Zangthalpa – Phần 53: Thánh sư điên Thangtong Gyalpo – P3: Những thành tựu thế gian – Bậc Giác ngộ bận rộn nhất Tây Tạng từ xưa đến nay

Tất cả hội chúng đều rất háo hức lắng nghe thầy mình kể tiếp về vị Thánh sư điên. Zangthalpa uống một ngụm trà, tiếp tục câu chuyện.

Chương IV – Thành tựu thế gian 

1. Kỹ sư xây cầu

Việc sử dụng cây cầu và con thuyền làm biểu tượng cho sự giải thoát đã khá lâu đời trong văn học Phật giáo, thậm chí người ta còn nói rằng đây là hai trong số những hình tướng mà một vị Phật thị hiện để làm lợi lạc cho người dân. Việc xây dựng cầu và phà của Thangtong Gyalpo được thúc đẩy bởi sự quan tâm của Ngài đối với lợi ích của chúng sinh. Ý định vị tha này lần đầu tiên được liên kết với việc xây dựng những cây cầu sắt khi Thangtong còn sống ở Ấn Độ. Trong một lần nhập thất thiền định, Ngài đã có một thị kiến, trong đó Thangtong hạ những chiếc thang dài bằng ngọc vào bốn hố sâu và giải cứu nhiều chúng sinh bị mắc kẹt bên dưới. Sư phụ của Ngài, đạo sư người Ấn Độ Dharmaratna, giải thích rằng: bốn cái hố là bốn cõi thấp của luân hồi, và việc Thangtong bắc được thang lên các cõi cao hơn cho thấy rằng sau này Ngài sẽ xây dựng những cây cầu sắt chưa từng có qua những dòng sông đầy sóng gió.

Trong một thị kiến khác, Thangtong Gyalpo nhìn thấy một đám đông lớn băng qua một vùng nước rộng trên những cây cầu sắt và phà. Thangtong coi rằng điều này nghĩa là Ngài sẽ có thể cứu tất cả chúng sinh thoát khỏi bốn dòng sông sinh, lão, bệnh, tử. Hơn nữa, Ngài sẽ giải thoát họ khỏi những đau khổ của biển đắng luân hồi bằng những cây cầu phương tiện thiện xảo và trí tuệ. Những Dakini của xứ Uddiyana cũng thúc giục Ngài xây dựng những chiếc phà và những cây cầu sắt để tượng trưng cho sự giải thoát của chúng sinh. Bản thân Thangtong cũng nhấn mạnh điều này bằng cách thường gọi những cây cầu của mình là “con đường dẫn đến giác ngộ”.

Những mắt xích sắt để xây cầu được nung lỏng và chế tạo theo công thức luyện kim của Ngài Thangtong Gyalpo

Vào thế kỷ 14, thời của Thangtong Gyalpo, những cây cầu sắt là cực kỳ hiếm ở Tây Tạng. Phải mất tới 1 lượng vàng mới đúc được 22 mấu sắt trên cầu, bởi vậy xây dựng được một chiếc cầu sắt là cả một công trình vĩ đại và tốn kém. Chuyến thám hiểm đầu tiên mà Thangtong Gyalpo thực hiện nhằm tìm kiếm sắt được thúc đẩy bởi một sự kiện tại bến phà Lhadong trên sông Kyichu gần Lhasa. Thangtong muốn băng qua sông, nhưng vì vẻ ngoài rách rưới như một thằng điên của Ngài, người lái đò đã dùng mái chèo đập vào đầu Thangtong và ném Ngài xuống nước. Điều này khiến Ngài cảm nhận sự thống khổ của những người nghèo và bệnh tật. Ngài nguyện xây dựng những cây cầu sắt để mọi người có thể qua sông dễ dàng, đặc biệt với những người cần vượt sông cầu Pháp.

Những vị Dakini của xứ Uddiyana đã từng nói với Thangtong rằng Ngài có thể tìm thấy sắt ở Tsagong xứ Kongpo để xây cầu. Vì vậy, trong những năm 1420, Thangtong đã đi qua các khu vực thổ dân ở cực đông nam Tây Tạng. Ở đó, Ngài phát hiện ra sắt được làm ở những nơi như Tengtsar và Bhakha. Ngài đã thu thập được một lượng sắt lớn và thành lập một tu viện tại Tsagong xứ Kongpo, nơi Thangtong rèn bốn sợi xích sắt dài với những người thợ rèn địa phương. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của những người Kongpo, những sợi xích này đã được vận chuyển đến miền Trung Tây Tạng và được sử dụng cho cây cầu mà Thangtong đã xây dựng bắc qua sông Kyichu vào năm 1430.

Chiếc cầu sắt đầu tiên tại sông Kyichu, Tây Tạng

Với mục đích xây được những cây cầu sắt, Thangtong phải học môn luyện kim để có thể chế tạo được những móc sắt chắc chắn, phải học công nghệ cầu đường để có thể xây cầu qua những con sông khúc khuỷu và những dốc đèo sâu thẳm. Thangtong Gyalpo đã xây dựng và phát triển một phương pháp nung chảy sắt nhằm tạo ra những móc sắt mấu chốt đủ mạnh để kết nối các thanh sắt làm cầu, không bị hoen gỉ cho tới tận ngày hôm nay, sau sáu thế kỷ. Và quan trọng nữa là Ngài đã sáng tạo bằng nhiều phương tiện để quyên góp tiền mua sắt và trả tiền nhân công xây cầu. 

Ngài là người đã mở đường qua vùng đất của người thổ dân Kongpo, nơi ngài đã kiếm sắt để xây cầu, và mở đường cho các lữ hành Tây Tạng đến được những vùng đất linh thánh ở Tsari cho tới miền tây nam Dakpo, gần biên giới Ấn Độ. Chiếc cầu đầu tiên được xây dựng qua dòng sông Kyichu gần Lhasa vào năm 1430. Cho đến cuối đời, Ngài đã xây tổng cộng 58 cây cầu sắt, 60 cây cầu gỗ, và 118 cầu phà ở khắp vùng Himalaya, trong đó có 8 cây cầu ở Bhutan. Cho đến ngày nay, vẫn còn 4 cây cầu đang được sử dụng, đó là Tachog Chakzam, Doksum Chakzam, Dangme Chakzam và Khoma Chakzam.

Những cây cầu được xây bởi Thangtong Gyalpo vẫn còn đến ngày nay

 

2. Kiến trúc sư xây bảo tháp, người Thầy xua tan mọi bệnh tật và chướng ngại

Những cây cầu sắt của Thangtong Gyalpo đã cải thiện toàn bộ cách sinh hoạt và đời sống của nhân dân Tây Tạng, nhưng không giải quyết những vấn đề tâm linh lâu dài cho mọi người. Vì mục đích này, Thangtong đã xây dựng một số lượng lớn các bảo tháp – biểu tượng của Tâm Giác ngộ – ở các địa điểm trọng yếu trên khắp các vùng văn hóa Tây Tạng.

Thangtong Gyalpo lần đầu tiên tham gia vào việc xây dựng một bảo tháp khi Ngài hỗ trợ đạo sư Sakya Dakchen trong việc xây dựng bảo tháp khổng lồ của Gyang gần Lhatse vào khoảng đầu thế kỷ mười lăm. Bảo tháp này được kiến trúc gần giống một trong những ngôi đền đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước bởi Vua Songtsen Gampo với mục đích bảo vệ Tây Tạng khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.

Bảo tháp Dumste tại Paro (Bhutan) với đỉnh tháp bằng sắt cho chính tay Thangtong Gyalpo tạo nên vào năm 1432-1433

Bảo tháp đầu tiên mà Thangtong tự xây dựng là tại Waru Namtsel ở Kongpo. Nhiều năm sau, khi ở khu vực Paro của Bhutan vào khoảng năm 1433, Thangtong đã xây dựng bảo tháp Dumtse để đẩy lùi bệnh phong trong vùng. Cấu trúc ban đầu của di tích này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong số các bảo tháp khác mà Thangtong xây dựng tại các điểm trọng yếu, một bảo tháp ở Dartsedo vùng Minyak để ngăn động đất và một bảo tháp ở Je Bodong vùng Tsang để ngăn chặn chiến tranh. Bảo tháp tráng lệ nhất trong số những công trình này là Bảo tháp khổng lồ Tốt lành Nhiều cửa tại Riwoche vùng Lato Jang phía tây Tsang, là nơi ở chính của Thangtong. Một bảo tháp lớn khác ở Chuwori, một trong bốn ngọn núi chính của miền Trung Tây Tạng.

Cấu trúc của bảo tháp là phương cách chính để Thangtong Gyalpo thuần hóa các thế lực thù địch của một vùng đất. Thangtong đã được truyền cảm hứng từ cấu trúc của hai trong số các bảo tháp lớn được xây dựng ở Tây Tạng trước thời Ngài là tu viện Tropu được xây dựng từ những năm 1230, và bảo tháp tại Jonang do Dolpopa xây dựng từ những năm 1330. Khi đến cả hai nơi này, với vẻ ngoài như một kẻ ăn mày, không có tài sản nào cả, thậm chí không mặc quần áo, Ngài đều khiến những người xung quanh cho là điên khi la lớn, “Hãy xem liệu ta có thể xây một bảo tháp như thế này không!” 


Bản vẽ khu bảo tháp Chung Riwoche và xây dựng thực tế

Thangtong cũng nhận được nhiều lời tiên tri từ các vị Thầy của mình và các vị thần rằng Ngài nên xây dựng các bảo tháp ở Tây Tạng. Khi du hành đến hòn đảo Tamradvipa, Thangtong đã tới một Bảo tháp Tốt lành Nhiều Cửa cổ xưa và có những thị kiến với vị đại thành tựu giả huyền thoại của Ấn Độ là Savaripa và Kukkuripa, cả hai đều bảo Ngài xây một Bảo tháp Tốt lành Nhiều Cửa ở Tây Tạng. Savaripa nói một cách cụ thể với Thangtong rằng hãy xây dựng bảo tháp trên đỉnh của một ngọn núi hình con bọ cạp của Tây Tạng. Khi Thangtong đi vòng quanh bảo tháp ở Tamradvipa, Ngài đã cẩn thận ghi nhớ từng chi tiết kiến ​​trúc bảo tháp, kể cả cấu trúc mái vòm hai tầng của nó.

Sau khi trở về Tây Tạng, Thangtong Gyalpo nhìn thấy một ngọn núi hình con bọ cạp trên bờ bắc của sông Tsangpo phía tây Tsang. Ngài nhận ra rằng đó là địa điểm đã được tiên tri cho tu viện và bảo tháp của mình và đặt tên cho nó là Pal Riwoche (Ngọn núi vĩ đại vinh quang). Học trò của Thangtong và các thợ xây của quận Jang đã làm việc từ năm 1449 đến năm 1456 tại Riwoche để xây dựng một bảo tháp khổng lồ theo phong cách Bảo tháp Tốt lành Nhiều cửa. Phong cách nghệ thuật và cấu trúc của bảo tháp Riwoche trùng hợp với kiến ​​trúc bảo tháp cổ xưa mà Thangtong đã chiêm ngưỡng tại đảo Tamradvipa trong các chuyến du hành tới Ấn Độ và có nhiều điểm tương đồng với các bảo tháp trước đó ở Jonang và Gyang. 

Trong suốt cuộc đời mình, Thangtong đã xây dựng tổng cộng 111 bảo tháp. Những bảo tháp này trở thành trung tâm năng lượng của vùng. Tùy thuộc vào vị trí và loại bảo tháp, chúng giúp hỗ trợ kiểm soát sự xâm nhập của ma quỷ, dịch bệnh, chiến tranh và nhiều lực lượng phá hoại khác. Các tu viện và đền thờ cũng được xây dựng theo các nguyên tắc tương tự. 

 

3. Cha đẻ của nhạc kịch opera Tây Tạng

Để có thêm tiền xây cầu, xây phà, xây bảo tháp, Thangtong Gyalpo đã rất sáng tạo, Ngài sử dụng tài năng của mình, tạo ra hẳn một môn nghệ thuật mới, Ache Lhamo hay còn gọi là Opera Tây Tạng. Ngài đã thông qua những buổi biểu diễn opera để quyên tiền cho các công trình làm lợi lạc cho chúng sinh, một cách thức quyên tiền chưa từng có ở thời ấy. Những buổi biểu diễn này thu hút sự quan tâm của đông đảo dân chúng thuộc mọi tầng lớp khác nhau. Cũng nhờ những buổi biểu diễn này, những người giàu có, những người sẵn sàng đóng góp cho xây cầu, xây phà, xây bảo tháp đã biết đến các hoạt động của Thangtong Gyalpo một cách dễ dàng hơn.

Tibetan Opera

Thangtong đã sáng tác những vở nhạc kịch dân gian miêu tả cuộc đời của những bậc giác ngộ trong quá khứ, trong lời thoại có những đoạn thể hiện lời dạy của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài thành lập gánh hát opera đầu tiên ở Tây Tạng, gồm chín nữ học trò và một số nam học trò. Họ đi khắp Tây Tạng biểu diễn những vở opera nhạc kịch, tụng chú, qua đó truyền tinh thần Phật pháp cho mọi người và xua đuổi các tà ma chướng ngại làm hại chúng sinh. Ngày hôm nay, những nghệ sỹ nhạc kịch hay còn gọi là Buchen – “Những đứa con vĩ đại” – vẫn coi Thangtong Gyalpo là cha đẻ của nghệ thuật opera Tây Tạng. Họ thường biểu diễn tiết mục nhảy múa thanh gươm, với màn kết là hình ảnh Thangtong Gyalpo dùng gươm phá tan tảng đá tượng trưng cho con quỷ xấu ác tạo ra bệnh dịch. Trong màn diễn đó, Thangtong Gyalpo cưỡi một con đại bàng đuôi trắng bay đến Lhasa, trói con quỷ vào bên trong một tảng đá, mang nó đến chợ và dùng một con dao găm linh thánh xẻ tảng đá làm đôi.

Ache Lhamo còn gọi là Opera Tây Tạng, được biên soạn 7 chương bởi Thangtong Gyalpo và đến nay còn lưu truyền được 5 chương. Các nghệ sỹ Ache Lhamo hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phục dựng 2 chương còn thiếu.

Chương V – Bậc giác ngộ bận rộn nhất Tây Tạng từ xưa đến nay

Thangtong Gyalpo là một bậc giác ngộ cực kỳ bận rộn. Ngài vừa là bậc thầy của các giáo lý mật thừa, và đạt rất nhiều thành tựu tâm linh với chứng ngộ tối cao, vừa là tổng công trình sư vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng. Ngài là kiến trúc sư có nhiều công trình nhất, một người thợ rèn vô song, một kỹ sư dân dụng đầy sáng tạo, một nghệ sỹ bậc thầy, cha đẻ của ngành nhạc kịch opera Tây Tạng, và là một vị đại sư có tài xua tan bệnh dịch, chướng ngại và chiến tranh. Ngài vừa là một truyền thuyết, vừa là một nhân vật lịch sử vĩ đại. 

Những cây cầu sắt của Ngài được xây dựng trong hoàn cảnh đầy thách thức và địa hình cực kỳ hiểm trở, các công trình tu viện và bảo tháp của Ngài đã làm giàu cho văn hóa và lịch sử Tây Tạng suốt chiều dài hơn 600 năm. 

Khác với hầu hết các bậc thầy lớn khác, Ngài không bị giới hạn bởi các tiêu chuẩn nghi lễ ban phước và giảng pháp từ một chiếc ngai ở trên cao. Thay vào đó, các hoạt động xây dựng cầu sắt và các buổi biểu diễn opera cho phép Ngài tiếp xúc được với những khán giả đến từ vô số thành phần khác nhau của xã hội, từ những nhà tài trợ giàu có, đến những người hành khất, người dân thường, những thợ rèn và những người lao động giản dị. Theo cách này, những lời dạy của Pháp đã có thể thấm sâu vào từng tầng lớp của xã hội. Ngài cũng khám phá nhiều kho tàng giáo lý bí mật được cất giấu của Đức Liên Hoa Sanh, và đã truyền những giáo lý này cho nhiều người. Ngài đã tôn tạo vô số hình tượng, Kinh sách và các bảo tháp, tượng trưng cho thân, ngữ và tâm của Phật. Ngài được mọi trường phái của Tây Tạng kính trọng và tôn xưng là Đại Bồ Tát Thangtong Gyalpo. 

Tôn tượng Ngài Thangtong Gyalpo với biểu tượng mắt xích sắt – phát minh đã thay đổi cả đất nước và lịch sử Tây Tạng – Bhutan

Đặc biệt hơn hết, Ngài là tấm gương của một sự kết hợp tuyệt vời chưa từng có giữa sự chứng ngộ trạng thái tuyệt đối và những biểu hiện kỳ quặc điên khùng không thể chấp nhận trong một xã hội đầy chuẩn mực. Ngài sẵn sàng làm những hành động kỳ quặc để gây những dấu ấn tâm thức mạnh mẽ như ngông nghênh cưỡi ngựa vào chánh điện, hay ăn phổi thối của một con ngựa chết ngon lành y như tận hưởng một bữa tiệc linh đình. 

Đây là lối sống giác ngộ điên, qua đó truyền bá được sự thật tuyệt đối, phá chấp cho học trò và những người khác, giúp họ vượt ra khỏi khuôn mẫu, tìm đến sự thật mà không bị cản trở do vướng mắc vào các hình tướng bên ngoài – điều ít bậc giác ngộ trong quá khứ đã làm. Ngang nhiên giữa đường xông vào cướp lúa của người nghèo, Ngài có thể hành xử không đi kèm đúng sai, sẵn sàng làm những việc mà quan điểm thông thường cho là phạm giới và độc ác, chứ không chỉ những điều từ bi hay tử tế. Chấp nhận việc bị một nửa Tây tạng coi là quỷ để làm những việc ích lợi cho người khác với vẻ ngoài điên khùng, chỉ có ai đã chứng ngộ sự thật tuyết đối, ở trong trạng thái thấy mọi thứ đều bình đẳng và hoàn toàn thanh tịnh thì mới có thể sống như vậy, và làm bất kỳ điều gì cần phải làm để ích lợi cho người khác.

Vì vậy, di sản của Đức Thangtong Gyalpo không chỉ là những cây cầu sắt, bảo tháp, hay bộ môn nghệ thuật Opera, không chỉ là khả năng diệt trừ bệnh tật, mà quan trọng hơn là năng lực của Ngài trong việc truyền bá trí tuệ vượt thời gian, không gian và vượt mọi khuôn mẫu.

Ngài được coi là một vị chân sư độc đáo duy nhất với những chứng ngộ tâm linh và những thành tựu vĩ đại trong đời, lại vừa là một kẻ điên khùng với vô vàn phương tiện và cách sống vượt ra khỏi khuôn mẫu của suy nghĩ.

————-

Zangthalpa ngừng kể. Cô học trò Ngọc Mến giờ đã thôi thắc mắc. Đại chúng trầm ngâm suy ngẫm về bài học trong các lời dạy của Thangtong Gyalpo và từ lối sống đầy cảm hứng của vị Đại thành tựu giả điên này. Tự do là hai từ vẫn còn vang vọng trong lòng họ, ngay cả khi Zangthalpa đã ngừng kể từ lâu…

 

Một số hình ảnh khác:

Cận cảnh tu viện Tachog Lhakhang 

Tu viện Pal Khorlo Dechen, Gyantse – một trong những tu viện lớn nhất Tây Tạng

Cầu sắt nối liền đường đến Bảo tháp Chung Riwoche

Cầu sắt và tu viện của Chaksam Chuwori

Những mắt xích làm ra cây cầu sắt tại Paro, Bhutan

Cầu sắt tại vùng Toling, Tây Tạng

Opera Tây Tạng – sáng tạo từ Thangtong Gyalpo để gây quỹ xây cầu sắt khắp đất nước

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.