Một buổi sáng đẹp trời, Zangthalpa đang ngồi trò chuyện dưới tán cây cùng các học trò thì bỗng đâu một cô gái trẻ hớt hải chạy đến. Cô quỳ sụp xuống dưới chân Zangthalpa, nức nở nghẹn ngào:
“Thầy ơi! Cuối cùng thì con cũng được gặp thầy. Con là Vydia ở làng bên, con biết đến Thầy qua câu chuyện Con quỷ hay Bồ Tát được mọi người kể lại. Con đã vô cùng sửng sốt khi nghe câu chuyện ấy như đó chính là chuyện của con.
Con có một bà mẹ chồng tai quái, lúc nào cũng mắng nhiếc xỉ vả con không tiếc lời. Con làm gì cũng không vừa ý bà ấy. Bà ấy luôn chửi con là đồ ngu si, vô dụng, làm vợ không biết làm vợ, làm mẹ không biết làm mẹ. Trong khi con quần quật cả ngày vừa giúp chồng buôn bán lại chăm con nhỏ. Bà ấy luôn xưng hô mày tao với con một cách hằn học và đối xử với con như một thứ của nợ chỉ muốn hắt nước đổ đi. Bà ấy khiến con kinh sợ nơi mà lẽ ra con gọi là nhà và khiến con lạc lõng giữa những người mà con gọi là gia đình.
Nghe truyện của Thầy, con đã nhẹ nhõm đi rất nhiều. Nhưng Thầy ơi, kể cả khi con đã cố gắng nhìn bà ta như một vị Bồ Tát, con vẫn không thể chấp nhận được cách nói năng và hành xử rất vô văn hoá của bà ấy. Bà ấy không xứng đáng để con gọi là mẹ!”
Zangthalpa gật gù nghe hết câu chuyện đầy phẫn uất của cô gái trẻ rồi mới nhẹ nhàng nói:
– Cả con và mẹ chồng con đều đang ở dưới đống phân, rất đáng thương mà không hay biết. Để ta kể cho con một câu chuyện có tên là “HỐ PHÂN và NGŨ ĐỘC”.
Ngày xửa ngày xưa, trong Vương quốc Ấn Độ, có một ngôi làng rất nổi tiếng tín tâm thờ phụng các vị thần. Hàng tháng họ đều tổ chức lễ hội để cầu nguyện và tạ ơn thần linh. Một đêm rằm tháng bảy, trước ngày lễ hội diễn ra, cả làng đang chìm vào trong giấc ngủ. Bỗng có những tiếng nổ lớn như sấm ở trên trời vang lên: Bủm, bùm, bủm… rồi một tiếng uỳnh to lắm của một vật thể lạ rơi xuống làm sân trung tâm làng nứt toác ra, thành một hố rất to. Tiếng nổ lớn đánh thức cả làng. Cánh cửa của các gia đình mở toang, từ người già, thanh niên trai tráng, đến đám đàn bà con gái và đám trẻ con đều lũ lượt kéo nhau đi xem. Dưới ánh đuốc chiếu vào, vật thể lạ phản chiếu năm màu sắc lấp lánh, trông thật rực rỡ. Thế nhưng nó lại bốc mùi thối thật khủng khiếp mà ai xem xong cũng phải lùi ra xa.
Sáng sớm hôm sau, hội nghị bô lão đã họp bàn và xác định. Vật thể lạ này có thành phần như phân bò phân lợn. Là phân thì đúng rồi nhưng nó lại quá to lớn, màu sắc thì sặc sỡ, lại rơi vào đúng trước ngày cúng thần Indra, phải chăng đây là phân của thần? Nếu là phân của thần thì còn quý hơn vàng của người ấy chứ. Và thế sau một hồi họp bàn, các vị bô lão quyết định: sẽ không dẹp hố phân ấy đi mà quây hàng rào lại, cử người canh gác. Hố phân được đặt tên là: Hố Phân của Thần Indra, để tưởng niệm nó rơi xuống làng vào đúng trước ngày cúng thần Indra.
Tin về làng có hố phân thần Indra đã lan khắp vương quốc. Cùng một ngày nọ, có 4 người tìm đến tham quan hố phân.
Người thứ nhất là công chúa Pema. Nàng dù nhan sắc trung bình, tài năng thì có hạn nhưng nổi tiếng kiêu ngạo vô đối nên nàng cứ mặc định mình là người đẹp và thông minh nhất kinh thành.
Người thứ hai là Jina, nàng công chúa thứ, em của Pema, xinh đẹp mỹ miều nhưng đầy ghen tị, đố kỵ.
Người thứ ba là Sita, con của một thương nhân giàu có. Nàng là người thích sở hữu mọi thứ trên đời, bản tính rất tham lam và tò mò.
Người thứ tư là Bodhi, con của một viên quan lớn trong triều. Vì là con ông cháu cha nên cả đời nàng được cung phụng, sinh ra thói vô cùng lười biếng.
Bốn người đều đến đây với mục đích dò la tin tức về hố phân và để xem mình có “làm ăn” gì được với tín vật của Thần Indra này không.
Pema vốn tính ta đây nên vừa bước xuống kiệu là mặt cứ ngước lên không thèm nhìn ai, còn cô Jina thì vốn ghen tị rất hay so sánh với bà chị Pema nên khi đi cạnh Pema thì tỏ ra rất khó chịu, lườm nguýt, trong đầu cứ ấm ức: “Trời đã sinh Ji, sao còn sinh Pé???” Hai cô cứ mải diễn cảnh ta đây và lườm nguýt mà không hề để ý gì tới đường vào, nên khi tới miệng hố phân rồi mà chẳng hề hay biết. Bỗng Jina dẫm phải một bãi phân trơn trượt khiến cô bị ngã tòm xuống hố. Trong lúc luống cuống cô chỉ kịp bám vào váy Pema, vả lại cô cũng không muốn Pema có gì hơn mình nên kéo theo Pema cùng chung số phận. Cả hai cùng bị tụt xuống hố. Jina bị tụt xuống tới ngang mũi, còn Pema chỉ bị tụt tới ngang miệng.
Cả hai vô cùng hoảng hốt. Pema đang ấm ức vì bị Jina kéo ngã, nhưng khi vừa nhìn thấy gương mặt lấm lem đầy phân xanh, phân đỏ của Jina, vốn bản tính kiêu ngạo luôn cho mình hơn người, Pema trong lòng cảm thấy rất đắc ý liền mở lời chê bai ngay lập tức: “Haha Jina, phân ngập tới mũi em kìa! Sao em nặng thế? Như chị đây này, phân chỉ mới ngập tới miệng thôi! Ôi… Ực Ực …” Ngay khi cô vừa dứt lời thì một mảng phân hôi thối đã chui tọt vào miệng!
Jina khó chịu lắm! Cô không thể chịu thua Pema được. Chẳng thèm để ý phân đang ngập ngụa xung quanh mũi mình, cô cố trồi lên để có thể mở miệng nói được mấy câu “Đâu, em mà nặng à?” Và thế là phân xanh phân vàng cũng thi nhau chui tọt vào miệng cô! Cả hai đều không nói gì được nữa, nhưng Pema thì cứ đắc ý vì mình vẫn bị ngập ít hơn Jina, còn Jina thì vẫn khó chịu vì muốn thắng bà chị tinh vi của mình.
Vừa lúc ấy, Sita cũng đi tới hố phân, với bản tính tò mò, thích trải nghiệm và tham lam có được mọi thứ, nên khi nhìn thấy hai người cứ nhấp nhổm dưới hố thì trong đầu sôi sục suy nghĩ: “Hai con bé kia nhanh chân quá! Chắc là dưới hố phân phải có cái gì hay ho, đặc biệt nên chúng nó mới mò xuống đấy. Mình cũng phải xuống thử xem sao chứ không chúng nó cướp mất phần!” Thế là đang yên đang lành, Sita nhảy tùm xuống hố vùng vẫy với hai cô kia. Đến lúc nhận ra dưới hố chỉ có đám phân loè loẹt thối hoắc thì đã muộn.
Ngay lúc đó, bà Len, người trông coi hố phân của làng cũng từ nhà đi ra. Bà vốn là người nóng tính, có nhiều khuôn mẫu bên trong bắt mọi việc phải đúng theo kiểu của mình, gặp việc chướng tai gai mắt là phải giải quyết cho bằng được. Khi nghe thấy những tiếng ồn ào dưới hố, bà vô cùng tức tối, ba chân bốn cẳng hùng hổ lao đến hố phân. Vừa chạy vừa chửi đổng: “Cái bọn điên rồ kia đang làm gì dưới hố phân của bà? Lại còn nói chuyện ồn ào! Ở dưới đấy làm gì mà không chịu lên cơ chứ? Bà phải dạy cho bọn mày một bài học mới được!” Vừa dứt lời khỏi miệng thì cơn giận dữ tăng cao khiến mặt bà đỏ gay đỏ gắt. Bà đang phừng phừng chạy tới thì vấp phải hòn đá, trượt chân, bổ nhào xuống hố. Đám phân khiến đầu bà đang nóng phừng phừng trở nên nguội ngắt!
Lại nói về cô nàng Bodhi, bây giờ mới thủng thẳng đi tới. Bodhi có bản tính là lười biếng, chuyện đúng, chuyện sai gì cũng mặc kệ chẳng thèm quan tâm. Vừa phải đi bộ một quãng đường xa mới tới hố phân nên cô thấy mệt quá, ngồi bệt ngay xuống miệng hố. Cô đưa mắt nhìn bốn người đang vùng vẫy dưới hố, và trong đầu nảy ra suy nghĩ “Có nên giúp không nhỉ? Cũng nên giúp đấy! Nhưng mình ngại quá! Mà mình không giúp rồi chờ một tí có khi cũng có người chạy đến giúp. Thôi cứ từ từ nghỉ tý đã! Vội làm gì?” Bodhi cứ ngồi như thế và đưa đôi mắt lờ đờ nhìn bốn cô ngoi ngóp ngụp lặn khổ sở trong hố phân.
Bốn người trong hố thấy có người ngồi đó như chết đuối vớ được cọc nên cố gắng với lên để bám lấy chân Bodhi. Bodhi do lười nên chẳng buồn cứu mấy người kia, nhưng cũng quá lười để nghĩ xem có nên phản ứng gì hay không. Khi thấy họ cố bám lấy mình để ngoi lên, Bodhi cũng lười đẩy ra, chẳng hề chống lại. Trong phút chốc, nàng bị bốn cô kia kéo tuột xuống hố phân và chung số phận vùng vẫy trong đó.
Bốn người trong hố thấy có người ngồi đó như chết đuối vớ được cọc nên cố gắng với lên để bám lấy chân Bodhi. Bodhi do lười nên chẳng buồn cứu mấy người kia, nhưng cũng quá lười để nghĩ xem có nên phản ứng gì hay không.
Năm người đều sắp chết chìm trong hố phân, không ai nhận ra lỗi là của mình mà họ đều nghĩ mình bị ra cơ sự này là do người khác. Jina thì nghĩ do cách đặt đống phân ở ngay giữa đường, mình rơi xuống là lỗi của nó chứ không phải do mình ghen tị lườm nguýt Pema. Pema thì nghĩ mình rất thông minh, cẩn thận, rơi xuống hố phân là tại Jina kéo chứ không phải do mình kiêu ngạo mặt cứ chổng lên trời. Sita thì nghĩ do bọn kia nói gì với nhau làm mình tò mò mà nhảy xuống chứ không phải do mình tham lam muốn hưởng cái mà hai người kia đang hưởng. Bà Len thì đổ tại cho bọn này xâm phạm hố phân của làng, chứ không phải do mình quá nóng tính và hấp tấp. Bodhi thì đổ cho mấy kẻ xấu bụng tự dưng mình bị kéo xuống hố phân chứ mình chả làm hại ai, mà không nhận ra mình quá lười biếng và thờ ơ mà bị rơi xuống hố. Cả năm người ngập ngụa trong phân, không chịu bàn nhau tìm đường ra, mà chỉ không ngừng than thở và trách cứ những người còn lại.
Khi đó xuất hiện một đại sư đi ngang qua, ngài khỏe mạnh, nhân từ, trong tay là cái dây thừng rất chắc, miệng không ngớt lời hô hào để bảo cách cho năm người dưới hố nắm lấy dây để kéo lên. Ai tin vào người trên hố sẽ giúp được mình? Ai sẽ lên và thoát khỏi hố phân? Ai lên lưng chừng miệng hố, hít được bầu không khí trong lành đã thấy thỏai mái? Ai sẽ tiếp tục phải lặn ngụp dưới đó?
***
Zangthalpa ngừng kể. Vidya trầm ngâm hồi lâu rồi rụt rè thưa:“Thưa Thầy, con nhận ra rồi! Con và mẹ chồng con cũng chẳng khác những người trong hố phân kia. Mẹ con thì chửi con vô dụng, con thì coi thường bà là vô văn hoá. Cả hai chỉ chăm chăm cho mình là đúng mà không nhận ra mình sắp chết chìm trong hố phân rồi!”
Zangthalpa mỉm cười hiền từ, gật đầu và nói:
“Luân hồi cũng giống như cái hố phân ấy. Nó được tô vẽ bởi rất nhiều màu sắc, bởi sự thêu dệt, kỳ quái mà ai chưa biết thì tưởng hay ho, độc đáo lắm đến mức muốn lao vào cho bằng được. Nhưng sự thật thì vô cùng “bốc mùi” mà ai trải qua rồi thì ngao ngán, chỉ muốn tránh cho xa. Đã ở trong hố phân, ai cũng vô minh như ai. Khi nhận ra mình đã cùng ở trong hố phân rồi thì việc cần làm là tìm cách để thoát ra chứ không phải là dồn sức vào mà tranh đua, phê phán, chê bai, đổ lỗi cho nhau. Càng dồn sức vào đấy thì càng lún sụt sâu xuống hố phân luân hồi mà thôi.”
Cô gái trẻ nhìn Zangthalpa khẩn khoản “Thầy ơi, con không muốn lún sâu thêm nữa. Con thực sự muốn thoát ra!”
Zangthalpa tiếp tục:
“Những đau khổ của luân hồi bắt nguồn vô minh mà biểu hiện của nó là ngũ độc: Kiêu ngạo, Ghen tị, Tham Lam, Sân Hận, Lười biếng, cũng chính là năm tính cách nổi bật của 5 nhân vật trong truyện. Đây là 5 tính xấu mà người chưa giác ngộ ít nhiều đều có.
Muốn thoát ra, đầu tiên, các con phải nhận ra rằng mình đang ở trong hố phân luân hồi. Nhận ra rằng khổ đau của luân hồi có thể đến bất cứ lúc nào và có khao khát thoát khỏi đó.
Sau đó, các con cần hiểu rằng nỗi khổ đến từ đâu. Nỗi khổ không đến từ hố phân hay những người trong hố phân. Nỗi khổ đến từ chính ngũ độc trong mỗi người. Nhận ra nỗi khổ đến từ sự vô minh bên trong và mong muốn sửa mình chính là thời điểm con bắt đầu bước vào con đường hạnh phúc chân thật.
Hãy quay vào sửa bên trong vì không có kẻ thù nào ở bên ngoài cả. Kẻ thù thực sự không phải là mẹ chồng con, chồng con, hay ai khác… mà là sự vô minh trong con. Nhận ra chúng để chuyển hóa các tính cách đó thành trí tuệ chính là con đường đến với giác ngộ, giải thoát.
Quá trình nhận ra chân lý đó chính là con đường thoát khỏi luân hồi mà nếu bất cứ ai thực sự muốn đi thì đều có thể đến.”
Đôi mắt Vidya sáng bừng đầy hy vọng: “Con tạ ơn Thầy, con nghĩ mình đã tìm thấy người trên hố có thể kéo mình thoát ra. Con nhất định sẽ theo Thầy tu hành để giúp mình và người khác thoát khỏi hố phân luân hồi!”. Trong tim cô, hình ảnh người mẹ chồng hiện lên thực sự đã như một vị Bồ Tát chỉ đường cho cô đến nơi này.
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội 6/2013.
Truyện đọc – Hố phân và Ngũ độc
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 36: Chàng Hải Nam đi tìm thần thông chân thật như thế nào?
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.
https://trongsuot.com/2017/08/22/kho-tang-truyen-co-tich-trong-suot-zangthalpa/