Hai cô gái Khánh Vân và Ngân Hoa là hàng xóm của nhau. Một hôm, hai người đi cày về muộn lại gặp mưa giông. Thấy bức tượng Quan Âm Bồ Tát Tứ Thủ đang đứng ngoài mưa gió, Ngân Hoa nhìn mình từ trên xuống dưới, toàn thân đã ướt đẫm vì trời mưa, dưới chân chỉ còn mỗi đôi dép rơm, cô bèn vội vàng tháo đôi dép và đặt lên đầu bức tượng. Khánh Vân thấy vậy kinh hãi định chạy tới giật đôi dép xuống nhưng Ngân Hoa không cho. Cô liền mắng Ngân Hoa xối xả vì dép là vật bẩn thỉu mà dám đặt lên đầu tượng Quan Âm.
Bấy giờ, Zangthalpa vừa kết thúc buổi nói chuyện với đại chúng trong vùng, đang thong thả đi về tịnh thất dưới trời mưa. Thấy Zangthalpa, hai người nữ vội vàng chạy đến chụp lấy tay thầy nhờ phân xử. Ngân Hoa phân bua: “Thưa Thầy, con thấy Ngài Quan Âm Bồ Tát đứng giữa trời mưa gió làm ướt kim thân. Nhìn không đành lòng mới lấy dép, chỉ mong che được chút đỉnh mà thôi.” Zangthalpa cười bảo: “Con làm thế là đúng”
Khánh Vân không đồng tình: “Con thì thấy phải gỡ ngay đôi dép xuống vì để dép lên đầu Phật là bất kính. Chiếc dép đi dưới đất cơ mà. Sao một thứ dơ bẩn như vậy lại để lên đầu Ngài? Chúng ta nên cúng dường lên chư Phật, chư Bồ tát những thứ thanh tịnh, quý giá” Zangthalpa cũng gật gù: “Con nói thế cũng đúng”
Hai người bạn cảm thấy bất bình vì thầy khen đối phương của mình là đúng, bèn đồng thanh thốt lên: “Sao thầy lại ba phải như vậy?” Zangthalpa cười lớn: “Các con nói rất đúng. Ta rất là “ba phải”. Để ta kể các con nghe một câu chuyện ta nghe thấy trên đường đi du lịch.” Chuyện có tên là: CON NÓI HOÀN TOÀN ĐÚNG.
*
Ở một ngôi làng nọ, có một ngôi chùa rất uy nghiêm, bề thế, nằm ở nơi có nhiều người qua lại. Trong chùa có một thiền sư tên là Tất Đắc, có tấm lòng bao dung và có nhiều học trò theo học.
Một hôm, một thanh niên nghiêm túc tên là Đức Minh thấy ngôi chùa lớn liền ghé vào vãng cảnh. Chàng đang định vào lễ Phật thì bỗng dưng mót tè không chịu nổi, bèn loanh quanh tìm nhà vệ sinh. Đang lúc căng thẳng, chàng chạy ngay ra… phòng ngủ của thiền sư Tất Đắc. Thực ra, đấy là khu nhà ở của sư nhưng vì thiền sư là người sống rất giản dị nên phòng của ngài rất xuềnh xoàng, trông chẳng khác cái nhà vệ sinh là bao nhiêu. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì, đang cơn buồn khẩn cấp, thanh niên Đức Minh bèn chạy ngay vào tè một bãi rõ to. Xong rồi chàng khoan khoái đi ra, lại lên chính điện lễ lạy như bình thường.
Đúng lúc đấy, ni cô Minh Anh trông thấy toàn bộ hành động của Đức Minh, liền chạy thẳng đến gặp thiền sư Tất Đắc đang tiếp khách mà mách tội: “Sư phụ, Sư phụ! Có một chuyện động trời vừa xảy ra. Con vừa tận mắt chứng kiến một thanh niên vừa làm chuyện xằng bậy”
“Có chuyện gì, cứ từ từ nói”, thiền sư Tất Đắc nói với Minh Anh.
“Con vừa thấy cảnh một thanh niên trông thì có vẻ nghiêm túc, ai dè hắn ta loanh quanh ở khu nhà sư, đạp toang cửa phòng thầy, rồi đến đúng cái gối của thầy hắn liền tè một bãi. Thưa thầy, con thấy thật không thể chấp nhận nổi. Con nghĩ phải nói thầy trị sự đem hắn ra trước đám đông luận tội để mọi người cùng học bài học, để sau này không ai còn làm điều bất kính như vậy nữa”. Thiền sư nghe xong, từ tốn đáp: “Con nói hoàn toàn đúng”.
Thế là ni cô Minh Anh chạy ngay đến phòng thầy trị sự báo tin, thông báo cho cả chùa. Ngôi chùa vốn uy nghiêm, không có chuyện lộn xộn bao giờ. Nghe ni cô Minh Anh thông báo, tất cả mọi người kể cả khách vãng chùa hay các nhà sư, chú tiểu trong chùa đều hăm hở chạy ra xem, chẳng mấy khi chùa có “chuyện vui” như vậy. Dẫn đầu đoàn người là ni cô Minh Anh túm tay Đức Minh lôi xềnh xệch ra sân trước chùa: “Đây, ra đây, cậu ra đây, chuẩn bị nghe thầy luận tội và công bố trước đại chúng”.
Trong chùa có một chú tiểu tên là Minh Phong. Mặc dù trong chùa quy định các chú tiểu và ni cô không được có tình cảm với nhau, nhưng chú tiểu Minh Phong lại trót si mê ni cô Minh Anh từ lâu. Vì thế, chú tiểu Minh Phong rất muốn gây ấn tượng với ni cô, nhưng chưa lần nào có cơ hội. Chú thường nghĩ: “Để gây ấn tượng thì có hai cách, hoặc là ấn tượng tốt, hoặc là ấn tượng xấu. Nếu mà có cơ hội thì gây ấn tượng xấu là tốt nhất, một lần ấn tượng xấu bằng cả 10 lần ấn tượng tốt, như thế nàng mới nhớ mình lâu”.
Nhân cơ hội này, chú tiểu Minh Phong nghĩ: “Quả là trời không phụ lòng người, không bỏ công mình chờ đợi, cuối cùng thì cơ hội cũng đến. Mình không thể bỏ qua cơ hội tốt thế này”. Nghĩ là làm, chờ đúng lúc thiền sư Tất Đắc đi qua, chú tiểu Minh Phong tiến đến, bộ dạng rất nghiêm trọng: “Bạch thầy, bạch thầy”. Thiền sư Tất Đắc từ tốn hỏi: “Chuyện gì hả con?”
Minh Phong khẩn khoản thưa: “Bạch thầy, lúc nãy con thấy ni cô Minh Anh nhìn trộm trai lạ tè bậy. Nên theo con là mình không nên bắt tội thanh niên Đức Minh nữa vì hành động của ni cô còn đáng xấu hổ hơn nhiều”.
Quả đúng là ni cô Minh Anh đã rình gã tè bậy Đức Minh từ đầu đến cuối. Nghe Minh Phong nói, mặt Minh Anh đỏ bừng lên và cảm thấy cực kỳ căm ghét chú tiểu Minh Phong. Minh Anh nghĩ bụng: “Khi luận tội ra, kiểu gì mọi người cũng nghĩ mình đã nhìn trộm giai tè từ đầu đến cuối mà không hô lên câu nào”.
Theo lẽ thường, khi thấy Đức Minh loanh quanh khu sư ở, thì ni cô Minh Anh phải hô lên: “Anh ơi, đây là phòng của sư thầy!” hẳn là Đức Minh sẽ không tè nhầm chỗ. Thế nhưng, Minh Anh lại đứng quan sát chi tiết, xong người ta đi ra rồi mới báo cáo sư thầy. Quả thực, ni cô Minh Anh chỉ muốn lập công chứ không có ý tốt đẹp gì.
Nghe xong, Thiền sư Tất Đắc chậm rãi nói với chú tiểu Minh Phong: “Con nói hoàn toàn đúng!”
Thế là khi ra đến sân chùa, tất cả mọi người đều ngẩn ngơ không biết làm sao. Ni cô Minh Anh thì mặt đỏ lựng lên không dám nói câu gì. “Thế sao mọi người lại đứng đây làm gì?”, một người cất tiếng và đám đông bắt đầu xôn xao.
Lúc đấy chàng thanh niên nghiêm túc Đức Minh đang khó chịu vì vừa bị lôi xềnh xệch được dịp phân bua: “Tôi chưa thấy cái chùa nào như cái chùa này: Phòng của sư thầy thì nhếch nhác hệt như cái nhà vệ sinh. Người ta thì hoàn toàn vô ý tè nhầm chỗ thôi, chứ không có động cơ gì hết. Thế mà ni cô lại đi ngắm trộm khoai sắn của tôi từ đầu đến cuối, đã thế lại còn đem ra trước đám đông để làm trò đùa. Còn cậu đệ tử kia, tôi nhìn thấy ánh mắt của hắn rồi, vừa mách thầy nhưng mà mắt thì nhìn ni cô kia đắm đuối không rời. Thật sự tôi cảm thấy người thầy này dạy đệ tử chả ra gì. Mọi người thấy có đúng không? Một đệ tử nữ chỉ muốn rình trộm để lập công, một đệ tử nam thì có tâm phá giới. Chùa gì mà chú tiểu lại yêu ni cô? Được hai đệ tử lớn nhất, một đứa thì mê giai, một đứa thì mê gái. Ông thầy thật chả ra gì!”
Đám đệ tử bất bình mặt đỏ gay chỉ muốn nhao nhao phản đối nhưng vì nể thầy nên còn chưa lên tiếng, còn đám đông đều đưa ánh mắt mong ngóng nhìn về phía thiền sư chờ đợi một lời giải thích. Thiền sư Tất Đắc chắp tay sau đít nhìn vào khuôn mặt đỏ bừng của chàng thanh niên tè bậy, gật gật đầu rồi thủng thẳng: “Con nói hoàn toàn đúng!”
Thiền sư Tất Đắc chắp tay sau đít nhìn vào khuôn mặt đỏ bừng của chàng thanh niên tè bậy, gật gật đầu rồi thủng thẳng: “Con nói hoàn toàn đúng!”
Đám đông ồ lên phẫn nộ. Chỉ có Thiền sư Tất Đắc là mỉm cười khoan thai nhìn mọi việc đang tự động diễn ra.
Zangthalpa dừng lời, tiếng tranh cãi của Khánh Vân và Ngân Hoa lúc này đã không còn nữa. “Ai thiền sư Tất Đắc cũng bảo là hoàn toàn đúng? Vậy thực sự thì ai đúng?”
Mọi người đều thắc mắc, “Mỗi người trong truyện đều nghĩ khác nhau, người này đúng thì người kia phải sai chứ!”
Zangthalpa mỉm cười: “Họ đều đúng trong hoàn cảnh của họ. Khi Đức Minh đi tè, dù đó là căn phòng của thiền sư nhưng vì nó lụp xụp nên cậu đinh ninh: “Hẳn nó là cái nhà vệ sinh”. Khi ni cô Minh Anh bắt quả tang chàng trai tè bậy, cô cũng nghĩ đó là việc nên làm. Còn đối với chú tiểu Minh Phong, gây ấn tượng xấu với người đẹp mới là cao thủ. Tại bất kỳ thời điểm nào, chúng ta luôn làm điều mình cho là đúng nhất. Chỉ có điều, mỗi người có một hoàn cảnh lịch sử, môi trường, trình độ khác nhau. Thế nên cái đúng nhất của người này sẽ khác cái đúng nhất của người kia. Từ đó mà sinh ra mâu thuẫn. Nhưng các con thử nghĩ xem, nếu chỉ vì những khác nhau về hoàn cảnh ấy mà khiến các con chất chứa sân hận trong lòng thì liệu có đáng không? Ngay cả những người làm tổn thương con, họ cũng đang làm điều họ cho là đúng nhất lúc ấy!”
Đám đông ngỡ ngàng, những lời Zangthalpa như phá bỏ những sự phán xét người khác trói buộc trái tim họ bấy lâu nay. Zangthalpa tiếp lời: “Hãy tin rằng mỗi người đang làm điều đúng nhất với hoàn cảnh của họ, con sẽ thấy thấu hiểu và thông cảm cho họ hơn, con sẽ không còn phán xét người khác nữa. Và nếu con thực sự hiểu: Dù hành động hay suy nghĩ có khác nhau thì cũng là do mỗi người có một môi trường và quá khứ khác nhau, con sẽ không còn bắt thế giới theo kiểu của mình nữa. Con sẽ thấy mọi chuyện xảy ra đúng như nó phải thế, đúng như nó vốn là. Và bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng đều hoàn hảo theo nhân quả!”
Zangthalpa quay sang Khánh Vân và Ngân Hoa đang im lặng: “Cả hai con đều đúng. Một người vì tôn kính thì để dép lên đầu để che cho Phật, một người cũng vì tôn kính mà lấy dép ra khỏi đầu Phật. Vì hiểu biết khác nhau nên mới có chuyện tranh cãi đúng sai. Cả hai con đều có tâm lành với tượng Phật, vì vậy hành động tuy trái ngược nhưng đều gieo hạnh lành!” Zangthalpa mỉm cười nhìn hai người phụ nữ chắp tay thành kính trong cơn mưa. Trời đã chuyển lạnh, nhưng trái tim họ thì ấm áp và đầy ắp yêu thương.
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội ngày 16/7/2015.
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 35: Hố phân và ngũ độc
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.