Kiến quyết (bản thơ)

Bài thơ này xuất hiện khi bạn Minh Ngân hỏi: “Hôm trước thầy đã chỉ cho con điểm mấu chốt về kiến quyết. Xin cho con dưới dạng một bài thơ thật đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ để có thể dễ dàng nhắc mình thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày?”

KIẾN QUYẾT – (bản thơ)

“Tất cả đều là Biết

Không có gì khác Biết

Hình trong gương là gương

Hiện trong Biết là Biết”

Sau đó Trong Suốt giải thích thêm:

Nhận biết tự nhiên hay còn gọi là Nhận biết trống không, hay gọi tắt là Biết, có mặt trong mọi kinh nghiệm như một sự nhận biết trống không, hoàn toàn rộng mở như không gian, nơi mọi kinh nghiệm hiện ra rất rõ ràng rồi tan biến không dấu vết. Nhận biết tự nhiên luôn luôn hiện diện và không biến đổi dù kinh nghiệm có thay đổi thế nào đi nữa. Trong mọi khoảnh khắc dù tâm trí có tĩnh lặng hay đầy sóng gió thì Biết vẫn có mặt bình đẳng như nhau.

Gọi là tự nhiên bởi Biết tự động xảy ra, không phải do ai cố gắng tạo ra.

Gọi là trống không vì Biết không làm bằng chất thể gì và không thể tìm được vật gì ở đó. Trống không như không gian, nhưng mọi sự vật hiện tượng vẫn hiện ra trong Biết và được thấm đẫm, trùm khắp bởi cái Biết này.

Giống như một mặt gương, Biết không bị ảnh hưởng bởi hành động, cố gắng, sinh trưởng, huỷ hoại của mọi thứ hiện ra bên trong nó. Ngay từ vô thuỷ, nó đã tự nhiên hiện diện và không bao giờ rời xa con, dù con có nhận ra nó hay không.

Khi nhận ra cái Biết này, con sẽ không thể phân biệt được người biết, sự biết và cái được biết. Nó không có tên và vượt qua khả năng nắm bắt, mô tả của suy nghĩ. Nhưng nó lại rất rõ ràng, sống động và luôn ở đây trong mọi kinh nghiệm của con.

Mô tả như vậy, nhưng con phải hiểu rằng mọi suy nghĩ dù thông minh và trí tuệ thế nào cũng không thể nắm bắt được Biết, cái vượt khỏi mọi suy nghĩ và là không gian nơi mọi suy nghĩ xảy ra. Giống như một bàn tay không thể nào nắm bắt được không gian dù có cố gắng tới đâu.

Cái Biết này không thể truyền tải bằng lời, ngay khi nó được truyền tải bằng lời, cái được truyền tải trở thành một khái niệm, không còn là cái Biết tuyệt đối, ở ngoài mọi khái niệm này nữa.

Cái Biết tuyệt đối này, chỉ có thể nhận ra bằng kinh nghiệm trực tiếp. Vì thế một trăm nghìn mô tả, không bằng một lần kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ.

Bắt đầu của kiến là giới thiệu trực tiếp vào Biết. Kiến này chỉ có thể hiểu với những người đã kinh nghiệm trực tiếp Biết. Nghịch lý về kiến là chỉ có thể “hiểu” bằng kinh nghiệm. Chỉ người nào kinh nghiệm rồi nói mới hiểu. Giống như con rùa mô tả với con cá về không khí trên bờ, mọi con cá đều chịu không thể hiểu trừ con cá đã từng mắc cạn. Nếu chưa có kinh nghiệm trực tiếp hãy tìm một người thầy giúp con kinh nghiệm trực tiếp cái Biết này. Cho đến khi con có thể kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ, bài thơ Kiến quyết trên mới có tác dụng với con.

Không kinh nghiệm gì thì chẳng hiểu được. Nhưng kinh nghiệm rồi, do thiếu chánh kiến, nên vẫn có thể hiểu sai như thường. Sau khi đã được giới thiệu trực tiếp vào Biết, con nhận ra Biết không phải là cái gì xa lạ mà chính là trạng thái tự nhiên, hay trạng thái đích thực xưa nay vốn có của con. Nhưng không hề có “con” hay có bất cứ cái tôi, hay có một vật nào. Từ vô thuỷ tới vô chung, chỉ có sự biểu diễn tự nhiên, bất tận của cái Biết này.

Khi đó, con cần một điểm xác quyết quan trọng không thể thiếu: “Tất cả đều là Biết. Không có gì khác Biết.” Mọi sự vật, hiện tượng, các cõi Phật, các cõi luân hồi, môi trường, nhà cửa cây cối núi non… và những chúng sinh sống bên trong, tất cả đều hiện ra trong Biết và không phải là cái gì khác ngoài cái Biết tuyệt đối này.

Giống như: Hình ảnh hiện ra trong gương cũng chính là mặt gương. Trăng sao trên mặt nước cũng chính là nước. Trong quả cầu pha lê trong suốt hiện ra cả bầu trời, mặt đất và con người nhưng cả thế giới trong đó cũng chính là pha lê, không có gì khác với pha lê Với nhận thức nông cạn thì sẽ có một cái Biết và những thứ được biết bởi nó. Đó là loại nhận thức nhị nguyên, vẫn chia thế giới thành hai nửa.

Con cần thấy cả chủ thể và đối tượng của kinh nghiệm, cả tôi và thế giới, cả người nắm bắt và cái được nắm bắt, đều hiện ra trong Biết và là một với không gian của Biết. Giống như câu thơ: “Hình trong gương là gương. Hiện trong Biết là Biết” Nhận thức được điều này không dễ dàng nếu con còn tin tôi và vật là có thật. Nếu nhận ra tôi và vật chỉ là khái niệm, không có thật, không có tôi hay có một vật nào thực sự tồn tại dù hiện ra rất rõ ràng, sờ nắm được giống như trong một giấc mơ, con sẽ phá được nhận thức nhị nguyên về Biết và cái được biết này. ….