Con phải đến một quyết định là không có gì sai trong thế giới này cả. Thế giới khi con ngồi đây thì không có gì sai, không có gì phải sửa cả, mà muốn sửa gì cũng không sao. Cái gì hiện ra trong không gian của Biết này đều rất ổn, và không có vấn đề gì hết cho dù đó là cái gì đi nữa. Ngồi đây tự nhiên thấy nhớ nhà quá, có vấn đề gì không? Vì sao nhớ nhà lại không có vấn đề gì? Dù đó là gì, thì cũng không ảnh hưởng tới cái Biết này. Con bảo nó là suy nghĩ, không là suy nghĩ, bảo nó không là gì, hay có là gì cũng được, đều không ảnh hưởng gì tới thực tại thực sự đang ở đây cả.
Nếu con không hiểu điều căn bản này, thì cả đời con sẽ đi tìm cách sửa, chạy đến chỗ nào đó để tìm cái gì đó, và cuối cùng không tìm thấy gì cả. Giống như là đuổi bắt một cái bóng trên mặt sông, thì không bắt được gì hết. Mọi trạng thái con ao ước, dù là bình an, hạnh phúc, an lạc, hoà tan vào không gian, hay là không cảm thấy tôi đâu hết, tất cả là gì? Là một thứ không có thật, hiện ra trên nền của một thứ có thật thật sự. Tất cả cái mà con theo đuổi, khao khát, bản chất không tồn tại. Còn cái Thật thì có cần phải theo đuổi nữa không? Các con theo đuổi thứ không tồn tại, trong khi cái Thật thì chẳng cần theo đuổi, nó ở đây rồi. Ví dụ bảo các con ra kia lấy cho thầy quả bóng thì là theo đuổi thứ không có thật. Còn cái không gian này đang ở đây rồi, không cần theo đuổi gì cả, đúng không?
Nếu không hiểu điều thầy vừa mô tả, thì cả đời các con sẽ chỉ tìm cách đạt được những ảo giác mà thôi. Không bao giờ con có sự thật thật sự cả, mà con chỉ tiếp tục theo đuổi ảo giác mới thay thế ảo giác hiện tại, rồi lại theo đuổi một ảo giác mới thay ảo giác hiện tại, đúng không? Giống như trong giấc mơ đêm nay con muốn thành bậc giác ngộ, xung quanh có rất nhiều học trò, người tỏa đầy hào quang, cái gì cũng biết, đấy là một ảo giác mới thay cho ảo giác hiện tại bây giờ, có đúng không? Tối nay con thành Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề đi nữa, thì đấy là một ảo giác mới thay cho ảo giác bây giờ. Còn cái không phải ảo giác là cái gì? Cái Biết này, nó không thay đổi gì cả, nó không phải ảo giác, nó là cái thực sự tồn tại.
Nếu không hiểu sự kiện thầy mô tả thì cả đời con có ngồi bao nhiêu buổi thiền đi nữa, có đi theo bao nhiêu con đường tâm linh, gặp bao nhiêu thầy đi nữa, cuối cùng vẫn là đuổi theo ảo giác. Đấy là điều các con phải hiểu một cách sâu sắc. Điều này chiếm 80-90% tu hành, nhà Phật gọi là Chánh Kiến, hay có thể gọi là một cái hiểu sâu sắc. Nếu con chưa đến điểm xác quyết đấy, thì mọi thực hành tâm linh của con đều không đến kết quả nào hết. Con có thể có 500 kiếp tu hành thì cũng chẳng đến đâu cả. Giống như con có 500 giấc mơ, trong đó giấc mơ nào con cũng là bậc giác ngộ ấy. Kết quả con vẫn là người đang mơ, đang không biết cái gì là thật cả. Điều này không bao giờ mất giá trị cả, và là điều con cần nhớ.
Trích bài Thiền chỉ Biết – Thanh Hóa, 30.04.2022