Zangthalpa – Phần 1: Tu Sĩ Chỉ Biết Kiếm Tiền Và Du Lịch

Đã lâu lắm rồi, vào giữa thế kỷ 16, ở một vương quốc châu Á cổ xưa nọ, có một tu sĩ trẻ tên là Zangthalpa.

Trong thời đại xưa, Bồ tát là danh từ để chỉ một người có trí tuệ và lòng từ bi, luôn hành động để làm lợi lạc ngắn hạn và dài hạn cho người khác. Zangthalpa ngập tràn lý tưởng Bồ tát, ông đi đến tu viện và tu học, ông quyết định dành trọn cuộc đời để thực hiện lý tưởng của mình. Để làm điều này người ta phải dành nhiều thời gian học tập và thiền định, đồng thời buông bỏ các hoạt động thế gian vì chúng làm phân tán sự tập trung cho tu hành.

Thế nhưng, không giống như những tu sĩ khác, Zangthalpa thường hay ra chợ mua bán, tích tập tiền bạc của cải và du hành khắp nơi, mang về nhiều đồ đạc quý giá rồi lại tiếp tục mua bán và du hành… Việc làm trái với truyền thống này khiến ông bị các tu sĩ coi thường, hầu hết mọi người không nhớ tên của ông mà chỉ hay gọi ông là “tu sĩ chỉ biết kiếm tiền và du lịch”.

Họ nghĩ Zangthalpa mất thời gian cho việc đời như thế thì hiểu biết gì về giáo pháp, làm sao xứng đáng là một tu sĩ! Họ thường xuyên đề nghị vị tu viện trưởng, đại sư Ozer, trục xuất ông, nhưng không hiểu vì lý do gì Zangthalpa vẫn chưa bị trục xuất.

Khi đó, đất nước xảy ra chiến tranh khốc liệt giữa các lãnh chúa, mỗi lãnh chúa được bảo trợ bởi một dòng phái Phật giáo khác nhau, luôn tìm cách cạnh tranh và tiêu diệt lẫn nhau. Điều này khiến cho việc thực hành và giáo hóa Phật pháp trở nên phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, một vị thầy theo dòng mũ đen đi vào vùng đất của một vị vua theo dòng mũ vàng để giảng dạy có thể bị ra lệnh bắt giam rồi xử tử, những học trò theo học vị thầy đó có thể bị bắt đi đày cùng cả gia đình…

Giữa bối cảnh rối ren như vậy, số phận con người càng trở nên bi thảm. Nhưng cũng vì thế mà khao khát tìm cầu giáo pháp đích thực để thoát khỏi khổ đau ngày càng lớn lao trong mỗi người dân. Zangthalpa đi hết vùng đất này sang vùng đất khác để kinh doanh. Ngoài việc bán hàng, thỉnh thoảng ông tập hợp mọi người trong những buổi họp kín, ngay giữa các phiên chợ, để giảng dạy và truyền pháp. Bất chấp có thể nguy hiểm đến tài sản và tính mạng nếu bị phát hiện.

Một hôm, các tu sĩ quyết định trêu ghẹo Zangthalpa. Sau một chuyến đi buôn bán dài ngày, Zangthalpa khá mệt, ông nằm ngủ trên một sườn núi. Các tu sĩ đánh thức ông dậy và nói:

– Tu sĩ, ông có vẻ rất “chăm chỉ” thực hành, ông đã đi khắp nơi, chắc có rất nhiều hiểu biết, xin chỉ dạy cho chúng tôi cách làm thế nào để trở thành một vị Bồ tát?

Mọi người vừa hỏi vừa cười lớn chế giễu. Zangthalpa tuy mệt nhưng cũng ngồi dậy trả lời:

– Tôi không biết được bao nhiêu, nhưng tôi sẽ cố gắng.

Zangthalpa cùng họ đi đến sân chính của tu viện, ở đó nhiều tu sĩ khác đang chờ đợi. Rất nhiều người đến dự buổi giảng pháp, hi vọng sẽ được thấy điều gì đó buồn cười. Để trêu đùa, họ tụ họp lại, lập một chỗ ngồi trên cao, trang hoàng đẹp đẽ để Zangthalpa an tọa. Mọi người kháo nhau: “Hôm nay tu sĩ Kiếm tiền và du lịch sẽ thuyết pháp, hẳn phải là một sự kiện thú vị, những ai quan tâm nên tới xem”…

Khá béo, Zangthalpa hì hục leo lên chiếc ngai cao đã chuẩn bị sẵn cho mình. Ông nói:

– Tôi không có nhiều hiểu biết, cũng như không thông thái cho lắm, có thể tôi sẽ làm các bạn cảm thấy tẻ nhạt.

Mọi người bắt đầu cười.

– Có lẽ tôi sẽ giảng nhầm, mà cũng có thể không được lưu loát, nhưng tôi sẽ cố hết sức. Các bạn muốn tôi phân tích một vài đoạn trong kinh sách về chủ đề trí tuệ và từ bi? Hay muốn tôi nói một vài điều từ kinh nghiệm của riêng mình?

Mọi người la lên:

– Dạy chúng tôi điều gì mới đi, miễn là đừng về kiếm tiền và du lịch là được!

Zangthalpa bắt đầu giảng… Dưới ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, thân thể ông dần dần trở nên trong suốt, ánh sáng cầu vồng 7 màu vây xung quanh ngai, nơi ông ngồi. Và đây là những điều ông đã nói với đám đông:

*

Bạn yêu quý,
Có thể tôi không dành đủ thời gian đọc kinh điển,
nhưng những điều này xuất phát từ kinh nghiệm trên đường của tôi
Xin vui lòng lắng nghe, về những điều tôi sắp chia sẻ cùng các bạn

Nếu muốn thực hành lý tưởng Bồ tát
bạn hãy làm việc vì lợi ích của người khác theo 11 cách khác nhau:

1. Làm bạn với những người cô độc
2. Khuyên bảo những người đang bối rối
3. Giúp đỡ những người không tự lo liệu được
4. Bảo vệ những người đang sợ hãi
5. An ủi những người đang than thở
6. Chia sẻ với những người đang đau buồn
7. Hướng dẫn những người đang tìm con đường tâm linh
8. Hỗ trợ những người đang trên đường tu hành
9. Ca ngợi những người có lựa chọn khôn ngoan
10. Quở trách những người thiếu suy nghĩ
và 11. Ngăn chặn những người định làm điều xấu

*

Đám đông bắt đầu chăm chú hơn, và Zangthalpa tiếp tục nói: ……

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 2:  Hòn Đá Đặt Chân

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.