Yêu Miêu Truyện là bộ phim được phóng tác từ tiểu thuyết về Sa Môn Không Hải, một cao tăng vĩ đại của Phật giáo Nhật Bản. Bộ phim khéo léo gửi gắm những thông điệp mang màu sắc Đông Mật, thấm đẫm văn hóa thiền Trung – Nhật đời Đường, một kỉ nguyên rực rỡ của Mật giáo Phương Đông.
Bộ phim ẩn chứa bí mật đoạn diệt mọi khổ đau mà Không Hải thiền sư dần khám phá được qua câu chuyện yêu miêu huyền bí này.
Người phụ nữ ôm con trên chiếc thuyền vượt biển
Đây có vẻ như một chi tiết bị dư luận đánh giá là “thừa” và “dài” nhưng thực chất lại là một chi tiết rất đắt giá của bộ phim.
Trong cơn sóng dữ giữa lòng biển khơi, người phụ nữ ôm con lặng thinh không lộ chút sợ hãi khiến cho nhà sư (sa-môn Không Hải) vô cùng tò mò. Khi được hỏi “cô không sợ à”, người phụ nữ đó thản nhiên trả lời: “Vì con tôi an giấc nên tôi an tâm”.
Khi bên trong bạn bình an, sóng đánh bên ngoài cũng không thể làm bạn sợ hãi. Đó là cái tĩnh lặng giữa giông tố của một người thấu hiểu sự thật “tâm bình, thế giới bình”. Người đó không nhất thiết phải là một nhà sư, đó có thể là bất cứ ai, thậm chí là một người phụ nữ rất bình thường đã có gia đình, con cái. Sự bình an trong đời có thể đến khi tâm luôn trú trong trạng thái tĩnh lặng và hiểu biết, cho dù sóng đánh chìm thuyền cũng không làm cho sợ hãi.
Ngược lại, dẫu học hàng ngàn câu chú mà chưa có trạng thái này, bạn sẽ như sư Không Hải lúc bị sóng đánh: “bao nhiêu câu từ chú ngữ liền quên biến hết”.
Nên trước cơn sóng dữ của vô thường, bạn chỉ có thể bình an thực sự khi đạt tới trạng thái luôn ở trong sự thật, chỉ có một cửa duy nhất là có trí tuệ, không còn nhầm lẫn nữa mà thôi.
Đi đến cùng sự thật để phá mọi mê lầm
Một nhà sư đi tới kĩ viện bậc nhất của Trường An, đó là một điều khó mà chấp nhận với mọi người, thế nhưng thiền sư Không Hải đã phá tan chấp trước đó chỉ bằng một câu nói với Bạch Cư Dị: “ta đến nghe nhạc, huynh mới là đến kĩ viện”. Dù bề ngoài sự việc có vẻ giống hệt nhau, nhưng bản chất đã hoàn toàn khác.
Trong cuộc đời bạn cũng cần tự đặt ra các “giới luật” cho bản thân để không phạm phải sai lầm, nhưng cũng có những lúc bạn phải phá chấp cho chính mình để khám phá sự thật. Và để khám phá sự thật bạn phải đi đến cùng chứ không thể dừng lại giữa đường. Nếu như sư Không Hải vì thấy kĩ viện mà dừng bước, hẳn đã không thể khám phá sự thật đằng câu chuyện về yêu miêu.
Mọi đau khổ đều đến từ nhầm lẫn, nhầm lẫn về bản thân và nhầm lẫn về thế giới mà nhà Phật thường gọi là Ngã chấp và Pháp chấp. Vì những mê lầm này mà chúng sinh lạc hết vào đau khổ này đến đau khổ khác.
Nhà thơ Bạch Cư Dị tin rằng mình là người phải trải qua những đêm đông lạnh thấu xương cưỡng cầu từng chữ mà viết nên Trường Hận Ca, vậy mà lại sai sự thật, hóa ra bao nhiêu công lao bấy lâu đã trở nên vô ích… Điều đó khiến cho anh vô cùng đau đớn, tức giận, thất vọng.
Nhưng ở cuối phim, anh đã tìm ra “vô thượng mật pháp” của riêng mình, Trường Hận Ca “một chữ cũng không sửa”, và chính anh đã thoát ra khỏi cái bóng “tôi là người viết, tôi là người đã từng” làm bài thơ này. Đây là điểm mà Không Hải nhận xét anh đã “hơn Lí Bạch”.
Đan Long vì nhận ra “lòng người đen tối” qua chân tướng cái chết của Dương Quý Phi mà bỏ đi để tìm “bí mật chấm dứt mọi khổ đau”, nhờ vậy mà nhà Đường có nhà sư Huệ Quả của Thanh Long tự.
Không còn mê lầm sẽ không còn khổ đau, đó là bí mật không đau khổ thứ hai.
Người thấy được tâm mình, hiểu rõ bản chất thế giới thì sẽ không còn sợ hãi, người ấy có thể hân hoan nhảy múa giữa các hình tướng huyễn ảo, làm mọi việc hoàn toàn vì người khác, trong trí tuệ và tình thương. Tương tự như Đại sư Huệ Quả (Đan Long) cải trang thành người bán dưa dùng huyễn thuật để dẫn bước và gieo duyên cho Không Hải, đó là những hành động thiện xảo mang động cơ từ bi của một người thầy chân chính:
Cửa chùa tự mở: hạnh phúc nằm trên con đường
Cửa Thanh Long tự xưa nay vốn đóng kín, đã tự động mở vào lúc sư Không Hải đến lần thứ hai. Khi lòng bạn đã khám phá ra bí mật của hạnh phúc, thì hạnh phúc không còn là một điều bí mật nữa, cánh cửa thế giới khi đó rộng mở chờ bạn khám phá trong niềm vui hân hoan.
Khi bạn nhìn thế giới bằng con mắt tò mò muốn khám phá, như sư Không Hải, thì vạn pháp hiện ra với bạn đều hân hoan. Trong cuộc đời, bạn chỉ có thể lựa chọn thái độ hoặc hân hoan, hoặc bi quan, vậy tại sao không hân hoan ngay lúc này.
Vô thượng Mật pháp mà thiền sư Không Hải khám phá ra là cả một cuộc hành trình, từ con thuyền chìm trong sóng cả giữa lòng đại dương, tới kinh đô Trường An phù hoa bậc nhất đời Đường, từ ông bán dưa dùng huyền thuật tới đại sư Huệ Quả lừng danh, từ sự bám chấp đầy đau khổ tới sự buông bỏ thanh thản của yêu miêu… Vô thượng Mật pháp không nằm ở cuối câu chuyện khi mọi bí mật được giải mã, mà là tất cả những gì hiện ra trong toàn bộ câu chuyện này.
Đó cũng là điều đức Phật Thích Ca từng dạy: “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.
Từ bài học trong bộ phim này, người viết đúc rút thêm bài học cho riêng mình để áp dụng vào công việc, trong cuộc sống và cho con đường đi tìm hạnh phúc thực sự, tự do giải thoát thực sự của bản thân như sau:
Không ai có một tính chất nào nhất định, mà do hoàn cảnh làm nảy sinh tính cách mà thôi. Nhà vua là người nặng tình hay kẻ bội bạc, là người tài giỏi hay kẻ nhu nhược? Yêu miêu -Bạch Long là người ác hay không ác, kẻ bám chấp hay buông bỏ? Họ có cả hai chiều tính cách, hoặc có thể nói là không có tính cách nào cố định, hoàn cảnh tốt thì sinh tính cách tốt, hoàn cảnh xấu nảy sinh tính cách xấu. Chỉ như vậy thôi.
Khi xem phim chúng ta tận hưởng từng thước phim chứ không chờ tới đoạn kết khi bí mật được giải đáp. Cũng như vậy, chúng ta có thể dành cả những năm tháng tuổi trẻ của mình để nỗ lực cống hiến, nhưng đừng đợi sau khi thành công mình sẽ hạnh phúc, như vậy cả chặng đường của ta sẽ rất nặng nề, đầy lo toan và căng thẳng.
Ta có thể dốc toàn lực để đi tìm bí mật rốt ráo, sự thật vĩ đại để kết thúc mọi khổ đau, nhưng đừng nghĩ rằng sau khi tìm ra bí mật rồi mình mới hạnh phúc, đã là sự thật tuyệt đối thì hiện diện ở mọi nơi, nghĩa là ngay chính khi đang cố gắng thì hạnh phúc cũng luôn hiện diện ở đây rồi.
Ta có thể hiểu rằng hạnh phúc là cả con đường phấn đấu, là tất cả mọi thứ xảy ra: những thành công nho nhỏ, những bước đi khởi sự đầu tiên, những thất bại đầu tiên, tất cả đều có trong mình bí mật của hạnh phúc, chỉ cần chúng ta nhận ra và hân hoan đón nhận mà thôi.
Nhưng để hân hoan đón nhận tất cả mọi thứ hiện ra, dù là tích cực hay tiêu cực, dù là vui sướng hay khổ đau, mà vẫn hoàn toàn tự do khỏi chúng, chỉ hân hoan mà không lo toan, thì cần đi tới được trạng thái mà thầy Trong Suốt từng mô tả trong một bài viết:
“Người đã khám phá ra sự thật nhìn các hiện tượng như ở trong mơ, không hiện tượng nào quan trọng hơn hiện tượng nào. Mọi thứ xảy ra đều bình đẳng như nhau trong Cái đang là. Hân hoan nhảy múa giữa các hình tướng huyễn ảo, Bậc giác ngộ làm mọi việc hoàn toàn vì người khác, trong trí tuệ và tình thương.
(Bài viết phản ánh góc nhìn riêng của một thành viên CLB sau buổi xem phim và nghe những phân tích sau bộ phim)
Những bộ phim được xem đều mang một ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người, trên con đường đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Nhờ có thế mà các thước phim trở nên hữu ích hơn, không đơn giản chỉ là 60-90 phút giải trí cuối tuần nữa.
Pháp Tâm