Zangthalpa – Phần 15: Trái Tim & Chim Vàng Anh

Biết đại chúng đang rất mong chờ những câu chuyện tiếp theo của mình, Zangthalpa cất giọng ấm áp:

– Các bạn hãy lắng nghe, tôi xin kể lại một câu chuyện trong kho tàng truyện cổ tích thế giới mà tôi được biết trong quá trình đi du lịch, truyện này có tên là: Trái tim & chim vàng anh.

Ngày nảy, ngày nay ở đất nước vùng châu Á nọ có một thành phố rất đẹp mang tên Sapa. Trong thành phố có một thương nhân làm đa ngành nghề tên là Lý Viễn Liên Thành. Tuy có rất nhiều tiền của, nhưng ông không dùng chúng để hưởng thụ mà dành để giúp đỡ mọi người. Sinh thời, sư tử là con vật được ông dùng là biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ của gia tộc. Khi ông ra đi, ông đã cống hiến 99% tài sản để làm từ thiện.

Nhằm tưởng nhớ tấm lòng rộng lượng của ông, người ta trích trong số tài sản ông đã quyên góp để đúc một bức tượng sư tử – biểu tượng gia tộc Lý Viễn Liên Thành – rất tráng lệ. Thành phố quyết định đặt bức tượng sư tử ở chỗ nhiều người qua lại, nhằm khuyến khích mọi người noi gương theo những đóng góp của ông cho xã hội. Bức tượng cao, lớn đứng trên một cái bệ rất to. Đôi mắt của Sư tử được nạm bằng hai viên hồng ngọc thật long lanh, mình dát đầy những lá vàng. Sư tử đứng đó, mắt có thể nhìn bao quát cả thành phố và cả những ngọn đồi, ngọn núi ở xa xa.

Bức tượng sư tử được tất cả mọi người đi qua ngưỡng mộ vì vẻ đẹp lộng lẫy. Có người tấm tắc khen: “Bức tượng này trông thật tuyệt vời! Nhưng với ta, cái bếp than tổ ong giá trị hơn. Vì bếp than tổ ong còn dùng để sưởi ấm được trong khi bức tượng chỉ đứng một chỗ chẳng làm được gì”. Nhưng có người nghĩ ngược lại: “Thật ngưỡng mộ thay! Mình sẽ về dạy cho các con mình lớn lên trở thành đứa bé ngoan ngoãn và không đòi hỏi ba mẹ cái gì hết giống như sư tử kia!” Quả thật, Sư tử chỉ đứng đấy, oai nghiêm và lặng lẽ, chẳng đòi hỏi gì ai, chẳng khiến ai phiền lòng. Lại có người nghĩ rằng Sư tử có gương mặt rất vui vẻ, tươi tắn: “Thật mừng vì ngay khi cả thế giới có quay lưng lại với ta thì Sư tử vẫn nhìn ta cười ấm áp”… Sư tử nghe thấy tất cả những điều này và chỉ mỉm cười.

Ông chủ tịch thành phố tên là Duy Tuấn trong một lần đến chiêm ngưỡng, trộm nghĩ: “Khi mình già, mình sẽ bắt thành phố đúc tượng như thế này nhưng không phải là bức tượng sư tử mà là tượng chính mình”.

Ngày tháng trôi đi, bức tượng trở thành biểu tượng du lịch rất nổi tiếng của thành phố, du khách khắp nơi đến Sapa nhất định phải ghé thăm và chụp ảnh. Mỗi người đều mang theo những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau… Sư tử đứng đó, nghe hết được mọi ý nghĩ ấy.

Mùa đông đã đến, nhiệt độ có nơi xuống dưới -10 độ C, tuyết phủ khắp nơi và người ta không còn muốn đi dạo trong thành phố nữa. Bấy giờ, Sư tử chỉ còn là một khối tuyết. Vào mùa đông, các loài chim sẽ di trú về phương Nam ấm áp để tránh rét. Có một cô vàng anh nhỏ tên là Hồng Huế. Cô vàng anh cùng các thành viên trong đàn chim bay về phương Nam ngang qua một thung lũng. Từ trên cao nhìn xuống, cô vàng anh thấy một anh chàng Lau mới lớn rất là duyên dáng, thanh lịch. Cô vàng anh nhỏ đã phải lòng chàng Lau ngay lập tức. Thế là vàng anh Hồng Huế nhỏ rời bỏ đàn chim, sà xuống cạnh chàng Lau. Hai người bạn nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Cô vàng anh không muốn rời xa anh chàng Lau nữa. Chàng Lau có tính hay đùa giỡn, cứ khi cô Gió đến là chàng nghiêng đầu, nghiêng người phát ra những âm thanh thú vị. Vàng anh ghen lắm, cô thầm nghĩ: “Đành rằng anh Lau rất là đẹp trai, đáng yêu nhưng anh ấy hay đùa cợt với các cô khác quá, không chỉ đùa cợt cô Gió mà còn đùa cợt với cả các cô sậy xung quanh. Không thể tin tưởng vào sự chung thuỷ của chàng Lau này được”. Lâu dần, cô cảm thấy chán. Biết chàng Lau không thể rời xa nơi này, cô đến bên thỏ thẻ:

– Anh ơi, em muốn cùng anh đi trọn cuộc đời. Em bây giờ đi về phương Nam, một đất nước xa xôi, một đất nước vô cùng tươi đẹp. Em muốn đưa anh đi cùng, anh có sẵn lòng không? Nếu anh sẵn lòng em sẽ ngậm anh vào miệng đưa anh đi.

Chàng Lau lực bất tòng tâm đành ngậm ngùi chia tay người yêu. Cô vàng anh nhỏ Hồng Huế lại bay tiếp về phương Nam.

Bay tới thành phố Sapa, vàng anh Hồng Huế bắt đầu thấy mỏi cánh. Vì đàn của mình đã bay đi trước, cô nghĩ mình phải tìm một chỗ trú qua đêm nay cho ấm rồi mai sẽ tiếp tục hành trình. Cô thấy xa xa có một bức tượng rất to, có tuyết phủ trắng nhưng đôi chỗ lại hiện ra ánh vàng lấp lánh. Bên dưới lại có khoảng trống vừa xinh trông rất ấm áp. Vàng anh mừng rỡ, nghĩ: “Ôi, ngôi nhà này có thể giúp ta trú qua đêm đông giá lạnh. Thật đúng lúc làm sao!”. Cô vàng anh sung sướng lắm. Khắp cả người Sư tử được dát bằng vàng, chỗ trống này lại kiên cố, vững chãi nên cô cảm thấy yên tâm cho dù ngoài kia có mưa to hay bão lớn.

Đến nửa đêm, bỗng có tiếng “póc”, một giọt nước rơi xuống người vàng anh, cô liền trở mình: “Quái lạ, sao lại có nước rớt vào đây? Trời có mưa đâu nhỉ? Hay là mình tưởng tượng? Rồi cô lại nằm sang chỗ khác. “Póc”, lại giọt nước khác rơi xuống. Cô nhỏm dậy: “Có điều gì kỳ lạ đây! Phải tìm hiểu xem sao. Mùa đông băng chưa tan thì không thể là nước từ tuyết xuống được, mà trời cũng không mưa!” Cô ngước nhìn lên và thấy đôi mắt Sư tử đẫm lệ. Vàng anh nhỏ liền bay lên phía Sư tử. Đúng là Sư tử khóc thật. Đôi mắt ngọc đỏ ấy rơi ra những giọt nước mắt ấm nóng. Cô vàng anh nhìn bức tượng dò xét: “Kì lạ thật! Sao bức tượng lại biết khóc?”. Cô tò mò cất tiếng hỏi:

– Này Sư tử ơi, mình ông dát toàn bằng vàng, mắt ông bằng ngọc đỏ và trên người rất nhiều châu báu, sao một người như ông mà lại khóc?

Sư tử trả lời:

– Vàng anh nhỏ ơi, ta ở trên cao và ta có đôi mắt nhìn rất xa, ta thấy khắp toàn bộ thành phố. Ta nhìn thấy ở xa xa trên đỉnh một ngọn đồi có một ngôi nhà nọ, một em bé không đủ quần áo ấm, đang rét run lập cập dưới trời đông giá lạnh này. Bố mẹ em rất nghèo, không đủ tiền để mua áo cho em. Ba người ôm nhau run rẩy trong căn nhà, trong khi ta thì giàu có, đủ đầy. Ta cảm thấy rất là thương. Vàng anh có thể giúp ta một việc được không?

Vàng anh hỏi:

– Là việc gì ạ?

Sư tử đáp:

– Trên vòng cổ của ta có một viên ngọc bích rất to, vàng anh hãy dùng mỏ của mình cạy viên ngọc ấy ra và thả vào trong cửa sổ nhà họ.

Vàng anh ngần ngại:

– Nhưng đường đi đến đó rất là xa. Em chỉ trú qua đêm nay, mai em bay về phương Nam rồi. Ngôi nhà kia, em chả quen biết gì họ cả. Em không muốn đi đâu, thưa Ngài! Với lại viên ngọc gắn trên vòng cổ rất đẹp, cạy nó ra sẽ làm hình ảnh của Ngài xấu hẳn đi ấy!

Sư tử dịu dàng:

– Hãy xem đây là ân huệ dành cho ta, giúp ta một lần này thôi, sau đấy thì em hãy bay về phương Nam.

Thế là vàng anh nhỏ dùng hết sức mình gảy viên ngọc bích ấy ra và cắp nó thả vào ngôi nhà trên ngọn đồi. Vàng anh thả viên ngọc tại cửa sổ. Em bé thấy chú chim xinh xắn đang sà xuống, chạy lại xem. Chà, một viên thủy tinh xanh rất đẹp! Em khoe với bố mẹ:

– Bố mẹ ơi, xem chú chim vàng anh trên trời mang đến cho chúng ta cái gì này!

Bố mẹ em bé lại xem và nhận ra đấy là viên ngọc quý giá thì hết sức mừng rỡ. Bán viên ngọc đi, họ sẽ mua được tấm chăn ấm, có đủ quần áo mặc và không lo bị đói nữa.

Xong việc, vàng anh quay về. Vàng anh định sẽ từ biệt Sư tử để bay đến phương Nam. Nhưng khi quay về không thấy mặt Sư tử cười vui vẻ mà tràn ngập nước mắt, vàng anh khẽ hỏi:

– Vì sao ông khóc?

Sư tử đáp:

– Trong lúc em đi trên đường, ta lại nhìn ra một ngọn đồi xa xa, trên ngọn đồi ấy có một cụ già. Cả ngày dài, cụ già cô độc và khốn khổ phải tự mình đi kiếm những que củi để sưởi ấm trong mùa đông.

Vàng anh thở dài:

– Nhưng em phải bay về phương Nam. Em nói thật với Ngài rằng em sốt ruột lắm rồi.

Sư tử vẫn dịu dàng:

– Thôi, một lần nữa thôi!

Thế là vàng anh miễn cưỡng:

– Thôi thì một lần nữa thôi, em muốn bay lắm mà rất là quý Ngài, nể Ngài…

Sư tử liền nói:

– Trên vương miện của ta có viên ngọc lục bảo. Em hãy lấy viên ngọc ấy tặng cho cụ già.

Vậy là chim vàng anh lại cắp viên ngọc đến chỗ cụ già. Thấy cụ già đưa tay run run đón viên ngọc mừng rỡ, vàng anh tung tăng bay về. Nhưng lần này khác với lần trước, cô cảm thấy hạnh phúc kì lạ. Lý trí cô muốn đi về phương Nam nhưng trái tim cô lại thấy hạnh phúc khi ở đây. Khi cô bay về lại thấy Sư tử khóc. Lần này cô đã hiểu lí do vì sao:

– Ngài khóc vì nhìn thấy cảnh gì ạ?

Sư tử đáp:

– Đúng rồi, ở góc phố đằng kia, có cô bé bán diêm. Cô bé đã sắp đánh que diêm cuối cùng để giữ ấm.

Rồi Sư tử đề nghị chim vàng anh đến giúp cô ấy:

– Vàng anh hãy lấy một lá vàng trên mình ta và tặng cho cô ấy nhé! Cô ấy có thể bán nó để mua thức ăn và quần áo ấm.

Vàng anh tần ngần:

– Thế thì Ngài sẽ xấu đi nhiều lắm!

Sư tử lắc đầu, đáp:

– Ta không thể dửng dưng khi thấy một người đang phải chịu đau khổ như vậy. Hơn nữa, ta còn rất nhiều thứ đáng giá khác. Tại sao ta lại phải tiếc?

Thế rồi, chim vàng anh lại lấy một lá vàng trên mình Sư tử đến thả cạnh cô bé bán diêm. Cô bé sắp đánh que diêm cuối cùng thì lá vàng rơi xuống. Cô bé khóc oà sung sướng vì biết sẽ có thức ăn và chỗ ở. Vậy là không cần phải đốt tới que diêm cuối cùng nữa. Chim vàng anh vui vẻ bay về. Sư tử vẫn đứng đó, nước mắt lại tràn mi. Vàng anh hỏi tiếp:

– Chuyện gì xảy ra nữa vậy, thưa Ngài?

Sư tử nói:

– Ở ngôi nhà phía đằng xa kia, ta thấy một cô gái đang khóc lóc ngồi sàng những hạt đỗ đen và đỗ xanh trộn lẫn. Dì ghẻ đối xử với cô rất tàn tệ, hôm nay mụ và con ruột đi chơi nhưng lại bắt cô ấy ở nhà. Dì ghẻ nói rằng nếu không làm xong thì không được đi đâu cả.

Chim vàng anh lắc lư cái đầu be bé:

– Làm sao em có thể sàng giúp cô ấy được, khó lắm?

Sư tử trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

– Không, cô ấy không cần việc đó. Việc của em là hãy gỡ viên ngọc trong mắt ta này, đủ cho cô ấy một gia tài sung túc. Cô ấy có thể trốn khỏi cuộc sống tù ngục với người mẹ kế, có cơ hội sống hạnh phúc hơn, an vui hơn.

Chim vàng anh bối rối:

– Lần này rất khó vì nếu em lấy mắt của Ngài thì Ngài không thể nhìn thấy được nữa, làm sao Ngài biết cảnh khổ mà cứu? Thứ hai nữa là Ngài sẽ trở nên xấu hẳn đi ấy!

Sư tử ôn tồn:

– Em đừng có lo, dù sao ta vẫn còn giàu có, ta còn thân thể này, em cứ làm thế đi.

Thế là chim vàng anh động lòng trắc ẩn. Cô miễn cưỡng bay lên, chân và mỏ run run cậy cậy mắt bên phải của Sư tử xuống. Sư tử mỉm cười động viên:

– Em cứ làm đi, ta sẽ không sao đâu!

Lòng cô vững vàng hơn, cô mím môi mổ mạnh một cái cuối cùng. Viên hồng ngọc long ra và vàng anh Hồng Huế cắp lấy đem đến cho cô gái đáng thương.

Chứng kiến nụ cười rạng rỡ của cô gái khi nhận được món quà, vàng anh cũng thấy vui lây. Cô vỗ cánh bay về. Nhưng, cô lại thấy bên mắt còn lại của Sư tử đẫm lệ… Sư tử nói:

– Ở một ngôi nhà nhỏ phía đằng kia, có em bé quàng khăn đỏ. Hai mẹ con em nghèo lắm, nhưng rất hiếu thảo với bà. Mẹ đang chuẩn bị bảo em đi thăm bà. Bà ngoại đã già yếu, sống trong một túp lều lụp xụp cạnh bìa rừng. Ở đấy, có một con sói dữ tợn đang quanh quẩn kiếm mồi. Ta e rằng, em bé đến đó sẽ không được an toàn. Bây giờ nếu em lấy viên ngọc đỏ trong mắt còn lại của ta đưa cho mẹ em bé, thì mẹ em bé sẽ đủ tiền mua cho bà một ngôi nhà và sống gần hai mẹ con. Em bé quàng khăn đỏ không phải đến thăm, không phải đi vào rừng và tránh được nguy cơ bị sói ăn thịt.

Vàng anh lo lắng hỏi dồn dập:

– Thế mắt Ngài thì sao? Trời ơi, mất hai mắt thì làm sao Ngài có thể nhìn thấy được?

Sư tử cười hiền lành:

– Em cứ yên tâm, ta vẫn còn rất giàu có, người ta dát toàn bằng vàng và ở đây chẳng có ai hại ta được hết.

Thế là vàng anh lấy hết can đảm, gỡ con mắt còn lại của Sư tử để đem đến giúp mẹ của em bé quàng khăn đỏ. Nhưng khác với những lần khác, lần này trái tim của vàng anh đã có một cảm giác khác lạ khi nghĩ về hình ảnh của những người nghèo khổ cần được mình giúp. Cô bay đi mà trong tim ngân nga tiếng hát…

Người mẹ rất sung sướng đổi viên hồng ngọc lấy một căn nhà rất to và đầy đủ tiện nghi giữa lòng thành phố. Sau đó hai mẹ con đón bà ngoại về ở, và ba người sống với nhau trong đầm ấm và hạnh phúc.

Vàng anh bé nhỏ Hồng Huế giờ đã bắt đầu thấy quen với việc giúp đỡ người khác. Trước đây, vàng anh làm vì nể nhưng bây giờ vàng anh xem đấy vừa là niềm vui, vừa là nghĩa vụ. Một ngày nọ, vàng anh thủ thỉ với Sư tử:

– Thôi, em không muốn rời xa Ngài nữa. Không hiểu sao ở cạnh Ngài, em thấy hạnh phúc hơn nhiều. Tuy rằng, không đến được phương Nam tuyệt đẹp với những cánh đồng trải rộng tràn đầy ánh nắng, ở đây chỉ có mùa đông lạnh lẽo nhưng trong lòng em cảm thấy ấm áp lạ thường.

Sư tử nhẹ nhàng đáp:

– Bây giờ ta chẳng nhìn thấy gì để mà giúp ai được nữa. Em hãy bay đi, bay về phương Nam ấm áp. Ta không cần em giúp nữa.

Vàng anh xinh đẹp Hồng Huế rớt nước mắt:

– Tự nhiên em thấy rất thương những người khốn khổ. Em rất muốn giúp đỡ họ. Em sẽ ở lại đây, bên cạnh Ngài, sẽ kể cho Ngài nghe những hoàn cảnh khó khăn mà em trông thấy.

Nghe những lời nói chân thành của vàng anh, Sư tử vô cùng cảm động và nở một nụ cười. Nụ cười ánh lên niềm vui và sự hài lòng vì sự thay đổi rõ ràng trong tâm hồn của Hồng Huế.

Từ đó trở đi, Sư tử và chim vàng anh trở thành một đôi tri kỉ. Hằng ngày vàng anh bay đi khắp nơi, rồi lại bay về kể cho Sư tử nghe những điều mà vàng anh trông thấy. Vì không còn nhìn thấy nữa, mỗi lần vàng anh bay đi Sư tử chỉ còn biết lắng tai ngóng trông. Mỗi khi vàng anh trở về, nghe giọng nói líu lo ríu rít của cô, Sư tử cảm thấy rất vui vẻ và an lòng. Sư tử chỉ cho vàng anh trên người mình chỗ này còn mảnh vàng, chỗ kia có viên đá… Vàng anh cứ thế lần lượt lấy từng mảnh vàng, từng viên đá một trên mình Sư tử đem đi cho những người nghèo. Cuối cùng, Sư tử chỉ còn là khung thân bằng thép. Tất cả châu báu trên thân thể đã không còn một chút nào nữa.

Trời mùa đông lạnh, tuyết phủ khắp nơi nên mọi người cũng không để ý sự biến đổi của bức tượng sư tử. Nhưng trong quá trình cô vàng anh đi giúp mọi người thì có một câu chuyện kì diệu lan truyền trong khắp thành phố. Dân chúng kể cho nhau rằng có một cô vàng anh hay mang tặng những món quà quý giá cho người nghèo. Người ta còn chụp ảnh cô đăng lên Facebook và các trang mạng. Cô vàng anh Hồng Huế trở nên nổi tiếng, nhưng tuyệt nhiên không một ai biết nguồn gốc thực sự của những món quà ấy. Họ chỉ thấy vàng anh thường hay bay đi, bay về nơi bức tượng sư tử tuyết phủ trắng xoá…

Rồi mùa đông giá rét cũng qua đi. Mùa xuân ấm áp đang tràn về khắp xứ sở, tuyết cũng tan dần… Lúc này, người dân thành phố mới phát hiện ra tình trạng thê thảm của bức tượng sư tử tráng lệ một thời. Sư tử bây giờ chỉ còn là một khung thép đen xì, trơ trụi không còn nổi một mẩu lấp lánh nào nữa.

Mọi người cảm thấy giữ lại bức tượng sẽ làm xấu đi hình ảnh thành phố. Họ thấy chướng mắt khi đống thép đen đúa, xấu xí ấy cứ nằm ngang nhiên giữa trung tâm thành phố mà chẳng được tích sự gì. Cũng có vài người nhìn bức tượng đã biết được ngay nguồn gốc của những món quà quý giá mà chim vàng anh hay mang tới. Nhưng họ cũng chẳng động lòng và cũng chẳng muốn quan tâm nữa, họ chỉ muốn nhanh chóng hạ xuống mà vứt đi cho đỡ xấu thôi.

Chủ tịch thành phố Duy Tuấn thấy vậy, thầm nghĩ: “Số thép này dẫu sao cũng rất đáng giá, đúc lại thành tượng đài của ta thật hợp lý quá!”. Ông triệu tập Uỷ ban nhân dân thành phố để họp bàn. Chủ tịch Duy Tuấn phải mua chuộc rất nhiều người, làm đủ mọi chiêu trò để lôi kéo sự đồng tình nhưng cuối cùng vẫn không đủ phiếu. Vậy là người ta quyết định hạ Sư tử xuống và vứt đi vì không bầu được ai để tạc tượng cả. Chủ tịch Duy Tuấn đành tiu nghỉu từ bỏ tham vọng.

Lại nói đến vàng anh, suốt cả mùa đông qua, không quản ngại khó khăn vất vả, miệt mài nay cũng đã mệt mỏi và yếu hơn trước rất nhiều. Ngày người ta đến dỡ bỏ bức tượng, cũng là lúc vàng anh đang nằm thoi thóp chờ trút hơi thở cuối cùng. Khi bức tượng sắp bị kéo xuống thì người ta nghe thấy một tiếng “rắc” rất to. Trái tim của Sư tử vỡ đôi ngay khi mi mắt vàng anh vừa khép lại. Người ta đem khung thép nấu chảy ra để tái chế nhưng kì lạ thay, trái tim ấy không chảy. Nhưng cũng chẳng ai buồn quan tâm. Thế rồi cả trái tim ấy và xác cô vàng anh đều bị cho vào thùng rác.

Một hôm, có một Đạo sư đi qua thành phố ấy với một đoàn rất nhiều đệ tử. Đến chỗ bức tượng toạ lạc khi xưa, Đạo sư cất tiếng hỏi:

– Các học trò giỏi, các con hãy đem cho ta hai vật quý báu nhất của thành phố này!

Trong khi mọi người đang xôn xao bàn luận thì cô bé Hà Anh, khuôn mặt thông minh, xinh xắn có vẻ như đã đoán ra được ý Sư phụ bèn chạy đi hỏi han xung quanh một lúc. Mọi người thấy cô bé nhiệt tình thì cũng hào hứng kể lại những điều đặc sắc trong thành phố. Cuối cùng, cô đã đem về dâng lên Sư phụ xác chim vàng anh và trái tim vỡ. Sư phụ rất hài lòng, tập hợp các học trò lại. Và tất cả học trò ngồi đó trong im lặng, chăm chú, lắng nghe Sư phụ kể về câu chuyện trái tim Sư tử và chim vàng anh bé nhỏ…

Sau đấy, vị Đạo sư cũng đã có cuộc gặp gỡ nói chuyện với chủ tịch thành phố. Đạo sư không quên kể về câu chuyện Sư tử và chim vàng anh. Chủ tịch Duy Tuấn chợt ngộ ra rằng việc đúc tượng tôn vinh bản thân mình là việc làm vô nghĩa. Cảm động trước câu chuyện hy sinh cao quý của Sư tử và chim vàng anh, ông liền quyết định cho đúc biểu tượng trái tim vỡ đôi và chim vàng anh đặt ở vị trí trang trọng giữa thành phố, nơi trước đây từng là chỗ đứng của bức tượng sư tử năm nào.

Từ đó trở đi, trái tim và chim vàng anh là biểu tượng mới của thành phố, đại diện cho tình yêu vĩ đại và sự hy sinh cao cả không gì sánh được.


Zangthalpa mỉm cười hiền hậu, kết thúc câu truyện:

Các bạn nhớ không, tôi đã kể về ước nguyện làm hòn đá đặt chân. Câu truyện về Sư tử và chim vàng anh là minh hoạ rõ ràng nhất cho hành động sẵn sàng làm hòn đá đặt chân của những người thực hành con đường Bồ tát. Làm điều tốt một cách tự nhiên, không cần ai biết tới và sẵn sàng hy sinh những thứ tốt đẹp nhất, thậm chí cả tính mạng của mình vì người khác.

Điều này chỉ có thể có ở một trái tim tràn đầy tình yêu thương. Cho dù vạn vật đều không tránh khỏi sự đổi thay hàng ngày, trái tim thương yêu sẽ vẫn luôn là biểu tượng có khả năng tồn tại lâu bền theo thời gian. Nếu nói rằng có một thứ gì đó có sức mạnh to lớn cảm hóa được người khác thì đó chính là tình yêu thương kèm theo hiểu biết!

Thầy Trong Suốt kể ngày 04/05/2014 tại Hà Nội.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 16: Đừng giúp người khác bằng những điều mình chưa thực chứng.

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.

Mời các bạn quan tâm theo dõi truyện Zangthalpa tại đây 
https://trongsuot.com/2017/08/22/kho-tang-truyen-co-tich-trong-suot-zangthalpa/