Zangthalpa – Phần 18: Sự Giác Ngộ Của Cư Sĩ Cấp Cô Độc

(Phần tiếp theo)

Zangthalpa nói tiếp:

– Ngay ở thời Đức Phật, không chỉ các bậc tu sĩ mà đã có nhiều bậc nam cư sĩ và nữ cư sĩ, tu hành giữa đời thường, đạt được sự giác ngộ theo 1 trong 4 thánh quả khác nhau. Có thể kể tới:

Những cư sĩ đắc thánh quả Nhập Lưu, như ông Cấp Cô Độc, ông Jīvika, vua Bimbisāra, bà Visākhā v.v…
Những cư sĩ đắc thánh quả Nhất Lai, như Sumanā con gái ông Cấp Cô Đốc, Mahānāma ông hoàng Thích ca v.v…
Những cư sĩ đắc thánh quả Bất Lai, như thiện nam Chattapāni ở Sāvatthī, gia chủ Citta ở Macchikāsaṇda, gia chủ Ugga ở Vesāli, Mẹ của thôn trưởng Mātikāgāma, cha và mẹ của nàng Māgandiya v.v…
Những cư sĩ đắc thánh quả A la hán như vua Tịnh Phạn (Suddhodana), Đại thần Santati, du sĩ Bāhiya…

Khi nói đến “Đại đệ tử”, người ta thường nghĩ ngay tới những Đại Thánh tăng đã đắc quả cao nhất và lỗi lạc nhất trong hàng Thanh văn đệ tử Phật. Nhưng có lẽ trong số những Đại đệ tử ấy, nhiều người đã từng nghe tới cái tên Cấp Cô Độc (Anathapindika) – một vị nam cư sĩ rất nổi tiếng thời Đức Phật còn tại thế.

Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh đô Xá Vệ của vương quốc Kiều Tát La, miền Bắc Ấn Độ. Ông trên thật là Tu Đạt, nhưng vì thường hay chu cấp, giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, danh tiếng vang lừng cả vương quốc, cho nên mọi người đã kính mến và tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”.

Là một cư sĩ tại gia với biết bao bộn bề, lo toan cho cuộc sống: phải làm ăn kinh doanh; nuôi dạy con cái; chu toàn các mối quan hệ trong gia đình lẫn bên ngoài xã hội mà vẫn có thể chuyên tâm tu hành, đạt được giác ngộ, Cấp Cô Độc xứng đáng là một tấm gương sáng chói cho các thế hệ Phật tử mọi thời đại đặc biệt là hàng cư sĩ noi theo.

Tôi xin kể vài sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời ông Cấp Cô Độc để các bạn hình dung được ông ấy đã tu tập và đạt được giác ngộ như thế nào trong đời sống thế tục đầy rẫy trách nhiệm và chằng chịt các mối quan hệ đó:

1. NHÂN DUYÊN VỚI ĐỨC PHẬT.

Cấp Cô Độc có người anh vợ là một thương gia giàu có ở tại thành Vương Xá. Mỗi khi có việc sang đây, ông đều trú tại nhà người anh vợ này. Một hôm đến đây, Cấp Cô Độc thấy ông anh vợ cùng gia nhân không tiếp đón mình chu đáo như mọi khi mà lại đang bận rộn tíu tít sửa soạn một bữa tiệc lớn cho ngày mai. Ông hỏi thăm thì người anh vợ nói:

– Ngày mai anh cung thỉnh Phật và chư vị tì kheo đệ tử của Ngài đến thọ trai tại nhà.

Mới nghe tiếng “Phật” từ chính miệng ông anh vợ nói ra. Cấp Cô Độc bỗng thấy lòng nảy sinh niềm hứng thú lạ thường. Ông yêu cầu người anh vợ nói thêm rõ ràng về bậc giác ngộ cho ông nghe. Nhân cơ hội đó, người anh vợ đã nói cho Cấp Cô Độc biết về tư cách, đức độ và trí tuệ siêu việt của đức Phật. Chính ông đã được nghe Phật nói pháp và được làm đệ tử tại gia của Ngài.

Thật là một cơ duyên mầu nhiệm! Khi nghe được những điều đó Cấp Cô Độc cảm thấy sung sướng vô cùng, tỏ lòng kính ngưỡng tha thiết đối với đức Phật. Nghĩ rằng, chỉ qua một đêm nay thôi, ngày mai là mình sẽ có cơ hội quí báu được gặp Phật ngay tại căn nhà này, ông rất vui và yên chí đi ngủ.

Tưởng rằng sẽ được ngủ ngon giấc, nhưng không, suốt đêm đó ông đã không ngủ được, lòng cứ nôn nao, mong cho trời mau sáng để được gặp Phật. Ông vùng dậy đến ba lần vì tưởng trời đã sáng, nhưng mà màn đêm vẫn cứ còn dày đặc. Cuối cùng, không thể chờ đợi được, ông thức dậy hẳn. Dù trời chưa sáng, ông vẫn nhất quyết đến Trúc Lâm để tìm gặp Phật.

Khi ông vào đến khuôn viên tu viện thì trời tờ mờ sáng. Dù lòng đang nôn nóng, nhưng ông cũng thấy có phần e ngại. Bỗng nhiên ông nghe tiếng người gọi đích danh:

– Hãy đến đây, này thiện bá hộ dòng họ Tu Đạt

Tu Đạt Cấp Cô Ðộc giật mình đánh thót, kinh ngạc vô cùng khi nghe mấy lời “đón tiếp” nghiêm trang ấy. Vì trong vùng Vương Xá thành, ngoại trừ gia đình người anh rể, không một ai biết được tên họ của ông. Người ta chỉ biết ông qua cái danh hiệu Mạnh Thường Quân “Cấp Cô Ðộc”, nhưng cũng ít người biết được mặt thật của ông, bởi trong việc cứu giúp hàng ngàn, hàng vạn dân nghèo, gia nhân ông đã thay thế ông làm hầu hết. Càng ngạc nhiên hơn nữa, là ông chưa bao giờ làm quen với “bóng người” đứng trước mặt kia. Nhất là ông đã đến bất thình lình không báo trước!

Một phút ngạc nhiên và yên lặng trôi qua… Lời “đón tiếp” của “bóng người” dường như có một linh lực khiến cho hai chân ông tự động bước tới. Khi đến gần thì ông nhận ra một tu sĩ phi phàm thoát tục. Tu Ðạt Cấp Cô Ðộc tự nhiên không nghi ngờ gì nữa. Ông tin chắc đây là Đức Phật, liền sụp lạy, chắp tay thành kính và vì cảm động, nói đứt quãng, không thông lời, rằng:

– Lạy Phật! Ngài có được bình an không?

– Như Lai luôn luôn bình an! Chúc lành ông vừa đến thăm.

Nghe câu trả lời thanh tịnh và từ ái ấy, Cấp Cô Ðộc cảm thấy vô cùng thỏa thích, và đến gần Phật hơn nữa để nghe những lời cao thượng tiếp theo. Ông tự giới thiệu mình và kể cho Phật nghe tâm trạng của ông từ hôm qua đến giờ, rồi xin Phật dạy cho ông về đạo lí. Đó là một buổi sáng tại tu viện Trúc Lâm, khi mùa an cư lần thứ ba của Phật chấm dứt.

Sau khi nghe bài pháp đầu tiên về Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế: khổ-tập-diệt-đạo), Cấp Cô Độc đã chứng quả Nhập lưu (Sotāpanna), quả vị thứ nhất trong bốn qủa Thánh, ngay tại chỗ. Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn là thánh quả đầu tiên trong bốn thánh quả của Phật giáo Nguyên thuỷ: Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, A La Hán. Nhập là vào, lưu là dòng, nghĩa là vào được dòng Thánh. Tu Đà Hoàn là những vị tu hành đạt được chứng quả nhưng vẫn còn phải trở lại trần gian bảy lần nữa rồi sau đó mới chứng quả A La Hán, mới không còn sanh tử luân hồi. Người tu chứng quả Tu Đà Hoàn, tuy còn sanh tử bảy lần nữa, song tâm không thối lui, chắc chắn sẽ giác ngộ, từ tiến vào dòng Thánh đến trọn vẹn thành bậc A La Hán. Tâm ông Cấp Cô Độc bừng sáng. Ông vui sướng đảnh lễ và xin Phật chấp nhận cho ông được làm đệ tử tại gia của Ngài. Phật hoan hỉ ưng thuận.

Khi đức Phật hướng dẫn chư tăng đến thọ lễ cúng dường tại nhà người anh vợ của ông, ông cũng thỉnh Phật và chư tăng ngay ngày hôm sau đến đây để thọ lễ trai tăng do chính ông cúng dường. Trong lễ trai tăng này, Cấp Cô Độc đã thành khẩn thỉnh cầu Phật và chư tăng sang Xá Vệ, quê hương ông, để truyền bá chánh pháp. Ông phát nguyện sẽ kiến lập một ngôi tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ để cúng dường Phật và giáo đoàn làm cơ sở tu học và hành đạo tại vương quốc Kiều Tát La.

2. DÁT VÀNG VƯỜN KỲ ĐÀ ĐỂ CÚNG DƯỜNG

Lời thỉnh cầu xây dựng tu viện đã được Phật hứa khả. Cấp Cô Ðộc liền trở về thành Xá Vệ để tìm địa điểm xây cất. Ông đã đi quan sát nhiều nơi chung quanh kinh thành, nhưng đều không ưng ý.

Bấy giờ, thái tử Kì Đà của nước Kiều Tát La, có một khu vườn cây nằm sát kinh thành, do vua cha là Ba Tư Nặc ban cho. Nơi đó rộng rãi, thanh tịnh, phong cảnh tươi đẹp, tao nhã. Thật là một địa điểm thích hợp để lập tu viện. Cư sĩ Tu Đạt vừa ý lắm, bèn vào hoàng cung xin gặp thái tử để thương lượng mua lại. Gặp thái tử, ông trình bày ước muốn của mình là được mua khu vườn cây của thái tử để xây cất tu viện cúng dường đức Phật và giáo đoàn của Ngài, làm cơ sở tu học và hoằng pháp. Thái tử không muốn bán, bèn nói đùa:

– Khu vườn ấy là của phụ hoàng cho tôi. Tôi quí nó như vàng. Nếu ông có thể đem vàng ròng trải kín đầy mặt đất khắp khu vườn thì tôi mới chịu bán nó cho ông.

Nhưng Cấp Cô Độc thì cho đó là lời nói nghiêm túc, bèn trả lời:

– Thưa vâng. Sáng mai tôi sẽ chở vàng tới và làm đúng theo điều kiện của thái tử vừa đưa ra.

Thật là bất ngờ! Thái tử giật mình kinh ngạc:

– Tôi chỉ nói đùa thôi mà, chứ khu vườn đó tôi không muốn bán đâu. Ông đừng chở vàng tới!

Nhưng trưởng giả vẫn nghiêm trang:

– Thưa thái tử! Ngài là bậc vương giả. Ngài đã nói điều gì thì điều ấy không thể chối bỏ được.

Thái tử đành nhượng bộ, nhưng trong lòng vẫn mong cho Cấp Cô Độc không có đủ vàng để ông khỏi mất khu vườn. Không để cho thái tử có thì giờ nói thêm lời gì, Cấp Cô Độc vội vã cáo từ.

Sáng hôm sau, khi thái tử ra đến khu vườn thì đã thấy vàng của Cấp Cô Độc đã chở tới rồi, và gia nhân của ông đang lót vàng trên mặt đất vườn. Thái tử chứng kiến cảnh tượng lót vàng mà càng lúc càng cảm thấy kì lạ. Thái tử linh cảm đây không phải là chuyện bình thường. Ông trưởng giả chịu bỏ ra từng đống vàng một cách không tiếc rẻ để chỉ mua một khu vườn cây chỉ có giá trị giải trí chứ không có lợi tức gì thiết thực cả như thế này, thực ra là vì chuyện gì? Như vậy, con người mà ông trưởng giả gọi là “Phật” đó, chắc chắn phải là một nhân vật ghê gớm lắm! Lúc ấy vàng đã được trải gần kín hết khu vườn, và Cấp Cô Độc thì đang đứng nhìn những gốc cây có vẻ tư lự. Thái tử đến vỗ vai Cấp Cô Độc, hỏi:

– Ông đang suy nghĩ gì mà không tiếp tục lót cho hết vàng? Ông muốn thay đổi ý kiến chăng?

Cấp Cô Độc giật mình, vội trả lời:

– Không phải vậy, tôi đang suy nghĩ xem làm sao mà trải vàng lấp được những gốc cây. Khó quá!

Rồi thái tử xin ông nói cho nghe về đức Phật và giáo đoàn của Ngài, xem có gì đặc biệt. Mắt ông Cấp Cô Độc bỗng sáng lên vì hãnh diện. Ông bắt đầu nói về tư cách, đạo đức và trí tuệ vượt bậc của Phật, về giáo pháp mà Phật đã dạy cho ông, và về đời sống thanh cao, phạm hạnh của giáo đoàn. Thái tử nghe những điều ông nói, cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng, liền đề nghị:

– Thôi, lót vàng như thế cũng đủ rồi, đừng suy nghĩ nữa. Thẻo đất trống còn lại, và tất cả cây trong vườn, tôi xin cúng dường Phật, gọi là xin đóng góp chút ít vào công trình cao đẹp của ông. Cứ coi như là ông cúng đất và tôi cúng cây để xây tu viện.

Được một người như thái tử thấu hiểu và thật tâm ủng hộ mình, Cấp Cô Độc hân hoan không xiết kể. Từ đó, khu vườn được gọi tên là: “Vườn Cấp Cô Độc với cây của Kì Đà”.

Thế là địa điểm đã có, cư sĩ Cấp Cô Độc lập tức trở lại thành Vương Xá để trình lên Phật biết, và xin Phật ban cho ý kiến về việc xây cất tu viện. Đức Phật đã phái tôn giả Xá Lợi Phất cùng đi tới Xá Vệ với Cấp Cô Độc để trông nom công việc xây cất.

Đến Xá Vệ, tôn giả Xá Lợi Phất trú ngay tại khu vườn cho tiện việc điều động công tác. Buổi tối tôn giả thường nói pháp ngay tại khu vườn. Số người nghe pháp ngày càng đông, Phật chưa đến mà Phật pháp đã được dân chúng hâm mộ.

Bốn tháng sau thì công tác kiến thiết hoàn tất. Tu viện có tịnh thất của Phật, có tăng xá, thiền đường, giảng đường, nhà dưỡng bệnh, nhà tắm, hồ nước, đường thiền hành v.v… coi như là đầy đủ tiện nghi, và có vẻ bề thế hơn cả tu viện Trúc Lâm. Tu viện được gọi bằng nhiều tên: Kì Viên, Kì Hoàn, Cấp Cô Độc, hay Kì Thọ Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá Lợi Phất trở về Vương Xá thỉnh Phật và tăng chúng sang thành Xá Vệ. Trong khi đó, cư sĩ Cấp Cô Độc và thái tử Kì Đà thì lo chuẩn bị mọi thứ hoàn hảo để nghênh đón Phật và giáo đoàn.

Trong thời gian cư trú tại Xá Vệ vừa qua, tôn giả Xá Lợi Phất đã bị hàng trăm vị luận sư trứ danh của ngoại đạo thách thức tranh luận. Với trí tuệ và tài hùng biện, tôn giả đã khéo léo hàng phục tất cả và đưa họ vào con đường chánh pháp. Những ngày trước đây, câu chuyện “trưởng giả Cấp Cô Độc không tiếc vàng bạc, đã mua vườn cây của thái tử Kì Đà xây tu viện cúng dường cho bậc giác ngộ và giáo đoàn của Ngài sẽ tới từ vương quốc Ma Kiệt Đà”, đã được lan rộng trong dân chúng thủ đô Xá Vệ; bây giờ lại thêm câu chuyện “một vị đệ tử của bậc giác ngộ đã tranh luận chiến thắng cả trăm vị luận sư trứ danh Bà la môn”, lại càng làm cho dân chúng hân hoan đón nhận một tôn giáo mới; và cư sĩ Cấp Cô Độc, nhờ đó mà tín tâm đối với Phật pháp càng thêm sâu đậm, sắt đá, khó có gì lay chuyển nổi. Bởi vậy, ngày mà đức Phật dẫn giáo đoàn tiến vào thủ đô Xá Vệ, dân chúng trong thành đã tự động cùng đi theo cư sĩ Cấp Cô Độc và thái tử Kì Đà, đón rước Phật thật linh đình, như là ngày hội lớn của kinh đô.

Cư sĩ Cấp Cô Độc và thái tử hướng dẫn Phật và giáo đoàn về thẳng tu viện Kì Viên. Thấy cơ sở được kiến thiết một cách chu đáo, Phật ngỏ lời khen ngợi công đức cúng dường của Cấp Cô Độc. Kì Viên là trung tâm tu học và hành đạo to lớn được xây cất sau tu viện Trúc Lâm. Đức Phật đã trải qua mùa an cư thứ tư tại đây. Từ mùa an cư thứ hai mươi, do được chư tăng cung thỉnh, mỗi năm cứ tới mùa mưa, Ngài lại về an cư tại Xá Vệ. Tổng cộng, tại tu viện này, đức Phật đã an cư cả thảy mười chín lần. Phần lớn các kinh điển cũng đã được Phật thuyết tại đây. Trưởng giả Cấp Cô Độc thường là đối tượng để Phật nói các bài pháp dành cho hàng cư sĩ.

  1. CÚNG DƯỜNG QUÝ Ở TẤM LÒNG CHỨ KHÔNG Ở VẬT CHẤT

Cấp Cô Độc tình nguyện tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm nuôi nấng Tăng Già và bảo trì ngôi chùa Kỳ Viên cho đến trọn đời. Ông cung cấp hằng ngày tứ sự cúng dường đến chư Tăng. Mỗi buổi sáng, ông dâng cơm nước. Còn buổi chiều thì ông hộ độ thuốc men, nhang khói các lễ đài, và đôn đốc gia nhân rửa sạch bát dĩa, giặt giũ y phục, mền chiếu, cũng như quét dọn, lau chùi toàn diện ngôi chùa một cách thận trọng. Nói tóm lại là những công tác gì chư Tăng không thể làm được thì ông cắt đặt nhân viên thực hiện chu toàn. Nhất là việc chăm sóc vườn hoa và những cây cối rợp bóng mát, cùng ao sen, giếng nước và hồ tắm, để cho khuôn viên xung quanh ngôi chùa được luôn luôn tươi nhuận, hợp vệ sinh.

Về sau này, khi số Tăng chúng tụ tập tại chùa và những thiền viện phụ cận, lên đến hàng ngàn vị, thì hằng ngày, ngoài việc hộ trì toàn thể chùa Kỳ Viên, Cấp Cô Độc còn thỉnh thêm bảy trăm đại Tỳ kheo về nhà trai Tăng nữa. Nhà ông là một tòa lâu đài cao bảy từng, mỗi từng chứa một trăm Sa môn, nên đến giờ ngọ thực, lâu đài ấy trông giống như một cõi Phạm hạnh, vì từ trên xuống dưới thấp thoáng đầy bóng y vàng và lời ăn tiếng nói thấm nhuần thiện pháp.

Khi tiếng khen về tấm lòng hộ pháp, rộng rãi phi thường của Cấp Cô Độc lan rộng khắp nơi, thấu tai quốc vương Ba Tư Nặc. Nhà vua muốn ganh đua danh tiếng với ông, đã bảo cận thần mời năm trăm vị Tỳ kheo vào cung cúng dường mỗi ngày. Một hôm nhà vua có ý định gặp chư Sa môn để xem phản ứng của họ về sự hộ độ rộng rãi của mình ra sao thì được vệ quan cho biết rằng:

– Các thức ăn thức uống của triều đình dành cho chư Tăng, tuy đã dọn sẵn và mời họ tự tiện dùng nhưng các Sa môn lại đem trao cho những Phật tử nhiệt thành khác, rồi bảo họ dâng cúng trở lại, cho hợp lẽ đạo.

Nhà vua cảm thấy khó chịu, thắc mắc rằng:

– Thực phẩm của hoàng gia là những thức ăn thượng hạng, không phải tầm thường, thế mà chư Sa môn đã chẳng tranh nhau thọ dụng, để khen ngợi mà còn có những cử chỉ kỳ lạ?

Sau đó, quốc vương Ba Tư Nặc đến gặp Phật để hỏi duyên cớ thì được Phật trả lời:

– Này bệ hạ! Sự cúng dường đến chư Tăng mời vô hoàng cung của bệ hạ chỉ có hình thức vật chất, nhưng không có giá trị tinh thần. Các quan quân được bệ hạ giao làm việc ấy chỉ biết hành động vì tuân lệnh. Họ tuân lệnh bố thí đến các hàng Sa môn như tuân lệnh dọn quét, rửa ráy một chỗ dơ bẩn, hay tuân lệnh lùng bắt một tên trộm nộp trước triều đình, chứ trong thâm tâm họ không có tối thiểu hiểu biết gì về thiện nghiệp của mình cả. Cũng như họ không có một niềm kính ngưỡng xứng đáng nào đến chư Tỳ kheo Tăng. Trong đầu họ còn nghĩ rằng: “Những Sa môn cao tuổi này chắc không biết làm gì để sống nên phải ăn bám nhờ dân chúng!”

– Này bệ hạ! Khi hiến tặng một vật mà người làm tỏ ra thái độ ấy thì người nhận không dám thọ dụng một cách yên tâm, cho dù vật hiến tặng có đắt giá đến đâu đi nữa! Ngược lại, khi những thí chủ gương mẫu như Cấp Cô Độc hay Nguyệt Trang tín nữ dâng cúng bất cứ vật gì, họ cũng hành động với tất cả lòng thành. Chư Tỳ kheo Tăng lúc nhận, cũng thọ dụng một cách thanh tịnh và quán tưởng rằng: “Bậc xuất gia hằng ngày được thiện nam tín nữ hộ độ thì phải chăm lo tu hành để hồi hướng phúc đức cho toàn thể nhân loại chúng sanh”. Rồi họ từ bi đón nhận vật thí.

– Một bữa cơm đạm bạc, hiến dâng bởi một tấm lòng thành vẫn quý hơn cao lương mỹ vị mà đem cho với sự lạnh lùng hay bằng một thái độ khinh bỉ.

– Này bệ hạ! Chắc bệ hạ còn nhớ câu ngạn ngữ: “Cơm chua mà thành tâm chia sớt cho nhau thì cũng trở thành ngon ngọt?”

Rồi để nhà vua dễ nhớ, đức Phật còn ngâm câu kệ rằng:

“Nắm cơm tuy có tầm thường
Nhưng tâm thành kính khi nhường cho nhau.
Thì cơm ngon biết dường nào,
Ăn cơm ngon ấy tâm vào an vui”.

  1. KHÉO LÉO TIẾP ĐỘ THÂN NHÂN VÀO CHÁNH PHÁP

Cấp Cô Độc có một gia đình đầm ấm với vợ hiền và 4 người con: ba gái một trai. Vợ ông tên là Punnalakkhana, nghĩa là “Nữ nhân phúc tướng”, và bà đã có một đời sống trưởng giả đúng như ý nghĩa cái tên của bà. Trong gia đình, phu nhân Punnalakkhana luôn được sự yêu kính của tất cả mọi người. Bà như một nữ thần hằng bảo vệ toàn gia tộc, hiền lành với kẻ ăn người ở và thường xuyên hộ độ chư vị Thánh Tăng.

Trong ba tiểu thư, có hai nàng tên là Tiểu Minh và Ðại Minh thấm nhuần chánh pháp như thân phụ Cấp Cô Độc. Ba nghiệp thân, khẩu, ý hằng ngày của hai nàng vốn noi gương cha nên danh thơm đạo đức và sinh hoạt kinh doanh luôn luôn thịnh vượng. Hai cô đã lấy chồng xứng đáng và trở nên giàu có. Riêng cô gái thứ ba Mỹ Hoa có trí tuệ đặc biệt siêu phàm, khi được nghe Phật thuyết pháp thì ngày đêm tu thiền hết sức tinh tấn.

Tuy nhiên, người con trai duy nhất của Cấp Cô Độc tên là Kàla lại trái ngược hẳn với các cô con gái. Cậu ta là đứa con nối dòng của gia tộc họ Tu Ðà. Kàla không muốn biết bất cứ một giáo thuyết nào cả, hằng ngày cậu chỉ miệt mài trong nghề buôn bán làm giàu. Một hôm Cấp Cô Độc đã khuyến khích con mình giữ Bát quan trai giới bằng cách thưởng cho một ngàn đồng tiền vàng. Cậu ta liền bằng lòng, và sau đó cảm thấy ngày thọ giới Bát quan trai đã làm cho tâm hồn cậu ta dễ chịu. Thế là từ ấy về sau, mỗi tuần Kàla nghỉ buôn bán một ngày, để cùng với gia đình thọ Bát quan trai giới. Nhờ vậy mà cái không khí giữ Bát quan trai của gia đình Cấp Cô Độc đã trở nên đồng thuận, thoải mái, chứ không phải là một hình thức làm cho Kàla bực bội, khó chịu như thuở trước.

Tiếp theo, Cấp Cô Độc lại khuyến khích con trai mình đến chùa vào những ngày lễ để nghe đức Phật thuyết pháp, cũng bằng cách thưởng cho một ngàn đồng tiền vàng khác. Kàla lại một lần nữa vui mừng chấp thuận. Nhưng lần này chính là bước ngoặt của đời sống tâm linh cậu ta. Vì sau khi nghe pháp, tâm trí cậu bừng sáng hẳn.

Kể từ đó, sinh hoạt hằng ngày của Kàla cũng giống như phụ thân chàng là chỉ biết tu hành, làm phước. Cậu đã trở thành một trong những thí chủ quan trọng nhất của Phật giáo. Người ta đã gọi Kàla là “Thiếu Mạnh Thường Cấp Cô Ðộc” để phân biệt với danh hiệu của phụ thân chàng là “Thái Mạnh Thường Cấp Cô Ðộc”.

Khi cậu Kàla lập gia đình, lại gặp phải một người vợ ngỗ nghịch, ỷ con nhà giàu, không nghe lời cha mẹ chồng, không nể nang sự khuyên bảo của chồng, mà cũng không tín phụng Phật pháp. Một hôm, đức Phật đến nhà thăm cư sĩ Cấp Cô Độc thì vừa gặp đúng lúc cô con dâu của ông đang quát tháo ồn ào ở nhà sau. Ngài liền cho gọi cô ấy lên và giảng cho cô nghe một bài pháp về “bảy hạng người vợ trên thế gian”. Sau khi nghe bài pháp này, cô lấy làm hổ thẹn và xin hứa với Phật sẽ quyết tâm đổi tính nết để trở thành một người vợ hiền, một con dâu hiếu thảo. Từ đó, gia đình của cư sĩ Cấp Cô Độc ngày càng trở nên hoà thuận, êm ấm.

  1. ĐỐI VỚI BẰNG HỮU: KHIÊM TỐN, CHÂN THÀNH

Một trong những người bạn của Cấp Cô Độc làm nghề bán rượu. Ông biết vậy nhưng vẫn đối xử bình thường như một người bạn. Ngày kia, người bạn “bán rượu” này, vì sự bất cẩn của một tên giúp việc, đã mất hết sản nghiệp. Cấp Cô Độc hay tin ấy, liền đến chia buồn và tùy khả năng giúp bạn, chứ không phân biệt nghề nghiệp của bạn mình có hợp với Phật giáo hay không. Nói một cách khác: Cấp Cô Độc là một thiện tín giữ giới luật rất trong sạch, gương mẫu, nhưng ông không bao giờ ép buộc người thân phải làm như ông, hay tỏ ra mình đủ giới hạnh rồi xem thường kẻ khác!

Hầu hết những thân hữu của Cấp Cô Độc là những người không theo Phật giáo, và giữ tín ngưỡng riêng. Thậm chí một số lớn còn là đệ tử của những đạo sĩ du phương cầm đầu, đại diện cho nhiều môn phái đang phát triển mạnh ở Trung Ấn Ðộ thuở bấy giờ. Thế mà một hôm Cấp Cô Độc tỏ nhã ý mời hết những thân hữu ấy đến nghe đức Phật thuyết pháp, thì họ đồng loạt vui vẻ đi liền. Và chỉ sau khi nghe thuyết pháp, lần đầu tâm hồn họ đã đổi khác. Một sự kinh cảm thấy được chân lý đã thúc đẩy họ lần lượt xin làm đệ tử Phật.

Và kể từ đó họ thường xuyên lui tới Kỳ Viên Tự, mang bốn món vật dụng đến dâng cúng cho chư Tăng và tinh tấn giữ tám giới trong những ngày thánh lễ. Nhưng tiếc thay, thiện hạnh ấy họ không thực hiện được lâu, vì sau đó, khi đức Phật đi hóa đạo phương xa, vắng mặt trong thành Xá Vệ, thì họ lại chểnh mảng ít đi chùa, rồi dần dần quay trở lại với những giáo chủ cũ.

Mấy tháng sau, khi đức Thế Tôn trở về thành Xá Vệ, Cấp Cô Độc lại dẫn những người bạn ấy đến thăm đức Phật. Lần này, đấng Toàn Giác không những giải rõ cho họ thấy các khía cạnh thực tế hữu ích của Phật giáo, mà Ngài còn cảnh cáo rằng:

– Chẳng có một Thần linh hay Thượng đế nào có thể che chở cho con người tránh khỏi khổ đau phiền não hơn là tự mình tự tu, tự độ, trong sự thường xuyên thân cận với Phật, Pháp, Tăng, lấy ba ngôi ấy làm chỗ nương nhờ tuyệt đối và làm đuốc soi đường.

Ai sinh ra vào thời có đức Phật độ sinh là một dịp may hiếm có. Nếu vì tăm tối lại để mất cơ hội học hỏi, tu hành theo Phật giáo là một điều vô cùng đáng tiếc! Ngược lại, ai sáng suốt khi tìm thấy chân lý Phật giáo rồi, liền nhất tâm qui y Tam bảo, trau giồi giới hạnh, tăng cường thiện nghiệp, thì người ấy nếu không được giải thoát trong kiếp này thì kiếp sau chắc chắn sẽ hạnh phúc tái sinh làm người hay làm trời.

Ðoạn đức Thế Tôn tán dương đức lành của Tam bảo (Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng) bằng những kệ ngôn sau đây:

Tìm giải khổ vào nơi rừng núi
Hay đền thờ, cây cối vườn hoang
Nơi nào vốn cũng lầm than
Tử sinh đeo đuổi không đường thoát thân.
Nhưng nếu đặt niềm tin Tam bảo
Phật, Pháp, Tăng thánh báu rõ ràng
Tâm nhuần Tứ Ðế, hành trang
Sống theo Bát Chánh, con đường cứu thân.
Ðến cõi giác bụi trần phủi sạch
Nẻo luân hồi cũng tách lìa xa
Không sinh, không bệnh, không già
Không trong tam giới, không là triệt tiêu!

Xuyên qua những câu kệ ngắn, gọn và thâm thúy như thế, đức Toàn Giác đã kích thích được chánh tâm của những người bạn Cấp Cô Độc, khiến họ hiểu thấu chân lý giải thoát trong Phật giáo, nhất là các pháp Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo. Rồi từ lúc nghe câu kệ, sau này đều đã đạt được những thành tựu trong Pháp. Do đó, chúng ta có thể nói chính Cấp Cô Độc đã tiếp độ được bạn bè mình vậy!

  1. SÁNG SUỐT LỰA CHỌN NGƯỜI HỢP TÁC

Cấp Cô Độc cũng có tài tuyển chọn người hợp tác rất chính xác. Ông có một người bạn từng chơi với nhau từ lúc tuổi còn thơ. Người bạn này mang một cái tên nghe không mấy gì đẹp tai là “Bất Hạnh Ðiểu” (tức con chim xui xẻo). Nhưng Cấp Cô Độc không mê tín mà úy kỵ cái tên “xấu” ấy, ông luôn luôn đối xử thân mật với Bất Hạnh Ðiểu, và khi người bạn nghèo túng, ông còn sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, rồi đua bạn mình vào làm việc trong tư gia.

Thân nhân và người lối xóm ai cũng chỉ trích Cấp Cô Độc đã mang điềm xấu (Bất Hạnh Ðiểu) vô nhà. Nhất là họ viện dẫn rằng: “Bất Hạnh Ðiểu thuộc về giai cấp thấp hèn hơn Tu Đạt Cấp Cô Ðộc”. Nhưng Cấp Cô Độc đã thẳng thắn phản đối. Ông nói:

– Cái tên chỉ là cái tên! Trong biệt danh không có sự lành sự dữ! Người trí không bao giờ bận tâm với chuyện dị đoan vô ích.

Ngày kia, Cấp Cô Độc đi buôn bán xa. Ông giao phó nhà cửa cho Bất Hạnh Ðiểu trông coi. Bọn ăn trộm nghe tin ông bá hộ vắng mặt liền lập mưu cướp của. Nhưng khi chúng núp xung quanh ngôi nhà, chờ dịp xâm nhập, thì Bất Hạnh Ðiểu nhờ tính cảnh giác và thông minh canh chừng, đã dùng chuông trống đánh ầm lên, như trong nhà đang thiết lễ lớn, khiến cho bọn gian nhân đang rình ăn trộm bên ngoài hoảng sợ, tưởng rằng ông bá hộ và đoàn vệ sĩ hiện có mặt trong nhà chứ không đi đâu cả. Thế là chúng im lặng rút lui.

Khi Cấp Cô Độc và đoàn tùy tùng trở về, thấy nhà cửa an toàn, đồng thời nghe câu chuyện bọn cướp bị thất bại ấy, ông bèn tuyên bố với những người “dị đoan” đã chỉ trích ông rằng:

– Ðấy! Quí vị thấy chưa? Bất Hạnh Ðiểu đã làm việc rất hữu hiệu, đẩy lui được trộm cướp. Nếu tôi nghe theo lời khuyên dị đoan của các người, đuổi Bất Hạnh Ðiểu đi, thì bây giờ tôi đã mất của rồi.

  1. DŨNG CẢM ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁI XẤU

Một lần nọ, một nhóm người nghiện nhậu trong thành Xá Vệ hết tiền mua rượu. Họ bèn nghĩ ngay đến cách làm thế nào để phục rượu Cấp Cô Độc, ông bá hộ rất bình dân, hằng sống gần gũi với những dân nghèo. Trong đầu óc bọn người nghiện rượu này nghĩ rằng: “Hễ phục rượu được cho ông bá hộ thật say thì họ sẽ dễ dàng móc túi lấy tiền!”. Sau thời gian theo dõi, họ biết Cấp Cô Độc thường dùng một con đường đặc biệt để tới lui thăm viếng nhà vua, họ bèn dựng lên một quán nhậu trên con đường ấy. Khi Cấp Cô Độc đi ngang thấy họ, dừng chân lịch sự chào hỏi, thì họ lập tức mời ông uống rượu. Cấp Cô Ðộc liền nhã nhặn từ chối và nói rằng:

– Một Phật tử thuần thành không bao giờ say sưa. Rồi ông bỏ đi.

Nhưng nhóm người nghiện rượu vẫn không chịu bỏ qua. Họ chờ ông bá hộ thăm vua xong, trên đường trở về, sẽ mời uống rượu một lần nữa. Lần này, Cấp Cô Độc nhìn thẳng vào mặt nhóm người dã tâm, nghiêm nghị nói rằng:

– Phải chăng các anh muốn phục rượu tôi để móc túi? – Nếu thật sự mấy anh thích nhậu thì tại sao tất cả các bình rượu ở đây vẫn còn nguyên? Ác tâm của các anh không thể qua mắt tôi được đâu.

Nhóm dân nhậu nghe thế, hoảng sợ, vội biện hộ cầm chừng rồi rút lui mất dạng.

  1. HÀNG PHỤC NGOẠI ĐẠO BẰNG TRÍ TUỆ SÂU SẮC

Một câu chuyện được ghi lại trong kinh rằng: Lần nọ, Cấp Cô Ðộc đến thăm Phật vào buổi sáng tinh sương. Do cảm thấy quá sớm, nên thay vì đi vô chùa, ông lại ghé xem cảnh tu viện của những đạo sĩ Bà la môn du phương gần đó. Các đạo sĩ này vốn biết Tu Ðạt là đệ tử của Phật, bèn hỏi rằng: – Này bá hộ Cấp Cô Ðộc! Thầy của ông, đạo sĩ Cồ Ðàm (Gotama) kiến thức uyên bác như thế nào?

Cấp Cô Độc trả lời:

– Tôi không thể đo lường được sự hiểu biết của đức Bổn Sư.

Các đạo sĩ Bà la môn lại hỏi:

– Vậy trình độ của Tăng chúng Phật giáo thâm sâu ra sao?

Cấp Cô Độc cũng vui vẻ nói:

– Tôi không đủ khả năng để bàn luận đến kiến thức của Thánh chúng.

Nhưng khi các đạo sĩ du phương Bà la môn hỏi về kiến thức của chính ông, thì Cấp Cô Độc trầm tĩnh trả lời

– Kính thưa quí vị đạo sĩ! Kiến thức của tôi thì tôi có thể bày tỏ dễ dàng! Chỉ yêu cầu quí vị là chủ, hãy thuyết giảng kiến thức của quí vị cho tôi nghe trước, còn tôi là khách, tôi sẽ trình bày sau.

Thế là Cấp Cô Độc được nghe các đạo sĩ du phương Bà la môn, đề cao những định kiến của họ. Ðạo sĩ thứ nhất nói: “Linh hồn con người vốn bất diệt”. Còn đạo sĩ thứ hai thì: “Linh hồn không bất diệt”. Ðạo sĩ thứ ba phát biểu: “Linh hồn con người hữu hạn”, khác với đạo sĩ thứ tư cho rằng: “Linh hồn con người vô hạn”. Rồi đạo sĩ thứ năm quyết chắc: “Thể xác và linh hồn là một, không phân biệt! Hễ thể xác còn là linh hồn còn, mà thể xác diệt là linh hồn cũng diệt”. Riêng đạo sĩ thứ sáu lại bảo rằng: “Thể xác và linh hồn là hai thực thể khác nhau. Chỉ có thể xác bị hoại, di chuyển, chứ linh hồn không bị hoại, không di chuyển”.

Ngoài sáu định kiến ấy ra, còn hai nhóm đạo sĩ khác nêu lên hai định kiến trái nghịch nhau là: “Thứ nhất, sau khi viên tịch, linh hồn của Thánh nhân sẽ trở thành trường cửu ở một cõi Cực lạc. Thứ hai, sau khi nhắm mắt, linh hồn của các bậc siêu thoát sẽ tiêu mất!”

Bây giờ, đến lượt Cấp Cô Độc, ông nói:

– Bất cứ thuyết nào trong các định kiến mà quí đạo sĩ vừa trình bày, cũng đều do quí vị suy tư, đoán ra, hay do nghe người khác nói lại. Trong cả hai trường hợp, do suy tư, hay do người khác nói, những định kiến như thế vốn phát nguồn từ nhiều điều kiện khác nhau, mà bất cứ thuyết lý nào có điều kiện đều chỉ là giai đoạn, tạm thời! Cái gì tạm thời, vô thường, vốn là nguyên nhân của bất toại nguyện và khổ não. Ai tư duy như thế sẽ thất vọng, rồi gục ngã vì tin tưởng không thật.

Sau khi nghe vậy, các đạo sĩ Bà la môn du phương liền yêu cầu Cấp Cô Độc hãy bày tỏ niềm tin tưởng của ông. Cấp Cô Độc nghiêm chỉnh phát biểu:

– Vạn pháp vốn bản chất tạm thời, vô thường, và đưa đến khổ não! Rồi khổ não cũng không phải thuộc về của ai cả, mà thuộc về pháp thế gian. Kẻ nào cố chấp vào các pháp vô thường, cho là “Cái đó chẳng phải là chính ta, cái này mới là chính ta” hay “Cái đó không phải là của ta, cái này là của ta” v.v… Thì họ sẽ bị lầm lạc vô tận, và họ sẽ ôm cứng khổ não làm hành trang.

Ðể tìm cách biện hộ, các đạo sĩ du phương Bà la môn giáo vội bào chữa rằng: – Những điều chúng tôi vừa trình bày là những chân lý cao cả, và niềm tin đó không bao giờ mất trong lòng. Chúng tôi chỉ diễn tả những gì mình nhận thấy là sự thật. Và hơn nữa, chúng tôi còn biết nhiều giải pháp diệt khổ. Khi áp dụng bí quyết diệt khổ ấy, chúng tôi sẽ không bị các tư kiến ảnh hưởng v.v…

Những đạo sĩ Bà la môn này, tuy ngoài miệng cố gắng biện bác như thế, nhưng trong lòng vẫn tự biết lúng túng! Cuối cùng, họ cảm thấy không thể thuyết phục được Cấp Cô Ðộc, nên tất cả ngồi im…

Sau đó Cấp Cô Độc lặng lẽ đến thăm Phật. Ông thuật lại cuộc đối thoại vừa qua cho đức Thế Tôn nghe, thì được đức Bổn Sư khen ngợi:

– Này Tu Ðà Cấp Cô Ðộc! Ông đã nói đúng! Như Lai khuyên ông nên thỉnh thoảng hướng dẫn những người lầm lẫn như thế, đến gần chân lý hơn.

Rồi đức Phật phúc chúc đến Cấp Cô Độc, đồng thời thuyết một bài pháp cho riêng một mình ông nghe, để khuyến khích người đại cư sĩ này tiến vững chắc trên con đường đạt tới Thánh quả.

Khi Tu Ðà Cấp Cô Ðộc đi rồi, đức Phật bèn thuật chuyện và tuyên bố với Tăng chúng rằng:

– Ngay cả một Tỳ kheo sống trong Giáo hội một trăm năm, có khi cũng chưa đủ thấm nhuần giáo lý, để có thể trả lời với các đạo sĩ Bà la môn đúng đắn như thế.

  1. GIÂY PHÚT LÂM CHUNG HẠNH PHÚC

Mùa an cư thứ ba mươi bảy, đức Phật ngự tại tu viện Kì Viên. Một hôm sau buổi pháp thoại, vợ của của sĩ Cấp Cô Độc đã bạch Phật rằng, chồng bà đang bệnh nặng, có thể không còn sống được bao lâu nữa. Hôm sau, Đức Phật cùng với hai tôn giả Xá Lợi Phất và A Nan Đà đi thăm Cấp Cô Độc. Thấy Phật và hai tôn giả đến, ông vui mừng lắm. Để an ủi ông, Phật dạy:

– Cấp Cô Độc! Suốt đời ông đã sống một cuộc sống có ý nghĩa. Ông đã làm vơi nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người. Ông cũng đã đóng góp thật nhiều tâm lực vào sự hoằng truyền đạo giác ngộ được lan rộng khắp nơi. Ông sống đúng theo chánh pháp, đã tạo được hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, và cho cho rất nhiều người trong xã hội. Bây giờ thì ông nên tịnh dưỡng. Thầy Xá Lợi Phất sẽ thỉnh thoảng đến thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông.

Gần một tháng sau, người nhà của cư sĩ Cấp Cô Độc lên tu viện báo cho tôn giả Xá Lợi Phất biết là bệnh tình của cư sĩ vừa trở nặng. Tôn giả liền mới tôn giả A Nan Đà cùng đi thăm Cấp Cô Độc. Ông không ngồi dậy được, chỉ nằm trên giường mà tiếp hai vị tôn giả. Biết đây là thời khắc cuối cùng của cuộc đời ông, tôn giả Xá Lợi Phất liền thuyết cho ông nghe một bài pháp cao siêu, vừa thuyết vừa dạy ông quán tưởng theo. Cấp Cô Độc chăm chú lắng nghe Trưởng lão Xá Lợi Phất thuyết pháp. Ông cố gắng để tâm hành đúng theo lời nhắc nhở của vị giảng sư… Khi nghe và quán tưởng theo bài pháp ấy xong, chợt mấy giọt lệ rịn ra nơi khoé mắt Cấp Cô Độc, Tôn giả A Nan Ðà quay lại thấy vậy, bèn động lòng từ bi nói:

– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Ðạo hữu nên giữ tâm bình thản, thanh tịnh!

Nhưng Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền yếu ớt đáp rằng:

– Ôi! Tôn giả A Nan Ðà! Tôi không thể giữ tâm an tịnh được! Tôi quá sung sướng và cảm động, vì từ trước đến nay, tuy hằng phụng sự với Giáo hội và đức Bổn Sư, tôi chưa bao giờ được nghe một bài pháp sâu xa, thần diệu như thế!

Lập tức Trưởng lão Xá Lợi Phất phân giải:

– Này đạo hữu Cấp Cô Ðộc! Bài pháp thâm mật ấy, Phật chỉ thuyết cho các hàng Sa môn an tịnh xuất gia. Vì đối với các hàng cư sĩ, nó quá trừu tượng, khó hiểu. Nhưng lần này, đức Thế Tôn đã chỉ thị bần đạo đến lập lại cho đạo hữu nghe, bởi hiện tại tâm hồn của đạo hữu chẳng khác gì tâm hồn của một Ðại Sa môn vậy.

Tu Ðà Cấp Cô Ðộc liền vui mừng tiếp:

– Bạch Trưởng lão Xá Lợi Phất! Kể từ nay, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc này yêu cầu chư Thánh Tăng và đức Phật hãy ban bố cho các hàng cư sĩ túc duyên những bài pháp nhiệm mầu như thế! Bởi vì, tuy sống đời cư sĩ, nhưng cũng có nhiều bậc đủ phạm hạnh, pháp nhãn đã bừng sáng, chỉ còn dính chút bụi trần. Nếu họ may mắn được nghe những bài pháp thâm diệu như thế, chắc chắn họ sẽ được giải thoát, kẻo không họ phải tiếp tục chờ đợi duyên lành xuất gia, chừng đó họ mới có thể hưởng pháp tiếp độ thì thật là tội nghiệp.

Trong giờ phút sắp lâm chung, Tu Ðà Cấp Cô Ðộc nhờ pháp tiếp độ ấy, đã tự tách rời được khỏi những tham luyến thế gian, nhất là tham luyến thân xác (ám chỉ sự sống), rồi an định thần trí trong chánh niệm. Ông quả thật là một cư sĩ phúc duyên vẹn toàn. Nhiều Sa môn đệ tử Phật cũng chưa chắc sánh bằng!

Khi Trưởng lão Xá Lợi Phất và Tôn giả A Nan Ðà chấm dứt lời nhắc nhở cuối cùng, thì Cấp Cô Ðộc hoàn toàn an trụ trong chánh định, rồi ông từ trần. Ông được tái sinh về cõi trời Tusita (Đâu suất), cõi trời của các vị Bồ tát.

  1. THIÊN GIẢ CẤP CÔ ĐỘC TÁI NGỘ ĐỨC PHẬT

Sau đó, thiên giả Cấp Cô Ðộc với dung nhan tươi tắn, trẻ đẹp, khi màn đêm lắng sâu, thân chiếu sáng khắp rừng Kì Đà, hiện ra trước Đức Phật, cúi lễ, đứng sang một bên và nói kệ với Đức Phật.

Qua những lời kệ của thiên giả Cấp Cô Ðộc, Đức Phật chấp nhận. Rồi thiên giả Cấp Cô Ðộc tự nghĩ: “Đức Phật đã chấp nhận về mình”, thiên giả cúi lễ, đi vòng quanh Đức Phật và biến mất.

Khi đêm đã tàn, Đức Phật nói với chúng Tăng:

– Này qúi Thầy, đêm qua có một thiên giả với dung nhan tươi trẻ tốt đẹp, khi màn đêm lắng sâu, đã chiếu sáng khắp khu rừng Kì Đà này, hiện xuống trước mặt ta, cúi lễ, đứng sang một bên, rồi nói lên bài kệ như vầy:

“Kỳ Viên Thánh địa Phật Ðà,
Ngôi chùa, Tăng chúng một nhà sắc không.
Pháp vương an độ cõi trần,
Ðây nguồn hạnh phúc trong ngần bất lai.

Kiếp xưa duy có hình hài
Mà thân, khẩu, ý miệt mài tịnh tu.
Hộ trì Tam bảo công phu,
Giúp đời, danh lợi không mù mắt linh.

Làm sao cho được biết mình,
Thông trong chánh pháp, vô tình cõi mơ.
Tập rèn theo đức hạnh sơ,
Tu Ðà Hoàn quả, nay nhờ cõi Thiên.

Noi gương “Xá Lợi” Thánh hiền
Tịnh tâm, tịnh ý, ưu phiền lọc trong.
Sa môn ấy bậc vô song,
Siêu sinh nhân Phật gieo trồng hôm nay”.

Với bài kệ đó, thiên giả cúi lễ, đi vòng quanh ta rồi biến mất.

Nghe nói vậy, Tôn giả A Nan Đà bạch Đức Phật:

– Thưa Đức Bổn sư, vị thiên giả đó chắc hẳn phải là Cấp Cô Ðộc? Cư giả Cấp Cô Ðộc đã đặt trọn niềm tin vào Tôn giả Xá Lợi Phất.

– Khá lắm, giỏi lắm A Nan Đà, Thầy đã suy đoán rất chính xác. Thiên giả đó chính là Cấp Cô Ðộc.

Nghe Đức Phật nói như vậy, Tôn giả A Nan Đà rất hoan hỉ đón nhận lời của Đức Phật.

Trong một lần thuyết pháp, Đức Phật đã thọ ký cho ông Cấp Cô Độc quả Bồ-đề vô thượng, sau ba a-tăng-kỳ kiếp, ông Cấp Cô Độc sẽ thành Phật hiệu là Abhayaprada (Cấp cho sự yên ổn).

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 19: Nàng Độ Hà và cô gái điếm đã giác ngộ ngay giữa đời thường như thế nào?

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.