Những tia nắng ấm áp đầu tiên của mùa xuân đã tới, xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Cứ mỗi độ xuân về, các học trò của Zangthalpa lại làm lịch với hình ảnh các vị Phật để tặng cho dân chúng. Bình thường, số lịch phát ra chỉ ngót nghét một ngàn. Năm ấy, lần đầu tiên, số lịch in ra đã hơn hai vạn. Cũng là lần đầu tiên, các học trò của Zangthalpa đi bán lịch chứ không phải phát tặng như mọi năm. Cuốn lịch nhỏ bé nhưng vô cùng lợi lạc và giá trị, nếu chỉ đem tặng thì chỉ loanh quanh trong một cộng đồng nhỏ. Nhưng nếu được tổ chức bán thì sẽ được lan truyền khắp nơi trong đất nước, đến cả những miền xa, và sẽ có càng nhiều người hơn tiếp cận được với cuốn lịch ý nghĩa này. Học trò của Zangthalpa ứng dụng linh hoạt những bí kíp kinh doanh và du lịch mà thầy mình chia sẻ. Có chị Hồng Nhung rất giỏi quan hệ thì thành lập đội nhóm, đến tận các tu viện, nhà chùa bán lịch cho dân, bán ra gần nửa vạn cuốn. Có đôi vợ chồng Hà Anh, Duy Nguyên ngày ngày diễn kịch thu hút người xem rồi bán lịch cho họ, mà bán được hơn ba ngàn cuốn. Có vị thầy thuốc Minh Canh ban ngày bốc thuốc chữa bệnh, chiều tối tự mình đi bán lịch, chỉ một mình anh mà số lịch bán ra cũng gần tới 500. Học trò của Zangthalpa ai ai cũng nô nức đi bán lịch. Bởi họ hiểu rằng, từng cuốn lịch được trao đi sẽ mang lại may mắn, trí tuệ, và hạnh phúc cho người nhận. Bán lịch chính là lan toả yêu thương, điều ấy khiến trái tim họ rộn ràng hạnh phúc.
Hôm ấy, khi các học trò đang sôi nổi thảo luận về ý tưởng kinh doanh mới là bán bao lì xì có những lời chúc ý nghĩa trong dịp tết, thì từ đâu, một người học trò tên Amo chạy tới, nước mắt ngắn dài, thưa với Zangthalpa: “Sư phụ ơi, con không thể chịu được nữa. Bà mẹ chồng con thật quá đáng! Con nói câu gì bà ta cũng không vừa lòng và xỉa xói con. Tới mức con không dám nói gì với bà ấy nữa. Nói cũng bị mắng xối xả, mà không nói cũng không xong. Hôm trước bà ý lại mắng con là đồ hỗn láo, khinh thường bà nên không thèm nói với bà một câu. Con rút kinh nghiệm, cố kiếm câu chuyện làm quà. Sáng ra con đi chợ sớm, mới hỏi bà là: “Mẹ có biết đôi dép con để đâu không?” Câu chuyện có thế thôi mà lúc về nhà con thấy chồng con đập bát, quăng đũa, rồi hét vào mặt con: “Ai thèm lấy đôi dép của cô hả?” Con quá sửng sốt, chỉ một câu hỏi thông thường mà mẹ chồng con kể với chồng con là con vu cho bà ăn cắp. Con không thể tưởng tượng nổi! Con thà chết còn hơn phải sống tiếp với một gia đình vô lý như thế!” Amo oà khóc không nói thêm được lời nào.
TAM BẢO LÀ MỘT
Ngày xửa ngày xưa, ở Đất nước Việt Nam, nơi thành phố chín cây cầu mang tên Đà Nẵng, có một ngôi chùa rất đẹp tên là Thái Sơn. Thầy trụ trì chùa Thái Sơn là đại sư Văn Cát, vốn là một người xuất gia từ thuở nhỏ nên tính tình hiền hậu và rất thương người. Ông ngày đêm nghiên cứu các kinh điển và chuyên tâm tu hành. Ngược lại với đại sư là người em tên Văn Hung, hình thức xấu xí, chột mắt và tính tình rất nóng nảy. Mặc dù là hai anh em ruột nhưng một người thì tu hành tinh tấn, còn một người sống lông bông, không có việc làm, lại còn tật nguyền chột mắt. Đại sư Văn Cát rất thương em nên cho cậu về chùa, giao cho việc bếp núc để tăng trưởng công đức.
Ở vùng lân cận, có một nữ sĩ nổi tiếng tên là Huệ Phong, rất thích ngao du bốn bể. Nàng không giống như phụ nữ thời đại đó, là cứ ru rú ở nhà, lấy chồng, đẻ con rồi cả đời hầu hạ chồng con. Ngược lại, nàng luôn luôn hướng về Phật Pháp, muốn đi khắp nơi, đàm đạo với những cao tăng để trau dồi chánh kiến. Nàng muốn nhận được những bài học Phật Pháp, giúp nàng có thể thực hành trong đời sống hàng ngày, hướng tới giác ngộ, giải thoát. Nàng cứ vịnh thơ về bất kỳ ngôi chùa nào là ngôi chùa đó đều trở nên nổi tiếng. Một ngày nọ, trên đường đi ngao du đến thành phố Đà Nẵng, nàng nghe tin là ở ngôi chùa Thái Sơn có nhiều cao tăng nên có gửi thư tới cho thầy trụ trì Văn Cát xin được đến để đối đáp thiền.
“Đối đáp thiền” là một cuộc đối thoại dùng những biểu tượng không lời để đối đáp với nhau. Thông qua đó mà mỗi người đối đáp sẽ học hỏi được những kiến thức thâm sâu của Phật Pháp hoặc lĩnh hội được những điều mà thầy mình truyền dạy. Ví như Sư tổ Bồ Đề cầm quạt gõ ba cái vào đầu Tôn Ngộ Không rồi quay lưng bỏ đi, ý là canh ba hãy tới phòng của ta, chỉ được đi cửa sau chứ không được đi cửa trước. Tôn Ngộ Không hiểu ý, mỉm cười, dập đầu ba lạy, ý là canh ba con sẽ tới phòng thầy. Tất nhiên, vì không dùng lời nói mà chỉ dùng biểu tượng, nên những người ở trình độ khác nhau sẽ hiểu những biểu tượng ấy theo các cách khác nhau, không theo một khuôn mẫu nào cả.
Sau bao ngày lặn lội, cuối cùng nữ sĩ Huệ Phong cũng tìm được chùa Thái Sơn. Ngôi chùa rất đẹp, giữa sân chùa là bức tượng Phật Bà Quan Âm lớn bằng ngọc thạch, một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm cành dương liễu. Vừa nhìn thấy là nữ sĩ Huệ Phong đã cảm nhận được năng lượng bình an tỏa ra từ bức tượng. Nàng nghĩ bụng, “Chùa xịn thế này thì lời đồn chắc hẳn là đúng, ở đây chắc chắn có cao tăng rồi.” Theo tích xưa trong chuyện chưởng mà nàng đã đọc thì các cao tăng chỉ làm những việc rất tầm thường như là giã gạo, rửa chén, canh cổng, quét lá đa, kinh nhất thì cũng chỉ là trông coi Tàng kinh các. Người giỏi nhất trong chùa thường không phải là Sư trụ trì mà chính là người giả vờ tầm thường nhất. Nghĩ như vậy, nữ sĩ Huệ Phong thay vì đi thẳng vào chùa thỉnh vấn đại sư Văn Cát thì lại đi vòng ra phía sau chùa. Thật là tình cờ, ngay lúc ấy, Văn Hung đang bổ củi. Huệ Phong nhìn Văn Hung từ đầu đến chân: mặt thì xấu xí, mắt thì chột, dáng điệu thì cứ kỳ kỳ bí bí. Nàng nghĩ ngay chắc đây là đại cao thủ rồi, mình phải đến đối đáp thiền mới được. Thế là Huệ Phong, mặc dù có hẹn với đại sư Văn Cát nhưng thấy cơ hội đã đến, mấy khi mới được gặp cao tăng xịn, liền xông tới đối đáp thiền một chặp với Văn Hung. Sau một tuần hương dở, nàng trở ra với khuôn mặt vô cùng thỏa mãn.
Lại nói về đại sư Văn Cát, ngay khi nhận được thư hẹn của nữ sĩ Huệ Phong, ông cảm thấy vô cùng háo hức vì đã nghe danh nữ sĩ từ lâu, nhất là biệt tài biến chùa thành nổi tiếng của nàng. Ông cho người chuẩn bị tiếp đón cẩn thận, lại còn bày sẵn bút nghiêng thư án, chỉ chờ nữ sĩ có cảm hứng tức cảnh sinh tình. Nhưng đã quá giờ hẹn mà không thấy bóng dáng nữ sĩ đâu, đại sư nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Ông đang định ra tận cổng chùa để ngóng đón thì bỗng thấy Huệ Phong đẩy cửa hớn hở xông vào, đứng trước đại sư khuôn mặt rạng rỡ, chắp hai tay trước ngực: “Thưa đại sư, chùa của ngài quả là danh bất hư truyền, ngay cả một người bổ củi cũng có trí tuệ thật uyên thâm. Bổ củi mà đã thế thì cả chùa này chắc toàn những người đắc đạo. Tôi định đến đây để tìm ngài đối đáp nhưng mà bây giờ không cần nữa. Tôi đã hoàn toàn tâm phục khẩu phục, tôi xin cáo biệt! Sau khi về tôi sẽ làm vài bài thơ ca ngợi để chùa của ngài được lưu danh thiên cổ.”
Văn Cát ngạc nhiên lắm, ở ngôi chùa này ngoài ông ra thì làm gì có ai là cao tăng ẩn dật đâu, bèn tò mò hỏi “Vậy thí chủ đã gặp ai mà lại hoan hỉ như vậy?”
Huệ Phong kính cẩn thưa: “Ngay lúc vào chùa, tôi có gặp một vị sư chột mắt đang bổ củi. Nhìn về phía bức tượng Quan Âm tuyệt đẹp giữa sân chùa, tôi mới giơ một ngón tay lên, với ý là: Ở trên cõi đời này, Phật là số một. Vị cao tăng bổ củi dường như có tha tâm thông hiểu được ý tôi. Ngài dừng lại, nhìn lên trời một lúc rồi điềm tĩnh giơ hai ngón tay vẫn còn lem luốc lên. Tôi hiểu ngay bài học sâu sắc ngài định dạy tôi, rằng tuy Phật là số một nhưng còn hai đối tượng quý báu khác nữa cần phải nhớ đến: đó là Pháp và Tăng. Bài học này đến với tôi thật là sâu sắc.
“Xưa nay tôi nghĩ rằng chỉ cần có lòng hướng Phật và sống tốt đẹp tử tế như Phật dạy là có thể hết khổ. Nhưng thực ra, người tu hành còn phải biết trân quý và nương tựa vào Pháp và Tăng, nghĩa là nương tựa vào giáo lý, các phương pháp thực hành cụ thể và những bậc thầy. Nếu không có giáo pháp thì có tin Phật đến mấy cũng không thể tiến bộ được. Tuy nhiên biển Pháp bao la, thật giả lẫn lộn, người tu giống như kẻ đi trong rừng rậm giữa đêm tối, nếu không có một người biết đường, cầm đuốc dẫn ra thì sẽ lạc về đâu?
“Không có lời nhắc này của ngài ấy, tôi sẽ như con ếch ngồi trong đáy giếng, còn mãi mắc kẹt trong cái nhìn hạn hẹp của mình, và chẳng bao giờ thực sự biết bầu trời cao rộng đến đâu. Tôi liền tỏ lòng tôn kính bằng cách giơ ba ngón tay lên, thể hiện rằng mình đã lĩnh hội được lời dạy của ngài: Trên đời này không chỉ có Phật là số một, mà Tam Bảo bao gồm Phật, Pháp và Tăng là ba đối tượng cao quý nhất.
“Tôi cứ ngỡ đó đã là chân lý rất xịn rồi, ai dè, vị sư chột mắt bỗng nhiên nắm bàn tay lại, rồi giơ cả cánh tay lên. Quá sửng sốt không hiểu tại sao, tôi dừng lại suy nghĩ một lát, rồi ồ lên sung sướng, vì đã nhận ra được ý chỉ thiền trong động tác của ngài. Nhận ra sai lầm của tôi, ngài đã từ bi khai thị rằng: Phật – Pháp – Tăng tưởng là ba nhưng thực ra không khác. Phật – Pháp – Tăng đều là Không, chia ra làm ba chỉ là do tâm phân biệt. Trong bản chất, Phật Pháp Tăng chỉ là một – đều là biểu hiện của Phật tính, giống như mọi hình ảnh trong gương đều chính là mặt gương.
Sau khi nữ sĩ Huệ Phong đi khỏi, đại sư Văn Cát vẫn còn trầm ngâm về câu chuyện vừa nghe: “Người chột mắt, bổ củi có lẽ nào là thằng em mình? Sao hôm nay bỗng nhiên nó lại trí tuệ đến như vậy?” Vừa nghĩ tới thì Văn Hung hớt hải cầm rìu chạy vào thiền đường. Đại sư còn chưa hiểu sự tình của nữ sĩ ra sao, giờ lại thấy ông em phừng phừng nổi giận xông tới thì mới chặn lại và hỏi: “Em có chuyện gì đấy? Nãy giờ bổ củi ngoài chùa em có nói chuyện với nữ sĩ Huệ Phong không?” Văn Hung trợn mắt nói: “Nữ sĩ nào? Làm gì có nữ sĩ nào! À, có phải anh nói con bé láo xược đấy không? Em đang tìm nó, để cho nó một trận đây!” Đại sư Văn Cát bất ngờ: “Sao kỳ quái thế nhỉ? Chuyện gì đã xảy ra?”
Văn Hung vẫn hậm hực tuôn một tràng: “Trời ơi! Con bé đó đúng là đồ khinh người. Vừa gặp em, nó chẳng nói chẳng rằng lại giơ một ngón tay lên. Lúc đầu em cứ tưởng nó chỉ cho em cái gì ở trên trời. Nhìn lên chẳng có gì. Nghĩ mãi em mới hiểu nó muốn chửi em là đồ chỉ có một mắt. Em ức lắm! Nhưng chợt nhớ ra anh hay bảo em có tính nóng giận, cần phải biết từ, bi, hỷ, xả không được sân hận, nên em nén giận, cố hỷ với nó bằng cách giơ hai ngón tay, ý là: “Thật hoan hỷ, tôi có một con mắt còn chị có hẳn hai con mắt.” Thấy nó ngừng lại một lúc, tưởng là thôi rồi, ai dè nó lại châm biếm em tiếp bằng cách giơ ba ngón tay lên, ý của nó rõ ràng là …” Văn Hung nghẹn ngào mãi mới nói nên lời: “Nó cứ nhằm nỗi đau của em mà cứa, ý của nó là: Ở đây chúng ta tuy hai người nhưng chỉ có ba mắt thôi. Bực không chịu nổi, em muốn cho nó ăn đòn ngay tại trận. Em giơ nắm đấm lên, ý nói là “Mày mà còn trêu ông nữa thì ông sẽ cho ngay một đấm vào mặt!” Chắc là nó sợ quá đứng hình một lúc, xong cười rú lên ra vẻ nghĩ ra chuyện gì để lấy cớ chạy mất.”
Đại sư Văn Cát ngây người không nói được câu nào, còn tiếng mắng sa sả của Văn Hung vẫn âm vang trong cảnh chùa cô tịch buổi hoàng hôn.
Zangthalpa ngừng kể một lúc lâu bởi đám học trò vẫn nghiêng ngả với những tràng cười không dứt! Những cuốn lịch Phật và bao lì xì đã được xếp gọn sang một bên tự lúc nào. Zangthalpa vừa cười sảng khoái, vừa quay sang hỏi Amo: “Vậy theo con nắm đấm giơ lên là để khai thị Tam Bảo là một, hay để hù dọa kẻ xiên xỏ láo xược bây giờ?”
Cô gái Amo, lúc đầu còn nghẹn ngào nước mắt, giờ cũng không thể nhịn được cười với câu chuyện vừa nghe. Cô trả lời: “Thưa thầy, con hiểu rồi. Tất cả những hành động ấy thật ra tự nó chẳng mang một ý nghĩa nào hết. Toàn bộ ý nghĩa của hành động đều được tạo ra bởi tâm người nhìn. Cùng một tình huống, nhưng với những người khác nhau thì sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Cũng giống như chuyện của con, câu hỏi đôi dép ở đâu đối với con chỉ là một câu nói xã giao, còn đối với mẹ chồng con thì có thể là một lời kết tội ăn cắp. Và ngay cả chuyện chồng con đập bát đũa hét vào mặt con cũng không hề có nghĩa là chồng con đã hết yêu thương con!”
Zangthalpa gật đầu mỉm cười: “Thế giới này vốn vô tự tính. Các con không hề có tính cách nào hết, không phải người tốt, không phải người xấu, không mang bất kỳ một phẩm chất nào mà con đã từng tin. Những người con yêu, con ghét cũng vậy, họ không mang bất kỳ một tính cách nào mà con gán cho họ. Tính cách đấy chỉ tồn tại trong suy nghĩ của con về họ mà thôi.”
“Tương tự, với bất kỳ chuyện gì xảy ra, nó không hề có tự tính gì hết. Nó có thể xấu với người này, nhưng lại là chuyện tốt đối với người kia, nó mang lại đau khổ cho người này, nhưng lại đem đến hạnh phúc cho người khác, hoặc cùng một việc với chính người ấy ở một thời điểm khác lại được coi là một sự ban phước tốt lành. Tất cả những đau khổ mà các con đã từng trải qua liệu có thực sự là đau khổ hay không? Liệu có thể nói được gì về nắm đấm giơ lên hay không? Nói là Tam bảo là một cũng sai mà nói là đe dọa cũng không đúng. Không thể nói gì về nó được.”
“Trong trường hợp của con, con vẫn còn gán tự tính vào chồng con, mẹ chồng con, vào những việc đã xảy ra và bị mắc kẹt trong những nhầm lẫn ấy. Thế nên con mới đau khổ đến thế. Vì vậy, con cần phải thực hành để thấy rõ bản chất của thế giới là vô tự tính, để không còn bị vướng mắc vào hành xử của người khác đối với mình. Mặt khác, mục tiêu của tu hành không phải là vì mình mà là để giúp tất cả mọi người. Dù con có phát triển được trí tuệ giải quyết được vấn đề thì chồng con, mẹ chồng con vẫn còn ngập trong đau khổ. Con cần thấy được nỗi khổ của họ, thực sự thông cảm và quyết tâm giúp những người thân dần nhận ra sai lầm, dẫn họ tới con đường giải thoát thực sự.”
Rồi Zangthalpa quay sang nói với tất cả học trò:
“Tin một người là người xấu là vô minh. Tin một người là người tốt cũng là vô minh. Thấy rằng họ không xấu, không tốt, và không thể có họ, thì gọi là trí tuệ. Trên nền tảng trí tuệ đó, chọn một thái độ phù hợp, đó là Bồ Đề tâm. Thái độ đó là gì? Là thái độ đưa mình lẫn họ tới giác ngộ.”
Tiếng cười trong hội chúng đã dứt từ lâu. Ai cũng trầm ngâm về những điều thầy Zangthalpa giảng. Bên trong mỗi người, bao day dứt, đau khổ họ đã từng chịu bỗng nhiên được vơi đi, bao nhiêu hận thù, căm ghét với đối tượng nào đó tự nhiên dịu lại. Một làn gió đầu xuân nhẹ nhàng thổi tới, lật trang đầu tiên của cuốn lịch Phật với lời khuyên: “Sự giải thoát trong tâm mới là sự giải thoát tuyệt vời nhất.”
Trong Suốt kể tại Đà Nẵng tháng 8 năm 2017.
(Còn tiếp)
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 49: Tụt quần mà chỉ biết là đang tụt quần
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.