Một học trò hỏi: “Con nghĩ giác ngộ là khi một người nhận ra người đó luôn là Biết và không còn quên sự thật đó nữa. Nhưng con cũng học là ‘nhận ra’ hay ‘lúc nào cũng nhớ’ chỉ là nội dung của Biết, hiện ra và biến mất trong không gian của Biết, trong khi Biết thực sự – giác ngộ thực sự – luôn ở đây. Cho nên con không thể hợp lý hóa được giác ngộ – nó có vẻ vô lý với con! Làm thế nào để giải thích ‘thời điểm’ một người chuyển hóa từ vô minh thành giác ngộ?
Thầy Trong Suốt trả lời:
Thứ nhất: Con đang nói ở góc độ của cái ‘tôi’, ‘tôi là thân tâm này’. Góc độ của tôi là góc độ tin vào suy nghĩ. Khi con tin ‘tôi tu’ ‘tôi chứng’, con đang tin vào nội dung suy nghĩ. Nhưng thực ra, cái đấy chỉ có trong suy nghĩ thôi! Con nhìn mà xem: ‘tôi’ nằm ở đâu trước mặt? ‘tu hành’ nằm đâu, không thấy? Nhưng mà vẫn có cái ‘tôi tu hành’! Suy nghĩ phải hợp lý hóa mô hình giác ngộ, phải hợp lý hóa thế giới này. Nó phải cho giác ngộ vào một mô hình nào đó mà nó có thể nắm bắt được, phân tích được, hiểu được. Những bậc giác ngộ là phiên bản ‘hợp lý hóa’ của suy nghĩ. Suy nghĩ tin rằng có thời gian, tin rằng có tôi, thế nên có một mô hình giác ngộ như con đang tin là Đức Phật: đầu tiên là vô minh, sau đó ngồi thiền dưới cây bồ đề, sau đó giác ngộ và không bao giờ quên nữa. Nhưng con nhìn thử vào cái đấy xem: đấy có phải chỉ là nội dung của suy nghĩ không? Khi con ngồi đây, con có nhìn thấy Đức Phật không? Có số điện thoại không? (mọi người cười) Thế tại sao con lại tin có Đức Phật sinh năm bao nhiêu, giác ngộ năm bao nhiêu? Đấy có phải là toàn nói về nội dung suy nghĩ không? Như vậy, ‘sự tu hành’ và ‘sự giác ngộ’ có thật không, hay chỉ là nội dung suy nghĩ? Muốn có ‘tu hành’ thì phải có suy nghĩ, nhưng con nhìn xung quanh đây thì làm gì có ‘tu hành’? Làm gì có ‘giác ngộ’? Khi con đã tin vào một mô hình rằng có ‘tôi’, có ‘tu hành’ có ‘giác ngộ’, thì con cần một sự hợp lý, bởi suy nghĩ hợp lý hóa: tôi sinh ra, tôi vô minh, tôi trưởng thành, tôi hiểu ra, tôi giác ngộ, tôi không quên nữa. Mô hình đó nằm trong suy nghĩ! Nhưng trong thực tế, không thể có ai đi tu, không thể có ai giác ngộ, không thể có sự nhớ, sự quên. Trong kinh Kim Cương, Đức Phật còn giảng không có người giác ngộ. Không có ‘người’, không có ‘sự giác ngộ’ mà lâu nay con tưởng. Cái đấy chỉ là mô hình suy nghĩ để hợp lý hóa thôi. Cho nên , ‘tôi tu’ ‘tôi vô minh’, ‘tôi giác ngộ’ đều không có thật, chỉ là tưởng tượng. Con đang tưởng tượng, mà con còn muốn nó hợp lý! Khó quá!
Thứ hai: “Đã là tưởng tượng, sao cần phải hợp lý?” Ví dụ, hãy thử tưởng tượng con đi bộ một bước từ hôm nay về ngày hôm qua. Tưởng tượng xong rồi, làm thế nào con có thể hợp lý hóa nó? Thậm chí, nếu tưởng tượng thêm: ‘Nếu về ngày hôm qua thay đổi con, thì có con ngày hôm nay không?’ Hợp lý hóa thế nào bây giờ? Con có thể tưởng tượng một cánh cửa thời gian nào đó. Nhưng nếu: ‘Liệu quay ngược thời gian giết người trong quá khứ đi, thì còn có người để dùng cánh cửa thời gian nữa không?” Hại não chưa? Bởi vậy, con tưởng tượng một người giác ngộ thì dễ. Nhưng con tưởng tượng tiến trình giác ngộ thì rất khó. Mâu thuẫn của con rất dễ lý giải: tưởng tượng ra thì dễ, hợp lý hóa nó thì khó! Con có thể hợp lý bằng đọc hết sách vở nhà Phật: tu hành ba tăng tì kiếp thế nào, đoạn trừ từng phần vô minh thế nào. Nhưng nếu con nhận ra: đấy chỉ là tưởng tượng thì xong luôn. Nó không cần hợp lý! Đã tưởng tượng, sao cần phải hợp lý?
Thứ ba: “Một thế giới mới” Nếu con thấy rằng thế giới này chỉ là tưởng tượng, hay là biểu diễn của Biết, con cần gì nó phải hợp lý nữa? Biết chiếu ra cảnh đấy, thế thôi, giống như xem phim, cần gì phải hợp lý – cứ xem thế thôi! Tất nhiên điều này chống lại hoàn toàn tất cả các quan điểm của suy nghĩ, vì suy nghĩ phải liên hệ, phải logic, từ A phải suy ra B chứ. Làm sao cứ thế thôi được? ‘Cứ thế thôi’ là cảnh giới ngoài suy nghĩ rồi. Như như đấy! Khi con học về Biết, con bắt đầu mở ra cánh cửa cho những sự kiện bất hợp lý trong đời, cho những việc tự nó thế thôi. Khi con đồng ý rằng chuyện đó xảy ra chẳng có lý do gì hết, thì con bắt đầu chuyển sang một thế giới khác, một thế giới mà con không thêm suy nghĩ vào nó nữa – thế nào cũng được. Một thế giới mới. Sự biểu diễn của Biết rất là rộng mở. Biết có thể biểu diễn bất cứ điều gì, không cần lý do. Mọi lý do đều do tâm trí bịa vào. Cho nên con có thể hoàn toàn tự tin rằng con có thể ngộ bất kì lúc nào cũng được! Chẳng cần lý do gì. Ngộ là ngộ, hết!
Trích bài nói chuyện “Biết bồng bềnh hay Biết bận bịu” Hà Nội, 16.10.2021