Zangthalpa – Phần 46: Người Giàu, Người Nghèo Và Chiếc Đồng Hồ

Nhân một chuyến buôn xa, Zangthalpa cho tàu ghé qua tỉnh Kyoto, đất nước Nhật Bản. Đúng năm đó, Kyoto bị động đất và lũ lụt do cơn bão Jebi kinh hoàng quét qua. Nhiều gia đình đã mất người thân, nhà cửa, tài sản. Tiếng than khóc khắp nơi rất thảm thiết. Zangthalpa đã dùng toàn bộ số lương thực trên tàu đem phát cho dân chúng. Mọi người trong tỉnh đều nhận được lương thực, duy chỉ có mỗi gia đình nhà tướng quân Satori là gọi mãi mà không thấy đến. Ai nấy đều thắc mắc. Zangthalpa liền bảo một số người cùng đi với Thầy qua nhà Satori xem sao.

Vừa vào tới cổng đã thấy tướng quân Satori đang giơ gươm lên chuẩn bị tự vẫn. Zangthalpa quát lớn: “Dừng tay! Sao ngươi không biết trân quý mạng sống của mình vậy?” Tướng quân Satori giật mình quay lại: “Ông là ai? Ông đến đây làm gì? Làm sao ông hiểu được nỗi đau của tôi. Nhà cửa, vợ con, tài sản của tôi đã mất hết sạch rồi”. Satori lại nhìn vào thanh kiếm và khóc nức lên.

Zangthalpa hỏi: “Trước khi lấy vợ, anh có vợ con không? Lúc ấy anh có muốn sống không?” Satori giật mình trước câu hỏi của Zangthalpa, ông bỏ kiếm xuống và nhìn Zangthalpa chăm chú: “Trước khi lấy vợ đương nhiên là tôi không có vợ con. Hồi đấy còn trẻ nên tôi yêu cuộc sống lắm!”

Zangthalpa nở một nụ cười hiền từ: “Trước đây không có vợ con thì anh yêu cuộc sống. Giờ cũng không có vợ con mà anh lại muốn chết. Chẳng phải mâu thuẫn lắm sao? Để ta kể cho anh nghe một câu chuyện có tên là: “Người giàu, người nghèo và chiếc đồng hồ”. Anh sẽ hiểu anh đã thực sự có gì và mất gì”.

Ngày xửa ngày xưa ở một vùng đất Vạn Bảo nọ, có một phú ông giàu có tên là Minh Hải, sở hữu biết bao ruộng vườn và tài sản. Minh Hải rất kiêu ngạo và có tính khoe khoang, ông luôn tự hào với những gì mình có và rất thích được nghe người khác trầm trồ với tài sản của mình. Ông có một người bạn từ thuở thiếu thời tên là Ngọc Thành, hoàn cảnh không mấy khá giả, chỉ là một bác nông dân nghèo. Tuy xuất thân khác biệt nhưng Minh Hải và Ngọc Thành là bạn từ nhỏ nên vẫn thường hay nói chuyện với nhau.

Thời đó, đồng hồ đeo tay là một đồ vật rất giá trị và thời thượng. Người trong vùng mới chỉ đồn đại về một đồ vật có thể đo được thời gian mà chưa ai được tận mắt nhìn thấy bao giờ. Nếu có đồng hồ, không cần nghe gà gáy hay nhìn mặt trời, người ta cũng biết khi nào đi ra ngoài đồng, khi nào về nghỉ, khi nào đi ngủ. Không những thế, đây còn là loại trang sức rất quý giá vì nó được mạ vàng và đính các hạt đá quý. Nghe nói, phải đổi rất nhiều vàng bạc mới có thể mua được mà chỉ ở trên kinh thành mới có thôi. Số lượng lại cực kỳ hạn chế vì chỉ khi có một người phương Tây nào tới kinh thành thì may ra mới có thêm vài chiếc đồng hồ. Người trong vùng có tiền cũng chỉ có thể mơ tưởng và ước ao. Ai là người đầu tiên trong vùng có được một chiếc đồng hồ như vậy thì sẽ rất oách và được kính trọng.

Một ngày nọ, Minh Hải và Ngọc Thành đi săn cùng nhau thì bắt gặp một con hổ lớn đang tấn công một đám người ngựa, máu me lênh láng khắp nơi. Một vài xác chết nằm la liệt trên đất. Những người còn lại tay cầm kiếm và giáo mác nhưng đầy run sợ, không ai dám xông vào. Ngay lúc con hổ định chồm vào tấn công chiếc kiệu thì Minh Hải và Ngọc Thành cùng giương cung nhắm hổ mà bắn. Con hổ bị thương gào lên đau đớn. Nó gầm rú tức giận vì miếng ăn trước mặt mà còn bị phá đám. Nhưng đã bị thương nặng, nó không thể chống lại hai người cầm cung và đám người cầm giáo mác kia. Nó quất đuôi, quay người, lao vào rừng sau khi gầm lên ba tiếng đầy uất hận.

Minh Hải và Ngọc Thành không đuổi theo con hổ nữa vì cứu người là quan trọng hơn. Hai ông phi ngựa tới gần thì thấy đám người cầm giáo mác là một toán lính của triều đình. Ngay khi con hổ đi mất, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã bảo toàn tính mạng, có người nằm vật xuống đất thở hổn hển vì đã quá căng thẳng, có người khóc rống lên vì đã bị kìm nén quá lâu. Họ đều thẫn thờ, ngạc nhiên, không tin nổi là mình còn sống. Minh Hải và Ngọc Thành vén màn kiệu thì thấy trong kiệu là một viên quan triều đình. Chỉ cần nhìn mũ áo là biết đây là viên quan lớn từ kinh thành tới. Ông này ngồi trong kiệu vẫn run như cầy sấy, mặt cắt không còn hột máu. Khi thấy có người vén kiệu nhìn vào thì ông mới tạm tin là đã an toàn, cả người sụp xuống, mềm như bún, không tự ngồi được nữa. Minh Hải và Ngọc Thành chật vật lắm mới đỡ được viên quan ra ngoài. Phải mất một lúc, viên quan và đám lính của ông mới định thần lại, bình tĩnh nói chuyện: “Ta là Ngọc Đức, mệnh quan triều đình, nhận lệnh vua ban vi hành tới đây để xem cuộc sống dân chúng thế nào. Công việc vừa xong thì nhà vua triệu hồi về kinh thành gấp có việc khẩn quan trọng. Ta đành đi đường tắt vượt rừng băng suối để về cho kịp. Ai ngờ giữa đường gặp hổ dữ. Nếu không có hai ngươi ra tay cứu giúp thì đã bỏ mạng nơi này!”

Ngay lúc ngắm bắn con hổ, cả Minh Hải và Ngọc Thành đều xuất phát từ động cơ trong sáng mong muốn cứu người. Nhưng vừa nghe về thân thế của Ngọc Đức, Minh Hải bỗng nổi lên suy nghĩ muốn được mời Ngọc Đức về nhà để khoe dinh thự ruộng vườn rộng lớn và những báu vật ông sưu tầm được. Ông muốn ngay cả một viên quan cũng phải trầm trồ trước tài sản của mình: “Thưa Ngài, Ngài và thuộc hạ đều đã vất vả rồi. Nhà tôi lại không xa đây, ra khỏi bìa rừng, cả cánh đồng trăm sào ruộng đều là nhà của tôi. Mong Ngài ghé lại căn nhà nhỏ xinh ba tầng lầu bằng gỗ trầm hương để nghỉ ngơi cho lại sức!”. Ngọc Đức mệt nhọc lắc đầu: “Cảm ơn thịnh tình của nhà ngươi. Ta quả là muốn nghỉ ngơi, nhưng việc triều đình hệ trọng, ta phải đi luôn cho kịp. Ơn cứu mạng thật không biết khi nào mới trả được. Ta có hai chiếc đồng hồ là báu vật ta luôn mang bên mình. Một là quà tặng của đại sứ người Anh, một là quà ra mắt của đại sứ người Pháp. Ta nay tặng lại cho hai ngươi để tỏ lòng biết ơn, hẹn ngày tái ngộ!”

Nghe đến đồng hồ, cả Minh Hải và Ngọc Thành đều háo hức lắm! Nghe dân gian đồn đại đã lâu, chỉ muốn nhìn một lần còn không được, nay lại được tặng báu vật thì quả là may mắn! Ngọc Đức lấy từ trong kiệu ra hai chiếc hộp bọc bằng nhung đỏ, trao cho hai người. Bên trong hai chiếc hộp là hai chiếc đồng hồ, tuy kiểu dáng khác nhau nhưng đều được mạ vàng và gắn đá quý lấp lánh, khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Minh Hải và Ngọc Thành vui mừng lắm, nhưng mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ khác nhau. Minh Hải sướng run lên vì giờ đây mình đã là người đầu tiên trong vùng sở hữu đồng hồ, oách xà lách, đến quan tri huyện cũng chẳng thể oách bằng: “Rồi cả vùng sẽ phải nể trọng ta!” Còn Ngọc Thành thì vui mừng vì chiếc đồng hồ sẽ giúp ông sắp xếp được công việc đồng áng. Nó cũng là vật phòng khi sa cơ lỡ vận, có thể bán lấy tiền ăn qua ngày. Hai người nhận đồng hồ từ tay Ngọc Đức rồi từ biệt ra về.

Kể từ ngày có chiếc đồng hồ quý, ông nhà giàu Minh Hải cảm thấy hết sức tự hào. Trời nóng cũng như trời lạnh, không bao giờ ông mặc áo trùm quá tay mà bao giờ cũng phải để lộ cổ tay đeo chiếc đồng hồ lấp lánh. Ông thường xuyên hua tay, chống cằm hoặc vuốt râu khi nói chuyện, cốt chỉ để người đối diện để ý đến chiếc đồng hồ ông đeo. Tay ông cứ phải đưa đi đưa lại đến khi người nói chuyện phải hỏi thì thôi. Nếu họ vô tình không để ý thì ông sẽ cố tình than: “Từ ngày tôi đeo chiếc đồng hồ mạ vàng mới này, chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây. Haizz, chiếc đồng hồ mạ vàng này nặng thật ấy! Tôi đeo một hồi trĩu cả tay. Đúng là hàng xịn có khác!” Thỉnh thoảng giữa đám đông không ai thấy ông có đồng hồ, ông cứ tự nói thật to cho nhiều người nghe thấy: “Ba giờ rồi bà con nhé! Chiếc đồng hồ quý giá từ nước Anh do minh quan Ngọc Đức tặng cho tôi chỉ ba giờ rồi!” mặc dù chẳng ai hỏi cả.

Thỉnh thoảng giữa đám đông không ai thấy ông có đồng hồ, ông cứ tự nói thật to cho nhiều người nghe thấy: “Ba giờ rồi bà con nhé! Chiếc đồng hồ quý giá từ nước Anh do minh quan Ngọc Đức tặng cho tôi chỉ ba giờ rồi!” mặc dù chẳng ai hỏi cả.

Ông cứ cần mẫn loan tin như thế, chẳng mấy chốc cả vùng biết được câu chuyện Minh Hải đánh hổ dữ cứu Ngọc Đức và được thưởng đồng hồ quý. Trong câu chuyện của Minh Hải chẳng bao giờ có Ngọc Thành nên ông nghiễm nhiên trở thành người duy nhất trong vùng có đồng hồ. Dân trong vùng chẳng mấy ai được nhìn thấy đồng hồ bao giờ, nên họ tò mò lắm. Ai cũng muốn tới gặp Minh Hải để được nhìn báu vật cho bằng được. Minh Hải càng đắc chí, ông tự hào khoe rằng: “Mọi người nhìn đi, tôi có đồng hồ đẹp chưa này. Chiếc đồng hồ mạ vàng đính đá này là món quà tặng từ chính viên quan Ngọc Đức danh tiếng trong triều đấy”. Người dân trong vùng ai ai cũng trầm trồ. Danh tiếng của Minh Hải cùng với chiếc đồng hồ chả mấy mà tăng vùn vụt. Đã giàu có rồi, lại còn dũng cảm đánh hổ dữ, cứu người và nhận được quà quý do quan triều đình ban thì quả là gia đình ông thật có phước báu. Rất nhiều người đã tìm đến nhà ông để nghe ông kể chuyện và chứng kiến tận mắt chiếc đồng hồ quý giá. Công việc kinh doanh của Minh Hải cũng ngày càng thuận lợi. Minh Hải quý đồng hồ hơn tất cả các báu vật khác, ngày nào ông cũng phải tự tay lau chùi đến khi đồng hồ sáng bóng, rồi đến khi đi ngủ ông cũng phải đeo. Ông còn thuê cả họa sĩ đến vẽ bức chân dung tay ông đang đeo chiếc đồng hồ rất to, mà cái đồng hồ nhìn còn rõ hơn cả mặt, đem treo giữa phòng khách lớn, và dặn con cháu khi nào ông mất thì dùng làm ảnh thờ.

Về phần Ngọc Thành, ông cũng vui lắm vì lần đầu tiên được nhận một món quà quý báu như vậy. Nhưng vốn là người sống giản dị, kín đáo và khiêm tốn. Mặc dù cũng nhận được chiếc đồng hồ quý mạ vàng, chạm ngọc tương tự như của người bạn thân Minh Hải, nhưng khi cầm chiếc đồng hồ về nhà, ông đã không kể câu chuyện cùng Minh Hải đánh hổ cứu người cho bất kỳ ai nghe. Ông cũng chẳng đem chiếc đồng hồ ra khoe khoang với họ hàng hay bà con chòm xóm, chỉ một vài người trong gia đình biết chuyện cùng chia vui với ông mà thôi. Nên hầu như chẳng ai biết được ông sở hữu một chiếc đồng hồ quý như vậy. Ông tự nhủ: “Cứu người là việc đương nhiên. Đây cũng là việc do hoàn cảnh mà sinh ra, chẳng phải công của mình. Hôm nay có được chiếc đồng hồ này, cũng chỉ là đủ duyên đến với mình mà thôi. Bây giờ nó còn ở nhà mình, thì mình sẽ dùng nó một cách hữu ích nhất. Nếu tác dụng của nó là xem giờ, thì mình sẽ dùng nó để điều chỉnh được thời gian phù hợp cho công việc đồng áng”. Và hàng ngày ông chỉ mở ra xem giờ và sắp xếp thời gian cho công việc trồng trọt của mình, rồi lại cất chiếc đồng hồ ngay ngắn vào ngăn tủ.

Về phần Ngọc Đức, sau khi được hai ân nhân cứu mạng, ông tức tốc về kinh thành để tham dự buổi chầu sớm. Vừa nhìn thấy ông, đức vua đã hỏi “Nhà ngươi làm sao mà lại tơi tả thế kia?” Ngọc Đức bèn kể lại cho nhà vua cùng triều thần về câu chuyện thoát khỏi móng vuốt của hổ dữ nhờ ơn cứu mạng của hai người xa lạ, không quên nói về hai chiếc đồng hồ quý như một món quà tri ân. Lúc ấy, đứng bên cạnh vua có tên nịnh thần Minh Tùng, rất tham lam và hay đố kị người khác. Hắn đã đeo đầy đá quý trên người nhưng nghe tới đồng hồ thì vẫn sáng mắt lên: “Trời ơi, hai chiếc đồng hồ quý giá như vậy mà lại để cho hai tên quê mùa thì thật là không xứng tầm. Mất hết cả giá trị của đồng hồ. Giá như hai bảo vật ấy ở trên đôi tay ngọc ngà của ta thì tuyệt biết mấy. Thế mới xứng đáng là đồng hồ chứ! Ta phải đoạt lại hai chiếc đồng hồ này mới được!” Nghĩ là làm, Minh Tùng bàn mưu với một kẻ thân tín là Huệ Nhẫn, có tài đụng chạm người khác mà không khiến họ nghi ngờ gì. Minh Tùng sai Huệ Nhẫn tới vùng Vạn Bảo, theo dõi hành tung của Minh Hải và Ngọc Thành để tìm cơ hội lấy trộm đồng hồ.

Mấy tháng trôi qua, Huệ Nhẫn chờ cơ hội để Minh Hải và Ngọc Thành đi cùng nhau cho dễ bề hành động. Ả nghĩ: “Nếu lấy đồng hồ của từng người thì sẽ đánh động đến người kia, nhất là cái mồm bù lu bù loa của Minh Hải thì chắc chắn cả làng sẽ biết, hỏng việc mất!” Ngặt nỗi Minh Hải thì ngày ngày khoe đồng hồ ngoài chợ, còn Ngọc Thành thì cứ cần mẫn cày sâu cuốc bẫm ngoài đồng nên chẳng có lúc nào họ ở cùng một chỗ. Huệ Nhẫn đã có nhiều bài học đau đớn về dục tốc bất đạt, nên lần này vì sự nghiệp đoạt đồng hồ, ả kiên nhẫn chờ đợi. Và rồi, ngày ấy cũng tới…

Rằm tháng bảy là một lễ hội lớn của cả vùng Vạn Bảo. Đây vừa là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, vừa là ngày lễ cầu nguyện cho các vong hồn được siêu thoát. Nhưng không giống như những nơi khác, người dân trong vùng Vạn Bảo không có hủ tục đốt vàng mã để cúng cho các cô hồn mà họ tổ chức phóng sinh và làm những việc tốt lành để hồi hướng công đức cho ông bà, tổ tiên, những người đã mất. Lễ phóng sinh rằm tháng bảy là một đại lễ mà ai trong vùng, không kể giàu nghèo, già trẻ, lớn bé cũng muốn tham gia. Trong buổi lễ này, chắc chắn cả Minh Hải và Ngọc Thành đều sẽ có mặt.

Thời cơ đã đến! Huệ Nhẫn quyết không thể bỏ qua. Ả đến địa điểm phóng sinh từ sáng sớm, chờ đợi và quan sát. Ngọc Thành cũng đến rất sớm, mặc một chiếc áo nâu màu đất quá cổ tay, che đi chiếc đồng hồ lấp lánh. Ông xông xáo giúp mọi người bê vác các bao cá xuống gần con sông lớn chảy qua làng, chuẩn bị cho lễ phóng sinh. Minh Hải cũng đến từ sớm, cũng rất xông xáo chỉ đạo mọi người làm việc này việc kia, chốc chốc lại kéo tay áo nhìn đồng hồ và thông báo: “Chiếc đồng hồ mạ vàng của tôi cho biết là chỉ còn nửa tiếng để chuẩn bị thôi nhé! Mọi người nhanh chân nhanh tay lên để buổi lễ được bắt đầu đúng giờ hoàng đạo!” Mọi người răm rắp nghe theo thông báo của Minh Hải, khẩn trương chuẩn bị. Chẳng mấy chốc mà mọi việc xong xuôi. Đúng bảy giờ sáng, Minh Hải đưa tay lên nhìn đồng hồ lần nữa rồi dõng dạc tuyên bố: “Chiếc đồng hồ nạm ngọc của tôi đã chỉ bảy giờ rồi. Buổi lễ bắt đầu đi thôi!”

Tất cả mọi người nghe hiệu lệnh, đứng ngay ngắn, chắp tay, nhắm mắt và bắt đầu cầu nguyện cho những con vật họ sắp thả về sông có được một tái sinh tốt đẹp. Thật là một cơ hội có một không hai! Ngay trong lúc mọi người tập trung cầu nguyện, Huệ Nhẫn nhẹ nhàng lướt qua, vuốt lên tay Ngọc Thành và Minh Hải, lấy đi hai chiếc đồng hồ mà không ai hay biết. Ả cũng tiện tay đụng chạm vài người nữa trước khi đứng lẫn vào đám đông, ung dung tham dự buổi lễ từ đầu đến cuối. Ngọc Thành và Minh Hải không hề biết mình đã mất đồng hồ, vẫn thả cá rồi hồi hướng công đức như thường. Ngay khi buổi lễ kết thúc, Minh Hải theo thói quen kéo tay áo lên để nhìn đồng hồ thông báo cho mọi người: “Chiếc đồng hồ quý giá của tôi đang chỉ… Á á! Đâu rồi? Mất rồi! Đồng hồ của tôi mất đâu rồi? Có ai nhìn thấy đồng hồ của tôi không?”

Minh Hải hốt hoảng nhìn xung quanh, tìm dưới đất, rồi dạt mọi người ra để xem chiếc đồng hồ có rơi ở đâu không. Ông la toáng lên: “Ai nhìn thấy chiếc đồng hồ mạ vàng nạm ngọc của tôi thì cho tôi xin lại với, tôi sẽ thưởng vàng!” Mọi người lo lắng thay cho Minh Hải, cố tìm giúp nhưng không thấy. Minh Hải bật khóc, cố nhớ lại lần cuối mình còn thấy chiếc đồng hồ là khi nào: “Rõ ràng đầu buổi lễ mình còn nhìn đồng hồ để báo giờ cho mọi người. Lúc bảy giờ vẫn còn trên tay. Giờ không biết rơi đâu rồi!” Ông lần theo từng bước chân mình từ đầu đến cuối buổi lễ, rồi nhảy bổ xuống sông mò mò lặn lặn, mong rằng lúc phóng sinh chiếc đồng hồ có rơi xuống thì cũng chỉ gần bờ, còn lấy lại được. Minh Hải cứ vừa gào khóc, vừa lặn ngụp như thế mà chẳng thấy tăm hơi đồng hồ đâu, cho đến khi người dân trong vùng phải lôi ông lên, không thì chắc ông cũng sẵn sàng buông mình theo chiếc đồng hồ ra biển. Người ướt như chuột, mặt mày nhợt nhạt, Minh Hải mếu máo: “Mất đồng hồ rồi, tôi chẳng thiết sống trên đời làm gì nữa. Nó là uy tín, danh dự của tôi, tôi coi nó như đứa con của mình. Nó đã ở trên tay tôi bao lâu nay, bây giờ con nó mất rồi thì bố mẹ nỡ nào sống tiếp? Sao mọi người không để tôi chết trôi cho rồi?” Minh Hải vật vã, tức tưởi khóc lóc. Nhiều người ái ngại: “Hay bố mẹ ông trên trời cũng thích chiếc đồng hồ quá nên đòi lấy mất? Thôi hôm nay là ngày Vu Lan, coi như là ông đền ơn sinh thành của bố mẹ đi vậy!” Nghe thế Minh Hải càng khóc to hơn: “Ôi bố mẹ ơi! Bố mẹ sống khôn thác thiêng trả lại đồng hồ cho con!” Minh Hải cứ vật vã như vậy đến khi mệt lả đi.

Về phần Ngọc Thành, khi thấy Minh Hải lu loa về chiếc đồng hồ bị mất, ông cũng nhìn xuống tay thì chiếc đồng hồ vẫn để xem giờ hàng ngày đã biến mất từ lúc nào. Ông cau mày ngạc nhiên, tìm xung quanh không thấy chiếc đồng hồ đâu. Nghĩ một lúc, ông khoát tay cười nhẹ, rồi gọi vợ ra về. Vợ Ngọc Thành là Hà Phương thấy Minh Hải như vậy, hớt hải hỏi chuyện: “Nhà Minh Hải mất đồng hồ quý rồi, ông xem của ông thế nào?” Ngọc Thành không chút bối rối, trả lời vợ: “Của nhà mình cũng mất rồi!” Hà Phương giật mình: “Trời ơi, chiếc đồng hồ quý như vậy, đáng giá cả một gia tài, mà mất rồi ông cứ coi như không thế à?” Ngọc Thành vẫn tươi cười: “Trước khi có đồng hồ, vợ chồng mình vẫn cày ruộng, nấu cơm. Giờ không còn đồng hồ, vợ chồng mình vẫn nấu cơm, cày ruộng. Vậy thì có khác gì nhau đâu? Trước khi có đồng hồ, nhà mình vẫn vui vẻ hạnh phúc. Giờ cũng không có đồng hồ, chẳng phải lại giống như trước kia sao? Tôi thấy nhà mình không mất gì cả. Đồng hồ là của được cho, mọi khi nó giúp tôi biết được thời gian. Mất rồi thì lại như trước, tôi nhìn cái cột trước nhà – nắng cũng chiếu xuống sân và tôi cũng biết được giờ giấc. Không sao cả. Chỉ tội cho Minh Hải, ông ý cứ tưởng là ông ý đã mất đi một phần máu thịt của mình!” Nói rồi bác vui vẻ cùng vợ ra về. Xa xa, bên mép nước, Minh Hải vẫn đập đầu than khóc.

Zanthalpa ngừng kể, Satori quỳ sụp xuống dưới chân thầy: “Thầy ơi, con đã quá bám chấp vào tài sản vợ con! Con cũng chẳng khác gì Minh Hải, bám chấp vào cái đồng hồ và coi nó quan trọng quá lên. Mặc dù tài sản còn đầy rẫy, nhưng lại tin rằng đồng hồ chính là danh dự, bộ mặt, thể diện của mình. Cũng như con, tin rằng tài sản, vợ con là mạng sống của mình, nên khi mất đi thì chẳng thiết sống nữa!”

Zangthapa gật đầu hiền từ: “Tài sản, vợ con hiện ra không thể trói buộc được con, chỉ có sự bám chấp của con vào chúng mới trói buộc con. Khi còn tin là có “Tôi”, con còn tin con sở hữu được thứ gì đó và tin luôn những thứ đó là thật, bám chấp vào chúng và muốn chúng ở mãi bên mình. Chỉ cần hiểu sâu sắc về Vô Thường, con đã thấy những niềm tin này là vô lý. Không thể có bất cứ thứ gì ở bên con mãi mãi nên được mất là đương nhiên. Sâu sắc hơn, con hãy hiểu rằng chẳng có cái tôi nào ở đó để sở hữu cái gì, và thực sự là chẳng có cái gì để sở hữu. Lẽ ra với người nông dân nghèo như Ngọc Thành, chiếc đồng hồ còn phải quý giá hơn nhiều so với phú ông Minh Hải chứ, đúng không? Nhưng Ngọc Thành không tin rằng có tôi sở hữu đồng hồ, có một chiếc đồng hồ ở đó để tôi sở hữu. Nên cuộc sống của Ngọc Thành trước và sau khi có đồng hồ, trước và sau khi mất đồng hồ chẳng khác gì nhau, hoàn toàn tự do khỏi được mất”.

Satori dập đầu bái lạy Zangthalpa: “Con tạ ơn thầy, không có Thầy con đã phanh thây theo vợ con con rồi. Con xin theo thầy để hiểu ra sự thật, giải thoát khỏi mọi khổ đau!”

Nước lũ đã rút sạch, ánh mặt trời lại xuất hiện rạng ngời. Khuôn mặt của người đàn ông nhận ra mình chưa từng có gì để mất sáng bừng lên như khoảng sân dưới nắng.

Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội 01/01/2015.

  1. Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 47: Ba lần phát Bồ đề tâm

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.