Bạn sẽ làm gì khi rủi ro, tai họa xảy đến? (Đà Nẵng, 2016)

 

Năm 2016, thảm họa môi trường biển tệ hại nhất trong lịch sử Việt Nam đã xảy ra với tên gọi Formosa. Biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt trải dài từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế, khiến cuộc sống của hàng nghìn ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm nghìn, và có thể hàng triệu người âm thầm bị ảnh hưởng sau đó mà không biết.

“Formosa” trở thành từ khóa được đọc nhiều nhất trên khắp các trang báo, trang mạng xã hội, cho thấy sự hoang mang, lo lắng của mọi người trước thảm họa chưa bao giờ họ nghĩ đến xảy ra bất ngờ này. Câu hỏi bắt đầu được đặt ra là “Bạn sẽ làm gì khi rủi ro, tai họa xảy đến?”.

Giới thiệu Trà đàm: 

Thầy Trong Suốt: Chúng ta có thể giới thiệu một chút được không? Mình nói về mình một chút. Hiện giờ mình là doanh nhân, sống ở Hà Nội, chủ doanh nghiệp có 1700 nhân viên, làm về internet, một vợ hai con. Thời gian rất là rảnh, vì cách đây khoảng 10 năm mình đã tìm ra được một cách sống mới, khác với cách sống cũ của mình trước đây.

Mười năm trước, mình nợ nần chồng chất, không vợ, không con, người yêu cũng không nốt. Đấy, và bây giờ đã thay đổi. Bây giờ mình vẫn có gia đình, có vợ con, vẫn có bổn phận trách nhiệm với rất nhiều người nhưng mình vẫn có thể hạnh phúc được. Mình làm thế nào?

Sau đấy mình đi chia sẻ lại với mọi người cách sống thế nào để giữa bao nhiêu bộn bề của công việc, của gia đình, của trách nhiệm bổn phận mà vẫn có thể thực hành để đạt được hạnh phúc. Mình bắt đầu chia sẻ từ năm 2012 – Trà đàm 2012, đến bây giờ đã được 4 năm rồi. 4 năm ấy, trong tổng số khoảng 1000 – 2000 người được chia sẻ, thì cũng có gần 100 bạn quyết tâm thực hành theo cách ấy.

Ở đây có một số bạn biết Trà đàm Trong Suốt, Phóng sinh Trong Suốt. Tên “Trong Suốt” là tình cờ được một người bạn đặt hộ. Mình chia sẻ bây giờ có khoảng một trăm người: Hà Nội có khoảng 70 bạn. Sài gòn 20, Đà Nẵng 10 bạn – là những người thực hành theo và thay đổi cuộc đời họ. Nên mình cũng muốn chia sẻ với mọi người qua hình thức Trà đàm, nói một chủ đề nào đó, nhưng thực chất là cách nhìn cuộc sống.

Đấy là lí do có buổi ngày hôm nay. Trà đàm tức là uống trà, ngồi nói chuyện. Nó mang tính chia sẻ nhiều hơn, uống trà và nói chuyện. Trà đàm càng ít người càng tốt, vì ít thì mình hiểu người đối diện hơn và có thể nói những câu chuyện phù hợp hơn với mọi người. Không quá đông, đông người thì không biết nói cái gì luôn. Nhưng để không khí trở nên đối thoại, cởi mở thì mình cần biết người đối thoại mình là ai. Vì thế nên đầu tiên mời các bạn giới thiệu một chút: tên tuổi, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và công việc.

Các bạn tự giới thiệu:

Phương Trà, 28 tuổi, nhân viên văn phòng, độc thân.

Văn Thoảng, 21 tuổi, độc thân.

Ngọc Thúy, nha sĩ, độc thân.

Thảo, 30 tuổi, có chồng và một con, kinh doanh điện thoại.

Hưng Long, 26 tuổi, làm marketing, độc thân.

Huyền Nữ, 31 tuổi, có chồng và một con, giáo viên.

Đan Ngọc, 31 tuổi, độc thân, làm phim cho các Dự án phát triển cộng đồng.

Khánh Ly, 27 tuổi, độc thân.

Trương Ly, 40 tuổi, một chồng và hai con trai, làm du lịch.

Ánh Khuyên, 36 tuổi, một chồng hai con, làm ở bệnh viện.

Mạnh, 24 tuổi, đã có bạn gái, làm trong lĩnh vực lập pháp.

Phượng làm ngân hàng.

Nguyên Bơ, nhân viên văn phòng.

Cá chết ở bãi biển Thừa Thiên Huế sau khi nhà máy Formosa xả thải.

(Tháng 4 năm 2016, nhà máy Formosa (Vũng Áng – Hà Tĩnh) xả thải chứa độc tố bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt, làm cá chết dọc bờ biển dài hơn 200 km, kéo dài từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế. Di hại của biến cố này khiến cho cuộc sống của hàng trăm ngư dân và dân chúng tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị xáo trộn. Chính phủ xác định có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo. (trích nguồn Tuoitre.vn)

Buổi Trà đàm này diễn ra vài tháng sau sự kiện Formosa.

I . BẠN SẼ LÀM GÌ KHI RỦI RO, TAI HỌA XẢY ĐẾN?

1. Bạn có chắc chắn thảm họa Formosa sẽ không xảy ra lần nữa không?

Thầy Trong Suốt: Chúc mừng các bạn đã đến đây ngày hôm nay! (Mọi người vỗ tay) Hôm nay mình sẽ nói một chủ đề mà người Đà Nẵng yêu cầu: Formosa – “Bạn làm gì với Formosa?” Đà Nẵng mình có bị ảnh hưởng bởi Formorsa không nhỉ?

Một bạn: Dạ ít!

Thầy Trong Suốt: Ít hả? Ăn cá thoải mái đúng không? Bơi, tắm biển, ăn cá thoải mái chứ gì? Phượng, em chín chắn nhất, cho câu trả lời đi! Đà Nẵng mình có ảnh hưởng gì bởi Formosa không, ăn cá tắm biển thoải mái không?

Bạn Phượng: Dạ, không được thoải mái lắm, khoảng 50/50.

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là ngày tắm ngày không? (Mọi người cười) Ừ, ăn cá thì sao?

Bạn Phượng: Một số người ăn, một số người tuyệt đối không ăn luôn.

Thầy Trong Suốt: Hôm trước có một báo cáo nói là thực ra không bị sao, chỉ có cá từ 17 hải lý trở lại mới bị ảnh hưởng thôi.

Bạn Phượng: Nhưng thực tế là cũng không nói trước được là sẽ không có…

Thầy Trong Suốt: Nhưng làm sao biết được cá này từ 17 hải lý trở lại nhỉ? (Mọi người cười) Đúng không? Ăn con cá, trên đó có ghi là từ 17 hải lý trở lại đâu? Có ảnh hưởng chứ, đúng không? Bao nhiêu người ở đây vẫn đi tắm biển đều đặn như cũ?

Bạn Thân: Dạ có, vẫn tắm.

Thầy Trong Suốt: Kể cả Formosa cũng không sợ?

Bạn đó: Đâu có gì phải sợ?

Thầy Trong Suốt: Được. Anh có ăn cá thường xuyên không?

Bạn đó: Có.

Thầy Trong Suốt: Kể cả cá 17 hải lý trở lại cũng ăn?

Bạn đó: Vì hắn không vô tới Đà Nẵng.

Thầy Trong Suốt: A, rồi! Chúng ta có hai trường phái, đúng không? Anh ấy rất lạc quan. Anh ấy nói là: “Một: Có gì đâu mà sợ; Hai: Có vào Đà Nẵng đâu, cá bơi ở biển Đà Nẵng rồi lại vòng đi chỗ khác”. Rồi, một trường phái.

Ở đây có ai sau vụ đấy không đi tắm biển không ạ? Hoặc là ngại đi tắm biển không, giơ tay đi ạ? 1, 2, 3. Rồi!

Có ai sau vụ ấy ngại ăn cá không ạ, bớt ăn cá hẳn đi? Rồi! Như vậy là chúng ta có 6 người theo trường phái bi quan, đúng không ạ? 1 lạc quan, 6 bi quan. Số còn lại thì sao ạ? Không tắm biển và không ăn cá sẵn rồi, thì mới không phải giơ tay nữa.

À, được rồi! Chúng ta có muốn có một thảm họa nữa không ạ? Lần này đã đủ mệt chưa ạ? Có ai còn muốn có một thảm họa ở biển Đà Nẵng không ạ? Chắc là không. Nhưng mà ở đây những ai chắc chắn là nó sẽ không xảy ra một lần nữa ạ? Nhỡ may Formosa, chính cái nhà máy đấy, một lần nữa nó thải ra biển thì sao?

Bao nhiêu người tin rằng Formosa, họ đã rút kinh nghiệm một cách sâu sắc trước nhân dân, và sẽ không bao giờ thải ra biển một lần nữa. Anh Thân có tin không ạ?

Anh Thân: Cái đó không thể nào tin được ạ. Không thể nào tin vào một việc mà không thể xảy ra.

Thầy Trong Suốt: Chính xác! Anh Thân tuy rất lạc quan, nhưng anh vẫn còn rất là trí tuệ. Đấy là điều không thể, khó mà bảo điều ấy không thể xảy ra được. Giả sử, nếu Formosa họ lại thải xuống biển một lần nữa thì sao? Liệu chúng ta sẽ đối diện với chuyện ấy như thế nào? Hoặc là những thảm họa môi trường tương tự như vậy.

Formosa là một thảm họa rõ rệt luôn, vì nó sờ sờ trước mắt, không bao giờ mất đi cả, cứ ở mãi đợi sẵn đấy, quả bom nổ chậm đấy. Một ngày nào đấy mà họ quên tắt cầu dao điện thôi là… mất điện thôi – lý do chỉ là do cái cầu dao, là nước thải xuống biển, là cá chết, là người bị nhiễm.

Chúng ta sống ở Đà Nẵng, chắc chắn là chúng ta bị ảnh hưởng. Nhưng không cần ở Đà Nẵng, mà ở Hà Nội có bị ảnh hưởng không ạ? Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng như thường. Người Việt Nam vẫn ăn cá ở Việt Nam, đúng không ạ? Con cá bị chết, chúng ta vẫn có thể dùng làm mắm, đóng chai và chuyển ra Hà Nội. Những chất độc ấy vẫn vào cơ thể của mọi người như thường, dù chúng ta có ngừng tắm biển đi nữa.

Mọi người có phương án phòng chống chưa ạ? Như anh Thân vừa nói, thảm hoạ thì không thể tránh khỏi rồi, nó có thể xảy ra lần nữa. Theo mọi người, năm nay có xảy ra được không ạ? Cuối năm rồi chắc không, đúng không? Cuối năm rồi, ai lại xảy ra cuối năm? Tết, ai lại xảy ra vào Tết, phải để cho bà con ăn Tết chứ, đúng không? Hay là thôi, năm nay vừa xảy ra rồi, chắc không xảy ra nữa đâu. Bao nhiêu người nghĩ rằng, nó sẽ không thể xảy ra nổi trong năm nay, giơ tay ạ? 1 người, mời mọi người giơ tay ạ? Sao hôm nay toàn là những người không ấy, đúng không? (Mọi người cười)

Bao nhiêu người tin rằng, trong năm nay nó sẽ không xảy ra lần nữa, giơ tay ạ? Thôi, bao nhiêu người nói là “có-khả-năng nó sẽ xảy ra lại trong năm nay”, cũng thảm họa môi trường của Formosa luôn. “Có khả năng” thôi ạ, khả năng thấp hay cao không quan trọng. 1,2,3,4,5,6… Nếu bây giờ nó lại xảy ra thì chúng ta sẽ làm thế nào? – Đấy chính là chủ đề của ngày hôm nay. Thảm họa như Formosa và những thảm họa tương tự như vậy sẽ còn đến nữa. Đà Nẵng mình cũng hay bị bão mà, hình như vừa xong có một cơn bão suýt vào Đà Nẵng, xong rồi vì sao nó không vào ấy nhỉ? Chắc thương người Đà Nẵng quá, vì đã bị Formosa một lần rồi. Thôi, năm nay chỉ thế thôi là đủ rồi! Nhưng liệu trong tương lai có bão không ạ? Đấy gọi là thảm họa về môi trường đấy ạ. Bão, thiên tai, ô nhiễm môi trường…

Làm thế nào bây giờ? Mỗi người chúng ta, thực chất là, đều phải đối diện với những chuyện đấy, đều đang trong trạng thái sẵn-sàng-bị-nhiễm. Có khi bị nhiễm rồi cũng nên ấy nhỉ? Có khi chúng ta nhiễm rồi, trong máu, trong gan, trong tụy… đầy chất độc rồi, giờ làm thế nào? Phong, Kiều Phong bang chủ! Theo Phong, em đã bị nhiễm tí độc nào của Formosa chưa?

Bạn Phong: Hên xui, chả biết thế nào ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ, 50 – 50. Giả sử đã bị rồi thì làm thế nào? Tất nhiên là không ai muốn bị hết, nhưng mà nhỡ… Em hay đi ăn nhậu đúng không? Có nhậu cá không?

 Bạn Phong: Trước giờ chưa bỏ lần nào hết.

Thầy Trong Suốt: Chưa bỏ cá lần nào? Đấy, “Kiều Phong bang chủ”, hay uống rượu ăn nhậu, có khả năng đúng không? Đã dính một tý Formosa. (Thầy Trong Suốt cười lớn) Thế bây giờ phải làm thế nào? “Bang chủ”, hãy cho biết, giả sử em đang bị dính một tí Formosa, thì em làm thế nào?

Bạn Phong: Kệ thôi ạ.

Thầy Trong Suốt: Kệ hả? Biết làm thế nào được? Nhỡ dính nhiều tí rồi thì sao? Một tí thì không sao, nhưng mà nhiều?

Bạn Phong: Như hôm qua đi xét nghiệm thì thấy là các chỉ số đưa ra toàn màu đỏ hết.

Thầy Trong Suốt: Thế à? Thôi chết rồi!

Bạn Phong: Bác sĩ bảo: “Thôi chết rồi, sao lại toàn thấy màu đỏ thế này?”. Nhưng trước giờ mình thấy rất tự tin về sức khỏe, từ lúc bị cũng chẳng có sao cả, bình thường thôi. Thay đổi cách ăn uống một tí, thì em nghĩ rất đơn giản, không đến mức bi quan.

Thầy Trong Suốt: Ở đây có bạn nào là lao công ở bệnh viện nhỉ? Chuyên môn của em là gì?

Một bạn: Dạ, hỗ trợ xét nghiệm ạ.

Thầy Trong Suốt: Đấy, lao công kiêm xét nghiệm. Rồi, em cho ý kiến chuyên môn đi. Nếu bị nhiễm thì làm thế nào? Báo động đỏ hết đấy, chứ không phải nhiễm bình thường, mà nhiễm đỏ rồi đấy.

Bạn đó: Theo em cái xét nghiệm đó, ví dụ về công thức máu, hay là về chức năng gan, về đường, hay axit uric gì gì đó… thì mình hạn chế ăn hải sản, mình ăn rau nhiều vô, rồi chức năng gan thì cũng mình giảm bớt đi cái lượng…

Thầy Trong Suốt: Nhưng Formosa làm hỏng xừ nó rồi, lá gan đã bị lỗi, máu đã bị lỗi rồi. Nữ bác sĩ có phương án gì cho Formosa không? Nếu một lần nữa Formosa lại làm ô nhiễm, em sẽ làm gì? Hả? Chết bỏ, chết thì thôi đúng không, chắc là chết bỏ.

Formosa là một thảm họa rõ rệt, cứ đợi sẵn đấy như quả bom nổ chậm. Một ngày nào đấy chỉ cần quên tắt cầu dao điện, hay mất điện là nước thải xuống biển, là cá chết, là người bị nhiễm.

2. Nếu tối nay bạn “ớt”, bạn sẽ làm gì bây giờ?

Thực ra thì nói thế thôi, chứ chúng ta không ai tránh được. Kể cả mình đi nữa, có công việc làm ăn ổn định, mọi việc đang xảy ra tốt đẹp, nhưng mà thảm họa luôn có thể rình rập. Tối nay về nhà có thể là bố ngã cầu thang chết, con trai trúng gió chết… Mọi thứ luôn rình rập, sẵn sàng xảy ra, đúng không ạ? Ở đây ai có cảm thấy là “Không, những chuyện đấy không bao giờ xảy ra với tôi!” không ạ? Tôi còn trẻ khỏe thế này thì làm sao tối nay tôi lại gặp chuyện được? Thanh niên 21 tuổi, theo em thì sao, trẻ khỏe như em liệu tối có gặp chuyện được không?

Một bạn: Có thể ạ.

Thầy Trong Suốt: Ví dụ như chuyện gì? Một bạn nữ quá xinh đẹp đi qua, trái tim gặp “tai nạn” luôn, lăn ra chết, vỡ tim chết thôi mà? Tim đập nhanh quá, thế là tự chết. Đấy! Em độc thân vui tính có thể gặp tai nạn được không?

Một bạn: Dạ, hoàn toàn có thể. Em nghĩ rằng mình không thể biết được, những cái vô thường có thể xảy đến. Sẽ có những trường hợp, một phút trước mình nói chuyện, một phút sau mình băng qua đường tai nạn xảy ra. Nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Thầy Trong Suốt: Được, rất tốt! Như vậy em ý thức rất tốt về vô thường. Ở đây có ai nghĩ rằng, tối nay mình sẽ không gặp chuyện, tối nay mình sẽ không thể chết được, giơ tay ạ! Có bao nhiêu người nói là “Tối nay tôi có thể chết”? 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11… Ủa, vẫn có những người không giơ tay, đúng không ạ? Nghĩa là gì? Mời 2 bạn này mới vào, không thể chết này! Giới thiệu đi, 2 bạn không thể chết, bất tử. (Mọi người cười)

Một bạn: Dạ, tại vì mới nghe cứ sao đó.

Thầy Trong Suốt: Không làm sao, câu trả lời chỉ thế thôi. Tối nay em có thể chết không? Hết.

Bạn đó: Dạ, cái chuyện này, mà bữa nay mồng Một nói chết, nó cũng xui. (Thầy Trong Suốt và mọi người cười lớn)

Thầy Trong Suốt: Thôi được rồi, tối nay em có thể “nghẻo” không, chết thì kinh quá, thôi “nghẻo” đi. “Nghẻo” được không?

Bạn đó: Dạ, theo quan điểm của em, con người không ai biết trước được chuyện chi hết. Cho nên mình cứ nhẹ thoát cho nó khỏe, còn cái chuyện chết chóc, cũng không nên nói trước. (Thầy Trong Suốt và mọi người cười lớn)

Thầy Trong Suốt: Nói trước bước không qua đấy! Em nói “tối nay em có thể chết”, thì không sợ đâu, vì nói trước thì… bước không qua. Bạn nữ bên cạnh đi ạ! Tối nay em có thể “hịu” không? (Mọi người cười) “Hịu” là hiểu rồi đúng không? “Hịu”! Ở Hà Nội có từ “hịu”, ở đây có từ “hịu” không? “Hịu” giống như “nghẻo” đấy, nhưng gọi là “hịu” cho nó tránh xa tí nữa, “nghẻo” nghe vẫn quen quá, nói “hịu”, ở đây có ai “hịu” không?

Một bạn: Nếu điều đó xảy ra với mình thì mình cũng chấp nhận thôi chứ…

Thầy Trong Suốt: Nhưng có thể không, chỉ có hay không? Có “hịu” không?

Một bạn: Dạ, cũng có thể ạ.

Thầy Trong Suốt: Nói “hịu” là chết, người Đà Nẵng sợ, đúng không? Chết chỉ là chết, chứ có gì đâu! Ai chả có thể chết ngày hôm nay. Chứng tỏ 2 bạn này là không dám giơ tay để cho đỡ xui thôi, còn trong lòng thì sao? Trong lòng vẫn biết, rồi tốt, thế là tốt rồi! Đấy, chắc là 2 em có con ở đây không dám giơ tay, đúng không? Sợ con buồn đúng không? Thân, Hoàng Thân!

Bạn Thân: Không thể nào nói trước được việc gì cả.

Thầy Trong Suốt: À, chỉ là có hay không thôi, có thể hay không thôi?

Một bạn: Nói có thể thì nó có nghĩa là có thể có, hoặc có thể không.

Thầy Trong Suốt: À, nghĩa là có thể có. Có thể ở đây không có nghĩa là chắc chắn, mà là có khả năng đấy. Nằm trong khả năng không phẩy bao nhiêu phần trăm đấy! Rồi, như vậy là tối nay chúng ta không thể tránh được, vậy làm thế nào bây giờ? Như vậy đâu cần phải Formosa đâu, tối nay vẫn có thể “hịu” mà, đúng không? Cần gì Formosa đâu! Vậy thì làm thế nào bây giờ? Nếu đối diện chuyện tối nay, chúng ta có thể… Đối với người Đà Nẵng từ gì là nhẹ nhất nhỉ, nếu không phải từ “chết”, từ gì nhẹ nhất? Từ gì?

Một bạn: Tiêu!

Thầy Trong Suốt: Tiêu! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười lớn) Tiêu, tiêu luôn ạ? “Ớt” đúng không ạ? Tối nay có thể “ớt” được không ạ? Đấy, tiêu cay, ớt cũng cay! Không cần Formosa, tối nay chúng ta đều có thể “ớt”. (Mọi người cười). Đấy, hiểu rồi đúng không? Yên tâm chưa, 2 người đồng ý không? Đấy, thỏa mãn 2 em chưa? Tối nay đều có thể “ớt” hết! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Vậy nếu chúng ta đều có thể “ớt” tối nay, thì chúng ta nên làm gì trong lúc này?

Một bạn: Nếu nó xảy ra một cách đột ngột thì không nói gì. Còn nếu mình biết chắc chắn rằng mình chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa để sống thôi thì cái việc đó là điều không thể nào thay đổi được. Những gì đến với mình trong cái khoảnh khắc hiện tại thì mình cứ đón nhận thôi. Sống hết lòng với những cái đến với mình, chứ mình cũng không thể nào mà có một sự lựa chọn nào khác.

Bạn Hưng Long: Em sẽ đi ăn bát bánh canh cho ngon.

Một bạn: Em tiêu hết tiền trong tài khoản ạ. (Mọi người cười)

Một bạn: Vẫn chấp nhận bình thường.

Thầy Trong Suốt: Ừ, hay nhỉ. Bình thường như cân đường hộp sữa. Em, buổi tối “ớt” thì sao?

Một bạn: Em thì sẽ vẫn như mọi ngày. Bây giờ ngồi nghe anh nói, xong chiều về nhà dọn dẹp nhà cửa, tối sẽ nấu ăn cho gia đình. Đến lúc ấy thì gọi điện cho người thân, sau đó thì lên giường nằm.

Bạn Ly: Hiện tại thì cứ để diễn ra tự nhiên.

Thầy Trong Suốt: Được. Ở đây ai có ý kiến khác không ạ? Ý kiến không phải tự nhiên không ạ? Ý kiến hơi khác với tự nhiên chút, trái tự nhiên tí đi ạ? Nghĩa là nếu tối nay tôi “ớt” thì tôi phải làm gì khác. Khang khác tí, chứ tôi lại ăn bánh canh, rồi lại rút tiền tài khoản ra tiêu thì… Có ai khác nữa không ạ, hai bạn nữ mới đến đấy, nếu như em “ớt” thì tối nay em làm sao?

Một bạn: Dạ nếu mà tối nay em “ớt” thì đầu tiên em nghĩ là phải đưa ra một cái luật chi đó lo cho con mình…

Thầy Trong Suốt: Ừ đấy, nghe nó sáng sủa tí!

Bạn đó: Chứ lỡ chồng thì… Mình “ớt” rồi, thì chồng mình có thể khác…

Thầy Trong Suốt: (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Đúng, có lý, có lý! Đấy!

Bạn đó: Thích những cái gì mình chưa thể hiện được thì mình sẽ tranh thủ thể hiện nốt luôn. Ví dụ một cái mình muốn là mình chưa bao giờ vô sàn, mình cũng muốn đi thử vô sàn để biết đi sàn nó coi sao.

Thầy Trong Suốt: A, đấy! “Chưa đi chưa biết Cà Mau…” đấy! (Mọi người cười) Tốt, cái gì chưa xài phải xài ngay! “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn”, mọi người biết bài đấy không?

Sitara: Có ạ! “Không hơn đồ nhà”.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, chuẩn! Đọc đi, đọc to lên đi? Chưa đi chưa biết gì? Đồ Sơn. Đi rồi mới biết gì? Không hơn đồ nhà, đấy!

Sitara:Đồ nhà tuy có hơi già. Nhưng là đồ thật, hơn là Đồ Sơn”. (Có mấy bạn đọc theo)

Thầy Trong Suốt: Đấy, em nên thuộc bài đấy đi. Nếu em “ớt” tối nay, em nên thuộc bài đấy đi.

Bạn đó: Dạ. Em nói cái ý của em là có nhiều thứ, chứ không phải không thích cái đồ nhà…

(Thầy Trong Suốt và mọi người cười lớn)

Thầy Trong Suốt: Rồi, rồi, hiểu rồi, anh hiểu rồi! Nhưng em rất dũng cảm, đúng không? Nếu tối nay mình chết, thì mình phải đi… Nhầm nhầm, “ớt”, “ớt”, (Mọi người cười) thì phải đi Đồ Sơn xem thử thế nào chứ, đúng không? Bạn nữ bên cạnh.

Bạn bên cạnh: Nếu tối nay em “ớt”, em sẽ viết bản di chúc để hết tài sản lại cho con em.

Thầy Trong Suốt: Tốt. Con? Chồng không có tí tài sản nào à? Kinh, lòng tin tình yêu của hai người hình như hơi thấp đấy! Rồi, tốt! Em có đi Đồ Sơn giống bạn không?

Một bạn:Chưa đi chưa biết Vũng Tàu”.

Thầy Trong Suốt:  (Cười) Vũng Tàu cũng được.

Một bạn: “Chưa đi chưa biết Vũng Tàu, đi rồi mới biêt sâu hơn vũng nhà”.

(Thầy Trong Suốt cười lớn)

Bạn đó: “Vũng nhà như cái bàn là”.

Thầy Trong Suốt: Đây là bạn nữ mà. Thôi, đội kia tìm bài Cà Mau đi. Bạn bên cạnh, nếu tối nay em “ớt”, thì?

Một bạn: Em cũng chọn bản thân em giống như chị này.

Thầy Trong Suốt: Ừ, một là để lại hết tài sản cho con, chồng em thì sao, chồng em vứt luôn?

Bạn đó: Dạ không, để lại cho chồng, cho con. Rồi em sẽ làm những việc mà hồi đó giờ mình chưa có làm.

Thầy Trong Suốt: Em đi Cà Mau bao giờ chưa? Hồi đó giờ đi Cà Mau bao giờ chưa?

Bạn đó: Dạ chưa.

Một bạn:Chưa đi chưa biết Cà Mau, đi rồi mới biết không đâu bằng nhà/ Cà nhà tuy có hơi già, nhưng là cà chậm không là Cà Mau”.

Thầy Trong Suốt: Đấy! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Nữ phải nghe bài đấy, hiểu không? Chứ không phải Vũng Tàu. Nữ phải nghe bài vừa xong. 3 em nghe bài đấy nhé: “Chưa đi chưa biết Cà Mau/ Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà”. Cứ tưởng Cà Mau là hơn nhà, không phải đâu! “Cà nhà tuy có hơi già, nhưng mà cà chậm hơn là Cà Mau”. Đấy, nữ phải nghe bài đấy! Rồi, 3 em biết đi đâu rồi đúng không? Nếu mà tối nay “ớt” thì…

Một bạn: Nhưng mà cái ý của em không phải như thế! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười).

Thầy Trong Suốt: Thầy thích diễn mà, nghề của thầy là diễn mà! Rồi Kiều Phong “bang chủ”, nếu tối nay “ớt” thì em làm gì?

Bạn Phong: Nếu tối nay “ớt” thì về đi chơi với hai con. Bình thường đi nhậu.

Bạn Phượng: Dạ, thứ nhất là em sẽ gặp mặt những người thân trong nhà. Và sau đó thì em đi niệm Phật để cho em an lạc.

Thầy Trong Suốt: À được, bạn này nương tựa vào Phật, rất tốt. Tối nay chết thì nương tựa vào Phật. Thực sự mà nói là thế! Nếu tối nay em “ớt” thì cửa Phật là cửa sáng nhất để em hướng đến, để em có một cái chết tốt đẹp. Còn nếu không thì điều kinh khủng sẽ xảy ra, thậm chí là sau khi đã chết. Tốt!

Bạn Thân: Nếu như biết trước được cái chết thì khi nghĩ, mình tìm cách như thế nào để vượt qua được chuyện đó. Còn nếu như không có phương án để vượt qua thì cái chuyện gì hắn tới là tự nhiên. Rồi hắn đi là tự nhiên. Khi mình suy nghĩ, đưa ý của mình vào vấn đề đó thì trong người mình mất đi năng lượng.

Thầy Trong Suốt: Được, Hoàng Thân thuận theo tự nhiên. Em! Ủa, em trông quen quen, em hồi trước đến rồi đúng không? Em khóc lóc chuyện yêu đương, đúng không? (Mọi người cười) Đúng rồi! Rồi, em giới thiệu lại cho mọi người biết đi!

Một bạn: Dạ em là Thủy, làm nghề thời trang. Mấy tháng trước thì em có đến kể cho anh nghe, giờ đỡ rồi, khác rồi.

Thầy Trong Suốt: Khác chưa, và con tim đã vui trở lại chưa?

Bạn đó: Dạ rồi! Em thì ở xa quê, việc đầu tiên của em là gọi điện cho bố mẹ, cảm ơn bố mẹ thời gian qua đã nuôi nấng mình nên người. Sau đó em sẽ dành một ít thời gian cho bản thân mình, đi đâu đó.

Thầy Trong Suốt: Xong rồi sao? Ra đi luôn? Dành thời gian cho bản thân mình, thế trước đây không dành thời gian cho bản thân mình à?

Bạn đó: Dạ, trước đây cũng có nhưng không nhiều, được thì chắc em sẽ đi nghe nhạc.

Thầy Trong Suốt: Được, ngoài bố mẹ ra thì đi nghe nhạc, rồi mới “ớt”. Được! (Mọi người cười)

Bạn đó: Cho có vẻ thanh cao một chút. À, đúng rồi, em sẽ phải viết một dòng status thật dài trên facebook này nọ.

Thầy Trong Suốt: Trên facebook đúng không? Cảm ơn các bạn đã like tớ khi tớ chết. (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Khi tớ “ớt” chứ nhỉ, quên, nhầm! Đừng nói từ chết, “ớt” đúng không? Rồi, tốt! Em, tối nay em “ớt”, em làm gì, “ớt” thiệt?

Một bạn: Nếu mà Trà đàm xong là đêm nay “ớt” thiệt…

Thầy Trong Suốt: Vẫn nghe Trà đàm nổi cơ à? Vẫn ngồi tiếp cơ à? Tưởng phải chạy luôn ra ngoài chứ? Chạy luôn, đúng rồi!

Bạn đó: Dạ chạy luôn cũng được. Em sẽ về tiêu hết khoản tiền em có, sau đó em sẽ đi mua cá để phóng sinh. Vì trước sau em ngồi không cũng chết mà, xong hồi hướng cứu cho một con cá cũng được, thì em chết coi như cũng làm được một việc có ích.

Thầy Trong Suốt: Tốt, rất tốt! Em giống bạn Phượng, một người nương tựa Phật, một người thì đi phóng sinh, cũng là nương tựa Phật, tốt, rất tốt!

Bạn đó: Với lại, thứ hai là em sẽ về nhà em để dự một cuộc họp chuẩn bị cho cái chết của em.

Thầy Trong Suốt: Ừ, họp gia đình! Bao nhiêu người? (Mọi người cười)

Bạn đó: Dạ, nếu tập họp nhanh thì 4 đến 4 người thôi, tập hợp xong sẽ dặn là có một vài quan điểm trái ngược trong việc cúng bái. Em muốn là sau khi em “ấy” thì trong khoảng thời gian…

Thầy Trong Suốt: “Ấy” ấy hả? (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) “Ấy” ở Hà Nội là hiểu nhầm ngay.

Bạn đó: Dạ, sau khi em “ớt” thì em muốn cúng chay, đừng có cúng đồ mặn cho em ăn, với lại thiêu em đi.

Thầy Trong Suốt: Thiêu? À được, tốt! Rất tiến bộ!

Bạn đó: Dạ, hồi trước nhà em cũng có đồng ý một chút, giờ khi phóng sinh em sẽ xin hồi hướng, một là gia đình làm điều đó không vì em, mà để thay đổi những thói quen, để họ thực sự tốt, hy vọng thật sự.

Thầy Trong Suốt: Tốt, rất tốt! Hoan hô! (Mọi người vỗ tay) Để chúc mừng lựa chọn tốt lành của em, cộng với cả chúc mừng bạn Thủy – Nguyên và Thủy, à được! Chúc mừng, cặp đôi ăn lông ở lỗ! (Mọi người cười lớn) Nguyên – Thuỷ mà, thời nguyên thuỷ đấy! Chúng ta sẽ nghe bản nhạc! Hồng Phong lên đây! (Mọi người vỗ tay lớn)

Nếu tối nay bạn “ớt” , thì bạn sẽ làm gì bây giờ?

 

3. Câu chuyện có thật của một người từng bị “ớt” ập tới

Hồng Phong: Và để thay đổi không khí của buổi Trà đàm…

Thầy Trong Suốt: Không phải thay đổi, chúc mừng! Chúc mừng Nguyên – Thuỷ đã quay trở lại!

Hồng Phong: Mình sẽ trình bày một ca khúc của ca sĩ Đức Huy “Và con tim đã quay trở lại”.

Thầy Trong Suốt: Hoan hô! (Mọi người vỗ tay) (Bạn Hồng Phong vừa đàn ghi ta vừa hát)

Thầy Trong Suốt: Ngồi đây luôn, có câu hỏi luôn! (Mọi người cười) Ít ai biết rằng cái bạn vừa chơi đàn xong ấy, bạn đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, cũng giống như là Formosa ập tới ấy! Cách đây gần 5 năm ở Sài Gòn, mình gặp bạn ấy trong một hoàn cảnh khá là “ớt”. (Mọi người cười) Qua câu chuyện của Phong, mọi người xem xem là nếu “ớt” ập tới thì nó có dễ dàng không? “Ớt” ập tới – những chuyện hiểm họa xảy ra ấy, thì nó có dễ dàng như mọi người đang tính ở đây không, hay nó kinh khủng hơn mọi người nghĩ? Và bạn Phong, bạn ấy đã trải qua câu chuyện đó như thế nào.

Hồng Phong: Phong quê ở Quảng Ngãi, một vợ, hai con. Cách đây 5 năm có gặp gỡ anh Thắng. Trước đó mình kinh doanh ngành may mặc chừng hơn 10 năm, rất nhiều thăng trầm, có tất cả những thứ mà bây giờ mọi người mơ ước. Lúc có thì mình chủ quan. Mọi thứ đến mình không thể nào lường trước được, đó là phá sản. Mình mất 4 container hàng, bị quản lí thị trường kiểm tra. Lúc đó mình làm hàng sơ mi, mình chỉ thêu một chữ V ở trên măng sét. Không ngờ chữ V đấy là của Việt Tiến, tất cả ở đây ai xài quần áo của Việt Tiến thì biết, họ đăng kí độc quyền cái logo đấy. Người ta ập đến thu toàn bộ tài sản và mình trắng tay. Chưa đến ngắc ngoải nhưng mình vượt qua được, tiếp tục vay mượn để làm nghề thì cái đồng lãi mình bỏ ra vay nóng này kia ấy, không đủ trang trải tiền lãi, chứ đừng nói chi.

Càng ngày nợ của mình càng lớn, không bù kịp. Năm đó mình ở Sài Gòn. Cận Tết tất cả chủ nợ phải thu tiền, họ thu về rất sớm, tháng chạp, cứ hai ngày họ đến một lần họ thu. Người ta nhìn thần thái mình bệ rạc, họ biết. Người ta đến và đưa giang hồ đến, suốt ngày mình cứ tiếp giang hồ. Họ khủng bố, không trả, họ muốn chém giết thế này thế này kia. Nhiều lúc trong nhà không còn cái gì hết. Mình ở nhà thuê, rất sợ hãi, vô cùng sợ hãi. Bản thân mình không sao, nhưng còn vợ con mình nữa. Lúc đó mình nghĩ mình sẽ về quê, nhưng danh dự gia đình mọi cái rất là phúc tạp, rất là đau đớn, đầy sợ hãi.

Có một lần anh Thắng đến và chứng kiến giang hồ ập tới nhà mình. Hôm đó mình mời anh Thắng tới dùng cơm, không ngờ là nó tới luôn. (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Mình có người bạn đi cùng, người bạn đó thấy cái cảnh đấy là đứng không nổi luôn. Còn mình thấy cảnh đó hàng ngày. Nó tới quăng nọ quăng kia, hô ầm thế này thế kia. Lúc nào cũng có người đội mũ sụp sụp. Rất là kinh sợ, mà mình trông thì hiền lành chứ đâu vạm vỡ gì. Nhìn rất là sợ. Người mình cứ gầy rộc đi, gần như là cả tháng chỉ uống sữa thôi. Lúc đó mình uống sữa, uống café rất nhiều. Một người bạn nói “có người này hay lắm, anh đi gặp đi”. Lúc đó mình thì như người chết đuối vớ được cái phao vậy. Mình đi liền. Lúc đó mình nhớ mình đang ở một cái nhà dưới quận 3 hay quận Nhất gì đó, thì gặp Sếp ở đó. Mình mới trình bày, thì lúc đó là Sếp…

Thầy Trong Suốt: Dừng, tạm dừng ở đó đã! Đến chuyện phá sản cũng là thiên tai, thảm họa đấy. Ở đây có ai kinh doanh không? Khả năng phá sản có thể xảy ra được không? Thứ hai là chuyện vay nợ, vay nóng, vay nợ nặng lãi có khả năng xảy ra trong đời mình không? Nếu con mình gặp chuyện, nếu mình không có tiền, có khi mình đi vay nặng lãi thật đấy chứ. Và chuyện không trả được nợ, xong rồi giang hồ, rồi đối tác, bạn hàng đến đòi mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nó cũng tương đương với một lần “ớt”. Nó không đến nỗi chết, nhưng thực chất là nó rất… Những ai trải qua thấy nó hết sức khủng khiếp, đúng không?

Ở trong hoàn cảnh đấy: tinh thần bị khủng bố, con cái mình, vợ mình bị khủng bố, bị dọa giết, đấy là một thứ rất kinh hoàng. Câu chuyện của Phong ở thời điểm đấy rất là kinh hoàng. Và bất kì ai ở đây cũng có thể trải qua chuyện đấy, đúng không Kiều Phong? Em có khả năng vay nợ, xong rồi giang hồ truy sát, đòi dọa giết vợ giết con không? Hoàn toàn có khả năng. Nếu ai nghĩ là “Không” thì mình đang chủ quan, những chuyện đấy hoàn toàn có thể xảy ra, rất là dễ dàng. Vì lí do gì đấy mình cần một số tiền mà không cách nào khác, ngân hàng không cho mình vay, mình không có khả năng vay, chuyện đấy rất quan trọng, mình sẽ làm. Mà khi mình đã vay nợ thì mình sẽ đi vào vòng lẩn quẩn của vay nặng lãi không trả được. Đấy là một loại “ớt”, chứ không chỉ nhất thiết là “ớt” kiểu như các em nghĩ đâu, hiểu không? Mình gọi chung từ “ớt” thôi, cay gọi là “ớt” đúng không? Ăn ớt rất là cay gọi là “ớt”.

Đối diện với chuyện đấy chúng ta làm thế nào? Ở đây chúng ta cảm thấy rất dễ dàng khi nói “Tối nay tôi chết”. Nhưng mà những chuyện vừa xong thì mới kinh khủng. Liệu mọi người có đủ bình tĩnh và hạnh phúc, vui vẻ cười đùa khi giang hồ vây quanh nhà, đòi chém vợ, chém con mình không? Bao nhiêu người đạt đến khả năng đấy, giơ tay xem nào? “Nếu tối nay giang hồ đến nhà đòi chém bố, chém mẹ, chém vợ, chém con tôi, tôi vẫn vui vẻ cười đùa”, giơ tay? À, bạn có trình độ ấy chưa? Phong, bó tay đúng không? (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Tất nhiên là không rồi, rất khó! Không ai muốn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Rất khó khăn.

Vậy nếu nó xảy ra, chúng ta làm thế nào? Đấy, mình muốn qua câu chuyện của Phong để nói tiếp tới việc chúng ta phải làm thế nào? Mọi người có muốn nghe tiếp xem là Phong đã làm thế nào không ạ? Rồi, mời Phong kể tiếp!

Hồng Phong: Dạ, lúc đó bọn nó gọi điện bắt cóc con, sẵn sàng bắn. Có một thằng 7 năm tù mới ra, nó buôn heroin với lại bảo kê. Nó đi với 3, 4 thằng, xông thẳng vô nhà. Mình rất là run, lo sợ, đâu phải một thằng mà rất nhiều thằng, mà lại cận Tết, nên chủ nợ cứ đến tìm dồn dập… Cái nỗi sợ của mình cứ tăng lên, không biết làm gì hết trơn. Rồi mình lên gặp Sếp, biết là Sếp đang ngồi ăn, mình rất căng thẳng. Sau đó Sếp mới nói rằng: “Anh sẽ chọn cái chết như thế nào? Nó chém anh thì anh muốn nó chém vào đâu? Vào lưng hay vào đầu hay là vào chân? Và anh đã chọn bệnh viện nào chưa?”. Thì lúc đó, mình càng sốc nữa, nhờ tư vấn mà? Lúc đó trong đầu nghĩ, nhờ tư vấn, nhờ an ủi gì mà… (Thầy Trong Suốt và mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Ông Sếp nào mà lại… Đấy, kì quái!

Hồng Phong: “Anh tưởng tượng hết đi, anh tưởng tượng hết tất cả những điều xấu nhất có thể đến với anh”. Thực lúc đó không ai nghĩ đến cái chuyện xấu để tưởng tượng. Không thể nào tưởng tượng nổi cái cách hắn bắt nợ, lấy cái này cái kia, không thể nào! Hình ảnh hiện ra là cứ muốn xua đi rồi. Thì Sếp mới nói là: “Anh tưởng tượng hết tất cả đi, chọn bệnh viện luôn, sẵn sàng luôn!”. Nhưng mà sau đó tự nhiên mình thấy có một cái gì đó dại dột. Ngay lúc đó, mình có tưởng tượng ra nó rồi, thì mình thấy dại dột “À, tại sao mình không chuẩn bị đi về quê luôn đi cho rồi!”. Thì cũng thấy mình kì vọng và bám vô vấn đề an toàn của gia đình, con cái, danh dự, cha mẹ. Tự làm ăn mười mấy năm trong Sài Gòn, chừ trắng tay, nó thê thảm quá, khổ lắm! Chính những điều đó, thực sự, những điều đó làm mình khổ. Chỉ nghĩ đến an toàn cho vợ con thế này thế kia, cho con mình tiếp tục được đi học.

Sâu thẳm nhất là tâm nó loạn, vô cùng loạn. Thì mình nhớ buổi hôm đó Sếp về ngoài Hà Nội luôn, tâm mình bị loạn, không thể nào không nghĩ đến chuyện bị đe doạ, không cách gì luôn. Thì rất là may, trước đó ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, mình hay chở bà xã đi chùa Giác Lâm, có đi thì mình cũng đứng ở ngoài giữ xe, có vô thì ngồi ghế trước sân, nhưng trong đầu mình không có gì Phật Pháp. Thì Sếp có cho câu thần chú của Quán Thế Âm – “Anh về anh cứ niệm, hít vô Om Mani thở ra Peme Hung, cứ như thế thôi!”. Lúc đấy Sếp mới chỉ là: Bây giờ chấp nhận cái sai lầm, chấp nhận hết mọi thứ xảy ra, đồng thời sẵn sàng đi đến tất cả các chủ nợ để mà nói chuyện rõ ràng. Bây giờ không bỏ đó đi đâu, người ta có cho mình cơ hội hoặc không cho mình cơ hội, thì mình hãy làm tất cả những điều… chứ mình không thể cản được, mọi cái không thể cản lại được. Tiền không còn để trả, chỉ có mỗi một việc là làm trả nợ thôi.

Đi đến nói chuyện với các chủ nợ, mình không dám vô nhà. Mình ngẫm nghĩ về những gì Sếp nói, nó rất là chính xác. Nếu mình không áp dụng điều đó thì không còn phương pháp nào nữa. Thì mình về, lúc đó mình tụng niệm rất là hăng, chừng ngày khoảng 7, 8 tiếng, tự nhiên tâm mình nó rất bình an, bớt rối loạn các vấn đề. Mình suy nghĩ câu chuyện có vẻ nó sáng hơn. Nó sáng, mình biết phải làm gì, nên làm như thế nào, hơn là cái lúc mình không có câu thần chú thì nó bấn loạn hết. Một ngày mình uống 3, 4 hộp sữa Ensure, lúc nào cũng có sữa trong xe, cơm thì không nuốt nổi, uống sữa cầm hơi. Mình quyết định đi tìm chủ nợ, khất nợ.

Thực sự cái số nợ của mình, không phải họ cho mình vay quá lớn, mà cái lãi suất quá cao, mình không trả được. Bù lại, người ta phải lấy hàng mình, mình giảm giá xuống cho người ta, đưa hết hàng cho người ta, người ta bán được thì người ta lấy, người ta không bán được thì đẩy lại cho mình, mình ôm xô. Rồi mình đi nói chuyện, thì họ ok hết. Một số người, họ rất thông cảm với mình. Mình mới phát hiện nỗi sợ ghê gớm của mình, nó cũng không quá như mình nghĩ, nhưng cái đe dọa này kia rồi mình bám vô vợ con, vô gia đình, nó mới phóng chiếu dữ lên, cứ nghĩ người ta sắp giết mình đến nơi. Mà cũng có thể người ta sắp giết mình đến nơi, đâu có đường lui. Nhưng không hiểu sao cũng chỉ có đập bàn đập ghế một lúc thôi là đi về.

Qua điều đó mình rút ra kinh nghiệm, trong lúc đó thì mọi thứ có thể đến bất kỳ lúc nào, bất kỳ lúc nào, kể cả cái chết cũng vậy. Nó chạy vô, nó chém mình cái. Lúc đó mình nghĩ, nếu khi ấy mình chết thì ít nhất mình có được câu thần chú, ít nhất có được cái để mình hướng về để mình thấy tâm bình an. Sau đó mình thấy, mình từng có tất cả tiền bạc, nhà cửa, nhưng chưa có một ngày nào tâm mình nó yên, chưa bao giờ thấy nó bình an. Thậm chí vợ mình rất là đẹp nhưng mình có tiền mà, thời mình có tiền mình ra đường mình thấy gái xinh, mình vẫn thèm mà. Nhiều lúc thèm một cách đau đớn luôn, tìm mọi cách để mình khắc phục. Sau này mới gặp Sếp nhiều, mình mới nhìn thấy cái hướng, cái con đường, lối đi để mình thoát khỏi cái điều mà làm mình khổ rất là nhiều.

Và đến thời điểm này mình đã đi trên con đường, 4 năm kể từ ngày đó. Giờ công việc mình tốt hơn. Bây giờ mình bán café vỉa hè, rất đông khách. Và chủ nợ, đến thời điểm này, cũng vẫn ghé thăm chơi. (Mọi người cười) Đi đâu đó tạt vô, thăm chơi nói chuyện rất là bình thường, thư giãn. Khi nào có mình gửi vài đồng, chứ mình không hứa hẹn ngày nào đó, năm nào, tháng nào hết. Mình có nợ, mình phải trả. Điều quan trọng nhất là mình có được con đường giải thoát, biết cái mình cần tìm là cái gì, chứ không phải là nhiều tiền. Xin cảm ơn!

(Mọi người vỗ tay)

Thiên tai, thảm họa, phá sản, vay nặng lãi, giang hồ đòi nợ, chém vợ con…bất kì ai cũng có thể gặp phải. Đấy đều là “ớt”.

 Liệu mình có đủ bình tĩnh và hạnh phúc, vui vẻ cười đùa khi chuyện xảy đến không?

 

4. Bài học từ câu chuyện của bạn Phong

Thầy Trong Suốt: Rồi! Bài học rút ra từ câu chuyện của Phong là? Có rất nhiều bài học đúng không? Bài học của Phong cũng là bài học cho mình luôn đấy. Có ai có bài học gì không?

Bạn nam: Qua câu chuyện của anh Phong thì mình thấy 3 bài học. Bài học thứ nhất: Trong kinh doanh thì hạn chế vay nặng lãi. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: (Cười lớn) Được, tốt!

Bạn đó: Mình có thể tìm món vay nào đó an toàn hơn tí. Vì mình vay dễ thì toàn xã hội đen bao vây.

Bài học thứ hai là: Dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn có niềm tin vào con người. Ví dụ mình cứ nghĩ là chủ nợ sẽ luôn luôn hù dọa mình, thuê xã hội đen giết mình, nhưng thực tế là mình chưa dám đối diện với từng trường hợp cụ thể đó, nên phân vân nhiều con đường. Như anh Phong thì anh ấy đi trực tiếp, đối diện với từng chủ nợ, thì câu chuyện này nó gợi mở ra những trường hợp: Với một người, trong điều kiện nào đó, thì thẳng thắn trao đổi chân tình, họ sẽ mở ra cho mình cơ hội, để mình thoát cái bế tắc của mình.

Còn thứ ba: Quan trọng nhất là bài học về sự tĩnh tâm. Tĩnh tâm để giải quyết một tình thế nào đó, khi chúng ta rơi vào trạng thái gần như bị tiêu, bị tiêu chứ không phải bị “ớt”, đối với phương Tây là bị tiêu nha. (Mọi người cười) Đối với em có 3 bài học đó thôi.

(Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Rồi, cảm ơn bạn. Tốt, rất tốt!

Thu Thủy: Sau khi nghe câu chuyện của anh Phong, em thấy trong mỗi người, ai cũng có nỗi sợ hãi nhất định, thì mình có thể rút ra bài học là: Khi nào cũng phải cố gắng, phải đối diện nỗi sợ hãi của mình thì mới có thể tìm ra cách giải quyết được, chứ mình không thể né tránh nó mãi được.

Thầy Trong Suốt: Được.

Thu Thủy: Nếu đặt mình vào hoàn cảnh như anh Phong, em sợ là mình sẽ không vượt qua được. Nên nếu là phụ nữ thì đừng có vay nợ. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: (Cười lớn) Đừng có vay nợ, đúng không? Đừng có đẻ con, cho nó an toàn! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Rồi, tốt, rất tốt! Có ai có bài học gì nữa không ạ? Em tên gì ấy nhỉ?

Bạn đó: Dạ, Ánh Nguyên ạ.

Thầy Trong Suốt: Nguyên hả? Woa, trong nhóm có nhiều bạn Nguyên nhỉ? Tên Nguyên là tên tốt. “Nguyên” là nguồn gốc của mọi thứ, là sự thật của Trí tuệ.  “Nguyên” là Nguyên thủy, nguồn gốc, nguồn sáng, nguồn từ bi – trí tuệ, tất cả đều đến từ Trí tuệ.

Ánh Nguyên: Dạ, nếu như em rơi vào cái hoàn cảnh giống như của anh Phong thì em sẽ hướng về đức Phật. Em sẽ tìm đến bên trong, như là mình sẽ cầu nguyện, mong ơn trên, Đức Phật độ trì để cho mình sáng suốt, để cho mình có thể nghĩ được cách giải quyết tốt.

Thầy Trong Suốt: Ừ, chuyện của Phong là một chuyện thực tế đã xảy ra cách đây 5 năm. Nó để lại rất nhiều bài học. Nhìn vào câu chuyện, chúng ta phải thấy có mấy bài học:

Thứ nhất là, những tai hoạ rủi ro ấy có thể ập đến thực sự trong cuộc đời mình. Thực sự nó có thể ập đến được, chứ không phải là nó không ập đến được. Ví dụ cách đây 5 năm thì Phong gặp chuyện đấy, còn cách đây 6 năm thì Phong đang vui vẻ mà. Đúng không? “Tiền bạc rủng rỉnh, vợ đẹp con khôn, ra đường đau đớn”, đấy! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười) Đang ngon mà! Lúc đó có tưởng tượng được 1 năm sau thì mình có thể mất hết, mất thế nào đâu? Không ai tưởng tượng được. Tất cả những cái rủi ro, tai hoạ có thể thực sự ập đến trong cuộc đời mình! Thực sự ập đến được. Chứ không phải nó chỉ xảy ra với người khác, còn tôi không bị.

Cách đấy sáu năm chắc Phong nghĩ là “xảy ra với người khác, người khác bị chứ tôi không bị”. Nhưng mà thực sự xảy ra với mình. Ở đây ai đang nghĩ là “người khác bị chứ tôi không bị” thì phải cẩn thận. Một năm nữa, liệu ta còn gặp nhau được không? Nói Trà đàm có khi chưa chắc gặp nhau được, thực sự là như thế. Ngay cả mình, có khi chưa chắc gặp lại các bạn được, có khi muốn Trà đàm cũng chả được nữa luôn. Đúng chưa? Đấy là điều nhà Phật gọi là Vô thường.

Những điều bất thường không thể lường trước được, còn những cái hạnh phúc thì nó không mãi mãi được. Vô là không, thường là mãi mãi, không có gì là mãi mãi cả. Đang giàu, thì không thể giàu mãi, đang sướng không thể sướng mãi, đang hạnh phúc không thể hạnh phúc mãi, đang được tôn trọng không thể được tôn trọng mãi, đang được yêu thương cũng không được yêu thương mãi, đang được ca ngợi không được ca ngợi mãi, đang khoẻ cũng không khoẻ mãi, đang yên bình cũng có thể gặp Formosa như thường.

Đấy, đấy là bài học thứ nhất – bài học rõ ràng về Vô thường. Từ một người chủ, làm ăn phát đạt giàu có, vợ đẹp con khôn… thế mà chỉ một năm sau mất sạch. Và khi cái Vô thường xảy ra, nó xảy ra theo cách mình không ngờ tới. Có khi các bạn ở đây sẽ không gặp Formosa lần thứ hai, nhưng mà các bạn lại gặp… gặp gì bây giờ? Đà Nẵng có gặp đại nạn gì không? Bão. Đúng không? Ngày xưa, cách đây lâu lâu có chuyện rắn ở Đà Nẵng rất nhiều đúng không? Có khi ra đường rắn cắn, giãy đành đạch chết, có vụ đấy không nhỉ?

Không ai biết rủi ro của mình là cái gì đâu! Không ai ngồi đây mà chắc là tôi kinh doanh không bị phá sản đâu, vì tôi có kinh doanh đâu? Nhưng mà có khi lại gì? Không kinh doanh nhưng mà bị rắn xanh cắn chết. Không kinh doanh nhưng con cái lại bị tai nạn chết. Đó là những cái rủi ro, dù chúng ta có muốn không nói đến, thì nó vẫn đến. Đây là bài học đầu tiên, bài học về Vô thường.

BÀI HỌC 1.

Tai hoạ rủi ro có thể ập đến thực sự trong cuộc đời mình – Vô thường.

Bài học thứ hai, có bạn nói rất đúng, đó là khi chúng ta gặp chuyện như vậy, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị về mặt tinh thần ấy, thì chúng ta sẽ bị rối loạn là cái chắc. Đấy, Phong cũng là một người đàn ông khôn ngoan đó chứ, đâu phải kém đâu? Khôn ngoan, làm ăn được thì phải là khôn ngoan chứ? Nhưng mà nếu không chuẩn bị, nếu không có sự bình tĩnh thì không đối mặt được. Như bạn Phong là bạn rất may, vì khi bạn khó khăn là bạn gặp được ông Sếp giúp. Chứ nếu bạn không gặp ông Sếp đấy thì… đúng không? Thì chắc là đời bạn ra cám là chắc rồi! “Ớt” là chắc! “Ớt” thật!

Ông Sếp bảo Phong là gì: “Đọc thần chú đi, “Om mani” đi!”. Hít vào, thở ra đọc “Om Mani Peme Hung”. Đây là câu thần chú của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, có sức mạnh rất lớn, giải trừ được đau khổ bệnh tật. Và cái việc mình hít thở đọc nó ấy, làm tâm mình nó tự nhiên bình an trở lại. Nên là bạn ấy có sự bình an, ngay giữa bão tố vẫn bình an.

Lúc bình thường đang ngồi như thế này này, bình an rất là dễ. Nhưng mà ngay giữa bão tố vẫn bình an ấy, thì phải có phương tiện, phải có cách, chứ không phải tự nhiên bảo các bạn ở đây ngồi bình an được, đúng không? Nếu bây giờ có một cú điện thoại bảo là bố mẹ ở nhà gặp chuyện, liệu mình còn bình an được không? Khó lắm! Nhấc điện thoại lên thấy bố mẹ bị một chuyện gì đấy rất kinh khủng, làm sao bình an được? Như vậy là khi gặp khó khăn phải bình an, nhưng cái bình an ấy – nó phải được học, được chuẩn bị. Trong câu chuyện này, là thứ nhất bạn ấy đọc “Om mani pê mê hung” bảy, tám tiếng một ngày. Cái đấy, nó không cần ngồi một chỗ đọc, mà chỉ cần hít vào – thở ra đọc được. Nên các bạn ở đây nếu mà muốn bình an sớm ấy, thì nên bắt chước bạn Phong. Hít vào đọc “Om mani”, thở ra đọc “Peme hung”. Đây là câu tâm chú đấy! Của ai mọi người biết không ạ?

Mọi người: (Xôn xao)

Thầy Trong Suốt: Của Ngài đứng ở đầu biển Đà Nẵng đây này! Quán Thế Âm Bồ Tát đấy! Một vị Phật thì có thể có rất nhiều câu thần chú. Quan Âm Bồ Tát thì có vô số thần chú luôn! Có Chú Đại Bi, có Chú Bạch Y Quan Âm… vô cùng nhiều. Nhưng một vị Phật chỉ có một câu tâm chú thôi. Câu tâm chú là tinh tuý tất cả các thần chú của Ngài. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có câu tâm chú là “Om mani peme hung”. Nó là tập hợp sức mạnh của tất cả các thần chú, kể cả Chú Đại Bi cũng ở trong đấy luôn. Kể cả sức mạnh của các vị Phật khác cũng ở trong đấy. Nên là nó có sức gia trì, sức bảo vệ, giúp đỡ rất to lớn.

Nên là bạn ấy may mắn khi gặp được thần chú Quán Thế Âm ngay khi bạn ấy đang khó khăn. Đấy, đấy là điều mà mọi người, đặc biệt người dân Đà Nẵng, là được Quan Âm Bồ Tát phù hộ, nên là mới không bị bão lụt đấy. “Thành tâm lễ bái thiết tha, Quan Âm phù hộ thoát ra nhẹ nhàng” đấy. Thoát ra bão lụt đấy! Mấy lần bị bão đều được Quan Âm búng tay một cái thế là nó đẩy đi chỗ khác. (Mọi người cười) Đấy, mọi người nên nhớ học thuộc lòng câu đấy:

Thành tâm lễ bái thiết tha,

Quan Âm phù hộ, thoát ra nhẹ nhàng.

Khi gặp khó khăn, bạn Phong bạn đọc “Om mani” chính là bạn ấy đã “Thành tâm lễ bái thiết tha” đấy! Ngày bảy, tám tiếng chính là “Thành tâm lễ bái thiết tha” chứ còn gì nữa, thì “Quan Âm phù hộ, thoát ra nhẹ nhàng”. Bạn ấy “thoát ra nhẹ nhàng” thật! Những chủ nợ, cái người mà doạ chém bạn ấy, không chém bạn ấy thật. Chứ mọi người đừng nghĩ là sẽ không chém. Chẳng qua là được phù hộ nên không bị chém thôi! Chứ còn đủ nghiệp xấu, đến phát là chém thật. (Một bạn nữ giơ tay) Em nói đi!

Bạn nữ đó: Khi nãy lúc Thầy cho câu thần chú để nghe, để tĩnh tâm. Nhưng mà răng, cũng là một người bày cho em cái câu là “Om Ma Ni Bát Di Hồng”. Là chừ em không biết giữa hai câu thì câu nào đúng? Nên xin Thầy cho em biết!

Thầy Trong Suốt: Câu nào cũng đúng, là do mình chọn cái nào thôi. Ở Trung Quốc ai cũng đọc “Om Mani Bát Di Hồng”.

Câu gốc của Ấn Độ là “Om Mani Padme Hum”, nhưng sang Tây Tạng thành “Om Mani Peme Hung”, nghĩa là đã thay đổi rồi. Sang Trung Quốc thành “Án Mani Bát Di Hồng”. Sang Việt Nam phiên âm thành “Án Mani Bát Di Hồng”. Câu đúng là cái câu mà mình có lòng tin. Em đọc không sao đâu! “Cái bàn” với cả “table” (tiếng Anh) giống nhau. Nên em có duyên với câu nào thì em đọc câu đấy. Ví dụ những người có duyên với anh, anh hướng dẫn cho đọc là “Om Mani Peme Hung”. Bạn Phong là bạn ấy đọc câu đấy. Đấy là cách đọc của Tây Tạng. Chứ không phải là “Pad Mê Hum” mà là “Pê Mê Hung”, H–U–N–G đấy. “Om Mani Peme Hung”. Cái đúng hay không nằm ở tâm của mình. Câu nào cũng là câu đúng, miễn là mình có lòng tín tâm.

BÀI HỌC 2.

 Có sự chuẩn bị về tinh thần để tâm không bị rối loạn.

Ví dụ: Tập tĩnh tâm bằng cách đọc tâm chú của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát “Om Mani Pê mê Hung”.

 

Anh Phong: Dạ, em xin thêm một xíu kể với mọi người để thấy hết cái sự vi diệu của câu thần chú của Đức Quán Thế Âm. Ngay trong thời điểm mình chia sẻ lúc nãy, cái người mình nói là ra tù bảy năm, mà mình sợ nhất ấy, thời gian sau chính người ấy lại giúp đỡ mình. Và đám cưới người đó lại mời cả hai vợ chồng mình. Vi diệu đến mức mình không thể tưởng tượng được. Lúc đó mình chỉ là chí thành mà niệm thôi, cũng không có tìm hiểu là câu thần chú này có ý nghĩa như thế nào, thế nào… Bởi vì lúc đó nghe theo Sếp, em chỉ hít vô “Om Mani”, thở ra “Peme Hung”, sẵn sàng đối diện với mọi thứ. Và điều vi diệu nhất là cái người giang hồ đó lại quay lại giúp mình và đám cưới mời tụi mình đi. Ngồi bàn đầu tiên. Đấy, vi diệu.

Thầy Trong Suốt: (Cười lớn) Thành tâm lễ bái thiết tha!

Một bạn nữ: Em xin hỏi anh Phong. Anh cho em hỏi là khi mà anh niệm thần chú đó thì có kèm theo một mong muốn gì hay không, hay là chỉ quan sát hơi thở và… Lòng tin đi kèm với câu thần chú đó cụ thể là cái gì?

Anh Phong: Mình nói thế này cho dễ nè, mình chỉ hít vô, và trong đầu mình niệm “Om Mani”, và mình để ý đến bụng của mình, thở ra thì “Peme Hung”, như vậy thì tâm mình nó không loạn, không có chạy nữa. Đến một lúc nào đó tâm mình nó tĩnh lặng, và những việc mình cần làm hay cần nghĩ, cần phải giải quyết thì nó rất là sáng, sáng sủa hơn là lúc tâm mình loạn, mình không nghĩ được. Mình bình tĩnh hơn.

Bạn nữ đó: Dạ, em muốn hỏi rõ hơn để cho mọi người nghe luôn. Như vậy là sẽ không kèm theo mong muốn gì hết? Có nghĩa là mong muốn bình an cho gia đình, con cái, hay là tất cả những cái mà mình muốn thoát ra khỏi cái nạn đó… cũng không luôn?

Anh Phong: Không, không! Có chứ, có chứ. Những điều đó mình rất là mong và cầu nguyện thêm. Mình tưởng tượng Đức Quán Thế Âm và mình cầu nguyện là mình sẽ đủ khả năng bình tĩnh để đương đầu với tất cả những cái tai nạn đó. Mình cũng cần tha lực đó, chứ không phải là không cần. Thần chú, dứt khoát trong cái thời điểm đó, sẽ giúp mình tĩnh tâm hơn. Và tập với cái mình hướng về, hướng về chư Phật để mình cầu mong sự gia trì, gia hộ đó. Mình có niềm tin vững chãi hơn, những cái cần giải quyết, mình đi thì đơn độc, nhưng trong tâm mình thì không có đơn độc, giống như có sự hỗ trợ, thành ra mình mạnh mẽ hơn và thần chú làm mình sáng suốt hơn.

Thầy Trong Suốt: Được chưa? Em nên ghi câu đấy vào nếu em muốn thay đổi cuộc đời em: “Om Mani Peme Hung”. Bình thường các câu thần chú là bí mật, không được truyền. Nhưng mà riêng câu của Quán Thế Âm Bồ Tát là câu được phép truyền. Chứ câu tâm chú của các vị Phật khác có được truyền đâu. Phải là học trò của ông thầy, làm lễ nhận học trò… mới được truyền. Nhưng câu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là câu được truyền, ai nghe cũng được. Vì đại nguyện của Ngài rất là rộng lớn, nên là Ngài sẵn sàng trao truyền cho bất kì ai có duyên.

Đà Nẵng đã có duyên với Ngài rồi, nên ghi câu đấy vào. Hít vào “Om Mani”, đọc thầm trong đầu thôi không cần đọc ra miệng. Khi mình hít vào, không phải mình cố tình hít, mà là mình… Khi hơi thở đi vào, mình nhớ ra là “Om Mani”, hơi thở đi ra mình đọc “Peme Hung”. Và bạn Phong bạn làm thêm điều nữa là bạn để ý cái bụng phập phồng. Vì khi để ý bụng thì tâm của mình nó ở trong hiện tại, nó không chạy ra theo suy nghĩ. Ở bụng mà, bụng là cái phập phồng, rất hiện tại. Nên là sự bình tĩnh đến được với bạn Phong.

Như vậy câu thần chú có hai sức mạnh: Một là, sức mạnh về tha lực – là Đức Quan Âm Bồ Tát nghe thấy giúp đỡ. Nhưng sức mạnh thứ hai, quan trọng hơn, là tự lực. Đó là tự nhiên tâm mình nó sáng suốt, tĩnh tại. Sáng suốt nhờ mình là chánh niệm để ý vào thần chú ở bụng.

Bài học thứ ba là sự bình tĩnh. Cách nào cũng được, nhưng mà bình tĩnh. Thật ra, bình tĩnh không nằm ở thần chú đâu. Thực chất, bình tĩnh ở đoạn Phong chấp nhận được là mình sẽ bị chết như thế nào, con mình bị cắt nội tạng ra sao. Mình chấp nhận những chuyện đấy xảy ra trong đời mình. Khi mình chấp nhận được chuyện đấy, thì sự bình tĩnh nó sẽ đến.

Kì quái! Nghĩa là khi mình không chấp nhận được rủi ro thì bình tĩnh nó không đến. Còn khi mình chấp nhận được là rủi ro có thể đến, đủ duyên, đủ nhân quả nó sẽ đến thôi, thì mình lại bình tĩnh, đối diện được với nó.

BÀI HỌC 3. Bình tĩnh.

 

Bài học thứ tư chính là sự chấp nhận. Chấp nhận mọi điều xấu nhất có thể xảy ra với mình. Vì đấy là bản chất cuộc sống. Bởi vì bản chất cuộc sống là Vô thường, và bản chất thứ hai là Nhân quả. Nếu mình đã từng chặt đầu con gà, con chó ở trong đời trước thì đời này người ta chặt đầu mình là bình thường.

Trong nhà Phật có ngài Mục Kiền Liên rất nổi tiếng. Mọi người có biết ngài Mục Kiền Liên không ạ, người mà có thần thông số một của Đức Phật đấy, học trò Đức Phật đấy? Có câu chuyện Vu Lan Báo Hiếu chính là mẹ của ngài. Ngài xuống địa ngục gặp mẹ và dâng thức ăn cho mẹ. Mẹ cầm thức ăn một cái thức ăn biến thành than đỏ không ăn được. Thì ngài Mục Kiền Liên cũng chết một cái chết rất là kinh khủng. Mặc dù ngài đã đắc quả A La Hán nhưng ngài vẫn bị hai tên côn đồ đánh chết, đập vỡ đầu chết. Mà lúc đấy ngài chẳng thể hiện, không dùng được thần thông nữa luôn. Lúc đấy bao nhiêu thứ thần thông biến hoá mất hết. Không bay lên được, không chui xuống nước được, không đi đâu được nữa. Chỉ bị hai tên côn đồ đánh chết thôi, đập vỡ đầu.

Mọi người khóc lóc buồn rầu, nhưng thấy Đức Phật mặt rất thản nhiên, mới hỏi Đức Phật là “Tại sao đại đệ tử của Thầy chết mà Thầy lại bình an thế?”. Đức Phật bảo: “Đây là câu chuyện hoàn toàn đúng với nhân quả mà thôi. Mục Kiền Liên ở những đời trước, có một đời lấy một cô vợ xấu tính. Nhà rất giàu, ông ấy rất tham được thừa hưởng gia tài. Nhưng bố mẹ thì già mà vẫn khoẻ bình thường, thành ra là gia tài không hưởng được. Thế là người vợ mới xui ông thuê côn đồ đập cha mẹ mù mắt. Quả nhiên ông ấy thuê côn đồ đập cha mẹ mù mắt và được thừa hưởng gia tài, sống một đời sống bình thường”. Thứ hai nữa, Đức Phật nói: “Có một kiếp ông ấy làm nghề chài lưới giết rất nhiều tôm cá. Thì hai cái nhân của hai đời đấy cộng lại với nhau – một đời đánh mù mắt cha mẹ, một đời giết nhiều tôm cá, dù đời này ông làm bao nhiêu điều tốt, chứng quả A La Hán, làm ra nhiều điều tốt mà quả ông không thể thoát được”. Và ông vẫn bị đập chết như thường.

Bài học ở đây là chấp nhận. Chấp nhận nhân quả. Bạn Phong lúc đấy tâm thần rất là loạn. Nhưng ông Sếp hỏi là: “Anh sẽ chết ở bệnh viện nào? Bị chém ở đâu? Con anh sẽ bị mổ cắt nội tạng như thế nào?”, thì Phong mới bắt đầu nghĩ rằng: “À, những chuyện này đều có thể xảy ra, và chấp nhận nó. Chấp nhận xong rồi tự nhiên trong lòng mình có sự bình thản. Cùng lắm thì sẽ thế thôi mà!” – Đấy, “cùng lắm thế thôi!”, và Phong thoát ra được bởi vì chấp nhận.

Nên có một điều quan trọng của ngày hôm nay là Formosa có thể tái diễn lại lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng mà chúng ta phải chấp nhận cái khả năng đấy. Chấp nhận để cho chúng ta có một sự bình tâm, bình an thật sự trong hiểu biết.

Cái sự bình an đấy mới làm chúng ta phát sinh sáng suốt được. Còn nếu suốt ngày lo lắng là sẽ chết – “Rồi Formosa sẽ làm tan nát đời tôi! Côn đồ sẽ chém chết tôi!” – nếu mà suốt ngày nghĩ thế thì làm sao sáng suốt được. Mà phải nghĩ là “Ừ, nó sẽ chém tôi được. Thế thì từ giờ đến lúc chết tôi phải làm gì?”, thì sẽ sáng suốt ngay. Lúc đấy mới đủ dũng cảm để đi gặp những người chủ nợ. Để gặp chủ nợ khó vô cùng luôn, mà vẫn phải dũng cảm để nói là “không phải đến để khất nợ”. Lúc đấy ông Sếp khuyên Phong là “Đến đừng có nói là khất nợ, mà nói là em không trả được nợ”. Đấy! Đến khất nợ thì dễ. Đến khất nợ có thể xin là nửa năm nữa, xong rồi lại ngập trong đống nợ. Không phải!  – “Đây, em có thân này muốn chém thì chém, muốn giết thì giết. Đấy, em có một vợ hai con, thích đâm thì đâm, thích bán thì bán”.

Nhưng ông Sếp lại khuyên Phong nên nói với người ta là: “Em không trả được nợ đâu, làm ăn của em bây giờ thế này làm sao trả được nợ được. Hoặc là anh chị giết em, hoặc là để yên cho em làm”. Đấy, chứ không phải đến khất nợ, đến khất nợ thì dễ. Nhưng đến để nói là “tôi không trả được nợ”, đấy là lý do mấy ông chủ nợ, mấy bà chủ nợ thay đổi, vì chưa có ai đến gặp họ và nói không trả được nợ cả, mà đến để mặc cả. Họ mới tin là “Ừ, đúng rồi, thằng này nó không lừa mình. Không phải là nó có tiền, nó giấu, không phải là nó tìm cách quỵt tiền, mà nó thế thôi” – Đấy, bài học như vậy.

Bạn nữ khác: Vậy là mình cứ chấp nhận ăn cá tiếp hả anh?

Thầy Trong Suốt: Ừ, thế thôi! Đúng rồi, chuẩn luôn! Mình thoát thế nào được, đúng không? Không ăn cá thì ăn cái khác cũng bị mà? Mình ăn gà nhiều khi cũng bị mà không biết. Nên là có cá thì ăn cá, có tôm thì ăn tôm, có gà ăn gà, có gì ăn nấy.

BÀI HỌC 4.

 Chấp nhận điều xấu nhất có thể xảy ra với mình, vì đấy là bản chất cuộc sống: Vô thường và Nhân quả.

II. CÁC CÂU HỎI TÂM LINH

1. Địa ngục có hay không? Ở đâu?

Một bạn nữ: Cho em hỏi, cái vị Mục Kiền Liên mà Thầy nói, khi phạm cái tội giết cha, giết mẹ như vậy thì sẽ bị vô địa ngục vô gián, mà địa ngục vô gián thì không thể thoát ra được và không có khả năng tu hành đắc quả A La Hán được.

Thầy Trong Suốt: Không, ngục vô gián ra bình thường, chỉ rất lâu thôi. Còn trả hết nghiệp, vì nhân quả mà, trả hết nghiệp thì sẽ ra.

“Vô gián” là gì, là không gián đoạn. Nghĩa là nó khổ liên tục, không thoát ra được. Địa ngục nó có nhiều loại. Ví dụ như là loại mình nằm xuống đất này, xong lè lưỡi ra cho lưỡi cày cày qua, xong rồi lại khoẻ, một lúc sau lại nằm xuống. Nhưng cái vô gián là không gián đoạn, là làm liên tục, từ sáng đến tối chỉ có chịu khổ mà thôi. Nhưng không có ngục nào là không thoát được. Nếu không thoát được là trái với nhân quả, trái với vô thường. Nó chỉ rất lâu thôi.

Bạn nữ đó: Theo nghĩa của anh là có địa ngục hay không?

Thầy Trong Suốt: Có chứ!

Bạn nữ đó: Tại vì một số thầy giảng Kinh Phật nói là có. Nhưng một số thầy lại nói là cái đó là do người ta tự đặt ra để mà huấn luyện con người, cũng như hướng dẫn con người đừng làm việc ác thôi, chớ thực tế không có. Mà những đau khổ của con người thì đó là địa ngục.

Thầy Trong Suốt: Có chứ! Nếu mà hiểu đúng lời Phật thì đương nhiên. Đức Phật kể bao nhiêu chuyện về tiền kiếp. Nếu mà trích đúng Kinh Phật ra thì chắc chắn là có địa ngục. Mà vì các thầy không trải nghiệm được nên các thầy nghĩ là đặt ra để… Không phải đâu, địa ngục là lời Đức Phật nói hẳn hoi, được ghi rõ trong Kinh, chứ không phải là lời bịa đặt để mọi người sợ. Không phải!

Thế nhưng không cần biết là nó có thật hay không, nếu trong cuộc sống của mình, lúc tâm mình hoảng loạn ấy, cũng chả khác gì địa ngục luôn. Nếu mà để ý thấy rằng, cuộc đời của mình trông thì tưởng là mình ở cõi người, nhưng thực chất tâm mình có khi là ở cõi địa ngục. Đặc biệt mình gặp gỡ nhiều người, mình mới thấy là có nhiều người đang sống như thế này mà lúc nào cũng hoảng sợ, lúc nào cũng cảm thấy đau đớn. Nghĩa là họ đang ở địa ngục ngay khi họ ở trần gian luôn. Và mình hoàn toàn có thể rơi vào cảnh đấy.

Ví dụ tự nhiên mình đang ngồi thế này, con mình bị ô tô chèn đi chèn lại trước mặt mình, thì tâm mình chuyển sang cảnh địa ngục ngay lập tức. Dù mình đang ngồi ở cõi người, nhưng tâm mình có thể ngay lập tức xuống địa ngục, bị đau đớn, dày vò, không thoát ra nổi luôn. Đấy là vô gián đấy. Mình có thể đau đớn, dày vò không thoát ra nổi ngay khi đang ở cõi người.

Đấy, nếu nói như vậy mình có thể thấy rằng, mình chưa cần tin là Đức Phật nói đúng hay không, chỉ cần nhìn mình và những người xung quanh để thấy rằng địa ngục hoàn toàn là điều có thể xảy ra với mình, đúng không?

2. Thời nay có các bậc giác ngộ hay không?

Một anh hỏi: Cho em hỏi là tại sao bây giờ có rất nhiều người tu theo Phật, mà không có ai thành Phật?

Thầy Trong Suốt: (Cười) Làm sao em biết được? Em chỉ cho anh đi!

Anh đó: Tức là Đức Phật khi còn tại thế, Ngài tu và Ngài thành Phật, là một người bình thường như mình, Ngài tu và thành Phật. Nhưng mà từ sau Ngài, không có ai…

Thầy Trong Suốt: Đấy là em không biết. Em có quen tất cả cao tăng đắc đạo ở trên thế giới này không? Từ xưa đến nay, từ hồi Đức Phật – 2500 năm trước đến giờ, bao nhiêu người đắc đạo em có quen không, em có số điện thoại, có địa chỉ không? Nếu không thì sao em dám nói là không có ai? Nếu em bảo là không có – không đấy là em bịa đặt rồi. Những người đấy em có quen đâu? Người ta đắc đạo em có biết đâu? Sao em bảo là không có ai?

Anh đó: Theo Thầy thì có ai bây giờ?

Thầy Trong Suốt: Đầy! Rất nhiều người giác ngộ. Thầy trực tiếp gặp những người đó, thầy biết. Bây giờ vẫn có những người giác ngộ, đại giác ngộ. Có đầy đủ từ bi, trí tuệ, thần thông. Họ đang tồn tại và đang giúp đỡ mọi người. Chỉ có em không biết thôi!

Anh đó: Vì từ thời điểm Đức Phật giác ngộ đó, thì Ngài đi thuyết Pháp cho tất cả chúng sanh, đưa chúng sanh tìm con đường giác ngộ. Nhưng nếu những vị như anh nói là đã đi tới cái giác ngộ, thì sự đi thuyết Pháp, truyền Pháp không được như Ngài. Thời của Ngài, Đức Phật 49 năm đi khất thực. Nhưng như thực tế ở Việt Nam mình đi, thì chưa thấy những vị cao tăng đi thuyết Pháp như Đức Phật thời còn tại thế. Nếu đã thành đạo thì nên biểu hiện cho chúng sanh thấy, chúng sanh có sự tin tưởng.

Thầy Trong Suốt: Vì nghiệp em chưa đủ tốt để gặp. Chứ không phải do không có những người như vậy. Nếu em đủ duyên em sẽ gặp những người như vậy. Đấy! Nên em đừng nghĩ rằng không có những người như vậy.

3. Hiểu thể nào cho đúng về hóa độ rộng lớn của chư Bồ Tát, chư Phật?

Một chị: Em có một thắc mắc là theo quan điểm của pháp sư Tịnh Không, thầy nói là nếu một người gọi là chân truyền của một vị Phật, giống như là chân truyền của Đức Quán Thế Âm, hoá thân vào đời này để tiếp tục độ sanh, thì người ta không thể hiện ra thân phận đó. Bởi khi người ta thể hiện thân phận đó thì họ phải đi, không thể ở lại cõi trần nữa. Đó là thân phận của Ngài Ấn Quang Đại Sư. Nhưng hiện tại bên Tây Tạng có một số dòng truyền thừa họ nói trực tiếp ngay từ đầu người này đó là hoá thân của Đức Quán Thế Âm, ngay từ khi sinh ra luôn. Thì pháp sư Tịnh Không có ý kiến là những người có thể nói thẳng như vậy, đôi khi không đúng theo định nghĩa Đạo Phật là phải ẩn mình để độ sanh, chứ không thể như vậy. Là sao anh giải thích giúp, em không rõ.

Thầy Trong Suốt: Cái cách hoá độ của nhà Phật ấy, nó vô cùng rộng lớn, nó không đơn giản như hai em nghĩ đâu. Hai em chỉ nghĩ một cách rất hạn chế về sự hoá độ của nhà Phật. Trong Kinh Duy Ma Cật, chẳng hạn, có viết là bậc Bồ Tát có thể hoá thành ma để cứu những người khác, chứ không chỉ hoá thành người tốt đâu. Một vị Bồ Tát có thể tái sinh vào cõi ma, làm một con ma để đi giúp người. Có thể hoá sinh làm trưởng giả, làm vua, có thể hoá sinh làm ăn mày, có thể hoá thân làm sư, có thể hoá thân làm gái điếm. Đấy, đấy là hoá độ rộng lớn của chư Bồ Tát, chư Phật. Nó hoàn toàn vượt ra khỏi cách nghĩ thông thường của con người, không phải cứ là ông sư mặc cà sa như Phật, cạo đầu như Phật, rồi đi 45 năm quanh đất nước thì mới gọi là hoá độ, cứu độ chúng sinh.

Chị đó: Nghĩa là họ sẽ không tiết lộ thân phận?

Thầy Trong Suốt: Có người tiết, có người không bao giờ tiết lộ cả, và khi chết không ai biết đấy là hoá thân của Bồ Tát luôn. Có những người tiết lộ với một số người học trò gần gũi. Có người học trò gần gũi biết ông ấy là Bồ Tát, ra khỏi cái vòng những người học trò đấy thì không ai biết ông ấy là Bồ Tát nữa. Nhưng có những người tự nhận là Bồ Tát, hoặc được phong là Bồ Tát bởi những người giác ngộ khác. Cách hoá độ vô cùng rộng lớn. Tây Tạng theo truyền thống không ngại, vì người dân Tây Tạng rất là trong sáng, nên họ không cần phải che giấu thân phận “tôi là Bồ Tát”. Nhưng những đất nước như Việt Nam mình thì thôi rồi, ông nào xưng Bồ Tát phát, ném đá đến chết. (Mọi người cười)

Đấy, Việt Nam tốt nhất là thôi – “Tôi là người bình thường, chả có tí giác ngộ nào” – thì sống ở Việt Nam dễ hơn. Nên ở Việt Nam các em không gặp là vì thế. Vì các em chưa đủ nghiệp tốt để được gặp. Những người như thế, ở ngay Việt Nam vẫn có, chứ không chỉ ở Tây Tạng. Ở Việt Nam có những bậc giác ngộ đang cứu độ chúng sinh như Bồ Tát nhưng em không biết. Nhưng nếu các em có lòng thực sự, thì em sẽ gặp.

4. Nghi ngờ thì không bao giờ đi được. Phải đi thì mới đến.

Chị đó: Trường hợp như hồi xưa, một vị đã ngộ rồi nhưng mà họ tìm một người cao hơn họ để chứng ngộ…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, đúng rồi, nên như thế.

Chị đó: Thì như vậy, ví dụ trong đời mình, mình có biết người nào đã chứng ngộ để mình tới xin chứng ngộ?

Thầy Trong Suốt: Có chứ, có chứ! Nếu em đủ duyên. Bây giờ những người giác ngộ vẫn còn, ở trên thế giới vẫn còn. Gặp những người đấy. Nếu em chứng ngộ, em sẽ gặp những người đấy. Nếu em nghĩ mình chứng ngộ thì em gặp những người đấy.

Chị đó: Nhiều người nói ở Việt Nam mình có thầy Thích Thanh Từ, còn hải ngoại thì có thầy Thích Nhất Hạnh. Theo anh, hai vị đó có chứng ngộ?

Thầy Trong Suốt: Anh không có số điện thoại. Nếu có số điện thoại thì đến gặp, nói chuyện, cũng chẳng biết được. Số điện thoại thầy thì mình không biết, mặt mình thì thầy chưa gặp chính thức lần nào, làm sao mình dám nói là người ta chứng ngộ hay chưa được.

Chị đó: Bởi rứa, khi đọc Kinh Phật thì người ta nói những sự chứng ngộ ở mức độ nào A La Hán, hay là Phật hay là Bồ Tát, nhưng mà hiện tại trong đời này, khi người ta chứng ngộ thì người ta chứng ngộ ở mức độ nào mình không biết được.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, có câu là Bồ Tát cấp một thì không thể biết được Bồ Tát cấp hai là như thế nào. Chưa nói Phật là gì, nhưng mà trong Bồ Tát thì có 10 bậc giác ngộ. Bậc số một đã không biết bậc số hai trình độ đến đâu rồi. Ông số hai biết ông số một, nhưng ông số một không thể biết ông số hai trình độ đến đâu luôn. Có 10 bậc, thì bậc một không nhìn ra nổi bậc hai, không nhìn ra nổi luôn ấy, không biết là ông bậc hai, ông ấy có ngộ hay không và ông ngộ ở mức độ nào. Vì ông bậc hai hành xử rất khác, ông có thể thành ăn mày đúng không, hoặc là thành cô gái điếm. Trong lịch sử ở Ấn Độ có những cô gái điếm là những bậc giác ngộ, nhưng mà làm nghề gái điếm.

Đấy, thì sự giác ngộ nó vượt ra khỏi cái suy nghĩ thông thường. Nhân duyên của mỗi người khác nhau. Nếu duyên của em, ví dụ em rất tin vào những ông sư đạo mạo này, có tiếng này, thì có thể em có duyên gặp những người đấy để họ giúp em. Thì bậc giác ngộ đấy, Bồ Tát đấy sẽ tái sinh, hoá thân thành ông sư đạo mạo có tiếng để giúp em ra khỏi đau khổ. Bồ Tát chỉ quan tâm giúp người ta ra khỏi đau khổ thôi, chứ Bồ Tát cũng chẳng quan tâm là người ta nghĩ mình là ai. Thế nhưng nếu em thuộc loại thích những người giác ngộ mà lại chơi bời, đi du lịch khắp nơi, ăn mặn, nói tục thì có khi một ông sư hay một bậc giác ngộ nhưng mà chơi bời, đi du lịch khắp nơi, ăn mặn nói tục đến gặp em. Thì đấy là cách hành trạng, cách giúp đỡ chúng sinh của Bồ Tát.

Nhưng nếu em toàn nghi ngờ như bây giờ ấy thì chẳng bao giờ học tập được. Suốt ngày nghi ngờ là ông này có giác ngộ không, ông kia có giác ngộ không, trong khi trình độ của mình không bao giờ biết nổi là người ta có giác ngộ không. Thì phải đi đã, phải đi tìm một người, có thể là không nổi tiếng bằng những người đấy, nhưng người ta giúp mình tiến bộ được. Học xong rồi nếu thấy người thầy này không phải người thầy tốt, bỏ! Đi tìm người khác. Đấy, thực dụng nhất là như thế. Vì nếu không đi thì mình không đến được, phải đi!

5. Người học trò nên quan sát Thầy

Chị đó: Em đọc truyện ngày xưa thì thấy phân theo cấp độ. Thời bây giờ, người ta chỉ thi đạt trình độ tiến sĩ hay gì đó về khoa học, nhưng phần giác ngộ người ta không nói là mình chứng được cái gì. Người ta không thể hiện ra để mình biết mình tôn trọng người đó, hay hiện tại vị đó là Phật sống hay là gì gì…

Thầy Trong Suốt: Ừ, đúng là thời nay là thời mạt Pháp, mạt là ngọn. Ngày xưa thời gốc của Pháp, gốc của Pháp là thời vẫn còn gốc. Đức Phật nói là thời, khi mà vàng thật còn ấy, thì người ta luôn biết cái gì là vàng giả, cái gì là vàng thật. Chỉ đem thật so với giả là xong. Nhưng mà khi không ai biết vàng thật ở đâu nữa, thì không biết đâu là vàng thật, vàng giả nữa. Vì khi có một cái giả, không biết đem so với cái gì. Và khi có cái thật rồi ấy, cũng chả biết so với cái gì hết. Thời này mạt Pháp là vì thế, là thời mà vàng thật biến mất.

Giống như chồng của em nói là bây giờ không thấy ông sư nào như Phật nữa, không biết ai là người giác ngộ nữa. Em không biết không có nghĩa là không có. Nhưng đồng thời cũng có nghĩa rằng, thực chất không ai biết đâu là vàng giả, vàng thật nữa. Đấy! Bạn nói đúng một thực tế là gì, bây giờ chả biết đâu vàng giả, vàng thật nữa. Không biết không có nghĩa là không có. Nhưng không biết cũng có nghĩa là cái thật cũng chẳng biết ở đâu nữa. Thì nó khó là như thế, đúng là khó thật! Nhưng nếu mình không đi thì cả đời mình chỉ nghi ngờ thôi. Mình sẽ chết trong sự nghi ngờ. Mình không biết là ai giác ngộ, ai chưa giác ngộ, con đường có nên đi hay không. Nên dù kể cả mình không biết ấy, mình vẫn nên đi. Chỉ có là nên tỉnh táo hơn bình thường, nên quan sát kĩ hơn.

Ở trong Kim Cương Thừa Tây Tạng nói là, một người học trò nên quan sát người Thầy từ 6 đến 12 năm. Một người trò nên quan sát người Thầy từ 6 đến 12 năm rồi hẵng nhận Thầy. Đấy! Ngày xưa khi biết rõ Đức Phật là bậc giác ngộ, gặp phát không thèm quan sát là thành học trò luôn. Nhưng ngày nay, khi không biết ai đã giác ngộ, ai không giác ngộ ấy, thì người ta khuyên là nên dành từ 6 đến 12 năm. Nghĩa là kể cả những ông thầy đã được phong là Bồ Tát Quan Âm tái sinh v.v…, thì không gì đảm bảo ông ấy là Quan Âm Bồ Tát thật cả. Ông ấy có khi chỉ là đứa bé bình thường, song vì nhu cầu quyền lực mà mấy ông khác đem đến và gọi là Quan Âm Bồ Tát để giữ được cái tu viện đấy. Thì em nên dành 6 đến 12 năm quan sát ông thầy.

Nhưng mà nếu không đi theo thì em quan sát thế nào? Vẫn phải theo, vẫn phải nghe, vẫn phải kiểm tra, vẫn phải thực hành. Và cái sự thực hành của em mới làm cho em quan sát được là ông thầy này có phải là ông thầy tử tế không. Ông ấy có làm được như ông ấy nói không, đấy! Ông ấy có hợp với mình không nữa. Kể cả ông ấy là Quan Âm Bồ Tát, nhưng không hợp với mình thì không giúp mình được. Thì chuyện đấy thời nay là có thật, đấy là sự thật.

Nhưng nếu em chỉ nghi ngờ không thì không được. Thì em chỉ mãi mãi chỉ là người sống và nghi ngờ, rồi chết trong nghi ngờ thôi. Đấy, tìm, cẩn thận quan sát 6 đến 12 năm, thực hành theo, thay đổi chính mình. Cứ cho là mình không gặp được ông thầy đúng đi, thì mình cũng thay đổi thực sự được. Đấy, không thành công cũng thành nhân. Mà tốt nhất thành-công-nhân là đẹp nhất, đấy! (Mọi người cười) Được cả hai.

Đấy là câu trả lời cho em, là có những người giác ngộ họ đang sống bình thường trong cuộc đời này, họ cứu độ chúng sinh như bình thường luôn. Họ có cả thần thông như trong sách viết, có cả trí tuệ, từ bi như thế, nhưng mà họ không thể hiện ra thôi. Và mình không đủ duyên mình chẳng gặp được. Còn anh thì gặp những người như thế rồi, anh biết là chắc chắn họ vẫn tồn tại, biết họ là ai, ở đâu, tên gì, làm gì, trông như thế nào, trực tiếp gặp, nắm tay, nắm chân các loại đấy! Nhân duyên của mỗi người khác nhau.

Nhưng có câu của người Tây Tạng rất hay là “Khi người học trò sẵn sàng thì ông thầy xuất hiện”. Nghĩa là mình phải sẵn sàng, và mình sẵn sàng thì ông thầy sẽ linh cảm được, ông ấy cảm ứng được cái mong muốn của mình. Ông thầy có khả năng cảm ứng được mong muốn của người khác. Ổng xuất hiện trước mặt mình thôi, nhưng mà không chắc ông ấy đã hiện theo kiểu mình muốn đâu. Không chắc ông hiện ra thành cà sa vàng, đầu trọc đâu, có khi ông ấy lại áo chim cò với cả quần đùi cũng nên, chả biết được. (Mọi người cười) Nói chung nhiều lắm, nhiều kiểu thầy lắm.

Nhưng mình phải quan sát, dành 6 đến 12 năm quan sát. Đấy! Nếu không quan sát thì nguy hiểm. Người ta nói rằng nếu người trò mà không quan sát thầy thì giống như là leo lên đỉnh núi dựng đứng mà lại không có gì để bảo hiểm cả. Còn nếu ông thầy mà không quan sát trò ấy, giống như là nhảy từ trên núi dựng đứng xuống mà không có gì bảo hiểm. Đấy! Cả hai đều chết.

Nghĩa là không chỉ quan điểm của Tây Tạng, không chỉ trò quan sát thầy, mà ông thầy cũng quan sát trò. Ông thầy muốn nhận học trò thì không có đơn giản là trò đến lạy mấy cái xong nhận luôn. Không có luôn! Ông thầy cũng dành thời gian, nhưng ngắn hơn, không đến 6 đến 12 năm, tại vì ông thầy ông ấy giỏi hơn. Nhưng ông ấy cũng phải quan sát kĩ xem người này có thực sự thành tâm không, hay chỉ đến đây để mượn đạo để làm những việc xấu. Vì nhỡ ông thầy mà truyền những giáo lý cao cấp cho những học trò mà mượn đạo làm điều xấu, thì ông thầy sẽ bị Hộ Pháp trừng phạt. Ông có thể bị chết sớm, hoặc là bị những chuyện kinh khủng, giống như trò thôi. Nên là nếu ông thầy không quan sát trò cẩn thận thì chả khác gì nhảy từ trên núi cao xuống mà lại không có dây bảo hiểm. Còn ông trò không quan sát thầy thì tương tự như vậy, leo lên núi dựng đứng mà lại chẳng có gì bảo hiểm, cả hai đều sẽ chết.

Còn anh đã trực tiếp chứng kiến những người thầy mà họ quan sát nhầm trò, dạy những giáo lý rất cao cấp cho những học trò lợi dụng, thì họ bị đoản thọ, chết rất là sớm, năm mươi mấy tuổi đã chết. Anh trực tiếp gặp những người như vậy. Thời nay là thời mạt Pháp nên phải cẩn thận. Hai em rất là chuẩn ở chỗ cẩn thận, nhưng mà mình phải đi nữa cơ. Cẩn thận không thì không đủ. Cẩn thận vẫn phải đi. Ném đá dò đường, lấy gậy chầm chậm bước đi. Và nếu mình thành tâm quan sát thì mình sẽ gặp.

6. Phương pháp thực hành nào hàng ngày để chuẩn bị nếu nghịch cảnh xảy đến?

Bạn khác: Dạ, ở trong nghịch cảnh, anh Phong đã sử dụng câu thần chú. Vậy đối với mình, chưa bị trải qua nghịch cảnh, nghĩa là mình đang bình an, có cần phương pháp hay là thần chú, hay là có phương pháp tu tập nào hằng ngày dành cho những người mà chưa có nghịch cảnh gì hết, nhưng cần có sự chuẩn bị để hướng đến một đời sống bình an không ạ?

Thầy Trong Suốt: Tốt, câu hỏi rất tốt. Một là nên hít thở đọc “Om Mani”, tại vì nó tốt cho cả mình lẫn những người xung quanh mình. Những người gặp mình, con cái mình, bạn bè mình, đối tác bắt tay với mình, làm cho cuộc đời của mình và họ tránh được cái rủi ro bệnh tật. Đặc biệt là gặp được những duyên lành, kết duyên với Phật Pháp. Vì thế rất nên hít thở “Om Mani”, tất cả mọi người nên tập, nếu có duyên thì nên tập cái đấy. Nếu đang tập cái đấy nghĩa là đang đi theo Quân Âm Bồ Tát rồi, vì chỉ cần đọc thần chú của Ngài nghĩa là đi theo Ngài. Dễ mà, và nhận sự ban phước bảo vệ của Ngài. Kể cả mình không có lòng tin về Phật Pháp lắm, thậm chí chẳng biết là có ai giác ngộ hay không thì Quan Âm Bồ Tát vẫn là Người đáng tin, rất đáng tin.

Nên là mình nên hít thở “Om Mani”. Cách tập là như thế này: Hít vào, khi hơi thở đi vào, mình đọc thầm là “Om Mani” trong đầu. Khi hơi thở đi ra, đọc thầm là “Peme Hung”. Hơi thở ra vào thế nào thì mình đọc thầm như thế thôi. Riêng cái đấy là mình đã đi theo Ngài rồi, và nhận được sự bạn phước của Quan Âm Bồ Tát. Cái đấy rất là dễ, ai tập cũng được, kể cả mình đang làm những việc chân tay như rửa bát này, hay là đi xe, lái xe… – lái xe thì càng nên đọc, làm mình bình tĩnh và đặc biệt làm bớt tai nạn đi. Đấy, rất nên đọc.

“Om Mani” là một câu thần chú rất hay, mọi người nên lên mạng đọc thêm. Cái mình thấy rất hay là cuộc đời mình sẽ bình an khi mình đọc câu thần chú đấy, mình không cần phải tập một phương pháp gì quá đặc biệt. Đấy là sức mạnh vô cùng to lớn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có một lời nguyện rất lớn là bất kỳ chúng sinh nào thành tâm cầu nguyện đến Ngài thì Ngài sẽ giúp được hết.

Ngày xưa khi mình nghe câu đấy, mình thấy buồn cười lắm, thế kẻ xấu cũng giúp à? Đúng không? Trộm cắp giết người, cầu nguyện được hết. Mọi người có ai cảm thấy buồn cười không? Ví dụ trong 12 lời nguyện của Ngài có đoạn: tội đồ – bọn trộm cắp ấy, khi bị bắt mà nguyện đến Ngài thì gông cùm cởi ra chạy được hết. Tại sao lại thế? Hội này nó làm hại xã hội phải bị bắt chứ. Tại sao Quan Âm Bồ Tát lại hứa là cả tội đồ, tất cả mọi người cầu nguyện đến Ngài, đều gông cùm rơi ra?

Ở đây có ai biết tại sao không ạ? Đấy, nó liên quan đến câu chuyện của Phượng hỏi hồi nãy. Cách giúp đỡ của Bồ Tát rất là kỳ diệu. Nếu chúng ta dùng suy nghĩ thông thường của mình, làm sao chúng ta lường được tấm lòng Bồ Tát? Chúng ta dùng cách suy nghĩ rất bình thường của chúng sinh nhỏ nhoi và không hiểu biết để lường Bồ Tát, thì lường thế nào được? Kẻ trộm đấy có thể thoát được, chắc chắn là nếu đã tin Quan Âm Bồ Tát thì sẽ được giúp ở chỗ khác, lúc khác để đến được với hạnh phúc và ra khỏi mê lầm. Nếu chúng ta dùng duy nghĩ thông thường để bảo Quan Âm Bồ Tát có một lời hứa phạm pháp luật. Đang là tội phạm bị bắt, tự nhiên hứa một cái thế là gông cùm bay ra, thế không phải là phạm pháp à? Không phải luôn! Đấy là cách giúp đỡ của Bồ Tát, vô cùng khó, không thể lường hết được, mà vì thế mới giúp được. Đấy, thế thì chúng ta chỉ mở lòng ra đón nhận thôi.

7. Mở lòng ra thế nào để Quan Âm Bồ Tát đến giúp mình?

Thực ra khi nói về đạo Phật, có bạn bảo là kể chuyện đúng không? Đạo Phật thì vô cùng. Gọi là “đạo Phật” – một từ có ý nghĩa rất rộng lớn, rộng đến mức mà ra ngoài đạo Phật vẫn có đạo Phật. Trong Kinh Duy Ma Cật viết: Bồ Tát hành phi pháp thì mới là hành Phật Pháp. Bồ Tát làm những việc phi Pháp không phải là phản pháp luật, mà phi Pháp có nghĩa là không phải Phật Pháp thì mới là người thực sự hiểu Phật Pháp.

Ví dụ thế này, trong lịch sử có ngài Tế Điên, mọi người nghe bao giờ chưa? Đấy, đấy là “Bồ Tát hành phi Pháp” đấy. Không làm những điều Phật Pháp, mà cuối cùng chính là Phật Pháp. Hay ở Tây Tạng có ngài Drukpa Kunley cũng thế. “Bồ Tát hành phi Pháp” nhưng ấy mới là Phật Pháp, làm những chuyện vô cùng trái khoáy. Nếu người khác nhìn vào thì không hiểu đấy là Phật Pháp luôn, cuối cùng lại cứu được chúng sinh.

Mấy chuyện đấy thì nhiều lắm, mình nên mở lòng ra để Quan Âm Bồ Tát đến giúp mình dưới nhiều hình tướng khác nhau. Mình đừng nghĩ Quan Âm Bồ Tát hiện ra dưới dạng là cầm bình dương liễu với cam lồ. Nói ra thì mình tưởng tượng Bồ Tát Quan Âm hiện ra dưới dạng là ông trông xe, một bà bán nước, hay là một ông chủ khó tính, một người đồng nghiệp hay chơi xấu… Nếu mình chấp nhận được Quan Âm Bồ Tát hiện ra dưới hình tướng ấy thì mình sẽ thấy là Bồ Tát giúp mình nhiều chuyện lắm. Cái ông chủ khó tính đấy, thì mình nhờ cái sự khó tính của ông ấy – ví dụ, hôm đấy mình xin cho em đi về quê, mà mình không về chuyến xe đấy, mình không gặp tai nạn.

Tức là cách Bồ Tát giúp rất là kỳ lạ, mình không chấp nhận thì mình nghĩ là ông chủ khó tính, thì mãi mãi là người xấu. Nhưng mình chấp nhận được thì ông chủ khó tính ấy có khi cũng là Bồ Tát, và mình sẽ thấy rất nhiều hành động của ông ấy làm thay đổi cuộc đời mình theo cách tốt đẹp lên. Đấy! Hay là người bạn, đồng nghiệp chơi xấu cũng là Bồ Tát được, thì mình thấy rất nhiều hành động của Bồ Tát thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt lên, học được bài học nhiều hơn. Nên mình mở rộng tấm lòng, mình cho phép Bồ Tát được xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau, chứ không phải chỉ là một ông thầy hay là một vị Bồ Tát.

Nếu mình có sự chấp nhận đấy thì mình sẽ thấy rằng Bồ Tát ở khắp nơi. Thì ở đây có bài học về niềm tin và sự mở lòng. Niềm tin vào Đức Quan Âm Bồ Tát và mở lòng cho Bồ Tát xuất hiện dưới các hình tướng khác nhau.

Cuối cùng trong trường hợp của Phong, ông côn đồ đấy có khi là Bồ Tát, bà chủ nợ có khi lại là Bồ Tát. Nếu không có côn đồ, chủ nợ, liệu hôm nay có hạnh phúc không? Không có là chắc! Làm sao có hạnh phúc thế này, ngồi đây được? Nếu không có côn đồ, chủ nợ, ngày hôm nay ra đường vẫn đau đớn, đúng chưa? (Mọi người cười lớn) Đúng chưa? Chắc chắn luôn! Đúng chưa?

Hồng Phong: Dạ. Đó là Bồ Tát đó!

Thầy Trong Suốt: Đấy, nên là nếu mình mở lòng như vậy, dần dần mình sẽ sống trong cõi Bồ Tát, mình sẽ thấy những người mình đến gặp là Bồ Tát. Hành động của họ giúp mình thay đổi bên trong mình. Nếu hành động của họ giúp mình thay đổi bên trong thì họ là Bồ Tát của mình còn gì nữa, vì nếu không mình vẫn ngu dốt, thiếu hiểu biết.

Đấy, đấy là một cách sống. Nhưng mà trước mắt, mình không cần tập với người xấu vội, mà tập nhìn người tốt như Bồ Tát đã là tốt lắm rồi. Vì mình hay điều kiện hoá Bồ Tát, mình bảo Bồ Tát là phải thế này thế kia cơ, phải toả hào quang, rồi phải đủ các tiêu chuẩn cơ, từ bi, trí tuệ đủ hết… nhưng không cần đâu. Ví dụ mẹ mình cũng là Bồ Tát. Mẹ mình có thể rất là dốt, không biết đọc, không biết viết, nhưng có khi Bồ Tát ấy mới xịn, yêu thương mình vô điều kiện. Mấy ai yêu thương mình vô điều kiện, hay ít điều kiện? Hay mình nghĩ là con mình – nó là con mình, sao nó là Bồ Tát được? Con mình, mình đẻ nó ra, sao nó lại là Bồ Tát được, nếu nó là Bồ Tát thì mình phải biết chứ? (Mọi người cười) Con mình, nó dạy mình vô cùng nhiều bài học, nhiều lắm! Bài học như là trung thực, đấy! Bài học về sự trong sáng, đơn giản. Mình phức tạp chứ nó trong sáng, đơn giản, nó trung thực hơn mình nhiều. Con mình có khi dạy mình một đống bài học trong quá trình mình tương tác với nó, nhưng mình không chấp nhận coi nó là Bồ Tát, thì mình không học được mấy.

Đấy, mở rộng tâm mình ra thì mình mới thấy là, đầu tiên những người thân mình có khi là Bồ Tát. Chồng mình, mình nghĩ cái lão hay ăn nhậu đấy, thỉnh thoảng lại có vẻ hơi gái gú thì làm sao là Bồ Tát được? Nhưng có khi hắn lại chính là Bồ Tát. Nếu không có hắn, thì làm sao mình hiểu được bản chất đau khổ cuộc đời mà muốn hết khổ? Làm sao mình có được một đối tượng để mà tập yêu thương một cách ít điều kiện đi, đúng không? Nhưng khi chồng mình là Bồ Tát, mình không chấp nhận nổi, vì sao? Mình có quá nhiều khuôn mẫu và điều kiện, Bồ Tát là phải thế này, thế kia, nhưng mà thế là không hiểu Bồ Tát. Vì các vị Bồ Tát đều nguyện, đều phát nguyện là “Tôi sẽ biến thành bất kỳ hình tướng gì để giúp người đấy ra khỏi đau khổ, đến được với sự thật”. Như vậy thì Bồ Tát có thể biến ra đủ hình tướng luôn!

8. Bồ Tát có thể có những hóa thân nào?

À, nhân tiện kể chuyện luôn, được không? Câu chuyện cuối cùng trước khi về. Liên quan đến Quan Âm Bồ Tát, mới nhớ ra.

Ngày xửa ngày xưa, ở một cõi Phật nọ, có Đức Phật biệt hiệu là Vô Tận Biến Hoá, có rất nhiều học trò là những bậc giác ngộ ở xung quanh. Một hôm Đức Phật mới nhìn xuống cõi Ta Bà nói: “Ôi, cõi Ta Bà đang đến thời mạt Pháp, chúng sinh quá đau khổ”. Mà đặc biệt bây giờ những vị tu hành giả mạo quá nhiều luôn. Tự xưng là Phật sống, tự xưng là Bồ Tát, tự xưng là giác ngộ vô cùng nhiều, mà thực ra chả có thực chứng gì, chỉ là những người ham quyền lực với ham chùa to, tượng đẹp thôi. Thật sự thì như thế không được, nếu như thế thì chúng sinh quá đau khổ. Mà đặc biệt cái thời đại này, con người quá thiếu niềm tin vào Phật, nên rất khó giúp. Ngày xưa dễ giúp hơn, vì ngày xưa có niềm tin lớn hơn. Ngày xưa niềm tin trong sáng, bây giờ niềm tin không trong sáng. Bởi vì bây giờ bị lừa quá nhiều, nên là mất niềm tin trong sáng. Thế thì Đức Phật mới bảo “bây giờ xuống cứu những người này rất là khó, ta cần một vị Bồ Tát xịn”.

Trong chuyện cần có nhân vật, quên mất! Chuyện của Trong Suốt luôn luôn cần nhân vật. Đức Phật thì thôi không cần nhân vật, nhưng Bồ Tát thì cần nhân vật, có ai sẵn sàng đóng vai Bồ Tát xịn không? Em đóng vai Bồ Tát xịn không? Rồi, em tên là gì?

Bạn Hà: Em là Võ Hà.

Thầy Trong Suốt: Võ Hà. Rồi, có một vị Bồ Tát đứng ra và nói là “Thưa Đức Phật, con xin xuống cõi Ta Bà cứu độ chúng sinh”. Đức Phật bảo: “Tốt! Ông như thế đúng là con của ta! Bây giờ ông hãy hoá thân đi”.

Bồ Tát thì không gọi là tái sinh, tái sinh dành cho những người bình thường, không giác ngộ được thì phải tái sinh làm người khác để tu tiếp. Bồ Tát là hoá thân, nghĩa là Bồ Tát vì giác ngộ rồi nên là phải hoá thân này, hoá thân khác. Một Bồ Tát có thể hoá ra nhiều thân, đi khắp các cõi khác nhau để cứu độ chúng sinh, chứ không phải chỉ là một tái sinh duy nhất. Đấy là lí do Quan Âm Bồ Tát có rất nhiều hoá thân trong cái cõi hiện giờ đây này.

Quay lại câu chuyện. Thế là vị Bồ Tát đấy liền hoá thân xuống thành phố ở ven biển, gọi là thành phố chín cây cầu, tuyệt đẹp luôn, quanh năm gió hát, biển ca, con người rất là hiền lành, tử tế, mỗi tội là nhiều khuôn mẫu thôi. Đấy! Thành phố chín cây cầu đấy! Thế là thành phố chín câu cầu có Bồ Tát hoá thân làm đứa trẻ tên là Võ Hà. Võ Hà lớn lên học hành chăm chỉ rất là giỏi giang, bố mẹ và mọi người rất mến yêu, luôn luôn là tấm gương cho các bạn khác học hỏi theo. Sau đấy thì lớn lên kinh doanh làm ăn thành đạt, có nhà, có vợ, có con, rất là nổi tiếng về mặt làm ăn và dùng chính cái sự thành đạt của mình để đi khuyên giải người khác tu hành. Tại vì những người không thành đạt ấy, nhà thì nghèo rớt mồng tơi, vợ thì bỏ, lấy đâu ra để khuyên người khác nghe theo. Cái thời đại mạt Pháp bây giờ ấy, người được nghe theo phải là người có những điều mà người khác mong muốn, thì người ta mới nghe.

Nên Bồ Tát Võ Hà hóa thân xuống, thay vì làm một ông sư – sư bây giờ có ai nghe đâu. Ông sư ở Việt Nam thì nói chả thực tế: Ông có lấy vợ đâu, ông có kinh doanh đâu, ông có phải nói dối bao giờ đâu – thế là ông chả khuyên được người ta làm thế nào để thoát được cái đống đau khổ cả. Ông ấy có thể nói về Phật, nói Phật dạy thế này thế kia thôi, nhưng ông không thể nói được là đạo Phật áp dụng vào đời như thế nào, ông không nói nổi. Thế nên, Bồ Tát Võ Hà quyết định tái sinh làm một người bình thường, tu hành khi vẫn là một người bình thường, giác ngộ khi vẫn là một người bình thường, không cạo đầu và đi truyền pháp dưới hình thức là một doanh nhân. Oách chưa? Đấy! Thế là Bồ Tát sống một cuộc đời rất hiển hách, đến tận chín mươi tuổi, cứu được vô số người ở thành phố chín cây cầu, làm cho Phật Pháp ở thành phố sáng rực lên, sau đấy Bồ Tát Võ Hà chết.

Một số bạn: Ớt.

Thầy Trong Suốt: Hả? “Ớt”, “ớt”, “ớt”! (Mọi người cười) Bồ Tát Võ Hà “ớt”.

Bồ Tát Võ Hà quay lại gặp Đức Phật Vô Tận Biến Hoá. Lúc Bồ Tát Võ Hà lên thì thấy không ai đón chào mình hết, nghĩ quái lạ: “Mình thì không cần phải ai đón chào hết, nhưng cái thói thường ở cõi Phật này ấy, là những Bồ Tát mà làm các công việc hoá độ rộng lớn xong thì thường được chư Thiên, rồi các Thanh Văn… – cõi Phật có nhiều vị tu hành mà, và các vị Bồ Tát khác đến tung hoa, rồi chúc mừng. Đằng này đi thẳng vào trong chả thấy ai chúc câu nào. Sự kiện này chưa từng có. Thật là kỳ lạ!”.

Nào bây giờ cần nhân vật khác, nhân vật số hai Bồ Tát số hai. Võ Hà là Bồ Tát xịn, Bồ Tát này không xịn, cần một người đóng vai Bồ Tát không xịn? Không ai dám đóng vai Bồ Tát không xịn à? (Mọi người cười) Dũng cảm lên! Rồi, Kiều Phong. Bồ Tát Kiều Phong, à Công Phong, Công Phong!

“Kỳ lạ quá!” – thế là Bồ Tát đi vào trong thì thấy tất cả mọi người đang tấu nhạc, trải thảm, tung hoa chúc mừng một người khác, chứ không phải là mình. Bồ Tát đợi mọi người chúc mừng ông kia xong, mới hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Phật, con đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ mà Ngài giao phó. Con thì không cần mọi người ca ngợi, nhưng tại sao hôm nay lại trái luật thế? Thông thường những người như thế trở về, thì con nhớ là, mọi người đến đón, hôm nay chả ai đón mừng con, mà lại đi đón mừng một người khác?”

Đức Phật mới bảo: “Con hãy nhìn xem vị Bồ Tát kia là ai”. Trời ơi! Nhìn ra thấy ngay thằng hàng xóm Công Phong của mình. Đức Phật mới kể câu chuyện là: “Sau khi con đi, thì ta mới bảo cõi người này vô cùng nhiều cám dỗ, vô cùng nhiều cạm bẫy, cần một người xuống làm nhiệm vụ khó khăn hơn”. Thế là có một vị Bồ Tát khác tên là Công Phong xung phong đi.

Công Phong hoá thân làm hàng xóm nhà Võ Hà. Lớn lên thì nghịch phá, quậy, rượu chè, cờ bạc, gái gú, nghiện ngập. Đấy! Chẳng có gì mà không làm, trai gái cũng có, mà trai trai cũng có, làm tất! (Mọi người cười) Nói chung là Bồ Tát tên Công Phong này là một tấm gương be bét.

Thế là Võ Hà mới nhìn và bảo là: “Không, mình không thể giống nó được. Thằng con hàng xóm nhà giàu ấy lớn lên be bét như vậy, mình không thể nào như vậy”. Nên Bồ Tát Công Phong trở thành phản ví dụ cho Bồ Tát Võ Hà. Mỗi lần Võ Hà định chơi bời thì nghĩ rằng: “Không, mình ghét cái thằng cha Công Phong ấy lắm, nó con nhà giàu chẳng ra gì. Không thể giống nó được!”. Thế là khi bạn rủ đi chơi thì Võ Hà bảo: “Thôi, rượu chè với cả bia bọt, trai gái thì mình gác sang một bên, vì mình không thể giống thằng cha kia”. Vậy là Bồ Tát Công Phong tái sinh một đời chỉ để làm một việc thôi: Là phản ví dụ cho người khác, để cho người khác nhìn vào bảo: “Đừng có giống thằng này!”. Đấy! Thế thôi! Hoan hô Bồ Tát Công Phong! (Cả phòng vỗ tay)

Đấy, nhìn vào Bồ Tát ai khổ hơn? Bồ Tát Công Phong khổ hơn nhiều, đúng không? Vì cả đời chỉ là phản ví dụ mà, còn ông kia dù sao cũng được là con nhà giàu, cũng học giỏi, được tôn vinh.

Đủ hiểu vai Bồ Tát Công Phong đóng khó hơn, đúng chưa? Nên cuối cùng, khi quay trở lại thì các vị Chư Thiên, Thanh Văn, Bồ Tát khác đến tung hoa chúc mừng. Đấy! Hiểu được Bồ Tát đóng vai là như thế nào chưa? Mọi người đều nghĩ rằng, cứ Bồ Tát thì phải đóng vai rực rỡ hào quang, đúng không? Không phải đâu, nếu mọi người đọc Kinh Phật sẽ thấy có Bồ Tát chỉ làm con cá dưới biển, để làm gì? Cá rất là béo, rất to, để con cá khác rỉa thịt ăn. Xong chết, rồi lại tái sinh làm cá tiếp, để cho cá khác có thể ăn. Cứ thế sống mấy nghìn kiếp như vậy. Đấy, mình thấy cái công hạnh, cái mong muốn của Bồ Tát là cứu cá. Mong muốn cứu cá thì con cá phải kết duyên với mình, nên khi Ngài cho hàng triệu con cá ăn như vậy để sau này khi Ngài tái sinh vào cõi người để cứu độ chúng sinh thì những con cá đấy lại đến tái sinh làm học trò Ngài là lại cứu được.

Thế nhưng, nếu mình nhìn xuống dưới biển thấy một con cá thờn bơn chẳng hạn, bơi qua bơi lại, mình có bảo đó là một vị Bồ Tát, được không? Ui, con cá ngu ngốc này, mày béo như thế cho con khác ăn mày chết. Đấy! (Mọi người cười) Thì đấy là mình nhìn Bồ Tát như thế! Qua câu chuyện của Bồ Tát Công Phong và Bồ Tát Võ Hà thì thấy là Bồ Tát có thể tái sinh như vậy. Nhờ vậy mà Bồ Tát Võ Hà quyết tâm tu hành mạnh hẳn, vì “mình không thể giống thằng cha Công Phong hàng xóm được. Con nhà giàu chơi bời, mỗi cái lấy được người vợ tử tế thôi, ngoài ra không có gì khác cả. Mà lấy vợ tử tế xong còn phũ phàng với vợ, suốt ngày nhậu nhẹt. Mình không thể giống nó được”. Đấy! Bồ Tát có thể đóng những vai như vậy.

Hoàng Thân với cả Phượng hiểu chưa? Đấy là Bồ Tát! Và vì anh đã gặp trực tiếp những người như thế rồi, nên anh biết. Bồ Tát khác, không giống như các em tưởng tượng.

9. Ăn và cúng dường thức ăn như thế nào?

Chị Phượng: Em có một câu hỏi nữa, hơi ngoài lề một xíu. Trong cái Hạnh trước khi mình dùng đồ ăn ấy, em có nghe anh nói là dù mặn hay dù chay, thì mình vẫn nguyện cho thức ăn này hóa ra vô số thức ăn cho chư Phật, chư vị Bồ tát, chư Hộ Pháp. Nhưng theo quan niệm của một số người thì Phật không thể ăn đồ ăn mặn được, không thể dâng lên, cho dù tấm lòng của mình là tốt. Nhưng theo em, mức độ của mình chưa phải là một vị Bồ Tát, nên em nghĩ là cái việc dâng thức ăn mặn lên thì không…

Thầy Trong Suốt: Không, em tưởng tượng hoá thành vô số thức ăn ngon lành ấy, không phải là hoá thành cái thức ăn đấy.

Chị Phượng: Tại vì mỗi lần em muốn đọc câu đó nhưng em thấy trước mặt là đồ mặn là em chựng lại không dám đọc.

Thầy Trong Suốt: Hoá thành vô số thức ăn ngon lành rực rỡ toả ánh sáng, em hãy tưởng tượng điều đấy.

Chị Phượng: Tại vì em nghĩ mình còn đời quá, mình vẫn còn dùng những sinh vật khác để nuôi cái mạng mình, thì điều đó mình chưa có tốt, nên mình không thể đọc cái điều đó lên ơn trên được.

Thầy Trong Suốt: Cũng được, em nghĩ thế cũng được. Đấy là cách của Tây Tạng. Nhà Phật Tây Tạng có một thứ gọi là “Tri kiến thanh tịnh”. Phật giáo Tây Tạng thì hướng cho mọi người thấy rằng, mọi thứ đều thanh tịnh sẵn rồi. Với tinh thần đấy thì em có thể cúng lên chư Phật. Còn em chưa thấy thanh tịnh thì thôi. Nếu em chưa thấy thanh tịnh thì em tưởng tượng nó thành thanh tịnh, hoá thành thứ thanh tịnh. Nó là miếng cơm em ăn, nhưng nó hoá thành thức ăn đầy ánh sáng rực rỡ dâng lên chư Phật.

Chị Phượng: Mỗi lần ăn mặn là em hay thấy em bị nhớp, bị nhiễm hơn là em ăn chay.

Thầy Trong Suốt: “Hoá thành thức ăn có ánh sáng rực rỡ” cơ mà, thì đủ sức dâng cúng chứ, đúng không? Nếu em cúng mặn thì em cúng như thế cũng được. Tưởng tượng hoá thành ánh sáng rực rỡ, một món ăn rất là ngon, không phải là thức ăn phàm phu của mình để dâng lên chư Phật.

Tâm mình nghĩ thế nào thì đời nó thành như thế. Nghĩa là, cái tâm mình quan trọng hơn là mình cúng cái gì. Tâm thành này, hướng đến những điều tốt đẹp, hướng đến chư Phật, cúng điều mình thích cho chư Phật thì tốt đẹp hơn, quan trọng hơn. Chứ em cúng đồ ngon, Phật cũng không ăn chứ đừng nói là đồ không ngon. Em cúng đồ chay này, đồ ánh sáng rực rỡ Phật ăn làm gì? Phật đâu cần ăn đồ của em đâu? Nhưng em làm như vậy, em phát triển cái thành tâm với Phật. Lý do tập như vậy là vì thế. Mình phát triển thành tâm với Phật và mình phát triển lòng từ bi với chúng sinh – khi mình chia sẻ thức ăn mình đang ăn cho các chúng sinh đang đói khát khác. Động cơ của pháp tập ấy là như thế, chứ không phải là để Phật ăn cái đấy. Em có đem thức ăn siêu ngon thì Phật cũng không ăn, chứ chưa nói là em đem thức ăn chay. Em hiểu động cơ của tập thì em tập sẽ được.

Động cơ là mình phát triển lòng thành tâm với Phật ở trên và lòng quan tâm đến các chúng sinh còn đau khổ khác ở dưới. Còn em cảm thấy thức ăn ô nhiễm quá thì em tưởng tượng nó thành rất ngon. Còn em không tưởng tượng nổi thì thôi.

Chị Phượng: Với lại là ăn chay thì không thể nói là mình phát triển lòng từ bi, vấn đề là ví dụ khi mình ăn chay, mình luộc rau thì vô số những con vật nhỏ nhỏ chết trong đó, thì nó ngoài ý muốn của mình. Nhưng mà cái việc ăn mặn ấy, ngay từ khi mình ăn, cho dù không cố ý hay như thế nào, thì cũng làm cho các con vật đó chết, nó oán mình, nên mình không thể nói là phát triển lòng từ bi được. Mình nhìn những con vật đó, mình không muốn ăn nữa.

Thầy Trong Suốt: Cũng được, cũng được, nếu em thuộc tuýp đấy. Con người có nhiều tuýp, nhiều loại nếu em thuộc loại nhìn thức ăn là con vật không chịu nổi, thì thôi ăn làm gì.

Chị Phượng: Dạ, ý em nói cái kiểu mình không bắt buộc phải ăn chay, mình ăn mặn nhưng lại nghĩ là ăn chay thì hắn không có…

Thầy Trong Suốt: Không, ăn tốt nhất là ăn trong lòng từ bi, chứ không phải là chay hay mặn. Ăn tốt nhất ấy, không phải ăn chay hay ăn mặn, vì em ăn kiểu gì cũng giết. Em có cái thân mạng này, em có từng này máu, từng này thịt, nuôi bằng rất nhiều thứ và rất nhiều sinh mạng chúng sinh. Em ăn rau, em giết sinh vật trong rau; em đi lại, em giết sinh vật dưới chân em; em ăn thịt thì giết những con vật… Nuôi được cái thân mạng này của em là đã phải giết để sống – em không tài nào tránh được luôn. Em không cách nào tránh được, em sống ở cõi Ta Bà này, em phải nuôi cái thân thể máu thịt này, trừ khi em không có thân thể máu thịt. Nếu em là ngạ quỷ, em không có thân thể máu thịt; hay em ở cõi trời, thân thể bằng ánh sáng, em không cần phải giết. Còn em ở cõi Ta Bà này, em có thân thể máu thịt này, em buộc phải giết để sống. Em không có cách nào thoát được luôn. Em thử nghĩ mà xem có cách nào thoát được giết?

Như thế, ăn không quan trọng là ăn chay hay ăn mặn, mà quan trọng là ăn có lòng từ bi hay không? Với những con vật tôi buộc phải dùng để nuôi thân thể này, tôi phải nghĩ gì về chúng bây giờ? Tôi coi thường chúng, tôi nghĩ là: “Ôi, mình là người, mình phải được hưởng thụ”, hay tôi biết ơn chúng? Tôi mặc kệ chúng đau khổ, hay là tôi quyết tâm giác ngộ để cứu chúng? Đấy là sự khác nhau giữa ăn-trong-từ-bi hay không-ăn-trong-từ-bi.

Chứ còn em ăn kiểu gì thì ăn – ăn chay, ăn mặn, thì kiểu gì em cũng giết mà. Nên về lý mà nói, ăn kiểu gì em cũng giết thì em phải ăn trong lòng từ bi. Ăn để nợ nó, mà sau này cứu lại nó. Đã ăn là nợ rồi. Nợ thì phải trả nợ. Mà trả nợ kiểu gì, em không thể chết để cho nó sống được. Em giết một triệu con, thì chết thế nào để cho nó sống được bây giờ? Em giết một triệu con vật trong rau? Em chỉ có cách trả nợ tốt nhất là tiến bộ thành A La Hán, thành Bồ Tát thành Phật để đi cứu lại nó.

Đức Phật ngày xưa cũng từng nguyện những lời nguyện như thế đấy. Vào rừng săn bắn, xong rồi nói: “Thôi, bây giờ tôi không có cách nào khác, phải nuôi gia đình, tôi phải săn bắn, nhưng tôi nguyện sau này sẽ cứu tất cả các bạn”. Thế là khi Đức Phật giác ngộ rồi thì 500 vị A La Hán mới hỏi là “Đức Phật có nhân duyên gì với chúng con?”. Đức Phật bảo là “Ngày xưa các con là những con vật bị ta bắn chết trong rừng. Đấy! Và vì lời nguyện đấy nên đời này khi ta giác ngộ rồi thì các con lại thành A La Hán học và ta giúp con giác ngộ”. Đấy là cách em giúp các con vật mà em ăn, còn em không tránh nổi đâu.

Tuy nhiên trong chuyện của em thì em nhìn thức ăn, em nghĩ ngay đến chuyện chém giết, rồi đến chuyện này nọ thì thôi, nếu em không làm nổi thì thôi. Còn em làm được cái em nói thì mới là có tâm từ bi. Em thì chỉ đơn giản là kiêng thôi. Kiêng thì làm sao mà kiêng hết được! Em kiêng hôm nay, sao em kiêng ngày mai được? Em kiêng con này, kiêng rau, sao em kiêng tất cả mọi thứ được? Cuối cùng em giết nhưng em không có tâm từ bi ở đấy. Em chẳng giúp được nó, em chẳng mắc nợ, em chẳng biết ơn, em chẳng muốn giúp, thì em không bằng một người ăn thịt nhưng có tâm từ bi. Em ăn chay bằng một cái tâm đầy kiêng cữ thì không bằng người ăn thịt nhưng mà có tâm từ bi.

Cái này em phải cân nhắc thôi, xem thử mình thuộc dạng nào. Còn nếu em ăn con gì cũng thấy sợ thì thôi, tốt nhất đừng ăn. Nghĩa là mình chưa đủ trình độ để mình từ bi. Mình chỉ có lo sợ thôi. Mình không cảm thấy là nên giúp nó, mình chỉ cảm thấy sợ nó, ngại nó. Nếu thế thì thôi đừng ăn vội.

Nếu sống giữa đời này mà em muốn giữ một sự thanh tịnh hoàn toàn, em không làm được. Em phải siêu việt hơn cái sự sợ hãi đấy. Bằng cách là hiểu thấu bản chất sự thật để em làm những điều mà những người va chạm giữa cuộc sống này vẫn làm được. Em phải làm cách đấy, không có cách nào khác. Còn nếu không, em có kiêng cữ bao nhiêu, em vẫn là kẻ có tội. Không thoát tội được đâu, dù em có kiêng bao nhiêu đi nữa thì em vẫn là người giết hại các con vật, vi sinh vật, những chúng sinh khác. Nếu có một quyển sổ nợ mở ra thì thôi rồi, bước chân này của em là ba trăm ngàn, một hơi thở, một hơi hít vào của em là mấy chục con, một bữa ăn của em nào là rau, nào là đậu phụng, nào là nước tương… hàng trăm nghìn con bị giết. Em thấy là em nợ quá nhiều. Cách duy nhất để em trả nợ là giác ngộ để cứu. Không cách nào khác.

Em lên cõi Phật cũng được, lên đấy thành Bồ Tát đi, xong rồi lại quay lại, vào đây này, vào những cõi khác này để cứu những con ngày xưa em ăn. Đấy là một cách. Cái quyết tâm nó mãnh liệt hơn nhiều, nó dũng mãnh hơn nhiều là cái trạng thái sợ hãi của một người cứ lo là ăn phải con này, con kia. Quyết tâm của Bồ tát dũng mãnh hơn nhiều, hơn là một trạng thái sợ hãi của một người chỉ lo giữ giới thôi. Em phải có quyết tâm của Bồ Tát thì em sống ở đây mới có giá trị, còn không cuộc đời của em chỉ là một cuộc đời chém giết thôi, xong rồi trả nợ không bao giờ hết luôn. Đúng không?

Chị Phượng: Nhưng mà em thấy trước mắt là mình muốn giữ mà không giữ được…

Thầy Trong Suốt: Em không thể giữ được, không thể giữ được. Không phải chưa giữ mà là không thể giữ được.

Chị Phượng: Em muốn trong lòng mình có một sự từ bi, mà mình vẫn không vượt qua được cái đó để mà…

Thầy Trong Suốt: Hãy phát lòng từ bi, hãy mong muốn là sẽ giúp đỡ nó. Mình có lỗi, mình ăn nó rồi, mình có thân mạng này thì mình buộc phải nuôi thân mạng này.

Chị Phượng: Dạ mỗi lần rứa, cái em cảm thấy là ăn mà hắn cứ…

Thầy Trong Suốt: Vợ anh hồi mới bắt đầu cưới anh cũng giống hệt em. Nghĩa là cứ ăn con gì là tối về mơ những cảnh tượng hãi hùng, con đấy đến đòi mạng, về sau không ăn được luôn. Thế thì vợ anh cũng nhờ lời khuyên là từ bi, giống như với em vừa xong đấy, thì ăn uống bình thường. Chứ lúc mới cưới anh thì thôi rồi, không dám ăn bất cứ con gì luôn. Không dám nhìn vào bữa ăn ấy luôn.

Nhưng mà thế vẫn là kém. Vì mình chả biết ơn, mình chỉ sợ cho riêng mình, chứ sợ ai. Tại sao mình sợ? Vì mình sợ cho cái Tôi của mình. Mình sợ cái Tôi mình bị tổn hại khi ăn nó, chứ có thương gì nó đâu? Mình có muốn cứu nó đâu? Mình sợ cái Tôi mình bị tổn hại, khi ăn con vật đấy vào thì nó đến đòi mạng, đòi nợ. Nghĩa là thực chất, mình chả có lòng thương gì ở đấy cả. Mình cứ bảo là mình có lòng thương, chẳng qua là mình sợ thân mạng mình bị hại. Đấy, khi anh nói vợ anh như vậy thì vợ anh mới nhận ra là “Hoá ra lâu nay mình cứ tưởng mình thương những con vật đấy, hoá ra cũng chỉ là lo cho chính mình thôi, để cho mình khỏi bị hại thôi, khỏi bị quả báo thôi”. Nên thực ra là rất tầm thường. Sau đấy, vợ anh mới bắt đầu khởi lên cái mong muốn từ bi đấy, thì mới ăn uống bình thường, không còn vấn đề gì nữa.

Chuyển tâm đi, thay vì chuyển thân. Chuyển thân là không ăn gà, không ăn vịt, không ăn mặn, thậm chí không ăn rau. Đấy là người ta gọi là chuyển thân. Chuyển thân thì chỉ sửa được thân thôi, cùng lắm thân em sẽ khoẻ lên tí thôi. Không ăn con đấy thì thân em khoẻ lên thật, cùng lắm em sống thêm được năm năm nữa. Nhưng chuyển thân thì chỉ có cái vỏ thôi. Giống như là cạo đầu, mặc áo cà sa ấy – hoàn toàn là chuyển thân. Tóc thì rụng xuống, nhưng mà cái lòng ham muốn chưa chắc đã rụng xuống. Đấy là chuyển thân.

Chuyển tâm là tóc em chả rụng gì cả, mà tâm em đã thay đổi rồi. Em phải chuyển tâm, em muốn thay đổi mình. Chuyển thân không được luôn. Đấy, Formosa đến từ cái gì đấy, thân này không chuyển nổi luôn. Ăn phải món ăn độc cái là thôi, nằm liệt một chỗ, chuyển thân thế nào được? Nhưng chuyển tâm thì được.

Đấy, để đối diện với cả Formosa, gió bão đủ chủng loại, chúng ta chuyển thân hay chuyển tâm? Hãy chuyển thân khỏi Đà Nẵng? (Cười) Khỏi thành phố chín cây cầu hay là chuyển tâm? – Điều đấy, mỗi người chúng ta phải tự biết.

***

Nghe ghi âm Trà đàm – Bạn sẽ làm gì khi rủi ro, tai họa xảy đến? Tại đây: download file hoặc nghe trực tiếp.