Phim Lật mặt 7 đã khai thác câu chuyện một gia đình giàu có ở Hà Nội và gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về mâu thuẫn thế hệ. Đó là gia đình cậu cả Hai Khôn. Từ ngoài nhìn vào, đây là một gia đình mẫu mực. Bố mẹ thành đạt, con được học trường tốt. Nhưng bên trong thì có sóng ngầm và chờ ngày bùng phát.
Ngày sóng dâng cao là khi ông bố phát hiện video có cảnh con gái Vy đánh bạn. Hai vợ chồng ông mắng con té tát mà không cần hỏi lý do. Với Vy, đây là giọt nước tràn ly, sau nhiều bữa cơm chan nước mắt, từ bé tới giờ. Cô đã hét lên với bố mẹ rằng: “Con chỉ muốn một lần ba mẹ đặt mình vào vị trí của con, để xem con thật sự mong muốn cái gì”.
Vy đã nói lên ấm ức suốt nhiều năm
Rồi với bao dồn nén ấm ức từ khi còn bé, cô đã khóc nghẹn nói ra sự vô lý của bố mẹ: “Điểm cao thì mẹ không bao giờ động viên. Nhưng điểm thấp thì cả ba lẫn mẹ đè đầu cưỡi cổ ra chửi”.
Bạn thấy quen không? Đây không phải chuyện hiếm, mà rất nhiều gia đình gặp cảnh tương tự. Tại sao vậy?
Theo tâm lý học tỉnh thức WECAP, cả hai vợ chồng đều thiên về tiềm năng Thành tựu. Mặt sáng của Thành tựu là luôn quan tâm tới mục tiêu và quyết liệt hoàn thành mục tiêu. Vì thế, cả 2 vợ chồng đều thành đạt trong công việc. Tuy nhiên, mặt tối của Thành tựu là sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt mục tiêu mà không hề cân nhắc xem mục tiêu đó có đáng hay không.
Để đạt thành công sự nghiệp thì cái mà cả hai vợ chồng đánh đổi chính là thời gian dành cho con cái. Vy đã thét lên rằng: “Bố chưa từng bao giờ đi họp phụ huynh”. Phải rồi, ngay tờ giấy thông báo của nhà trường, ông cũng chưa từng mở ra.
Đây là câu chuyện của thế hệ. Thế hệ 8x, đời đầu 9x đổ về trước, thì đất nước còn nghèo, nên mọi đứa trẻ đều có tâm lý thoát nghèo. Ai cũng nghĩ nghèo là khổ, và cách thoát khổ duy nhất là thoát nghèo. Và thời đó, cách thoát nghèo duy nhất là học. Phải học thật giỏi. Chính quyết tâm nung nấu đó đã đào luyện nên những con người Thành tựu: Sống có mục tiêu, không ngại khó khăn vất vả để đạt mục tiêu.
Thế hệ đó đều cho rằng khi giàu thì có thể giải quyết mọi chuyện trong cuộc sống. Họ từng sống như thế và cho rằng con họ cũng sẽ sống như thế, cũng sẽ quyết tâm làm giàu.
Thế hệ đầu 9x đổ về trước luôn cố gắng thoát nghèo
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và thay đổi khủng khiếp, không chỉ đơn giản là vài chục năm, mà có khi tới cả nghìn năm. Có thể gọi là khác biệt thế kỷ, giữa thế kỷ 21 và thế kỷ 20.
Bạn nghĩ xem, quay lại thời 8x tới cả nghìn năm trước, đất nước luôn nghèo, những đứa trẻ luôn mong ước thoát nghèo, nên tính Thành tựu đều rất mạnh. Nhưng thời nay, khi gen Z được sinh ra thì rất nhiều gia đình đã đầy đủ vật chất. Theo lẽ tự nhiên, họ không hề có mong muốn được thoát nghèo nữa. Vì có nghèo đâu mà cần thoát? Khi đã đầy đủ vật chất rồi, họ tự nhiên sẽ quan tâm tới làm gì khiến họ hạnh phúc.
Bố mẹ Vy không hiểu điều này, và chỉ luôn ép con phải học. Vy đã phải hét lên rằng: “Con chỉ muốn một lần ba mẹ đặt mình vào vị trí của con, để xem con thật sự mong muốn cái gì”.
Rồi tại sao điểm kém thì cả bố lẫn mẹ đè đầu cưỡi cổ ra chửi
Với suy nghĩ học giỏi là con đường duy nhất, bố mẹ sẽ sẵn sàng đầu tư mọi thứ mình có (nhiều nhà còn sẵn sàng vay nợ để cho con học trường tốt, đi du học). Bố mẹ luôn phải mất (tiền bạc, công sức) để con được (được học tử tế, quần áo, xe, điện thoại tử tế). Vì vậy, cảm giác chung của bố mẹ là mình đầu tư, hy sinh rất nhiều. Dù bố mẹ không có tính Thành tựu, thì việc đầu tư này sẽ khiến họ tự rơi vào Thành tựu, rồi sẽ quan tâm nhiều tới được mất.
Khi con điểm kém, cái mục tiêu bị đe dọa mạnh. Điểm kém không chỉ là điểm kém, mà là nó học dốt đi, nó thua bạn thua bè, nó lười học đi, cả tỷ thứ đi kèm được tưởng tượng thêm vào. Nên con điểm kém, bố mẹ nghĩ mắng là đương nhiên. Mắng là để điều chỉnh con học tốt hơn, thể hiện tính kiểm soát mục tiêu của Thành tựu.
Nhưng tại sao điểm tốt thì không khen?
Với người Thành tự thì khi mục tiêu đã thành đương nhiên thì mọi thứ trên con đường đạt mục tiêu là đương nhiên phải xảy ra. Nên điểm cao phải là đương nhiên. Bố mẹ nghĩ đã đầu tư cho con từng này thứ, thì việc đạt điểm tốt là đương nhiên. Mặt tối của Thành tựu là không có khái niệm niềm vui trên con đường. Đi sai đường thì lao tâm xử lý, đi đúng thì coi nó là đương nhiên.
Điểm cao thì không khen, điểm thấp thì chửi là đương nhiên
Người con sống trong cảnh đó thì cảm giác thế nào? Bé Vy đã nói lên tiếng lòng của những người con đó: “Mỗi lần ăn cơm cứ như ăn cơm chan nước mắt vậy”.
Đừng coi nhẹ mâu thuẫn thế hệ. Nếu bạn thế hệ 7x-9x, bạn có đang đối xử với con bạn như gia đình trên không? Con bạn có thể đang chịu nhiều tổn thương từ sự áp đặt của bố mẹ. Nếu không dành nhiều thời gian và tâm sức, bạn sẽ chẳng thể hiểu con mình và chẳng thể giúp con thực sự.
Trong câu chuyện trên, người bố đã nhận ra mình đang tối Thành tựu. Chính ông đã thừa nhận với mẹ ông rằng: “Bấy lâu nay con đã nhầm khi cố xây một gia đình đẹp mà không xây một gia đình hạnh phúc”. Sau đó gia đình ông đã hạnh phúc hơn nhiều. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng cho hành trình thực sự thấu hiểu chính mình và con mình chưa?