với vợ buổi tối, vì hôm nào cũng 11, 12 giờ mới về”. Bố anh cũng có điểm không hài lòng với anh là anh không chịu về sớm với vợ anh. Mặc dù thời gian của anh toàn đi giúp mọi người thôi chứ không phải đi chơi bời gì cả, nhưng vẫn không hài lòng! Nghĩa là bố anh chắc chắn không hài lòng với anh 100%.
Mẹ anh thì sao? “Ôi thằng này nó béo thế!” (Mọi người cười) Thông điệp của mẹ anh là lúc nào cũng béo. Vì sao? Vì mẹ anh ngày xưa bị mỡ trong máu nên chỉ thấy anh hơi béo lên một chút là mẹ anh đã lo rồi. Mẹ anh không hài lòng với anh 100%. Vợ anh theo em có hài lòng với anh 100% không?
Các bạn: Không!
Nguyên Thảo: Chắc em đoán là mỗi khi anh ăn nhiều quá lại không được.
Thầy Trong Suốt: Vợ anh cũng tương tự mẹ anh, là khi anh ăn nhiều thì giật lại luôn. Không hành động một cách nhẹ nhàng đâu, giật luôn ấy! Giật hẳn hoi! (Mọi người cười) Anh đang cầm quả chuối thì giật lại, hết sức là thô bạo. Và buồn cười nhất là hôm qua anh về gặp bố mẹ anh vợ anh ở Đà Nẵng ấy, thì chị vợ anh ngạc nhiên là: “Trông Thắng đẹp thế này mà chị cứ tưởng em bị béo phì”. Vì sao? Vì qua mô tả của vợ anh thì anh bị béo phì rồi. Chị vợ anh ngạc nhiên quá cứ tưởng một ông béo phì béo phịch đi xuống.
Em thấy không? Chẳng ai hài lòng 100% được cả. Nên cái kỳ vọng của em là một ảo tưởng. Không ai trên đời này có thể hài lòng 100%. Bố mẹ em càng khó hơn. Trừ những người nào thực sự giác ngộ rồi họ mới có thể hài lòng 100%. Còn lại chúng ta luôn luôn có gì đấy không hài lòng. Nên là mỗi khi chúng ta gặp đau khổ ấy, ngoài việc chúng ta nghĩ về nhân quả ấy, chúng ta sẽ được nhắc một lần nữa về sự không toại nguyện của cuộc đời này.
Mỗi lần gặp khổ, chúng ta lại có cơ hội được nhắc về sự không toại nguyện. Chúng ta không toại nguyện vì người chúng ta yêu thì lại ở xa chúng ta, không yêu lại chúng ta. Ví dụ thế, đó là một loại không toại nguyện. Cái người chúng ta ghét thì cứ loanh quanh gần chúng ta. Người ta ghét hoặc là cái ta ghét ấy, thì cứ loanh quanh ở gần. Thậm chí đến tặng hoa, tặng quà. Hay ông sếp mình ghét thì suốt ngày ông ở trước mặt mình, đúng không? Hay ông không đi chỗ khác! Cái người mình yêu ấy thì ông ở đâu ấy, chả thấy đến gặp mình, thậm chí chả quan tâm đến mình. Cái mình ghét luôn luôn ở gần mình.
Chúng ta khổ vì có những cái chúng ta muốn mà không được. Ví dụ như chị muốn ăn không được ăn. Khổ quá đúng không ạ? Đấy là không toại nguyện đấy. Đấy là một loại không toại nguyện. Chúng ta khổ bởi vì cái mà chúng ta không muốn cứ đến. Ví dụ bệnh tật, tuổi già – không toại nguyện. Bố mẹ của Phật có sướng không? Không sướng. Bố của Phật chẳng sướng, vì sao? Ông ấy trách con trai ông ấy sao lại bỏ đi. Đây là bố của Phật chứ không phải là bố của người bình thường, bố của một ông Phật. Đấy, đấy là sự không toại nguyện.
Thì mỗi lần chúng ta có những mục đích, thành công, tiền bạc hay là về danh dự, vinh quang ấy, thì khi chúng ta đạt được rồi, chúng ta thấy nó cũng bình thường. Nếu mà có nhiều tiền chúng ta phải lo giữ tiền, sẽ gửi ngân hàng, hay mua vàng, hay đầu tư chứng khoán. Đấy là một nỗi khổ, vì phải tính toán rất nhiều. Chúng ta có danh dự thì chúng ta phải cố gắng giữ danh dự, đúng không? Lý (ca sĩ Lê Cát Trọng Lý) mà ra đường làm chuyện linh tinh là thôi rồi. Đúng không? Lý ăn chuối vứt đầy vỏ ra đường là ngày mai lên báo ngay. (Mọi người cười) Đấy, khi có danh dự là ta phải giữ nó! Không có thì muốn đúng không? Mà có thì lại phải khổ để giữ. Nên là đau khổ có một cái đẹp thứ hai ấy là nhắc ta về sự thật.
Sự thật đầu tiên mình vừa nói là nhân quả. Sự thật thứ hai là bản chất cuộc đời là không toại nguyện. Khi chúng ta không gặp đau khổ, chúng ta có ảo tưởng rằng là cuộc đời này có thể toại nguyện được. Như em ấy, em có ảo tưởng rằng bố mẹ mình sẽ toại nguyện về mình. Nhưng mà ngày mai bố mẹ em gọi điện thoại mắng em một trận xem. Em sẽ hiểu thế nào là không toại nguyện. Nên là khi có nỗi khổ ấy, là cách chuyển hóa để nhắc mình về sự thật: “Ờ, đây không có gì đặc biệt, nó chỉ thể hiện bản chất cuộc đời là không toại nguyện mà thôi. Không bao giờ toại nguyện được. Có cũng không toại nguyện, không có cũng không toại nguyện”. Đấy là điều thứ hai.
Mỗi lần gặp khổ chúng ta lại có cơ hội được nhắc về sự không toại nguyện. Đau khổ có một cái đẹp thứ hai là nhắc ta về sự thật: “Bản chất cuộc đời là không toại nguyện”.
2.3 Đau khổ nhắc mình bớt kiêu ngạo
Thầy Trong Suốt: Rồi, xong mình sẽ nói đến điều thứ ba. Có ai từng thành công khiến mình rất tự hào? Rồi, Lý! An là hai. Có ai nữa không ạ? Có thành công mình rất tự hào, tự hào nhẹ nhàng thôi, không nhất thiết là phải thành công hoành tráng đâu. Mình thi được cái gì đấy và mình tự hào về thành công đấy. Có không ạ? Mình nghĩ phải rất nhiều chứ. Nhỏ nhỏ thôi mà, đâu cần nhất thiết phải to đâu ạ? Mình nghĩ là ai cũng từng có cái gì như thế đúng không ạ?
Rồi! Bây giờ có câu này khó hơn một chút. Là có ai mà vì cái tự hào đấy nên mình hơi kiêu ngạo một tí không ạ? (Vài bạn giơ tay) Rất tốt, rất tốt, rất trung thực! Kiêu ngạo là chuyện bình thường, rồi. Đau khổ chính là cái điều nhắc mình bớt kiêu ngạo đi. Ở đây ai hơi có tính kiêu ngạo sẽ hiểu đau khổ là cái cơ hội để nhắc mình bớt kiêu ngạo. Vì khi mình đau khổ mình thấy hóa ra mình cũng bình thường thôi. Khi mình không đau khổ, mình thấy mình cũng kinh, mình cũng hay. Nhưng mà khi mình có đau khổ, là một lời nhắc rất rõ ràng là: “À, ông cũng còn đau khổ đấy, cũng bình thường chưa phải siêu nhân lắm”. Lý có gặp đau khổ tí nào không?
Chân Lý: Em hồi xưa khổ nhiều chứ!
Thầy Trong Suốt: Thế à, đau khổ có giúp em bớt kiêu ngạo tí nào không?
Chân Lý: Bớt nhiều kinh khủng!
Thầy Trong Suốt: Đau khổ chính là một cơ hội để mình bớt kiêu ngạo – Đấy là vẻ đẹp thứ ba của đau khổ. Đau khổ hay khó chịu, bực bội ấy. Nếu mình chịu khó nhìn nhận, mình thấy rằng hóa ra mình còn rất nhiều vấn đề. Đấy, khi mình gặp khó chịu, bực bội, thì mình hãy nhận ra rằng mình còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Mình hãy bớt kiêu ngạo đi. Nếu ta không gặp đau khổ bao giờ, đảm bảo tất cả mọi người ở đây đều kiêu ngạo hết. Nếu không gặp tí đau khổ bao giờ ấy, rất kiêu ngạo. Bản thân mình ngày xưa là người rất kiêu ngạo. Mà sau phải ba lần phá sản, bảy lần thất tình, một lần bị cả xã hội mắng chửi vì ăn cắp, v.v… thì mình mới học được bài học đấy.
Nên đau khổ là một bài học rất tốt. Đau khổ là lần nhắc mình về kiêu ngạo. Càng ít đau khổ, người ta càng trở nên tinh vi bên trong hơn. Nên trong nhà Phật có 114 điều răn đúng không ạ? Có một câu là: “Khi gặp bệnh tật thì đừng có đau buồn, vì bệnh tật giúp ta trở nên bớt kiêu ngạo”, có hẳn một lời răn như vậy. Là khi bệnh tật thì đừng có đau buồn, vì bệnh tật là giúp ta bớt kiêu ngạo. Đúng như vậy! Khi đang quá kiêu ngạo, đang trên đỉnh cao thành công thì một cơn bệnh đến là giúp ta nhận ra rất nhiều sự thật. Đau khổ có giá trị rất lớn như vậy, bớt đi sự kiêu ngạo. Ở đây nếu anh chị nào có đang bệnh tật thì cũng bình thường thôi vì đó là một lời nhắc nhở, không vấn đề gì.
Đau khổ là một bài học rất tốt nhắc mình về kiêu ngạo. Càng ít đau khổ người ta càng trở nên tinh vi bên trong hơn.
2.4 Đau khổ nhắc mình có ý thức hơn về nhân quả và gieo nhân lành
Nguyên Thảo: Ví dụ như em có một cô giáo bị bệnh, dường như là ung thư máu. Mà lúc đó là chữa được, kéo dài cho tới giờ cũng khoảng mười mấy năm rồi mà vẫn không đỡ hơn căn bệnh đấy thì nó ảnh hướng tới tâm rất là nhiều, vẫn còn nhiều đau khổ chưa thoát ra được.
Thầy Trong Suốt: Vậy là sẽ nói đến điều thứ tư. Điều thứ ba là: Đau khổ giúp mình bớt kiểu ngạo. Đấy là vẻ đẹp thứ ba của đau khổ – gọi là bớt kiêu ngạo.
Điều thứ tư là thế này, tất cả đau khổ chúng ta hôm nay phải chịu là vì ở đâu đấy, trong lúc nào đấy chúng ta đã từng hại đến sức khỏe và tình cảm của một chúng sinh nào đấy khác. Khi chúng ta gặp đau khổ ấy, chúng ta hãy nhớ về điều đấy. “Nỗi khổ này của tôi là do đã từng hại về tinh thần, vật chất, sức khỏe của người khác hoặc sinh vật khác”. Nên một đau khổ ấy – bệnh tật hoặc là đau khổ đều thế, nhắc về việc mình đã từng gây ra những sai lầm, mình đã từng hại những người khác. Và bây giờ mình phải cẩn thận trong việc gieo những nhân mới. Vì nếu không mình sẽ tiếp tục mắc các đau khổ đấy và mắc lại một lần nữa. Nên đau khổ lại có một giá trị nhắc nhở tiếp theo, nhắc nhở mình không gây hại.
Khi mình đau khổ, bệnh tật thì lại nhắc mình không gây hại. Vì mình hiểu rằng, mình gây hại tiếp thì đau khổ của mình sẽ kéo dài tiếp. Mình lại vừa gieo một nhân xấu mới và cái quả sẽ tự nở ra. Đấy là một cái điều rất quý của đau khổ đấy, nhắc mình có ý thức hơn về nhân quả và gieo nhân lành.
2.5 Mọi đau khổ đến từ việc quá quan tâm, vun đắp cho cái Tôi của mình
Điều thứ năm lại còn thú vị hơn nữa: Tất cả những đau khổ đều là do mình quá vun trồng cho cái Tôi của mình. Khó hơn một chút. Đau khổ đến từ việc mình quá quan tâm đến cái Tôi, quá vun đắp cho nó. Mọi đau khổ, về mặt tâm lý nhé, suy cho cùng là vì cái Tôi của mình bị tổn thương, về mặt tâm lý. Giống như hai người yêu nhau, đang đi chơi với nhau, tự nhiên anh nói là: “Mặt em trông như con khỉ”, cái Tôi của cô đấy sẽ bị tổn thương trầm trọng. Đúng không ạ? Vì cô ấy vun đắp, cô ấy vẽ mặt rồi tất cả thứ khác bao nhiêu ngày rồi, tự nhiên cô ấy bị nói là mặt như con khỉ, cái Tôi của cô ấy bị tổn thương trầm trọng. Mọi đau khổ, suy cho cùng, sâu sắc ra, chỉ là đến từ cái Tôi bị tổn thương thôi. Nên mình càng vun đắp cho cái Tôi của mình thì khả năng đau khổ của mình càng lớn.
Ví dụ thế này, một người nghệ sĩ rất nổi tiếng, làm bao nhiêu năm để vun trồng cho mình hình ảnh đẹp thì chỉ một bài báo nho nhỏ trên báo nói là cô này chẳng ra gì, kể vài ví dụ ra, là bạn ấy buồn ngay. Cái Tôi bị tổn thương trầm trọng ngay. Ví dụ ông sếp to của công ty mình đi, ông ấy chỉ bị ai nói xấu thôi thì ông ấy bị tổn thương là chắc, vì ông ấy bao lâu nay giữ hình ảnh là một người sếp to, tử tế rồi.
Chúng ta cũng thế thôi. Cái chỗ nào mà chúng ta càng cố giữ để cho chúng ta đẹp ấy, thì chúng ta càng dễ tổn thương ở chính chỗ đấy. Chỗ nào chúng ta càng cố giữ là chúng ta đẹp, chúng ta là người tốt, thì chúng ta dễ tổn thương ở chỗ đấy. Ví dụ có ai nói xấu sau lưng chúng ta là người không tốt – chúng ta cho rằng, chúng ta là người công bằng, cái Tôi của tôi là cái Tôi rất công bằng thì ai chỉ ra mình là người không công bằng là mình tổn thương ngay. Mình cho rằng mình là người rất chung thủy, ai đó chụp được cái ảnh là mình đang nhìn cô gái khác thì cái Tôi của mình cũng bị tổn thương ngay. Có thể mình chẳng nhìn, chẳng có một lý do sai gì hết.
Mọi tổn thương đến từ việc mình giữ chặt cho mình một cái Tôi, mình vun đắp cho nó quá nhiều nên mọi đau khổ đến từ việc đấy. Nên mỗi lần đau khổ, có một chuyện gì khổ xảy xa ấy thì nhắc cho mình nhớ về cái việc là mình quá chăm lo cho cái Tôi này. Mọi hạnh phúc của mình, tương tự như vậy, đến từ việc mình quan tâm đến người khác, chăm lo cho người khác.
Ở đây có bạn nào mà đi giúp người khác thấy trong lòng vui vẻ chưa ạ? Khi giúp ai đấy, trong lòng mình rất vui vẻ. Đấy là niềm vui rất chân thật. Đúng không ạ? Cực kỳ chân thật. Khi mình giúp được ai đấy, mình rất vui vẻ vì mình có được cái gì đâu! Mình không được gì hết! Mình giúp người ta, thậm chí không cần cảm ơn. Ở đây có ai đã từng giúp một người nào đấy, không được cảm ơn mà vẫn vui chưa ạ? Thử giơ tay xem nào? Giúp một ai đấy, mà mình không được cảm ơn tí nào mà vẫn vui chưa ạ? Cái niềm vui mà không cần được cái gì hết, rất là chân thật. Niềm vui mà kiểu là nếu mà nó cảm ơn tôi thì tôi vui, còn không cảm ơn tôi thì tôi thấy bực thì chưa, đó là cái Tôi bị tổn thương.
Nhưng có một loại niềm vui đến từ việc mình quan tâm đến người khác mà không đòi cái gì từ người ta cả. Thế nên mỗi một lần chúng ta có một sự khổ sở, chúng ta nhớ về việc rằng: “À, mọi đau khổ đến từ việc đi lo lắng, chăm vén cho cái Tôi của mình. Và mọi hạnh phúc thực sự chân thực ấy đến từ việc tôi lo cho người, tôi quan tâm, chăm sóc đến người khác”. Thế nên mỗi đau khổ lại nhắc mình một lần nữa. Và ý nghĩa của việc này là gì? Là nhắc mình hãy quan tâm đến người khác nhiều hơn. Khi mình khổ nhất lại là lúc mình nên quan tâm đến người khác nhất. Khi mình khổ nhất ấy lại là lúc mình nên quan tâm đến người khác nhất. Đấy là cách nhanh nhất để chuyến hóa đau khổ của mình.
Thông thường khi chúng ta khổ, chúng ta chỉ nghĩ đến mình thôi đúng không ạ? “Tại sao tôi lại khổ thế này?”; “Tại sao tôi lại bị oan ức thế này?”. Nhưng giả sử ở đây có bạn nào, có ai đấy có thể làm được việc đấy, khi khổ đến, chúng ta quan tâm đến nỗi khổ của người khác, cầu mong điều tốt lành cho người khác, tự nhiên nỗi khổ của chúng ta được hóa giải. Đấy chính là cách chuyển hóa đau khổ.
Lúc đấy chúng ta nhận ra cái sự thật mà mình vừa nói xong. Là mọi đau khổ đến từ việc chăm vén cho mình và mọi hạnh phúc chân thực ấy, đến từ việc chăm lo cho hạnh phúc của người khác mà không đòi hỏi gì hết. Hạnh phúc chân thực đến từ điều đấy. Còn hạnh phúc tàm tạm thì đến từ việc đòi hỏi – có đi có lại. Hạnh phúc chân thực đến từ việc chăm lo đến hạnh phúc của người khác mà không đòi hỏi gì cả. Thì mỗi nỗi khổ của mình lại nhắc về điều đấy.
Ví dụ như câu chuyện của Ngân chẳng hạn, nếu bây giờ mình thấy rằng: “À, mình cầu mong cho anh kia hoàn toàn hạnh phúc. Cái khổ của mình không là gì cả, mình thực sự mong cho anh kia hạnh phúc”. Một thời gian nữa sẽ khác. Mình quan tâm đến hạnh phúc của người kia. Người ta đã làm khổ mình, nhưng ngày hôm nay thay vì tôi oán trách người ta hay là có tí hờn giận, hơi có tí không thoải mái, tôi thử đổi quan điểm xem: “À, kia cũng là một người khổ. Khi họ gây đau khổ cho tôi, họ cũng là một người khổ. Họ có sướng đâu! Nên ngày hôm nay, tôi mong rằng tất cả nỗi khổ của họ biến mất và mong điều tốt nhất cho họ”.
Khi mình bỏ cái việc quan tâm đến mình và mình chuyển quan tâm sang người khác – vô điều kiện ấy, vì anh kia có biết là em quan tâm thế đâu, tự nhiên nỗi khổ của mình được giải tỏa. Nên ở đây có ai khổ thì một phương pháp nếu làm được sẽ là nhanh nhất để giải quyết là mình lập tức quan tâm đến đau khổ của người khác.
Một chị: Đến người gây cho mình đau khổ?
Thầy Trong Suốt: Đặc biệt nếu là người gây ra đau khổ cho mình thì càng giỏi nữa. Nếu mình có thể làm được việc là quan tâm đến hạnh phúc của người gây cho mình đau khổ thì càng siêu. Nhưng nếu chưa làm được việc đấy, thì chúng ta quan tâm đến những người khác cũng khổ xung quanh chúng ta.
Bạn nữ: Thường thường nếu quan tâm đến người khác thì quan tâm đến người gây đau khổ, gây khó khăn.
Thầy Trong Suốt: Nếu mà được như thế thì càng tốt, càng tuyệt vời. Chúng ta sẽ nhận ra được chân lý đấy. Khi mà mình nhận ra rằng: “À, mọi đau khổ đến từ việc chúng ta quan tâm quá nhiều đến mình” và nhận ra rằng: “Mọi hạnh phúc đến từ việc thực sự quan tâm đến hạnh phúc người khác không cần đòi hỏi”, tự nhiên hành động của mình dẫn đến việc đúng và dẫn đến việc mình thoát dần ra khỏi trạng thái quy ngã, lúc nào cũng quan tâm đến tôi, vun đắp cho tôi, tiền bạc của tôi, danh dự của tôi, gia đình của tôi, bố mẹ của tôi, anh chị em họ hàng của tôi… mà không thực sự quan tâm đến những người xung quanh. Đấy là một vẻ đẹp khác của đau khổ.
Nếu tất cả chúng ta ở đây khi gặp khổ mà có thể nhớ về năm điều này thì nỗi khổ sẽ chuyển hóa thành một thứ gọi là trí tuệ và tình thương. Đây là con đường để chuyển hóa một nỗi khổ thành trí tuệ và tình thương. Trí tuệ vì chúng ta hiểu được về nhân quả này, đúng không ạ? Chúng ta hiểu về bản chất của cuộc đời là không toại nguyện này. Chúng ta hiểu là nếu muốn hạnh phúc trong tương lai thì chúng ta phải gieo nhân tốt này, v.v… Còn tình thương ấy, là chúng ta bắt đầu quan tâm đến những người khác nhiều hơn. Từ quan tâm thì dần dần sẽ đến hành động. Hay là Đức Đạt Lai Lạt Ma hay nói đùa: “Ích kỉ một cách thông minh”. Nghĩa là muốn mình hạnh phúc ấy thì giúp mọi người đi, hãy ích kỉ một cách thông minh. Tất nhiên ở đây không nói là mình đi giúp mọi người để mình hạnh phúc, ngài nói cũng chỉ là nói vui thôi.
Khi mình đi giúp mọi người, quan tâm đến người khác, tự nhiên mình sẽ có một loại hạnh phúc mà hạnh phúc đấy lại không cần điều kiện. Còn các hạnh phúc thông thường thì đi kèm với hàng loạt các điều kiện khác nhau. Đây là năm bước khác nhau để chúng ta chuyển hóa từ một nỗi khổ thành trí tuệ và tình thương.
Mình kể câu chuyện này không phải là mình nói lý thuyết, mà tất cả mọi điều mình đều đã trải qua hết. Mình cũng đã từng có rất nhiều đau khổ và mình cũng đi con đường như thế này, mình cũng là người đang đi trên con đường này. Cách tập cái này rất là dễ thôi, nghĩa là mỗi lần nỗi khổ hiện lên chúng ta nhớ về năm điều này, tự nhiên chuyển hóa ngay lập tức. Chỉ cần nhớ được năm điều này. Thậm chí một trong năm điều này thôi chứ chưa cần nhớ hết, nó đã chuyển hóa rồi. Nhớ càng nhiều thì trí tuệ càng nhiều, thì tình thương càng lớn.
2.6 Khi gặp khổ là nghiệp xấu của mình được tịnh hóa
À, mình quên nói về điều thứ sáu, quên mất. Nghĩa là cái người gây cho chúng ta đau khổ lúc đấy, thực ra họ chẳng sướng gì cả. Chẳng có ai sung sướng mà đi lừa người khác cả, đúng không ạ? Chẳng ai đang sung sướng mà đi hại người khác. Cái người gây cho mình đau khổ ấy cũng khổ, chả khác gì cả. Họ cũng khổ và họ truyền nỗi khổ đấy sang cho mình. Họ lây nỗi khổ sang cho mình. Bố mẹ mình có sướng đâu khi mắng mình là: “Sao 7 giờ con chưa về nhà?”. Bố mẹ mình có sướng đâu! Bố mẹ mình cũng có nỗi khổ, bảo là: “Sao con đến giờ này chưa lấy chồng đi”, bố mẹ mình cũng khổ. Cho nên là bố mẹ mình, những người gây cho mình khổ ấy, cũng đơn giản chỉ là họ có một nỗi khổ thôi. Và họ, một cách tự nhiên hoặc một cách cố tình, tùy, nhưng mà họ truyền nỗi khổ đấy sang cho mình. Nên mình sẽ có một sự thông cảm với người kia. Họ cũng là người đau khổ mà thôi. Mình có sự thông cảm.
Một chị: Nhưng mà thí dụ như bọn cướp nó giật được tiền của mình thì nó sướng chứ? (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: A hay quá, một chuyện rất hay! Bọn cướp giật tiền mình có sướng không? Chắc chắn là nó phải khổ mới phải đi làm cướp. Không ai sướng mà đi ăn cướp cả. Đấy là điều đầu tiên đúng không ạ? Chẳng ai sướng mà đi làm cướp cả. Chắc chắn cũng phải khổ mới đi làm cướp. Đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là, nhân quả của việc cướp tiền người khác cũng là một cái quả khổ, đúng không ạ? Thứ ba là, cái đời cướp chắc là chả sướng gì. Cái đời mấy ông ăn cướp ấy, vì là toàn đi cướp của người khác thì chắc cũng chả sướng gì cả.
Nên có một câu chuyện rất thú vị là ngày xưa ở Tây Tạng ấy, có một vị thầy – một vị Rinpoche. Ông ấy được người thầy ban cho một cái bức tượng rất đẹp. Ngày xưa ở Tây Tạng, người thầy còn hơn cả người cha nên kỷ vật của người thầy quý báu vô cùng. Câu chuyện này là câu chuyện có thật xảy ra ở thế kỷ 19. Bức tượng ấy rất đẹp và nổi tiếng nên cả vùng có rất nhiều người muốn chiêm ngưỡng và ông hay cho người đến chiêm ngưỡng. Thế thì sau một chuyến đi hành hương xa ông ấy quay về nhà. Ông và những người đệ tử mở cửa ra và thấy bức tượng biến mất.
Mọi người cảm thấy rất đột ngột và bảo ông phải báo quan địa phương ngay để lùng bắt bọn cướp. Thế là ông này ngạc nhiên bảo: “Tại sao các ngươi lại nghĩ như vậy? Hãy cùng ngồi đây cầu nguyện với ta”. Mọi người hỏi là cầu nguyện gì thì ông bảo: “Hãy cầu nguyện cho những tên cướp được an toàn”. Đấy là câu chuyện có thật và được ghi lại. Vì khi nãy đã nói là “Khi nó đã gây ra một nghiệp xấu như vậy thì rất nhiều điều xấu đang đợi nó phía trước, nên hãy cầu nguyện cho nó được an toàn”. Thế là mọi người ngồi đấy cầu nguyện cho nó được an toàn.
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đấy. Ngày hôm sau mọi người đến nhà ông ấy, thế là mọi người mới thấy ông đang đóng mấy cái biển gỗ, xong rồi đóng cọc. Mọi người mới hỏi: “Ngài làm gì đấy?”, “Ta vừa được biết là quan địa phương đã biết chuyện này mất rồi. Ai nói ấy, nên đang truy đuổi bọn cướp. Nên ta định làm cái biển chỉ dẫn cho những thằng cướp đấy là quan địa phương đuổi hướng này này, đừng có đi theo hướng đấy nữa”. Thế là học trò rất là kính phục ông đấy rồi.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết. Ngày hôm sau mọi người đến, tưởng là ông đã làm hết cỡ rồi đúng không? Mọi người thấy ông đang ngồi ca hát rất vui vẻ, cực kỳ vui vẻ luôn. Mọi người mới hỏi là sao ngài lại ngồi ca hát vui vẻ như vậy. Mọi người biết vì sao không ạ?
Một bạn: Trộm giấu tượng trong nhà.
Thầy Trong Suốt: Không phải. Ông bảo rằng: “Bức tượng ấy quý vô cùng đối với ta, khi mất nó ta rất đau xót. Vì đó là kỷ vật cuối cùng của người cha tâm linh của ta. Nhưng sáng nay ta chợt nhận ra rằng đấy là một hành động mà tịnh hóa bao nhiêu nghiệp xấu của ta. Cái đau khổ ấy làm cho nghiệp xấu của ta được tiêu trừ rất nhiều. Mất cái mình rất quý mà, nên là bao nhiêu nghiệp xấu được tiêu trừ, nên ta vui quá ngồi hát từ nãy đền giờ”. Câu chuyện có thật được ghi lại trong sách của người Tây Tạng.
Bạn nữ: Vậy mình nên vui khi mình gặp đau khổ ạ?
Thầy Trong Suốt: Đúng vậy. Nếu mình có thể được, mình có một cái nhìn cao như vậy thì mình nên vui. Vì đấy là nghiệp xấu của mình đã được tịnh hóa. Khi gặp khổ là nghiệp xấu của mình được tịnh hóa. Đức Liên Hoa Sanh là một vị Phật của Tây Tạng đã từng nói là: “Khi đang trên đường tu mà con gặp đau khổ hay bệnh tật thì hãy vui mừng. Vì đấy là dấu hiệu cho thấy rằng những nghiệp xấu của con đang được tiêu trừ”. Đấy là điều thứ sáu, là gì?
Nguyên Thảo: Tịnh hóa hết những nghiệp xấu.
Thầy Trong Suốt: Đấy là một cơ hội tịnh hóa nghiệp xấu.
“Khi đang trên đường tu mà con gặp đau khổ hay bệnh tật thì hãy vui mừng. Vì đấy là dấu hiệu cho thấy rằng những nghiệp xấu của con đang được tiêu trừ” – Đức Liên Hoa Sanh.
2.7 Đau khổ là một cơ hội để mình chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm
Thế thì lại thêm điều thứ bảy. Mình nghĩ ra thêm nhiều điều lắm. Điều thứ bảy chính là sự thông cảm. Tức là thông cảm cho người bị bắt, bị mất, người đi làm đau khổ cho chúng ta. Vì họ cũng khổ là một, và họ vừa gây ra nghiệp khổ, nên chúng ta thông cảm cho họ. Nếu gần đây có ai đọc trên trang web Trong Suốt ấy, một bài viết là: “Chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm”. Ở đây có ai đọc không ạ? Chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm -phương pháp để chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm.
Đau khổ là một cơ hội để mình chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm. Vì cái người gây khổ cho mình ấy, họ cũng là một con người mà đến thời điểm này, họ chỉ mới học được từng đấy điều trên đời này thôi. Họ sinh ra trong một gia đình như thế này, lớn lên trong một gia đình như thế kia, học được cái này cái kia, học được từng này kiến thức nên họ hành xử bằng kiến thức của họ. Mình khác họ ở chỗ mình học được nhiều hơn, nên mình thấy họ sai mình đúng. Nhưng mà mình đặt mình vào hoàn cảnh của họ thì họ cũng hành xử bằng tất cả những cái họ học được.
Ai cũng có một lịch sử riêng, ai cũng có một cái di sản riêng của gia đình, của chính mình. Nên ngày hôm nay, thời điểm họ gặp mình – cái thời điểm anh ấy gặp Ngân ấy, là anh ấy hành xử bằng hết khả năng của anh ấy. Vì anh ấy hiểu, anh ấy học được từng đấy thôi, đúng không? Thời điểm đấy anh mới học được từng đấy thôi. Bây giờ có thể là anh ấy đã khác ngày xưa rồi, nhưng mà thời điểm đấy anh ấy hành xử bằng tất cả cái anh ấy học được đến thời điểm đấy.
Và hóa ra họ cũng giống mình, vì mình cũng thế, mình cũng luôn hành xử bằng cái mình học được đến thời điểm này, đúng không ạ? Mình không thể hành xử được bằng cách mình học được sau 10 năm được nữa. Mình hành xử bằng cái mình học ngay thời điểm này. Nên giả sử, ngày xưa mình đã làm cái gì bây giờ mình oán trách chính mình ấy, em cũng thế, thì không có gì đáng trách cả. Vì thời điểm đấy mình chỉ có từng đấy kinh nghiệm thôi, mình không thể phản đối bố mẹ là: “Bố mẹ ơi, con đi ra nước ngoài mới đúng”.
Ở mỗi thời điểm, ai cũng hành xử bằng tất cả những gì mình đã học được. Mình và người gây đau khổ cho mình đều giống nhau ở chỗ đấy, chẳng khác gì. Mình cứ tưởng rằng là người ta sai, mình đúng. Không phải, lúc đấy người ta học được đến mức đấy. Bằng cách đấy mình có thể thông cảm với cả chính mình trong quá khứ. Hồi bé hay lúc nào đấy mình đã từng gây lỗi lầm. Ví dụ như sẽ có người đã từng có thai và phá thai chẳng hạn. Đấy, cũng là cái chúng ta hiểu rằng, lúc ấy chúng ta chỉ học được từng đấy thôi. Ta hành xử bằng tất cả những cái chúng ta cho là đúng nhất. Và có thể tha thứ cho chính mình, chính chúng ta trong quá khứ. Đau khổ là một cơ hội để chúng ta gợi lên sự thông cảm.
Vì mình biết rất nhiều người gặp mình áy náy là: “Anh ơi ngày xưa em thế này, thế kia”. Nếu mình không tha thứ được cho mình thì chúng ta sống trong một tâm trạng gọi là tâm trạng hối tiếc bi quan.
Hối tiếc tích cực là chúng ta hối hận vì đã làm việc đấy, đồng thời quyết tâm không mắc lại một lần nữa. Đó là hối tiếc tích cực. Nhưng con người thông thường, nếu như không có học và thực hành chuyển hóa, ta có một loại gọi là hối tiếc bi quan, là liên tục giữ tâm trạng trách chính mình vì mình đã làm gì trong quá khứ. Còn hối tiếc tích cực chỉ đơn giản: Một là, hối hận nhưng không trách mình mà biến sự trách đấy thành quyết tâm rằng “Tôi sẽ không mắc lại một lần nữa, tôi sẽ cố gắng không mắc lại một lần nữa”.
Thế thì đau khổ làm cho mình thông cảm. Thông cảm không chỉ người ngoài, mà còn thông cảm với chính mình. Để mình không mắc phải tâm trạng hối tiếc bi quan đấy, mà mình chuyển thành hối tiếc tích cực. Đấy là một cái đẹp nữa của đau khổ. Đau khổ làm cho chúng ta rất nhiều điều khác nhau.
Vì thế nên khi chúng ta gặp đau khổ, thì nên mừng. Thực sự nên mừng, tại vì không có đau khổ, chúng ta ít khi nhớ về 8 điều này lắm. Nên khi có đau khổ, chúng ta quay lại, nhớ tất cả và chuyển hóa chính cái đau khổ của chúng ta thành trí tuệ và tình thương hay sự thông cảm. Nên khi có một ai đấy đau khổ đến gặp mình ấy, thì trong lòng mình rất là vui. Người ta thì đến mặt rầu rầu chứ mình thấy rất vui. Vì mình thấy rằng: “A, có một cơ hội với người này rồi! Mình có một cái cơ hội để nói với người ta về chuyển hóa rồi!”.
Đau khổ là một cơ hội để mình chuyển hóa ghét bỏ thành thông cảm, không chỉ thông cảm với người ngoài mà còn thông cảm với chính mình.
Và như vậy thì ta thấy rằng đau khổ không có gì là xấu cả. Đau khổ là rất tuyệt vời. Vì nó đem đến cho chúng ta rất nhiều điều tốt đẹp: đem đến cho chúng ta trí tuệ, đem đến cho chúng ta sự thông cảm và tình thương. Còn không đau khổ thì họ ít khi chuyển hóa được lắm. Khó chuyển hóa hơn. Mọi người nghĩ rằng đau khổ là một cái gì đó rất xấu, còn mình thấy rằng đó là châu báu của từng người một. Ai ở đây đang có một nỗi đau khổ thì đó chính là châu báu của chính mình. Cái ngày mình chuyển hóa được nó thì mình thấy rõ là châu báu. Còn khi mình chưa chuyển hóa được thì mình hãy tập theo con đường này thì chắc chắn mình sẽ chuyển hóa được. Không sớm thì muộn, tập đi tập lại cũng sẽ chuyển hóa được hết.
Chắc là còn vài điều nữa nhưng không nhớ hết. Có rất nhiều cách, rất nhiều cái mình có thể nghĩ ra được khi mình gặp đau khổ. Nhưng những điều vừa xong chắc là những điều cơ bản nhất. Đấy là đều xuất phát từ việc có một đau khổ. Nên bạn nào thông minh thì tận dụng những đau khổ nhỏ tí để mà tập. Đau khổ này đúng với tất cả những đau khổ, chứ không phải chỉ những đau khổ to đâu nhé!
Tất cả những cái mình vừa nói là đúng với những nỗi đau khổ nhỏ tí ti như thế này thôi. Ví dụ ra đường ai nhận xét là: “Ơ cô này trông…, đấy – mặt xấu như con khỉ!” chẳng hạn, hay là: “Trông cái áo này xấu quá”. Mình thấy khó chịu trong lòng thì mình có thể tập tất cả 8 điều này luôn, cùng một lúc được luôn. Nên là chúng ta hãy tận dụng từng cơ hội nhỏ một của đau khổ. Vì nếu chúng ta không chuyển hóa tâm thì khi nỗi đau khổ đủ lớn đến chúng ta không còn cơ hội tập luôn! Chúng ta bị bó chặt trong đau khổ và cuốn vào trong đau khổ. Nên chúng ta tận dụng từng cơ hội nhỏ một của đau khổ, để mà chúng ta tập. Còn bạn nào làm được như vậy, chắc chắn sẽ hạnh phúc.
3. LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC THẾ NÀO LÀ TỐT CHO NGƯỜI KHÁC?
Minh Ngân: Anh cho em hỏi ạ! Trong mấy cái anh nói thì chuyện cố gắng làm điều tốt cho người khác, thì thực ra câu hỏi của em là, làm thế nào để xác định được thế nào là tốt? Và tốt là tốt theo hiểu biết và tất cả những khả năng trí tuệ, năng lực của mình hay là tốt cho người ta theo cái mà người ta cần.
Bởi vì, ví dụ như những bố mẹ cứ giục con cái lấy chồng, lấy vợ thì họ cũng đều nghĩ rằng phải lấy vợ, lấy chồng mới là điều tốt. Nên không biết rằng, nếu cứ ép họ như vậy thì đó có phải là điều mà họ muốn hay không? Nhưng ngược lại, nếu mình không làm theo ý của mình, mà mình cứ giả định rằng là mọi người đều biết cái gì là tốt nhất cho mình. Và người ta sẽ tìm đến mình nếu mà mình cần và người ta sẽ làm cái điều tốt nhất cho họ, thì làm thế nào để phân biệt được?
Ví dụ, chẳng hạn như trong trường hợp trẻ con mà nó cứ cho cát vào trong mồm, và điều đấy nó rất hạnh phúc, rất là sướng. Thế nhưng mà bố mẹ sẽ có lựa chọn hoặc là bảo nó đừng có cho cát vào trong mồm, hay là đừng có lấy vợ đừng có lấy chồng. Bởi vì đấy là điều mà làm cho con rất là vui. Thì mình có cách nào để mình hiểu cái đấy một cách có trí tuệ nhất không ạ?
Thầy Trong Suốt: Ừ. Chính xác! Hạnh phúc thì có hai loại hạnh phúc là: Hạnh phúc tương đối và hạnh phúc tuyệt đối.
Hạnh phúc tương đối là hạnh phúc đi kèm với các điều kiện khác nhau. Và hạnh phúc tương đối đấy, rất tiếc là, sớm muộn gì nó cũng mất. Ví dụ, mình thấy lấy vợ lấy chồng xong mình tưởng thế là tốt, là xong rồi. Nhưng mà mình cũng không đảm bảo được rằng, mình và vợ mình sau này có thể tiếp tục ở bên nhau mãi hay lại chia tay nhau vì lý do nào đấy. Với người bình thường ấy, thì tâm của họ chỉ quan tâm đến hạnh phúc tương đối thôi, đúng không ạ? Thế thì mình nên làm cho họ hạnh phúc tương đối, nhưng mà song song với nó thì mình phải hướng họ đến thứ hạnh phúc cao hơn.
Ví dụ như câu chuyện bố mẹ. Bố mẹ không bao giờ hạnh phúc được, cho dù mình có thành siêu sao gì đi nữa. Nhưng bố mẹ mình có loại hạnh phúc tương đối là thấy mình làm bố mẹ hài lòng. Thế thì khi mình làm điều đấy trong trí tuệ thì mình sẽ thấy đấy là một điều nên làm. Còn mình làm điều đấy trong vô minh, thiếu hiểu biết thì không nên làm.
Ví dụ thế này, đứa bé đang bốc cát vào mồm, bảo nó sướng nhất đúng không? Nhưng trí tuệ mình nói rằng là chắc chắn tí nữa nó sẽ có bệnh tật, thì lúc đấy mình sẽ bảo nó là đừng ăn nữa vì mình có trí tuệ. Nên là để biết được việc gì là đúng hoặc sai, xấu hoặc tốt thì việc đầu tiên chúng ta phải làm là làm thế nào để có cái nhìn đúng. Mỗi người, một thời điểm sẽ có cái hiểu khác nhau về đúng hoặc sai. Vì vậy, chúng ta phải liên tục nâng cái nhìn của chúng ta lên để mà càng ngày cái nhìn của chúng ta càng hướng về phía tuyệt đối hơn, càng bớt tương đối đi.
Ví dụ tương đối là một năm chẳng hạn, ở đây mình lấy chồng một năm thì bố mẹ mình sướng được một năm. Xong hai năm sau thì bố mẹ lại buồn. Nên là khi cái nhìn của mình càng cao thì hạnh phúc của mình càng trở nên tuyệt đối hơn, nó càng trở nên dài hơi hơn và vững chắc hơn.
Thì ở đây có một câu chuyện cụ thể, không biết là hồi trước mọi người có đọc cái bài mà mình nói chuyện về bố mẹ và con cái chưa ấy nhỉ? Cái điều bố mẹ mình quan tâm nhất ấy, nếu mình có trí tuệ nhé, khác với không có trí tuệ. Khi mình không có trí tuệ, mình tưởng rằng cái bố mẹ mình quan tâm là mình lấy được chồng hay lấy được vợ. Vì mình không có trí tuệ, mình cảm giác thế là đủ. Nhưng khi mình có trí tuệ, mình thấy rằng bố mẹ quan tâm nhất là mình thực sự hạnh phúc.
Bố mẹ mình quan tâm nhất là mình thực sự hạnh phúc, chứ không phải là mình lấy được chồng hay lấy được vợ. Bằng chứng là gì, nếu mình lấy chồng, lấy vợ xong mà mình không hạnh phúc thì bố mẹ mình vẫn buồn như thường, thậm chí còn buồn hơn. Không phải là bố mẹ mình muốn mình lấy chồng lấy vợ, mà bố mẹ muốn điều gì đó sâu sắc hơn. Ở đây có ai có con rồi sẽ càng hiểu rõ hơn. Bố mẹ là muốn con cái thực sự hạnh phúc. Còn con cái mà chưa hạnh phúc thì dù nó có lấy chồng lấy vợ, dù nó có một cơ ngơi tài sản, dù nó có nổi tiếng đến mấy đi nữa, bố mẹ vẫn buồn như thường.
Nên là người thân của mình ấy, mong nhất là mình hạnh phúc thực sự, chứ không phải là hạnh phúc theo kiểu giả giả và thậm chí là không hạnh phúc. Khi mình hiểu điều đấy thì cách mình giúp bố mẹ tốt nhất là mình tập cách để trở nên thực sự hạnh phúc. Chứ không phải là lấy chồng hay lấy vợ, hay là giàu có, hay gì gì cả. Mặc dù cái đấy cũng có thể đóng góp một phần nào đấy. Nhưng cái quan tâm cao nhất của mình – tự nhiên mình sẽ chuyển về việc làm thế nào để mình thực sự hạnh phúc, vì đấy là điều sẽ làm bố mẹ hạnh phúc nhất. Đấy, đấy là trí tuệ đấy! Như vậy mình sẽ không vội vàng làm những việc mà mình biết là mình không hạnh phúc sau này, về lâu dài.
Bố mẹ nào cũng thế thôi, mong nhất là con thực sự hạnh phúc. Nhưng mà ở thế hệ các cụ thì diễn dịch ra là: hạnh phúc bằng chồng này, vợ này, công ăn việc làm hay gì gì đấy. Đấy là thế hệ các cụ diễn dịch như vậy. Nhưng mình có một cơ hội mới hơn, mình có cách nhìn xa hơn, mình hiểu rằng thế chưa đủ. Muốn bố mẹ hạnh phúc thực sự thì mình phải hạnh phúc thực sự. Như vậy mình sẽ đi vào con đường tinh thần chứ không phải là chỉ đi vào con đường để đạt được cái này cái kia nữa. Mình không chỉ đơn giản là cố gắng lấy được chồng hay lấy được vợ, hay có được tiền nữa mà mình tìm con đường tâm linh, con đường tinh thần để mình trở nên hạnh phúc thực sự. Đấy mới là điều bố mẹ mình mong nhất.
Còn nếu mình không hạnh phúc thực sự thì điều gì xảy ra? Bố mẹ mình rất nhạy cảm. Ở đây có ai là bố mẹ sẽ biết. Một nỗi buồn của mình các cụ cảm nhận được rất dễ dàng. Bố mẹ là người mà ở gần con mấy chục năm rồi, nhìn nét mặt của con biết là con đang buồn hay đang vui. Nên dù mình có bảo là: “Con hạnh phúc lắm!”, nhưng mà nhìn nét mặt của mình các cụ có thể biết được. Và có thể mất ngủ cả đêm bởi vì: “Sao hôm nay trông mặt nó căng thẳng thế!” – bố mẹ là như vậy.
Nên chỉ khi nào chúng ta tìm đến một con đường giúp chúng ta hạnh phúc thực sự, thì lúc đấy chúng ta mới có thể hi vọng rằng bố mẹ mình có thể hạnh phúc thực sự. Còn nếu không thì rất mong manh, dù chúng ta đang rất giàu có, đang nổi tiếng hay đang có vợ có chồng đầy đủ, nhưng mà hạnh phúc đấy vẫn mong manh. Và bố mẹ mình vẫn chưa thực sự hạnh phúc được.
Một bác: Ai cũng muốn sung sướng, không ai muốn khổ cả, ai cũng muốn hạnh phúc nhưng có phải ai cũng đạt được đâu?
Thầy Trong Suốt: Đấy là lý do tại sao con đường tâm linh ra đời. Hạnh phúc thực sự không phải đạt được bằng cách chúng ta có được cái gì. Hôm nay chúng ta có, ngày mai chúng ta mất. Chỉ khi nào chúng ta có một cái nhìn khác về cuộc sống thì chúng ta mới hạnh phúc được.
Chúng ta không quyết định được việc chúng ta có được cái này hay chúng ta mất cái kia. Nhưng chúng ta có thể quyết định được việc chúng ta nhìn nhận câu chuyện được mất này như thế nào. Tâm linh là con đường đi vào bên trong, để chúng ta nhìn nhận được mất nó khác theo kiểu thông thường. Mình gặp một vài người, không nhiều lắm, họ không có gia đình nhưng bố mẹ họ rất vui vẻ. Hay bố mẹ của vợ mình là một ví dụ. Nhà vợ mình có bắt cô nào lấy chồng, lấy vợ đâu? Đây này bố mẹ của Lý đây này! Họ chỉ cần con họ vui vẻ hạnh phúc thôi. Không phải bố mẹ nào cũng bắt con phải lấy chồng, lấy vợ mới là hạnh phúc.
Bố mẹ nào mà có hiểu biết, càng hiểu biết thì sẽ càng thấy rõ là hạnh phúc không đến từ việc có chồng hay có vợ. Sau này mình cũng sẽ trở thành bố hoặc mẹ, có thể – có thể có, có thể không, thì mình nên thay đổi mình từ bây giờ. Nếu không mình sẽ lại đi vào vết xe đổ của bố mẹ mình, cho rằng hạnh phúc là phải có vợ, có chồng, có công ăn việc làm, địa vị xã hội, tiền bạc rồi con cái… thì chính mình ràng buộc mình và con cái mình.
Thế nên quay lại câu hỏi của Ngân là mình phải tập để mình có cách nhìn cao hơn, sâu sắc hơn thì đúng sai mới trở nên đầy đủ và đúng nghĩa của nó. Còn nếu không thì đúng sai nhiều khi được một lúc rồi lại mất. Nên không có con đường nào khác ngoài con đường chuyển hóa chính mình. Buổi hôm nay là buổi nói về chuyển hóa. Không còn con đường nào ngoài con đường chuyển hóa. Tất cả các con đường đi ra ngoài cuối cùng đều sẽ không toại nguyện hết! Chỉ có việc chuyển hóa bên trong của chúng ta mới có thể đem lại hạnh phúc chân thật thôi.
4. KHÔNG PHẢN ỨNG TIÊU CỰC CHỨ KHÔNG PHẢI KHÔNG PHẢN ỨNG
Một bạn nữ: Em có một câu hỏi. Anh nói rằng mình phải liên tục nâng cao cái trí tuệ, cái quang minh của mình. Nhưng mà có những cái em không thể thấy được, giống như là những cái nghiệp em đã tạo ra ở kiếp trước. Và có một người thì hạnh phúc của người ta, cái vui thích của người ta là thấy được mình khổ sở, đau khổ thì họ cứ tác động, cứ làm hại mình. Mà mình cứ nghĩ là: “Ôi cái đó là do nghiệp trước của mình”, thì mình sẽ chấp nhận. Chấp nhận hay là mình tự chủ động cắt đứt cái khổ sở đó hả anh?
Thầy Trong Suốt: Nếu người ta gây ra điều xấu cho em thì người ta cũng đang song song gây nghiệp xấu cho chính họ, đúng không? Nên nếu mình có một cơ hội nào đó để cái việc ấy kết thúc thì tốt quá, mình nên tránh ra chứ.
Bạn đó: Vậy là mình sẽ chủ động chứ không phải là mình chấp nhận cái nghiệp của mình hả anh?
Thầy Trong Suốt: Chủ động để giúp người kia không gây nghiệp xấu. Người ta gây đầy nghiệp xấu cho mình, mình càng để thì người ta gây nhiều nghiệp xấu cho mình hơn. Mình sẽ chủ động giải quyết việc đấy. Quay lại câu chuyện, tất cả những điều mình vừa nói xong không phải để cho mình trở thành người không dám hành động gì hết, cứ chấp nhận – chấp nhận – chấp nhận. Mà gì? Mà để mình không phản ứng tiêu cực, thế thôi. Mình vẫn phản ứng nhưng không phản ứng tiêu cực, chứ không phải bị động và không phản ứng gì hết. Nhưng phản ứng tích cực và phản ứng tiêu cực là khác nhau. Phản ứng tiêu cực thì sớm muộn gì mình cũng sẽ bị đau khổ trở lại.
Ví dụ như thế này, hai người yêu nhau, rủ nhau đi xem phim và anh ấy đến muộn 5 phút, phản ứng tiêu cực là đùng đùng bỏ về, đúng không? Rất tiêu cực. Anh kia bị tổn thương vì tự nhiên hẹn đến, cô này tự dưng đùng đùng bỏ về chẳng nói câu gì cả. Ngày hôm sau, trong lúc đi chơi với nhau, anh ấy lại nói một câu làm cô ấy đau buồn. Người này làm tổn thương người kia, người kia lại làm tổn thương lại người này. Đấy là phản ứng tiêu cực đấy.
Anh ấy đến muộn 5 phút thì cô kia bị tổn thương, vì cô nghĩ là người yêu phải đến đúng giờ. Cô này đùng đùng bỏ về, anh kia lại bị tổn thương, vì cô này chẳng nể mặt tôi gì cả. Ngày hôm sau đang nói một chuyện rất vui tự nhiên anh ấy nói một câu châm biếm nào đấy, thế là cô này lại khổ. Thế là hai người tuy yêu nhau mà lại tổn thương nhau liên tục. Người này bị người kia làm tổn thương, thế là cái Tôi bị đau khổ, bị tổn thương. Ngày hôm sau nó lại tìm cách trả thù, nó lại làm tổn thương người kia. Cái Tôi người kia bị tổn thương. Nên là đến một ngày nào đấy có cơ hội trả thù nó lại nói một câu gì đấy làm tổn thương người này. Đấy là một chuỗi các phản ứng tiêu cực.
Phản ứng tích cực là phản ứng trong sự hiểu biết, và phản ứng như mình nói lúc nãy là không gây hại cho người khác. Trong trường hợp của em, khi em dừng câu chuyện lại là vì em không muốn gây hại cho anh kia, không muốn người kia tiếp tục gây nghiệp xấu nữa. Đấy là phản ứng tích cực. Còn phản ứng tiêu cực là: vì anh ấy đã gây nghiệp xấu cho em, một ngày nào đó em sẽ tìm cách gây lại nghiệp xấu cho anh ấy, một cách vô tình hay cố ý. Ví dụ vô tình là thế nào? Bởi vì em bực trong lòng, em buồn, có thể một ngày nào đấy em sẽ nói xấu anh ấy với ai đấy, có thể thôi – có thể không, có thể có.
Thế nên mình tập con đường chuyển hóa không phải là trở thành người không phản ứng, mà mình chỉ đơn giản là không phản ứng tiêu cực thôi, mà tập cách phản ứng trong hiểu biết, trí tuệ. Còn khá hơn nữa là hiểu biết và thông cảm, nếu qua chuyển hóa.
Ví dụ giả sử trong câu chuyện, hai người cứ gây tổn thương cho nhau, một người bắt đầu chuyển hóa. Không phải ai cũng may mắn là cả hai vợ chồng cùng tập hết, hay là cả hai đôi bạn cùng tập. Nhưng ít nhất mình có cái may mắn là mình được tập còn người ta không được tập, thế vẫn là may hơn rồi, thì điều gì xảy ra? Khi người ta gây cho mình một tổn thương, mình bắt đầu nhớ về những điều này. Khi mình nhớ về những điều này, một: Mình thấy rằng đây là một trong những lý do làm tổn thương cái Tôi của mình. Đấy, nên mình sẽ giải quyết nó.
Một trong các lý do khác là mình cũng chưa thông cảm cho người ta nhiều, mình nên giải quyết nó. Thế là người ta tấn công mình, nhưng mà mình không tấn công lại người ta. Mình chỉ có đỡ hoặc tránh ra thôi, chứ không làm người ta bị thương trở lại. Mình đã giải quyết bằng con đường này rồi sao mình tấn công người ta làm gì nữa, sao lại gây thêm một nỗi khổ cho người khác nữa. Nên mình chỉ có đỡ, tránh, né hoặc chạy chỗ khác chứ mình không tìm cách đâm lại người ta một kiếm nữa.
Và câu chuyện sẽ tiếp tục đến lúc: Hoặc là vì mình chuyển hóa rồi thì người ta chuyển hóa theo, vì người ta không làm hại mình như ngày xưa nữa, người ta suy nghĩ lại và chuyển hóa theo; Hoặc là người ta bỏ mình đi chỗ khác, vì người ta không làm mình phản ứng được nữa, khi đấy người ta sẽ tìm một cô nào mà người ta có thể giận hờn cô ấy mới sướng, phải làm cô ấy đau khổ thì mới có hạnh phúc. Nhưng cả hai trường hợp thì mình đều hành xử trong trí tuệ và thông cảm, nên là cái nhân quả của việc đấy là mình sẽ tìm người nào đấy phù hợp hơn. Hơn là mình cứ day dứt mãi cái anh mà đau khổ, đau khổ, đau khổ lẫn nhau. Chia tay chưa chắc đã là xấu. Trong đầy trường hợp mình đã giúp, chia tay là một điều tốt.
Một chị: Có bao giờ nó là tội lỗi không?
Thầy Trong Suốt: Chia tay trong vô minh và chia tay trong hiểu biết, hai cái ấy khác hẳn nhau. Cái chúng ta cần làm là chúng ta có trí tuệ và tình thương. Còn chúng ta sẽ hành động một cách sáng suốt nhất là chia tay hay không. Còn nếu không, chỉ là vòng luẩn quẩn của những cái Tôi làm hại lẫn nhau, những cái Tôi làm tổn thương lẫn nhau, rồi lại làm tổn thương ngược lại.
Ví dụ mình với vợ mình nhé. Điều gì xảy ra, giả sử nếu có làm tổn thương lẫn nhau? Giả sử đi, thì cái người bị tổn thương ấy, lập tức nghĩ rằng: “Đây là vấn đề của tôi”. Không có tâm lý nạn nhân nữa mà! Khi mình không có tâm lý nạn nhân ấy, ngay lập tức người ấy nghĩ rằng đây là vấn đề của tôi nên là tự mình tìm cách giải quyết. Thế thôi, đơn giản thế thôi, cả hai người sống với nhau như vậy. Khi có vấn đề xảy ra thì ai cũng nghĩ rằng đó là vấn đề của tôi hết.
Vì cái tổn thương nhiều khi không phải là một bên mà là cả hai bên tổn thương nhau. Thì ngay lập tức cả hai đều nghĩ đây là vấn đề của tôi, thế là mỗi người tự giải quyết. Không ngồi nghĩ rằng: “Cái cô kia, anh kia là người đã làm tôi khổ nữa”. Nên là một lúc sau giải quyết xong thì lại vui vẻ, còn khi chưa giải quyết xong thì tạm xa xa một chút. Đấy, đấy là câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nếu có, bây giờ thì rất là hiếm rồi.
Nhưng mà lúc đầu mới lấy nhau về ấy, thì vợ là người tự hào là nấu ăn ngon, còn mình thì không quen ăn đồ của miền Nam với miền Trung. Bữa nào mình cũng chê, thế là mình làm bạn ấy bị tổn thương, vì bạn ấy rất tự hào mà. Bạn ấy không nói ra là: “Em tự hào lắm” nhưng mà về sau mình biết. Nhiều người khen bạn ấy nấu ăn ngon rồi, tự dưng ông này, chồng mình mà, bữa nào cũng chê mình nấu không ra gì, rồi thế này thế kia. Mình thì mình rất trung thực, mình ăn không ngon thì bảo không ngon. Thế là vợ mình bị tổn thương. Nhưng mà đấy, vợ mình không phải ngồi nghĩ đó là lỗi của mình mà bạn ấy tự tập, rồi cũng hết. Rồi bây giờ nấu ăn rất ngon và bây giờ thấy ngon thật. Đấy!
Một bạn nam: Ngon do tập hay ngon do ăn quen rồi?
Thầy Trong Suốt: Ngon vì ngon thật, thực sự ngon. (Mọi người cười) Cả hai, chắc cả hai. Nên là ở đây người nào có cả đôi cùng tập là hay nhất. Nếu không thì việc mình tập cũng đã giúp chính mình và người kia rồi. Ông kia có hai kiểu. Nếu ông kia là người phục thiện ấy thì ông sẽ thấy sự chuyển hóa và ông ấy chuyển hóa theo. Ở đây có một số người, mình biết câu chuyện của họ như thế. Đầu tiên là người vợ chuyển hóa trước và ông chồng bắt đầu thấy kỳ lạ quá và chuyển hóa theo. Vợ mình khác ngày xưa quá, mà khác tốt hơn chứ không phải khác xấu hơn. Thế nhưng cũng có một vài đôi là kết thúc. Kết thúc nhưng mà lại rất tốt vì sau này cô ấy lại có một cái phù hợp hơn với cô ấy.
Buổi hôm nay không phải là buổi chỉ nói chuyện không, mà mình hi vọng rằng cái mình nói từ nãy giờ là những phương pháp tập để mỗi người có thể tự chuyển hóa, tự tận dụng cái khổ của mình mà chuyển hóa. Và người nào càng nhiều khổ thì sẽ chuyển hóa càng nhanh. Mình nhắc lại là, khổ không phải là một cái gì đó to lớn cả, một sự không hài lòng nho nhỏ thôi, một cảm giác khó chịu nho nhỏ cũng là khổ, có thể chuyển hóa được.
Thầy Trong Suốt: Chủ đề ngày hôm nay là vẻ đẹp của đau khổ và sự chuyển hóa tâm lý nạn nhân. Còn ai đang có tâm lý nạn nhân thì hãy nhớ về tâm lý chủ nhân. Tất cả những bước này chuyển hết thành tâm lý chủ nhân được ngay. Bạn nào mà có tâm lý chủ nhân trong công việc nhé, thì chắc chắn là người thành công trong công việc.
Mình cũng là một người có rất là nhiều nhân viên. Mình có khoảng 850 nhân viên. Mình thấy tất cả những ai có tâm lý chủ nhân là những người thành công. Còn tất cả những ai có tâm lý nạn nhân là những người không thành công. Những ông nào mà khi gặp khó khăn bắt đầu kêu là: “Anh ơi, đây là lỗi của bộ phận này, bộ phận kia” ấy thì sau 6 tháng cũng chỉ thất bại, thất bại và thất bại. Nhưng người nào mà có tâm lý chủ nhân ấy, cũng nói là bộ phận này bộ phận kia nhưng mà “em sẽ cố gắng, bởi vì em nghĩ rằng em có khả năng thay đổi nó được”. Những người đó sau một thời gian, dù họ là một nhân viên bình thường thì sau họ cũng lên làm những vị trí quan trọng. Trong công ty mình thì những người ở vị trí quan trọng nhất thường đều xuất phát từ những nhân viên cấp thấp nhất.
Ví dụ như là giám đốc đối ngoại bên mình ấy, cái bạn mà suốt ngày gặp các cơ quan chính quyền, thứ trưởng, bộ trưởng thì ngày xưa bạn chỉ làm lễ tân thôi. Thế nhưng bạn ấy là người có tâm lý chủ nhân rất rõ rệt. Hay là bạn giám đốc kỹ thuật của mình thì ngày xưa cũng làm lập trình viên. Nhưng mà ngày xưa khi một dự án khó khăn hay là hỏng, những người khác bảo rằng, đây là lỗi do người dùng truy cập đông quá, hay là công ty chưa đầu tư đủ tiền thì bạn ấy bảo là em sẽ cố giải quyết bằng cách tối ưu hóa phần mềm cho nó chạy thông minh hơn. Nên là tâm lý chủ nhân chính là tâm lý để thành công trong bất kỳ công việc gì. Tâm lý nạn nhân là tâm lý thất bại, còn tâm lý chủ nhân là tâm lý thành công.
Tương tự như vậy, tâm lý nạn nhân là tâm lý làm mình đau khổ trong chuyện tình cảm. Vì mãi mãi mình thấy mình chỉ là nạn nhân của người kia thôi. Còn tâm lý chủ nhân ấy, thì hoặc là câu chuyện của mình hạnh phúc hơn hoặc là câu chuyện ít nhất nó cũng kết thúc ở đấy, để mình có thêm những lựa chọn khác và lâu dài nó hạnh phúc hơn. Nên tâm lý nạn nhân là thủ phạm, thì tâm lý chủ nhân sau khi trải qua những chuyển hóa như thế này, cũng chính là nguyên nhân của thành công và hạnh phúc.
Mình cũng chưa thấy người doanh nhân thành công nào mà không có tâm lý chủ nhân cả, hay một nhân viên nào thành công mà không có tâm lý chủ nhân. Hi vọng là ở đây nếu có ai đã từng hoặc đang có tâm lý nạn nhân thì dùng những phương pháp này để chuyển mình thành người chủ nhân. Hoàn toàn làm được!
Nguyên Thảo: Ví dụ như em có một vấn đề mà chuyển hóa nó cũng phải mất vài ba ngày mới hết đi nỗi buồn đó, thì đó là vẫn đang đi trên con đường chuyển hóa?
Thầy Trong Suốt: Chuyển hóa thậm chí có thể là hai năm. Nghĩa là hai năm sau mình nhớ lại chuyện ấy mình mới chuyển hóa được, còn trong hai năm mình ôm cái nỗi hận đấy, dù mình tập rồi nhé. Hay là có những trường hợp là bảy ngày, tám ngày. Mình bị ai đó làm khổ, bảy, tám ngày sau mình mới nhớ ra mình tập. Nhưng không bao giờ muộn hết. Nếu bảy, tám ngày sau mình nhớ lại chuyện này thì mình chuyển hóa nó bằng cái này. Hai năm sau mình mới nhớ ra, không sao, chuyển hóa.
Còn nếu mình giữ tâm lý nạn nhân thì mình thất bại. Hi vọng rằng sau buổi này, một thời gian sau gặp lại ai cũng thành công, hạnh phúc cả. Không phải quá khó, nếu mình đi đúng đường thì không quá khó.
Tâm lý chủ nhân chính là tâm lý để thành công trong bất kỳ công việc gì.
5. HỎI ĐÁP
5.1 Chia tay làm người ta đau khổ có phải là gây nghiệp xấu?
Một bạn: Em muốn hỏi về chuyện gây nghiệp xấu. Trong tất cả những thứ khác trong cuộc sống thì em thấy em có thể giải quyết được hết, không phải là quá tốt nhưng mà cũng được. Nhưng mà riêng trong chuyện tình cảm thì em thấy rất là khó vì nó có sự tương tác với người kia, mà lại là người rất là gần với mình, hơn cả cha mẹ mình nữa. Ví dụ như là khi em quen một người, người đó thực sự rất rất là yêu em. Nhưng mà tới một lúc nào đó em thực sự nghĩ là nên dừng lại. Và em nghĩ là khi mà mình dừng lại thì cái người kia sẽ rất đau khổ.
Nhưng mà sau một hồi suy nghĩ kỹ rồi, cả một năm trời suy nghĩ thì em vẫn quyết định là em dừng lại và thực sự là em làm người kia rất đau khổ. Và vẫn thường xuyên gọi điện cho em khóc chẳng hạn. Hoặc là rất là nhiều ngày tới đứng chờ em trước cửa để khóc. Rất là tội. Và em thấy là em không biết phải làm sao. Em biết là em đã gây ra một cái điều rất là xấu, có phải không ạ?
Thầy Trong Suốt: Không phải. Nghiệp xấu nó bắt đầu từ ba điều. Một là em có tác ý gây đau khổ, thứ hai là em có hành động gây đau khổ, và thứ ba là kết quả cuối cùng là gây đau khổ. Ba cái đấy mới tạo thành một nghiệp xấu đầy đủ. Khi em chia tay, mục đích của em là làm người ta đau khổ hay mục đích của em là kết thúc ở đây là hợp lý nhất?
Bạn đó: Em nghĩ là kết thúc là hợp lý.
Thầy Trong Suốt: Như vậy là em có cái tác ý là: “Tôi sẽ cố tình gây đau khổ cho anh kia” không?
Bạn đó: Em rất sợ là làm người kia đau khổ cho nên em đã tìm đủ mọi cách.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em không có tác ý đấy đúng không? Đấy, như vậy thứ nhất cái nghiệp xấu của em ngay từ gốc là nó đã không có rồi. Hành động của em gây đau khổ không?
Bạn đó: Có ạ!
Thầy Trong Suốt: Hành động gây đau khổ là thế nào, là mình không đủ khéo léo để mà kết thúc.
Bạn đó: Dạ không, em cũng từ từ, tức là em cũng nói chuyện rất nhiều để cho người ta hiểu ra.
Thầy Trong Suốt: Em có nhắn tin là: “Anh ơi chúng ta chia tay nhé”, xong rồi bỏ đi, có thế không?
Bạn đó: Dạ không ạ.
Thầy Trong Suốt: Hay là em đã cố tình giải thích, cố tình các thứ rồi?
Bạn đó: Em tạo ra một cái buổi nói chuyện và để cho người kia nói chuyện.
Thầy Trong Suốt: Như vậy là hành động của em không phải là hành động để cố gây đau khổ cho người ta đúng không?
Bạn đó: Nhưng mà rốt cuộc thì người đó cũng đã đau khổ.
Thầy Trong Suốt: Thì em chỉ bị phần kết quả thôi. Nghĩa là trong ba điều kiện để hình thành một cái nghiệp đầy đủ thì em chỉ bị cái cuối cùng thôi. Mà cái đấy anh nghĩ là cũng tương đối khách quan, em không cố tình gây đau khổ. Nhưng cuộc nói chuyện giữa hai người xảy ra thì khiến người ta đau khổ.
Bạn đó: Nhưng mà người đó quá đau khổ trong suốt hai tháng trời.
Thầy Trong Suốt: Thì kết quả đấy làm cho em áy náy. Nhưng anh nói rồi đấy, trong ba cái điều đấy thì em chỉ làm một điều thôi. Cũng không phải em làm mà nhiều khi nhân duyên không đầy đủ, nó sinh ra việc đấy. Thế thì vấn đề của em không phải là ngồi đây mà áy náy nữa, vì anh nói em rồi, chỉ có 1/3 thôi. Mà em cần phải hối tiếc một cách tích cực.
Là thế nào? Một là tôi hối tiếc vì đã gây ra cái hoàn cảnh đấy. Vì nói thế chứ em vẫn có một phần trách nhiệm chứ không phải: “Tôi không có tí trách nhiệm nào về việc đau khổ của người ta” được – “Tôi hối tiếc về phần trách nhiệm của tôi” – Anh không biết chuyện của em là gì, nhưng mà em cảm thấy em có phần trách nhiệm nào đấy.
Ví dụ như em hối tiếc vì đã không hành xử đủ khéo léo, hay là em hối tiếc gì gì đấy, anh không biết, thì hối tiếc về phần đấy. Nhưng cái quyết tâm của em là em sẽ phải tiến bộ, trưởng thành về tinh thần để em không gây đau khổ cho những người khác như thế nữa. Ví dụ ngày xưa nếu em đã tiến bộ về tinh thần rồi thì em sẽ có cách khác. Nếu anh là em, anh sẽ có cách kết thúc khác. Như vậy thì cái hối tiếc của em thành tích cực vì em quyết tâm trưởng thành về tâm linh hay về tinh thần để em không gây đau khổ một lần nữa cho một người con trai khác nữa.
Đấy, hãy nghĩ như vậy hơn là ngồi đây mà tiếc. Vì thực ra em cũng không phải là người gây ra nghiệp đấy hoàn toàn, em không cố tình làm. Lúc làm em cũng cẩn thận rồi, còn kết quả thì đủ duyên hoặc không đủ duyên thì anh ấy chẳng thoát ra được câu chuyện.
Bạn đó: Có điều này càng làm em đau khổ hơn nữa về sau này. Đó là về sau này một thời gian lâu sau, em lại có quen một người khác, và người đó lại chia tay với em và làm cho em đau khổ giống y người trước.
Thầy Trong Suốt: Thế thì em phải xem lại đấy. Đây là hối tiếc một cách tích cực ấy, là: “Tôi phải quyết tâm trưởng thành hơn về mặt tinh thần”, em có thể gặp hoặc nghe những buổi như thế này này. Tìm hiểu kỹ hơn, để mình không rơi vào cái bẫy lần thứ ba.
Bạn đó: Đó là lý do tự nhiên bây giờ em cảm thấy mình sợ.
Thầy Trong Suốt: Nếu em vẫn tiếp tục như vậy, chắc chắn lần thứ ba sẽ xảy ra. Khuôn mẫu ấy sẽ lặp lại, nếu em không có tiến bộ tí nào. Nhưng mà buổi này là buổi mà anh nghĩ em sẽ tiến bộ hơn. Sau những lần như thế này, nếu cần thiết em có thể ngồi riêng với anh, anh nói về con đường cụ thể hơn. Nhưng đây là một bước trên con đường. Em nhận ra chân lý này thì cách nhìn của em sẽ cao hơn và chính xác hơn. Nên khi em tiếp cận một người con trai khác, em sẽ không bị cái tôi nó điều khiển quá nhiều.
Lý do chính của các loại chia tay là cái Tôi bị tổn thương. Tất cả các loại chia tay trên đời này thì lý do chính nhất là cái Tôi bị tổn thương. Tất nhiên không phải hoàn toàn 100%. Nhưng ở đây anh nói là lý do chia tay mà hối tiếc ấy là vì cái Tôi mình còn đang tổn thương và nó gây tổn thương cho người khác.
Có nhiều chia tay tốt đẹp thì không nói, nhưng mà chia tay mà hối tiếc kiểu như thế là những cái Tôi bị tổn thương và chưa lành vết thương. Nhưng nếu em làm việc với cái Tôi của em, thì lần sau có thể nó sẽ khác. Còn nếu không làm việc gì với nó, thì lần sau cái mẫu ấy lặp lại. Thời gian sau ở gần nhau hai người lại gây tổn thương cho nhau, và bỏ đi trong sự hối tiếc và trong áy náy. Những cái Tôi liên tục va đập vào nhau, gây cho nhau vết thương. Nên em phải làm việc với cái Tôi của em. Người ta làm việc với cái Tôi của người ta không thì anh không biết, nhưng em phải làm việc với cái Tôi của em, đấy là điều chắc chắn. Còn không sẽ lặp đi lặp lại.
Tất cả những lần đau khổ của anh, kể cả phá sản, kể cả chia tay, kể cả bị bôi xấu thì cuối cùng anh thấy một lý do chung chính là cái Tôi của mình. Mẫu số chung là cái Tôi. Cái Tôi đấy, sau một cuộc yêu thì gần như vẫn thế, nên nó sẽ quay lại một lần nữa. Nên em phải làm việc với nó, chuyển hóa nó. Mà chuyển hóa cái Tôi bằng cách nào? Chính là bằng những hiểu biết mới, một cách nhìn mới. Tất nhiên có những hiểu biết sâu sắc hơn thế nữa nhưng đây là những bước đầu tiên em phải nhận ra. Thông cảm với người ta hơn chính là cái Tôi của em thay đổi. Khi em có khả năng thông cảm cao hơn chính là một dấu hiệu chứng tỏ cái Tôi của em đã biến đổi. Không còn giữ chặt lấy quan điểm của mình như ngày xưa nữa.
Bạn đó: Tức là những cái đó em hiểu rất là tốt. Em đã bắt đầu đọc sách về Phật từ năm em còn rất là nhỏ. Em không đọc sách thiếu nhi mà em đọc những sách đó.
Thầy Trong Suốt: À. Hiểu là một chuyện. Còn cái anh nói là gì? Anh nhấn mạnh lại, là mình phải đem những cái này này, vào trong cuộc sống của mình và mình áp dụng sự chuyển hóa này trong từng nỗi đau khổ nhỏ một. Chứ đừng đợi nỗi khổ to đùng như chia tay xảy ra lúc đấy mình mới đợi chuyển hóa. Mình chuyển hóa bằng từng cái đau khổ, không toại nguyện nho nhỏ trong đời sống này. Vì dụ như em bị điểm kém… Em là sinh viên hay đi làm rồi?
Bạn đó: Em đi làm rồi.
Thầy Trong Suốt: Em bị sếp mắng, em bị bạn bè nói xấu, em bị khách hàng từ chối, rất là nhiều thứ. Em hãy dùng cách này mà chuyển hóa, chứ đừng đợi cái to đùng xảy ra mới chuyển hóa.
Bạn đó: Em biết những chuyện như vậy, em tìm ra cách để giải quyết nó rất là hay, em có thể.
Thầy Trong Suốt: Ừ thì đấy, em phải đem vào thực hành, hiểu chưa đủ. Bao giờ con đường tập có ba bước:
- Bước đầu tiên là nghe – nghe hiểu, bước này chủ yếu là nghe, hiểu.
- Bước thứ hai là suy ngẫm và phản chiếu – nghĩa là đối chiếu với cuộc sống.
- Bước thứ ba là hành xử đúng như vậy. Ngày nào mà em bảo: “Anh ơi mỗi lần em khổ em làm được tất cả mọi việc như thế này” thì đấy mới là hành xử đúng như vậy.
Còn hôm nay chỉ mới là nghe và hiểu thôi. Thậm chí ngày mai mà đi ngủ, tỉnh dậy chưa chắc em còn suy ngẫm chứ nói gì đến hành xử. Nên phải nhớ là phải đi qua những bước như vậy. Nghe hiểu này, suy ngẫm và phản chiếu, đối chiếu cuộc sống và thứ ba là hành xử đúng như vậy.
Nếu em làm được ba điều đấy thì mới thực sự là em thay đổi được. Còn em thiếu một trong ba điều đấy thì chắc chắn là em chẳng làm được. Em chỉ mãi là người nghe hiểu thôi, thì vô ích. Cái Tôi của em vẫn như cũ, thậm chí cái Tôi của em còn to hơn, vì nó bây giờ “Tôi biết nhiều hơn ngày xưa rồi. Tôi siêu hơn ngày xưa”.
Bạn đó: Điều em sợ nhất là điều đó đấy ạ, tức là em biết quá nhiều nên em rất là kiêu ngạo.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Thế thì đau khổ đến với em là đúng rồi, để cho em bớt kiêu ngạo đi, đúng không? Khi đau khổ đến em nhớ ba bước anh nói: Nghe hiểu, suy ngẫm và phản chiếu, đối chiếu và hành xử đúng như thế. Anh nói với em thế này vì anh hành xử đúng như thế luôn. Giả sử nếu anh có một cảm giác nhỏ, tiêu cực nho nhỏ nổi lên ấy, đau khổ ấy thì anh sẽ hành xử đúng như thế này. Chỉ khi anh hành xử như vậy thì anh mới tự tin là mình chuyển hóa thôi. Em cũng thế, em phải đi qua đến bước đấy.
Khi nào mà em kiểm tra hành động của em đúng như vậy thì thực sự em mới là người thực hành. Và em mới có thể chuyển hóa được cái Tôi của em hay những cái gì khác bên trong em. Nghe hiểu rất là dễ, thậm chí suy ngẫm và đối chiếu vẫn là dễ. Suy ngẫm đối chiếu chỉ cần thông minh thôi. Nhưng mà hành xử đúng như vậy mới là khó. Hành xử đúng như vậy mình cần có một khả năng là rất trung thực với bản thân mình. Phải vô cùng trung thực với chính mình. Và khi mình chưa làm được, là mình phải thấy ngay là mình chưa làm được. Còn nếu mình không trung thực với chính mình thì mình luôn luôn nghĩ là mình ngon, mình hay rồi, thì đau khổ xảy ra để mình nhớ là chưa.
Hành xử đúng như vậy rồi vẫn chưa phải là cuối cùng. Sau bước hành xử đúng như vậy, là bước hành xử đúng một cách tự nhiên. Nghĩa là khi mà hành xử đúng như vậy đủ lâu ấy, thì kết quả của nó tự nhiên là em hành xử đúng, không phải cố gắng trải qua 6, 7 bước mà anh đã nói nữa.
Bạn đó: Em hiểu.
Thầy Trong Suốt: Ừ, khi nào em đến mức tự nhiên em mới thực sự là đáng…
Bạn đó: Tức là mình không cần phải suy nghĩ về cái chuyện tốt hay xấu nữa mà mình sẽ tự làm điều tốt.
Thầy Trong Suốt: Khi một điều xấu xảy ra, tâm em vẫn an lạc, em vẫn thông cảm và trí tuệ thì đấy là hành xử một cách tự nhiên. Lúc đấy mới là lúc thực sự mình có khả năng giúp mọi người, giúp thực sự ấy. Còn lúc mà mình đang ở bước ba, mình bắt đầu có khả năng nói cho mọi người nghe, hoặc là giúp tạm tạm thôi. Nên khi nào mình hành xử tự nhiên được như vậy thì mình mới có thể giúp được chính mình và mọi người. Chính mình một cách sâu sắc! Cho mọi người xung quanh một cách sâu sắc! Em làm được điều đấy, có khi người nào yêu em sẽ được lợi ấy. Nếu em làm được đến lúc mà hành xử tự nhiên ấy, người yêu em cũng được lợi luôn, từ cái việc yêu em.
5.2 Bù đắp có thể giải trừ nghiệp xấu đã làm không?
Duy Minh Tuấn: Thầy cho con hỏi. Lúc nãy Thầy nói là tác ý, hành động và kết quả. Ví dụ như trường hợp đó nó xảy ra rồi. Bây giờ mình bù đắp, làm một cái gì đó cho cái người đó, hoặc đối tượng đó họ vui vẻ hơn, họ tốt hơn thì nó có bù đắp lại được? Hay là nó chuyển sang một trạng thái là lúc này mình lại gieo một cái nhân tốt nhưng cái nợ trước mình vẫn phải nở.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Nhân quả rất là công bằng. Giống như anh gây khổ cho một người, anh không xin lỗi họ thì họ sẽ khổ cả đời, nhưng nếu ba ngày sau anh xin lỗi họ thì họ chỉ khổ ba ngày thôi. Nên là mình luôn luôn nên xin lỗi, nên làm điều tốt. Còn đâu mình vẫn phải chịu nhân quả của cái giai đoạn đau khổ đấy của họ. Chứ không phải là mình xin lỗi một cái xong là mình hết tội. Không phải.
Nhưng có người giỏi đến mức thì vừa làm xong đã nhận ra ngay và xin lỗi ngay, chỉ một tí tẹo thôi. Còn giỏi hơn nữa thì mình không gây ra khổ nữa. Nhiều khi mình không xin lỗi một cách trực tiếp được thì mình xin lỗi thầm trong lòng, mình cầu mong điều tốt cho người ta. Không phải ai mình cũng xin lỗi được trực tiếp đâu. Nhiều người mình gây đau khổ cho họ rồi, nhưng mà họ ở xa rồi, hoặc thậm chí là mình chưa đạt đến trình độ là gặp trực tiếp họ để nói được. Thì mình tập bằng cách: thầm trong lòng, xin lỗi và cầu mong điều tốt lành cho họ.
Có một phương pháp tập tôi rất hay nói với mọi người lúc bắt đầu là: bí mật chúc lành và bí mật xin lỗi.
Bí mật chúc lành là gì? Mình thầm chúc những điều tốt lành cho những người đối diện hoặc những người gặp mình: trong cầu thang máy này, đi bộ này hay bãi gửi xe, v.v… Những người mà cũng chẳng thân quen gì mình cả. Hoặc thậm chí đi thang máy, mình chúc thầm họ cũng chẳng biết. Họ lại đang nhìn mình và đánh giá là: “Sao ông này mặc cái áo trông hoa hòe hoa sói, xấu thế!”. (Mọi người cười) Đấy là việc của họ, còn mình thầm chúc cho họ.
Bí mật là sao? Là họ không hề biết gì hết. Nghĩa là mình làm việc đấy mình không cầu báo đáp nào hết. Còn có nhiều người là chúc thế này nhưng trong lòng nghĩ là: “À, nó nghĩ mình là người tốt”. Có nhiều người như vậy mình gặp. Khi mà chúc cho một người xong thì nghĩ rằng: “À, ông kia từ nay trở đi sẽ thấy mình là người tốt đây”. Còn ở đây bí mật hoàn toàn luôn, người kia không hề biết. Đấy là bí mật chúc lành. Đấy là cách chuyển hóa tâm.
Bí mật xin lỗi là gì? Bí mật xin lỗi thì đơn giản hơn là: bất kỳ khi nào mình có lỗi, mình xin lỗi ngay. Khi mình cảm thấy có lỗi ấy. Người kia có thể không biết hoặc có biết. Ví dụ mình chưa xin lỗi được vì nhiều người nghĩ phải đợi đến lúc gặp người ta thì mới xin lỗi, đúng không? Nghĩa là có lỗi, nghĩa là phải đợi đến ba ngày nữa, ba năm nữa gặp lại thì mới xin lỗi. Thì ở đây mình xin lỗi ngay khi mình cảm thấy có lỗi. Thế thôi! Thầm xin lỗi người ta, mong người ta tha thứ và đặc biệt là quyết tâm không mắc lại một lần nữa. Phần xin lỗi mà không có phần quyết tâm đấy thì vẫn chưa đầy đủ. Phải có một loại quyết tâm là “Tôi sẽ không mắc lại chuyện này một lần nữa với người khác”, thì cái xin lỗi của mình nó mới là đầy đủ.
Đấy là cách mình có thể tập thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Thầm chúc lành thì chính mình sẽ hạnh phúc trước. Mình nghĩ điều tốt đẹp, tích cực, chính mình tự nhiên thấy trong lòng mình hoan hỷ, thoải mái. Còn có một cách rất hay nữa là: Thầm vui sướng. Đó là thấy ai vui sướng, mình thầm vui sướng theo. Họ có thể biết hoặc không biết. Có ai vui, ai đó kể là: “Anh ơi, hôm nay có chuyện này, chuyện kia vui lắm”, trong lòng mình thầm vui sướng. Mình vui cùng niềm vui của họ.
Nhà Phật không gọi là thầm vui sướng mà gọi là tùy hỷ công đức. Trong Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim nói là “Khi mọi người làm điều tốt, mình chỉ cần hoan hỷ, thấy thoải mái, hạnh phúc tuyệt vời với người đang làm điều tốt đấy, thì mình có công đức bằng với công đức người ta làm. Ngược lại, nếu mình ghen tỵ, ganh ghét thì mình mất công đức bằng công đức người ta làm được”. Nên mình cần nên tập phương pháp là thầm vui sướng, thầm sung sướng. Thấy ai vui mình nên thầm vui theo họ.
Đấy là tập cách tùy hỷ, hoan hỷ với người khác. Còn nếu không tập thì nhiều khi mình sẽ dễ trở thành ghen tỵ. Thấy ai đấy vui quá mà người đấy mình ghét là mình sẽ ghen tỵ. Nên mình sẽ tập cách thầm vui sướng, tập thành thói quen.
Tại sao nãy giờ mình nói từ “tập” rất là nhiều, vì sao? Bởi vì nó không phải là thứ để hiểu biết suông, cho vui, xong về nhà quên mất. Mà nó biến thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày của mình ấy thì nó mới có thể chuyển hóa tâm thức của mình được. Còn nếu không thì mình chỉ giống như đọc một sách quyển sách hướng dẫn cách nhảy múa là mình tự thấy vui rồi. Người ta phải nhảy múa mới vui, còn mình đọc xong quyển sách mình tưởng mình đã vui như những người đi nhảy. Đâu có phải đâu. Niềm vui nó phải xảy ra bằng hành động.
Cái này chỉ là một tí giới thiệu thôi, còn mình phải đem vào cuộc sống hằng ngày của mình. Thầm chúc lành, đầu tiên mình tập cho những người mình quen biết, sau rồi tập cho những người không quen biết. Nhưng mà tác dụng của nó mạnh nhất khi mà mình chúc cho những người đã từng gây hại cho mình hoặc đang gây hại cho mình. Nếu ai làm được điều đấy thì tự nhiên người kia sẽ chuyển tâm thức, không sớm thì muộn. Cái người đang hại mình, người đã từng hại mình, mình cũng thầm chúc lành. Cái đấy mình nên tập.
Một bạn nam: Anh cho em hỏi về việc thầm xin lỗi. Tức là khi thầm xin lỗi, thực tế là làm cho mình không còn áy náy với người kia nữa. Nhưng cái người mà mình gây lỗi đấy, họ không biết thì việc mà mình xin lỗi ở đây, xét về thực tế nó cũng không làm cho người ấy cảm thấy tự thoát khỏi mặc cảm.
Thầy Trong Suốt: Nếu em có cơ hội thì phải xin lỗi thực sự chứ! Anh nói thầm xin lỗi vì có nhiều trường hợp mình không có cơ hội nữa. Ví dụ mình gặp một người trên máy bay, mình giẫm vào chân họ, xong sau đấy mình đang vội quên mất, xuống sân bay mình mới nhớ ra thì lúc đấy mình còn cơ hội nào nữa đâu. Nhưng người thông thường thì “thôi, đã qua rồi” – thì thôi đúng không, nhưng nếu là người tập thì tập thầm xin lỗi. Hoặc là mình gây ra điều gì sai nhưng mà nhiều khi mình chưa vượt qua được thể diện của mình, mình vẫn phải tỏ vẻ ra là không xin lỗi nhưng trong lòng mình thầm xin lỗi luôn.
Mọi tư tưởng trên thế giới này liên quan đến nhau, giống như là mọi vật chất trên thế giới này liên quan đến nhau ấy, người ta nói một con bướm đập cánh ở đây thì có thể gây ra một cơn bão ở New York. Cũng thế, một suy nghĩ nhỏ trong đầu em có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh em. Đấy là sự thật. Nên một lời xin lỗi nho nhỏ của em có thể làm người kia nhận được suy nghĩ ấy ngay lập tức, một cách vô thức.
5.3 Làm thế nào để chiến thắng những ham muốn của bản thân?
Một bạn nam: Trước đây ở trên trang Trong Suốt có một bài về chuyện là ăn xong rồi sợ mập, móc họng ói ra, tại vì cái bài đấy em chưa đọc xong mà bị cắt mạng. Em muốn hỏi anh là làm cách nào để chiến thắng được mấy cái đó của bản thân mình.
Thầy Trong Suốt: Ham ăn chứ gì?
Bạn nam: Ham ăn, ví dụ ham chơi hoặc là…
Thầy Trong Suốt: À. Rất nhiều người hỏi mình, đặc biệt là các bạn trẻ: “Làm thế nào để chiến thắng những ham muốn của mình?”. Có ba cái cách khác nhau để giải quyết ham muốn – để chuyển hóa ham muốn, phụ thuộc vào các kiểu người, tuýp người khác nhau. Một người có thể tập ba cách, nhưng cũng có thể tập một cách.
Cách thứ nhất là cách kiềm chế. Nghĩa là khi những mong muốn sai lầm xảy ra, do mình có hiểu biết nên mình sẽ cố gắng không làm nó, đúng không ạ? Ví dụ khi mình giận lên mình muốn nhảy sang nhà đánh cho nó một trận. (Mọi người cười) Nhưng mà mình hiểu rằng hành động đó là quá đáng, với cả đó là nghiệp xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác nên mình không làm. Đấy là do hiểu biết nên mình đè nén. Mình kiềm chế nó do hiểu biết. Thì cũng rất tốt. Cách đấy rất tốt. Cách đấy là cách hợp với những người mới bắt đầu đi vào con đường. Khi mới bắt đầu đi vào con đường chuyển hóa, thì mình bắt buộc phải đi qua cái đấy trước, kiềm chế.
Nhưng kiềm chế này khác kiềm chế kiểu cũ: đè nén. Đây là kiềm chế bằng trí tuệ: hiểu rằng nhân quả của nó, đây là một việc xấu thì mình không làm, chứ không phải kiềm chế theo kiểu là cắn chặt răng, nắm chặt tay lại xong một lúc sau lại bung ra. Không đánh nó ngày hôm nay, ngày mai sẽ đánh nó. Rất nhiều chuyện nhé! Đây mình nói vợ chồng hay là bạn, tình yêu cũng thế thôi. Hôm nay cố nhường người kia một chút, một ngày nào đấy không chịu được nữa thì bung hết cả câu chuyện bảy mươi đời ra. (Mọi người cười)
Ví dụ bố mẹ mình thỉnh thoảng cũng có những chuyện như vậy. Mẹ mình tức bố mình thì bắt đầu kể câu chuyện đào đâu đấy, 10 năm trước cũng kể. Thật đấy! Không biết ở đây có anh chị nào gặp chuyện đấy không? Đem một cái chuyện 10 năm trước ra nói mà mình biết là qua lâu rồi. Đấy là do kiềm chế đấy, ngày xưa do kiềm chế, bây giờ nó bung ra. Ở đây có ai có thấy bố mẹ mình như thế không? Giơ tay thử xem! Đấy! Đấy là ví dụ.
Một bạn nữ: Mà toàn nhớ những điều xấu của nhau thôi.
Thầy Trong Suốt: Đấy là kiềm chế đấy, đấy là kiểu đè nén mà không có trí tuệ. Nên mình không nói loại đè nén đấy. Đè nén đấy thì không cần chuyển hóa cũng có thể làm được, nhưng mà kiểu đấy nó không bền. Còn có tất cả những bước này mà mình nói là bước đầu tiên: kiềm chế hoặc là hạn chế. Nhưng mà thế nó vẫn không hết. Nên là có cách thứ hai dành cho một tuýp người khác. Tuýp người này là những người rất chăm chỉ.
Cách thứ hai người ta không gọi là kiềm chế nữa, người ta gọi là chuyển hóa.
Chuyển hóa là gì? Chuyển hóa là mình dùng những phương pháp. Hôm nay mình nói về chuyển hóa đau khổ, nhưng mà nếu có nhiều cơ hội hơn mình sẽ nói về chuyển hóa tức giận, chuyển hóa tham lam, chuyển hóa kiêu ngạo, chuyển hóa ghen tỵ. Thì mình dùng những phương pháp chuyển hóa để biến cái cảm giác tiêu cực của mình thành trí tuệ. Chăm chỉ là gì? Là mình làm nó liên tục.
Ví dụ thế này, mình thấy một cô gái và mình rất thích cô ấy. Đúng không? Thậm chí là mình có người yêu, mình có vợ rồi, mình vẫn muốn đi chơi với cô kia, gần gũi cô kia. Đấy là tham lam đúng không ạ? Ham muốn, tham lam đấy. Nếu bạn nào tập con đường hạn chế ấy, thì nghĩ rằng: “Đây là một nhân xấu nếu mình đi chơi với cô kia, mình phải lừa dối vợ mình v.v… nên là mình sẽ kiềm chế không làm”. Ông đàn ông nào làm được thế là rất là tốt rồi, đã rất đạo đức rồi. Đấy.
Nếu đã hiểu nhân quả, mình không làm thế rồi. Nhưng mình đang nói về con đường chuyển hóa. Chuyển hóa thì sau khi làm bước đấy xong lại nghĩ khác, lần sau gặp cô đấy, hay lúc nào khác đấy, tập cách rằng nhìn cô ấy như một vị nữ Phật, người được cấu tạo bằng thân thể ánh sáng, tỏa ra ánh hào quang rực rỡ. Mình không sở hữu Phật được đúng không? Mình sở hữu người thường may ra còn được. Phật làm bằng ánh sáng, mình chẳng thể làm gì, gần gũi gì hết được. Thế thì tại sao cần chăm chỉ? Bởi vì nếu mình làm nhiều ấy, dần dần mình sẽ có phản ứng tự nhiên là cứ thấy cô gái nào xinh đẹp là mình thấy là Phật luôn.
Thì cách thứ hai hợp với những người chăm chỉ. Mỗi lần có một người đẹp hay là một đối tượng ham muốn của mình, mình sẽ chuyển hóa thành ánh sáng và thành các vị nữ Phật. Ham muốn lập tức biến mất, mình chỉ còn thấy cái đẹp đấy thôi và mình mất đi cái ham muốn sở hữu. Như vậy, ham muốn chuyển hóa thành trí tuệ. Vì sao? Vì về sau mình sẽ thấy rằng: bản chất họ đúng là như vậy, là nữ Phật thật. Ham muốn cho mình chuyển hóa cái đấy thành trí tuệ.
Cái đấy dành cho người chăm chỉ. Bạn nào chăm chỉ, mình nói xong, thực hành thì đảm bảo sẽ đến lúc như thế. Vừa thấy cô gái đẹp một cái là thấy một vị Phật ở đấy ngay, tỏa hào quang rực rỡ. Thì không thể sở hữu được, không thể ôm ánh sáng được, không thể làm gì được mà mình chỉ có thể chiêm ngưỡng thôi. Mình không cần sở hữu, mình tôn trọng người ta, mình không lừa nữ Phật làm gì. Còn một cô gái xinh đẹp nhiều người rất muốn lừa cô ấy để cô ấy chơi với mình, ngủ với mình. Đấy là chuyển hóa. Chuyển hóa hợp với những người chăm chỉ.
Còn cách thứ ba, cách thứ ba thì lại khó hơn một chút nữa. Cách thứ ba gọi là cách: Chỉ nhận ra. Thế nào là chỉ nhận ra? Cách này dành cho những người thông minh. Cách thứ nhất dành cho tất cả, ai cũng tập cách thứ nhất được. Cách thứ hai hơi dành riêng cho những người chăm chỉ một chút. Cách thứ ba dành cho những người đủ thông minh để tập phương pháp gọi là: Chỉ nhận ra.
Quay lại cái trường hợp cô gái kia, đúng không? Cô gái đi ra, mình sẽ có một cảm giác, mong muốn sở hữu nổi lên. Ngay lúc đấy, nếu mình để nó điều khiển mình hành động ấy, thì mình sẽ đi vào hành động sai lầm. Nhưng giả sử mình có đủ tỉnh táo, thì mình cảm nhận, mình ngồi yên một chỗ và mình cảm nhận cái sự ham muốn ấy nổi lên bên trong mình, chỉ ngồi đấy và cảm nhận thôi. Bằng việc chỉ nhận ra ấy, một lúc sau nó sẽ tự tan mất. Nếu mình chỉ nhận ra như vậy thì một lúc sau, cái ham muốn đấy sẽ tự tan mất, không cần phải cố gắng dẹp bỏ nó, không phải cố chuyển hóa nó mà nó sẽ tự tan luôn. Và mình sẽ nhận ra bản chất của ham muốn là nó cũng chỉ như một cơn sóng, đến rồi đi thôi. Nó không có bất kỳ tốt xấu gì gì ở đấy hết. Bằng cách này, mình hóa giải tất cả các loại cảm xúc tiêu cực.
Cách thứ hai dành cho những người thông minh và chăm chỉ. Cách thứ ba dành cho những người thông minh và lười. Lười thì không muốn tập chăm chỉ làm gì hết. Nhận ra là cách nhàn nhất mà, có làm gì đâu, cứ ngồi không là xong. Nhưng thông minh vì sao? Thông minh thì mới hiểu được cái mình nói từ lúc nãy đến giờ, là bản chất của ham muốn hay bất kỳ một cảm xúc tiêu cực nào là nó trống rỗng, đến và tan mất. Tất cả mọi cảm xúc đều đến và tan. Nhưng do mình có những suy nghĩ sai lầm nên mình mới làm cho nó tiếp tục đến và hành động theo nó. Còn nếu mình chỉ ngồi không và chỉ nhận ra thì nó chỉ đến và tan đi thôi.
Ở đây mình không khuyến khích tất cả các bạn tập phương pháp chỉ-nhận-ra vì là rất khó. Mình muốn chia sẻ là có những con đường khác nhau như vậy. Mỗi người khác nhau tập con đường khác nhau. Mình thì khuyên mọi người là tập hai con đường đầu tiên trước là hạn chế và chăm chỉ để chuyển hóa trước. Còn ai đấy mà có đủ duyên, có khả năng hoặc có thời gian tiếp xúc với mình lâu hơn, mình sẽ nói kỹ hơn về con đường chỉ-nhận-ra. Chỉ nhận ra thì rất là nhàn, chẳng phải làm gì hết, nhưng rất khó.
Bằng ba cách đấy, mình có thể chuyển hóa mọi trạng thái tiêu cực, không chỉ là ham muốn. Chuyển hóa tất: sân hận, ghen tỵ, v.v… chuyển hoá bằng một trong ba cách hoặc là cả ba cách. Nếu mà nói cách hiệu quả nhất là cách thứ ba. Còn nói cách gọi là phù hợp nhất, dễ áp dụng nhất là cách thứ hai. Cách thứ nhất thì hợp với mấy ông sư hay là những người mà nói chung họ có một xu hướng tách đời rất là rõ rệt thì hợp. Còn đâu thường là cách thứ hai, cách thứ ba là phù hợp. Cách thứ hai rất thú vị đấy, cách thứ hai rất hay, người nào tập thì sẽ rất hay.
Duy Minh Tuấn: Thưa Thầy, cho con hỏi tí là cách thứ hai thì thay vì một cô gái đẹp là một cái xe thì sao ạ? (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Hay! Hay! Rất hay! Câu hỏi rất hay! Cái xe thì phải tập cách một trước. Hay là tập cách một – là cách mình hiểu rằng, thời điểm này chưa phù hợp để mình sở hữu chiếc xe đấy, đúng không? Vì ví dụ mình làm mất hết sữa của con mình chẳng hạn, mình mua xe thì con mình không có sữa uống hay mình phải dối vợ mình, lấy tiền trong túi vợ mình ra, cách thứ nhất. Thế còn chuyển hóa là như thế nào? Chuyển hóa ở đây ấy, là thấy rằng bản chất cái xe nó không đáng ham muốn như thế, mà cái ham muốn ấy xuất phát từ bên trong mình ra. Đấy! Thông thường ấy, thì là mình thấy cái xe đẹp, mình nghĩ là mình muốn nó vì nó đẹp, nó hay đúng không?
Nhưng mình quay lại một ví dụ đi, cùng một cô gái, có người khen rất xinh, có người bảo trông bình thường. Mọi người có gặp chuyện đấy không ạ? Ngày xưa mình thường xuyên gặp chuyện đấy, khi mình khen một cô xinh, tất cả hội bạn mình quay sang nhìn mình. Thế mới kỳ lạ! Lần nào mình khen cô nào xinh cũng bị người ta nhìn.
Vì sao? Vì trong mắt mình thì đấy là xinh, còn trong mắt người kia chả có gì xinh cả. Cái xe cũng như vậy thôi. Tại vì sao? Tại vì một số các tiêu chuẩn bên trong mình cho rằng thế này là tốt thế kia là xấu. Nên mình thấy cái xe đáng ao ước, nhưng ao ước đấy không phải đến từ bản thân cái xe mà đến từ các tiêu chuẩn của mình. Thế thì, hiểu được như vậy, mình bắt đầu tưởng tượng rằng, cái xe kia là một vị Phật hóa thành, vị Quan Âm Bồ Tát. Cái xe chính là thân thể của Quan Âm Bồ Tát. Khi mình tưởng tượng đấy là Quan Âm Bồ Tát hóa ra cái xe như vậy để cho mình nhận ra sự thật, cho mình chuyển hóa ham muốn thì mình sẽ mất đi ham muốn với cái xe. Chính xác hơn là mình vừa ham muốn nó vừa hiểu đấy là chỉ do khuôn mẫu, tiêu chuẩn của mình mà thôi, chứ không phải cái xe kia đáng ham muốn. Cái xe kia là ảo ảnh do Phật biến thành mà, có thật đâu. Còn mình ham muốn nó là do mình có những tiêu chuẩn của mình. Đấy là cách chuyển hóa.
Cũng là tưởng tượng nhưng phải nhớ thêm đoạn kia một chút. Thế thì mỗi lần mình thấy có cái gì đẹp, mình nghĩ ngay đến một vị Phật. Ngày xưa thấy cô gái đẹp mình nghĩ đến Phật. Bây giờ thấy môt cái xe đẹp, mình nghĩ đến vị Phật. Đầu tiên lúc mình tập, mình phải cố gắng, đầu tiên là phải nghĩ nghĩ nghĩ. Nhưng mà thành thói quen, mình thấy tất cả những cái nãy giờ mình thấy đẹp đều là do Quan Âm Bồ Tát hóa thành.
Mình sẽ chuyển hóa ham muốn của mình thành trí tuệ. Thông thường nên bắt đầu bằng việc kiềm chế đã. Ai mà chưa xong giai đoạn kiềm chế thì chưa chuyển hóa được. Ít nhất phải kiềm chế ở mức độ tương đối, xong chuyển sang chuyển hóa. Còn ai nếu mà đi sâu hơn rồi mà có thể tập được thì tập cách: đơn giản chỉ nhận ra. Tất cả ham muốn của mình đơn giản chỉ như một cơn sóng, đến rồi tan mất. Đấy, đấy là bản chất của tất cả các loại ham muốn, đến và tan.
Duy Minh Tuấn: Cái chỉ-nhận-ra là mình dừng thời gian lại để mình phán xét trong suy nghĩ của mình ạ?
Thầy Trong Suốt: Chỉ nhận ra, chẳng phán xét gì cả. Mình chỉ đơn giản là dừng lại để cảm nhận cái sự ham muốn của mình thôi. Vì mình cảm nhận đến một mức độ nhất định thì nó tự tan, không cần phải cố làm nó tan, nó tự tan.
Một bạn nữ: Nếu đợi mãi nó không tan thì có phải kết luận là mình không thông minh không ạ?
Thầy Trong Suốt: Ờ thì tập cách đấy chưa phù hợp. Mình nói là thông minh và lười biếng nữa cơ, thông minh và lười biếng. Còn những người chăm chỉ thì con đường chăm chỉ nhanh hơn. Con đường chăm chỉ cũng cần thông minh, nhưng mà nó không cần cái loại thông minh của con đường kia. Con đường kia thông minh ở chỗ là mình thuyết phục được chính mình. Ví dụ ở đây mình nói với mọi người là tất cả ham muốn đều sẽ tự tan mất thì người nghe phải thuyết phục được chính mình là đúng thế thật, thuyết phục được với chính họ là đúng thế thật.
Mình không nói thông minh theo kiểu thế gian thông thường, mình nói thông minh theo Phật pháp. Quên mất mình nói thông minh mọi người hiểu thông minh là khôn ngoan, v.v… rồi. Đây là cái người ta gọi là ngộ tính ấy. Ngộ tính cao thì đúng hơn là thông minh. Ngộ tính cao thì nghe phát thấy đúng luôn. Thì ngộ tính không phải tự nhiên trời cho mà sau một thời gian… Ví dụ ngày xưa mình tập con đường chuyển hóa mãi sau đó thì mình mới tập con đường chỉ nhận ra. Về sau ngộ tính của mình cao lên mình mới tập con đường kia được. Nên là ai chưa tập được cái đấy thì không phải là do mình kém đâu mà do là mình đang chưa đến đoạn đấy, mình tập đoạn trước đã.
5.4 Chưa từng cố gắng thì rất khó từ bỏ
Nguyên Thảo: Ở trên trang trongsuot.com của anh Thắng có một bài của bạn Đỗ Hoàng Tùng – có một bài viết: Follow your heart. Nói về một đoạn đối diện với những ham muốn của mình thì phải đi đến tận cùng của những khát khao, ham muốn đó ở bên trong thì mình mới thấy ra bản chất trống rỗng, đau khổ và mới khởi tâm từ bỏ nó được. Thì em thấy đó cũng là một ý hay ạ.
Thầy Trong Suốt: Cái người mà chưa từng cố gắng bao giờ thì rất khó từ bỏ. Thế mới kỳ lạ. Cái người nào mà đã từng cố gắng mà không đạt được thì mới nhận ra chính cái hạn chế của bản ngã – mới có thể từ bỏ bản ngã. Có người chưa từng cố gắng bao giờ thì rất khó từ bỏ, vì họ luôn luôn còn hi vọng. Còn người kia hết hi vọng mất rồi thì họ sẽ bỏ được. Nên từ bỏ không dễ. Không phải từ bỏ nói cái là từ bỏ được ngay. Khi mình đã cố hết sức mà mình không làm được thì tự nhiên mình từ bỏ vì mình hiểu bản chất không làm được. Cái bản ngã nó hạn chế như thế, mình bỏ rất là dễ.
Ngày xưa khi mình phá sản ba lần rồi yêu bị thất tình 7, 8 lần rồi bị cả xã hội chê bai nhiều lần. Thấy cái tôi của mình là cái đáng từ bỏ! Vì cố hết sức rồi mà mình chả hạnh phúc được, thì từ bỏ. Còn chưa từng cố gắng thì khó từ bỏ. Nên người nào mà cố gắng mạnh mẽ thì cũng là người có khả năng từ bỏ mạnh mẽ. Nếu mà để nhận xét về cái bài của Tùng ấy, thì nói ở góc độ đấy. Còn không nếu mà chưa cố gắng thì luôn luôn có một hi vọng rằng: “Tôi sẽ làm được nên tôi không bỏ nó ra”.
Một bạn nữ: Bài của Tùng ấy là khi mà mình cố gắng đi thì mình nhận được hậu quả rồi mình từ bỏ. Đó là một quãng đường dài hay là…
Thầy Trong Suốt: Cái bài của Tùng là bài dành cho những người gọi là không dám nghe theo trái tim mình, không dám đi theo trái tim của mình chứ không phải bài dành cho tất cả mọi người. Giống như một đứa bé tập đi thì bố mẹ phải bảo là: “Con đi đi, đừng sợ”. Nhưng giả sử nó đứng trước miệng vực thì mình không thể bảo nó là: “Con đi đi, đừng sợ” được, mình bảo là: “Con đứng lại đi, đừng có đi tiếp”.
Nên mình hiểu rằng mọi giáo lý đưa ra thì đều phù hợp với một thời điểm khác nhau và một con người khác nhau. Còn nếu mình là người tập đạo Phật thì mình nên hành động trong sự hiểu biết về nhân quả. Nên mình sẽ biết cách dừng lại đúng lúc, chứ không bao giờ đi follow (theo) một cách quá đà. Mình sẽ biết cách dừng lại một cách đúng lúc. Thế nhưng mình nói là nếu mình không cố gắng bao giờ thì cũng không bỏ được cái gì hết. Phải cố gắng, nhưng cố gắng trong sự hiểu biết nhân quả. Sau đó mình sẽ thấy, nhận ra sự thật thì lúc đấy từ bỏ mới được.
5.5 Không thể hiện cảm xúc có phải là vô cảm, thờ ơ?
Một bạn nữ: Em có một câu hỏi là, ví dụ như là khi mà biết được cái quy luật của nhân quả, và mình nhận ra mọi thứ đều có lý do của nó cả. Tức là khi mình đối diện với nó mình không buồn cũng không vui, thì người ta nhìn vào người ta sẽ cho rằng mình thờ ơ.
Thầy Trong Suốt: Em kể một câu chuyện đi, anh muốn hình dung tại sao em nói như thế. Một ví dụ đi.
Bạn đó: Chuyện này rất là kỳ không biết em có nói ra được không ạ. Tức là khi mà anh kêu em cho anh một ví dụ thì em phải ngồi nghĩ ra một ví dụ.
Thầy Trong Suốt: Em nói đi, đừng ngại.
Bạn đó: Nhưng mà em nghĩ là…
Thầy Trong Suốt: Quá riêng tư à? Thế thì anh khó trả lời em lắm. Bài của Tùng là đi theo trái tim ấy, thì những người nào mà không đi theo trái tim bao giờ thì đọc cái đấy để thức tỉnh. Còn những người đã sai lầm vì đã đi theo trái tim quá nhiều rồi thì lại cảm thấy mông lung. Tương tự như vậy, một câu hỏi nó đến từ một người cụ thể, anh cần biết câu chuyện của em thì anh mới có thể trả lời được.
Bạn nữ đó: Ví dụ như là chuyện… mẹ em mất. Thì khi mẹ em mất ấy, tất cả mọi người – những người họ hàng quen biết mẹ em đến nhà, thắp nhang cho mẹ, khóc rất là nhiều, nhưng mà trước mặt mọi người thì em không có phản ứng gì cả. Tức là em cứ như vậy thôi, mặt rất là đơ. Và cũng có vài người cho rằng em là người không có cảm xúc, hoặc là không thương mẹ mình cho lắm. Và rất là nhiều người sau này người ta ngại tiếp xúc với em bởi vì người ta cho rằng em như vậy.
Nhưng mà những người hiểu em thì rất là thông cảm với em và nghĩ rằng là có lẽ vì em quá đau khổ nên em không thể khóc được. Nhưng mà bản thân em, em biết đúng là mình đau khổ, nhưng mà em hiểu nhiều chuyện. Vì em nghĩa là nó giống như là một cái duyên ấy, tức là khi một người đến với mình và đi – thì tất cả đều là do duyên và nghiệp hết, và em thấy cái chuyện ấy rất là bình thường. Như vậy có phải em là một người quá thờ ơ với mọi chuyện trong cuộc đời này không?
Thầy Trong Suốt: Nếu mà tối nay mẹ anh mất, anh không biết là anh có khóc không. Cảm xúc là một sự xảy ra tự nhiên, mình đừng cố gắng điều khiển nó theo kiểu là vì “tôi yêu mẹ nên tôi phải khóc”. Cảm xúc nó đến thì nó đến thôi! Giống như anh nói lúc nãy là tất cả mọi cảm xúc trong cuộc đời đều thế, anh chẳng phải nghĩ trước là “tôi có khóc hay không”. Vì tại sao anh phải nghĩ thế làm gì?
Bạn nữ đó: Tức là thực ra em đã có khóc rất là nhiều vào giai đoạn mẹ em đang hấp hối.
Thầy Trong Suốt: Thế nhưng vấn đề của em không phải là em khóc hay không khóc. Vấn đề là khi người ta phản ứng với thái độ của em, em mới có vấn đề, đúng chưa? Khi người ta phản ứng với thái độ của em là em không khóc gì cả ấy, người ta nghĩ rằng: “Cô này là vô cảm”, v.v… Thì em có vấn đề với cái phản ứng đấy của họ, thậm chí em hoài nghi chính mình: “Hay mình là người vô cảm mất rồi?”.
Nguyên Thảo: Tức là không được thoải mái với suy nghĩ của người khác như thế?
Thầy Trong Suốt: Ở đây anh nói để em hiểu. Anh nói vấn đề không phải là em khóc hay không khóc, vì khóc là một cảm xúc đến rồi đi ấy mà. Anh cũng chẳng biết anh có khóc hay không nếu mẹ anh mất mà, khả năng cao là anh khóc, nhưng chả biết được! Nếu anh không khóc thì sao? Chẳng biết. Thế là vấn đề ở đây…
Bạn nữ hỏi lúc nãy: Ngay cả nếu em mất thì em cũng không khóc.
Thầy Trong Suốt: Em mất thì làm sao em khóc được? (Mọi người cười) Em mất thì em… không có năng lực mà khóc nữa. Anh không biết. Đây là cảm xúc nó đến rồi nó đi thôi, kệ nó. Đến – khóc thì khóc, có gì đâu. Hôm nọ anh xem bộ phim gì nhỉ? Võ sĩ tay đấm thép à? Lúc cảnh cuối cùng đánh nhau tự nhiên anh khóc. Vợ anh ngồi bên cạnh, vợ anh bảo: “Sao anh buồn cười thế?”. Khóc là khóc thế thôi! Chả có lý do gì cả, chả có lý luận gì cả.
Mình thấy thích quá, mình xúc động thì mình khóc, đâu có vấn đề gì đâu. Anh chẳng phản ứng gì với việc vợ anh bảo: “Sao anh thế này thế kia”, kệ! Vợ anh theo kiểu của vợ anh, anh theo kiểu của anh. Hôm bữa anh xem một cậu bé khóc, cậu bé đang hát về bà mẹ là “mẹ của tôi đang ở trên thiên đường” ấy. Có video clip trên Vnexpress, mọi người có xem không nhỉ? Anh đang ngồi thấy vợ anh khóc nức nở. Đấy, thì vợ anh khóc nức nở, chứ anh có khóc nức nở đâu. Anh chẳng bình luận là vợ anh không nên hay có nên, khóc nức nở đơn giản là khóc nức nở.
Nhưng xã hội của mình ấy, quay lại câu chuyện em, không phải xã hội của mình, chưa chắc là những người quanh em, họ liên kết việc em khóc hay không khóc với việc em có yêu mẹ hay thương mẹ hay vô cảm hay không. Liên kết ở đây là liên kết do họ tạo ra đúng không? Họ là người gán ghép hành động của em là khóc hay không khóc trở thành yêu hay không yêu. Nếu mà anh là người trí tuệ thì anh cảm thấy rất buồn cười. Họ đã phiên dịch cái chuyện khóc hay không khóc thành yêu hay không yêu mất rồi. Buồn cười không? Thế là buồn cười chứ!
Nhưng mà vì em không tập thì em cảm thấy đây không buồn cười chút nào mà rất nghiêm trọng! Đấy, đấy bắt đầu cái phần của em xuất hiện rồi đấy. Đáng lẽ phải buồn cười, em phải thấy buồn cười ,nhưng em lại cảm thấy rất nghiêm trọng. Chính em còn tự hỏi: “Hay là tôi vô cảm thật rồi?”. Em nghi ngờ chính mình luôn, đúng không? Em hỏi anh câu đấy: “Có phải là em vô cảm hay không?”. Ở đây, nếu em hiểu cái chuỗi đấy thì em thấy bình thường. Như anh thì thấy bình thường. Nếu em hiểu cái điều anh vừa nói xong thì em sẽ thấy bình thường, có gì đâu. Còn nếu không hiểu điều đấy thì em sẽ hoài nghi chính mình.
Bạn nữ: Em chỉ hỏi anh là anh có thấy em vô cảm không?
Thầy Trong Suốt: À, không không, đấy anh kể rồi đấy. Đấy là bình thường, chả có vấn đề gì cả. Anh không có thói quen đánh giá một người cái kiểu: khóc hay không khóc là yêu hay không yêu. Anh không có thói quen đấy.
Một chị: Thì chính em lại làm khổ bản thân em vì cái đánh giá của người khác.
Bạn nữ đó: Dạ không, em không hề buồn về chuyện người ta đánh giá. Em không quan tâm luôn.
Thầy Trong Suốt: Anh chỉ nói là em phải cẩn thận, em không cẩn thận em sẽ bị như thế. Phải cẩn thận. Vì nếu khi mình không tập ấy, thì mình vô thức sống theo thói quen của những người xung quanh. Giống như An nói là: “Lớn lên ai cũng phải lấy chồng” ấy. Đối với anh đấy là suy nghĩ sai lầm, nhưng mà em vô thức em nói như vậy, bởi vì bố mẹ em nghĩ như vậy, đúng không? Anh nghĩ là ai cũng cần tập cách để trở nên hạnh phúc. Chứ còn lấy chồng chỉ là một cách, một trong n cách. Đấy!
Thế nhưng mình không cẩn thận mình sẽ bị thói quen của những người xung quanh áp đặt thành cái khung suy nghĩ của mình. Mình cứ nói mà không cần nghĩ nữa. Mình cũng cảm xúc mà không cần biết tại sao, v.v… Mình bị cảm xúc ép từ người khác, ép mình phải cảm xúc. Chuyển hóa thì việc đầu tiên là trung thực, việc thứ hai là tỉnh táo. Trung thực là rất tốt. Nhưng sau đó phải tỉnh, mình luôn luôn tỉnh táo với những cảm xúc và suy nghĩ của mình để mà mình chuyển hóa, tập. Nếu không là mình dễ hành xử theo kiểu của người khác bắt mình hành xử, ép mình phải hành xử, hoặc là chờ đợi mình hành xử theo kiểu của họ.
Một bạn nữ: Mọi người thống nhất với nhau, lần sau chủ đề Tình yêu và duyên phận, chủ đề muôn thuở nhưng rất là thú vị.
Thầy Trong Suốt: Ở Hà Nội, buổi đầu tiên anh nói về tình yêu. Tuần sau hỏi mọi người yêu cầu gì – lại tình yêu. Tuần sau nữa hỏi yêu cầu – lại tình yêu. Tuần này mà mình không vào Sài Gòn thì lại tình yêu. (Mọi người cười) Nhiều, tình yêu có vô số điều hay để nói. Mà mọi người sau này mới thấy là dùng tình yêu chuyển hóa là nhanh nhất. Đau khổ chuyển hóa là nhanh nhì thôi, còn tình yêu chuyển hóa là nhanh nhất. Tình yêu là cái tác động đến mình mãnh liệt nhất. Đau khổ nhiều khi bỏ qua được, thôi thì chậc lưỡi một cái là có thể cho qua. Nhưng mà tình yêu không cho qua được, nếu nó là cái gai sẽ nhói suốt từ sáng đến tối. Đi làm cũng sẽ nhớ về nó, không làm gì được. Nên là dùng tình yêu để chuyển hóa là cách nhanh nữa.
Nghe ghi âm Trà đàm – Vẻ đẹp của khổ đau và cách thức chuyển hóa cảm xúc tại đây: Tải file hoặc nghe trực tiếp.