Một ngày nọ, Zangthalpa và học trò đi xem vở kịch “Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung” ở làng kế bên. Trên đường về, ai nấy đều vui vẻ hăm hở vừa đi bộ, vừa kể cho Thầy mình nghe những cảnh hay mà mình thích nhất và bài học sau vở diễn.
Đi được một lúc, Zangthalpa hô: “Tuổi già đã đến”. Cả đám học trò cười khì hiểu ý, nhanh chóng tìm một chỗ ngồi cho Thầy rồi cả đội ngồi vây xung quanh. Một học trò dâng một cốc bia trắng và mực mời Thầy. Gió mát, trăng thanh, trời đẹp, hồ lộng… tất cả đều hòa quyện như một bức tranh tổng thể không tách rời tuyệt đẹp.
Trong đám học trò, có một chàng thanh niên hot boy, đầu buộc tóc giơ tay xin hỏi: “Thưa Thầy, trong vở diễn hôm nay, có đoạn Tôn ngộ không không thể bay ra khỏi bàn tay Phật Tổ. Con vẫn chưa hiểu tại sao Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông như vậy mà không thể làm được điều đơn giản ấy ạ?”
Zangthalpal cười: “Một câu hỏi rất hay! Để ta sẽ kể cho các con nghe câu chuyện: “CHÀNG HẢI NAM ĐI TÌM THẦN THÔNG CHÂN THẬT NHƯ THẾ NÀO”. Qua câu chuyện đó, chắc các con sẽ tìm được câu trả lời.”
Zangthalpa bắt đầu kể:
Tu học tìm thần thông
Thời đó, ở một vùng nọ, có một chàng thanh niên tên là Hải Nam. Hải Nam từ khi trưởng thành đã có sự quyến rũ kỳ lạ bởi vẻ khôi ngô tuấn tú và phong cách thư sinh lãng tử, khiến không chỉ chị em phụ nữ mê mẩn mà trai tráng trong làng cũng quý mến, xuyến xao. Hơn thế, chàng lại có nghề viết thư pháp như rồng bay phượng múa, mỗi lần chàng cất bút, những nét chữ uốn lượn hiện ra có sức hút kỳ lạ, sống động đầy thần khí khiến khách tới xem tranh ngẩn ngơ ngắm nhìn. Mặc dù được mến mộ và cửa hiệu thư pháp rất đông khách, Hải Nam vẫn giữ cuộc sống khá ẩn dật, lạnh lùng và sâu thẳm trong chàng có một niềm khát khao cháy bỏng chưa bao giờ chia sẻ cùng ai. Thì ra bán tranh vẽ chữ chỉ là cần câu cơm để tích trữ cho việc thực hiện một đam mê lớn lao, đó là được theo chân nữ đạo sư danh tiếng Cintamani, người mà ngay lần đầu nghe tới tên, chàng đã thấy rùng mình run rẩy, ngưỡng mộ và biết đây là người mình nhất định phải gặp trong đời. Chàng đã bao đêm mơ thấy hình ảnh mình sau khi học hành thành đạo, không chỉ đẹp trai, quyến rũ hơn xưa mà còn biểu diễn được vô số thần thông, tỏa hào quang sáng lòa khiến cả vùng phải kinh ngạc trầm trồ. Được thế thì còn gì bằng nữa!
Thời gian thấm thoắt trôi qua, sau ba năm tích luỹ, chàng nhờ hàng xóm trông giúp mẹ già để lên đường học đạo. Không uổng công bao ngày lặn lội vượt muôn trùng núi sông, chàng đã tìm được tới nơi ở của nữ đạo sư Cintamani. Đứng trước nhà của nữ đạo sư, chàng háo hức vẽ ra trong đầu viễn cảnh đạo sư hiện ra với khí chất vô cùng thanh tịnh, huyền ảo cùng đủ thần thông khiến mình ngơ ngẩn, rồi bà sẽ nhận mình làm đệ tử và truyền mình những chiêu biến hóa kỳ diệu ấy…
Lại nói về nữ đạo sư Cintamani, bà tu hành từ lúc còn nhỏ và sớm có thành tựu lớn trên con đường đạo. Với lòng từ bi bao la, bà mở rộng cửa nhận học trò để dạy dỗ, giúp họ giác ngộ. Thời đấy, ở Ấn Độ, muốn được học đạo thì học trò phải cúng dường rất nhiều. Đạo sư Cintamani hoàn toàn nằm ngoài số ấy, tuy không cần nhận cúng dường nhưng bà rất kén chọn học trò. Đạo sư chỉ muốn giúp đỡ những học trò thực sự khao khát tu hành để giác ngộ ngay một đời nên đã đưa ra thử thách 10 vòng thi vô cùng khó khăn và cam go. Nhưng học trò vẫn tìm tới Đạo sư và thi đỗ rất nhiều nên chỉ trong thời gian ngắn, Đạo sư Cintamani phải ra thông báo chưa nhận thêm học trò mới.
Đang háo hức mong chờ đạo sư, khi nghe tin sét đánh ấy, Hải Nam thấy buồn nhưng không nản lòng. Với ý chí tu hành rất lớn, chàng vẫn quyết tâm ngồi đợi trước cửa nhà, tin rằng trời không phụ lòng người, sẽ có một cơ hội để gặp được nữ đạo sư. Thế là Hải Nam liền lót dép ngồi hóng.
Sáu ngày trôi qua, không lúc nào Hải Nam dám chợp mắt hay rời đi ăn uống, vì chàng luôn sợ bỏ lỡ cơ hội gặp được đạo sư của đời mình. Cuối cùng, vì mệt và đói, chàng lả đi, ngã ra đất, mê man… Đến khi tỉnh dậy, Hải Nam đã thấy mình nằm trên một chiếc giường nhỏ trong khu dành cho đồ đệ của Cintamani. Thì ra nữ đạo sư đã sớm biết Hải Nam, tuy nhiên bà muốn thử thách lòng cầu đạo của chàng trước khi chính thức nhận chàng làm học trò nên đã cố tình để chàng phải mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng. Thấy chàng ngất xỉu, đích thân Cintamani đã đưa chàng vào tịnh xá. Nghe mọi người kể lại chuyện, Hải Nam hạnh phúc lắm, quyết tâm học hành. Từ ấy, với sự dìu dắt của Cintamani, Hải Nam cố gắng dồn sức học tất cả các bài Pháp với mong muốn sẽ trở thành học trò ưu tú của đạo sư Cintamani. Dù bên ngoài, Hải Nam thể hiện mình chuyên tâm tìm hiểu Phật pháp nhưng sâu thẳm bên trong, chàng vẫn âm ỉ ham muốn luyện được thần thông – thứ năng lực mà chàng cho rằng mới làm người tu hành trở nên vĩ đại.
Năm tháng trôi qua, Hải Nam nay đã trở thành một trong những đệ tử xuất chúng nhất trong nhóm, được Nữ Đạo sư Cintamani tin tưởng. Tận dụng lợi thế, chàng không ít lần úp mở xin sư phụ thi triển thần thông để được mở rộng tầm mắt. Tuy vậy, Nữ Đạo sư Cintamani chỉ mỉm cười và khuyên chàng tinh tấn thực hành Pháp. Hải Nam dần nhụt chí, cho rằng con đường của đạo sư quá tầm thường, không xứng tầm với kỳ vọng lớn lao của mình: “Mình học có vài năm mà thầy đã hết cả chữ để dạy mình rồi. Thầy chả dạy gì mình thêm mà cứ chỉ nhắc đi nhắc lại: vô thường, nhân quả, bất toại nguyện. Mấy cái đấy thì có cái quái gì hay chứ. Mình muốn được bay lên trời cơ mà”. Nghĩ vậy, nên Hải Nam quyết định đi tìm thầy khác để học cho bằng được thần thông cao siêu. Chàng liền lấy lý do trở về nhà thăm mẹ già đang bệnh nặng để thực hiện ước mơ.
Thần thông giả tạo
Ngày ra đi, Hải Nam không khỏi xúc động rơi nước mắt vì những ân tình của đạo sư Cintamani dành cho chàng bấy nay. Nhưng vì ham muốn thần thông quá lớn lao, chàng vẫn quyết lên đường. Nữ Đạo sư Cintamani vốn đã nhìn thấu mong muốn của học trò từ lâu nhưng bà biết rằng, chỉ có để Hải Nam đi chuyến này, chàng mới học được bài học và tự trưởng thành. Đạo sư tặng chàng con chim bồ câu và một túi thóc rồi dặn dò: “Ta ban cho con con chim Mani này. Khi nào có gì khẩn cấp, con chỉ cần gắn thư vào chân nó rồi thả ra, nó sẽ tự biết tìm đến ta. Tuy ta chẳng có thần thông gì, nhưng chim của ta lại có thần thông, một ngày nó có thể bay được một vạn dặm nên dù con có thả nó ở đâu, nó cũng ngay lập tức truyền tin được cho ta. Có điều, con cần nhớ là cho chim ăn mỗi ngày chỉ một hạt thóc”. Chàng mang theo chim quý và trở về nhà.
Sau khi thăm hỏi họ hàng, bạn bè làng trên xóm dưới, chàng quyết định phải lên đường đi tiếp. Hải Nam nghĩ bụng “Xưa nay mình vốn là đứa lười nhác, mặt còn chả buồn rửa, người còn chả buồn tắm thì lấy đâu ra thời gian mà chăm chim. Thôi, tốt nhất là mình gửi Mani ở nhà nhờ mẹ nuôi hộ. Có chim làm bạn, mẹ cũng đỡ buồn”. Thế rồi, ngày hôm sau chàng lại tiếp tục lên đường. Chàng nói với chính mình: Kể từ hôm nay, ta quyết chí sẽ không để uổng phí phút giây nào, chỉ đi theo tiếng gọi của trái tim mình là tìm thần thông đích thực mà thôi!
Nhiều tháng ròng rã, Hải Nam lưu lạc qua nhiều làng mạc, không quản ngại dãi nắng dầm mưa để nghe ngóng tin tức. Đêm đêm, chàng lầm rầm cầu nguyện cho gặp được vị thầy có thần thông xuất chúng. Cuối cùng, trời quả không phụ lòng người, chàng được biết trong làng kia, có một bậc thầy tên là Swami Siddva. Ông nổi tiếng khắp một vùng với tài bay trên không cùng xe tứ mã đang chạy chỉ với một cái chạm tay. Vừa hay khi chàng đến, sắp sửa có cuộc biểu diễn của vị Swami này. Hải Nam lòng khấp khởi vui mừng tiến thẳng tới nơi Swami Siddva sắp thi triển thần thông.
Giờ G đã điểm, ngựa hý lên một tiếng, xe bắt đầu chạy, Swami Siddva chỉ cần dùng một tay nhẹ nhàng chạm vào đầu xe tứ mã rồi bay lên, cả người và xe cùng lao đi vun vút trước sự reo hò, trầm trồ, thán phục của quần chúng, đặc biệt là Hải Nam. Khi đã được tận mắt chứng kiến Swami Siddva như vậy, Hải Nam đứng nhìn trân trối và khóc ròng vì rốt cục vị thầy mà chàng bấy nay mong ước đã xuất hiện. Hải Nam vui mừng khôn xiết, chàng tìm mọi cách xin Swami Siddva nhận làm học trò và mong được dạy môn thần thông này. Nhưng đời không như là mơ, khước từ mọi lời thỉnh cầu của Hải Nam, Swami Siddva một mực từ chối, không nhận bất cứ ai làm học trò. Hải Nam nghe vậy cũng có phần buồn rầu nhưng chàng quyết không nản lòng, khi xưa Đạo sư Cintamani cũng đâu nhận chàng ngay. “Lần này biết đâu thầy cũng cảm động trước quyết tâm của mình thì sao”. Hải Nam trộm nghĩ. Thế rồi, Hải Nam quyết định bí mật theo dõi thầy để học hỏi.
Sáng hôm ấy, Hải Nam thấy vị Swami ra khỏi nhà từ rất sớm, tờ mờ sáng đã ra xe tứ mã để tập luyện. Trong lòng Hải Nam khởi lên lòng tôn kính và sùng mộ hơn bao giờ hết. “Quả không hổ danh là một bậc cao nhân, dù đã rất giỏi nhưng ngài vẫn chăm chỉ tập luyện. Nếu mình mà được làm học trò của ông ấy thì đã lắm đây”, Hải Nam thầm nghĩ. Chàng vô cùng mừng rỡ đi theo, mong có thể quan sát Swami Siddva để tìm ra cách tập thần thông cho riêng mình. Swami Siddva lúc này có lẽ do còn ngái ngủ nên vừa đi vừa mơ màng và có phần lơ đễnh, vừa bám một tay vào thành xe tứ mã vừa lim dim ngủ.
Hải Nam lúc đầu chỉ dám đứng từ xa ngắm Swami xong vì quá phấn khích, chàng liền mon men đi tới gần và thấy vô cùng ngưỡng mộ trước khả năng phi thường của Swami – đang ngủ mà vẫn có thể bay lơ lửng trên chiếc xe tứ mã, tay chỉ chạm nhẹ vào đầu xe. Lòng trào dâng xúc động, chàng chạy đến bên vị Sư phụ tương lai kính yêu, ôm ghì lấy ông và la lớn “Xin Ngài hãy cho con đi theo Ngài với, con sẽ mãi không phụ ơn Ngài!”. Swami đang lim dim thì giật mình tưởng có người muốn ám sát. Thế là “Oạch!”, cả hai người đều rơi xuống đất. Một cánh tay bằng sắt rơi ra.
Hóa ra tất cả chỉ là thủ thuật che mắt thiên hạ! Sau bao ngày tìm tòi, “Swami” đã đúc một cánh tay giả có thể gắn chắc vào đầu xe tứ mã, cánh tay giả này có một bộ khung để đỡ thân người nằm. Ông ta chỉ việc ngồi lên khung, luồn tay của mình vào cánh tay giả ấy rồi vén tay áo xuống che đi tay giả là xong. Tất nhiên việc này cũng cần luyện tập để quen với việc “bay” cùng xe tứ mã nên trước mỗi buổi biểu diễn, Siddva phải dậy sớm tìm chỗ kín đáo để tập và sửa soạn. Nhưng sự đời vốn vô lường. Lần này, “Swami” không ngờ rằng dù đã rất cẩn trọng nhưng vẫn có người theo dõi mình. Bình thường tay giả chỉ có thể đỡ được một mình ông ta, nay bỗng thêm Hải Nam nên vì quá nặng mà cả hai rơi xuống khiến hắn bị lộ tẩy hết chiêu trò. Hóa ra tất cả chỉ là hám danh, muốn được mọi người tung hô nên Siddva đã bày trò để lừa gạt dân chúng. Bẽ bàng xen lẫn giận dữ vì bị lộ chân tướng, Siddva trừng mắt nhìn Hải Nam rồi ba chân bốn cẳng chạy luôn trước khi Hải Nam kịp bắt lại và tố giác chuyện lừa đảo này.
Swami đang lim dim thì giật mình tưởng có người muốn ám sát. Thế là “Oạch!”, cả hai người đều rơi xuống đất. Một cánh tay bằng sắt rơi ra.
Hải Nam sau khi tận mắt chứng kiến thần thông của “Swami Siddva”, mọi tình cảm kính mến dạt dào dành cho ông ta hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự khinh thường xen lẫn đau khổ vì sụp đổ hình tượng. Thế nhưng, chàng vẫn không từ bỏ khao khát tìm kiếm thần thông và lại lên đường với niềm tin phơi phới ở tương lai.
Có được thần thông thỏa mãn mọi ước nguyện liệu có hạnh phúc?
Hai ngày sau, Hải Nam sang tới làng bên. Chàng nghe thấy dân làng nói đến một vị cao nhân tên Swami Prajnavata với khả năng đặc biệt là thỏa mãn mọi ước nguyện của mọi người, dù khó đến mấy cũng có thể hô biến ra được. Hải Nam nghe thấy thế thì trong lòng rung động lắm, chỉ muốn lao tới chỗ vị Swami kia đang cư trú. Nhưng rút kinh nghiệm từ vụ “Swami” giả lần trước, lần này chàng cẩn trọng hơn. Chàng ngẩng mặt lên trời và tự nhiên chàng nghĩ tới Thầy của mình – nữ đạo sư Cintamani. “Thầy chắc chắn sẽ biết con nên làm gì vào lúc này phải không Thầy? Xin Thầy hãy giúp con”. Thế rồi, chàng rút đôi dép đang đi dưới chân rồi tung dép, để cho dép quyết định hộ là chàng có nên đi gặp vị Swami kia hay không.
Ngày hôm sau, Hải Nam lên đường tới gặp vị Swami kia theo lời khuyên của thần dép. Để không bị khinh suất như lần trước, Hải Nam chỉ ngồi quan sát vị Swami xem ông có cất giữ gì trong tay hay ống tay áo không. Chàng thấy trong vòng mười lăm phút thôi mà Prajnavata biến ra đủ các thứ cho ai tới cầu xin ông. Có người xin cành hoa lan thì ông biến ra cho cả cây hoa lan đang nở rộ. Người xin chiếc bánh ăn cho đỡ đói thì ông biến ra cho cả rổ bánh. Người muốn cao thêm 10 phân để đi thi hoa hậu thì ông rộng lượng biến cho cao hẳn 15 phân… Hải Nam thấy thế cũng có phần bị thuyết phục lắm nhưng cậu tự nhắc mình phải cẩn thận quan sát thêm để tránh lại bị một vố đau như lần trước.
Hải Nam tìm hiểu thêm thì được biết được hoàn cảnh gia đình Prajnavata rất bình thường, dung dị, không xa hoa, cũng không có sẵn nhiều thứ để cho khi người khác xin nên lần này chàng rất an tâm rằng Prajnavata xứng đáng là thầy mình. Tuy vậy, để đảm bảo chắc chắn, chàng tìm cách thử thách Prajnavata.
Chàng mời Prajnavata một mình đến một nơi cách xa mọi thứ, hoang vu không có gì cả để chắc chắn Prajnavata không có cơ hội dùng chiêu trò gì. Hải Nam nói:
– Tôi nghe nói ngài có thể biến hóa được tất cả mọi thứ người khác yêu cầu?
Prajnavata khiêm tốn, vui vẻ hỏi: – Phải chăng anh cần gì tôi sẽ đưa cho?
– Một loại quả hiếm có, xuất xứ từ quê nhà của tôi là Việt Nam và đang trái mùa, thứ đó không có vào mùa đông nơi đây. Tôi muốn quả sấu giữa mùa đông.
Hải Nam ra thử thách mà cũng tự thấy nó hết sức kì quái. Đã là sấu rồi lại còn phải giữa mùa đông, thế thì ai tìm cho nổi. Chàng nghĩ vậy và cười thầm trong lòng “Thử xem cao nhân này xử lý ra sao”. Hải Nam còn đang mải cười đắc thắng thì đã thấy một cành sấu rơi bụp vào mặt. Chàng ngỡ ngàng sờ sờ nắn nắn rồi cắn một miếng và thấy chua nhăn hết cả mặt, ê răng lạnh cóng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là sấu rồi, đúng là thần thông rồi. Hải Nam liền khấu đầu, dâng lễ vật lên Prajnavata cầu xin được nhận làm đệ tử.
Nhưng Prajnavata cũng giống như Swami Siddva, kiên quyết từ chối không dạy thần thông cho dù Hải Nam có quỳ lạy xin như thế nào đi nữa. Bí quá, Hải Nam bèn vứt hết mọi danh dự, lăn ra khóc lóc thảm thiết, xé lòng, dọa đòi chết. Chàng nói trong nước mắt rằng bao lâu nay chỉ cầu mong tìm được thần thông, nên nếu không được học thì sống không có ý nghĩa gì nữa. Lần này thì nước mắt đã có hiệu quả. Prajnavata không sao ngăn cản được Hải Nam. Ông lo sợ chàng có hành động quá khích thì uổng phí một đời người nên sau khi đắn đo hồi lâu, ông quyết định kể cho Hải Nam nghe sự thật về thần thông của mình:
“Trước đây, ta là một người giàu có, đem lòng cảm mến và theo đuổi cô gái xinh đẹp nhất vùng suốt bảy năm trời cho tới ngày nàng đồng ý làm vợ ta. Gia đình ta sống vui vẻ, hạnh phúc. Ta rất yêu vợ và cưng chiều nàng hết sức có thể. Nhưng hỡi ôi! Hạnh phúc là quá ngắn so với những mất mát khổ đau. Người vợ mà ta hết mực yêu thương đã phụ bạc và lừa dối ta, đi theo người khác. Lúc đó quá cay đắng và đau khổ, ta bỏ nhà đi vật vờ lang thang, mong cầu tìm được bến bờ hạnh phúc. Ta đi mãi chẳng tìm ra được. Một hôm, ta nằm nghỉ mơ màng bên một gốc cây. Ta nghĩ về hạnh phúc, về một người con gái có thể chia ngọt sẻ bùi cùng ta, hòa hợp với ta trong mọi chuyện. Người ấy sẽ đi cùng ta đến cùng trời cuối đất. Thế rồi ta lả đi lúc nào không biết. Lúc thức dậy, ta thấy có một cô gái xinh đẹp, dịu dàng đang ngồi bên cạnh ngắm ta ngủ. Ta thật không ngờ rằng mình nằm bên cạnh một vị thần cây tên là Ganesha. Mọi lời khấn nguyện của ta đều được nàng thấu hiểu. Cảm động vì hoàn cảnh của ta, nàng bèn hiện ra, khiến ta lần đầu nhìn thấy đã thấy đem lòng yêu mến. Thế rồi hàng đêm, dưới gốc cây ấy, ta và nàng nói chuyện, trao đổi tâm tình. Ta và nàng yêu nhau. Chúng ta hiểu nhau, chia sẻ và hòa hợp với nhau trong mọi chuyện. Đêm nào ta cũng nắm tay nàng đi hết con đường cạnh bờ suối róc rách có ánh trăng chiếu soi. Những lúc như vậy ta vô cùng hạnh phúc. Nhưng cứ hết đêm, đến rạng sáng, nàng biến mất. Nàng hay lo lắng, ngay cả những lúc bên ta, nàng cũng luôn lo lắng nghĩ đến việc phải biến hình trở lại. Ganesha cũng biết rõ người và thần là hai thế giới xa cách, không đến được với nhau nên vô cùng đau khổ vì không thể nào mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho ta”.
Một đêm, nàng nghẹn ngào nói với ta rằng đã ngàn năm nay nàng nắm giữ bí quyết “Thỏa mãn ước nguyện của tất cả mọi người” nhưng chưa tìm được người phù hợp để trao truyền vì người được chọn cần phải hội tụ đủ đức độ và từ bi. Nàng kể hết với ta về bản thân mình, về bí quyết mà nàng nắm giữ. Ta nghe xong như không tin nổi, vừa buồn khổ vừa thương, nàng là thần cây ở đây bao năm lạnh lẽo, nghe lời ước nguyện của ta mà hóa hiện. Nàng nói với ta rằng: “Chàng ơi, em muốn truyền bí quyết đó cho chàng, bởi chàng là một đấng quân tử, bởi chàng đức độ và từ bi, chàng sẽ giúp được cho mọi người. Tuy nhiên, chàng chỉ được sử dụng bí quyết này cho người khác, không được cho riêng bản thân mình dù chỉ là một điều nhỏ nhất. Bởi nếu chàng sử dụng bí quyết cho mình, thì chàng không bao giờ có được thứ mình muốn, hơn nữa sau khi chỉ một lần đạt được ước nguyện thì chàng sẽ mất luôn bí quyết ấy và không thể giúp đỡ bất kỳ ai nữa. Em trót đem lòng thương chàng, em đã sử dụng bí quyết đó cho riêng mình nên ngoài những giây phút ngắn ngủi vừa qua, em không thể gặp chàng được nữa, cũng không bao giờ có được chàng và không thể giữ bí quyết này nữa”.
Ta đau đớn khi biết ta và nàng không thể ở bên nhau mãi mãi, ta cũng không thể phụ lòng tin của nàng. Nên ngẫm nghĩ hồi lâu, ta quyết định nhận bí quyết này. Ta hứa với nàng sẽ luôn sử dụng nó thật hữu ích và sẽ không bao giờ dùng cho riêng bản thân mình, bởi vì nó nhắc ta nhớ đến nàng, nhớ đến tình yêu tuyệt vời nàng dành cho ta. Sau khi Ganesha trao truyền hết bí quyết cho ta, đôi ta giã từ. Từ đó, ta luôn hết lòng giúp đỡ mọi người bằng bí quyết ấy, càng làm vậy ta lại càng thấy yêu nàng hơn, thấy nàng chưa bao giờ xa rời ta. Mọi người nể phục ta vì thứ thần thông ta có được, còn ta thì luôn đau khổ vì không thể có được người con gái mà ta yêu”.
Kể hết câu chuyện, Prajnavata ngước lên vầng trăng sáng rồi quay sang nhìn Hải Nam và bảo:
“Nếu cậu vẫn muốn theo ta học thần thông, có thể ta sẽ chấp nhận cậu. Nhưng cậu hãy suy nghĩ cho thật kỹ vì ta sẽ chỉ có thể dạy cho cậu thần thông chứ không làm cho cuộc đời cậu trở nên hạnh phúc hơn, vì chính ta đây, cũng không biết cách nào để có thể hạnh phúc”.
Thần thông chân thật
Lặng mình nghe câu chuyện, Hải Nam chợt hiểu ra, thì ra bấy lâu nay điều mình kiếm tìm chỉ là “thần thông dỏm” mà thôi. Đã là “thần thông chân thật” thì đâu thể là thứ có thể tùy tiện đem ra khoe khoang như một trò mua vui cho chính mình và thiên hạ, chứng tỏ ta đây oách xịn. Chứng nghiệm cả hai kiểu thần thông của Swami với Prajnavata, giờ đây chàng mới ngộ được chân lý. Càng nghĩ chàng càng đau đớn vì bấy lâu nay chỉ mải mê chạy theo những ảo vọng, phí hoài bao năm tháng cuộc đời. Nếm đủ mùi vị khổ đau từ “thần thông”, chàng bỗng tỉnh ngộ quyết tâm tu hành. Trong lúc lòng đang nặng trĩu vì thất vọng, chàng giật mình nhớ tới Nữ Đạo sư Cintamani. Người mới chính là bậc chân sư chàng kiếm tìm, là người duy nhất giúp được chàng thoát khỏi mê lầm vướng mắc đầy đau khổ trong cuộc đời này. Chàng còn nhớ đạo sư hay dạy cho chàng về hạnh phúc giác ngộ, không phải đi đâu xa, không phải kiếm tìm gì, an trú trong hiện tại mới là thứ hạnh phúc chân thực nhất. Thế mà trước đây, Hải Nam vốn cho điều đó là viển vông và không phô trương được với ai nên chẳng buồn để tâm. Giờ chàng chợt nhận ra đó mới chính là thứ thần thông chân thật nhất, trường tồn nhất.
“Sư phụ ơi, giờ này Người ở đâu?” – Hải Nam quặn thắt ruột gan nghĩ tới nữ đạo sư Cintamani. Bởi chàng biết Nữ Đạo sư đang đi hành khất khắp nơi để cứu độ chúng sinh, đâu dễ tìm lại được. Đột nhiên, chàng chợt nhớ đến con chim bồ câu Mani mà Nữ Đạo sư ban cho trước khi chàng bái biệt. Thế là chàng lao như tên bắn không kịp chào Prajnavata để trở về nhà mẹ.
Lại nói về chim Mani, từ ngày về ở với mẹ Hải Nam, Mani được nâng như nâng trứng, hứng như hứng… chim. Chỉ trong vòng một tháng miệt mài ăn ngủ, Mani đã béo ục béo ịch như con Angry Bird (một giống chim rất béo thời đó), mất cả bản năng bay do hằng ngày chỉ biết ăn rồi lăn ra ngồi thở dốc. Hải Nam nhìn chim bèn thở dài ngao ngán nhưng vì quyết tâm tìm gặp được Sư phụ, chàng liền cho Mani tham gia lớp giảm béo cấp tốc. Mani thấy chủ nhân có phần sốt ruột, nôn nóng nên cũng cố hết sức để tập bay mỗi ngày. Hai tuần sau, Mani đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mang theo thư của Hải Nam gửi cho Nữ đạo sư Cintamani. Từ lúc chim đi, Hải Nam ngày ngày ra cửa ngóng chim như ngóng người yêu mà mãi chưa thấy chim quay trở lại. Tới một tuần sau, Mani đã trở về mang theo thông tin quý giá rằng nữ đạo sư đang nhập thất tại ngôi đền cổ xưa linh thánh tên là Pura Keheng (đền Mặt trời) thuộc quần đảo Java ở đất nước ngàn đảo Indonesia. Không để phí thời gian, Hải Nam tức tốc dong buồm vượt biển đến nơi Nữ Đạo sư Cintamani đang nhập thất.
Trải qua vô vàn sóng gió trên thuyền, nhiều lúc tưởng mất mạng, suýt làm mồi cho cá mập, cộng với việc bị kẻ xấu chỉ sai đường nên ròng rã ba tháng trời chàng mới tìm đến nơi. Nhưng đời vốn dĩ vô thường, khi chàng tới nơi thì hỡi ôi, Nữ Đạo sư Cintamani đã đột ngột viên tịch cách đó một ngày. Hải Nam ngậm ngùi, đau khổ và hối hận vô cùng, tức tốc chạy đến lễ trà tỳ của Sư phụ. Nữ Đạo sư Cintamani nằm trên thảm hoa, xung quanh học trò kẻ đứng người nằm sụt sùi khóc lóc, tiếc thương vô cùng. Lúc học trò sắp châm lửa hỏa táng, Hải Nam khóc rống lên vì quá đau khổ “Sao Thầy nỡ bỏ con mà đi?” làm người dân Indonesia xung quanh trố mắt nhìn. Bỗng Nữ đạo sư Cintamani ngồi bật dậy rồi nói: “Ta chết thì có cái quái gì mà phải khóc! Thân thể này không phải là ta, cuộc đời này là mộng huyễn. Ta chưa từng sinh ra, cũng chưa từng chết đi. Ai còn khóc ta thì người đó không xứng là học trò của ta”. Nói xong, nữ đạo sư lại nằm lăn ra chết tiếp. Từ chỗ linh cữu đó, ánh sáng cầu vồng rực rỡ lan tỏa ra xung quanh.
Cả hội chúng xung quanh thì thất kinh hoảng sợ. Riêng Hải Nam thì cứng đờ người. Điều chàng vừa chứng kiến cho chàng thấy Sư phụ của chàng hoàn toàn tự do khỏi sinh tử, ngài chính là vị Thầy chân chính có thể giúp chàng tu hành để đạt giác ngộ, nhưng chỉ vì mải mê tìm cầu thần thông mà chàng đã đánh mất cơ hội quý giá này. Hải Nam quỳ xuống bên linh cữu đạo sư, thầm nguyện đời này và các đời sau sẽ đứt lìa ham mê thần thông, chuyên tâm tinh tấn trên con đường đúng đắn cho đến ngày giác ngộ mới thôi.
Đời sau, Hải Nam tái sinh thành một cậu bé chăn trâu, chính sự sai lầm và đau khổ này của Hải Nam đã biến thành nguyện lực giúp chàng gặp lại được Nữ đạo sư Cintamani. Bằng sự khao khát giác ngộ và tinh tấn tu hành, ngay đời đó, Hải Nam đã đạt giác ngộ. Về phần Swami Prajnavata do chuyên tâm giúp đỡ mọi người nên có nhiều nghiệp tốt, một kiếp người sau này, Swami cũng gặp được một vị thầy giác ngộ giúp Prajnavata nhận ra rằng: Chỉ có tu hành mới có thể giúp ông có được niềm hạnh phúc chân thật vô điều kiện, đồng thời do có hẹn ước với cô gái thần cây Ganesha nên đời đó cả hai đã gặp lại nhau, cùng nắm tay bước đi chung trên con đường tu hành và đạt được giải thoát. Con chim Mani thông minh do chứng kiến đủ những cảnh đau buồn, đáng tiếc xảy ra của Hải Nam, thấy mình cứ chỉ lười nhác, ăn với ngủ thì cũng chả đi đến đâu nên đời sau trong một kiếp sống được làm người đã quyết tâm chỉ đi thẳng đến đích khi gặp con đường đúng đắn. Phần Swami Siddva, sau vụ bại lộ trước Hải Nam đã hối hận và phát tâm đi tìm thần thông chân thật – sự giác ngộ. Trong đời sau, Siddva cũng may mắn gặp được con đường đúng đắn, tuy rằng phải đi xa hơn nghìn dặm để gặp được bậc chân sư.
Zangthalpa ngừng kể, ra dấu hiệu rót bia. Nhấp một ngụm bia, nhai một cái râu mực. Trong đám học trò, vẫn nhiều người ngẩn ngơ thắc mắc về câu chuyện. Chàng hot boy đặt câu hỏi lúc đầu mạnh dạn thưa:
“Thưa Thầy, chàng Hải Nam đã ở ngay bên cạnh một người thầy giác ngộ với thần thông chân thật, vậy mà sao vẫn cứ mải miết đi tìm một thứ thần thông ở đâu xa?”
Zangthalpa mỉm cười “Chàng Hải Nam vẫn còn đi tìm thần thông, đi tìm Thầy dạy cho mình thần thông có nghĩa là vẫn tin rằng có một thứ thần thông ở bên ngoài chính mình. Dù rằng, sau hai lần gặp hai người Thầy, Hải Nam đã nhận ra rằng, những thứ thần thông đến từ bên ngoài như lắp cánh tay giả, như phép “Ước gì được nấy” chỉ là những thứ thần thông có điều kiện và chính những điều đó sẽ tan biến khi vô thường ập đến. Đó không phải là thần thông chân thật.
Còn tìm cầu thần thông, có nghĩa là vẫn còn vướng mắc vào tâm trí, tin rằng có một thứ gọi là thần thông và phải đi tìm mới thấy được. Như vậy là Hải Nam vẫn còn ở trong tâm trí. Và điều này cũng giống như là Tôn ngộ không mặc dù có 72 phép thần thông vẫn không thoát khỏi bàn tay của Phật tổ. Bàn tay của Phật tổ đại diện cho chân như – sự thật tuyệt đối bao trùm cả vũ trụ. Tâm trí không thể nào ra khỏi sự thật tuyệt đối. Chứng ngộ được sự thật tuyệt đối, hoà nhập làm một với sự thật tuyệt đối mới là thần thông chân thật.”
Nói rồi, Zangthalpa gật gù ngâm một bài thơ mà ông nghe trên đường kinh doanh và du lịch từ một người bạn tên là Trong Suốt:
“Bạn thân mến,
Nếu còn đi tìm cầu các loại thần thông
Chỉ là biểu hiện của tâm chưa giải thoát
Không bao giờ anh biết được thế nào là thần thông chân thật
Không bao giờ nếm được mùi giác ngộ ngát hương
Dù có thần thông bao nhiêu cũng chẳng còn gì khi gặp phải tử thần
Cả một đời với những thành tích vẻ vang
Cùng một đoàn đệ tử tung hô và ca ngợi
Rốt cuộc cũng vẫn cứ lang thang trong khổ đau luân hồi vô tận
Dẫn chính mình và bao người khác tới đường mê
Lúc này đây, hãy thực sự quay về
Nhìn cái tâm vốn hay tìm cầu và ham muốn
Như hồ nước kia nếu cứ lăn tăn gợn sóng
Thì mặt trăng dù đẹp tuyệt vời cứ méo mó liên miên
Khi tâm đã ngừng những ý niệm huyên thuyên
Mặt nước lặng và mặt trăng tròn sáng tỏ
Đừng tìm cầu, vì chân thật thần thông vốn sẵn sàng đầy đủ”.
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội tháng 8/2017.
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 37: Con hàng khủng
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.