Phụ nữ thời hiện đại – Gia đình có cần là trên hết? (Hà Nội, 2018)

Theo số liệu thống kê, khoảng 70% người đứng đơn ly hôn là phụ nữ. Con số này có khiến bạn giật mình? Phụ nữ thời @ dù đã được giải phóng khỏi nhiều định kiến, nhưng vẫn còn những khuôn vàng thước ngọc khác là chuẩn mực của gia đình, của xã hội. Coi gia đình là số 1, nhiều phụ nữ tin rằng “một điều nhịn, chín điều lành” là kim chỉ nam để họ có được tổ ấm hạnh phúc. Nhưng con số thống kê đã cho thấy điều ngược lại. Cuộc trò chuyện của Thầy Trong Suốt và những người phụ nữ thuộc nhiều thế hệ đã cho thấy một cách nhìn hoàn toàn khác về hai chữ “Hạnh phúc”.

Mục lục

I. MẸ CHỒNG TRUYỀN THỐNG VÀ CON DÂU THỜI @

1. Hạnh phúc của phụ nữ và chuẩn mực của xã hội

Thầy Trong Suốt: Hôm nay chúng ta có một chủ đề rất liên quan đến đời sống của các bạn. Trong nhiều năm qua, thầy đã gặp rất nhiều người phụ nữ, phụ nữ Việt Nam “xịn” ấy – Nghĩa là rất thuỷ chung, son sắt, yêu chồng, thương con, cố gắng làm hài lòng gia đình hai bên, đảm đang và làm những việc rất tốt cho xã hội. Nếu đời chỉ có thế mà đã hạnh phúc thì lại dễ quá, nhưng mà vẫn không hạnh phúc. Trong lòng vẫn có gì đó không hạnh phúc. Các bạn đều hỏi thầy là: “Thưa thầy, em đã làm đúng chuẩn của xã hội, đúng chuẩn bố mẹ, đúng chuẩn của chồng con rồi, tại sao vẫn không hạnh phúc?

Ở đây có bao nhiêu bạn nữ cảm thấy cơ bản làm được khoảng 80% chuẩn của gia đình, xã hội, giơ tay xem nào? (Vài người giơ tay)

Số còn lại không làm được à? Thôi, mình giảm chỉ tiêu xuống tí vậy. Ai làm được khoảng 60% chuẩn của gia đình, xã hội? 60 phải được chứ hả? 1, 2, 3, 4… ít thế? 5! Trời!

Những người còn lại dưới 60 luôn? Thảo nào đến nghe buổi hôm nay, đúng không?

(Mọi người cười) Rồi, cần người ủng hộ đúng không? Không sao!

Ai cảm thấy mình trên 40%? 40 thôi nhé! Cực rẻ rồi đấy! 1, 2, 3… Những người còn lại thì sao? Hả, dưới 40% ấy hả?

Những ai dưới 40% giơ tay xem nào? Dưới 40% chuẩn của gia đình, xã hội. Thế những người còn lại thì sao? Em bao nhiêu? Em đang làm được bao nhiêu phần trăm chuẩn của gia đình, xã hội?

Một bạn nữ: Cái đấy phải người khác nhận xét.

Thầy Trong Suốt: À, không, cái đấy tự nhận thức thôi. Em cứ nói đi, tự nhận thức, mình làm được khoảng bao nhiêu phần trăm chuẩn của gia đình xã hội?

Bạn nữ đó: Em 39,9 ạ!

Thầy Trong Suốt: 39,9! Giỏi! Gần 40 rồi. Như vậy là ở đây chúng ta sẽ có hai phe: Một phe, mình tạm gọi là phe trên 40, đúng không? Thôi trên 60, chứ 40 thì rẻ quá. Trên 60 – những người cơ bản làm được thì gọi là trên 60. Và phe thứ hai là dưới 40 – cơ bản là không làm được. 39 thì sao gọi là làm được, đúng không?

Rồi, câu này khó hơn này: “Bao nhiêu người rất hạnh phúc, giơ tay?”

Nữ! Hôm nay toàn nữ đúng không? Bao nhiêu người đang rất hạnh phúc rồi? “Tôi đang rất hạnh phúc” – 1, 2, 3, 4, 5…

Bây giờ câu hỏi này khó hơn nữa: “Theo các bạn thì hạnh phúc của mình có liên quan đến việc mình làm đúng chuẩn của xã hội, gia đình hay không?”

Bạn hãy nghĩ kĩ đi, câu này buộc phải trả lời. “Theo bạn thì việc mình làm đúng chuẩn của gia đình – người vợ đảm, người con ngoan, người đi về đúng giờ giấc, hy sinh hết cho chồng con, v.v… và v.v… thì có liên quan gì đến việc mình cảm thấy hạnh phúc hay không? Liên quan chặt chẽ không?”

Bao nhiêu người chọn phương án “Có liên quan chặt chẽ”, giơ tay? 1, 2, 3, 4.

Bao nhiêu người cảm thấy rằng “Không liên quan lắm”? À, kha khá không liên quan lắm. Rồi, rồi, rất đông.

Bao nhiêu người bảo “Chẳng liên quan gì” – Ồ vẫn có người không liên quan gì cơ à? 1, 2, 3, 4, 5.

Như vậy chúng ta có ba trường phái:

Hạnh phúc của tôi liên quan chặt chẽ đến việc tôi có làm đúng chuẩn xã hội, gia đình hay không.

Hạnh phúc của tôi không liên quan lắm đến việc tôi có làm đúng chuẩn xã hội không.

Hạnh phúc của tôi chẳng liên quan gì đến chuẩn của xã hội.


Thầy Trong Suốt:
Bây giờ bạn nào đại diện cho phe Một? Bạn này chắc chắn đại diện này. Đấy, theo em vì sao lại rất liên quan?

Một bác gái: Kính thưa Thầy và tất cả các bạn, theo tôi, một gia đình chặt chẽ thì phải có tổ chức của gia đình. Thứ nhất là, con dâu cũng phải cố gắng để là dâu hiền, phải có đầy đủ tố chất với chồng, với con, với xã hội và phải cố gắng làm những điều các cụ đã đặt ra từ trước đến giờ. Ví dụ tổ chức gia đình, phải dạy con ngoan, dạy cháu hiền, rồi công tác xã hội cũng phải cố gắng để mọi cái có thể ổn định hơn hoặc hài hoà hơn. Như thế thì trong lòng mình cũng hạnh phúc hơn ạ.

Thầy Trong Suốt: À rồi, tốt! Hoan hô! Em tên là gì nhỉ? Giới thiệu đi!

Bác đó: Báo cáo với Thầy là em là Nguyễn Thị Thanh ạ, là mẹ của Phạm Thị Nga. Tôi ngoài 60 rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Rất tốt. Chúng ta có bác Thanh, trên 60 tuổi, thuộc về trường phái Một – Phải thật chuẩn. Rồi, trường phái Hai – Không liên quan lắm? Ai làm đại diện nào? Lúc nãy có bạn giơ tay mà, nhiều nhiều mà. Cần một đại diện nào! À, đây rồi. Mời bạn!

Một bạn nữ: Con xin chào Thầy chào các bạn, con là Thuỷ, 25 tuổi và đã đến Trà đàm lần thứ hai ạ. Theo quan điểm của con thì hạnh phúc không liên quan lắm đến việc mình phải đúng những tiêu chuẩn về con ngoan hay abc gì đó… Theo con thì mình hạnh phúc khi mình được làm những điều khiến mình hạnh phúc, chứ không phải là mình làm những điều mà người khác hạnh phúc. Tuy nhiên khi làm điều gì, mình cũng phải nhìn thái độ những người xung quanh để làm. Mình làm điều này khiến họ buồn, khiến họ đau khổ thì mình sẽ không làm. Vậy cộng hai điều đó lại tức là: Mình làm những điều khiến mình hạnh phúc và không làm những điều khiến người khác không hạnh phúc. Và như thế là không liên quan lắm.

Thầy Trong Suốt: Bạn Thuỷ có một quan điểm khá hơn, mới hơn rồi. Không liên quan lắm, miễn là mình không làm điều người xung quanh mình khổ. Còn lại mình làm điều mình thích mới là quan trọng, chứ theo chuẩn thì không quan trọng lắm.

Bạn Thuỷ: Vâng, chuẩn thì rất là khác nhau ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, được. Cảm ơn bạn Thủy! (Mọi người vỗ tay) Đấy, một người theo trường phái không liên quan lắm. Mời một bạn theo trường phái Ba – Chẳng liên quan gì. Bạn nam ấy hả? Nam mà cũng xuất hiện ở đây hả? Nơi này dành cho phụ nữ mà. (Mọi người cười) Thôi được rồi, anh cứ nói đi, biết đâu khám phá tiềm năng.

Một bác: Xin chào Câu lạc bộ Unesco Thiền Yoga Trong Suốt, tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Chí Công. Đây là lần thứ hai đến tham dự buổi Trà đàm. Tôi có nhiều quan điểm tương đồng với tư tưởng Phật giáo và văn hoá dân gian Việt Nam. Tôi cảm thấy có rất nhiều điều có thể chia sẻ và học hỏi từ Sư phụ và các bạn ở trong câu lạc bộ. Tôi xuất hiện ở buổi Trà đàm ngày hôm nay với chủ đề là người phụ nữ thời hiện đại, bởi vì tôi là người đàn ông đẹp trai nhất nhà. (Thầy và mọi người cười) Vợ tôi sinh cho tôi ba cô con gái, trong đó có cháu lớn là Nguyễn Tri Hà My là học trò của Thầy.

Thầy Trong Suốt: À rồi.

Bác Công: À, vợ tôi ngồi đây. Quan điểm của tôi là việc mình tỏ ra là người tốt, cố gắng làm người tốt không liên quan gì đến hạnh phúc. Bởi vì, để hạnh phúc thì chúng ta phải thấy hài hoà giữa tâm hồn mình với những thứ người khác đối đãi mình. Thế thì nó liên quan đến cái gì? Nó liên quan đến thế giới quan của người cảm nhận. Thí dụ, một người chồng nghiện rượu thì sẽ rất hài lòng với bữa cơm do vợ soạn ra có đồ nhắm, có một chai rượu mạnh. Nhưng một ngày đẹp trời, ông ta cảm thấy không cần uống rượu nữa, ông muốn cai rượu để tránh bệnh tật cho bản thân chẳng hạn, cũng ngày đó, bà vợ lại soạn mâm cơm thịnh soạn như trước, thì lúc đấy ông sẽ thấy không hài lòng nữa.

Tôi cũng xin nêu một ví dụ khác. Một người ưa nịnh thì sẽ thích nghe những lời ngọt ngào từ phía đối phương. Ví dụ, người vợ thích chồng đi đâu đó về nhà thì có những câu chuyện, món quà, hoặc là những lời êm ái. Nhưng trong một thời điểm nào đó, hoặc một hoàn cảnh nhạy cảm nào đó, người vợ lại nghĩ: A! Ông ấy chuẩn bị lừa mình nên nịnh mình chút đây. Vậy thì làm sao mà hạnh phúc được, khi mà người ta nhìn nhau với những ánh mắt kì thị, với những quan điểm không phù hợp?

Cho nên quan trọng nhất, theo tôi, để có hạnh phúc phải là cùng nhìn về một phía. Có nghĩa chúng ta cùng nhìn về một mục đích thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc đến từ đâu. (Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Rồi, hay quá! Được, anh Công đưa ra hai ví dụ rất là hay. Nghĩa là kể cả khi người ta theo chuẩn của mình, ví dụ, người chồng về nói rất là ngọt ngào với vợ, mà thế giới quan mình thay đổi rồi thì mình không được hạnh phúc nữa. Đấy, cả hai chuyện đều thế thôi. Một lần thì có rượu mạnh là đúng chuẩn, thấy hạnh phúc; Lần sau mình thay đổi rồi, mình không còn theo chuẩn đấy nữa, người ta vẫn làm theo kiểu cũ, thế giới quan mình thay đổi thì mình không hạnh phúc nữa. Ý của anh ấy là gì? Thế giới quan của mình tạo ra hạnh phúc của mình. Mọi người hiểu ý anh ấy không? Chứ không phải là cái bên ngoài tạo ra hạnh phúc của mình. Đấy, câu chuyện vừa kể tóm gọn là như vậy.

Cách nhìn của mình tạo ra hạnh phúc của mình. Bởi vì cũng là người vợ đấy đối xử như thế, hoặc là người chồng đối xử như thế, nhưng bên trong mình đổi cách nhìn rồi, thế là mình có một cái không hạnh phúc hoặc có hạnh phúc thay đổi.

Cần thêm một người nữa! Anh Công nói một ý rất hay, nhưng mà câu hỏi của thầy cần câu trả lời trực tiếp hơn nữa: “Sống theo chuẩn của xã hội, của gia đình thì liên quan chặt chẽ hay không liên quan gì tới hạnh phúc của mình?”. Ai theo quan điểm không liên quan, phát biểu xem nào! Nào mời bạn nam!

Một bạn nam: Em chào Thầy và chào các anh chị, em tên là Đức. Hiện tại em đang dạy toán cấp ba. Trong quá trình dạy học thì em thấy rằng hạnh phúc không liên quan đến quy chuẩn lắm.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn Đức: trước tiên ta phải nắm được định nghĩa Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái của cảm xúc khi mà mình đạt được hay thoả mãn được một nhu cầu nào đó. Em lấy ví dụ cụ thể là học sinh, nếu theo đúng quy chuẩn, thì phải học giỏi và phải ngoan, nghe lời bố mẹ – đó mới là một học sinh kiểu hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn Đức: Trong quá trình dạy học, em thấy học sinh đi học từ sáng đến tối, bản thân các bạn tâm sự thì cảm thấy không hạnh phúc, nhưng lại muốn làm cho bố mẹ hạnh phúc. Tức là làm cho cái chủ thể bên ngoài hạnh phúc, chứ bản thân học sinh không thấy hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn Đức: Học sinh chỉ thấy hạnh phúc khi mà việc học vừa phải. Vừa học vừa chơi nữa.

Thầy Trong Suốt: Hay quá, hay quá! Đức có một câu trả lời rất hay, cũng hay như câu của anh Công, có ví dụ rất cụ thể. Những học sinh nào mà bị sức ép là phải học tốt để làm bố mẹ hạnh phúc thì hoá ra lại là một học sinh gì? Không có hạnh phúc! Đấy, học sinh mà lại cố sống theo chuẩn của bố mẹ hoá ra chính học sinh ấy lại không hạnh phúc. Còn nó vừa vừa, cân bằng ấy thì thấy hạnh phúc hơn. Một câu trả lời rất hay luôn, rất thực tế, rất hay!

Đấy cần bạn nữ đi! Các bạn nam nói rất hay rồi, nhưng bạn nữ theo phe số 3 là phe không liên quan cơ. Có không ạ? Hay tất cả các bạn nữ đều nghĩ là liên quan? Đây! Bạn nữ này!

Một bạn nữ: Em tên là Việt Anh. Em được bạn giới thiệu và nhắn tham dự Trà đàm này. Quan niệm của em là thực ra nó chẳng liên quan gì cả. “Thế nào là cái chuẩn mực?”. Rất nhiều người đặt ra chuẩn mực và những định kiến theo môi trường văn hoá chúng ta được nuôi dạy. Nhưng khi chúng ta bước ra ngoài, cái thế giới này càng ngày nó càng phẳng hơn rất nhiều, có những chuẩn mực mà một xã hội như Việt Nam, có thể nói là không phù hợp nữa. Và ngày càng có rất nhiều sự kiện xảy ra chứng minh cái tính hai mặt luôn luôn tồn tại. Nghĩa là, đối với những điều cho là chuẩn mực thì ta chắc chắn là nó đúng, nhưng khi xảy ra trong tình huống đấy, nó lại luôn luôn có tính đúng và tính sai.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Việt Anh: Hạnh phúc, theo em, phải dựa trên cơ sở lợi lạc của số đông. Thì tình huống của em nó cũng hơi khác ở đây, bởi vì em cũng vừa ly dị, và em có những quan điểm khác với môi trường sống ở Việt Nam.

Thầy Trong Suốt: Ừ hay đấy, nói đi!

Việt Anh: Em thấy điều quan trọng trong tất cả các mối quan hệ tương đồng. Đặc biệt là người phụ nữ nên có một nhận thức sâu sắc về những điều mình làm, về những nhân quả mình tạo ra và cái tâm của mình trong hành động đang diễn ra ấy. Nếu chúng ta suy đoán quá nhiều và nghĩ rằng những chuẩn mực đấy sẽ làm người khác phán xét mình, thì chúng ta đã không còn tập trung vào cái gọi là sự tự tại trong hiện tại của chúng ta lúc đấy. Em nghĩ không liên quan ở đây là: chúng ta nên hướng đến điều mà bản thân người phụ nữ cảm thấy là họ chấp nhận được ở thời điểm đấy với một tâm trạng tự tại nhất.

Thầy Trong Suốt: À tốt, rất tốt. (Mọi người vỗ tay) Rồi, rất hay! Rồi, cần một bạn nữa, nữ nữa theo trường phái số 3. Thầy có vẻ hơi ưu tiên số 3 nhỉ?! Tại vì trường phái 1 và 2 thì Việt Nam mình nhiều rồi, chứ không phải là thầy ưu tiên gì đâu. Mà mình nghe những người mới, những người phụ nữ mới, hiện đại một chút.

Có ai theo trường phái số 3 nữa không? Hay chỉ có 2 anh? Có anh Công và anh Đức thôi? Công Đức đấy! (Thầy và mọi người cười) Còn phụ nữ không dám nói lên quan điểm đấy luôn, vì nghe sợ quá, nghe không liên quan gì, chính mình thấy sợ nên không có chỗ nào dựa cả… Bạn nữ nào dám nói nữa không? Rồi! Mời bạn giới thiệu về tên, tuổi, nghề nghiệp.

Một bạn nữ: Em chào Thầy, xin chào tất cả các bạn có mặt tại buổi toạ đàm. Con tên là Huyền. Chắc là con trẻ tuổi nhất ở đây, con 23 tuổi thôi. Hạnh phúc, theo em nghĩ, nó không có chuẩn mực. Quan điểm của em là không liên quan gì ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Huyền: em thấy từ gia đình của em. ràng mẹ em cũng đảm đang, cũng rất chỉn chu lo cho con, gia đình chồng, rồi gia đình mình… bản thân mình còn không lo được. Em đã từng hỏi mẹ em là: “Mẹ thấy hạnh phúc không?”. Mẹ bảo: “Mẹ không biết nữa!”

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn Huyền: Thế có nghĩa là mẹ làm điều đấy mẹ không thấy hạnh phúc, vậy thì…

Thầy Trong Suốt: Chẳng nhẽ lại nói thẳng là không hạnh phúc, đúng không?

Bạn Huyền: Đúng rồi.

Thầy Trong Suốt: Đau lòng quá nên thôi.

Bạn Huyền: Bản thân mẹ cũng không biết mẹ có hạnh phúc hay không. Từ chuyện của bạn bè, em thấy gia đình nào cũng thế. Rõ ràng là không có cái chuẩn mực nào cả. Không có một cái chuẩn mực nào cụ thể cả ấy ạ!

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn Huyền: Quan trọng là em thấy hạnh phúc, chẳng cần gì phải tìm nữa.

Thầy Trong Suốt: Bạn Huyền nói là gì? Mẹ bạn ấy là người phụ nữ rất là chỉn chu, đúng mực, đúng chuẩn, mà cuối cùng cũng không biết mình có hạnh phúc hay không?

Bạn Huyền: Đúng ạ! Rõ ràng là không hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Ừ đúng rồi, đúng rồi. Sâu sắc hơn, nói là không hạnh phúc thì nói thế.

Bạn Huyền: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Thế thì rõ ràng là, theo chuẩn chắc gì đã hạnh phúc, bạn có bằng chứng sống mà.

Bạn Huyền: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Rồi rất hay. Cảm ơn bạn Huyền. (Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Ở đây, bao nhiêu người có cùng một hoàn cảnh giống bạn Huyền, nghĩa là mẹ mình rất chuẩn, khá chuẩn đi, nhưng cũng không hạnh phúc, giơ tay! Woa, số lượng lớn đây nhỉ? Thế sao lúc nãy mình không chọn phương án ba? Vẫn trù trừ? Thấy như vậy rồi vẫn trù trừ đúng không? Đấy, lí do mình có buổi hôm nay!

Có hơn một nửa những người ngồi đây giơ tay khi mà thầy hỏi là “Mẹ mình đúng chuẩn mà không hạnh phúc”. Thế nhưng khi thầy hỏi là: “Hạnh phúc có liên quan đến chuẩn không?” thì lại không dám giơ tay là không liên quan. Mọi người bắt đầu thấy mâu thuẫn chưa? Mình có bằng chứng rõ ràng về mẹ mình là đúng chuẩn mà không hạnh phúc, nhưng khi thầy hỏi mình là mình chọn quan điểm nào: “Hạnh phúc có liên quan đến chuẩn không?”, thì rất ít người dám giơ tay là không liên quan.

2. Làm theo chuẩn mực có hạnh phúc được không?

* Mẹ chồng truyền thống: quy củ, tôn ti trật tự

Rồi, bây giờ hỏi lại lần nữa nhé! Mọi người nghe 3, 4, 5 bạn nói chuyện rồi, thầy chưa nói câu gì hết, thầy chưa trình bày quan điểm của mình, nhưng mà thầy hỏi lại lần nữa này: Bao nhiêu người theo trường phái là: Hạnh phúc của mình không liên quan đến việc sống theo đúng tiêu chuẩn của người khác, giơ tay? A, số đông rồi đây, đúng không?

Đấy, thầy chẳng cần nói gì hết, tự câu chuyện của các bạn Công, bạn Đức, bạn Huyền này, đấy, của Việt Anh này, nói chuyện. Tự cho các bạn thấy, tự cảm nhận luôn là làm theo chuẩn của người khác thì không liên quan hạnh phúc trong lòng mình đâu. Khá nhiều rồi đúng không? Rồi, nhưng mà chắc chắn là… bạn Thanh chưa “thủng”, đúng không? Kiểu gì thì kiểu, con dâu cũng phải theo chuẩn tí chứ? Đúng không? Bạn có con dâu không hay bạn làm dâu?

Bác Thanh: Làm dâu trưởng!

Thầy Trong Suốt: Làm dâu khó mà…

Bác Thanh: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, kiểu gì thì kiểu, phải theo chuẩn chứ, đúng không? Theo bạn, chuẩn tối thiểu của con dâu là gì? Nếu như không có cái đấy thì không được, không gọi là con dâu. Theo bạn là gì?

Bác Thanh: Dạ, thưa Thầy Trong Suốt, mỗi người đều có một quan điểm riêng ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Thầy rất tôn trọng!

Bác Thanh: Theo đó thì người con dâu phải là người biết quan tâm tới gia đình nhà chồng. Ví dụ như là bố mẹ chồng

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bác Thanh: Anh em nhà chồng, con cháu nhà chồng. Mình phải là một cô con dâu…

Thầy Trong Suốt: Chắt… chắt chít có quan tâm không? (Mọi người cười)

Bác Thanh: Dạ!

Thầy Trong Suốt: Con cháu, chắt chút… chít…

Bác Thanh: Dạ… theo… theo. Vâng, theo họ hàng dòng tộc chứ ạ! Đấy, bắt buộc là phải có!

Thầy Trong Suốt: Rồi! Rồi, rồi!

Bác Thanh: Đấy! Bắt buộc là phải có!

Thầy Trong Suốt: Bắt buộc phải có! Chuẩn!

Bác Thanh: Chứ không thể nào mình làm con dâu người ta mà mình lại cứ coi thường, hoặc mình vô tư quá, mình không chấp nhận gia đình…

Thầy Trong Suốt: Vô tư quá là không được! Đúng rồi! (Mọi người cười)

Bác Thanh: Đấy, bởi vì buổi Trà đàm hôm nay thì theo con nghĩ là con là người lớn tuổi rồi. Hơn nữa là phong tục của phụ nữ Việt Nam ngày xưa rất khác với cái lớp bây giờ! Lớp bây giờ thì… con nói thật là các vị ấy sống hơi thoải mái quá!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Các vị thoải mái quá, các vị ạ! Được! Tốt! (Mọi người cười)

Bác Thanh: Giống như con…

Thầy Trong Suốt: Con có bức xúc gì với con dâu, nói thẳng đi! (Mọi người cười)

Bác Thanh: Dạ không ạ! Đối với con dâu thì con vẫn tâm sự với với nó là: “Con cứ sống vô tư đi!”. Thế thì…

Thầy Trong Suốt: Thật ấy hả?

Bác Thanh: Vâng! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Tưởng vô tư quá thì không được chứ sao lại “vô tư đi”?

Bác Thanh: Dạ không! Vô tư nhưng phải có tổ chức ạ!

Thầy Trong Suốt: À! Vô tư nhưng có tổ chức! (Mọi người vỗ tay) Hay, hay, hay! Rất hay! Rất hay!

Bác Thanh: Vâng! Xin phép được tâm sự với Thầy, với cả các vị là: Ban đầu tôi cưới con dâu về, tôi cho ăn chơi thoải mái đúng một tháng. (Mọi người cười) Thế sau đó…

Thầy Trong Suốt: Hẳn một tháng! Rồi!

Bác Thanh: Vâng! Sau đó thì con cho họp gia đình ạ!

Thầy Trong Suốt: Họp luôn? Được! Hay!

Bác Thanh: Thì con có tâm sự với con dâu rằng: “Trước khi con về gia đình mẹ thì con hiểu gì về gia đình mẹ?”. Thì nó bảo là: “Con hiểu nhiều chứ ạ!”. Con nói: “Nếu con hiểu thì con cứ mạnh dạn tâm sự với bố mẹ, với chị”. Trong nhà thì chị đi công tác ạ, chỉ có hai vợ chồng nó và hai vợ chồng con. Thì nó bảo: “Thực sự mà nói, khi bắt đầu con về đây thì con tìm hiểu về mẹ, người ta bảo mẹ đanh đá!” (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Nói thẳng như thế ấy hả?

Bác Thanh: Vâng! Nói thẳng. Và con cũng rất cảm ơn nó là nó dám nói thẳng trước mặt mẹ như vậy. Thì mình cũng có cái trải nghiệm là mình sống làm sao với con, thực sự là thật thà. Chứ không thể có chuyện dối giá được!

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bác Thanh: Thế con bảo là: “Đúng, cả cái khu phố này người ta nhận định mẹ rất là đanh đá! Nhưng để mà nói về lòng thật thà thì ở đây người ta cũng khen mẹ đấy! Bà ấy rất nóng tính nhưng khi bà ấy sống với mọi người rất là chu đáo”.

Báo cáo với Thầy là khi mà con dâu đã nói được như thế thì con bảo: “Được! Con dâu này, mẹ duyệt là con rất thật thà!”

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bác Thanh: Đấy, bây giờ khi họp gia đình mẹ muốn là mất lòng trước, được lòng sau, tổ chức của gia đình phải có quy củ. Thứ nhất là con đi phải hỏi, con về phải chào! Chứ không thể tùm lum tùm la, là không được! Đấy, nguyên tắc của mẹ như thế. Còn những việc mình làm sai, mình về mới trình tấu là không được! Mà phải hỏi ý kiến trước, mẹ có đồng ý không, con mới được làm! Chứ không phải là làm rồi mới tấu là không được!

Ý con phép tắc như thế! Báo cáo với Thầy là con dâu được 7 năm rồi ạ. Cuộc sống gia đình con tạm cho là hạnh phúc: Chồng con ngoài 70 tuổi, con ngoài 60 và cũng đã có cháu nội, cháu ngoại. Nói chung là con thấy mình cũng tạm hạnh phúc.

Bây giờ đến cái tuổi mà con cũng đi tụng kinh niệm Phật ấy ạ! Con cũng có nhiều quan điểm. Thì con cũng du di cho con gái con được đi theo nhóm Trong Suốt này, con cũng nói là: “Theo mẹ thì con đi như thế nào, con học như thế nào là do cái tâm con. Nhưng con làm thế nào để cái tâm mình phải có thật. Mình làm việc tốt, làm việc thiện, thì ở đâu Trời, Phật cũng chứng cho con hết!”. Mình dạy con như thế nhưng thực tế những may mắn nó không đến với con gái. Vợ chồng cháu cũng không được hoàn thiện lắm.

Thầy Trong Suốt: Vợ chồng ly dị đúng không?

Bác Thanh: Dạ, cũng gần như thế ạ!

Thầy Trong Suốt: Theo con, có đau lòng không?

Bác Thanh: Dạ báo cáo với Thầy…

Thầy Trong Suốt: Không đúng chuẩn của mình gì hết!

Bác Thanh: Con không. Con lại động viên con là: “Hạnh phúc gia đình đôi khi lại là duyên phận nữa!”

Như Kinh Phật dạy là duyên nó chỉ đến thế thôi, ta chấp nhận, tự động viên ta. Ta thấy mình hạnh phúc là mình hạnh phúc!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Như vậy là không theo chuẩn lắm vẫn hạnh phúc đấy chứ, nhỉ?!

Bác Thanh: Dạ, không! Ý của con là chuẩn của gia đình phải có tôn ti trật tự, phải có tổ chức, thí dụ: Đi thưa, về phải gửi. Và làm việc gì phải báo cáo với bố mẹ.

Thầy Trong Suốt: Ví dụ việc gì? Theo con thì ví dụ như việc gì?

Bác Thanh: Theo con nhé, giả dụ như con nó định làm một cái gì thì nó phải về bàn với bố mẹ là con định làm cái này, đầu tư như thế này, bao nhiêu tiền, ý mẹ thế nào cho con biết…

Thầy Trong Suốt: Con dâu ấy hả?

Bác Thanh: Dạ vâng! Cả hai vợ chồng!

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bác Thanh: Thì con muốn là: “À, cái này có thể con làm được. Nhưng có những cái quá tầm tay là con không được làm!”. Bởi vì kinh tế nó có hạn, không thể đi vay đi mượn để mà đầu tư lớn được. Chẳng may thua lỗ thì lấy đâu mà trả? Đấy, đấy là ý con…

Thầy Trong Suốt: Ví dụ nó mua vài cái váy ngắn thì có ok không?

Bác Thanh: Cái ăn mặc, theo con là, cũng phải chỉn chu một chút.

Thầy Trong Suốt: Đấy! (Mọi người cười) Ngắn tí là có vấn đề đấy, đúng không?

Bác Thanh: Báo cáo với Thầy và với các bạn trẻ ngồi đây, theo tôi thì như thế này: Tất nhiên cái hình thức bên ngoài không đánh giá được cái nội tâm bên trong, thế nhưng đôi khi, ở nhà thì thế nào cũng được, nhưng ra xã hội đòi hỏi bản thân mình phải chỉn chu trước đã. Thí dụ như buổi Trà đàm ngày hôm nay, thật sự mà nói là con không hài lòng với cách ăn mặc của con gái con!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Đâu rồi? Con gái đâu rồi? (Mọi người cười) Con gái bạn Thanh đâu rồi?

Bác Thanh: Đấy! Rất nhiều cái…

Thầy Trong Suốt: Đây, xuống đây, xuống đây! (Mọi người cười) Rồi! Đứng ở đây cho các bạn ngắm! (Mọi người cười).

Đây! Con gái của chị Thanh đây! (Mọi người cười) Chuẩn không? (Mọi người vỗ tay) Thế này bảo chuẩn ấy hả? (Mọi người cười) Chuẩn không? Có chuẩn không?

Một bạn: Chuẩn!

Thầy Trong Suốt: Chuẩn ấy hả? (Mọi người cười) Quần đùi, áo may ô đến dự hội mà lại chuẩn à? (Mọi người cười) Rồi! Cảm ơn em. Xong rồi, xong nhiệm vụ rồi! Em xuống đi!

Rồi! Mọi người thấy chuẩn của con gái bác Thanh chưa? (Mọi người cười) À! Em muốn phát biểu gì em nói đi? Bạn nữ này muốn phát biểu. Em giới thiệu một chút xong rồi phát biểu.

Bạn nữ: Vâng! Em xin chào tất cả mọi người. Em tên là Hoa, em năm nay 27 tuổi. Hôm nay em được một người em giới thiệu đến buổi Trà đàm của Thầy.

Lúc đầu em xác định đến đây chỉ ngồi nghe để học tập thôi. Nhưng sau khi bác Thanh phát biểu thì cháu cảm thấy là cháu muốn phản biện lại lời của bác.

Thầy Trong Suốt: Được! (Mọi người cười) Rồi! Cho phép phản biện. Phản biện đi!

* Con dâu thời hiện đại: Không!

Bạn Hoa: Thứ nhất, quan điểm của cháu: Con dâu lấy chồng là người ta yêu con trai của mình, về làm dâu nhà mình thì nó chỉ cần hòa hợp với con trai của mình. (Mọi người cười) Đấy! Chứ không phải về là còn phải bố mẹ chồng, anh em chồng, họ hàng nhà chồng. (Mọi người cười) Cái đấy, cháu thấy, nó chẳng liên quan cái gì cả! (Mọi người vỗ tay)

Cái việc ăn, việc nói là việc của mình quyết định, nhưng mình không thể ngoài cái quy chuẩn được. Tức là, mình không phải sống theo quy chuẩn của mẹ chồng, bố chồng, nhưng phải sống theo cái quy định của xã hội, phải có những chuẩn mực nhất định. Không thể bảo là tôi thích nói gì thì nói, tôi ăn nói láo toét, mất dạy… là không được. Nhưng mà phải thể hiện được lập trường của mình. Chứ không phải người ta nói “À…, con bò là con chó” là mình nghe đâu. Không được!

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười)

Bạn Hoa: Đấy! Thích nói cái gì là nói, nhưng mình phải dựa trên quy chuẩn để mà nói.

Thầy Trong Suốt: Được!

Bạn Hoa: Nói là phải ngồi xuống, lịch sự, tử tế để mà nói, phân tích cho người ta: “Mẹ, quan điểm của mẹ như thế này là không đúng. Và con không đồng tình với quan điểm đấy”.

Chứ không thể là: “Bà ăn nói như thế…”, như thế là cháu… con không đồng ý.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn Hoa: Nhưng mà, mình phải sống theo quy chuẩn của xã hội chứ không phải là quy chuẩn của mẹ chồng nào hết.

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười)

Bạn Hoa: Đấy! (Mọi người vỗ tay) Con nói ra quan điểm của con là con nói thật. Bây giờ con thích làm cái việc này, dù mẹ bảo con không làm nhưng con cho đó là đúng, thì con vẫn làm. Sai con chịu. Cuộc đời của con là con chịu. Miễn là con không làm cái việc gì nó quá với đạo đức con người là được.

Thầy Trong Suốt: Được!

Bạn Hoa: Đấy! Đấy là quan điểm của con. Ví dụ lấy chồng, bảo một ngày nấu ba bữa cơm là đúng quy chuẩn, nhưng mà con phải đưa ra quan điểm: “Anh ạ, anh cũng làm việc. Tôi cũng đi làm việc. Một ngày, tôi có thể nấu cho anh hai sở (bữa), nhưng một sở (bữa) còn lại anh và tôi đi ra ngoài ăn. Để tôi còn có thời gian lấy lại sức khỏe, lấy lại tinh thần, tôi còn được xả stress. Không thể ngày nào tôi cũng nấu ăn, rửa bát, giặt đồ cho anh được”. Đấy là quan điểm của con. Kể cả mẹ chồng có nói là một ngày con nấu ba sở (bữa), thì con không nấu.

Thầy Trong Suốt: Được! (Mọi người cười)

Bạn Hoa: Con nói rõ ràng! (Mọi người vỗ tay) Con nói rõ ràng là con phải có thời gian để đi kiếm tiền nữa. “Anh cũng kiếm tiền và tôi cũng kiếm tiền. Chứ không phải một mình anh kiếm tiền. Tôi sinh con, anh đâu có phải sinh con đâu. Nên là anh phải dành thời gian cho cả tôi, và mẹ chồng phải hiểu được những cái điều đấy”. Mẹ chồng cũng là con gái, cũng là phụ nữ, phải thông cảm và đặt trường hợp vào của con.

Về vấn đề ăn mặc cũng thế! Ví dụ như ăn mặc là quyền của mình lựa chọn. Nhưng mà không thể đi đám ma mà ăn mặc hớ hênh được. Nhưng cũng không thể đi bar, đi… đi vũ trường mà lại ăn mặc kín đáo được. Mình ăn mặc như thế nào là nó phải phù hợp với tình huống, phù hợp với môi trường và những không gian của mình. Chứ không thể nói, con gái, con dâu của mình là không được ăn mặc hở hang. Cái đấy chẳng có một cái quy chuẩn nào hết! Không phải là hở hang là mất nết, láo toét. Mà cũng không phải là kín đáo là con người tử tế. Không ai đánh giá được cái điều đấy cả. Đấy, đấy là quan điểm của con!

Thầy Trong Suốt: À! Cảm ơn em! (Mọi người vỗ tay) Em tên là gì ấy nhỉ?

Bạn Hoa: Con tên là Hoa ạ!

Thầy Trong Suốt: Hoa! Rồi! Sao bác Thanh?

Bác Thanh: Ghê quá!

Thầy Trong Suốt: Ghê quá hả! (Mọi người cười)

Bác Thanh: Báo cáo Thầy đúng là con dâu thời hiện đại đấy ạ! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Sao? Nhưng mà mọi người thấy quan điểm của bạn là có lý đấy chứ? Cuộc sống của bạn, bạn chịu trách nhiệm. Làm sao mà mình chịu trách nhiệm được? Nên là bạn được quyền lựa chọn, sao cứ phải thưa gửi?

Đấy, có hai quan điểm: Sao phải thưa gửi? Vì cuộc đời của bạn ấy bạn ấy chịu trách nhiệm. Mình có chịu trách nhiệm hộ bạn ấy đâu mà bạn ấy phải thay đổi theo ý của mình? Nghĩa là không láo toét là được, chứ không phải là cái gì cũng phải hỏi ý kiến.

Việc thứ hai là váy ngắn. Đúng không? Thế nào là ngắn? Đấy! Tại sao mua váy phải hỏi mẹ, ngắn lại phải hỏi mẹ? Hơi có vấn đề! Đấy, con trả lời như thế nào?

Bác Thanh: Theo con ấy, thì là… thôi mình chứng minh thực tế đi. Thí dụ như con gái con mà ăn mặc như thế đi Trà đàm là con không đồng ý!

Thầy Trong Suốt: Thật ấy hả?

Bác Thanh: Thực sự là không đồng ý!

Thầy Trong Suốt: Bao nhiêu người đồng ý với cách ăn mặc của bạn Nga vừa xong thì giơ tay? (Rất nhiều cánh tay giơ lên) Con nhìn xung quanh, nhìn đi, nhìn đi! Rồi! Bao nhiêu người không đồng ý? Ăn mặc kiểu gì ấy nhỉ? (Mọi người cười) 1 bạn, còn ai nữa? 2, 3 bạn không đồng ý. Ba bạn thôi à? (Mọi người và Thầy cười) Sao? Con có gì bất ngờ không? Sao cả hội trường đồng ý mà mỗi ba bạn…

Bác Thanh: Thì con báo cáo với Thầy rồi đấy. Thanh niên thời hiện đại bây giờ nó khác với tuổi bọn con. Ở nhà thì có thể ăn mặc thế nào cũng được, nhưng ra xã hội hoặc ra công chúng như thế này, thì đòi hỏi con người nên lịch sự, tế nhị một tí. Quan điểm của con, con nói ngay từ đầu rồi: Cái ăn mặc, nó không hẳn là đánh giá cái nội tâm bên trong. Thế nhưng mà, cũng đừng để người ta nhìn mình… bằng cái con mắt nó khác đi.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bác Thanh: Thì thôi, mình cứ ăn mặc nó hài hòa, tế nhị một tí, thì… theo con thấy nó vui hơn.

Thầy Trong Suốt: Được! Được!

Bác Thanh: Con bảo con gái con ấy: “Nếu con đi… mẹ thích con phải mặc chỉn chu một tí nữa, thì mẹ thấy vui. Còn nếu mà cứ theo ý con thì… mẹ cũng đành phải chịu thôi.

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười)

Bác Thanh: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Được! Được! Rồi. Có bạn nào phát biểu thay cho… phe bác Thanh hoặc là phe bạn Hoa không? Hoặc là phe trung lập không? Có bạn nào muốn phát biểu không? Tức là có hai trường phái nhé! Đúng không? Trường phái một và trường phái ba. Có bạn nào phe trung lập hơn không, hay là chọn bất kỳ phe nào cũng được? Có ai không? Rồi! Như vậy là, quan điểm hai bên đã rõ ràng rồi, đúng không?

* Đặt gia đình lên trên hết, liệu mình có hạnh phúc được không?

 Rồi! Câu hỏi ngày hôm nay là: “Gia đình có cần là số 1 không?”. Theo Thanh, với một người phụ nữ cứ đặt gia đình trên hết thì có hạnh phúc không?

Ý của thầy chỉ đơn giản thôi, là gì? Một người phụ nữ nhé, ví dụ con gái, con dâu đi, nếu họ coi gia đình là trên hết, thì họ có hạnh phúc không?

Bác Thanh: Báo cáo với Thầy là cái đấy còn tùy duyên ạ. Nếu người ta cảm thấy người ta về gia đình nhà chồng, mọi ý thức hoặc công việc làm người ta thấy vui, người ta thấy cả gia đình đều đoàn kết, đều cởi mở với nhau, thì người ta thấy đấy cũng là một hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Nếu cứ cho gia đình chồng là gia đình hạnh phúc, gia đình tử tế đi: bố tốt, mẹ tốt, chồng tốt. Con đúng chuẩn của gia đình bên chồng, thì có hạnh phúc không?

Bác Thanh: Có ạ! Theo con như thế là hạnh phúc rồi ạ!

Thầy Trong Suốt: Theo bạn Thanh là hạnh phúc nhé! Ở đây có ai ý kiến khác – Một người con gái theo đúng chuẩn của gia đình bên chồng hoặc gia đình mình cũng được, gia đình tốt, gia đình toàn người tốt, thì chắc chắn hạnh phúc – Hoặc là bạn có quan điểm khác? Mời bạn!

Một bạn nữ: Chào Thầy! Chào các cô chú, anh chị và các em! Em tên là Giang và đây là lần đầu tiên em đến dự Trà đàm. Theo em thì câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này là: “Không”. Nếu như trong 24 tiếng trong một ngày của mình lúc nào gia đình cũng là trên hết, 365 ngày lúc nào gia đình cũng là trên hết, em không dám chắc chắn 100%, nhưng 99,9% là sẽ không hạnh phúc!

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Giang: Bởi vì mỗi một người sinh ra ở trên đời này, đóng rất nhiều vai khác nhau. Cùng một lúc sẽ là vai… ví dụ như một người phụ nữ có gia đình, có con cái đi, thì sẽ là vai người mẹ, người vợ, người con dâu, người con của bố mẹ ruột mình, có thể là chị gái hoặc em gái của ai đó. Thế nhưng ngoài môi trường gia đình ra, thì họ cũng có thể là nhân viên, họ cũng có thể là chủ một cửa hàng giống như bác Thanh, hay là họ cũng là sếp của một ai đấy. Thế thì, nếu như trong 24 tiếng đấy, dù họ đang đứng cái vai nào, họ cũng chỉ nghĩ “gia đình là trên hết” thì mọi người cũng thấy sẽ có những lúc họ sẽ rơi vào nghịch cảnh, và sẽ phải hy sinh những vai trò khác của họ. Một khi những vai khác mà họ không hoàn thiện được, thì liệu là cái việc đặt gia đình lên trên hết có đảm bảo cho người phụ nữ hạnh phúc hay không? Thì em nghĩ trong trường hợp đấy sẽ là không!

Hơn nữa nếu đặt câu hỏi này rộng hơn một chút ấy, nếu mà chỉ là “có” hay “không” thì có thể nghe rất là cực đoan. Từ góc độ của cá nhân em nhìn ra, tạm thời là cũng chưa già và không còn trẻ lắm, thì em thấy là nó phải mang tính giai đoạn. Có những giai đoạn mình sẽ cần phải đặt tất cả các mối quan hệ của mình lên bàn cân, và rõ ràng sẽ có lúc mình thấy gia đình là trên hết. Nhưng cũng có những giai đoạn mà gia đình có thể nhường bước lại một chút để mình làm tròn những cái vai khác của mình nữa.

Em nghĩ nếu như người phụ nữ có thể may mắn có được sự sáng suốt đấy, và có được sự ủng hộ của gia đình, cũng như của những mối quan hệ xã hội khác để giúp mình nâng lên, đặt xuống, cân nhắc ưu tiên các mối quan hệ ở từng thời điểm khác nhau thì có lẽ xác suất hạnh phúc sẽ cao hơn. Em xin hết ạ!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Rồi! Cảm ơn bạn Giang! (Mọi người vỗ tay) Có thể nói là, trong quan điểm truyền thống của xã hội chúng ta thì phụ nữ là phải làm gì? Gia đình là trên hết đúng không? Lấy chồng xuất giá?

Mọi người: Tòng phu.

Thầy Trong Suốt: Tòng phu và tòng mẹ của phu, cũng phải tòng hết! (Mọi người cười) Đúng không? Xuất giá tòng phu đấy! Đấy. Ra khỏi nhà phải theo chồng, mà mẹ chồng dữ một chút là phải theo… mẹ chồng, đúng không? Đấy là quan điểm ngày xưa! Nhưng mà hôm nay, chúng ta nhìn những cánh tay giơ lên cho thấy là gì? Những cánh tay giơ lên lúc thầy hỏi câu hỏi là: “Mẹ của mình có hạnh phúc không?” – đấy là câu trả lời đanh thép nhất. Đanh thép cho cái gì? Cho cái việc là theo chuẩn nhưng không hạnh phúc! Chuẩn không quyết định hạnh phúc! Câu trả lời đanh thép nhất là câu trả lời thực tế mang lại. Đấy! Lúc nãy có quá nhiều bạn đúng không? Câu trả lời rõ ràng nhất cho việc là gì? Theo chuẩn thì mẹ mình là nhất rồi, nhất theo chuẩn rồi, mẹ mình là từ thế hệ bác Thanh trở lên, thì theo chuẩn cũng không hạnh phúc.

Đấy, sự thật mà! Mình cứ lý luận đâu xa, mình nhìn vào mẹ mình biết ngay. Thay vì phải đi nhìn nhận quá xa, nghe xem ông thầy nói có đúng không, thì mình về xem lại mẹ mình xem – mẹ theo đúng chuẩn, có hạnh phúc không? Hiếm! Có, nhưng mà hiếm! Làm cho mình tự đặt ra câu hỏi là “Liệu nó có liên quan với nhau chặt chẽ không? – Có phải là cứ theo chuẩn – chuẩn Việt Nam là gia đình là trên hết đấy” Ở đây nếu ai về chịu khó hỏi mẹ, và mẹ mình trung thực một chút, phải nói trung thực, thì sẽ cho mình biết ngay. Mẹ thì bảo con là “Hãy theo chuẩn đi! Nhưng mà chính mẹ đây này, mẹ theo chuẩn mà mẹ cũng có nhiều vấn đề lắm. Bởi vì hạnh phúc, nó không nằm ở việc làm hài lòng người khác. Đấy! Mẹ đã cố gắng cả đời làm hài lòng bố, bố mẹ chồng của mẹ, gì nữa nhỉ? Họ hàng nhà chồng, thậm chí cháu chắt, chút chít… mẹ cũng quan tâm chu đáo, nhưng đến giờ mẹ cũng không biết hạnh phúc là cái gì”. Đấy, đấy là một câu chuyện phổ biến, mọi người về hỏi mẹ mình đi.

Bởi vì, hạnh phúc không đến từ việc mình làm hài lòng những người xung quanh mình. Thầy không nói là làm hài lòng những người xung quanh mình là xấu. Nhưng thầy nói sự thật không thể chối cãi được là gì? Là hài lòng người ta xong rồi, mình vẫn không hạnh phúc! Đấy là sự thật. Bao nhiêu người đồng ý với quan điểm đấy, giơ tay xem nào? Một sự thật không thể chối cãi được là: Mình làm hài lòng những người xung quanh mình, mình vẫn không hạnh phúc. Đấy là sự thật!

Mình có làm hài lòng hết cỡ đi nữa thì trong lòng mình vẫn có những điều không được toại nguyện, nhặm nhọ, không được an lạc. Đấy là cách trả lời rõ nhất cho việc là gì? Liệu mình làm hài lòng những người xung quanh, mình có hạnh phúc không? Bố mẹ mình bắt mình học cái trường mà mình không thích, đúng không? Mình có một quan điểm nghệ thuật, bố mẹ muốn mình học kinh tế chẳng hạn, làm sao mình hạnh phúc được, mặc dù mình làm hài lòng bố mẹ mình. Mẹ mình, chồng mình bắt mình mặc cái váy dài đến tận… đâu là vừa vừa nhỉ? Đầu gối? Có một số bạn nói với thầy là phải dưới đầu gối thì mới là đúng chuẩn mẹ, trên đầu gối là có vấn đề, tối hôm đấy là bữa ăn mất ngon rồi. Đấy! Nhưng mà thử hỏi, mặc cái váy dưới đầu gối thì có hạnh phúc không? Hạnh phúc của mình có liên quan tới cái váy dài bao nhiêu không?

Mọi người: Không!

Thầy Trong Suốt: Váy càng dài, hạnh phúc càng tăng không?

Mọi người: Không!

Thầy Trong Suốt: Thế thì mặc luôn cái váy quét đất cho xong, cho hạnh phúc đầy đủ? (Mọi người cười) Đúng không? Và những người mặc váy ngắn chắc chắn là sẽ không hạnh phúc rồi – nếu mà nói quan điểm đấy. Hoàn toàn sai luôn! Thế nên chúng ta phải đặt lại câu hỏi. Những người phụ nữ thời đại cũ, giống mẹ các em ở đây, cũng nên đặt lại câu hỏi luôn, chứ không phải đợi đến thời đại mới thì mới hỏi là: “Liệu mình làm theo chuẩn của người khác thì mình có thực sự hạnh phúc không?”


3. Hạnh phúc đến từ việc dám đi theo con đường của riêng mình
 

* Chuyện bác Thanh – điều rút ra sau hơn 60 năm

Mình nhìn lại mấy chục năm mình sống với gia đình đi, hoặc với một số bạn nữ là mấy năm sống với gia đình, liệu việc hạnh phúc có đến từ việc theo chuẩn của người khác không? Liệu có thể có loại hạnh phúc thực sự nào đến từ việc mình làm hài lòng người khác không? Lúc nãy có bạn thầy giáo đã nói đấy: Đứa con làm hài lòng bố mẹ theo kiểu học tập hết cỡ để bố mẹ vui lòng nhưng vẫn không hạnh phúc. Vừa nãy có một số bạn con dâu nói là gì? Bạn theo chuẩn mẹ chồng, không hạnh phúc!

Thực ra là câu hỏi rộng lớn hơn: Liệu chúng ta có thể hạnh phúc được, tất cả chúng ta ở đây này, khi chúng ta làm hài lòng tất cả những người xung quanh không? Người phụ nữ thế hệ 5X. Em có hạnh phúc không? Nói thật đi! Cứ nói thật đi!

Bác Thanh: Báo cáo với Thầy là nếu mà để hạnh phúc, thì Kinh Phật nói, con tạm thời hạnh phúc, mà thấy như thế cũng là đủ rồi!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Được! Được!

Bác Thanh: Bởi vì chồng con rất may mắn là báo tử 3 năm rồi lại về. Về cuộc sống gia đình thì thời bao cấp Thầy cũng như các bạn biết là rất khó khăn, đi làm chỉ có hai mấy nghìn thôi. Thế nhưng đến bây giờ thì cũng có nhà mặt đường, cũng có ô tô này… Như thế là con cảm thấy đời là hạnh phúc rồi!

Thầy Trong Suốt: Cái đấy đến từ việc con làm hài lòng những người xung quanh, hay là con tìm ra một lối sống cho riêng mình?

Bác Thanh: Con cũng phải cố gắng cả hai bên.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Nhưng theo con thì như nào? Hạnh phúc của con ấy, đến từ việc con tìm thấy cách sống hợp với mình nhất, hay là con cố làm hài lòng tất cả những người xung quanh thì con sẽ hạnh phúc? Tự hỏi cuộc đời con đi!

Bác Thanh: Theo con thì phải cố bản thân mình trước.

Thầy Trong Suốt: Do mình tìm một cách sống rất hợp với mình?

Bác Thanh: Vâng, rất hợp. Có nghĩa là con đang làm công nhân nhé, mà con xin nghỉ để con kinh doanh.

Thầy Trong Suốt: Một nhé: Làm công nhân, đang làm nhà nước ổn định… tự nhiên phải nghỉ để kinh doanh. Nhưng mà kinh doanh có hợp với con không?

Bác Thanh: Cuộc đời con cũng thấy như thế là sướng.

Thầy Trong Suốt: Rất hợp!

Bác Thanh: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Rất hợp! Như vậy đâu phải có theo chuẩn của ai đâu! Chuẩn của mình đấy chứ! Lúc đấy có ai đến bảo con là: “Mày làm sai chuẩn của tao rồi, mày phải quay lại làm công nhân đi!”, có không? Ai bảo không? Hay có ai bảo với con là: “Kinh doanh mới là chuẩn, hãy làm theo lời của tao!”, có ai bảo thế không? Hay tự con cảm thấy là nên làm cách của riêng mình, hợp với mình nhất? Theo con thì trả lời như nào?

Bác Thanh: Báo cáo với Thầy, cuối cùng đúng là cũng tự mình thôi!

Thầy Trong Suốt: Ồ!

Bác Thanh: Tại vì sức khỏe không còn nữa!

Thầy Trong Suốt: Hóa ra là gì?

Bác Thanh: Không làm được!

Thầy Trong Suốt: Bạn Thanh cũng hạnh phúc nhờ việc gì? Tìm một con đường cho…?

Bác Thanh: Cho mình!

Thầy Trong Suốt: Cho riêng mình!

Bác Thanh: Đúng rồi ạ!

Thầy Trong Suốt: Hóa ra không phải là mình làm cho những người xung quanh mình hạnh phúc à? Không phải à? Sao lại cười thế kia? (Mọi người cười) Tại sao cười nhỉ? Sao con phải trả lời cho đúng chuẩn là gì? Do làm mẹ chồng hài lòng chứ? Mặc váy đủ dài chứ? Hạnh phúc của con từ đâu? Từ việc con chọn được một con đường hợp với mình nhất, con dám đi theo con đường của riêng mình; hay là con làm hài lòng, thỏa mãn tất cả những người xung quanh con? Con nghĩ cho kỹ rồi trả lời thầy! 1 hay 2? Một là, theo con đường của riêng mình. Hai là, con làm hài lòng tất cả những người xung quanh. Con nhìn đời con mà nói, hạnh phúc con thực sự đến từ đâu?

Bác Thanh: Báo cáo với Thầy là, cuối cùng, mình phải tự chọn lấy cái hướng đi của mình!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Hóa ra là vậy. Đúng chưa? Ô, kỳ quái không nhỉ? Hóa ra là gì? Hóa ra là bạn Thanh phải chọn hướng đi của riêng bạn ấy! Còn nếu bạn mà làm hài lòng những người xung quanh thì chắc chẳng ra làm kinh doanh đâu. Đúng không? Thế thì tại sao con lại yêu cầu…? (Thầy cười)

Bác Thanh: Nhưng con vẫn có một cái thắc mắc riêng.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Con nói đi!

Bác Thanh: Nếu nói về cái tổ chức gia đình… thì phải có chuẩn mực của gia đình.

Thầy Trong Suốt: Được! Cái đấy đâu ai cấm đâu! Nhưng câu hỏi của thầy là: Hạnh phúc đến từ đâu, cơ mà! Thầy không bảo là hãy chống lại chuẩn mực gia đình! Thầy hỏi là “Hạnh phúc đến từ đâu?”. Con tìm một con đường hợp với trái tim con nhất, hay là con làm đúng theo chuẩn người khác nhất?

Bác Thanh: Hạnh phúc là phải tự mình tìm đến!

Thầy Trong Suốt: Ồ! Hay quá!

Bác Thanh: Tự mình biết đến!

Thầy Trong Suốt: Hay! Rất hay! Hoan hô nhỉ! (Thầy cười, mọi người vỗ tay)

Hóa ra, trong câu chuyện cuộc đời bác Thanh ấy, thì hạnh phúc của bác ấy đến từ việc gì? Bác ấy dám đi một con đường của riêng mình, chứ không phải đến từ việc làm theo chuẩn của những người xung quanh. Đấy! Ở đây, ai còn hy vọng rằng nếu tôi làm được theo chuẩn của những người xung quanh thì tôi hạnh phúc – đấy là một hy vọng hão huyền. Do mình chưa đủ hiểu biết, hoặc là chưa đủ kinh nghiệm sống, hoặc là mình đã bị giáo dục quá lâu như thế rồi – là “con theo đúng chuẩn thì con hạnh phúc”. Bố mẹ mình bảo mình suốt đấy: “Con cứ làm theo đúng chuẩn của bố mẹ thì con hạnh phúc!” – Không có đâu! Bởi vì hạnh phúc có bao giờ nằm bên ngoài đâu.

* Cô Hoa, cô Nhân, bà mẹ chồng và chiếc váy

Nếu chúng ta đến buổi Trà đàm lần đầu tiên thì có thể là lạ, chứ nếu chúng ta nghe khoảng mấy buổi Trà đàm là thấy ngay ấy mà. Tất cả hạnh phúc của mình ấy, nó không bao giờ đến từ bên ngoài. Thầy kể quá nhiều chuyện rồi! Đấy! Nó đến từ bên trong mình, từ cách sống của mình, quan điểm sống của mình, như bạn Công nói lúc nãy đấy. Quan điểm sống của mình, cách nghĩ của mình trước sự đối đãi những người xung quanh làm cho mình hạnh phúc. Chứ không phải là người ta đối đãi thế nào thì mình hạnh phúc đến như thế. Không phải! Quan điểm sống của mình thế nào trước sự đối đãi của họ, thế là mình tự do.

Ví dụ, mình có một người mẹ chồng rất là khó tính đi! Đúng không? Bắt mình phải mặc váy đến tận gót, ví dụ thế. Thậm chí như vậy, mình vẫn có thể hạnh phúc được. Mẹ mình nhìn mình thì lúc nào cũng nhăn mặt: “Sao mày mặc váy ngắn thế!”, vì lúc đấy mình lỡ mặc váy đến bắp chân này này. Mẹ hỏi: “Sao mày mặc ngắn thế?” – đấy là sự khó chịu của mẹ. Nhưng mà cách nhìn nhận của mình với sự khó chịu đấy, nó làm mình hạnh phúc hay không, chứ không có nghĩa rằng mẹ mình cứ khó chịu là mình buồn theo.

Ví dụ, mình có thể có cách nghĩ giống bạn Hoa chẳng hạn. Mình nghĩ là: “Thôi, thế hệ của mẹ khác thế hệ của mình. Nên đấy là cái nhận xét của mẹ thôi, còn nó không ảnh hưởng tới hạnh phúc của mình”. Mình vẫn vui vẻ đi khỏi nhà trong khi mẹ mình vẫn càu nhàu với mình. Đúng không? Đấy là cách sống khác cơ mà! Mình không bị mất hạnh phúc, dù mẹ chồng mình càu nhàu. Tuy nhiên, nếu mà bạn khác thì nghĩ gì: Cho rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc vào cách mẹ chồng nhìn mình. Mẹ bảo là: “Con mặc váy ngắn thế, sai hết chuẩn của mẹ rồi!”, thế là mình sao? Buồn lòng, đúng không? Chạy lên nhà thay ngay cái váy khác dài đến tận mắt cá chân, xong rồi đi tiếp. Đúng không?

Như vậy là gì? Cùng một bà mẹ chồng, bà có hai cô con dâu, cô số một tên là Hoa, cô số hai tên là… Có ai đại diện trường phái rất-liên-quan không? Cô số hai tên là Nhân đi, nhé! Lấy tạm cô tên là Nhân, Nhân là tên vợ thầy! Đây cô ngồi đây này. Thôi, cứ cho là cô thuộc trường phái đấy đi. Đấy cô Nhân này, mọi người nhìn thấy cô Nhân chưa? Cô Nhân thì theo trường phái: “Mình phải làm đúng chuẩn của mẹ chồng, mình mới vui được”. Còn cô Hoa theo trường phái là “Mỗi người một quan điểm”. Thế là cô Nhân và cô Hoa cùng mặc một cái váy dài đến ngang ngang đầu gối, đi xuống. Mẹ chồng bắt đầu chất vấn và rất khó chịu. Hỏi: “Sự khó chịu của mẹ chồng có quyết định việc hai cô đấy buồn hay vui hay không?” – Theo các bạn thì sao?

Cùng một bà mẹ chồng đấy, cùng quan điểm là váy phải dài. Hai cô mặc cái váy như này. Đấy, cô Nhân thì lập tức chạy lên nhà thay váy ngay, cô Hoa cứ thế huýt sáo đi ra đường. Đấy, mặt tỉnh bơ huýt sáo: “Mẹ một quan điểm, mình một quan điểm, có gì đâu dù sao mẹ vẫn là người tốt– Hết, đi ra đường. Còn cô Nhân bảo: “Mình thích mặc váy ngắn lắm, nhưng mà thôi mình phải làm theo chuẩn của mẹ mới hạnh phúc được. Thay váy thôi!”, xong lên nhà thay váy. Theo các bạn, hai cô – một cô thì vui, một cô thì buồn – lỗi có phải do bà mẹ hay không? Theo bạn, lỗi có phải do bà mẹ khó tính mà hai cô, một buồn – một vui không?

Một bạn nam: Theo quan điểm của con là không ạ. Mọi thứ đều do hai người con dâu đấy thôi. Tự họ quyết định, tự họ làm họ vui buồn, hay hạnh phúc, thế thôi.

Thầy Trong Suốt: Con nói cụ thể hơn một chút đi. Phân tích từng cô một xem nào.

Bạn đấy: dụ như cô Hoa chẳng hạn. Cô ấy không làm theo ý mẹ chồng nhưng mà cô ấy vẫn hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Không làm theo ý mẹ chồng mà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Hay chưa!

Bạn đấy: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Em nói rất đúng luôn vì sao?

Bạn đấy: Bởi vì cô ấy được sống là chính mình. Cô ấy được làm điều mình thích nên là cô ấy hạnh phúc. Thứ hai, việc mà cô ấy không thay cái váy dài, nó cũng không làm tổn hại đến ai, mà cũng không làm tổn hại đến mẹ chồng. Mặc dù mẹ chồng có thể buồn trong một giây phút đấy thôi, nhưng mà trong cuộc sống thì có thể thay đổi được.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Còn trường hợp của cô Nhân thì có thể mẹ chồng trong giây phút đấy sẽ vui, nhưng mà…

Thầy Trong Suốt: Cô Nhân chạy lên nhà thay váy và trong lòng ấm ức.

Bạn đấy: Vâng! Bản chất là cô ấy không hạnh phúc. về lâu dài thì cả cô ấy và mẹ chồng đều không hạnh phúc, bởi vì cô ấy không sống thật với bản thân mình.

Thầy Trong Suốt: À hay quá! Em tên là gì?

Bạn đấy: Em tên là Thành ạ.

Thầy Trong Suốt: Bạn Thành có một ý rất là hay. Cảm ơn bạn Thành. (Mọi người vỗ tay) Bạn Thành phân tích về cô Nhân rất là hay chỗ này này: Ngắn hạn thì có vẻ như là mẹ chồng hạnh phúc một tí, đúng không? Còn cô ấy thì chịu thiệt một chút, ấm ức một chút. Nhưng bạn nhìn một cái nhìn rất dài hạn. Đố mọi người biết, dài hạn mà nói thì mối quan hệ giữa mẹ chồng và cô ấy như thế nào? Một người con dâu ấm ức và đau khổ, liệu có làm mẹ chồng hài lòng được không? Có làm được không?

Mọi người: Không.

Thầy Trong Suốt: Bao nhiêu người tin rằng là một người con dâu ấm ức, đau khổ vẫn thừa sức làm hài lòng mẹ chồng, giơ tay! Đấy, tương lai thế nào cũng sẽ có chuyện. Đấy là những người có tầm nhìn xa mới nhìn thấy. Nghe câu chuyện đấy, giả sử như bạn Nhân mới kể với thầy chẳng hạn: “Thưa thầy, em với mẹ chồng thế thế…“Kiểu gì rồi em với mẹ chồng cũng sẽ sinh chuyện thôi. Chắc chắn luôn! Kiểu gì thì bạn Nhân đấy với bà mẹ chồng đấy cũng sẽ sinh chuyện, dù là hôm nay bạn ấy phải ấm ức nghe lời mẹ chồng thay cái váy để chiều mẹ chồng, làm mẹ chồng vui một lúc, nhưng mà có thể làm thế cả đời rồi thấy hạnh phúc vui vẻ được không? Không thể!

4. Mình không hạnh phúc, mình có làm người khác thực sự hạnh phúc được không?

* Khi mình đau khổ, mình truyền điều đó sang ai?

Một người không vui vẻ liệu có thể làm người khác vui vẻ được không? Không thể! Không thể! Mọi người ở đây, chúng ta có ảo giác là mình không vui mình vẫn làm thế giới này vui. Mình không vui ấy, mình chỉ làm hệ lụy thế giới thôi.

Ví dụ này dễ hiểu này, ở cơ quan mình bị sếp quát mắng, chèn ép không vui, về nhà mình đổ lỗi cho ai? Đổ cho con cái là chắc, tối thiểu là con, chưa nói là chồng. Nếu mình khoẻ mình đổ chồng, còn nếu không mình đổ vào con. Con mình yếu hơn mà, bị bắt nạt dễ hơn. Cái không vui ở cơ quan ấy làm ra một người phụ nữ không vui vẻ, hạnh phúc. Kiểu gì về nhà, cái người yếu nhất trong nhà, có thể là mẹ mình luôn, đối với một số người phụ nữ thì mẹ mình mới là người yếu nhất trong nhà, trong đời mình, thì đổ vào mẹ luôn, đổ vào con, đổ vào mẹ. Đấy, chúng ta không thể làm người khác hạnh phúc trong khi trong lòng mình đang ấm ức, đau khổ đâu!

Thế hệ trước tin gì? Bạn có thể đem hạnh phúc cho người khác nếu bạn ấm ức và đau khổ. Nhưng mà thực tế chứng minh quá nhiều lần rồi, nên đừng làm theo nữa! Mình không thể làm người khác hạnh phúc nếu mình đau khổ, ấm ức đâu. Mình ấm ức thì mình sẽ dồn gì? Khi mình ấm ức trong lòng ấy, mình sẽ dồn vào người yếu nhất trên đời này. Đấy, người thân rất gần. Bây giờ mình khổ ở đâu về, mình nói lời khó nghe với mẹ mình ngay; hoặc là mình quát mắng, đánh con mình ngay. Ở đây cả nữ, cả nam đều thế cả thôi. Khi mình bị đau khổ trong lòng, mình dồn nén trong lòng thì mình sẽ phát tiết ra ngoài và người chịu nhiều nhất là cái người yếu nhất, khó chống đỡ nhất, thường là con của mình hoặc là mẹ mình, người thân của mình.

Hoá ra một người đau khổ có làm người khác hạnh phúc đâu! Nếu bạn đấy – bạn Nhân đấy – bạn ấy làm hài lòng được mẹ chồng thì con bạn ấy khổ rồi. Đúng không? Người mẹ ấm ức, nếu con mình nó chỉ hơi ồn một tí thôi thì sao? Quát to hay quát nhỏ? Quát rất to! Đứa con không đáng chịu cú quát to đấy. Cú quát to đấy đến từ ai? Đến từ cái chuyện với mẹ chồng. Thế là một người phụ nữ ấm ức thì dồn tiếng quát sang cho đứa con của mình. Ở đây có ai có ví dụ tương tự không? Thầy gặp quá nhiều rồi, nhưng cần nghe một bạn nào đấy nói chuyện: Khi một người đau khổ ấm ức thì mình sẽ dồn… Đấy mời bạn, mời bạn nữ đây!

Một bạn nữ: Xin chào mọi người ạ! Em tiếp tục câu chuyện mà Thầy vừa nói.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bạn đấy: Là cô mặc váy ngắn và cô mặc váy dài ấy ạ. Nếu như là em, mẹ em không đồng ý mặc váy ngắn đi chăng nữa, thì em vẫn sẽ ra ngoài với cái váy ngắn em đang mặc. Nhưng mà khi về, cái không khí giữa em và mẹ chồng vẫn tiếp tục, tức là mẹ chồng vẫn muốn em là cứ ra ngoài phải mặc váy dài. Em thì không làm theo ý mẹ chồng, nhưng mà nó vẫn tiếp diễn ngày này sang ngày khác thì em cần phải làm gì?

Thầy Trong Suốt: À được rồi, nghệ thuật ứng xử đúng không? Được! Nhưng mà thầy đang hỏi cái khác cơ mà. (Thầy cười) Sau ý kia đi, xong rồi quay lại câu hỏi của em. Được, tí mình quay lại: “Vậy thì mình phải làm gì?”. Nhưng lúc nãy thầy hỏi là: “Liệu mình đang đau khổ thì mình có truyền cái đau khổ ấm ức cho những người xung quanh mình không?”

Bạn đấy: Dạ có ạ!

Thầy Trong Suốt: Có, chắc chắn là có. Em thường truyền cho ai?

Bạn đấy: Thường truyền cứ cứ giữ trong lòng mình, ai mà động phải, chẳng may đủ duyên thì…

Thầy Trong Suốt: Chẳng may động vào bà đúng không?

Bạn đấy: Dạ!

Thầy Trong Suốt: Ừ, được! Hay! Bất kì ai động vào bà là gì… truyền hết. Được! Đấy, kinh nhất là thế luôn! Tất cả cùng bàn, nhưng mà có người yếu em mới truyền mạnh được chứ, đúng không? Người khoẻ làm sao em dám truyền? Sếp em đố em dám truyền! Sếp động vào bà, bà cũng phải gì? Bà cũng phải mỉm cười, nhưng mà ai yếu là sẽ bị truyền vào người đấy nhiều hơn, trong trong cuộc sống của em ấy.

Bạn đấy: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Ai?

Bạn đấy: lẽ là con ạ.

Thầy Trong Suốt: Con! Đúng rồi, vì con yếu nhất đúng không? Mình mắng nó thoải mái nhưng nó có mắng mình không?

Bạn đấy: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Không, đấy. Thường một số người truyền cho con. Nếu chưa có con thì truyền cho ai? Chưa có gia đình ấy, truyền cho ai?

Bạn đấy: Truyền cho mẹ mình ạ!

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, truyền người thân mình, đặc biệt là mẹ mình. Mẹ mình là người phụ nữ dễ chấp nhận nhất trên đời, nên mình lợi dụng luôn. Thật đấy! Mình đem bực tức của mình đổ lên đầu mẹ, quát mắng. Nếu không đến mức quát mắng thì cũng nói những lời khó nghe với mẹ. Vì sao? Vì bản chất của mẹ là thế hệ cũ mà, chịu đựng mà, chứ mẹ Hoa thì không được đâu. Con của mẹ Hoa thì đừng có làm thế. Đấy, nhưng mà mẹ mà thế hệ trên ấy thì thôi rồi, dễ chấp nhận lắm! Thế là con nó mắng mình tí cũng được, thương con mà! Nhưng mà điều đấy có làm cho mẹ hạnh phúc không? Không! Như vậy là khi mình không hạnh phúc… Em tên gì ấy nhỉ?

Bạn đấy: Dạ, em là Lê ạ! Em có gia đình rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Bạn Lê bạn nói rất đúng đấy! Khi mình không hạnh phúc, mình truyền cái đấy sang toàn bộ môi trường xung quanh mình. Đặc biệt là những người yếu nhất, càng dễ chịu đựng, càng yếu càng dễ bắt nạt. “Bắt nạt” trong ngoặc kép ấy – tâm lý đấy mình càng truyền. Như vậy thử hỏi xem, liệu một người không hạnh phúc thì có đem được hạnh phúc được cho người khác không? Mà vô tình truyền, có ai muốn truyền đâu. Nhưng vô tình thì sao? Truyền đau khổ ra môi trường xung quanh mình và điều đáng buồn nhất là người gánh chịu nhiều nhất lại là người thân mình nhất: con mình, mẹ mình… Vậy thì chúng ta có nên sống như vậy không? Chúng ta có nên làm hài lòng những người khác đến mức là mình khổ? Sau đấy mình hy vọng rằng, vì mình làm như vậy mọi người sẽ vui, hay là đấy là điều bất khả thi luôn? Theo bạn Lê thì sao? Thấy được mình khổ, xong mình hy vọng người khác xung quanh mình hạnh phúc, có khả thi không? Tôi khổ để người khác hạnh phúc, có khả thi không?

Bạn: Dạ không ạ!

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, quan điểm cũ là khả thi. Quan điểm cũ là: “Thôi con ạ. Một điều nhịn là chín điều lành. Con ơi, lấy chồng phải theo chồng, con nhường hết đi”. Nhưng thực tế chứng minh, cái này mình toàn nói thực tế, là mình không hạnh phúc được thì mình sẽ đem chuyện cho người xung quanh mình: chồng mình, con mình. Mình phải đặt lại câu hỏi, đặt lại cách nghĩ của mình đi: Liệu mình làm theo chuẩn người khác, thì một là mình có hạnh phúc không? Và hai là, người khác có thực sự hạnh phúc được không?

* Quan điểm cũ và cách dạy con kiểu mới

Câu hỏi số một là: “Nếu mình làm theo chuẩn của gia đình thì có làm mình hạnh phúc không?”. Câu trả lời là “Không”.

Câu hỏi thứ hai là: “Khi mình không hạnh phúc thì mình có làm người khác thực sự hạnh phúc được không?”.

Thầy biết ở đây có rất nhiều người bị bố mẹ bắt ép đủ các loại chuyện trên đời, hỏi là khi mình bị đau khổ như vậy, mình không giải quyết được thì mình có thể đem hạnh phúc thực sự cho người xung quanh mình không? Theo bạn thì có hay không? Bao nhiêu người trường phái “Không”, giơ tay nào? Khi mình không hạnh phúc thì mình không đem lại hạnh phúc cho người khác.

Rồi như vậy là có rất nhiều người theo trường phái mới – đây mới là cách đặt câu hỏi. Đấy là quan điểm cũ.

Quan điểm cũ là gì? Thứ nhất: Là thôi, cứ làm theo chuẩn người khác đi sẽ hạnh phúc. Thứ hai: Cứ đau khổ đi, mà mình đau khổ nhưng người khác hạnh phúc là tốt cho người khác. Đấy là hai điều cần xem lại. Thế hệ mẹ các em ở đây là sống theo hai quan điểm thầy vừa nói. Có thể ở đây, khi thầy nói hai quan điểm đấy, các em thấy hơi lạ lẫm vì các em là thế hệ mới, nhưng mẹ các em sống đúng bằng hai quan điểm đấy luôn.

Một là: Hãy làm theo chuẩn người khác! Không cần biết bên trong mình có hạnh phúc hay không. Cứ theo chuẩn đi! Đấy, về nhà chồng phải theo chuẩn nhà chồng, còn mình hạnh phúc hay không, mình không cần biết. Đấy là hạnh phúc theo kiểu bố mẹ em.

Thứ hai là: Tin rằng, nếu như làm hài lòng những người đó, những người xung quanh mình, thì dù mình không hạnh phúc, họ vẫn hạnh phúc. Đấy là hai điều cực kì nhầm lẫn mà cả một thế hệ đang theo.

Ở đây có ai có một trong hai quan điểm vừa rồi, hoặc có một phần nào đấy trong hai quan điểm, giơ tay! Ôi, ít thế này thôi á? Còn lại toàn người cực kì tiến bộ à? 4 bạn thôi ấy hả? Hoa có chút nào không? Có chứ?

Bạn Hoa: Cả hai ạ!

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, tất cả các em phải có cả hai mới đúng chứ? Hỏi lại lần nữa xem nào! Bao nhiêu người thấy mình có một trong hai quan điểm, một phần nào đó? Giơ tay xem nào! Đấy, Hoa giơ tay đi. (Thầy cười)

Ở đây tất cả chúng ta đều có. Chúng ta được giáo dục trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là mẹ Việt Nam, bố Việt Nam dạy. Chúng ta được dạy gì? Không ai dạy cho chúng ta cái câu thầy vừa nói đâu. Ít người lắm! Ít người nói được với con, ít người phụ nữ và đàn ông nói với con được hai câu này.

Câu thứ nhất là: “Con không cần phải theo chuẩn của mọi người, con phải có tiêu chuẩn của riêng con”. Ít người phụ nữ nói câu đấy! “Hạnh phúc của con không nằm ở việc làm hài lòng người khác. Hạnh phúc của con nằm ở việc con có một tiêu chuẩn, cách sống đúng với chính mình”. Hiếm người phụ nữ nói thế!

Thứ hai là… cái này khó hơn, khó nói hơn nữa cơ! Câu thứ nhất người ta còn nói được, câu thứ hai khó, câu này cực kì khó nói. Câu này là: “Nếu mà con không hạnh phúc thì con không làm cho người khác hạnh phúc được đâu!”. Câu này hiếm người nói – “Nếu con không biết cách tự làm mình hạnh phúc được thì con không biết cách làm người khác hạnh phúc được đâu! Con chỉ gây vấn đề cho người xung quanh mà thôi, một cách vô tình”.

Ở đây có bố mẹ nào nói câu đấy không? – “Nếu con có gia đình mà con không biết cách tự làm cho mình hạnh phúc thì con chỉ có gây chuyện cho người xung quanh, chứ con không hạnh phúc được đâu!”. Đấy, ít người nói được hai câu đấy lắm.

Mà đấy là sự thật, hai sự thật rõ ràng luôn! Và con của mình, nếu mình không cẩn thận, nó sẽ lớn lên theo cách mà bố mẹ mình dạy mình. Mình không dạy con theo kiểu mới, thì bố mẹ dạy mình như nào, mình sẽ truyền đúng như vậy – “Con phải làm theo đúng chuẩn của tất cả những người xung quanh và con sẽ hạnh phúc. Đấy, nếu con theo đúng chuẩn…”. Thứ hai là gì? “Thôi, cứ khổ tí thôi mà làm người kia hạnh phúc!” – Thì hai cái câu đấy là: Cứ khổ đi, dù mình không hạnh phúc thực sự! Mình luôn có quan điểm quá truyền thống còn gì. Nhưng mà khổ một lúc rồi hạnh phúc – thì có thể được. Nhưng khổ lâu dài ấy thì chỉ có làm người khác không hạnh phúc mà thôi. Nên là khổ một lúc thì ok, nhưng con phải tìm ra một con đường để hết khổ lâu dài.

* Chuyện nàng dâu không bỏ mặc váy ngắn…

Quay lại câu hỏi của bạn Lê lúc nãy là Bây giờ, ngày nào mình ra khỏi nhà mẹ chồng cũng càu nhàu, vậy mình phải làm gì với mẹ”, đúng không? Hôm qua có bạn gặp thầy và nói rằng: “Nhà em có cái cầu thang. Bố mẹ thì sống ở tầng một” – Câu chuyện rất giống câu chuyện vừa xong. “Bố mẹ sống ở tầng một, bọn em sống ở tầng hai”. Bạn ấy làm nghề kinh doanh, nên là ra ngoài phải ăn mặc đẹp để bán được hàng mà. Nhưng mỗi lần mặc váy đi từ trên xuống thì sao? Đi tầng hai xuống mặc váy ngắn một chút, váy bạn không dài đến gót được. Bạn nói là: “Mẹ chồng em, chuẩn của mẹ chồng em là váy phải quá đầu gối thì mới gọi được”. Nhưng kể cả em quá đầu gối rồi thì sao? Em mặc đến đây rồi, em đi từ tầng hai xuống mà ông bà đang ngồi tầng một thì…” Sao? “Nhìn thấy hết tất cả mọi thứ và lần nào cũng như lần nào, mẹ em cũng tỏ thái độ rất khó chịu khi em mặc váy đi làm, mặc dù là dưới đầu gối rồi nhé”. Cả bố cả mẹ đang ngồi dưới, bố mẹ chồng ấy – đúng cái bạn Lê hỏi “Như vậy làm thế nào?”.

Đây, thầy kể đúng câu chuyện có thật luôn. Bạn đấy đã nghe thầy nói chuyện khá nhiều lần rồi nên bạn bắt đầu đổi quan điểm – thì thầy nói bạn ấy là gì? Làm thế nào thì làm, đầu tiên em phải thoải mái đã! Đấy, ngày xưa bạn ấy phải làm thế nào đấy cho mẹ thoải mái. Nhưng đừng, em đừng sống như thế nữa! Sống như thế chắc chắn em sẽ bị ức chế. Em hãy làm theo lời thầy này: Em hãy làm cho em thoải mái trước đã! Sau đó, em hãy nói chuyện với mẹ chồng trong cái trạng thái thoải mái đấy. Bạn ấy tập rất là nhiều, xong bạn ấy bắt đầu thấy thoải mái khi mặc cái váy như thế đi xuống cầu thang. Đấy, bạn mất khoảng một tháng để có thể thoải mái mặc một cái váy dài đến quá đầu gối, đi từ cầu thang xuống trong ánh mắt cằn nhằn của mẹ chồng.

Ở đây mình có làm nổi không? Một tháng có làm được không? Nếu mình nghe những buổi Trà đàm sẽ làm được. Bạn ấy bắt đầu hiểu, bạn ấy thoải mái hơn, xong rồi gặp mẹ chồng và nói: “Mẹ ơi, con có điều này muốn tâm sự”. Mẹ mới hỏi “Gì, có chuyện gì?”. Bảo là: “Con thấy cái cầu thang nhà mình không ổn, tại vì mỗi lần con mặc váy đi xuống thì bố mẹ nhìn thấy hết. Đấy, bạn chỉ tâm sự thế thôi. Thế là bà mẹ chồng được thể nói luôn: Ừ, mẹ khó chịu lắm, từ bao lâu nay rồi, mẹ rất khó chịu. Mỗi lần con mặc váy xuống, chồng, bố hoặc mẹ ngồi dưới mà lại lộ hết ra. Khó chịu lắm!”. Thế là ngay lập tức hai mẹ con thông cảm cười vui vẻ với nhau. Sau khi thông cảm vui vẻ với nhau, mẹ mới nói thế này: “Lâu nay mẹ khó chịu một phần nhỏ là con mặc váy thôi. Phần hai mẹ nghĩ con là một người vô ý, không có ý tứ gì cả. Ông bà ngồi dưới mà mặc như vậy. Nhưng hôm nay mẹ thấy rằng hoá ra con là người ý tứ! Chẳng qua hoàn cảnh nó thế thôi!. Mẹ giải toả được việc có một người con dâu vô ý tứ, thế là mẹ thoải mái luôn.

À! Hoá ra vấn đề không phải là ở cái váy, vấn đề đặc biệt là bà mẹ chồng ấy không thích một người con dâu vô ý tứ. À! hoá ra vấn đề nằm ở đấy, chứ không phải váy ngắn hay dài. Và khi người con dâu nói chuyện, bà thấy rằng nó thông cảm với mình. Đấy, bà mẹ chồng thế đấy – Ừ nó cũng thông cảm với mình, nó cũng ý tứ đấy chứ!”. Thế là mối quan hệ lập tức vui vẻ ngay, và khi đấy cái váy không còn là vấn đề nữa. Chuyện này có thật vừa xảy ra chiều hôm qua xong, bạn vừa kể lại cho thầy.

Ở đây có có hai bài học có thể rút ra được:

Bài học thứ nhất: Nếu bạn ấy không thoải mái, bạn ấy không thể nào bắt đầu cuộc nói chuyện với mẹ chồng được một cách vui vẻ như vậy được. Nếu trong lòng bạn ấy còn đang quá căng thẳng thì không nói chuyện nổi với mẹ. Vậy bài học là: Mình muốn làm người khác hạnh phúc, mình phải tìm cách làm cho mình hạnh phúc trước. Đấy, khi bạn đã thoải mái, hạnh phúc trong lòng, ít nhất là không căng thẳng nữa, thì bạn bắt đầu có thể giải toả cho bà mẹ. Chứ hai mẹ con mà gườm gườm nhìn nhau, nói chuyện về cái váy thì làm sao mà nói chuyện được.

Bài học số hai: Hoá ra, người mẹ chồng cũng cần được thông cảm. Mẹ chồng cảm thấy: “À, con dâu nó cũng thông cảm với mình. Vì khi con dâu nói là: “Con cũng thấy việc này là việc khó coi thì tự nhiên bà ấy cởi mở ngay. Còn trước đấy, bà ấy cảm thấy con dâu chẳng thông cảm gì với mình “Thật là vô ý, vô tứ! Mình mới là người chuẩn mực, nó chẳng chuẩn mực gì cả”. Đấy, như vậy là không phải là mình cứ gạt phăng mẹ sang một bên, xong mình cứ thế ngày này sang ngày khác đâu. Hoá ra bà mẹ cần cuộc nói chuyện đấy.

Cái cách mà mình cho rằng: Ngày nào mình cũng đi thế, xong mẹ chồng khó chịu, rồi mình không giải quyết một tí ti nào hết, không quan tâm đến quan điểm bà ấy, cũng là không đúng. Mình cần quan tâm đến quan điểm của họ. Còn quan tâm xong rồi không có nghĩa là mình chiều họ. Đấy, bài học số hai đấy! Bà mẹ chồng cũng cần được quan tâm đến quan điểm của bà ấy, còn không nhất thiết phải chiều. Vì cuối cùng bạn ấy có chiều đâu, nhưng mà bạn ấy tỏ thái độ quan tâm đến quan điểm của mẹ thì hai mẹ con gần lại với nhau. Cuối cùng là, từ đấy trở đi bạn ấy vẫn mặc váy không đúng chuẩn của bà, vẫn đi xuống cầu thang… nhưng bà mẹ hoàn toàn thấy được thông cảm. Đấy là bài học số hai!

Như vậy, cách giải quyết tốt nhất là gì? Hai nguyên tắc quan trọng:

Một là, mình không thể nào hạnh phúc bằng cách chiều quan điểm của người khác được. Nghĩa là gì? Cái cách nghĩ là “mình phải lên nhà thay cái váy cho mẹ hạnh phúc, cho mẹ hài lòng” ấy chắc chắn là sai. Vì mình không thể nào hạnh phúc khi mình theo chuẩn của người khác.

khi mình không hạnh phúc thì mình sẽ gây đau khổ cho người xung quanh. Nếu bạn ấy chạy lên nhà thay cái váy khác, có thể mẹ bạn sẽ vui nhưng con bạn sẽ khổ, vì cái cơn giận bạn vẫn còn, bạn sẽ truyền sang cho đứa con.

Đấy, ủng hộ bạn ấy không lên nhà thay cái váy khác bởi hai lí do: 1 – Nếu mình chiều người ta mà mình có đau khổ thì mình không hạnh phúc được; 2. Khi mình đau khổ kiểu gì mình cũng lan ra xung quanh, nên người khác không hạnh phúc được. Người khác ở đây là ai? Người thân của mình, đầu tiên là người thân của mình. Bà mẹ chồng đấy sớm muộn gì cũng không hạnh phúc với con. Nên tóm lại, nếu mình đang không hạnh phúc thì mình không làm người khác hạnh phúc được đâu. Vì thế mình không việc gì phải đổi cái váy cả. Nhưng nếu chỉ thế thì nó lại quá một chiều. Chưa đủ! Ít nhất là không đổi váy, nhưng dài hạn là gì? “À! Mình phải quan tâm đến quan điểm của mẹ chồng”. Vì sao? Vì suy cho cùng, mình cũng không hạnh phúc được nếu mẹ chồng vì mình mà đau khổ từ sáng đến tối. Mình không hạnh phúc nổi luôn ấy, và mẹ chồng mình cũng không hạnh phúc. Nên là điều số hai là gì?

Sau khi mình đã biết cách làm mình hạnh phúc rồi; Sau khi mình đã không bị lệ thuộc, xong không ra sức chiều lòng người khác rồi thì mình phải quay lại. Đấy, quay lại với người đang đau khổ, phải tìm cách giúp họ hết đau khổ. Quay lại với bà mẹ chồng càu nhàu để tìm cách giúp người ta hết đau khổ trong sự thông cảm. Được chưa? Nhưng nếu mình chưa làm được cái Một thì đừng có làm cái Hai! Không làm nổi đâu! Mình chưa làm nổi cái Một ấy, ngày nào mình cũng đau khổ, ngậm đắng, nuốt cay thì làm sao mình đối thoại với mẹ chồng được? Nên là thầy khuyên các bạn làm Một trước đã, xong thì phải làm Hai. Vì mình không thể nào để cho mẹ chồng mình khổ từ sáng đến tối vì mình được.

Đấy, như vậy là làm Một xong rồi phải làm Hai, nhưng nếu không làm được Một thì không làm nổi Hai đâu. Nếu mình không làm cho mình hạnh phúc được, mình đau khổ từ sáng đến tối thì làm sao mình có thể đem hạnh phúc cho người khác được?!

II. NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ VỀ HẠNH PHÚC

1. Quan điểm ngược truyền thống về hạnh phúc

 Cái thầy vừa nói nó ngược lại với quan điểm truyền thống. Quan điểm truyền thống là gì? “Con dâu phải nghe mẹ chồng. Hết! Sau đó làm gì thì làm”, đúng không? “Nghe đã, chiều đã; nghe đã, khổ đã, rồi nếu vùng lên được Thì thôi, đừng vùng nữa, thôi chịu đi!” – Đấy là quan điểm truyền thống. Quan điểm đấy hoàn toàn sai! Bằng chứng là nó tạo ra 60% người phụ nữ, người mẹ – những người ở đây này, là không hạnh phúc dù đã chiều tất cả mọi người.

Quan điểm mới là gì? Quan điểm mới dựa trên sự hiểu biết, chứ không dựa trên truyền thống cũ rích đã gây đau khổ cho rất nhiều người phụ nữ. Hiểu biết gì? Có mấy loại hiểu biết mà thầy vừa nói xong.

Hiểu biết số 1: Hạnh phúc là do mình hay do người khác? Do mình, cách nhìn của mình, quan điểm của mình, cách sống của mình, chứ không phải do chiều lòng người khác. Đấy là hiểu biết rất quan trọng. Hạnh phúc không đến từ việc chiều lòng người khác, mà đến từ hiểu biết, thái độ sống bên trong mình. Đấy là một loại trí tuệ rất quan trọng. Ai sống đủ lâu, đủ kinh nghiệm sống cũng thấy điều đấy.

Hạnh phúc của mình không đến từ việc chiều lòng người khác, làm hài lòng những người xung quanh. Hạnh phúc của mình là do mình sửa được những quan điểm sai lầm, có thái độ đúng trong cách đối xử với người khác. Hạnh phúc của mình không đến từ việc người khác đối đãi mình thế nào, mà đến từ việc mình nhìn cái đối đãi ấy như thế nào. Đấy, hạnh phúc của mình không đến từ việc bố mẹ chồng, chồng, con, bạn bè đối đãi với mình thế nào. Hạnh phúc đến từ việc gì? Mình đối diện, mình nhìn cái sự đối đãi người ta bằng cách như thế nào? Có trí tuệ hay không trí tuệ. Đây là điểm cực kì quan trọng, đấy là Trí tuệ quan trọng.

Hay là trong những buổi Trà đàm trước, thầy nói một cách khác là “Sửa bên trong là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc” vì thế đấy. Mình sửa quan điểm sống, cách nghĩ của mình thì mình có hạnh phúc. Mình không sửa nó thì người ta đối đãi mình trái kiểu của mình là mình khổ ngay. Trí tuệ số một cực kì quan trọng là: Hạnh phúc của mình là do cách nhìn của mình với sự đối đãi của người khác, chứ không phải do người ta đối đãi với mình thế nào. Bà mẹ chồng có khó tính đến mấy mà mình biết cách nhìn, giống như bạn vừa kể đấy, bạn ấy đổi cách nhìn một cái là vui vẻ ngay. Đấy là điều thứ nhất.

Từ đấy suy ra điều số Hai: Không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người thì mình mới hạnh phúc. Tất cả mọi người, nói chung, không cần phải làm cho những người xung quanh mình hài lòng để họ được hạnh phúc, trong khi mình không hạnh phúc. Không cần! Cách đấy là cách không đúng. Vì khi mình làm người khác hài lòng mà mình thấy nó không hợp với con đường, với cách nghĩ, quan điểm của mình thì mình sẽ khổ. Và khi mình khổ mình sẽ gây khổ cho những người xung quanh mình, đặc biệt là những người yếu nhất.

Nên mình cứ lựa chọn là “Tôi sẽ làm mọi người hài lòng để tôi hạnh phúc và những người khác hạnh phúc” là hoàn toàn nhầm lẫn vì khi mọi người hài lòng, mình không hạnh phúc. Khi mình không hạnh phúc thì gì? Mình truyền cái đó sang người xung quanh: khổ con, khổ mẹ mình… Nên quan điểm đó là quan điểm rất sai lầm. Quan điểm “làm người khác hài lòng thì mình mới hạnh phúc và họ sẽ hạnh phúc” là 100% sai lầm. Thực tế là làm người khác hài lòng mà mình không hạnh phúc thì đối với mình không hạnh phúc và sau đấy họ không thấy hạnh phúc.

Dựa trên hai Trí tuệ đấy thì mình sống như thế nào? Mình hãy tập cách sửa quan điểm bên trong mình đã, chứ mình đừng sửa ai hết: Không sửa mẹ, không sửa bố, không sửa con. Sửa quan điểm bên trong, cách nhìn bên trong mình, để dù trước sự đối đãi của người khác thế nào mình vẫn hạnh phúc. Đấy! Hạnh phúc theo quan điểm “sửa mình trước đã”. Và trong quá trình sửa đấy, mình chấp nhận là gì? Là không làm hài lòng mọi người. Vì mình làm hài lòng mọi người hết, làm sao mình sửa được? Mình phải dám sống theo kiểu của mình, mình mới sửa được chứ. Còn cứ làm hài lòng tất cả mọi người thì cả đời mình chẳng sửa được gì. Như vậy, cách sống đúng là gì? Sửa mình trước đã!

2. Mình sửa mình đến đâu, mình giúp người khác ở bên ngoài đến đó

Trong quá trình sửa đấy, có thể lúc hài lòng lúc không. Đừng gây nên những chuyện tồi tệ. Đừng gây nên chuyện trái với luân thường đạo lý. Chứ còn mình phải chấp nhận gì? Là trong quá trình sửa mình thì những người xung quanh mình có thể không hài lòng về mình là chuyện bình thường. Mình sửa mình tối đa – Đấy là Một.

Hai, cái thứ hai này quan trọng này: Mình sửa mình đến đâu, mình giúp người khác ở bên ngoài đến đó. Mình sửa mình đến đâu thì mình quay lại nói chuyện với mẹ chồng đến đó.

Ví dụ, bạn đang rất thoải mái với cái váy, bạn đã biết thông cảm với mẹ chồng rồi, thì đừng có quên mẹ chồng. Hãy quay lại nói chuyện với mẹ chồng! Đấy, cái thứ hai là điều rất nên làm. Vì mình cũng không thể nào hạnh phúc được nếu mẹ chồng mình, mọi người xung quanh mình vẫn khổ. Mình không làm hài lòng họ trong vòng 10 năm, nhưng mà năm thứ 11 mình có khả năng làm hài lòng, mình sẽ quay lại làm hài lòng họ. Như vậy hài lòng trong Trí tuệ chứ không phải làm hài lòng kiểu vô minh ngày xưa.

Đức Phật là một ví dụ rõ nhất luôn: 29 tuổi, sắp được truyền một vương quốc thì bỏ nhà ra đi. Nếu mà các bạn là bố Phật, vợ Phật, thì có đau lòng không? Đau lòng quá đi còn gì nữa! Nhưng mà 6 năm sau, chính người bỏ đi đấy lại quay về giúp cả bố, cả vợ, cả đứa con 7 tuổi của mình. Vì lúc Đức Phật bỏ đi thì đứa con còn nhỏ tí luôn – 1 tuổi. 6 năm sau, khi đứa con 7 tuổi, lúc đấy thì Ngài giúp vợ, giúp bố tu hành và đạt được giác ngộ. Thế nên cái sự bỏ đi ấy đâu có tệ đâu, mặc dù 6 năm đầu người ta rất là khổ, đúng không? Ông bố già rồi hy vọng truyền vương quốc cho con thì không được! Người vợ thì trẻ, chồng đi mất. Đứa con thì không thấy bố đâu. Nhưng người bỏ đi đấy với một tâm trạng gì? Quyết tâm gì? – Tìm cách để mình hết khổ, rồi cứu tất cả những người xung quanh mình hết khổ, nên người ta quay lại.

Đấy là một ví dụ, để thấy là gì? Cuối cùng mình không được quên những người thân của mình, những người xung quanh mình. Nhưng mình quay lại trong trí tuệ, chứ mình không quay lại trong vô minh. Mình quay lại khi mà mình biết cách làm mình hạnh phúc và đã biết làm thế nào để giúp được người khác hạnh phúc. Đấy! Cả buổi ngày hôm nay tóm tắt trong mấy câu đấy, mấy thái độ sống đấy. Đấy là cách mà thầy cho là ích lợi nhất cho cả mình và cả xã hội.

Còn cách dở nhất là gì? Mình cố giả lả chiều lòng người khác, xong mình khổ. Mình khổ xong rồi, mình gây khổ cho những người thân xung quanh mình, rồi cả xã hội cùng khổ. Và tất cả đều là giả dối với nhau hết – Đấy là quan điểm của thầy! Nhớ là Trà đàm không phải là để giảng dạy, vì thầy có giảng đâu, thầy chỉ chia sẻ quan điểm thôi. Ai mà đồng ý thì ngồi lại, ai không đồng ý thì đi chỗ khác, hoặc đi về, hoặc là chúng ta tranh luận với nhau. Thì đấy là quan điểm của thầy. Quan điểm đấy được rút ra từ rất nhiều năm gặp những người khổ, những người phụ nữ, đàn ông khổ sở. Và được rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình, mình đã sống như vậy. Ở đây có mẹ thầy ngồi đây, rất tiếc là hôm nay mẹ thầy bị đau họng, chứ không thì có thể kể.

Mẹ thầy có thể là bằng chứng sống về việc cách sống đó ích lợi như nào cho gia đình. Thầy là người sống như vậy nhiều năm. Đấy! Lúc đầu mẹ mình cũng không vui đâu, đúng không? Gật, lắc! Lúc đầu cụ có vui không? Vui thì gật mà không vui thì lắc. Lúc đầu thầy thay đổi cách sống của thầy, thì mẹ thầy có vui không? (Mẹ thầy lắc đầu) Không vui! Khoảng bao nhiêu năm sau thì mẹ bắt đầu vui? (Mẹ thầy g2 ngón tay) 2 năm sau. Được rồi!

Thầy bắt đầu thay đổi năm 2007, 2006. Nghe chuyện thầy một tí không hay thôi? Cá nhân tí không? Trà đàm thì là giống như thầy ngồi trước mặt các bạn uống trà thôi mà.

Năm 2006, 2007 thì thầy gặp phá sản lần thứ 3 – Phá sản trong kinh doanh ba lần, phá sản trong tình yêu lần thứ 6,7,8 gì đấy…. (Mọi người cười) Đại loại thế! Thì khi mình phá sản nhiều lần trong kinh doanh và tình yêu thì mình mới thấy là: Hay mình có gì đó sai sai?! Trước đấy thì mình nghĩ là mình đúng lắm. Mình thông minh, học giỏi, được giải thưởng quốc gia, được rất nhiều người mến mộ thì chắc là mình phải giỏi lắm đây. Nhưng mà sau ba lần phá sản, nợ nần chồng chất và chia tay, và tan vỡ n cuộc tình, mình nghĩ chắc là mình có gì đó sai sai rồi. Nhưng là gì thì không biết. Thầy không biết là cái gì sai cả, chỉ biết là sai sai rồi. Vì nếu mình đúng thì mình đã không phá sản đến từng đấy lần. Thì thầy may mắn là thầy rất thích vật lý học.

Lúc đấy, mình không biết là mình sai ở đâu, thì mình mới đi tìm sách để biết mình sai ở đâu. Đọc hết sách của Tây thì thấy không biết sai ở đâu hết, đọc hết sách của ta không biết sai ở đâu. Lúc đấy mình tự nhiên có một thói quen đọc sách. Tức là không nhìn thấy vấn đề của mình, nhưng có một thói quen mới là gì? Đọc sách suốt ngày. Mà một ngày thầy đọc 2, 3 quyển sách là hết sạch luôn. Sách tâm lý và sách kinh doanh, đọc hết. Thế là gì? Chuyển sang sách vật lý, là môn khoa học yêu thích của mình. Đấy, câu chuyện bắt đầu như vậy.

Sách vật lý rất là hay, nhưng mà điều thú vị là tất cả những nhà vật lý hiện đại đều nói cùng một giọng là: “Những điều này, những điều tôi đang nói đây này, Phật đã tìm ra từ lâu lắm rồi”. Mình bảo quái lạ, sao Phật mà 2500 năm trước mà có thể biết được vật lý hiện đại mà bây giờ người ta phải dùng những thiết bị máy móc hiện đại mới tìm ra? Thì thầy mới đọc sách Phật trên tinh thần là tò mò mà học. Nhưng không ngờ là gì? Đấy, tất cả những cái thầy vừa nói từ nãy tới giờ với các em ở đây, không ngờ trong giáo lý Nhà Phật lại nói rõ đến như vậy – “Tại sao mình khổ?” – Vì mình không khổ do bên ngoài, mình không khổ do phá sản, mình không khổ do tình yêu tan vỡ, mình không khổ do bạn bè lừa mình, mà mình khổ vì mình vô minh bên trong. Tham, sân, si bên trong mình. Đấy, nếu mà nói vô minh hơi khó thì tham sân si bên trong mình làm mình khổ. Tham lam, sân hận, và không hiểu biết gì về sự thật làm mình khổ. Chứ không phải là do bạn bè, không phải do hàng xóm, không phải do ai cả.

Đấy là năm 2007, thầy bắt đầu sửa mình. Thì khi bắt đầu sửa mình ấy, mình thấy rằng: Mình không nhất thiết phải chiều tất cả các quan điểm của mẹ mình, bố mình. Đúng chưa? Đặc biệt có một quan điểm rất quan trọng là gì? Phải lấy vợ! (Mọi người cười) Mình không lấy. Nếu mình lấy vợ không hạnh phúc, hỏi có tốt không? Nếu mình lấy vợ mà không hạnh phúc ấy thì có thực sự đem lại hạnh phúc cho bố mẹ và cho chính mình không?

Thầy đã chứng kiến có những bố mẹ đau lòng từ đêm này sang đêm khác, không ngủ được vì con cái của mình lục đục. Bố mẹ không hạnh phúc nổi. Mặc dù đứa con đã gián tiếp chiều bố mẹ lấy chồng. Nhưng mà bố mẹ đau khổ từ năm này sang năm khác. Thầy còn chứng kiến một bác nói là gì? “Một năm nay cô không dám ra ngoài, vì con gái cô ly dị, không dám ra ngoài gặp mọi người khác” – Kinh khủng không? Không ra ngoài gặp người khác chỉ vì con gái ly dị, nghĩa là gì? Mọi người đặt quá nặng vào việc phải theo chuẩn của ai đó để hạnh phúc. Cô đấy không dám ra ngoài, vì chuẩn của xã hội, bạn bè của cô ấy là con cái phải hạnh phúc thì mình mới hạnh phúc được, không thì xấu hổ quá. Để nói là gì? Thầy thấy là: “Thôi, mình không cần theo chuẩn của bố mẹ mình. Không cần phải cứ lấy vợ mới hạnh phúc”. Thế là thầy quyết định gì? Tuyên bố với bố mẹ sự thật là “Có thể con sẽ, có thể thôi nhé, con sẽ không lấy vợ”. Hỏi bố mẹ vui hay buồn?

Một bạn: Buồn.

Thầy Trong Suốt: Buồn. Nhưng là sự thật! Đấy, thầy bắt đầu sống như thế. Thầy thấy mẹ thầy đang giơ 2 ngón tay, biết là gì không? Hai năm đầu đâu có vui đâu, đứa con mình đã bắt đầu trái chuẩn của mình. Ví dụ thứ hai là gì? Là mình bắt đầu không sống theo chuẩn của người khác nữa thì ăn mặc thay đổi, mình không còn mặc đẹp, nước hoa đầy người nữa… Mình ăn mặc như xe ôm, đi giầy như giẻ rách. Đấy, mặc dù lúc đấy mình vẫn là giám đốc công ty thì đâu có làm mọi người vui lòng đâu. Tuy nhiên, mình không dưới chuẩn, nghĩa là không làm cho đối tác cảm thấy không được tôn trọng, nhưng mình cũng không cần đẹp nữa. Nếu mà không phải gặp ai thì mình mặc như thế, nếu gặp đối tác thì vẫn ăn mặc tử tế, đương nhiên.

Nghĩa là mình làm rất trái chuẩn của rất nhiều người. Nhưng thứ nhất là, tôi chẳng thực sự hại đến ai cả. Thứ hai là, mình bắt đầu tìm ra được một không gian riêng ở bên trong mình, nơi mình cho phép mình đối diện với những cách đối đãi người khác theo kiểu mới, không theo kiểu cũ nữa. Kiểu cũ là lệ thuộc vào cách đối đãi của người khác. Kiểu mới là mình nhìn cách đối đãi theo kiểu khác, để người ta đối đãi tệ – tốt thì bên trong mình cũng không bị đau khổ. Thì mất hai năm như vậy! Sau đấy thì thầy bắt đầu có khả năng giúp những người xung quanh, và giúp được cả những người thân của mình luôn. Thì sau hai năm là mẹ thầy vui vẻ, hạnh phúc ngay. Tại vì khi mình đã biết cách giúp mình rồi, mình hạnh phúc thật sự, sau hai năm thì thầy cực kỳ hạnh phúc, thì mình bắt đầu truyền được cho người xung quanh. Mình chỉ cho người xung quanh mình cách làm như nào để hạnh phúc. Rất tiếc là hôm nay mẹ thầy lại không nói được! Thầy chỉ cho mẹ thầy cách sống hạnh phúc, đừng đi theo chuẩn của những người xung quanh nữa, đúng không? Đấy, mẹ thầy đấy, đúng thì gật đầu, sai lắc đầu. (Thầy cười)

Mẹ thầy là thế hệ phụ nữ của năm 52, đúng không? Đương nhiên là thế hệ của những người theo chuẩn rồi. Mình bắt đầu nói là: “Đừng theo chuẩn! Đừng theo chuẩn! Đừng theo chuẩn!”, thì mẹ mình bắt đầu vỡ dần ra, vẫn thấy hạnh phúc như thường. Đấy, rồi đây không chỉ có mẹ thầy, mà còn rất nhiều bạn ở đây nữa, khá nhiều bạn ở đây đã gặp thầy giai đoạn đấy. Thì mình chia sẻ cách sống của mình thôi, và những người thầy chia sẻ thấy hợp lý thì họ sống như vậy. Đấy, Trà đàm cũng ra đời từ thế.

Trà đàm ra đời khoảng 2012 hay là 2010, lúc đấy thầy cũng nói chuyện chia sẻ như thế này thôi. Xong bạn bè đến, rồi rủ thêm bạn nữa. Thành ra chúng ta có Trà đàm. Trà đàm là nơi chúng ta chia sẻ cách sống thôi. Ai thấy phù hợp thì theo, thấy không phù hợp thì có thể tranh luận, mà không phù hợp nữa thì bỏ về. Thầy chia sẻ cách sống tự mình trải qua, làm cho mình tự hạnh phúc, sau đó thì giúp những người thân xung quanh mình: mẹ mình, vợ mình… Sau nữa là giúp những người không thân mình, nhưng mà có một mối quan hệ với mình và họ thay đổi.

Quay lại câu chuyện ngày hôm nay. Mình có mấy ý các bạn có thể suy ngẫm, có thể phản biện ở đây luôn cũng được, vì nó hơi trái. Chắc chắn là trái, ít nhất là không cần phải làm những người xung quanh mình hạnh phúc để mình hạnh phúc. Không cần! Mình chỉ đừng gây hại lớn cho họ thôi. Còn mình phải dành thời gian làm cho mình có Trí tuệ hơn, để mình hạnh phúc một cách trí tuệ đã – đấy là một quan điểm. Sau đó, khi mình đã có trí tuệ rồi thì mình hãy chia sẻ nó với những người mà có duyên mình giúp được. Làm giảm bớt đau khổ của họ, chứ không phải mình cứ thế sống, xong lơ họ đi. Đấy thì hai quan điểm rõ ràng luôn. Và mình không thể nào hạnh phúc được, nếu mình làm hài lòng những người xung quanh trong khi mình thấy không hạnh phúc. Không khả năng! Mình cũng không thể làm cho mọi người xung quanh hạnh phúc được nếu trong mình còn đang đau khổ. Nếu mình còn đau khổ thì sớm muộn gì mình cũng gây đau khổ cho người xung quanh mình mà thôi.

Cách tốt nhất là gì? Hãy tìm cách làm cho mình có trí tuệ đã! Có trí tuệ, song song với quá trình đấy, tất nhiên không có nghĩa là mình phải giác ngộ như Phật rồi mới quay về. Ý thầy không phải là như vậy! Ý thầy là mình phải thay đổi được chính mình đã, không cần phải quá nhiều nhưng mà phải thay đổi được, sau đó mình hãy chia sẻ giúp đỡ những người đang khổ khác xung quanh mình. Ví dụ, mẹ mình vẫn còn khó chịu vì cái váy của mình thì mình sẽ… không phải là mặc cái váy dài hơn để làm hài lòng mẹ, mà mình sẽ có một cuộc nói chuyện với sự thông cảm đúng nghĩa để làm cho mẹ bớt đau khổ. Đấy, toàn bộ nội dung ngày hôm nay chỉ thế thôi.

3. Trí tuệ cân bằng

Một bạn nữ: Em xin cám ơn tất cả những chia sẻ của Thầy. Hôm nay là buổi đầu tiên em tham dự Trà đàm, em có một thắc mắc dành cho những người phụ nữ nuôi con một mình. Bởi vì mỗi người sẽ có một cách khác nhau để tìm sự an lạc trong tâm, để hiểu cái gì là hạnh phúc. Với những người đủ khả năng tự có trách nhiệm với bản thân thì không nói đến nữa. Nhưng với những đứa con, thì em có một thắc mắc là: Có những giai đoạn đứa con ấy phải hy sinh để người mẹ tìm lại được cân bằng với bản thân mình. Thế thì mình bị giằng xé là con sẽ bị bỏ sang một bên. Nó thì không thể tự lo. Thế thì Thầy có cái chia sẻ nào để những người phụ nữ như vậy có thể cân bằng. Ví dụ họ có thể bỏ con ở nhà để đi cafe một bữa với bạn bè. Có cách nào giải quyết về mặt tinh thần cho họ không thấy áy náy rằng mình đã bỏ con ở đấy để tìm cân bằng. Bởi vì em nghĩ khi mà bản thân mình cảm thấy an lạc thì mình sẽ khắc dung hòa được quan điểm của những người xung quanh. Em xin cảm ơn.

Thầy Trong Suốt: Ừ. Tốt. Em tên gì ấy nhỉ?

Bạn đấy: Em là Vinh ạ.

Thầy Trong Suốt: Bạn Vinh có câu hỏi là bây giờ bạn nuôi con một mình đúng không? Cụ thể bây giờ bạn muốn đi cafe, nhưng mà, đây đến buổi hôm nay đúng không?

Bạn Vinh: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Chẳng nhẽ bỏ con ở nhà à? Thế mình chọn cái gì bây giờ? Và làm thế nào để mình cân bằng được?

Bạn Vinh: Chính xác đấy ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng không? Rồi! Thì bây giờ thế này. Ở đây có ai ngay lập tức, đùng một phát trở thành người rất trí tuệ không? Một bước lên tiên, lên thành trí tuệ vô cùng không? Trí tuệ. Bạn ấy nói đúng khi mà mình đã biết cách sống rồi thì mình sẽ tự cân bằng được. Nhưng mà làm thế nào để biết cách sống? Làm sao mình biết cách sống ngay lập tức ngày hôm nay được? Đúng không? Nó là một quá trình. Trí tuệ là một quá trình học hỏi, trải nghiệm, tích lũy. Nên bạn phải xác định ngay từ đầu là gì? Từ giờ đến ngày mình cân bằng ấy, thì có một khoảng…, chứ đừng nghĩ là mình phải cân bằng từ bây giờ đến lúc… Làm sao ngay bây giờ được.

Ví dụ như thế này nhé: Chúng ta đi xe đạp bao giờ chưa? Ở đây ai đi xe đạp giơ tay lên nào? Từng đi xe đạp? Rồi. Những ai đã từng ngã xe đạp giơ tay nào! Để tập đi phải gì?

Mọi người: Phải ngã.

Thầy Trong Suốt: Có ai nhảy phóc lên xe đạp cân bằng ngay lập tức không? Có không? Ở đây có ai nhảy phóc một phát cân bằng 100% đi lượn một lèo thoải mái không? Không có ai làm nổi! Phải tập này, phải ngã, phải mất cân bằng rồi mới cân bằng được, đúng chưa? Nhưng mà cái ngày bạn cân bằng rồi thì sao? Bạn có cần vừa đi vừa phải bảo là bây giờ mình phải nghiêng sang phải cho cân bằng không? Mình đã biết cân bằng khi đi xe đạp rồi ấy, mình có nghĩ là bây giờ mình phải hẳn sang phải để cân bằng, đoạn này là mình phải lệch trọng tâm 45 độ sang trái để cân bằng không? Hay cứ thế mà đi thôi. Theo bạn thì sao? Có phải ngồi nghĩ thật nhiều phải làm như nào không? Hay đi phăng phăng thôi. Đi phăng phăng đúng không? Như vậy là gì?

Đúng! Sẽ có một ngày bạn đi phăng phăng mà không cần phải quan tâm đến cân bằng hay không cân bằng nữa. Một cách bản năng bạn đã tự biết cách cân bằng. Nhưng từ giờ đến ngày đấy, có đoạn là tập đi xe đạp. Và bạn phải chấp nhận là mất cân bằng. Để có cân bằng của cái trí tuệ đấy thì mình phải có một đoạn không phải cân bằng lắm và có thể ngã. Nếu bảo là: “Không, tôi chấp nhận tôi chỉ tập đi xe đạp nếu thầy đảm bảo với tôi là không ngã” – thầy nào dám ký không? Các bạn dám đảm bảo với người khác không? “Cô ơi, cháu chỉ dám tập đi xe đạp nếu cô đảm bảo cháu là không ngã bao giờ”, thầy cũng chịu, thầy không làm được. Con thầy bảo thế thầy cũng chịu. Thầy bảo là: “Chắc chắn là ngã con ạ, con sẽ có lần ngã, đấy, con chỉ cố gắng đừng ngã chết thôi”. Ngã nhẹ nhàng thôi, con đừng căng thẳng quá, chứ còn kiểu gì cũng ngã. Đấy!

Như vậy bạn xác định là gì? Từ giờ cho tới lúc có trí tuệ, thì bạn có một giai đoạn là tập. Đấy, tập, phải tập! Và trong giai đoạn đấy, bạn không thể nào mà quá cân bằng được. Ở đây chúng ta hay có cái kiểu mong muốn là cân bằng ngay – Không có! Trong giai đoạn đấy thì bạn phải tìm cách để con bạn đừng gặp chuyện quá đáng. Và một người phụ nữ có trách nhiệm ấy, không phải là cứ ru rú bên con. Người phụ nữ có trách nhiệm là gì? Làm cho mình có trí tuệ để ích lợi cho con. Xong ru rú bên con mà không có trí tuệ thì cũng hỏng mà. Hỏng cả mình cả con. Vì thế nên trách nhiệm thực sự của người mẹ không phải là chỉ nuôi đứa con mình về mặt thể chất, mà là truyền cho con một thái độ sống. Đặc biệt là bạn nuôi con một mình thì bạn là người duy nhất truyền cho nó một thái độ sống có trí tuệ.

Và nếu mình chưa có thái độ sống trí tuệ, mình phải làm gì? Học tập! Và trong lúc tập mình chấp nhận là gì? Đôi lúc phải ngã. Mình sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro của ngã, nhưng mình không thể nào là cân bằng được. Đấy, mà đôi lúc phải quyết liệt, nhảy lên xe mà đi đã. Mình chưa biết đi, nhưng mà mình vẫn phải nhảy lên xe chứ, đúng không? Ở đây ai tập xe đạp thấy rồi, đúng không? Nhiều lúc mình chưa biết đi vẫn nhảy lên. Bạn cũng thế thôi!

Bây giờ bạn chưa biết là thế nào là cân bằng hoàn hảo, nhưng bạn có nhảy lên xe không? Bạn đến đây là bạn nhảy lên xe rồi còn gì nữa. Thế là bạn chấp nhận là sẽ có những buổi mình đi ra quán cafe, nhờ ai trông con hoặc để nó ở nhà. Đừng gây chuyện lớn cho nó thôi, còn chấp nhận để cho gì? Để mình tăng trưởng trí tuệ! Vì suy cho cùng ấy, cái nền móng hạnh phúc của mình và nó là Trí tuệ. Cái trí tuệ đấy mang đến hạnh phúc và làm cho nó hạnh phúc, chứ không phải do mình chăm nó khỏe mạnh, bụ bẫm thì nó hạnh phúc. Có phải thế không? Con mình hạnh phúc là do bụ bẫm hay là do Trí tuệ? Mình hạnh phúc là do mình khỏe, đúng tiêu chuẩn cân nặng của xã hội hay là do mình Trí tuệ – Trí tuệ đây chính là cách mình nhìn thế giới đấy – thì con mình cũng thế thôi. Mình thực sự muốn con mình hạnh phúc thì phải giúp nó có Trí tuệ.

Nếu mình nuôi con một mình thì là mình là người quan trọng nhất trong việc truyền trí tuệ cho nó, không phải là ai hết. Vì thế mình tập có Trí tuệ. Từ mình chưa có Trí tuệ đến mình có Trí tuệ, mình phải tập. Và trong quá trình tập ấy phải dám nhảy lên xe và dám ngã. Nếu bạn làm được như vậy, dám nhảy lên xe, dám ngã, thì bạn mới có Trí tuệ nổi, còn không thì không có đâu. Đấy, đồng ý không?

Bạn Vinh: Em cám ơn ạ.

4. Hy sinh có đúng không? Có tốt không?

Thầy Trong Suốt: Được, rất tốt. (Mọi người vỗ tay) Có bạn nào phản biện không? Không à? Hôm nay những người đến đây là… tiến bộ quá rồi đúng không? Chứ nếu mà nói cái này ra đông người thì chưa chắc đã được đồng ý đâu. Nhưng mà thôi, bạn phản biện hay bạn hỏi?

Bạn Vinh: Dạ vâng, xin chào Thầy, em đặt câu hỏi thôi ạ.

Thực ra một người phụ nữ hiện đại bây giờ thì trong mình cũng nhiều giằng xé. Ví dụ như em làm dâu đã 10 năm rồi, chia sẻ của cô ở đây nói về con dâu phải thế này thế kia, thì trong em cũng giằng xé nhiều thứ lắm. Quan điểm là có thấy hy sinh hay không, có ý nghĩa hay không, thì thực ra là lúc có, lúc không, nó cũng mập mờ lắm.

Chồng em nhiều khi cũng bảo là “Phụ nữ thì phải thế này, trách nhiệm của vợ là vai phụ nữ thì phải thế này, phải thế kia”. Thực ra cũng rất nhiều lần em nhún mình, em hy sinh một tí vì em là phụ nữ. Cũng phải nói là bản thân ông chồng em cũng có lúc rất hy sinh. Nhưng nhiều lúc em nghĩ rằng “Ok, bây giờ tôi hy sinh một cái, thì anh sẽ biết ơn tôi”.

Quan điểm cá nhân của em là ok mỗi người hy sinh một chút. Thậm chí có lúc tôi hy sinh tất cả để ngày mai trời sẽ sáng; hoặc là tôi khổ để tất cả cùng vui… Em đã đi con đường ấy đến nay là 11 năm rồi. Nhiều khi em cảm thấy là “Ôi, mình rất hạnh phúc!”. Nhưng vừa rồi Thầy có hỏi câu hỏi là “Có cảm thấy hạnh phúc?”. Em là người giơ tay vì em đang thấy hạnh phúc. Nhưng bây giờ lại hơi hoang mang rằng, liệu chồng hy sinh một chút, vợ hy sinh một chút thì con đường đấy nó có còn dài nữa hay không? Liệu em còn cảm giác là “tôi đang hạnh phúc” không? Cũng phải thú thực rằng là 11 năm qua em đã hy sinh rất nhiều, cũng khóc, gọi là… bê bát cơm lên chan nước mắt với mẹ chồng rất nhiều. Và thực sự là khi có bạn vừa rồi, gọi là bạn ấy lên giọng “A, không, không, mẹ chồng thế này mẹ chồng thế kia…”, thực ra em ngồi đây em cũng muốn lên giọng như thế.

Thầy Trong Suốt: Tốt.

Bạn Vinh: Như kiểu là “A, đây rồi, một bà mẹ chồng giống nhà mình”. (Bạn đó cười) Nhưng mà nghĩ lại thì đúng thật, ai cũng có vấn đề, em cũng thấy là mẹ chồng mình có vấn đề và bản thân mình cũng có vấn đề. Hai cái vấn đề nó va vào nhau, nên nó mới thành như kiểu sấm sét trong nhà. Thế thì mẹ chồng đã được giải quyết, con được giải quyết, thì bây giờ em muốn đặt câu hỏi về mối quan hệ vợ chồng. Phương Tây thì người ta đặt vợ hoặc chồng là ưu tiên số 1, chứ không phải là con, không phải là bố mẹ. Vậy thì em muốn đặt câu hỏi với Thầy là sự hy sinh giữa vợ và chồng có phải là tốt hay không? Không thể phủ nhận rằng em không hy sinh vì chồng, cũng không thể phủ nhận là chồng không hy sinh vì em. Nhưng hy sinh như vậy có đúng không và có tốt hay không?

Thầy Trong Suốt: Đến giờ thì nó vẫn đang tốt, nhưng nó không bền vững. Cái cách mà em đang sống nó không bền vững. Ví dụ như thế này nhé, chồng em ngoại tình, toàn bộ giấc mơ của em tan hết! Bao nhiêu hy sinh của em tan vỡ hết nếu anh chồng ngoại tình, đúng không? Như thầy vừa nói đấy. Như vậy là cái hạnh phúc của em ấy…

Bạn Vinh: Giấc mơ có thể tan nhưng có thể xây lại, đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Xây, em muốn xây như thế nào nữa? Chồng ngoại tình đem tiền hết cho cô khác, em xây cái gì? (Bạn đó cười) Thật đấy.

Bạn Vinh: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Thật đấy. Cái đấy hoàn toàn có thể xảy ra không? Thầy không muốn, tất nhiên không ai muốn, nhưng mà nó có thể xảy ra được không?

Bạn Vinh: Có thể xảy ra. Vâng.

Thầy Trong Suốt: Như vậy em có tan vỡ không? Lúc đấy em sẽ thế nào? Em có buồn không?

Bạn Vinh: Chắc chắn là buồn chứ ạ. Vâng.

Thầy Trong Suốt: Ừ. Đó là lý do thầy nói là gì? Có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc do lệ thuộc vào bên ngoài và Hạnh phúc không lệ thuộc vào bên ngoài. Hạnh phúc của em bây giờ lệ thuộc vào cách đối xử của chồng. Hạnh phúc bây giờ của em ấy, không bền vững vì thế, vì nó lệ thuộc vào cách đối xử của chồng em. Chồng em tốt với em thì bây giờ em đang hạnh phúc, đúng không? Nhưng mà chồng em một ngày nào đó không trân trọng sự hy sinh của em… Thầy chưa nói ngoại tình nhé, ngoại tình là để em hình dung, nhưng mà chỉ cần chồng em bắt đầu không trân trọng sự hy sinh của em nữa, bắt đầu phá phách, không tôn trọng vợ, vô trách nhiệm là em bắt đầu khổ. Và điều đấy là hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai. Như vậy là hạnh phúc của em đang lệ thuộc vào cách đối đãi của chồng em với em. Đấy chưa phải là hạnh phúc thực sự, vì nó đang phụ thuộc vào cách đối đãi của chồng em, đúng không? Đấy, cho nên nói là gì? Em vẫn là may mắn vì em cũng đang có hoàn cảnh tốt. Thế thì em tranh thủ hoàn cảnh tốt này để nâng cấp hạnh phúc của em lên một tầm mới: Nếu chồng không đối đãi như ý mình nữa, mình vẫn hạnh phúc được. Cái đấy mới gọi là Trí tuệ.

Bây giờ có thể nói là hạnh phúc của em chưa có Trí tuệ, vì hạnh phúc lệ thuộc thì chưa có trí tuệ. Hạnh phúc mà không lệ thuộc mới là Trí tuệ. Hạnh phúc của em là lệ thuộc vào cách đối đãi của chồng nên là chưa có trí tuệ. Em hãy tập cách, thầy nói rất nhiều bài rồi, em nghe, tập, sửa để em có loại hạnh phúc mà không lệ thuộc vào cách đối đãi của chồng. Ví dụ tệ nhất là chồng có bồ thì cái đau khổ của mình nó cũng ít hơn, mình có một con đường của riêng của mình. Đấy! Còn nếu tệ nhì là chồng mình không tôn trọng mình nữa, không v.v… trách nhiệm nữa thì mình vẫn có thể sống hạnh phúc bên trong mình được. Thậm chí bỏ chồng vẫn hạnh phúc được. Đấy, hạnh phúc xịn đấy! Bỏ chồng vẫn hạnh phúc.

Hạnh phúc không xịn là gì? Là cứ phải có chồng mới có hạnh phúc, mất chồng phát là mất hạnh phúc ngay. Hạnh phúc của em bây giờ, nó bị lệ thuộc, nó không bền vững. Em cần nâng cấp nó lên. Và em may mắn là hoàn cảnh đang tốt, chứ chẳng biết điều gì xảy ra. Hiểu ý thầy nói không?

Bạn Vinh: Vâng, và tài chính vẫn là vấn đề quan trọng nhất đối với…

Thầy Trong Suốt: Rất quan trọng, rất quan trọng! Em muốn hạnh phúc một cách độc lập ấy thì… Nếu em muốn hạnh phúc thì em phải có sự độc lập nhất định với chồng. Em lệ thuộc vào chồng hoàn toàn thì hạnh phúc của em rất là lệ thuộc, nên là phải có sự độc lập nhất định, trong đấy có cả tài chính. Còn độc lập như nào tùy hoàn cảnh mỗi người. Nhưng quan điểm của thầy là tốt nhất là vợ chồng không lệ thuộc tài chính vào nhau. Bỏ tiền cùng nuôi con thì được. Nhưng nếu chồng không đưa tiền cho mình nữa mà đời mình tan nát nghĩa là mình bị lệ thuộc vào chồng.

Bạn Vinh: Tài chính mỗi người một vốn đúng không ạ? Hay là mỗi người một tài khoản?

Thầy Trong Suốt: Tùy cách. Tùy cách của em. (Bạn đó cười). Thầy cho em ví dụ nhé. Nếu hai vợ chồng cùng góp tiền nuôi con, xây nhà thì ok, nhưng nếu chồng em rút khỏi câu chuyện mà đời em tan nát về tài chính ấy, nghĩa là em đang bị lệ thuộc đấy. Ví dụ, nếu chồng em rút ra thì em chẳng sống nổi, không có ai nuôi – lệ thuộc quá còn gì. Mà lệ thuộc tài chính thường nó dẫn đến lệ thuộc về tinh thần, thông thường là như vậy. Nên em mới phải cân nhắc.

Nên ở đây thầy nói không quan trọng bằng việc em phải tìm cái hạnh phúc có Trí tuệ. Hạnh phúc mà không lệ thuộc vào cách đối đãi của chồng – đấy là cái quan trọng, đấy là cái bền vững! Và hay nhất là thế này này, khi mà em có cái hạnh phúc đấy rồi ấy, thì chồng em, con em đều lợi. Vì một người mẹ trí tuệ như vậy, chắc chắn là ích lợi cho con với chồng. Đôi lúc chồng em làm những điều sai với em mà em trút giận lên đầu con em – thiếu trí tuệ quá đi còn gì nữa. Nếu chồng em làm điều sai với em, sớm muộn em trút giận lên đầu con em thôi mà. Vì mình chịu không được nên mình sẽ quát nó, mắng nó.

Bạn Vinh: Hình như là, hình như là em đang như thế đối với…

Thầy Trong Suốt: Đấy.

Bạn Vinh: Thường thường là như thế… Đúng thật là phân tích ra thì thế yếu nhất trong nhà là các con. Và thường thường thì không trị được bố thì sẽ trị con. Kiểu kiểu như thế.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Chuẩn luôn. Không trị được chồng, trị con mình. Nhưng nếu em có Trí tuệ thì chồng em không làm em khổ nữa, thì em lấy đâu nỗi buồn để mà trị con, mà truyền cho con? Nên dù là đang hạnh phúc theo kiểu của em bây giờ vẫn nên nâng cấp, lên tầm mới.

Bạn Vinh: Lên level. (Bạn đó cười)

Thầy Trong Suốt: Đúng không?

Bạn Vinh: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Phải nâng lên một tầm mới! Còn nếu không thì tiềm ẩn sự mất bền vững ở đấy… tiềm ẩn nhiều lắm. Và em vừa nói xong, ngay bây giờ em đã không trị được chồng, em trị con rồi. Nên là con em, nó phải gánh chịu một phần. Làm gì có gia đình nào hoàn hảo đâu! Ngay khi đang hạnh phúc, vẫn có điều không hạnh phúc ở đấy mà, cùng một lúc!

Bạn Vinh: Vậy thì chính xác là học cách lơ hay là học cách chấp nhận?

Thầy Trong Suốt: Học cách chấp nhận trong Trí tuệ.

Chấp nhận trong Trí tuệ nghĩa là gì? Ví dụ như này nhé: Chồng em có bồ… Bây giờ nếu mà nói một cách thẳng thắn ra thì chắc 10 người đàn ông chồng thành đạt, có tiền thì 9 ông có bồ. Đấy, sự thật mà. Thường là có tiền là có bồ. Em biết hay không biết thôi. Thì em không thể tránh được 100% được. Nên giả sử em rơi vào chuyện đấy, thì thế nào là chấp nhận Trí tuệ, thế nào là lơ đi? Lơ đi thì thôi, giả vờ là không biết. Đúng không? Lơ mà! Nhưng làm sao em giả vờ nổi? Em đau lòng là chắc!

Thế nào là Trí tuệ? Trí tuệ là em hiểu rằng: Em chấp nhận nó, em buộc phải chấp nhận! Chấp nhận không có nghĩa là mình cứ cam chịu, nhưng mà em phải chấp nhận đấy là thực tế. Chấp nhận đấy là một thực tế – là chồng mình đang có bồ. Mình chấp nhận! Đấy là Trí tuệ! Thực tế đấy đến từ đâu? Đến từ nhân quả giữa họ với nhau. Đúng không? Thế là mình chấp nhận được là: “À, có chuyện, có cái chuyện đấy!”. Và khi mình chấp nhận được rồi, thì mình bắt đầu có lựa chọn. Mình chấp nhận để mình có lựa chọn là làm gì bây giờ. Đấy!

Còn nếu không chấp nhận được ấy thì em chỉ có điên! Em điên, rồi đánh ghen hay là buồn, khóc, v.v… Chứ em không thể nào có lựa chọn là làm gì cho sáng suốt. Nhưng khi mình chấp nhận, mình sẽ có cái lựa chọn là nên làm gì đúng nhất bây giờ. Có khi bỏ chồng là đúng nhất. Có khi khuyên can chồng là đúng nhất. Có khi là chấp nhận chuyện đấy mà… hai vợ chồng vẫn giữ cái vỏ hôn nhân để nuôi con thì là tốt hơn. Tùy trường hợp mình mới cư xử được. Nhưng ít nhất là em còn có lựa chọn. Em không đau khổ, điên cuồng và không có lựa chọn. Đấy gọi là chấp nhận trong Trí tuệ. Chấp nhận trong Trí tuệ thì mình sẽ có lựa chọn sáng suốt. Không chấp nhận thì mình sẽ không thể có lựa chọn sáng suốt. Kiểu gì có Trí tuệ cũng tốt. Thế thôi! Đấy!

Bạn Vinh: Vậy là chấp nhận nhưng mà hơi hy sinh một tí, chứ chưa là phải hy sinh hoàn toàn.

Thầy Trong Suốt: Trí tuệ!

Bạn Vinh: Bởi vì chấp nhận cũng là một phần của hy sinh!

Thầy Trong Suốt: Không! Khi mình có Trí tuệ mình chẳng thấy tí gì hy sinh cả! Khi em có Trí tuệ rồi em chẳng hy sinh cái gì cả. Chẳng có gì phải hy sinh! Mọi thứ vận hành đúng nhân quả. Chẳng có hy sinh cái gì! Hy sinh là một trạng thái hơi thiệt thòi. Thiệt thòi bao giờ cũng đi kèm trạng thái là muốn vùng lên. Vùng lên bao giờ cũng gây ra mâu thuẫn. Em hy sinh xem, kiểu gì rồi em cũng buồn với ông chồng ở chỗ em hy sinh – “Tôi đã phải nấu cơm rồi mà anh vẫn thế này à?” – thế là thôi rồi! Nên thầy không đồng ý với việc là hy sinh mà không có Trí tuệ.

Còn hy sinh mà có Trí tuệ thì đâu gọi là hy sinh. Mình thấy là phân công đúng không? Phân công gia đình như thế là đúng rồi! Mỗi người làm một việc. Chính mình không cho là hy sinh. Hy sinh là cách nhìn thôi mà, đúng không? Em nấu cơm rồi thì chồng em đi làm. Thì cách nhìn của mình nó tạo ra là hy sinh hay không chứ? Nhưng mà em cho là hy sinh thì em cảm thấy thiệt. Khi em thiệt mà người ta đối xử đúng với em thì em không vấn đề gì. Khi em thiệt mà người ta đối xử sai với em thì em cho là sai với em, thì sẽ sinh chuyện ở chỗ mình thiệt. Nên tại sao mình phải có quan điểm là hy sinh? Tại sao mình không có quan điểm đây là việc tự nhiên và bình thường?

Bằng Trí tuệ cho mình thấy điều đấy. Bằng Trí tuệ thì ta thấy là gì? Mỗi người có cái nhân quả riêng của mỗi người. Cái nhân quả của em làm cho em thành người vợ, chứ không phải thành người chồng. Đúng không? Vì thế cái việc này là hoàn toàn tự nhiên! Như vậy hành động này không phải là hy sinh. Hành động này đúng với nhân quả. Nếu ngày mai em thấy là việc này thiệt, quá thiệt, đúng không? Thì em hoàn toàn có thể nói chuyện với chồng để không hy sinh nữa. Tại sao em có thể hy sinh? Việt Nam mình có quan điểm hy sinh. Không sai, rất tốt! Đôi khi vì người ta mình phải hy sinh, để cho… gì gì đó tốt. Rất đúng! Nhưng thầy nói là gì? Phải nâng cấp hy sinh đó lên. Chứ thầy không bảo cái đấy sai. Phải nâng cấp. Giống như gia đình em đang hạnh phúc thì có gì sai với hạnh phúc đấy đâu? Thì phải nâng cấp.

Nâng cấp là gì? Nâng cấp là mình có Trí tuệ, để mình nhìn nhận hy sinh đấy theo một cách khác. Cách đấy nó không gây ra đau khổ cho mình – đấy gọi là nâng cấp. Ví dụ nhé: Em ngày nào cũng phải nấu ăn, chồng em thì đi đến tận 10 giờ mới về. Em sẽ khổ nếu em không có Trí tuệ. Và em gọi đấy là hy sinh. Ok! Nhưng, nếu em có Trí tuệ rồi thì em thấy vui vẻ khi chồng về lúc 10 giờ. Khi em có Trí tuệ rồi thì hy sinh không gây khổ cho em nữa. Ở đây cái thầy muốn nói là gì?

Em nâng cấp hy sinh lên, khi mình có Trí tuệ rồi thì hy sinh không còn là hy sinh nữa. Nó chỉ là một việc trong đời mà thôi, một câu chuyện, một thứ xảy ra bên ngoài thôi. Vì em không bị ở trạng thái tâm lý “Tôi hy sinh”, thì em không có tâm lý bị áp bức, bị thiệt thòi, vì thế em sẽ không gây chuyện với người ta nếu có gì xảy ra. Đấy! Chứ còn quan điểm hy sinh tốt mà. Nhưng mà hy sinh mà không có Trí tuệ thì sẽ thiệt thòi đúng không? Cảm thấy thiệt thòi đúng không? Nếu người ta đối xử đúng với mình thì thiệt thòi đó là chấp nhận được – “Thì tôi hy sinh, anh đối xử với tôi tử tế”. Nhưng cái ngày mà người ta đối xử không đúng với mình, thì hy sinh ấy không chấp nhận nổi nữa và nó trở thành chiến tranh, đau khổ hai bên. Đấy! Còn nếu em có Trí tuệ thì cái ngày người ta đối xử không đúng, người ta đánh giá không đúng hy sinh của em, em thấy bình thường. Em lựa chọn cái việc đấy mà, đâu phải hy sinh cái gì đâu! Thế là vẫn vui vẻ – “À, nếu mà anh đánh giá không đúng thì tôi sẽ có đối xử khác. Chứ không phải là tôi đau đớn vì cái đoạn thời gian tôi quá hy sinh. Hôm nay anh đối xử không đúng với tôi, tôi có cách hành xử mới” – Lo có Trí tuệ trước đi. Chứ tôi không ngồi gặm nhấm cái nỗi buồn của sự hy sinh. Và em sẽ rất vui vẻ. Đấy! Hỏi xem vợ thầy đây này, vợ thầy có hy sinh gì cho thầy không?

Bạn Ngân: Tên em cũng giống giống cả tên vợ Thầy đấy ạ. Em là Ngân. Cũng là buổi đầu tiên đến với buổi Trà đàm về hôn nhân.

Thầy Trong Suốt: Nhân, vợ thầy tên là Nhân. Hỏi xem cái bạn Nhân này, bạn ấy có bị hy sinh cho thầy không? Đây, gia đình của thầy là một ví dụ về việc có hy sinh không nhé. Thầy chưa bao giờ hỏi là vợ có hy sinh gì cho chồng không? Hỏi luôn! (Mọi người cười) Em có thấy hy sinh gì cho anh không? (Thầy quay sang hỏi vợ)

Mỹ Nhân: Dạ, ngày xưa thì thấy hy sinh nhiều, còn ngày nay thì không thấy có cái gì hy sinh hết.

Thầy Trong Suốt: À hay chưa! Ngày xưa thì hy sinh nhiều, thấy là hy sinh nhiều, ngày nay thì không thấy hy sinh nữa. Tại sao?

Mỹ Nhân: Vì mình có…

Thầy Trong Suốt: Ngày xưa hy sinh cái gì? Nói thêm một chút nữa đi. Ngày xưa hy sinh cái gì? Thầy cũng chưa hỏi câu này bao giờ. (Mọi người cười) Đấy!

Mỹ Nhân: Cũng suy nghĩ như mọi người là vợ chồng thì… chồng cũng giúp vợ, ít ra chăm con chẳng hạn…. Nhưng mà Sư phụ thì thuộc loại là không có chăm con gì hết. Kiểu như thế! (Mọi người cười) Ví dụ như đẻ hai đứa thì Sư phụ chẳng bao giờ thay bỉm hay cho nó uống sữa lần nào cả, ví dụ nhé, nếu có thì cũng có 1-2 lần thôi, tức là đếm trên đầu ngón tay, cực kì ít luôn. Lúc đó mình thấy là mình phải thức đêm thức hôm một mình, hay là chăm con một mình, cái gì cũng một mình hết. Thì mình thấy là mình hy sinh nhiều lắm. Nhưng mà học Pháp thì mình thay đổi, mình có Trí tuệ thì mình thấy chuyện đó xảy ra và chẳng có ai ở đây phải hy sinh hết. Hoàn toàn không thấy có cái sự hy sinh ở đó nữa.

Thầy Trong Suốt: Ừ, được! (Thầy cười) Đấy, một ví dụ đấy! Nếu mình chưa có Trí tuệ thì mình thấy đó là hy sinh, nếu mình có trí tuệ rồi mình thấy là bình thường. Đúng dòng chảy tự nhiên của nhân quả. Thế thôi! Như vậy là hy sinh hay không là do cách mình nhìn, hay là bản chất của sự việc nó là hy sinh? Đúng chưa? Cái sự việc đấy nó chỉ là một sự việc thôi. Ông chồng mình không thay tã là một sự việc, chứ không phải là hy sinh hay không hy sinh. Còn hy sinh hay không là cách mình nhìn. Chuẩn chưa! Nó là một sự việc, sự kiện trong đời là “ông chồng không thay tã cho con”. Còn người phụ nữ quyết định đó là hy sinh hay không? Nếu mình hy sinh mình thấy thiệt, mình khổ.

Nhưng mà muốn thấy nó không phải là hy sinh ấy thì mình phải có Trí tuệ. Bạn ấy vừa nói, bạn Nhân vừa nói là gì? Bạn ấy đã tập, thực hành, thay đổi. Bạn ấy có Trí tuệ, bạn ấy thấy rằng đấy là một dòng chảy bình thường của nhân quả. Mỗi người có nhân quả của mình và làm điều đấy. Tức là dòng chảy nhân quả rất tự nhiên. Chẳng có gì là hy sinh cả! Đấy, thì đấy là Trí tuệ. Trí tuệ đấy làm người ta không thiệt thòi và rất thoải mái. Đấy là cái thầy muốn nói từ nãy giờ đấy. Ngân hiểu không? Nhưng nếu em muốn hiểu thì phải giống bạn… Bạn gì nhỉ? Bạn Vinh này. Em phải lên đường, nhảy lên xe đạp đi, ngã vài cú cũng được. Đấy, nếu em thực sự muốn có Trí tuệ đấy thì phải nhảy lên xe đạp, tập xe đạp.

5. Câu chuyện về người phụ nữ 30 năm hy sinh trong vô minh

Một bác: Thưa Thầy! Tôi là người sinh ra giữa thế kỉ thứ 20. Và khi đọc câu “Khi bạn làm tất cả yêu cầu của người khác, bạn tưởng là hy sinh, nhưng thực chất là vô minh”. Thì tôi thấy rất là đúng! Bởi vì tôi làm dâu cho một gia đình có học và tôi chịu đựng đến một mức độ là… Ví dụ tôi đang bận việc mà chị chồng tôi đến, tôi chưa kịp ra chào là chết rồi. Đến mức như thế! (Mọi người cười) Tôi làm dâu bố mẹ chồng tôi đã đành, tôi làm dâu chị chồng, em chồng… Nhưng chưa đủ, cuối cùng tôi làm dâu cả chồng mình.

Thầy Trong Suốt: Ừ.

Bác đấy: Đó là cái điều đau khổ. Tôi chịu đựng đến một mức độ là tôi muốn phá bỏ tất cả, tôi ra đi. Đến khi chồng tôi vi phạm một điều… chạm đến luân thường… thì tôi đã nhìn cái móc quạt trần, nhìn cái dây dù mắc võng, và tôi nghĩ rằng là tôi sẽ chết! Tôi không sống nổi với sự bế tắc đến như thế này. Ngay cái phút mà tôi ngoắc dây lên cái móc quạt trần… thì tôi nghĩ đến con gái tôi, đang ngồi cạnh đây. Và tôi nghĩ đến chị gái của nó. Và tôi nghĩ rằng “Không! Tôi không thể chết được”. Và tôi nghĩ đến mẹ tôi, đã có lần mẹ tôi đến quỳ trước tôi, mẹ tôi bảo “Con ơi! Đất không chịu trời thì trời chịu đất. Con hãy chịu làm dâu đi, hãy chịu làm dâu đi để lấy phúc cho các con”.

Tôi đau khổ đến mức độ là tôi xách hai đứa con đi chỗ khác ở mấy ngày. Xong tôi nghĩ “Không được!”, bởi vì ông ấy vẫn là chồng tôi, vẫn là bố của các con tôi. Tôi đi với một người đàn ông khác thì các con tôi sẽ mất bố. Gần đây thì con gái tôi bảo: “Tại sao mẹ lúc bấy giờ mẹ không thay đổi thì có khi con lại được hai bố, hai mẹ”. (Mọi người cười) Quả thực rằng lúc đấy tôi không đủ can đảm như ai đó, như bây giờ. Cho nên tôi nhìn các bạn tôi, các bạn tôi nói là chia tay chồng một cách thoải mái, xách con đi nuôi. Nhưng tôi không làm được, nên tôi đã nói các bạn là: “Chúng mày dũng cảm thật, tao không làm được điều đấy”. Trong lòng tôi canh cánh nỗi đau suốt cả một cuộc đời.

Đến khi mà, đúng là có con gái nó cũng giác ngộ cho, tôi cũng cảm thấy là nó vợi bớt đi. Và tôi cho rằng đấy là cái nhân quả mà tôi phải chịu. Và tôi thấy trong lòng mình nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến mức là… không còn giận dỗi chồng mình nữa. Mặc dù một nửa của người đàn ông ấy tôi yêu vô cùng, và một nửa thì tôi căm thù vô tận. Nó như là một cái rất khó tả.

Nhưng có một điều, đứa con lớn của tôi khi nó biết được cái chuyện đó, mà đứa con lớn tôi đã có lần gặp Thầy để nói chuyện. Đứa con lớn tôi, nó không về ở với bên mẹ và bên bố. Nó đau đớn đến mức độ nó không về. Và bây giờ trong lòng tôi đang canh cánh một nỗi rằng: Nó rất khó khăn, một mình nuôi mấy đứa con, rồi lại ở tận thành phố Hồ Chí Minh, mà kinh tế thì khó khăn. Mà tôi thì gia đình kinh tế cũng đầy đủ để đưa con về, nhưng nó không về. Điều đó làm tôi rất đau lòng! Và giờ này chắc là con gái lớn tôi cũng đang xem cái chương trình này. Nó sẽ hiểu được cái nỗi lòng của tôi.

Tôi nghĩ rằng, suốt cả cuộc đời của tôi hy sinh tình yêu, hy sinh sắc đẹp của mình, hy sinh cái tuổi thanh xuân của mình quá là vô minh. Quá là vô minh! Và tôi không làm được như cháu người Nghệ An vừa nói, là tôi không làm theo mẹ chồng, tôi không làm theo chị chồng, tôi không làm theo em chồng. Và tôi phải bứt phá ra cái cuộc sống nhưng lúc đấy là như thế, tôi bị một nền giáo dục của cha mẹ, của ông bà áp đặt, lại rơi vào một gia đình nhà chồng phong kiến và là một…

Thầy Trong Suốt: Rất hay! Một ví dụ rất hay!

Bác đấy: …một gia đình có học. Thì bây giờ có một cái điều băn khoăn duy nhất tôi muốn hỏi Thầy là: Đứa con gái lớn của tôi, nó cứ lăn tăn giữa cái việc về Hà Nội với mẹ với bố, và một nửa thì ở lại chịu khổ cực ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều băn khoăn nhất của tôi là muốn làm sao đứa con gái lớn về Hà Nội, cho các con nó được học hành ở Hà Nội. Điều đó là điều mà tôi cho là hạnh phúc nhất, nhưng mà nó thì vẫn lăn tăn về cái sai lầm của bố nó. Đó là cái đau lòng với tôi nhất thưa Thầy!

Thầy Trong Suốt: Bác tên là gì ấy nhỉ?

Bác đấy: Tôi là Hà. Và xin nói thêm là… sau này, tôi đã thoát khỏi cái tiêu cực đó rồi. Và khi mẹ tôi giảng giải một số cái về đạo Phật cho tôi, mẹ tôi mất đi thì tôi tìm được một nguồn vui duy nhất là tôi đi làm văn chương. Tôi thấy bây giờ chỉ còn canh cánh bên lòng duy nhất là đứa con gái lớn không về Hà Nội. Xin Thầy giúp cho!

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Được, câu chuyện rất hay. Bác Hà, bác có bao nhiêu năm hy sinh trong vô minh? Khoảng bao nhiêu năm?

Bác Hà: Thưa Thầy là hy sinh hết cả cái tuổi xuân, phải đến… 30 năm.

Thầy Trong Suốt: 30 năm hy sinh.

Bác Hà: 30 năm hy sinh cho hạnh phúc. Bởi vì tôi nghĩ rằng là nếu bỏ thì các con tôi không có bố, mà lúc bấy giờ đàn ông vè vè bên tôi rất nhiều. Nhưng tôi không chấp nhận được ai, bởi vì tôi chỉ nghĩ rằng hai đứa con tôi sau này có một ông bố khác thì sẽ rất khổ cho chúng nó.

Thầy Trong Suốt: Chắc gì nhỉ? Có khi được một ông bố tốt thì sao?

Bác Hà: Vâng. Thì con gái tôi bảo: “Giá mẹ mà lấy thì con được hai bố hai mẹ, có phải sướng hơn không?”. Đấy! Cho nên… nhưng mà không, tôi không làm được điều đấy.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Bây giờ mình đã hy sinh trong vô minh 30 năm. Kết quả là không có hạnh phúc. Đúng không? Thì mình phải hiểu là gì? Như vậy hạnh phúc có đến từ bên ngoài hay không? Không phải! Không phải từ bên ngoài! Khi mà bác hy sinh 30 năm không hạnh phúc, nhưng mà khi con gái giúp mình một lúc, rồi bác đi tìm một cái thế giới nội tâm mới thì bác hạnh phúc. Thì thấy là: Hạnh phúc không phải do hoàn cảnh bên ngoài quyết đâu, đấy là do cách mình nhìn, cách mình nhìn sự đối đãi người khác. Ví dụ như chồng bác nhé. Nếu mà nhìn thái độ này này, nhân quả thì thấy là gì? Không tự dưng có cái quả nào mà lại không có nhân. Đúng không? Cái chuyện đấy, nó phải có lý của nó. Thế thôi mình cho qua, bỏ qua, mình tha thứ. Tha thứ! Ông ấy có nhân quả của ông ấy và nhân quả sẽ giải quyết việc của nó. Mình giữ thái độ của mình, mình không giữ cái gì trong lòng cả, mình tha thứ hoàn toàn.

Thế là xong! Thế là cái chuyện kinh khủng ngày xưa trở thành một câu chuyện cuộc đời thôi. Bác là nhà văn đấy! Đó chỉ là câu chuyện của một nhà văn mà thôi! Chứ nó không còn là chuyện kinh khủng nữa. Mình tha thứ và mình hiểu đó là câu chuyện của nhân quả. Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau. Ông kia với cô kia cũng thế thôi, giả sử có cô kia thì nó vồ lấy nhau thôi, như vồ lấy mình thôi, còn bây giờ vồ lấy cô khác. Sự thật vẫn là sự thật. Nhân quả nó thế! Nên là trong lòng mình nhẹ nhàng ngay. Đấy là một. Dù sao vết thương quá khứ, nếu mình giữ ấy, thì nó chỉ có hại cho mình thôi. Mình sẽ khổ. Người ta không sướng, mình sẽ khổ. Mình phải tập cách để hiểu hơn để mình thông cảm và bỏ qua. Do mình trí tuệ, mình bỏ qua.

Thế còn chuyện thứ hai, chuyện đứa con của mình cũng thế thôi. Mình phải hiểu là gì? Hạnh phúc của nó cũng không nằm ở bên ngoài. Suy cho cùng, hạnh phúc của nó không phải là do nó cạnh mình hay không cạnh mình. Đấy! Giống như là hạnh phúc của mình ấy! Là do bên trong mình có vô minh hay không? Nên hạnh phúc của nó không phải do là ở cạnh mình. Nên mình đặt nhẹ cái chuyện nó ở gần mình đi. Không quan trọng! Vì hạnh phúc của nó không phải là do cạnh mình. Mình phải cho cái chuyện nó cạnh mình hay không nhẹ hẳn đi. Mà mình phải làm thế nào để giúp nó có Trí tuệ. Vì hạnh phúc của nó nằm ở Trí tuệ, cách nhìn của nó. Hãy giúp nó có cách nhìn cuộc sống khác!

Ví dụ mình nói với con mình là: “Mẹ đã hoàn toàn thấy là tha thứ cho bố”. Thì cách tha thứ của mình, nó là một loại Trí tuệ mà con mình có thể học được. Đấy là mình giúp nó có Trí tuệ. Thay vì là bảo: “Con phải về đây đi. Con phải nuốt nỗi đau về cạnh mẹ đi”. Thì nỗi đau vẫn là nỗi đau. “Không, mẹ bây giờ chẳng đau gì cả, mẹ thấy xong rồi! Nhân duyên của mẹ với ông ấy đã kết thúc. Xong! Mẹ hoàn toàn tha thứ cho người bố đấy, người cha đấy”. Thì cái đấy gọi là mình truyền cho nó Trí tuệ. Mà truyền cho nó Trí tuệ bao giờ cũng hơn là truyền cho nó tiền bạc, với cả gì? Sự giúp sức. Thế nó về đây mà trong lòng nó hận thù ấy, thì có gì khác đâu, khác gì ở Sài Gòn đâu, nó vẫn khổ mà!

Đấy, mình phải hiểu cái đấy. Là mình đặt nhẹ cái chuyện nó về đây. Về cũng được, không về cũng được. Đấy là quyết định của nó, nó thấy về đây tốt hơn. Còn mình đặt nặng hơn chuyện tha thứ, truyền cho nó một thái độ sống mới. Ở đấy do mình hiểu biết về nhân quả, về các Trí tuệ khác nữa, nếu mình đi xa hơn. Người ta phải thấy chuyện quá khứ là chuyện nhẹ nhàng, chuyện không có gì là kinh khủng. Và mình sống với thái độ tha thứ, bao dung. Bao dung luôn! Mình ôm trọn cái ông đấy vào trong lòng mình, mình chấp nhận được cả sự sai lầm của ông ấy, gọi là bao dung. Bao dung là mình chấp nhận được cả cái sai lầm của người khác, vẫn ôm được người ta khi mà người ta sai lầm. Khi mình sống như vậy thì mình truyền được cho con mình Trí tuệ, hơn là truyền tiền bạc là chắc rồi. Đúng không?

Còn mình mình coi nhẹ chuyện ở gần ở xa đi. Không quan trọng đâu! Trí tuệ bên trong mỗi người quan trọng hơn. Nên bảo nó nghe Trà đàm đi này. Đấy! Đổi cách sống đi! Hãy có Trí tuệ lên! Dần dần, bên trong nó thay đổi thì bên ngoài nó sẽ thay đổi theo. Chứ mình đừng mong bên ngoài đổi, xong rồi nó vẫn hận thù đấy, làm sao mà hết được. Không có đâu! “Về đây… về đây” thì không thể nào hết cái hận thù đấy được. Nhưng mẹ nó không hận thù tí nào thì nó sẽ hạnh phúc thực sự, thì nó sẽ bớt đi. Còn nó thấy mẹ nó khổ trước mặt nó vì bố, thì sao nó không tăng hận thù lên được. Nếu ngày nào nó nhìn thấy mẹ nó khổ quá vì người bố ấy, thì hận thù không tăng mới lạ. Còn ngày nào nó thấy mẹ nó vui vẻ, hạnh phúc, thì còn gì nữa mà khổ. Ông bố còn gây chuyện gì nữa đâu? Thế là hận thù tan biến! Đấy, nên nhà Phật có câu rất hay là:

“Hận thù diệt hận thù

Là điều không thể có

Tình yêu diệt hận thù

Là định luật ngàn thu”

Cái sự bao dung của bác, bao dung – tha thứ – trí tuệ mới là cách giải quyết câu chuyện. Đấy, cách duy nhất giải quyết câu chuyện. Thế thôi! (Mọi người vỗ tay) Rồi, bạn áo vàng!

III. NGOẠI TÌNH – Những câu chuyện

1. Thế nào là hành xử có Trí tuệ khi chồng ngoại tình?

Một bạn: Em thấy Thầy có nhắc đến cái Trí tuệ ấy ạ. Vì nó là một cái câu chuyện vui nên là em cũng muốn kể để mình… Tức là em cũng không biết là nếu nó mà xảy ra như vậy thì em có làm được như vậy không? Nếu em làm được như vậy thì có tính là trí tuệ không ạ?

Thầy Trong Suốt: À, được, em nói đi!

Bạn đấy: Thì trước đây em có xem một bộ phim, hai vợ chồng đang sống rất là hạnh phúc. Sau đó người chồng có bồ và cô vợ khóc lóc bỏ đi. Em xem phim đấy, em nói với chồng em là: “Trước đây thì em có thể là làm như thế, nhưng nếu bây giờ thì không bao giờ có chuyện em làm như vậy, khóc lóc bỏ đi như vậy. Cuối cùng mình lại vừa mất chồng, vừa mất nhà”.

Thầy Trong Suốt: À, được!

Bạn đấy: Nếu mà anh định làm như thế, tóm lại anh chán vợ, anh định chuyển đi với cô khác. Ok, em đồng ý! Đưa 2 tỷ ra đây.

Thầy Trong Suốt: Được!

Bạn đấy: Anh chị thích làm gì thì làm. Anh vẫn ở đây, ok em đồng ý! Còn nếu không thích sang với cô kia cũng được. 2 tỷ ở đây không phải là cái giá của anh là 2 tỷ. Mà là cái giá em chấp nhận việc đấy. Thì đây cũng chỉ là câu chuyện vui thôi, nhưng mà nếu mà em làm được như thế có tính là Trí tuệ không ạ? (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Em làm như vậy thì chắc chắn được hai chữ này, gọi là rất “thực dụng”. (Mọi người cười) Đấy! Trí tuệ hay không thì chưa biết mà thực dụng là biết rồi. Đấy! Còn Trí tuệ hay không nó phải nằm ở việc là tâm trạng của em. Và tại sao lại có tâm trạng đấy. Em muốn biết một người trí tuệ hay không, em phải nhìn vào hai điều: Cái trạng thái, tâm trạng của họ vui vẻ, thoải mái hay không? Nhưng mà vui vẻ, thoải mái đôi khi không phải là trí tuệ, mà đôi khi AQ quá. (Mọi người cười) Đấy! Kiểu như “mày chửi tao thì giống như mày chửi bố mày”. Vui vẻ cười rất là hạnh phúc, nhưng mà lý do lại là vô minh. Nên em phải nhìn vào hai thứ là: Trạng thái của em và tại sao em lại có trạng thái đấy?

Nếu mà trạng thái của em là thoải mái, là vui vẻ, là tha thứ, là hạnh phúc, là bao dung, thì sao? Ok, được gọi phần trạng thái. Nhưng mà lý do tại sao em bao dung? Ví dụ em có anh khác rồi. Em bao dung vì sao? Vì em đã để sẵn một anh khác, có 2 tỷ phát là gì? Chạy sang anh kia luôn. (Mọi người cười) Đấy là Trí tuệ gì đâu. Đấy không có trí tuệ gì luôn! Hiểu không? Em phải nhìn được tại sao? Nếu mà em thấy “tại sao” của em có những Trí tuệ căn bản của Phật Pháp: nhân quả này, vô thường này, bất toại nguyện này, xa hơn nữa là không có cái tôi nào ở đây chịu hết, xa hơn nữa thì đời giống như một giấc mộng không có thật. Tất cả những đấy gọi là Trí tuệ. Nếu trong cái lý do của em có Trí tuệ thì mới gọi là có trí tuệ. Còn không chỉ thực dụng thôi.

Đấy! Mà tốt nhất là em chuẩn bị sẵn một anh trước đi. Để khi nào có tiền 2 tỷ phát là gì? Chạy sang luôn. Thế là… hòa! Đúng không? Quá thực dụng còn gì nữa! Mình không mất tiền, mình không mất tình luôn. Đấy! Nếu thực dụng là thế! Nói đùa thôi, quan trọng là Trí tuệ. Hãy lấy xe đạp đi. Lấy xe đạp đi. Nhé! Rồi!

2. Ngoại tình – đàn ông cũng khóc!

Một bạn: Thưa Thầy, từ đầu đến giờ em nghe, em thấy cứ có gì sai sai ấy. (Mọi người cười) Có lẽ vì chủ yếu là các chị với cả các em gái chia sẻ. Cho nên cái sai sai em cảm giác ở đây là: Hình như toàn là phụ nữ phải cố trở nên trí tuệ, phụ nữ phải cố biến những cái mình nghĩ là hy sinh không phải là hy sinh. Em cũng không biết được Thầy là một người đàn ông thì… Thầy có cái nhìn như thế nào về chuyện này? Còn em là phụ nữ, em nghe nó cứ khó chịu thế nào ấy. (Mọi người cười và vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Ai cũng cần Trí tuệ hết. Lý do không phải do mình là nữ hay mình là nam, mà là cứ không có Trí tuệ là khổ. Thế thôi! Ông chồng mà không có trí tuệ ấy, mà gặp một bà vợ hết mực tử tế có khổ không? Trong lòng có hoàn toàn hạnh phúc không? Không có đâu! Nên vì hôm nay mình có chủ đề về phụ nữ, thì mình nói về phụ nữ.

Buổi hôm nay có hai lý do. Lý do thứ nhất là vì phụ nữ Việt Nam nói chung ấy, lâu nay hy sinh trong vô minh quá nhiều rồi. Quá nhiều, nhiều kinh khủng rồi! Và kết quả của nó là không hạnh phúc. Đấy! Lý do ra đời buổi ngày hôm nay. Quá nhiều hy sinh trong vô minh, và kết quả là không hạnh phúc. Nên lý do của buổi này ra đời vì sao? Nhắc nhở mọi người rằng: Đừng hy sinh trong vô minh nữa! Đấy! Chứ còn đàn ông Việt Nam thì ít khi hy sinh trong vô minh.

Mà Việt Nam mình có cái gọi là… chế độ phong kiến mà, trọng nam khinh nữ. Nên nó khuyên bảo là gì? Phụ nữ hãy hy sinh đi! Còn đàn ông thì không cần hy sinh. Đấy, cái văn hóa phong kiến! Phụ nữ hãy hy sinh tiếp đi! Mẹ quỳ xuống lạy con là: “Con hãy cố gắng làm vợ đi”. Nhưng mà chẳng ai quỳ xuống lậy ông chồng bảo là “Con hãy làm một người chồng tử tế đi”. Ông ấy thích làm gì thì làm. Thậm chí có những gia đình cho phép chồng đánh vợ và cho rằng đấy là bình thường. Đấy, trong nhóm mình ở đây sẽ có những người như vậy. Chồng đánh vợ là bình thường. Khá hơn, cao hơn nữa có gia đình nói là gì? Chồng bồ bịch là bình thường. Vợ phải chịu, tất cả các lỗi là vợ hết – “Mày có gì đó sai thì nó mới đi bồ bịch”. Kinh khủng như thế luôn! Mình đã lớn lên trong một cái xã hội mà nó đã có cái văn hóa phong kiến từ ngày xưa. Mình vượt ra khỏi cái khuôn khổ nhầm lẫn đấy, nếu không thì người phụ nữ Việt Nam khổ mãi. Đấy, đấy là lý do mà mình nhắm vào đối tượng phụ nữ. Đấy là một lý do.

Lý do quan trọng thứ hai ấy, quan trọng và hữu ích. Nói cho cùng thì hạnh phúc của mình, nó không phải do bên ngoài quyết. Đúng không? Không phải do cái gì bên ngoài quyết mà do Trí tuệ bên trong mình. Nên là gì? Những buổi này mang tính đánh thức một lần nữa, nhắc nhở một lần nữa là: Hãy lên xe đạp để có trí tuệ đi! Đấy! Hãy thực hành đi! Hãy tìm cách sửa những cái nhầm lẫn bên trong mình đi! Cái này đúng với cả đàn ông và phụ nữ. Cái 1 thì có thể chỉ đúng với phụ nữ Việt Nam thôi.

Nhưng cái thứ hai thì… ở đây mà những người đàn ông nào mà… Thử hỏi ở đây, anh nào trung thực nói thử xem: Bồ bịch có hạnh phúc không? Mình đi ngoại tình có hạnh phúc không? Ở đây chắc là không ai dám trung thực nói ra đúng không? Ở miền Nam sẽ có những người trung thực nói ra luôn.

Người đàn ông đi bồ bịch không hạnh phúc đâu. Những người phụ nữ ở nhà hy sinh tưởng là mình khổ, còn anh sướng. Không phải! Cái người đàn ông đi bồ bịch chẳng hạnh phúc. Đấy, sự thật đấy! Đau lòng không? Đây, có ai dám nói không? Khó nhỉ? Đây! Bạn nam ở góc góc. Đấy đấy, áo trắng. Đấy, bạn nói thử xem. Có đủ dũng cảm để nói không? Cái này hơi khó, mình thử dũng cảm nói chuyện bằng kinh nghiệm cá nhân nhé. Không nói bằng chuyện … “nghe nói như thế” nhé.

Một bạn nam: Em xin tự giới thiệu em là Tuệ Khang. Đầu tiên em phải cảm ơn tất cả các cô và các chị ở đây ạ, người phụ nữ Việt Nam, như Thầy vừa nói ấy ạ, đã chịu đựng trong sự u minh… (Mọi người cười)

Em thấy thời mà hai người yêu nhau ấy, thì thực sự là cái gì cũng đẹp, cái gì cũng màu hồng, người phụ nữ nào cũng chăm chút, lúc gặp nhau rất là chải chuốt. Mà lúc lấy nhau rồi ấy ạ Em xem phim thấy phụ nữ Tây lúc nào cũng đẹp, đẹp từ ở nhà, lúc nấu ăn cũng đẹp. Trong khi phụ nữ Việt Nam có bộ quần áo đẹp thì lại chờ đi đám cưới mới mặc, đúng không ạ? (Mọi người cười).

Thì chồng đến cơ quan toàn thấy các cô mặc juyp với lại mặc áo dây, chân đi guốc rất là đẹp. Những lời của các ấy cũng rất ngọt ngào. Về nhìn thấy vợ mình quần ống thấp, ống cao, mặt thì nhăn nhó, chưa thấy đã hỏi “Tiền đâu rồi?”. (Thầy và mọi người cười) Đúng là chúng ta hạnh phúc từ bên ngoài mà, không sống thực ở trong tâm. Em thấy là phụ nữ Việt Nam đang sống trong cái u minh như vậy ạ.

Cũng như cô cứ phải làm hài lòng người này người kia, em thấy là phụ nữ Việt Nam thực sự là dũng cảm, vất vả. Đấy, như cô gì vừa chia sẻ đấy ạ, lo hết cho bên nội bên ngoại, lo cho anh em hàng xóm, từ cái bước đi, lời nói cũng phải… Phải nhìn xem ngồi bên cạnh có ai không, rồi mới dám nói ạ, đúng không ạ? Không quyết định được cho chính bản thân mình. Người Việt Nam mình đa số sống từ bên ngoài, nhìn nhận bên ngoài, không nhìn bên trong. Đấy là điều em thấy trong buổi Trà đàm hôm nay. Em xin chúc các cô và các bạn gái ở đây, hãy sống với chính mình!

Thầy Trong Suốt: Rồi, cám ơn em, cám ơn em, tốt! (Mọi người vỗ tay) Câu hỏi của thầy lúc nãy là… (Mọi người cười) Bạn vừa nói là phụ nữ Việt Nam rất là chịu đựng, vô minh, đúng không? Bây giờ theo các em thì đàn ông Việt Nam có vô minh không? Hay là đàn ông Việt Nam thì thông minh? (Mọi người cười) Ở đây có bạn nào có câu chuyện đàn ông Việt Nam vô minh không? Ví dụ thầy đang hỏi là “Ngoại tình có hạnh phúc không” đấy? Ở đây có ai có thể dám nói câu chuyện của mình không?

Bạn Đăng: Thầy, em ạ!

Thầy Trong Suốt: Dám nói không? Đấy nói đi. Nói đi! (Mọi người vỗ tay) Mọi người cứ tưởng là đàn ông ngoại tình là hạnh phúc đúng không? Thầy gặp quá nhiều đàn ông ngoại tình rồi, chẳng ai hạnh phúc cả! Nói xem tại sao?

Bạn Đăng: Thưa Thầy, em chào Thầy và tất cả các anh chị. Thật sự là Đăng có ngoại tình. Mình có hai cái kiểu ngoại tình: Thứ nhất là ngoại tình trong tư tưởng. Mình đã từng có vợ, lúc ở với vợ thì mình nghĩ về khác. Thứ hai là mình từng ngủ với người phụ nữ khác. Đấy, không những một lần mà rất nhiều lần. Đấy là câu chuyện thực tế của Đăng.

Thầy hỏi là có thấy hạnh phúc không? Thực ra tại thời điểm đó, mình không nhận biết là mình có hạnh phúc không? Bởi vì có một số nguyên nhân sau tác động đến cái việc mình ngoại tình. Do mình bị tác động bởi bạn bè xung quanh, tác động bởi rượu bia, tác động bởi hoàn cảnh. Tức là, cái vấn đề về sinh lý có thật… Khi mà uống rượu bia vào, hoặc là đi chơi cùng với một đám bạn mà họ đều có cái nhu cầu là ăn chơi, sau đó là hát hò, rồi đi gái gú. Đó là sự thực! Thì mình cũng bị cuốn theo.

Chính vì Đăng đã rơi vào cảnh đấy rất là nhiều lần, thì Đăng nhận thấy một điều: Đ tránh cái đấy thì chúng ta phải sống trong một môi trường tốt hơn. Ví dụ Đăng đi chơi bóng với các bạn. Thì cái môi trường tốt, nó sẽ giúp cho các bạn thay đổi nhiều hơn, như các anh chị gần người tốt thì đương nhiên các anh chị sẽ tốt hơn. Các anh chị gần môi trường ít rượu bia, thì các anh chị sẽ bớt rượu bia. Mà khi đã rượu bia rồi, thì cái đầu óc của mình nó sẽ không tỉnh táo nữa, vì lúc đấy thì mình hành xử, có thể nói, giống như một con vật luôn, bởi vì cái nhu cầu nó lên mà. Môi trường sẵn có, mình lại có tiền nữa, mình lại có bạn bè rủ đi nữa, thì tát nước theo mưa, cái chuyện đấy là cái chuyện hết sức bình thường.

Thầy Trong Suốt: Câu hỏi là có hạnh phúc không?

Bạn Đăng: Hạnh phúc hay không lúc đấy cảm giác không biết được Thầy ạ. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Lúc đấy thì không biết nhưng sau này thì thế nào?

Bạn Đăng: Sau này thì con thấy cái việc đấy nó cũng là bình thường, không vấn đề gì cả. (Mọi người cười) Hạnh phúc hay không thì đúng là không biết được, bởi vì khả năng là với người đấy thì thời điểm đấy…

Thầy Trong Suốt: Hạnh phúc nhé, không phải là sướng, đúng không? (Mọi người cười)

Bạn Đăng: Vâng ạ. Thực ra như bây giờ con cũng không hiểu được là hạnh phúc hay không, nó như thế nào? Ví dụ việc con ly hôn, thì thời điểm không tốt, nhưng bây giờ thì con lại thấy chuyện đấy là ok. Vậy thì điều đấy cũng chưa phải là xấu hay tốt. Nó có thể xấu với người này nhưng nó lại tốt với người khác. Trong hoàn cảnh của vợ chồng con bây giờ, không ở với nhau nữa thì người phụ nữ ấy rất hạnh phúc, con thì tự do, tự tại hơn và thoải mái hơn. Vậy thì hạnh phúc hay không không thể đo lường được ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, ý là như này nhé! Do ngoại tình mà mình chia tay, do không hợp nhau mà chia tay đúng không?

Bạn Đăng: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Thì việc chia tay này chưa chắc đã là xấu, có khi là tốt. Đúng không?

Bạn Đăng: Dạ vâng.

Thầy Trong Suốt: Nhưng ý thầy là gì? Là người đàn ông đi ngoại tình thì họ có hạnh phúc không? Câu hỏi rất đơn giản!

Một bạn: Có lo lắng, có sợ hãi.

Thầy Trong Suốt: Lo lắng này, sợ hãi này!

Bạn Đăng: Cái đấy là có, có lo lắng Thầy ạ.

Thầy Trong Suốt: Làm sao lại hạnh phúc được?!

Bạn Đăng: Dạ vâng. Đây là kể chuyện thật như này, vì con có rất nhiều bạn là làm luật, nên con có hỏi thì biết được là trong luật dân sự, năm 2017 bắt đầu áp dụng ấy, là người đi ngoại tình mà làm ảnh hưởng đến tinh thần người khác thì mình sẽ có tội.

Thầy Trong Suốt: Phạm pháp.

Bạn Đăng: Phạm pháp đấy. Và một trong những quyết định ly hôn đó là mình không muốn người khác bị ảnh hưởng.

Thầy Trong Suốt: Được! Nhưng mà mình có hạnh phúc không? Hay mình cũng lo lắng, mình cũng sợ hãi?

Bạn Đăng: Có lo lắng chứ ạ!

Thầy Trong Suốt: Mình cũng lo, mình cũng sợ, mình cũng buồn.

Bạn Đăng: Cũng buồn, vâng, chắc chắn.

Thầy Trong Suốt: Kể cả người ta chưa biết thì mình có hạnh phúc không? Làm sao hạnh phúc được? Ở đây thầy không bàn việc con đã làm là đúng hay sai. Mà chỉ nói đúng cái trạng thái người đàn ông đi ngoại tình thôi, để cho người phụ nữ hiểu hơn ấy mà, vì phụ nữ không hiểu. Phụ nữ cứ tưởng ngoại tình là sướng, đúng không?

Bạn Đăng: Thật ra rất khổ Thầy ạ!

Thầy Trong Suốt: Đấy! (Mọi người cười to)

Bạn Đăng: Tại thời điểm đấy, cũng có nhiều đêm khóc một mình.

Thầy Trong Suốt: Đấy! (Mọi người cười)

Bạn Đăng: Rồi cũng thương vợ, thương con, nhưng mà… bởi vì mình… bản thân lúc đấy mình không kiểm soát được, mình đã sai rồi.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Nhưng mà để nói là có sướng đâu!

Bạn Đăng: Không sướng! Thực sự không sướng! Ví dụ mình ốm đau chẳng hạn, mình có thể bị bỏ ở nhà một mình, không ai chăm sóc, đấy là chuyện bình thường. Bởi vì mình cũng có gia đình, nhưng mà mình đã bỏ gia đình đấy rồi.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Đấy! Con đã hiểu ý thầy chưa?

Bạn Đăng: Đấy là câu chuyện 100% thật chứ không phải bịa làm gì hết.

Thầy Trong Suốt: Tốt! Cảm ơn bạn Đăng rất nhiều!

Bạn Đăng: Vâng ạ. (Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Dám nói ra là rất khó. Sự thật mà nói, đàn ông Việt Nam mà dám nói, dám nhận là “tôi đã ngoại tình rồi cực khó luôn! Rất dũng cảm! Đấy là người rất dũng cảm! Người dũng cảm là người dám đối diện với cái sai lầm của chính mình. Chúng ta rất giỏi phê phán người khác, nhưng mà chúng ta đối diện với cái sai lầm của chính mình, đấy mới thật sự là dũng cảm. Tài giỏi thật sự là đối diện chính mình.

3. Hai câu chuyện ngoại tình có hậu

Đấy, câu chuyện bạn đấy cho thấy thực ra đi ngoại tình có hạnh phúc đâu! Ngoại tình chẳng đem lại hạnh phúc cho ai. Cả người kia cũng không hạnh phúc, cả người thứ ba cũng không hạnh phúc luôn. Ở đây có ai là người thứ ba không nhỉ? Chắc không ai dám nói rồi? Nhưng mà nếu mọi người nếu nghe cả ba người tâm sự, thầy đã có n lần nghe ba bên tâm sự rồi, cả ba đều khổ, chẳng ai sướng cả. Mình cứ tưởng ngoại tình là… ai hạnh phúc? Chẳng ai hạnh phúc cả! Cả ba người nhé, cả người vợ, người chồng, và người thứ ba. Cả ba đều khổ. Đấy, đàn ông Việt Nam đấy, cũng đâu có sướng đâu! Phụ nữ Việt Nam thì chịu đựng trong…?

Một bạn: Vô minh.

Thầy Trong Suốt: …Vô minh đúng không? Đàn ông Việt Nam thì?

Một bạn: Ngoại tình….

Thầy Trong Suốt: Ngoại tình trong…?

Mọi người: Vô minh.

Thầy Trong Suốt: Khổ! Nỗi khổ vì sao? Vô minh! Không hiểu biết! Cho nên là cái chúng ta cần là giải quyết vô minh. Kẻ thù chung của cả ba người. Thôi, hai người thôi nhé! Vợ và chồng. Chồng ngoại tình đi. Thì kẻ thù của vợ có phải là chồng không? Mà là vô minh bên trong mình! Kẻ thù của chồng có phải là vợ, hay là người bồ không? Mà là vô minh bên trong ông chồng. Nên là vô minh là kẻ thù chung của cả hai, cả vợ, cả chồng. Như vậy chúng ta có chung một kẻ thù. Khi mà ông chồng mình ngoại tình ấy, cả chồng, cả vợ đều chung một kẻ thù là sự nhầm lẫn bên trong mình. Những nhầm lần bên trong mình làm cho mình khổ. Nên là mình thay vì đánh nhau, thì hãy gì? Đánh cùng một hướng thôi! Là đánh kẻ thù đấy! Ở đây cái thầy nói không phải là lý thuyết đâu. Một bạn trong nhóm mình luôn, có dám kể không thôi? Là hai vợ chồng đã cùng nhau đánh vô minh như thế nào? Không! Cái bạn cầm micro chính là bạn thầy đang nói! (Mọi người cười) Có dám kể hay không thôi, thầy không ép buộc. Hai vợ chồng đã cùng đánh vô minh thế nào? Có thể nói qua được không? Nói đi, cứ nói đi!

Tuệ Như: Dạ, hồi đó thì con phát hiện ra chồng ngoại tình, khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2016. Lúc đó thì con nghĩ là chồng con rất sướng. Nhưng mà trả lời câu hỏi “Đi ngoại tình có sướng không?”, thì sau này con mới biết là anh ấy rất khổ. Sau này khi mà anh ấy nghĩ về những hành động của anh ấy, cả một năm trời, anh ấy luôn phải để trên máy điện thoại một câu, gài cứ 5 phút nó bung lên một lần là: “Đừng…”, tựa tựa như là “Đừng tự trách chính mình nữa, đừng tự đau khổ về việc mình đã làm cho người khác khổ nữa”. Anh ấy rất là dằn vặt, và anh ấy phải sống với điều đó cho đến khi mà anh ấy thực sự tập được Pháp và trở nên tiến bộ hơn. Thì con mới hiểu và thông cảm được cái nỗi khổ của anh ấy như thế.

Ban đầu con với anh ấy… lúc nãy chị kia có kể câu chuyện cười là đòi 2 tỷ. Lúc đó con đòi hẳn 3 tỷ. (Mọi người cười) Và anh ấy chấp nhận luôn. Cho con hẳn 3 tỷ. Sau đấy thì con cũng không biết làm gì với 3 tỷ này. Nhiều quá, không biết làm gì! Đi phẫu thuật thẩm mỹ cho đẹp. (Mọi người cười) Nhưng mà con sợ chết lắm! (Mọi người cười). Sau đấy thì con thấy… mặc dù khả năng là mình vẫn cầm tiền trong tay, nhưng bây giờ mình thấy sụp đổ cái niềm tin của mình, thấy mình đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn khổ thế này thì bây giờ lấy thêm một anh nữa thì cũng khổ thôi. Thế bây giờ không biết làm gì với 3 tỷ? Rồi những cái suy nghĩ, những sự đau khổ nó dâng lên, sau đó con quyết định đi tự tử. Nhưng mà con cũng chưa đủ gan đi tự tử nữa, thì gặp được Sư phụ và may mắn thế nào mà chồng con cũng muốn chiều con đấy ạ. Hai vợ chồng có thử rất là nhiều cách, ví dụ như là đi cắt tiền duyên này, đi sắp thầy phong thuỷ này, đi coi… coi xem là bây giờ mình đập nhà, phá nhà vệ sinh hay là như thế nào để cho phong thuỷ nó tốt, để cho chồng tốt với mình. Nói chung là thử tất cả các cách…

Hôm đấy đến gặp Thầy, chồng con cũng tưởng chắc là lại đi gặp một ông phong thuỷ đây. (Mọi người cười) Thế nhưng mà đầu tiên Thầy cũng chia sẻ về cái cách mình quay vào mình sửa bên trong, rồi hai vợ chồng về. Lúc đó thì thực sự là mình vẫn có cảm giác là mình đè nén, mình nhịn đấy, nên thỉnh thoảng vài đêm con lại lên cơn cuồng nộ. Tức là tưởng nhịn được rồi, nhưng mà lúc lên cơn thì có thể đè chồng ra để… X. Ý là đè chồng ra để(mọi người cười) cảm giác là mình hơn cái cô kia ấy ạ, (mọi người cười) hoặc là có mấy hôm thì mắng chồng Thật ra con thấy cả con và chồng con mà không quyết tâm sửa mình thì chắc chắn là cái mình đè xuống, nó lại dâng lên. Thì hai vợ chồng quyết định là chuyên tâm học hành, thi cử vào nhóm Trong Suốt. Rồi tụi con, ví dụ như gặp mặt nhau mà tập không được ấy, thì chia hẳn ra hai phòng. Rồi có khi là con ở bên nhà ngoại, anh ấy ở bên nhà nội. Rồi tụi con có nguyên tắc là, ví dụ như cãi nhau mình cố gắng không phản ứng ra bên ngoài, quay lại bên trong mình xem cái sai của mình là gì.

Thì sau đấy thì con thấy chồng con có những thay đổi rất là tuyệt vời. Con thấy từ cái cách mà anh ấy phản ứng ra với cuộc sống hàng ngày, rồi anh ấy ở Sài Gòn và trông con cho con, để con ra ngoài Hà Nội gần Thầy, được học với Thầy. Anh ấy cũng hiểu Phật Pháp và hiểu về sự thật ấy, nên bây giờ sự đau khổ của anh về câu chuyện trong quá khứ, con nghĩ là đỡ hoặc là hết rất nhiều rồi.

Ngày xưa thì hai vợ chồng đều mong muốn đạt thành công trong cuộc sống như nhà cửa này, hoặc là mua x.. Bây giờ thì cả hai đều có thể nhìn về một hướng ấy ạ, là có thể quay vào mình, luôn luôn sửa bên trong mình, và mình hướng tới Sự thật. Và lúc cả hai người có vấn đề mâu thuẫn với nhau và cùng nhận ra sự thật thì đó mới là cái sự hoà hợp lớn nhất ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Rất tốt! Đã nhận ra. (Mọi người vỗ tay) Thấy hay không? Thú vị không? Cuối cũng kẻ thù chung của cả vợ và chồng không phải là cái gì khác ngoài…?

Một bạn: Vô minh.

Thầy Trong Suốt: Vô minh! Những nhầm lẫn bên trong mình. Nghĩa là cái nhà này hai người cùng sửa. Thế là 3 tỷ, được hẳn 3 tỷ đúng không? (Mọi người cười) Lại còn được cả chồng, mà lại không mất gì luôn! Đấy, đấy! Con muốn biết thế nào là Trí tuệ. Đây, Trí tuệ đây! Hiểu chưa? (Mọi người cười) Còn nếu chỉ 2 tỷ không thì chưa phải trí tuệ! 2 tỷ này, kéo chồng vào con đường sửa. Xong sửa được cả hai. Đấy, Trí tuệ xịn. Đấy, bạn nào mà đang gặp hoàn cảnh khó khăn thì có thể gặp bạn Tuệ Như chia sẻ cách thế nào để Trí tuệ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, bạn kia có muốn nói gì? Em giơ tay đúng không? Câu gì? Ngoại tình có sướng không hả? Cứ câu gì con nói được. Hôm nay đàn ông được ưu tiên.

Một bạn nam: Ngoại tình thì đau khổ hả Thầy?

Thầy Trong Suốt: Ừ, nói bất kỳ cái gì cũng được.

Bạn đấy: Vâng. Con xin vài phút để kể một câu chuyện.

Thầy Trong Suốt: Được!

Bạn đấy: Vâng. Khi lấy vợ 8 năm trước, thì 3 năm đầu rất là hạnh phúc. Sau đó nó cứ giảm dần, đến mức độ vợ con hỏi con là “Anh còn yêu em không?”, thì con trả lời tỉnh bơ là “Không còn yêu nữa”. Vợ hỏi không còn yêu vì lý do gì? Thì toàn là những điều vụn vặt trong cuộc sống thôi. Thì cách đây khoảng 3 năm, lúc…

Thầy Trong Suốt: Vụn vặt ví dụ như cái gì? Vụn vặt như cái gì?

Bạn đấy: Về nhà con nhìn thấy nhà bẩn là con khó chịu. Nó cứ bị đè nén.

Thầy Trong Suốt: Ừ, đúng rồi!

Bạn đấy: Đấy, sau đấy là ví dụ con khóc vợ đang dỗi mình thì không dỗ con chẳng hạn. Thế là con cũng điên tiết lên con đập đồ trong nhà luôn.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Thế thì năm 2015 2016 vì công việc con lại vào Sài Gòn. Và trong thời gian đó, con đã có nhiều lần đi quan hệ với gái mại dâm. Con giữ kín chuyện đấy mãi nhiều năm với nỗi sợ hãi, sợ bị bệnh, sợ bị phát hiện, và không dám nói bất kỳ ai. Tức là cái chuyện đấy con đi một mình và không ai biết luôn. Đến ngày con nhận ra rằng, khi mình hiểu về nhân quả rồi thì những cái… việc mình đã làm thì chắc chắn là sẽ trổ quả. Và cái quả đấy khiến cho mình sẽ bị đoạ vào địa ngục, và không có cơ hội tu hành tiến bộ nữa. Thì việc đầu tiên là con có sám hối với cả người Thầy của mình.

Nhưng mà sau khi sám hối xong thì con thấy rằng, nếu như mình không dám đối diện và nói với vợ mình những điều đó thì nó cũng không giải quyết được. Thì con có nói với vợ. Nhưng mà thời điểm con nói lúc đó thì có vẻ như vợ lại hiểu lầm ý của con. Tức là vợ con không hiểu là con đã gây ra chuyện đấy, nên lúc đó thì cô ấy bùng phát lên, cô bảo là “Thật kinh tởm!“, rồi là gào thét lên. Nhưng con thấy đến ngày hôm sau cô ấy dịu hẳn đi rồi không thấy nói gì nữa. Cho nên con mới lầm tưởng là cô ấy tha thứ và dễ như vậy, tiến bộ nhanh thế. (Mọi người cười)

Mình mới thấy là vợ mình tiến bộ nhanh quá. Nhưng mà đến gần đây, trong một lần tình cờ Thầy có hỏi gì về chuyện đó, thì khi vợ con nói ra thì con hiểu là: Hình như cô ấy đang hiểu lầm, cô ấy không biết rằng mình đã… Cái lần thú tội trước là mình đã nói rõ để cô ấy hiểu, mà cô ấy lại hiểu lầm. Cô ấy vẫn đang chỉ nghĩ rằng là mình đang nói đùa hay sao ấy. Thì con mới quyết định lần này phải kể chi tiết ra. (Mọi người cười).

Thì cách đây khoảng… 5 hôm gì đó. Con hỏi Thầy là: “Có vẻ như vợ con đang hiểu lầm ý của con hôm trước, thì con có nên kể ra một lần nữa hay không?”. Thầy mới nói là: “Nên kể, nhưng chờ về Hà Nội rồi hãy kể. Thế nhưng không biết thế nào, linh cảm của người phụ nữ, nên là trên taxi đi xem phim thì vợ con có gọi con ra cà phê và bảo: “Anh nói đi, có chuyện gì anh nói đi!“. Thì con kể thôi, con kể câu chuyện con đã làm. Thì… lúc đó vợ con mới hiểu câu chuyện. Và trong bốn hôm vừa rồi, cả vợ con và cả con đều lăn lộn để tập.

Thầy Trong Suốt: Ừ, tốt! Rất tốt!

Bạn đấy: Thì … Có kể nốt phần hai không? (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Phải tập thôi, mọi người phải tập, khi mình khổ ấy. Những cái bạn vừa xong đều là học trò của thầy đang dạy hết, thì các bạn có cùng một quan điểm: “Nếu mình khổ không phải do người kia, hay do bên ngoài”. Tất cả các bạn vừa xong, con hãy nghe mà xem.

Bạn đấy: Vẫn còn phần hai nữa ạ.

Thầy Trong Suốt: Kể đi!

Bạn đấy: Vâng ạ. Đó là khi mà con thú tội với vợ thì vợ cũng thú tội với con. (Mọi người cười và vỗ tay) Đó, và nó cũng đã xảy ra. Xảy ra bởi vì là cả hai đều thấy thiếu thốn tình cảm. Thì cái mà bốn hôm vừa rồi con tập là chính tập cái phần đó. (Mọi người cười) Chứ còn nếu như mà nói là chỉ mình có lỗi xong mình tập thì mình có gì để tập đâu,mình là người gây ra lỗi, nhưng mà khi mà vợ con thú tội thì ... cái cảm xúc trong con nó cũng lụp bụp, lụp bụp, lụp bụp luôn.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Và trong suốt bốn ngày chỉ cần nghĩ đến… cái hình ảnh, hoặc là câu nói cô ấy nhắn tin cho người kia và nhắn một cái hình ảnh thôi con… là con đã lụp bụp, lụp bụp trong người rồi. Đó! Nhưng mà thực sự là khi có Pháp để tập, bi vì con thi đỗ một vòng cao hơn vợ, thì con có những cái tập nó mạnh mẽ hơn. T đến bây giờ khi mà con kể ra chuyện này, mặc dù nó vẫn cảm xúc, nhưng mà con đã cảm thấy rằng là kể cả khi vợ mình có một quan hệ với người khác ấy, vẫn vui vẻ được.

Thầy Trong Suốt: Ừ! (Mọi người vỗ tay) Rồi, chúng ta quay lại với chủ đề nhỉ? Chuyện hay không?

Mọi người: Hay ạ.

Thầy Trong Suốt: Đây là ví dụ thật nhé! Và đấy không phải là một chuyện hiếm có nhé, mà có rất nhiều trong xã hội mình. Thường mọi người quay ra ngoài đánh nhau, rồi cuối cùng là cả hai cùng khổ. Nên là các bạn ở đây muốn hạnh phúc thì phải sửa bên trong hay bên ngoài? Mình muốn hạnh phúc thì muốn sửa bên trong hay bên ngoài?

Một bạn: Bên trong ạ.

Thầy Trong Suốt: Sửa bên trong là con đường số mấy dẫn đến hạnh phúc?

Một số bạn: Duy nhất ạ.

Thầy Trong Suốt: Sửa bên trong là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc. Duy nhất luôn! Đấy! Bạn nào còn nghi ngờ thì cứ… cứ sửa bên ngoài đi. Một thời gian nữa sẽ biết.

IV. THAY NHỮNG NHẦM LẪN BÊN TRONG MÌNH BẰNG TRÍ TUỆ

1. Mình hạnh phúc là giúp ích cho mọi người xung quanh

Một bạn nữ: Dạ chào Thầy, và chào tất cả mọi người. Chồng con ở bên Singapore, con ở đây. Hai người vẫn yêu nhau bình thường, vẫn quan tâm nhau bình thường. Nhưng vấn đề là vài tháng mới gặp nhau một lần.

Tuy nhiên chồng con đang trải qua một cái giai đoạn giống Thầy ngày xưa là… Tức là anh ấy ngày xưa rất là thành công, rất là giỏi. Ví dụ Việt Nam mình có Viettel, thì bên Singapore có cái Singtel, thì anh ấy từng là tng giám đốc ở đấy, kiểu như thế. Mà sau đấy thì anh ấy thích làm riêng những cái của anh ấy, v.v… rồi nhiều thứ khác, dẫn đến là sập liên tục, sập, sập, sập. Thì hiện tại con thấy vấn đề không nằm ở chỗ tình cảm còn hay không, mà anh ấy có một mặc cảm rất lớn với vợ.

Thầy Trong Suốt: Ừ, mặc cảm gì?

Bạn đấy: À, mặc cảm rất lớn là mình cưới vợ về, mình nói phải chăm sóc, lo lắng, yêu thương vợ nhưng bây giờ là mình sập, mình sập thế này thế kia. Rồi mình không có khả năng tài chính để chăm lo cho vợ. Về phía con thì lại… con có sai sai ở chỗ là, vì con nghĩ mình cần support cho chồng ấy, nên chuyện anh ấy sập cũng chẳng sao hết. Anh ấy sập thì con tự kiếm tiền, con lo cho con.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Vậy thôi, nó bình thường lắm. Nhưng mà mình càng như vậy thì lại bên kia lại càng thấy mặc cảm, dẫn đến là nếu mà gặp nhau… thì vẫn rất vui, vẫn rất là hạnh phúc, nhưng mà xa nhau ra một cái là anh ấy cuốn vào những cái anh ấy phải làm, v.v… và không thoát ra khỏi cái đó được. Tức là khi con cảm thấy hiện tại con bình an rồi, thì con lại muốn là làm sao để cho chồng mình bình an. Tới chỗ này thì lại bất lực.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Dạ, nên giờ con đang không biết làm sao để giúp cho chồng mình thoát ra được cái này.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Thì con muốn hỏi Thầy là với đàn ông thì nên… để cho họ tự nhận ra hay là mình… nếu mình muốn giúp ấy, thì mình có thể có cách nào để mình giúp không?

Thầy Trong Suốt: Rồi! Đầu tiên là mình phải đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi đúng theo nguyên tắc lúc nãy là “Mình đã hạnh phúc hay chưa?”. Mình muốn giúp người khác thì điều đầu tiên là mình thấy hạnh phúc chưa? Mình đã biết cách làm cho mình hạnh phúc hay chưa? Mình chưa biết thì phải lo cách cứu được mình đã. Đấy, thì cái câu hỏi của con là mình biết tự hạnh phúc đi!

Bạn đấy: Dạ. Con đang tập thôi ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ, mình biết cách làm mình hạnh phúc, thì khi đấy, khi chồng con gặp con ấy, chồng con sẽ cảm thấy là không hề có một cái gì. Con vẫn hạnh phúc mà, nên chồng con không thấy gặp con có vấn đề gì hết. Tự cảm giác đấy dần dần nó sẽ làm mặc cảm đấy biến mất. Đấy! Cái mặc cảm đấy nó sẽ biến mất khi mà chồng con cảm thấy rằng con rất hạnh phúc, vui vẻ. Chồng con chẳng gây vấn đề gì cho con hết, thì nó chỉ còn là mặc cảm với chính mình thôi. Mà mình không thành công – với đàn ông, thì đấy là chuyện rất lớn. Thất bại là bắt đầu mặc cảm, nhưng mà không phải liên quan đến con. Không phải do mình không nuôi được vợ, mà là mình không thành công. Cái đấy anh ấy tự giải quyết, mình không giải quyết hộ anh ấy được đâu, nhưng mình giải quyết cái phần của gia đình.

Cái sự hạnh phúc của mình ấy, hạnh phúc, vô tư và trí tuệ của mình, mình nói Trí tuệ được mà. Mình có thể không nói về nhân quả, nhưng mình sẽ nói bằng cách khác. Đấy, thế là mình rất thoải mái, rất hạnh phúc. Anh ơi em thấy hạnh phúc cực kỳ luôn. Anh ơi, em đang rất vui, hạnh phúc khi anh phá sản đây!” – Nói đùa đấy! (Thầy cười). Ý là em vẫn hạnh phúc, dù anh có phá sản hay không thì hạnh phúc của em không bị động vào. Đấy! Còn anh ấy đang nghĩ rằng là gì? Hạnh phúc của con bị ảnh hưởng nếu anh ấy phá sản, nên anh ấy mặc cảm. Con phải chứng minh cho anh ấy “Thực sự là hạnh phúc của em là không thể động vào được, dù anh có phá sản hay không. Nên em vẫn rất là hạnh phúc. Anh không gây bất kỳ vấn đề gì cho em. Riêng như vậy là con giúp anh ấy rồi.

Mọi người hay có xu hướng nghĩ là gì? Mình hạnh phúc rồi ấy thì chẳng ích gì cho người khác. Không phải! Mình hạnh phúc là đã ích cho tất cả những người xung quanh mình. Ngay lập tức! Bởi vì mình không còn là vấn đề của họ nữa. Còn trước đấy nếu con không hạnh phúc, ông ấy đi nước ngoài về nhìn mặt con rầu rầu. Ví dụ như đang lo cho con cái gì đấy, nhưng ông ấy tưởng lại là gì – “À, cô này rầu rầu vì không kiếm tiền được đây”. Đấy! Nhưng mà nếu mà anh ấy thấy mặt con hớn hở từ sáng đến tối, chẳng rầu rầu gì thì anh ấy cảm thấy là: “Ừ, cô này chẳng bị ảnh hưởng bởi cái phá sản của mình. Vậy vấn đề chỉ còn vấn đề của mình mà thôi”. Nên khi mình hạnh phúc, nó tự động lan toả ra người xung quanh. Không nhất thiết mình phải đến cầm tay người ta giúp, mà mình làm cho người ta thấy rằng là mình chẳng có vấn đề gì. Người ta không gây vấn đề cho mình.

Bạn đấy: Đó thì thường… mỗi lần mà được gặp nhau ấy ạ, thì con vẫn… con vẫn thể hiện như vậy. Kể cả là… à kể câu chuyện này, tài chính...

Thầy Trong Suốt: Con phải nói tại sao! Nó không chỉ là thể hiện.

Bạn đấy: Dạ có. Con có nói

Thầy Trong Suốt: Anh ấy phải hiểu rằng là gì? Hạnh phúc của con ấy đến từ nội tâm của con, không phải đến từ tài chính.

Bạn đấy: Dạ, đúng rồi.

Thầy Trong Suốt: Vì nếu anh ấy thấy hạnh phúc của con đến từ tài chính, thì anh ấy thấy là: Nvậy mình không đem lại tài chính cho cô ấy. Hạnh phúc của con đến từ nội tâm.

Bạn đấy: Dạ.

Thầy Trong Suốt: “Em có một loại hạnh phúc không thể phá vỡ được dù anh có phá sản hay không”. Con phải làm cho anh ấy hiểu điều đấy.

Bạn đấy: Dạ. Mỗi lần anh ấy qua thì con phải cố con giải thích, nói chung cũng không phải là dùng thuật ngữ hay gì cả. Giải thích… anh cũng rất là ok, anh thể hiện là anh hiểu. Sau đó là anh cũng vô tư lên luôn. Nhưng mà cứ về lại bên đó thì thường ngày thứ hai bắt đầu anh ấy…

Thầy Trong Suốt: Thì lúc đấy vấn đề không phải là của con, hay là con nữa. Chồng con nghĩ nhầm. Không thành đạt trong sự nghiệp của chính mình đối với đàn ông là vấn đề lớn.

Bạn đấy: Dạ đúng rồi. Hoặc là khi ở Việt Nam thì anh ấy rất là vui. Nhưng khi về nhà vợ mà thấy bố mẹ con càm ràm hay gì đấy thì lại bắt đầu bị như thế.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Chuẩn rồi! Vì anh ấy cảm nhận được rằng bố mẹ con không hạnh phúc vì anh ấy.

Bạn đấy: Dạ đúng rồi.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Đấy là ví dụ rõ luôn đấy. Ở với con thì vui, mà gặp bố mẹ phát thì… hết vui ngay. Vì anh ấy cảm nhận được gì? “Hai người này đang không hạnh phúc vì tôi đây này”.

Bạn đấy: Dạ. Thế thì… bây giờ con nên làm gì?

Thầy Trong Suốt: Nếu con làm được phần một rồi, là gì? Là anh ấy hiểu rằng, sự thất bại của anh ấy không ảnh hưởng đến con, là con đã giải phóng cho anh ấy một nửa gánh nặng trên vai. Đúng không? Xong! Theo thầy thì đến đấy là đủ. Vì cái phần kia con không thể làm được. Cái phần mà anh ấy tự vượt qua thất bại của chính mình ấy, đấy là cái người đàn ông trưởng thành mới làm được. Còn đàn ông chưa trưởng thành ấy, thành công thì rất là kiêu, thất bại thì thấy mình chẳng khá gì cả, xấu hổ. Đàn ông trưởng thành là đàn ông mà thất bại mà vẫn giữ được sự bình tĩnh. Cái đấy con không giúp nổi đâu.

Cái đấy phải đi tìm, hoặc là ông ấy tự vượt lên chính mình. Ông ấy phải tìm một người thầy chỉ cho ông ấy cách. Chứ con thì chưa, con có cách giúp duy nhất là con trở thành cái ông thầy đấy – bà thầy! Nâng cấp lên, nâng cấp tiếp đấy! Hôm nay mình nói về nâng cấp đúng không? Con có hạnh phúc rồi, đúng không? Nhưng con phải hiểu thời thế của con người hơn nữa, để con có thể giúp được những người như vậy. Khó đấy! Nên là nếu con muốn thì con thử, tập đi! Nhảy lên xe đạp đi, tại vì hạnh phúc cá nhân mình chưa đủ.

Thầy rất hạnh phúc, nếu mà nói về cá nhân ấy, nhưng mà tự nhiên mình thấy là tại sao mình ôm cốc nước đầy, mình không chia sẻ cho những người đang khát nước? Con cũng thế thôi! Nếu con nghĩ như vậy, con thấy là xung quanh con còn quá nhiều người khát nước, mà con thì cốc nước quá đầy, con sẽ tìm cách có nhiều nước hơn để chia sẻ. Mà cái đấy thì không bao giờ đủ. Vì những người khát nước này là vô tận. Đấy! Vô tận đấy!

Nên con nâng cấp lên. Nếu con thực sự hạnh phúc, hãy tìm cách trí tuệ hơn nữa để mình có thể đem hạnh phúc đến cho nhiều người hơn. Có thể không phải chồng mình luôn. Chưa chắc đã phải chồng mình. Chồng mình muốn giúp được phải có duyên. Thầy muốn giúp con, chẳng hạn, phải có duyên với nhau. Nên chưa chắc là cái sự hạnh phúc của con giúp được chồng, nhưng chắc chắn là giúp được những người nào có duyên với mình. Nên là mình nâng cấp lên. Đấy, lúc đấy thì khác đi. Đấy là một cuộc sống rất ý nghĩa. Nếu mình có khả năng hạnh phúc, thì cái việc giúp đỡ người khác cực kỳ ý nghĩa, ý nghĩa hơn là mình chỉ có tự hưởng, nếu con làm như thầy nói.

Bạn đấy: Nói mình đã hạnh phúc rồi thì con không dám nói đâu. Chỉ đang chấp nhận được cái đấy, rồi bình an trên cái đấy thôi.

Thầy Trong Suốt: Nếu chưa thì phải nâng lên. Nói đùa thôi, nói đùa thôi. Ừ. Con phải cố gắng, nói thế thôi.

Bạn đấy: Dạ.

Thầy Trong Suốt: Con phải hạnh phúc bằng trí tuệ. Câu hỏi rất dễ: Muốn biết mình đang hạnh phúc bằng trí tuệ hay bằng hoàn cảnh nhé, thì hỏi là: “Nếu hoàn cảnh mất đi, hoàn cảnh này này, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc mất đi, mình còn hạnh phúc hay không?”. Nếu câu trả lời là “Còn” thì mới gọi là hạnh phúc bằng trí tuệ. Câu trả lời là “hết” thì là mình hạnh phúc nhờ hoàn cảnh bên ngoài. Giống bạn Ngân lúc nãy đấy. Hạnh phúc đấy nó không bền vững. Hoàn cảnh rụng là rụng theo luôn.

Nên con phải nâng cấp lên đoạn đấy. Như vậy chúng ta ngồi đây không phải ai cũng là người khổ, có những người đang hạnh phúc, nhưng mà hiểu là hạnh phúc đấy, nó đến từ trí tuệ hay đến từ hoàn cảnh. Nếu đến từ hoàn cảnh thì chưa đủ, rất là dễ rụng. Nâng cấp nó lên!

Bạn đấy: Cảm ơn Thầy ạ.

2. Trí tuệ là chấp nhận thực tại

 Một bạn: Em chào Thầy và chào toàn thể hội trường. Cho em xin hỏi mt câu hỏi là: Vừa rồi có một cô có nói rằng, mình vô minh trong vòng 30 năm bởi vì cô không thể để cho con mình không có bố, t trường hợp của con là con chấp nhận là không ở với anh ấy nữa. Nhưng mình phải… giằng xé giữa xã hội với việc mình có con rồi. Trong suốt cả buổi, em hiểu rằng mình cầncon thì mình mới hạnh phúc… Thì liệu rằng cái việc có con làm mình cảm thấy hạnh phúc bên ngoài mình hay không? Tuy nhiên, bây giờ con quá nhỏ để mà… để mà có thể bỏ nó đi.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Rời xa?

Bạn đấy: Thì cái mà khiến con rất đau khổ là… mình phải giằng xé, liệu mình có ích kỷ cá nhân không? Thì con trả lời được câu hỏi rằng: Mình không phải là người ích kỷ và mình thấy con còn quá nhỏ để mình có thể buông. Nên bây giờ mình cần phải đối diện với nó để mà có hạnh phúc cho con và hạnh phúc cho chính mình. Tuy nhiên con vẫn chưa biết làm thế nào, cả về mặt luật pháp lẫn cả chính cái tâm của mình.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đấy: Thì khi nhờ đến luật pháp thì thấy phía mình có rất là nhiều khiếm khuyết. Con thấy rằng bản thân mình rất là yếu. Và có lẽ là mình đã bị bạo hành về tinh thần quá lâu, khiến cho con thấy là không cần thiết gì cả.

Thầy Trong Suốt: Bây giờ con đứng trước một việc là ly dị và để con chồng nuôi đúng không?

Bạn đấy: Con đã quyết định ly hôn rồi. Và chồng con đang giữ con ạ.

Thầy Trong Suốt: Chồng con nuôi là luật pháp quyết định như thế hay là chồng giữ con bất hợp pháp?

Bạn đấy: Con chấp nhận ly hôn, được ly hôn.

Thầy Trong Suốt: Và chồng nuôi?

Bạn đấy: Vâng ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Xong rồi chứ gì?

Bạn đấy: Xong rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Và đấy là hợp pháp rồi đúng không? Thế là pháp luật công nhận rồi chứ gì?

Bạn đấy: Vâng ạ.

Thầy Trong Suốt: Thế thì quá đơn giản rồi. Việc của con là chấp nhận thực tại. Cái thực tại đấy là sự thật rồi, nó xảy ra rồi còn đâu, đúng không? Nên thầy nói việc của con bây giờ là chấp nhận trong trí tuệ. Đấy là cái thực tại đã xảy ra, giả sử chưa xảy ra thì sẽ ngồi bàn nhau xem nên làm gì. Nghĩa là cái thực tại đã xảy ra rồi, thì người có trí tuệ ấy, việc đầu tiên là chấp nhận.

Ví dụ cho dễ hiểu này. Thầy ngồi đây, có một cái đèn rơi xuống, đứt lìa chân ra luôn. Việc đầu tiên thầy sẽ làm là chấp nhận. Chẳng vấn đề gì! Đã mất một cái chân rồi. Chứ không phải là: Ôi trời ơi, sao cái chỗ này nó lại tệ thế nhỉ? Sao mà đời bất công với tôi thế nhỉ? Sao đời lại khổ với tôi thế này! Đời bất công với tôi thế này! – Không! Cái đấy là cái không đáng làm. Cái đấy xảy ra rồi còn đâu nữa. Làm thế thì chỉ có khổ. Khổ và vô minh.

Bước 1: Chấp nhận thực tại. Bước 1 bao giờ cũng là chấp nhận thực tại. Đấy, cái đấy con còn chưa làm được. Mà làm xong đi! Bước 1 chấp nhận bằng trí tuệ. Chứ không phải bằng nghiến răng chấp nhận – không phải cái thầy nói. Nếu thầy đứt cái chân ra đây, thì thầy hiểu: “À, đây là một việc, hành động hoàn toàn phù hợp với cả quy luật tự nhiên của nhân quả. Đấy, cái số, nhân quả của mình đấy, nên chẳng vấn đề gì! Và đứt chân ra vẫn tu được, nên chẳng vấn đề gì”. Đấy ví dụ thế – đấy gọi là có trí tuệ. Như vậy thì con phải chấp nhận thực tại bằng trí tuệ đã. Cách đấy có thể con học được từ việc nghe những bài ghi âm thầy đã từng giảng. Chấp nhận nhân quả, chấp nhận thực tại bằng trí tuệ.

Bước 2 là gì? Sau khi chấp nhận rồi, mình sẽ có lựa chọn “Tôi phải làm gì bây giờ?”. Mình chưa chấp nhận thì không có lựa chọn đâu. Chưa chấp nhận thì cái cảm xúc của mình, nó không làm mình có lựa chọn luôn. Mình hành động theo đúng một hướng duy nhất là đau khổ. Đau khổ và nhầm lẫn. Nên việc đầu tiên ấy là chấp nhận bằng Trí tuệ. Bước thứ 2 là Lựa chọn. Bây giờ con có những lựa chọn gì phải đem ra bàn, đúng không? Nhưng mà gì? Cái lựa chọn nào đem đến hạnh phúc bền vững thì đấy là lựa chọn nên chọn. Cái lựa chọn nào mang đến đau khổ thì không nên chọn. Cái hạnh phúc nào mang đến hạnh phúc tạm thời, thì có thể chọn hoặc không, nhưng phải ưu tiên cái bền vững hơn.

Thế trong hoàn cảnh của con thì cái lựa chọn nào sẽ mang đến đau khổ? Cái lựa chọn nào mang đến hạnh phúc tạm thời? Và cái lựa chọn nào mang đến hạnh phúc lâu dài? Đấy! Con sẽ có 3 thứ tự ưu tiên. Xong mình quyết tâm đi vào con đường hạnh phúc lâu dài thôi.

Như vậy cái đầu tiên con cần là Chấp nhận. Chấp nhận xong mình sẽ có Lựa chọn. Nhớ đấy! Không chấp nhận thì không có lựa chọn. Không chấp nhận thì cảm xúc nhầm lẫn, hằn thù, cay đắng dẫn mình đi, chứ không phải là lựa chọn đúng đắn dẫn mình đi. Không chấp nhận thì không có lựa chọn đúng đắn nào hết. Chấp nhận xong mới nhận ra “Nào, cái nào bền vững lâu dài?”. Cái gì là hạnh phúc tạm thời? Thì lúc đấy là câu hỏi của con. Như bạn này, bạn lấy 2 tỷ là hạnh phúc tạm thời này. Đấy! Mỗi người sẽ có cái hạnh phúc tạm thời của riêng mình. Hay ví dụ được quyền thăm con, hoặc gì đó mà hoàn cảnh của con sẽ có. Cái gì gây ra đau khổ thì không làm. Tự tử không làm, ví dụ thế. Có bạn muốn tự tử, không làm!

Vì con chấp nhận rồi nên con rất sáng suốt. Vì con sáng suốt nên con sẽ dồn sức được cho cái lựa chọn nào mang đến hạnh phúc. Và con sẽ không bỏ công bỏ sức vào cái lựa chọn không hạnh phúc. Đấy! Cách thì như thế. Còn cái con thiếu bây giờ là chấp nhận. Cái cách trình bày câu chuyện của con ấy, nó thể hiện ngay là chưa chấp nhận được. Vậy thì con cần phải học cách chấp nhận. Có thể sau buổi hôm nay, con nghe thêm các bài Trà đàm về tình yêu, về duyên phận, về nhân quả. Phải dần dần…

Bạn đấy: Thưa Thầy, Thầy có thể nói rõ hơn là chấp nhận cái gì? Chấp nhận rằng mình đã ly hôn và không có con, đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Thậm chí mình chấp nhận cái tệ hơn nữa. Cái mình tưởng tượng ra. Vấn đề của con không phải chỉ là chấp nhận ly hôn, không có con, mà con còn tưởng tượng một tương lai đen tối sau lưng. Mình sẽ sống già như thế nào? Không ai đoái hoài thế nào? Không có tình cảm mẹ con thế nào? Cái đấy là cái đống mà con sợ. Phải chấp nhận cả cái đống đấy luôn. Đấy! Đấy gọi là chấp nhận trọn vẹn cái đang xảy ra, và cái mà con sợ sẽ xảy ra. Con chấp nhận vì nếu nhân quả con như vậy, nó cứ thế thôi. Chấp nhận cuộc đời bản chất là vô thường và không toại nguyện. Vô thường mà, chuyện gì chẳng thể xảy ra được.

Bạn đấy: Con nghĩ rằng mình vẫn chưa chấp nhận được việc là… con không biết là hiểu đúng hay không, nhưng con cái sau này cũng sẽ lớn, nó có cuộc sống riêng của và mình không thể bám vào con được.

Thầy Trong Suốt: Ừ, tốt!

Bạn đấy: Tuy nhiên thì đứa trẻ còn nhỏ và nó cần sự trông nom của con. Chứ không phải vì con cần con để sau này có người nương tựa, để có người chăm sóc mình. Không phải là như thế!

Thầy Trong Suốt: Thì con phải chấp nhận cái đấy, cái con vừa nói ấy – một đứa trẻ không có mình. Chấp nhận không có nghĩa là cam chịu. Chấp nhận để mình có lựa chọn. À! Cái này hơi tinh tế một chút. Chấp nhận không phải là “Thôi, mình chấp nhận luôn!”, là “Thôi, bỏ đi luôn”. Không phải! Đầu tiên, mình chấp nhận là đã chia như thế rồi, tức là có thể mình sẽ bị anh ấy ngăn cản, cấm đoán, đuổi đánh, đánh đập, không bao giờ tiếp cận được đứa con nữa. Bây giờ sư phụ hỏi con là: điều đó có thể xảy ra không? Có không? Hoàn toàn có thể đúng không? Đúng không? Vậy không chấp nhận thì còn làm gì nữa? Một điều hoàn toàn có thể xảy ra mà mình không chấp nhận được thì mình khổ, mình điên. Mình chấp nhận thì mình sáng suốt. Sáng suốt thì mình sẽ bình tĩnh: “À, bây giờ bình tĩnh. Chấp nhận xong nhé, mình sẽ bình tĩnh gặp anh ấy và nói gì? Thoả thuận phương án để mình có thể gần con. Không phải là sở hữu con, mà gần con.

Bạn đấy: Dạ chồng con không nghe thoả thuận ạ.

Thầy Trong Suốt: Thì đấy, vì con chưa đủ bình tĩnh. Con hãy bình tĩnh trở lại đi. Con hãy đến với một thái độ khác. Người ta vừa nói một câu, con đã run bắn lên rồi, làm sao mà con thoả thuận được. Người ta mới doạ một cái con đã sợ hết vía rồi thì thỏa thuận thế nào được? Con chỉ thoả thuận được khi nào? Khi mà con có sự bình tĩnh sắt đá trước một người chồng như vậy, thì con mới có cơ để thoả thuận. Đấy là cái con nên tập để có trước đi đã. Cái bình tĩnh đấy người ta không thể nào đánh đổi được luôn.

Đấy! Con đã là thành viên của Câu lạc bộ chưa? Thế con gặp bạn nào đấy, bạn ấy sẽ chỉ dẫn cho con các phương pháp tập. Tập xong thì con sẽ có một sự bình tĩnh sắt đá. Lúc đấy mới là lúc nói chuyện được. Đấy! Còn bây giờ, lúc này con bị cảm xúc chi phối quá mạnh, chưa nói chuyện được đâu. Nhưng mà sẽ làm được. Trong nhóm này có những người còn gặp chuyện khủng khiếp hơn con nhiều. Những người đàn ông kia còn ghê gớm hơn chồng con nhiều, mà họ cũng vượt qua hết. Nên là không có gì đáng sợ cả. Cái sợ, phần lớn là con tưởng tượng. Cái sợ con đang có bây giờ ấy, phần lớn mình tưởng tượng: “Ôi giời ơi, sẽ kinh lắm đây, sẽ sợ lắm đây, sẽ ghê lắm đây!”. Cái đấy mình tập, mình tập mình sẽ hết. Lúc đấy mình sẽ đối diện với sự thật, và mình có loại bình tĩnh sắt đá. Trong một buổi này không nói hết được, nhưng mà đấy là con đường mà con sẽ đi qua, nếu con muốn vượt qua được cái này. Rõ chưa?

Bạn đấy: Cảm ơn Thầy ạ.

Thầy Trong Suốt: Tiếp đi, còn bạn nào? Rồi như vậy là hôm nay chúng ta đi hơi xa nhỉ? Đúng không? Quay về đúng không, đi xa phải quay trở lại. Quay lại một chút! Hôm nay chủ đề chúng ta là gì nhỉ? – “Người phụ nữ hiện đại có cần phải đặt gia đình số 1 không?. Người phụ nữ truyền thống thì gia đình là số 1. Đấy, thì hy vọng là mỗi người ở đây sẽ có một kết luận cho riêng mình. Có thể là có người đồng tình, người không, nhưng mà mỗi người sẽ có một nhận thức mới về việc có nên đặt hết mọi thứ, đặt việc chiều lòng gia đình, v.v… lên trên cái hạnh phúc bên trong của mình hay không?

Đấy, chúng ta có rất nhiều tấm gương về những người phụ nữ đã hy sinh vô cùng nhiều mà vẫn đau khổ rồi. Đấy là câu hỏi ngày hôm nay mới đặt ra.

Giả sử câu hỏi của chúng ta là: “Không, mình phải đi tìm cho mình một cách sống mới, có trí tuệ hơn, chứ không phải chiều người khác là hạnh phúc” – nếu những ai như vậy, thì nên hiểu thêm là gì? – “À, khi mình hạnh phúc hơn thì mình sẽ làm hạnh phúc cho những người xung quanh được. Còn khi mình đau khổ, thì mình dễ lây lan đau khổ cho người xung quanh”. Để thấy rằng cái công cuộc đi tìm hạnh phúc của riêng mình ấy, nó không phải chỉ cho mình, mà nó cho tất cả những người xung quanh mình, trong đó có chồng mình, con mình, bố mẹ mình… Đó là ý thứ hai rất quan trọng. Đấy là tinh thần không phải hạnh phúc cho một cá nhân, cho riêng mình mà là làm thế nào để hạnh phúc cho tất cả mọi người và cho mình.

Nếu ai đã quyết định đi vào con đường, đi xa hơn ấy, thì hãy nhớ câu nữa là gì? Là sửa bên trong là con đường duy nhất đến hạnh phúc. Để mình quyết tâm thay những nhầm lẫn bên trong mình bằng trí tuệ. Đấy! Thầy tóm tắt lại những ý chính của buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc mọi người sau buổi này sẽ có loại hạnh phúc thực sự, hạnh phúc bên trong bằng trí tuệ. Rồi, cảm ơn mọi người! (Mọi người vỗ tay)

Minh Hiền: Vâng, thật ra chúng ta là những người phụ nữ, bản thân mình cũng là phụ nữ thì thấy rằng, người phụ nữ rất nhạy cảm với cả đau khổ và hạnh phúc. Thế nhưng từ trước đến nay mình chỉ biết chịu đựng đau khổ là chính. Hôm nay mình đã nhận ra một điều rằng: Chịu đựng đau khổ không phải là cách để hạnh phúc, mà là phải tìm cho mình một con đường, tìm cho mình cách để mình hạnh phúc. Cảm ơn Thầy Trong Suốt đã chia sẻ với chúng ta ngày hôm nay.               

Ai cũng có thể thực hành để an lạc và hạnh phúc ngay giữa đời thường.

Cùng nhau, chúng ta sẽ về nhà bạn nhé!