Zangthalpa nhìn khắp lượt hội chúng thì bắt gặp ánh mắt đượm buồn sâu thẳm trên khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ của một ông lão tóc đã bạc trắng. Đón thấy ánh mắt hiền từ của Zangthalpa, ông lão bỗng tuôn hai hàng lệ, đứng lên cung kính thưa:
– Thưa Thầy, con gái tôi đi lấy chồng xa, bị nhà chồng bắt nạt mà thân cô thế cô. Giờ họ còn đổ oan cho con tôi ngoại tình mà không hề có chứng cớ. Họ đánh đuổi con tôi và còn chửi mắng gia đình tôi thậm tệ. Nỗi oan này chịu sao cho thấu?
– Mọi việc đều ổn – Zangthalpa gật đầu trấn an. Để ta kể cho ông câu chuyện này mà ta từng chứng kiến trong một lần đi kinh doanh và du lịch. Câu chuyện mang tên “Nỗi oan của vợ thiền sư.”
NỖI OAN CỦA VỢ THIỀN SƯ
Ở một vùng nọ có một cô gái béo tròn, múp míp, hình thức nhan sắc chỉ ở mức trung bình nhưng lại vô cùng giàu có tên là Ánh Nguyệt. Cô có một người bạn thủa hàn vi tên là Thái Vinh. Hai người lớn lên cùng nhau, chia sẻ ngọt bùi suốt thời niên thiếu. Nhưng sau mấy chục năm thì Ánh Nguyệt, nhờ tài kinh doanh giỏi đã trở nên giàu nứt đố đổ vách. Còn Thái Vinh, vì có tính mê gái nên làm ra được bao nhiêu tiền đều đem cho gái hết. Vì thế sau mấy chục năm làm ăn, Thái Vinh vẫn nghèo rớt mồng tơi, gia sản chỉ có mỗi túp lều tranh và cái khố quấn che thân.
Ở đất nước đó, các nhà tu hành được gọi là Thiền Sư hay Đạo Sư. Các thiền sư hay đạo sư này vẫn lập gia đình, sinh con con bình thường như mọi người. Trong một thị trấn nhỏ, có một Thiền sư đức độ tên là Anh Đức. Ông sống cùng người vợ xinh đẹp, đảm đang, nết na tên là Ngọc Quý. Nhà của Thiền sư Anh Đức ở trên tít núi cao nhưng vì tài năng xuất chúng trong việc cúng bái nên thiền sư được rất nhiều người trong vùng lên núi nhờ cậy, trong đó có Ánh Nguyệt và Thái Vinh. Ánh Nguyệt và Thái Vinh tuy giàu nghèo khác nhau nhưng đặc điểm chung là kính đạo Phật. Cứ có dịp là họ lại lên núi gặp Thiền sư hỏi Pháp, lễ lạy Phật và nhờ cậy ông cúng cho công việc kinh doanh.
Thiền sư thì không làm ăn kinh doanh. Công việc của ông là hàng ngày cuốc đất, trồng rau, tự mình nghiên cứu kinh điển và đi cúng cho mọi người. Ngọc Quý, vợ thiền sư thì lại chăm chỉ buôn bán để kiếm tiền nuôi chồng, con. Cô thường đi làm ăn rất xa. Đôi khi có những chuyến đi rất dài ngày và mỗi lần đi như thế thường mang về tiền bạc, đồ đạc, nuôi sống cả gia đình. Trong một chuyến làm ăn, cô mang về một cặp đồng hồ kim cương quý hiếm tặng chồng. Cặp đồng hồ là niềm tự hào của Thiền Sư Anh Đức và lại càng làm danh tiếng của ông thêm lẫy lừng. Nhưng từ những chuyến đi xa thường xuyên của Ngọc Quý, người dân trong vùng bắt đầu xì xào với nhau. Có người còn cố ý nói bóng gió với thiền sư Anh Đức rằng: “Thưa thầy, nghe nói hôm trước vợ thầy nắm tay một anh áo kẻ ca rô, đi ra từ một chốn ăn chơi khét tiếng”.
Nghe nhiều người bàn tán, thiền sư vốn đang tu hạnh nhẫn nhịn, nên chỉ thản nhiên trả lời:”Thế à?” rồi bỏ đi, trong lòng vững như kiềng “hai chân.” Nhưng hết lần này đến lần khác, mỗi lần người vợ xuống núi lại có những kẻ xấu bụng do ghen tức hoặc do đưa chuyện lại gặp Thiền sư và nói xấu vợ ông. Mưa dầm thấm lâu và có câu: “Một lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần thì cũng sẽ trở thành sự thật”. Mặc dù, ngoài miệng thiền sư vẫn chỉ thản nhiên một câu: “Thế à?” nhưng trong lòng đã bắt đầu rung rinh. Thiền sư nghĩ: “Mình là Thiền sư mà tỏ ra rúng động thì còn gì là Thiền sư nữa. Mất hết cả danh dự. Vả lại, mình còn đang tu hạnh nhẫn nhịn nữa chứ, giờ mà làm ầm lên thì đúng là chẳng ra gì”. Trong lòng nghĩ vậy nhưng bên ngoài Thiền sư không giấu được vẻ đăm chiêu.
Một hôm, Thái Vinh lên núi, thấy mặt của Thiền sư Anh Đức có phần lo lắng không giống vẻ bình thản ngày thường. Vốn là người có lòng thành với Thầy, Thái Vinh quan tâm hỏi thăm và mong muốn được giúp đỡ Thầy nếu có thể. Như tìm được người tri kỷ trút bầu tâm sự bấy lâu nay, thiền sư chia sẻ ngay nỗi lòng dao động của mình về những lời đàm tiếu của mọi người. Thiền sư mong muốn Thái Vinh theo dõi Ngọc Quý để chứng minh cho thiên hạ thấy rằng vợ ông thực sự rất trong sáng và mọi người đã nghĩ sai về cô.
Thái Vinh sẵn sàng giúp Thầy, nhưng vì nhà nghèo, không có lộ phí nên có phần băn khoăn. Thiền sư hiểu ý, Ông động viên anh cứ làm và cấp cho anh lương thảo đi đường. Để cảm kích sự giúp đỡ của Thái Vinh, ông còn tặng anh một chiếc đồng hồ kim cương quý mà Ngọc Quý mang về. Thái Vinh sung sướng vô cùng.
Cùng chiều hôm đó, thương gia Ánh Nguyệt cũng đến vấn an Thiền sư. Thiền sư nhìn thấy Ánh Nguyệt và chợt nghĩ: “Không biết anh chàng Thái Vinh này có theo dõi vợ mình thật không hay là nó lại lấy đồng hồ quý của mình bán đi lấy tiền cho gái?” Thiền sư lại đăm chiêu. Ánh Nguyệt thấy Thiền sư đăm chiêu, nghe chiều có tâm sự, mới lân la hỏi chuyện. Thiền sư cũng kể sự băn khoăn trong lòng cho cô nghe. Nghe xong câu chuyện, Ánh Nguyệt cũng đồng ý đi theo dõi vợ Thiền sư, nhưng cô thắc mắc không thấy chiếc đồng hồ quý giá của Thiền sư thường vẫn đeo hàng ngày. Vị Thiền sư kể rằng ông đã đưa cho Thái Vinh để trả công. Ánh Nguyệt vốn giàu nứt đố đổ vách nhưng lòng tham thì vô đáy, thêm nữa lại có bệnh ghen tị nên cũng đòi được trả công bằng đồng hồ quý.
Thiền sư nghĩ tiếc của lắm. Nhà có hai chiếc đồng hồ quý là niềm tự hào của hai vợ chồng. Nhưng mà thôi, danh dự vẫn là trên hết. Đến lúc phải đầu tư thôi! Thiền sư đồng ý, đi vào trong nhà lấy chiếc đồng hồ còn lại đưa cho Ánh Nguyệt. Ánh Nguyệt sung sướng lắm, đeo đồng hồ vào tay và đi xuống núi. Vừa đi cô vừa nghĩ rằng: “Mình cứ từ từ theo dõi, bắt quả tang được thì tốt, không bắt được cũng chẳng sao. Hạnh phúc của thầy chẳng liên quan gì đến mình, quan trọng là mình đã được cái đồng hồ, đây chính là uy nghiêm và danh dự của thầy trao cho mình”.
Vì đây là những chiếc đồng hồ đẹp và quý giá nên cứ ra đường là ai nhìn cũng trầm trồ khen ngợi. Thái Vinh và Ánh Nguyệt càng cảm thấy tự hào, hãnh diện vì mình đã sở hữu hai chiếc đồng hồ đẹp nhất trong vùng. Một lần, hai người theo chân nàng Ngọc Quý đến một thị trấn nọ. Đêm đến, Ngọc Quý nghỉ tại một quán trọ sang trọng. Cả Ánh Nguyệt và Thái Vinh cũng cùng vào theo và gặp nhau. Họ ngạc nhiên lắm, nhưng vì đang thi hành nhiệm vụ nên phải giữ bí mật. Cả hai đành bảo là mình đang đi du lịch. Vì vốn thân thiết từ nhỏ, lại mấy khi mới gặp nhau, Ánh Nguyệt thì lại giàu nên Ánh Nguyệt đề nghị thuê chung một phòng để bầu bạn. Mục đích bên trong thực ra là để theo dõi Ngọc Quý. Họ chọn căn phòng ngay bên cạnh của phòng Ngọc Quý. Tối hôm đấy, Thái Vinh và Ánh Nguyệt ngủ chung một giường và hai người vì rất quý đồng hồ nên không ai tháo ra cả.
Ở vùng ấy có một tên đạo chích nổi tiếng tên là Thanh Tùng, hắn được phong là đạo soái với tài cạy cửa bằng nửa ngón tay. Vì những chiếc đồng hồ của Thiền sư quá nổi tiếng nên đạo soái đã theo dõi và lần ra được dấu vết của Thái Vinh và Ánh Nguyệt. Hắn ta tính toán cẩn thận, đợi đến nửa đêm lẻn vào định cuỗm đồng hồ rồi chuồn. Nhưng mọi tính toán tương lai đều sai, không sai toàn cục cũng sai chi tiết. Đạo soái nhân lúc ánh trăng mờ mờ tỏ tỏ lại nhảy vào nhầm phòng Ngọc Quý. Đúng đêm hôm ấy, đạo soái lại mặc một chiếc áo kẻ ca rô. Phòng tối mịt nên không thể nhìn thấy trong phòng có một hay hai người. Hắn tiến đến phía giường và bắt đầu sờ soạng để tìm đồng hồ.
Thanh Tùng tiến đến phía giường và bắt đầu sờ soạng để tìm đồng hồ
Nói về Ngọc Quý, nửa đêm đang chùm chăn ngủ mà có người sờ vào mình thì sợ quá. Nàng muốn hét lên nhưng quá sợ nên chỉ kêu được ú ớ không thành tiếng. Ở phòng bên cạnh, Thái Vinh và Ánh Nguyệt nghe thấy tiếng động thì cùng bật phắt dậy, áp sát tai vào tường để nghe ngóng. Ngọc Quý thấy càng ngày càng nguy hiểm liền chồm dậy thét lên, cố gắng la to để tìm người ứng cứu. Gã đạo soái Thanh Tùng thấy tình huống nguy hiểm, vội vàng ngồi đè lên người Ngọc Quý, lấy khăn bịt miệng nàng lại. Tiếng động phòng bên trở nên cực kì khó hiểu và nhạy cảm. Ánh Nguyệt và Thái Vinh bây giờ chỉ còn nghe thấy tiếng rên rỉ. Không chần chờ gì nữa, hai kẻ theo dõi chuyển nghi ngờ thành hành động, đạp cửa phòng Ngọc Quý xông vào để bắt quả tang. Quả nhiên, họ thấy Thanh Tùng ngồi trên người Ngọc Quý, quần áo của hai người vô cùng xộc xệch.
Thấy có người đạp cửa xông vào, Thanh Tùng hoảng quá, chạy luôn. Trong phòng tranh tối, tranh sáng nhưng vẫn đủ để Ánh Nguyệt nhìn thấy áo chiếc ca rô của Thanh Tùng và Thanh Tùng trước khi chạy cũng kịp nhận ra hai kẻ vừa xông vào phòng là ai. Thái Vinh và Ánh Nguyệt trong giây lát, sắp xếp lại những mảnh ghép: “nhà trọ”, “áo caro”, “rên rỉ”, “ngồi trên người”, “quần áo xộc xệch”. Chuẩn rồi, còn gì cần phải nói nữa! Hai người tức tốc quất ngựa chạy về báo với Thiền sư, không cho Ngọc Quý có cơ hội giải thích.
Ngọc Quý sau khi nhìn thấy hai người xông vào phòng, trên tay đều đeo đồng hồ quý của hai vợ chồng liền tự hiểu ra mọi chuyện. Nàng chỉ còn biết đặt tay lên ngực và nói: “Mọi việc đều ổn”. Đây là bí kíp Cha truyền của nàng. Mỗi lần buôn bán không thuận lợi hay gặp bất cứ điều gì khó khăn trong cuộc sống, nàng đều đem bí kíp này ra sử dụng. Mỗi khi sử dụng bí kíp “mọi việc đều ổn”, những trí tuệ bí mật của người Cha đã trao truyền, như được hiện ra rõ rệt trong nàng. Trái tim nàng trở nên bình an và nàng sẵn sàng đón nhận mọi thứ sẽ xảy đến sau đấy. Ngọc Quý mỉm cười và quyết định sẽ tiếp tục chuyến buôn này cho đến khi xong mới trở về nhà.
Thái Vinh và Ánh Nguyệt tức tốc phi ngựa đi trong đêm hàng trăm ki-lô-mét để về cấp báo cho thiền sư. Trên đường, mọi người đều ngạc nhiên hỏi tại sao họ lại chạy xuyên đêm và gấp gáp như thế, có mệt không? Cả Ánh Nguyệt lẫn Thái Vinh đều trả lời: Từ khi đeo chiếc đồng hồ quý này trên tay thì họ không hề thấy mệt và chính mắt họ đã nhìn thấy vợ Thiền sư Anh Đức tòng teng với trai lạ, áo kẻ caro. Tất nhiên, tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn rất xa. Ai cũng đem chuyện vợ Thiền sư Anh Đức kể cho tất cả mọi người cùng nghe.
Thiền sư Anh Đức đang ngồi tọa thiền bình an thì nghe thấy vó ngựa từ xa. Không chờ được nữa, ông xuất thiền ra cửa ngóng tin. Vừa nhìn mặt hai người, ông biết ngay là tin dữ. Nhưng vì phải giữ phong thái thiền sư, ông vẫn tỏ ra bình thản và chỉ nói một câu quen thuộc:”Thế à!” Thật ra trong lòng thầy đã dậy sóng “Thế á???” Sau khi lấy lại chút bình tĩnh, Thiền sư yêu cầu Thái Vinh và Ánh Nguyệt vẽ lại hình ảnh tên trộm. Cả hai cùng tả và vẽ hai bức tranh giống hệt nhau, dù họ đã được đưa đến hai nơi riêng biệt để vẽ. Mọi việc đã rõ ràng, lòng thiền sư vô cùng đau khổ. Ông ngày đêm mong ngóng vợ về để dạy cho vợ bài học.
Còn về phần Thái Vinh và Ánh Nguyệt thì hí hửng ra về với niềm sung sướng có cái đồng hồ đẹp nhất vùng. Lúc này, chiếc đồng hồ không chỉ là một vật quý giá mà còn thể hiện chiến tích giỏi giang của họ nữa. Trên đường đi về, vì mải mê với chiến công, họ làm rơi bức tranh mô tả cảnh ngoại tình của vợ thiền sư và bức tranh đã nhanh chóng được nhân bản ra khắp vùng. Điều này càng làm xác tín suy nghĩ của mọi người về câu chuyện vợ Thiền sư ngoại tình. Có người còn sáng tác cả câu chuyện li kì dưới bức tranh đó. Rất nhiều người nghĩ rằng Ngọc Quý sẽ không dám về quê nhà nữa.
Câu chuyện về Ngọc Quý đã nhanh chóng lan đi rất xa. Từ một thị trấn nhỏ, câu chuyện được lan đến tỉnh, lị khác cách đấy hàng trăm ki-lô-mét. Và câu chuyện đến tai tên trộm. Bức tranh ấy vẽ rất chuẩn mặt của tên trộm nên dần dần mọi người đều nhận ra tình nhân của vợ Thiền sư Anh Đức chính là đạo soái Thanh Tùng. Đạo soái Thanh Tùng cảm thấy mất hết thể diện. Hắn nghĩ, đẹp trai như mình thế này mà lại đi tòm tem với vợ người khác, lại còn là vợ của Thiền sư nữa. Mình không thể mang tiếng thế này được. Trong lòng hắn dâng lên một mối hận thù, phải cho hai kẻ đặt điều kia một bài học.
Khi Ngọc Quý về lại quê nhà thì Thanh Tùng cũng lần mò ra địa chỉ của Thái Vinh và Ánh Nguyệt. Một người ở trong tòa nhà vô cùng lộng lẫy, một người thì sống trong căn chòi rách rưới, trên người độc một chiếc khố và đeo chiếc đồng hồ quý giá. Đạo soái suy nghĩ: muốn làm hai người kia đau khổ thì chỉ cần lấy đi cái mà hai người đó quý nhất. Đối với hai người kia thì chắc là họ quý nhất là hai cái đồng hồ rồi. Vì chiếc đồng hồ đó vừa có giá trị vật chất lại còn thể hiện danh dự, phẩm chất của họ nữa.
Sau phi vụ tìm ra sự thật, Thái Vinh và Ánh Nguyệt đã nảy sinh tình cảm với nhau. Sở hữu đồng hồ đôi, mỗi khi nhìn đồng hồ này là lại nhớ tới người kia. Mỗi lần người ta mời đi kể chuyện anh hùng phá án bắt quả tang, họ lại mời cả hai người, nên họ có dịp sánh đôi thường xuyên liên tục hơn. Lại nói về Ánh Nguyệt, vốn giàu có nhưng chồng rất hay đi làm ăn xa, nên đêm nào cũng vò võ một mình ra trước nhà ngóng trông, thở dài. Sau nhiều lần đi kể chuyện chung, Thái Vinh cũng hiểu được nỗi niềm của Ánh Nguyệt.
Đúng cái đêm mà đạo soái Thanh Tùng quyết định đến trộm đồng hồ của cặp Thái Vinh và Ánh Nguyệt cũng chính là đêm mà Thái Vinh quấn khố thật chặt, trèo tường đi theo tiếng thở dài của Ánh Nguyệt. Cùng ngày hôm ấy, Ngọc Quý về đến thị trấn. Đi đâu người ta cũng xì xầm về nàng đã tòm tem với giai trẻ. Nàng biết thế nhưng vẫn dũng cảm về nhà. Nàng đem rất nhiều hàng hóa để tần tảo nuôi chồng con và biết chắc là mình sẽ đối diện với phong ba. Nhưng nàng không trốn tránh. Đối với nàng “mọi việc đều ổn” thì trốn làm gì cơ chứ.
Thiền sư thấy vợ về thì nổi giận đùng đùng, không nói không rằng sai đệ tử trói nghiến vợ lại để sáng mai hạch tội. Thấy nàng, Thiền sư đau khổ khóc rống lên: “Tất cả là tại…tại… cái thằng mặc áo ca rô ấy, giá mà tôi có áo ca rô thì ổn không?” Ngọc Quý lắc đầu thở dài “Chàng nghi oan em rồi. Mọi việc đều ổn, vì mọi việc vốn dĩ đã ổn rồi!”
Lại nói về Thái Vinh và Ánh Nguyệt gặp nhau. Tuy nhiên cả hai đều là Phật tử nên họ rất tin Phật và đã nguyện giữ giới. Cho nên, dù rất bị hấp dẫn nhau nhưng họ quyết định chỉ nằm cạnh và thông cảm cho nhau mà thôi. Thành ra mới có cảnh đêm khuya thanh vắng người nam chỉ có khố, người nữ chỉ có áo mặc ngủ lại nằm chung một chiếc giường để thông cảm cho nhau dưới ánh đèn leo lắt.
Tên trộm Thanh Tùng trèo tường, khoét vách chui vào và mục kích toàn bộ cảnh đó. Thật quá khó để người ta hiểu Thái Vinh và Ánh Nguyệt trong sáng. Bởi vì mặc dù trong sáng nhưng họ lại ở trong tối. Lại nói đạo soái Thanh Tùng là người cầm, kỳ, thi, họa đều giỏi. Sẵn biệt tài của mình, đạo soái nghĩ, lấy đồng hồ là chắc rồi nhưng hai người này còn làm hỏng thanh danh của ta nữa, ta phải làm cho họ bẽ mặt trước thiên hạ như họ đã làm với ta. Hắn nhanh tay họa lại cảnh ấy, từng chi tiết trong phòng ngủ, từng nốt ruồi trên thân thể của hai người. Hôm sau, hắn về đưa cho các các thợ vẽ của vùng, vẽ ra lại rất nhiều bản như thế và phát khắp thị trấn.
Sáng ra, Thái Vinh và Ánh Nguyệt tỉnh dậy thì đồng hồ đã mất. Họ bàng hoàng vội chạy ra khỏi nhà, đi tìm khắp nơi. Kinh khủng hơn nữa là khi họ đi đến đâu, mọi người nhìn thấy họ đều xì xào. Đầu tiên, họ nghĩ mọi người đang khen ngợi mình, nhưng khi thấy những ánh mắt không thiện cảm gì cả, Thái Vinh và Ánh Nguyệt mới tò mò và phát hiện ra những bức tranh vẽ họ. Đối với họ, đấy thật sự là cảnh rất kinh hoàng. Thế này họ làm sao cãi nổi. Thật sự thì tình ngay lý gian. Họ đau khổ quá, mất đồng hồ đã đau lắm rồi, giờ họ mất luôn tất cả danh dự. Họ phải làm sao để lấy lại đồng hồ và danh dự đây?
Tất cả mọi người đều mang một nỗi oan tình sâu sắc. Từ đạo soái Thanh Tùng đẹp trai, tài ba lại oan tòm tem với bà lái buôn. Từ cô Ánh Nguyệt thủ tiết chờ chồng lại bị mang tiếng là ngủ với trai nghèo hèn chỉ có mỗi chiếc khố. Thái Vinh cũng quá oan uổng, anh ta thật sự chỉ là một người đầy lòng thông cảm với bạn mà thôi. Vợ Thiền sư, Ngọc Quý càng quá oan, ông Thiền sư đức độ lại mang tiếng bị vợ cắm sừng… Cả năm người đều oan không để đâu cho hết. Trong đó, chỉ duy nhất có một người là vợ Thiền sư, người có thể hạnh phúc và vượt qua được vì nàng biết đặt tay lên ngực và nói: “MỌI VIỆC ĐỀU ỔN.”
Zangthalpa nhẹ nhàng đưa quả dâu lên miệng rồi nói tiếp: “Vậy đấy, mỗi người sống trong một thế giới do chính tâm họ tạo ra. Nên ngay cả những chuyện chứng kiến tận mắt, có bằng cớ rõ ràng, đôi khi lại không phải là sự thật. Thế nên mới có chuyện nghi ngờ, ghen tuông, và oan uổng. Đổ oan hay bị oan, chẳng phải vẫn diễn ra hàng ngày đó sao?”
“Nhưng!? Vẫn không ổn …” – Ông già thương con vẫn không nguôi thắc mắc.
“Mọi việc đều ổn, đều đang diễn ra hoàn hảo theo đúng nhân quả của từng người. Bất kỳ việc gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó. Tâm một người bất ổn sẽ nhìn sự việc là bất ổn, và bị cuốn theo những lo toan và sợ hãi của những bất ổn ấy. Tâm một người trí tuệ sẽ phẳng lặng vượt qua sóng gió, nhận ra những bài học quý mà cuộc đời mang lại cho mình. Họ thực sự hiểu rằng “Mọi việc đều ổn”.
Nhưng một vài người trong Pháp hội vẫn tỏ vẻ băn khoăn: “Tại sao mọi việc đều ổn nhỉ? Rõ ràng là những người trong câu chuyện đều mất hết danh dự tại sao lại bảo là ổn?”
Zangthalpa liền trả lời: “Các bạn có thể đưa danh dự của các bạn ra đây cho tôi xem được không?”
Cả Pháp hội im lặng, có tiếng xì xào: “Ừ! Không thể nhìn và sờ được danh dự.”
“Đúng!” – Zangthalpa nói tiếp: “Danh dự chỉ là những suy nghĩ, đánh giá của người khác, đâu có gì là của bạn. Các bạn không bao giờ có thể biết thật sự người khác nghĩ gì về mình, chỉ là mình đoán người ta nghĩ gì về mình mà thôi. Ngày hôm nay bạn đối xử với họ tốt, họ sẽ nghĩ bạn là người tử tế. Ngày mai bạn làm phật ý họ, họ sẽ coi bạn là người chẳng ra gì. Nếu danh dự là của bạn, nó sẽ không thể có được hay mất đi chỉ vì sự đánh giá của người khác như vậy. Các bạn đang ngồi đây, nếu có người ở xa khen bạn hết lời thì phẩm tính của bạn có tăng lên không?”
“Không!” – Đại chúng thoáng chút băn khoăn nhưng vẫn gật đầu công nhận.
“Các bạn đang ngồi đây, nếu có người ở xa chê bạn hết lời thì phẩm tính của bạn có giảm đi không?”
“Không!” – Đại chúng đồng loạt trả lời
“Như vậy, khi suy nghĩ của người khác về bạn thay đổi cũng không ảnh hưởng gì đến phẩm chất của bạn. Tại sao bạn lại lệ thuộc vào chúng? Danh dự đến hay đi, nhiều hay ít, bạn hoàn toàn không thể quyết định được. Vậy bạn có thật sự sở hữu danh dự để mà mất hay không? Danh dự chưa từng có, thì lấy gì để mất? Nên, có danh dự hay mất danh dự chỉ là một ảo giác, một sự nhầm lẫn. Nếu ai đau khổ vì mất danh dự thì chẳng phải đang đem hạnh phúc của mình cho người khác quyết định hay sao?
Loại người trí tuệ nào lại trao cho người khác nắm giữ chìa khóa cánh cửa hạnh phúc của mình? Khi hiểu được điều này thì mình sẽ tự do, không cố giữ danh dự nữa vì biết chắc chắn rằng không thể nào điều khiển một đống suy nghĩ của người khác. Danh dự đến hay đi, còn hay mất đều là do nhân quả, bạn không tài nào quyết định được.
Ngọc Quý dù thiên hạ xì xào đủ chuyện, tâm nàng vẫn đinh ninh “mọi việc đều ổn”. Lời nói suy nghĩ của thiên hạ không ảnh hưởng đến hạnh phúc của nàng. Vị thiền sư vì tâm không ổn, nên dù vợ không làm gì cả, ông vẫn trao cánh cửa hạnh phúc của mình cho miệng lưỡi thiên hạ. Suy nghĩ của ông là “không ổn”.
Tất cả mọi việc đều xuất hiện hoàn hảo trong sự thật. Cho nên bất kỳ lúc nào các bạn cảm thấy khó khăn, hãy đặt tay lên giữa ngực và nói: “Mọi chuyện đều ổn”.
Zangthalpa ngồi đó, đặt tay lên ngực, mắt lim dim nhìn về phía đại chúng như truyền cho họ nguồn năng lượng bình an vô hạn. Đại chúng cùng đặt tay lên ngực, cảm thấy tất cả mọi việc đã và đang xảy ra với mình thật hoàn hảo. Đêm đã về khuya nhưng ánh sáng của mặt trăng vẫn đang dịu dàng chiếu rọi cả Pháp hội.
Thầy Trong Suốt kể ngày 30/09/2015 tại Hà Nội.
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 13: Lâu đài vàng
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.