Phần 2 -Nuôi dạy con để có một đứa trẻ trí tuệ, hạnh phúc (Đà Nẵng, 2017)

Chúng ta thường nghe bố mẹ phàn nàn về con, hoặc chính chúng ta thường nói với con mình rằng: “Làm gì thì làm, đừng để hàng xóm chê cười!”, hay “Học hành ko cẩn thận thì lớn lên chả ra cái thể thống gì đâu”, hay “Làm gì thì làm, lớn lên hãy trở thành người hạnh phúc”. Bạn sẽ chọn cách nào nói với con mình? Phần 2 của buổi Trà đàm “Nuôi dạy con để có một đứa trẻ trí tuệ, hạnh phúc” sẽ cho bạn câu trả lời.

La Vi: Xin chào tất cả mọi người, hôm nay chúng ta lại gặp nhau tại đây trong buổi Trà đàm của Thầy Trong Suốt với chủ đề: “Nuôi dạy con để có đứa trẻ trí tuệ, hạnh phúc”. Lần trước chúng ta đã có một buổi Trà đàm về chủ đề Nuôi dạy con tại Đà Nẵng rồi. Bây giờ, chúng tại sẽ tiếp tục với chủ đề này trong buổi hôm nay.

Xin giới thiệu với các anh chị và các bạn, diễn giả của chúng ta hôm nay – Thầy Trong Suốt, Chủ tịch của Câu lạc bộ Thiền – Yoga Trong Suốt. (Mọi người vỗ tay)

1. Thế nào là đứa con hạnh phúc

Thầy Trong Suốt: Những bạn nào buổi trước tham gia giơ tay ạ? (Một vài bạn giơ tay) Woa! Ít thế ạ? Như vậy hôm nay toàn là người mới! Những ai không có mặt ở buổi nói về dạy con Phần 1 ấy ạ, giơ tay ạ? (Một vài bạn giơ tay)

Woa! (Cười) Thế cũng khá là nhiều. Có bạn nào tóm tắt được tinh thần buổi trước không? Buổi trước chúng ta không nói được mấy, rất là ngắn, chỉ khoảng tiếng rưỡi. Nên không có vấn đề gì nếu các bạn không đến buổi trước, chỉ cần một bạn ở đây tóm tắt lại tinh thần của buổi trước thôi vì mình chẳng nhớ buổi trước mình nói cái gì.

Bạn nào nói được có quà! Ở đây có những quyển lịch để bàn rất đẹp. Trên đấy có hình các vị Phật và những câu nói có thể thay đổi cuộc đời các bạn.

(Một bạn giơ tay)

Vâng? Mời bạn, bạn giới thiệu một chút cho các bạn khác biết về bạn, rồi sau đó nói tinh thần của buổi trước.

Một bạn: Xin chào Thầy và tất cả các anh chị. Hôm trước rất là diễm phúc được dự buổi Trà đàm chia sẻ về nuôi dạy con của Thầy. Hôm nay là buổi thứ 2. Buổi hôm trước mình có nhớ Thầy đưa ra ba ý.

Ý thứ nhất, Thầy kể câu chuyện Đức Phật dạy con của mình và sau đó đứa trẻ nhận ra được những cái sai. Thầy kể về câu chuyện khi con Phật có tướng rất đẹp, Phật dạy con nhận ra bản chất của cái thân này, đừng quá tự hào về hình tướng của thân thể. Thầy nói về vấn đề trí tuệ theo thời gian. Và xin lỗi Thầy, em không nhớ trí tuệ thế gian là

Thầy Trong Suốt: (Cười) Không sao, dũng cảm đứng lên nói là đáng hoan hô rồi. Hoan hô! (Mọi người vỗ tay) Các bạn muốn nuôi con thế nào? Thành đứa trẻ thành đạt, thành công, đạt được tiền tài danh vọng hay là có một đứa con hạnh phúc? Bạn chọn con đường nào?

Bạn chọn phương án thành đạt còn hạnh phúc hay không chẳng quan tâm, giơ tay?

(Một số bạn giơ tay)

Rất tốt! Bạn nào chọn phương án hạnh phúc là số 1, thành đạt là số 2, giơ tay ạ?

(Nhiều bạn giơ tay)

Được rồi, rất tốt. Như vậy thì hầu như bố mẹ nào cũng muốn con cái lớn lên để thành những người hạnh phúc, đúng không ạ? Buổi trước mình có nói là: “Một người hạnh phúc thì mới giúp người khác hạnh phúc được. Còn một người thành đạt mà không hạnh phúc, thì không thể giúp chính mình hạnh phúc, cũng như không thể giúp được người khác hạnh phúc”. Thế nhưng bố mẹ Việt Nam thường dạy con kiểu lớn lên thành đạt hay hạnh phúc ạ?

Bố mẹ người Việt Nam chủ yếu dạy con lớn lên vì danh lợi là chính, ví dụ: “Con đừng làm gì để hàng xóm chê cười”. Nghe quen không ạ? Ở đây có đã ai đã từng nghe từ bố mẹ mình nói câu ấy: “Con đừng làm gì để người khác chê cười”. Đấy là dạy con theo đuổi cái gì ạ? Danh! Đấy, theo đuổi danh.

Kiểu thứ 2 là gì? “Học hành không cẩn thận thì sau này lớn lên chẳng làm ra được cái thể thống gì đâu!”. Quen không ạ? Bạn nào nghe câu ấy giơ tay ạ? Hoặc là: “Lớn lên thì ai nuôi?”. Các bạn có được dạy thế hay không ạ?

Hầu như ít người nói là: “Con làm thế nào thì làm, lớn lên hãy trở thành một đứa bé hạnh phúc!”.

Ở đây bao nhiêu người được nghe bố mẹ mình nói câu ấy rồi: “Con làm thế nào thì làm, lớn lên hãy trở thành một người hạnh phúc!”. Bao nhiêu người được nghe câu ấy? (Ít bạn giơ tay) À, chỉ có 1, 2 người thôi. Bố mẹ nào thực chất cũng đều muốn con cái mình hạnh phúc hết.

Khi bạn yêu quý một ai, thì điều đầu tiên bạn muốn cho người ta thực ra là hạnh phúc. Tuy nhiên bố mẹ không biết cách làm thế nào để hạnh phúc, nên bố mẹ các bạn, hay là bố mẹ nói chung ấy, thường xuyên dịch là gì: “Hạnh phúc là phải lấy được vợ, lấy được chồng”. Đúng không ạ? Phải có tiền bạc, phải có sự nghiệp. Thế là bố mẹ dạy rằng lớn lên phải có tiền bạc, sự nghiệp, lấy vợ gả chồng. Ẩn dưới những lời nói đấy là mong muốn con lớn lên hạnh phúc, nhưng vì các cụ không biết làm thế nào để hạnh phúc nên các cụ nghĩ rằng: “Ừ thì đời mình có tiền bạc, vợ chồng thì cũng ổn”, thì dạy lại con mình theo đuổi tiền bạc, vợ chồng, danh dự.

Nhưng theo mọi người thì tiền bạc, vợ chồng, danh dự có tạo nên hạnh phúc không ạ? Tiền bạc, vợ chồng, danh dự có phải là mấu chốt để hạnh phúc không? Nếu là mấu chốt thì đầy người có tiền bạc, có danh dự, có gia đình phải hạnh phúc.

Nhưng trong cuộc sống chúng ta thấy rằng, có rất nhiều người có tất cả những thứ đấy mà không hạnh phúc. Vì thế nên là bố mẹ muốn con cái hạnh phúc thì phải dạy nó cách để hạnh phúc, chứ không phải dạy nó cách để lấy được vợ, lấy được chồng, có được tiền bạc và danh dự. Đấy là một ý trong buổi trước.

Nhưng theo các bạn thì ở trong xã hội mà chúng ta đang sống này, nếu không có trí tuệ, chỉ có nhiều tiền thì liệu có hạnh phúc được không ạ? – Chịu. Đúng không ạ?

Nhiều tiền thì phá nhiều, ăn nhậu nhiều, làm sai nhiều. Làm sai nhiều thì toàn gieo những cái nhân gây đau khổ. Theo các bạn, trong xã hội này, những người được rất nhiều người khác ngưỡng mộ, giống như các ngôi sao ấy, có hạnh phúc được không ạ? Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ đấy, có cả tiền, có cả sự ngưỡng mộ, cuối cùng cũng đầy đau khổ, khóc hết nước mắt luôn.

Bố mẹ nào cũng muốn con mình hạnh phúc.

Tuy nhiên chỉ có tiền, danh dự, chồng vợ… mà không có trí tuệ thì không thể hạnh phúc

2. Trí khôn và Trí tuệ

Thầy Trong Suốt: Như vậy nếu không có trí tuệ thì không hạnh phúc được. Bố mẹ nếu thực sự có thể giúp được con, hãy giúp con mình có trí tuệ. Ở đây chúng ta phải phân biệt được trí tuệ và trí khôn. Nếu không phân biệt được chúng ta lại định nghĩa trí tuệ nghĩa là cách kiếm tiền. Không phải! Trí tuệ không phải là cách kiếm tiền.

2.1 Trí khôn là gì và Trí tuệ là gì?

Chúng ta rất thích dạy cho trẻ con trí khôn, nhưng hầu như không ai quan tâm dạy cho nó trí tuệ. Vậy theo các bạn trong câu nói đó thì trí khôn là cái gì và trí tuệ là cái gì? Bạn nào biết giơ tay ạ!

Một bạn: Em hiểu theo ý riêng của em thì trí khôn ở đây nghĩa là học vấn, học thức, hiểu biết trong sách vở. Còn trí tuệ là cao hơn trí khôn. Mình phải có tư duy sáng suốt, tức là mình nhìn nhận sự việc ở một mức cao hơn. Nghĩa là mình đã có trí khôn rồi nhưng mình phải sáng suốt để mà xử lý những tình huống ạ. 

Thầy Trong Suốt: Rất hay. Cảm ơn bạn, tặng bạn một phần quà đi! Các bạn phát biểu, tự giới thiệu tên mình luôn. Bạn giới thiệu qua một chút.

Bạn Hồng: Dạ, em tên là Nguyễn Thị Hồng, 43 tuổi. Trước đây em có đi dạy kèm và em có mở một công ty. Em được hai cháu rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Rất tốt.

Trí khôn là cách để đạt được những thứ bên ngoài. Ví dụ làm thế nào để giải một bài toán khó là trí khôn. Làm thế nào để thuyết phục người khác nghe theo lời mình là trí khôn. Làm thế nào để mọi người ca ngợi mình là trí khôn, đúng không ạ?. Làm thế nào để thành công trong sự nghiệp – Trí khôn. Làm thế nào để mổ ca mổ thành công là trí khôn hay trí tuệ ạ? Là trí khôn. Làm thế nào để trở thành giáo sư đại học, tiến sĩ? Trí khôn hay trí tuệ ạ? Tất cả những thành công bên ngoài đạt được đều là trí khôn.

Trí tuệ là gì? Trí tuệ là cái cách hay một con đường, cái nhìn đầy đủ hơn cả bên ngoài lẫn bên trong. Trí tuệ không quan tâm, ví dụ như, làm thế nào để đạt được thành công một dự án. Trí tuệ quan tâm điều gì? Làm thế nào để dù thành công hay không thành công, tôi vẫn bình an và sáng suốt. Trí tuệ hướng bên trong nhiều hơn, nó hướng đến sự bình an, sáng suốt ở bên trong. Còn trí khôn hướng đến việc đạt được cái này cái kia bên ngoài.

Làm thế nào để người yêu bỏ mà tôi vẫn không buồn thảm, tôi vẫn có thể bình tĩnh yêu tiếp cô khác? Đấy là trí tuệ. Trí khôn là làm thế nào để giữ được người yêu và trí tuệ là người yêu bỏ hay không, tôi vẫn bình an.

Như vậy trí tuệ là loại hiểu biết để hướng vào bên trong và có được sự bình an, an lạc ở bên trong. Còn trí khôn là loại suy nghĩ hướng ra bên ngoài, đạt được cái này cái kia bên ngoài.

Mình cứ để ý trong cuộc sống của một con người, xã hội nói chung hướng mọi người đến trí khôn. Đúng không ạ? Ví dụ như học các loại bằng cấp là trí khôn hay trí tuệ? Trí khôn đúng không ạ? Các loại thành công về mặt vật chất là trí khôn hay trí tuệ? – Trí khôn.

Khi mình dạy con, mình hay dạy con là phải được đạt điểm 8, điểm 9 hay điểm 10, ít khi mình dạy làm thế nào được điểm 3 mà vẫn hạnh phúc. Có bố mẹ nào dạy con làm thế nào được điểm 3 mà vẫn hạnh phúc không ạ? Ở đây có ai dạy được con thế chưa ạ?

Đấy, trí tuệ là gì? Dạy con mình cách làm thế nào được 3 điểm mà vẫn hạnh phúc. Còn trí khôn là gì? “Làm thế nào học chăm lên con, thức ngày thức đêm đừng có ngủ con”. “Làm thế nào để đến lớp con phải điểm 10 để bằng bạn bằng bè”. Trí khôn dẫn đến việc là làm thế nào để con bằng bạn bằng bè.

Trí tuệ nói là gì? Mỗi người có nhân quả, con đường riêng của mỗi người. Kể cả con không bằng bạn bằng bè, con vẫn có cách của riêng con để có một con đường hạnh phúc của con. Làm thế nào được 3 điểm vẫn được hạnh phúc? Rất ít người dạy như vậy. Ví dụ, Edison là một nhà phát minh rất thành công của Mỹ. Khi đi học, có ai nhớ thầy ông phê thế nào không? “Đứa bé này ngu dốt như một con bò, lớn lên nó không thể làm một trò trống gì hết, chỉ có thể làm công nhân, đánh giày mà thôi!”. Kết quả sau này là sao ạ? Sau ông này có thành công nhân, đánh giày không ạ? Ông là một nhà phát minh vĩ đại, ông giàu có và thành công.

Thế tại sao lại như vậy? Tại vì khi về nhà, bà mẹ đọc quyển sổ liên lạc có mắng con câu nào không? Ông nói là: “Cả đời tôi nhớ mãi điều này. Khi thầy viết sau này tôi là con bò, tôi sẽ chẳng thành công gì hết và đưa về cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi cầm quyển sổ lên và nói: Không sao con ạ, một người biết cách đánh giày giỏi còn hơn là những người làm những việc to tát mà không biết cách làm cho chính họ bình an”.

Người đánh giày giỏi mà biết cách làm cho họ bình an thì còn hơn là những người làm việc to lớn mà không biết cách giúp cho họ bình an. Ông thấy thế ổn rồi, có vấn đề gì đâu! Thầy cứ chê tôi là bò mà tôi vẫn sống bình thường! Vì mẹ tôi bảo rằng, điểm kém không phải là vấn đề. Quan trọng không phải là thành công ở bên ngoài, quan trọng là sự bình an ở bên trong. Thế thôi, ông sống thế thôi, sau này vẫn thành công!

Vì như thế đứa bé rất là tự tin. Bà mẹ ấy tạo ra một đứa bé vô cùng tự tin luôn, bị thầy phê mà vẫn tự tin như thường. Cái sự tự tin ở bên trong đấy, dần nó phản ánh ra bên ngoài để tạo ra thành công ở bên ngoài. Vì mỗi đứa con của các bạn ấy, không thể đảm bảo là trời cho nó trí thông minh đặc biệt được, có thể chỉ là một trí khôn bình thường thôi, đúng không? Thì trí thông minh mà trời cho ấy, cái đấy không thể nào tự nhiên mà thành vĩ đại được. Mỗi đứa bé sinh ra có thể nó thông minh kiểu riêng, có đứa rất thông minh về số học, toán học; có đứa rất thông minh về hình ảnh, về sáng tạo; có đứa chẳng thông minh được cả hai luôn, là đứa bé bình thường. Như vậy là cái tiềm năng trí khôn của mỗi người khác nhau. Mình không thể bắt đứa con bình thường trở thành tiến sĩ, bác sĩ, giáo sư được.

Nhưng cái tiềm năng hạnh phúc của mọi người bằng nhau. Bởi vì để chấp nhận được mọi thứ thì luôn dễ. Chứ còn để đạt được cái này cái kia rất khó! Muốn đứng nhất lớp phải điểm 10. Chấp nhận điểm 3, cái nào dễ hơn? Mọi người thử nghĩ xem chấp nhận điểm 3 dễ hơn hay đạt điểm 10 dễ hơn? Về căn bản mà nói thì chấp nhận điểm 3 dễ hơn. Nếu bố mẹ biết cách dạy con đúng, thì việc nó chấp nhận điểm 3 dễ hơn nhiều là nó làm thế nào để ra được điểm 10. Thế hệ các bạn là thế hệ được dạy làm thế nào để ra điểm 10 đúng không? Ít nhất là bằng bạn bằng bè chứ, đúng không? Ít người được dạy là 3 điểm vẫn vui vẻ.

2.2 Phân biệt Trí tuệ và Trí khôn

Bố mẹ thường quan tâm dạy con cái trí khôn là loại trí thông minh hướng ra bên ngoài, đạt cái này cái kia, mà quên mất dạy cho nó trí tuệ, loại trí thông minh hướng vào trong, để được bình an và hạnh phúc. Vì mình không dạy cho con từ nhỏ, thì lớn lên nó sẽ không có. Vì sao? Theo các bạn, đến trường từ lớp 1 đến lớp 12 thì cô giáo dạy cho học trò trí khôn hay trí tuệ.?

Một số bạn: Trí khôn ạ.

Thầy Trong Suốt: 100% là trí khôn! Đạt được cái này, đạt được cái kia. Không được thì cô phạt. Không được cô phê vào sổ, về bắt bố mẹ lên trường. Không ai dạy cho nó trí tuệ. Dạy cho con cái trí tuệ là trách nhiệm của bố mẹ, vì đời chẳng ai dạy trí tuệ cả. Lớn lên học đại học rồi đi làm, sếp ở công ty dạy cho nhân viên trí khôn hay trí tuệ? Sếp đương nhiên phải dạy cho nhân viên trí khôn. Tại vì hoạt động công ty là như vậy. Nếu bạn không có kết quả bạn bị nghỉ, đuổi việc.

Nên là cả cuộc đời chẳng ai dạy cho đứa bé trí tuệ. Nếu nó may mắn gặp ông thầy tâm linh thì có thể học được trí tuệ. Còn nếu không chỉ có bố mẹ. Bố mẹ thực ra là người thầy tốt nhất, vì người thầy ở gần mà nó tin nhất. Nhất là khi nó còn nhỏ. Ở đây bạn nào có con dưới 6 tuổi giơ tay ạ? (Một số bạn giơ tay)

Đấy, khi nó còn nhỏ, khoảng 6 tuổi trở xuống, thì bố mẹ là thần thánh luôn. Nói gì nó cũng tin. Nó là trang giấy trắng. Và như vậy các bạn có thể ghi những trí tuệ ấy từ rất sớm. Bởi vì cái trí tuệ mà thầy vừa nói rất đơn giản, không phải là trí tuệ phức tạp. Nhà Phật chỉ gói gọn trong mấy chữ thôi. Buổi trước mình đã nói chưa nhỉ?

Đấy là trí tuệ về nhân quả, về vô thường và về bất toại nguyện. Nếu mình dạy cho đứa trẻ trí tuệ về nhân quả, về vô thường, về bất toại nguyện từ lúc còn nhỏ thì lớn lên nó sẽ có trí tuệ. Nó có thể có trí khôn, có nhiều hay ít, chưa biết, nhưng trí tuệ sẽ có.

 Bố mẹ là người thầy dạy cho con trí tuệ tốt nhất, vì là người thầy ở gần mà con tin nhất.

Trí tuệ về Nhân quả, Vô thường, Bất toại nguyện. 

3. Chỉ cần dạy con ba thứ để có trí tuệ

3.1 Dạy mình trước rồi dạy con sau

Thầy Trong Suốt: Các bạn chỉ cần dạy nó ba thứ thôi, không cần dạy cao siêu hơn ba thứ đấy.

Ở Hà Nội có những lớp gọi là “Bịt mắt lại vẫn nhìn thấy chữ”. Không cần phải dạy cho con các thứ đấy, không cần luôn! Không cần dạy để ra đứa con siêu sao, mà có siêu sao được hay không là do nhân quả. Nhưng mình dạy cho nó ba điều đấy thì lớn lên nó sẽ có trí tuệ. Nếu không dạy cho nó ba điều đấy, lớn lên nó có thể là một đứa bé đầy trí khôn mà không có trí tuệ. Và ba điều đấy là ba điều rất căn bản của nhà Phật, không phức tạp. Một là Nhân quả, hai là Vô thường, và ba là Bất toại nguyện.

Tất nhiên là nếu bố mẹ muốn dạy cho con như vậy, bố mẹ có cần phải biết ba thứ đấy không ạ?

Bố mẹ không những chỉ phải biết mà bố mẹ phải ngấm ba thứ đấy. Mình nhớ buổi trước có một bạn nói rằng trẻ con học bằng hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là nghe lời bố mẹ nói này, xong thấy đúng này, xong làm theo, gọi là học theo cách trực tiếp.

Loại thứ hai, gián tiếp, là bằng cách bắt chước. Đặc biệt, đứa bé từ 1 đến 6 tuổi chủ yếu học bằng cách bắt chước. Lớn lên, hơn 6 tuổi biết lý lẽ, bắt đầu chuyển dần sang học bằng trực tiếp, còn trước đấy học gián tiếp là chính. Đứa bé bắt chước những người xung quanh. Các bạn có con sẽ hiểu. Nó bắt chước hành xử của bố mẹ, của ông bà, của bạn nó luôn. Nếu các bạn có những tính, thói quen xấu, thì nó sẽ bắt chước cái xấu đấy. Nếu bạn có cái tốt thì nó bắt chước cái tốt.

Ở đây ai có ví dụ về con học bằng cách bắt chước không ạ? Buổi Trà đàm là buổi nói chuyện hai chiều nên là bạn nào có ví dụ có thể phát biểu. Con tôi học như thế nào, bắt chước như thế nào?

Một bạn nữ: Em là Thoa, mẹ của một bé gái 34 tháng tuổi. Con em ở độ tuổi này thì nó học chủ yếu bằng bắt chước. Em nhớ, một lần em nhờ ba nó đưa một cái bỉm giúp cho em từ trên lầu xuống, nó đang đứng với em ở dưới bậc thang. Nhưng ba nó không đem xuống, ba nó thả cái bỉm từ trên lầu xuống dưới đất. Thế đến một hôm, em nhờ nó đưa dùm cho em một cái mũ từ trên lầu xuống thì nó lại ném ngay cái mũ đó xuống đất cho em.

Thầy Trong Suốt: Đấy, thấy chưa. Rồi, cảm ơn bạn Thoa. (Mọi người vỗ tay) Đấy là một ví dụ, còn bạn nào có ví dụ khác không ạ?

Một bạn: Hằng ngày con bắt chước mình rất là nhiều. Khi mình làm một cái việc gì đó, chỉ là những việc lặt vặt trong nhà thôi, ví dụ như nói với con là “con uống nước xong phải đặt ly lên bàn”, thì cháu học bắt chước rất là nhanh. Cô dặn là đi học về phải bỏ dép vào trong cái kệ dép, nó làm y hệt như vậy luôn. Hay là nó nhìn thấy mình quét nhà, nó cũng bắt chước lấy chổi ra quét nhà.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Cảm ơn bạn. Rất tốt. Còn bạn nào có ví dụ về con mình nó học bằng bắt chước ạ? Bắt chước cả thói xấu và cái tốt. Thêm một bạn nữa đi.

Một bạn: Nhà con có 3 cháu ạ. Ví dụ con thấy khi bố cháu lễ lạy và hàng ngày bố cháu cầu nguyện cho mọi người thì các con cũng làm theo, đó là một việc rất tốt ạ. Và thứ hai, khi mà con trêu đùa gọi tên của cháu ra thì cháu sẽ gọi theo. Đó là điều mà cháu bắt chước ngay lập tức luôn ạ.

Thầy Trong Suốt: Được rồi, cảm ơn bạn. (Mọi người vỗ tay)

Có rất nhiều ví dụ về con bắt chước, vì thế nên là nếu người lớn chỉ nói mà không làm ấy thì đứa bé nó sẽ không biết học cái gì bây giờ. Dạy con một đằng và mình sống một nẻo, đứa bé sẽ bị rối loạn. Lớn lên nó sẽ là một người không biết lựa chọn giữa đúng và sai. Bố mẹ dạy con mà bố mẹ nói một đằng xong bố mẹ làm một nẻo, thì đứa bé lớn lên bao giờ cũng phân vân, không biết nên làm thế này hay nên làm thế kia, vì nó không biết cái gì là đúng.

Ở đây có một số bạn có thể có cái tính cách đấy, ví dụ lúc nào cũng phân vân. Bởi vì thường là do hồi nhỏ bố mẹ mình không dạy cho mình biết thế nào là đúng. Hoặc là bố mẹ dạy một đằng xong làm một nẻo. Lớn lên mình bị rối loạn, không biết là nên chọn làm cái này hay làm cái kia. Thế nên một nguyên tắc dạy con là gì? Mình hiểu rằng, con mình nó học bằng cách gián tiếp lẫn trực tiếp, nên đừng chỉ dạy nó bằng cách trực tiếp mà mình phải sống như lời mình dạy nó.

Mình dạy nó là đừng nói dối, thì mình đừng có nói dối trước mặt nó, ít nhất là trước mặt nó không nói dối. Mình dạy nó phải ngăn nắp, thì mình phải sống ngăn nắp. Không thì lớn lên còn hại hơn là dạy. Thà đừng dạy còn hơn! Nếu mình là người bừa bãi ấy, thì thà đừng dạy con ngăn nắp còn hơn. Vì con nó lớn lên không biết là nên sống như thế nào. Một mặt nó được dạy là ngăn nắp, một mặt nó thấy bố mẹ nó bừa bãi. Thế nó bắt chước cái gì? Bắt chước cái việc là nói mà không làm. Bắt chước mà! Lớn lên nó không biết là nên sống như thế nào cả, nên là một người bừa bãi hay là ngăn nắp.

Thế nên các bạn muốn dạy con về những điều trí tuệ thì mình phải thế nào ạ?

Đầu tiên là phải hiểu đúng về trí tuệ đấy. Xong mình cũng phải sống được như vậy, càng nhiều càng tốt, hết cỡ có thể, thì mới dạy con được. Nếu không thì nó chỉ bắt chước thôi, xong rồi thấy bố mẹ là những người nói được, không làm được ấy, lớn lên nó cũng cho rằng nói mà không làm là đương nhiên. Những gì bố mẹ hành xử với con cái trước 6 tuổi, nó sẽ cho điều đấy là điều đương nhiên và nó sẽ được quyền hành xử như vậy khi nó lớn.

Ví dụ bố hay đánh mẹ thì lớn lên nó đánh đập là đương nhiên. Hay là bừa bộn thì lớn lên nó bừa bộn là đương nhiên. Thế nên khi chúng ta dạy con, chúng ta phải quan tâm đến cách sống của chúng ta. Dạy cho mình trước rồi dạy con sau, hơn là chúng ta chỉ quan tâm đến dạy con mà không dạy mình. Nếu như chúng ta dạy con mà không dạy mình thì chúng ta sẽ tạo cho đứa bé một ấn tượng xấu là bố mẹ nói mà không làm, thế thôi! Và lớn lên nó sẽ bắt chước điều đấy, nó cho rằng nói mà không làm là đương nhiên.

Hóa ra dạy con chính là dạy bố mẹ. Quá trình dạy con chính là quá trình bố mẹ học và sửa mình luôn.

Nếu chúng ta làm được điều đấy thì chúng ta mới bắt đầu biết cách dạy con. Còn nếu chúng ta tin rằng là: “Thôi, tôi cứ biết một thứ hay ho đem về áp dụng với đứa con”. Mình không áp dụng được cho mình, lại áp với đứa con thì sớm muộn gì khi lớn lên đứa con nó cũng sẽ rối loạn, không biết nên làm thế nào hết. Chúng ta học cái hay ho về, chúng ta phải áp dụng. Áp dụng xong rồi thì chúng ta mới có thể dạy con một cách tích cực được.

 Bố mẹ khi dạy con phải quan tâm đến việc sống đúng như lời mình dạy.

Quá trình dạy con chính là quá trình bố mẹ học và sửa mình. 

3.2 Câu chuyện ăn đường của Tổng thống Gandhi

Thầy Trong Suốt: Ở Ấn Độ có một câu chuyện về vị tổng thống Ấn Độ tên là Gandhi. Ngài Gandhi rất là nổi tiếng, vì ông không chỉ là một vị tổng thống mà ông còn là một người rất tâm linh. Ông có niềm tin tâm linh và ông sống bằng tâm linh. Các nước khác phải đánh nhau để giành độc lập, thì ông Gandhi chủ trương là bất bạo động để giành độc lập. Tức là ông vẫn tổ chức biểu tình, v.v… nhưng không bao giờ đánh nhau với cảnh sát hết. Cảnh sát đánh ông ấy và đánh người của ông ấy. Kệ, cho đánh. Và ông sẽ không bao giờ làm điều ngược lại là đánh đập.

Ông ấy không có khái niệm là tổ chức quân đội đánh nhau với cả thực dân Anh. Anh lúc đấy chiếm Ấn Độ, nhưng Gandhi không tổ chức quân đội đánh nhau với người Anh mà chỉ đấu tranh đòi hoà bình quốc tế và tổ chức biểu tình trong nước: đình công, biểu tình, v.v… Không dùng một tí bạo lực nào. Cuối cùng nước Anh dưới sức ép như vậy phải trả độc lập cho Ấn Độ và Gandhi làm tổng thống đầu tiên của Ấn Độ luôn.

Ông Gandhi rất hiểu cái điều vừa nói, nên là ông ấy giúp được rất nhiều người. Một hôm có một bà mẹ đến gặp ông: “Gandhi, ông quá là giỏi. Có việc này không biết ông có làm nổi không, ông giúp tôi với, tôi làm mãi không được”.

Gandhi hỏi: “Bà muốn giúp điều gì?”.

Bà mẹ bảo: “Đứa bé nhà tôi rất thích ăn đường, ăn nhiều đến mức sâu cả răng, mà tôi nói mãi nó không nghe. Đứa bé nhà tôi rất sùng mộ ông, nó xem ông trên tivi rất là nhiều. Ông chỉ cần gặp nó và nói đừng ăn đường nữa. Tôi nghĩ rằng là ông sẽ thay đổi được nó”.

Gandhi bảo: “Thôi từ từ, đợi tôi nửa tháng đã”.

Thế là bà này nghĩ chắc là ông ấy bận đúng không? Nên là nửa tháng sau bà dẫn đứa con đến. Gandhi nói thầm vào tai đứa bé một câu. Hôm sau về nhà nó bỏ ăn đường luôn! Kinh không? Thấy ông Gandhi siêu không? Đố mọi người biết ông đấy dùng câu thần chú gì nói một phát đứa bé bỏ ăn đường luôn? Ai đoán được câu thần chú đấy không ạ? Gandhi lầm rầm một câu thần chú vào tai đứa bé, về nhà nó bỏ ăn đường luôn! Hỏi đó là câu thần chú gì? Bạn nào đoán được sẽ có phần thưởng, quà.

(Một bạn giơ tay)

Mời bạn phía sau đi ạ. Bạn áo tím kia ạ. Ưu tiên Đà Nẵng. Ai biết câu thần chú gì không ạ? Hỏi Gandhi đã nói câu gì? “Om mani peme hung” hay là “Om ah ra pa tsa na dhi”… Câu gì mà đứa bé bỏ ăn đường? Có bạn nào đoán được không ạ? Đoán được cái có quà ngay. Câu này dễ lắm!

Nói đùa là thần chú thôi, chứ Gandhi nói câu gì mà đứa bé đã bỏ ăn đường. Gandhi bảo: “Hãy cho tôi 14 ngày để tôi chuẩn bị, tôi luyện công”, sau đó tôi sẽ có sức mạnh để nói cho đứa bé. Quả nhiên sau mười bốn ngày đứa bé quay lại, ông nói một cái, bỏ ăn đường ngay! Đố mọi người biết là nói câu gì? Đoán đi, cứ đoán đại đi ạ?

Bạn nam: Dạ, em là Lương. Thầy cho em đoán là: “Nếu cháu muốn làm tổng thống thì phải có răng”.

Thầy Trong Suốt: Làm tổng thống thì phải có răng à? Hoan hô ! (Mọi người vỗ tay) Một câu trả lời rất hay nhưng chưa đúng. (Cười) Nhưng mà tặng quà vì bạn đứng lên nói là giỏi lắm rồi. Rồi! (Một số bạn giơ tay) Mời bạn bên kia.

Một bạn nữ: Em xin đoán: “Đã mười bốn ngày trôi qua ta không ăn đường và ta vẫn vui vẻ”.

Thầy Trong Suốt: Gần đúng rồi. Vẫn tặng quà cho bạn vì bạn giơ tay. Bạn đoán gần đúng rồi. Câu này siêu đơn giản. (Một bạn giơ tay) Mời bạn. Đơn giản đến bất ngờ luôn.

Một bạn nam: Câu đấy là: “Chú không thích ăn đường”.

Thầy Trong Suốt: “Chú không thích ăn đường”, vẫn có phần quà mặc dù không đúng! (Mọi người cười) Một câu trả lời cuối cùng! Đáp án là… à gợi ý này, câu này cực kỳ đơn giản! Nào mời bạn!

Một bạn nữ: Con đừng ăn đường nữa.

Thầy Trong Suốt: Uoa! Sao bạn biết?

Bạn đó: Vì thầy bảo là đơn giản.

Thầy Trong Suốt: (Cười) Bạn trả lời đúng rồi, tặng quà bạn ấy thôi, quá đúng luôn. Bạn giới thiệu một chút đi.

Bạn nữ: Em tên là Trà, có gia đình, hiện tại em đang sống ở Đà Nẵng ạ.

Thầy Trong Suốt: Gandhi bảo là gì? “Con đừng có ăn đường nữa!”. Kỳ quái không ạ? Câu đấy mẹ nó nói với nó hết từ ngày này sang ngày khác, nó không nghe. Bây giờ Gandhi nhập thất, luyện công trong 14 ngày, nói một phát nghe luôn.

Bây giờ câu này khó hơn này, câu này mới khó! Câu đấy bạn ấy trả lời giỏi lắm rồi. Gandhi chỉ nói là: “Con đừng ăn đường nữa” thôi. Bà mẹ mới hỏi Gandhi là: “Ngài nói câu gì đấy?”, Gandhi trả lời là gì? “Tôi nói là: “Con đừng ăn đường nữa”.

Bà mẹ mới bảo: “Thế tại sao hôm nọ ngài không nói luôn đi? Tôi dẫn nó đến mà ngài không nói. Ngài còn đợi 14 ngày?”. “Sau 14 ngày, ngài đã nhập thất, tu luyện môn gì mà lại nói một phát nó nghe ngay?”. Đố các bạn đoán được là trong 14 ngày đấy, Gandhi đã làm gì? Tại sao không nói luôn lúc đấy cho xong mà còn đợi 14 ngày sau? Và trong 14 ngày đó thì Gandhi đã làm gì?

Một bạn nam: Em xin đoán là trong mười bốn ngày đó ông Gandhi đã không ăn đường.

Thầy Trong Suốt: Uoa, quá giỏi! Một phần quà dành cho bạn. Rồi. Gandhi chỉ làm gì? Lúc bà mẹ nói với Gandhi là khuyên cháu đừng ăn đường đấy thì ông đang có thói quen gì? Ăn đường.

Ông ấy biết là gì? Mình không thể nói một người làm cái điều mà chính mình cũng không làm nổi. Đấy. Ông là một người rất là tâm linh, ông ấy hiểu rất sâu sắc, rất trí tuệ. Ông là người trí tuệ nên ông hiểu rằng: “Mình không thể nói một điều, khuyên một người một điều mà chính mình cũng không làm được”. Theo mọi người ông phải làm gì? Ông phải làm được cái điều mà định khuyên người ta thì mới đi khuyên. Trong hai tuần ông bỏ ăn đường luôn. Sau khi làm được cái điều mà ông ấy định khuyên rồi, thì ông ấy mới khuyên đứa bé và quả nhiên là tác dụng ngay. Còn bà mẹ không khuyên được vì sao ạ? Bảo con đừng ăn đường nhưng mẹ cứ ăn đường ầm ầm thì làm sao con bỏ được?

Đấy câu chuyện đấy cho ta thấy là, chúng ta muốn dạy được con, chúng ta hãy làm được cái điều mà chúng ta dạy. Chứ chưa làm được thì thôi đừng có dạy, cứ từ từ hãy dạy, chứ đừng bắt nó làm cái điều mà chính người lớn cũng…? Làm không nổi!

Đừng dạy con theo kiểu đấy, dạy theo kiểu đấy đứa bé nó sẽ không biết thế nào là đúng, thế nào là sai cả. Các bạn hãy dạy con bằng cách là: “Hãy làm điều đấy đã rồi mới dạy nó!”. Những bạn nào muốn nghe thì nên nghe lại buổi trước. Buổi trước nói kỹ hơn ở cách đứa bé nó học như thế nào. Nhưng tóm gọn là nó học hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp nghĩa là nghe xong rồi tin, xong làm theo. Gián tiếp là bắt chước bố mẹ, người thân. Chúng ta đừng làm tấm gương xấu, chúng ta dạy nó một đằng mà chúng ta lại làm một nẻo, chắc chắn nó sẽ không biết và lớn lên nó sẽ rất là rối loạn không biết nên làm gì cho đúng.

 Mình không thể nói một điều,

khuyên người khác một điều mà chính mình cũng không làm được

3.3 Chỉ cần hiểu 3 thứ để hạnh phúc

Quay lại câu chuyện lúc nãy là “Tại sao lại nên dạy con ba thứ: nhân quả, vô thường, bất toại nguyện?”. Chỉ cần 3 thứ đấy thôi thì lớn lên, dù nó có trí khôn hay không, nó vẫn hạnh phúc được. Bởi vì đấy là 3 thứ gần với sự thật, gần với cách vận hành của thế giới nhất. Nên khi đứa bé đã hiểu điều đấy thì nó không còn bị nhầm lẫn về cách vận hành của thế giới. Khi không nhầm lẫn nữa thì nó sẽ không có đau khổ nữa.

Ví dụ, tôi dạy con là: “Con phải cố hết sức, cố bằng được, cố kiểu gì cũng đạt được – đấy là đúng hay sai ạ? Rất nhiều bố mẹ dạy con kiểu đấy.

Nó không phải cách vận hành của thế giới! Thế giới vận hành theo kiểu khác! Thế giới này không vận hành theo kiểu cố là được mà vận hành theo nhân quả. Cố mà không đủ nhân quả có được không ạ? Cố gieo nhân mà không đủ các điều kiện khác cũng chẳng được.

Các bạn cố đến đây ngày hôm nay, nhưng nếu chẳng hạn gặp cơn bão to, có đến được không ạ? Không đến được! Như vậy cố gắng không phải là kiểu gì cũng đạt được không? Cố gắng thì có thể đạt được thôi, chứ không thể chắc chắn đạt được. Nhưng mình dạy nó như vậy, lớn lên khi nó cố gắng không được, nó trách chính nó: “Sao mình kém thế?”, tự nhiên nó nghĩ thế thôi – “Mình thật là tồi tệ!”. Nhưng trên đời này, ở đây có bao nhiêu bạn cứ cố là đạt được giơ tay ạ? Cố – đạt được luôn. Có ai không ạ? Chẳng ai làm điều đấy được! Thầy cũng chẳng làm được! Chẳng ai làm được hết, Phật cũng không làm nổi luôn. Thế mà chúng ta lại dạy con là: “Cứ cố thì sẽ được”. Hoàn toàn trái với nhân quả.

Chúng ta không dạy nó kiểu đấy nữa. Chúng ta hãy dạy nó chấp nhận việc là cố mà không được. Cố hết sức, đồng ý rồi, nhưng nếu không được, đừng có giày vò và trách mắng. Ta giày vò trách mắng nó, lớn lên nó sẽ giày vò, trách mắng bản thân nó khi không được. Bắt chước mà! “Hồi nhỏ tôi không đạt được, bố mẹ giày vò, trách mắng tôi. Lớn lên tôi không đạt được, thì tôi bắt chước bố mẹ, tôi giày vò, trách mắng chính mình”. Thế là mình tạo ra một đứa bé đau khổ và đứa bé ấy chắc chắn sẽ đau khổ, vì cuộc đời này làm sao mà muốn là được?!

Ta không thế nữa, ta dạy là: “Con ạ, bản chất cuộc đời này là vô thường, nhân quả, bất toại nguyện, nên có rất nhiều thứ muốn mà bất toại nguyện, không đạt được. Bởi vì không đủ nhân để quả nó nở ra”.

Theo bạn nói về nhân quả, mấy tuổi đứa con mình sẽ hiểu và đồng ý? 12 hay 15 ạ? Đoán thử đi ạ!

Một bạn nữ: Theo em thì chắc khoảng 10 tuổi!

Thầy Trong Suốt: 10 tuổi! Có bạn nào có số bé hơn không ạ? Bạn nào nói đúng bạn đấy sẽ được phần quà! Còn ai nói số khác nữa không ạ? Quyên?

Bạn Quyên: Dạ thưa Thầy, theo em nghĩ là khi nó biết nói. Một tuổi ạ.

Thầy Trong Suốt: Sớm quá! Siêu nhân quá! Có bạn nào có số lớn hơn số một không?

Bạn áo trắng: Năm tuổi ạ.

Thầy Trong Suốt: Năm tuổi! À… Được. Tặng bạn một cuốn lịch. Thực ra số chuẩn là số bốn. Bốn tuổi đã hiểu. Năm tuổi thì quá hiểu luôn, bốn tuổi bắt đầu hiểu rồi. Ví dụ nhà thầy có một đứa con bốn tuổi. Mình ngồi giảng thế này, nó ngồi lên bên cạnh ghế, mình hỏi nó là: “Vì nhân gì, duyên gì mà con ngồi lên ghế này?”. Nó phải hỏi ba là: “Ba muốn mấy nhân để con nói?”. Hôm nào mà thời gian nhiều thì nói là 10 nhân, ít thời gian nói 3 nhân. Nó sẽ nói luôn là 3 nhân gồm những nhân gì. Có ai ở buổi hôm đấy nhớ nó nói gì không nhỉ?

Vũ Tâm: Ba có tiền để mua ghế.

Thầy Trong Suốt: À! Một, điều đầu tiên là ba có tiền để mua ghế. Không có tiền chẳng có ghế luôn! Còn nhớ gì nữa không?

Vũ Tâm: Nhà không chật thì mới để được ghế.

Thầy Trong Suốt: À, hai là nhà không chật để để được ghế. Đấy! Nói chung là hôm đấy là có một số bạn chứng kiến. Nó cứ nói tất cả những thứ đấy một cách bình thường, mà nó có bốn tuổi thôi! Vì nó được nghe từ bé nên là lúc bốn tuổi, dạy nó thì chỉ một tháng hay có một tuần nó hiểu ngay là nhân gì ra quả gì.

Khi nó hiểu nhân quả như vậy, thứ nhất, sau này nó muốn thành công nó phải lo rất nhiều nhân để ra cái quả nó muốn, chứ không phải nó chỉ lo mình nó nữa. Nó hiểu nhân quả rồi nên nếu nó muốn thành công, thì nó phải lo thêm những nhân khác nữa chứ không phải chỉ có cố là được. Thế nên là khi nó không thành công thì nó hiểu là tại sao lại không phải chỉ do mình nó.

Đấy! Mà đứa bé bốn, năm tuổi nó hiểu một cách dễ dàng luôn. Không phải chỉ có đứa bé con của thầy mà cả cái nhóm ở Hà nội gọi là: “Nhi đồng Trong Suốt”, toàn các cháu bé từ bốn đến mười tuổi. Cho nên các bạn có thể dạy con từ bốn tuổi trở đi là được. Năm tuổi thì quá rõ ràng luôn, còn bốn tuổi là bắt đầu hiểu về nhân quả rồi.

Ai đọc câu chuyện của bạn An Thủy? An Thủy cũng là một cô bé bằng tuổi của Nadhi, trong nhóm đấy, bây giờ nó năm tuổi rồi.

Hồng Nhung: Em xin phép đọc một câu chuyện… em bé An Thủy ạ. Đăng trong nhóm Nhi đồng Trong Suốt:

– Mẹ: Mẹ đang thấy bực mình quá vì cái thẻ điện thoại một trăm nghìn mẹ để trong ví không biết rơi đâu rồi?

– Con: Mẹ đừng buồn! Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra mà.

Thầy Trong Suốt: À, dừng! Thầy dạy cho nó là gì? Vô thường! Nhưng mà “vô thường” là thứ rất khó hiểu với trẻ con, mình nói là: “bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra” – đấy là cách dạy vô thường cho trẻ con. Vì mình bảo: “Đời là vô thường” nó không hiểu nhưng bảo nó: “Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra” thì hiểu ngay.

Vô thường là gì? Không có gì thường hằng, nghĩa là không có gì cứ mãi như thế hết. Nó phải thay đổi. Như vậy thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, thẻ điện thoại đang có thì có thể trở thành mất, đúng không? Đứa bé An Thủy này nhớ là gì: bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra – đấy là vô thường. Thầy dạy cho đứa bé điều đấy, tới phần nói chuyện với mẹ như thế nào?

Hồng Nhung:

       “Lúc đó thì mẹ không nói gì.

       – Con: Mẹ đang bất toại nguyện hả?”.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Mẹ không nói gì, phát hiện ra ngay là gì? Trông cái mặt này có vẻ là gì? Bất toại nguyện, không được toại nguyện rồi! Bất toại nguyện hoàn toàn dễ hiểu đúng không ạ? Không được như ý mình muốn là bất toại nguyện. Thầy dạy cho nó là: Một là bất toại nguyện. Không được như mình muốn là bất toại nguyện. Nhưng thầy dạy thêm cho nó là gì? Bất toại nguyện là bình thường hay không bình thường? Cuộc đời này là bất toại nguyện hay là toại nguyện? Bất toại nguyện là một cái sự rất bình thường trong đời này bởi vì mọi thứ là vô thường. Như chuyện mình muốn mà không được là bình thường hay không bình thường? Muốn mà không được, nó luôn biến đổi, những cái mình muốn mà không được – hoàn toàn bình thường! Cái đấy gọi là bất toại nguyện. Mình xem bé áp dụng như nào? Đọc lại câu đấy đi!

Hồng Nhung:

“Mẹ không nói gì.

– Con: Mẹ đang bất toại nguyện hả?

– Mẹ: Ừ, con giỏi thật, đúng là vô thường, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng mẹ vẫn buồn, mẹ cần con an ủi.

– Con: Mẹ, mẹ đừng buồn nữa! Mẹ có nhiều tiền rồi mà. Nếu mẹ muốn giàu, mẹ phải từ từ làm việc, làm sao mẹ vội được!”.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Đứa bé năm tuổi nhé. Mới chưa được năm tuổi. “Nếu mẹ muốn giàu mẹ phải từ từ làm việc.” Phải gieo nhân chứ! Ý nó là gì? “Mẹ từ từ gieo nhân.” Làm sao tự nhiên có cái quả mà không có nhân? Thầy dạy cho nó là: Không bao giờ có quả mà không có nhân. Nếu mẹ muốn giàu thì làm sao? Mẹ phải làm gì? Từ từ mà gieo nhân chứ! Làm gì có chuyện có quả ngay lập tức? Kinh chưa? Năm tuổi! Ghê không?

Hồng Nhung: Tiếp theo ạ:

– Mẹ: Ha ha ha, nghe đến đây thì đúng là hết buồn rồi, “mẹ già” của tui ạ!

Haizz! Thỉnh thoảng mình thấy nó giống mẹ mình chứ không phải mình là mẹ nó.

       (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đấy. Một tràng pháo tay cho bạn An Thủy nhỉ. (Mọi người vỗ tay) An Thủy là một cô bé rất ít nói, thậm chí là khi thầy giảng không giơ tay trả lời luôn, nhưng mà quanh cái này thôi, nó vẫn ngấm như thường. Ở trong lớp nếu mà nói độ tích cực trả lời thì bạn này hầu như là rất ít nhưng vẫn ngấm bình thường. Và khi mà nó ngấm rồi, nó nghĩ thế. Nên nhớ là: Cái gì mình ghi vào đầu đứa trẻ lúc dưới sáu tuổi thì đối với nó là khuôn vàng thước ngọc luôn! Mình dạy sai cho nó thì cả đời nó sẽ sai, rất khó sửa. Người ta gọi khắc vào đá đấy. Nếu dạy sai thì sau sáu tuổi, sau này vẫn sửa được nhưng rất khó. Mà dạy đúng cho nó thì nó cứ thế nào cũng sửa được.

Đây là một ví dụ về một đứa trẻ mà đã hiểu rằng là vô thường – bất kỳ cái gì cũng có thể xảy ra. Thứ hai là bất toại nguyện là bình thường vì vô thường mà. Thứ ba là muốn có quả thì phải gieo nhân. Rất đơn giản đúng không? Con năm tuổi có hiểu điều đấy không? Năm tuổi hoàn toàn hiểu điều đấy được! Chỉ thế thôi cũng đủ áp dụng vào thay đổi cả đời nó luôn.

Sau này lúc nó muốn quả, nó phải gieo nhân. Chứ nó không thể ngồi mà muốn cái gì đấy xong bực tức mãi mà mẹ không mua cho nó được. Vì rõ ràng nó có gieo nhân gì đâu mà lại tự nhiên mẹ lại mua cho cái gì đấy! Còn nếu mà nó muốn mẹ mua thì lại phải gì? Chăm chỉ quét nhà, gánh nước, mát xa cho mẹ. Nó sẽ nghĩ kiểu như thế.

Thứ hai là do bất toại nguyện nó không còn cảm thấy bất thường nữa. Bất toại nguyện là quá bình thường, đương nhiên. Nếu các bạn dạy con từ năm tuổi thì lớn lên nó sẽ có trí tuệ. Như vậy chỉ cần ba điều, mình phải nhớ và phải học.

Thứ nhất là nhân quả, không có quả nào không có nhân. Đấy! Muốn ra quả phải có nhiều nhân cùng gieo. Đấy là cái ý thứ nhất mình dạy nó, là nhân quả.

Cái thứ hai mình dạy nó là vô thường, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Nên nó sẽ không bất ngờ và nó không bị bức bối trong cuộc sống. Đấy là vô thường.

Thứ ba là bất toại nguyện, không phải cứ muốn là được. Muốn có thể được, có thể không được. Muốn mà cố gắng được thì phải gieo đủ nhân, mà nếu không được thì do không đủ nguyên nhân.

Chỉ ba điều căn bản thế thôi! Nó quá ngắn gọn đi! Nhưng nếu mình dạy đi dạy lại hằng ngày cho nó, mà cách đơn giản nhất là mình cứ sống như thế. Gặp chuyện xảy ra mình nhắc chính mình và nhắc nó về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện thì thời gian sau nó có trí tuệ.

Thế thôi, rất đơn giản! Hóa ra để dạy con có trí tuệ là dễ như vậy, không có gì khó cả. Dạy con làm giáo sư, bác sĩ rất khó, bố mẹ không làm nổi giáo sư, bác sĩ làm sao dạy con làm giáo sư, bác sĩ được? Khó! Cái này thôi để nhà trường dạy. Nhưng mà bố mẹ có thể dạy cho con có trí tuệ. Có trí tuệ nghĩa là gì? Hiểu những chân lý cuộc sống để mà bên trong đứa bé có một trạng thái bình an, sáng suốt khi mọi thứ xảy ra. Đứa bé có sự bình an, sáng suốt khi mọi thứ xảy ra gọi là đứa bé có trí tuệ chứ không phải đạt được cái này cái kia mới là trí tuệ.

Không đạt được mà vẫn bình an, sáng suốt thì mới là trí tuệ. Đạt được mà không bình an, sáng suốt có là trí tuệ không ạ? Không gọi là trí tuệ!

Đấy, hóa ra phương pháp căn bản để dạy con là thế. Thực ra cái buổi trà đàm lần trước định nói hết cả mấy ý này, nhưng do ít thời gian quá nên mình không nói nốt chứ còn dạy con không nhất thiết phải hai buổi trà đàm. Vì nó quá là căn bản, quá đơn giản! Có ba điều đấy thôi, dạy đi dạy lại nó trong cuộc sống.

Ví dụ nó mất một cái món đồ, nó buồn đúng không? Mình bảo nó: Con ạ, đừng buồn, vì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra nên chuyện con đang có món đồ, mất là cũng bình thường thôi”. An ủi theo kiểu đấy, chứ đừng nói là: “Con nín đi rồi bố mẹ sẽ mua con cái khác”. Bố mẹ hay nói câu đấy đúng không? “Thôi nín đi! Mua con cái khác”. Thôi rồi! Thế là nó tin rằng thế là không vô thường. Thứ hai là muốn là được, mình chỉ cần khóc là lần sau bố mẹ sẽ có quà để bù cho mình. Mình bảo là: “Con nín đi, bố mẹ sẽ mua”, khác gì bảo là: “Con muốn là sẽ được, cuộc đời này không bất toại nguyện đâu! Cứ khóc đi là sẽ có”.

Lớn lên khi gặp chuyện nó sẽ ngồi nó khóc và đợi ai đó mang điều may mắn đến. Rồi nếu ai không mang cho nó, nó trách cứ ngay. Nếu mà nó lớn lên gặp chuyện, không ai đem điều tốt cho nó, nó ngồi nó trách người khác. Giống hồi bé trách bố mẹ sao không mua cho nó cái này cái kia.

Hồi nhỏ thầy cũng không được dạy về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện nên mình nhớ là có những lúc mình trách bố mẹ là sao không mua cho mình cái này cái kia. Trách sao các bạn được cái này, mình không được cái kia, mình ghen tỵ xong mình trách. Nhưng nếu mình có con, mình dạy cho nó hồi còn nhỏ là: “Không có quả nào mà không có nhân, cuộc đời là bất toại nguyện nên việc bạn có, con không có là bình thường thôi. Và không quả nào không có nhân hết. Nếu con muốn cái món quà đấy, con phải gieo nhân đi! Chứ con đừng mong muốn ngồi không mà quả rơi xuống đầu. Con hãy gieo nhân gì đấy”.

Nếu như mình có khả năng mua cho nó được thì khuyên nó gieo nhân xong mua sau. Còn nếu không có khả năng mua được tức khắc thì nói là: “Cuộc đời bản chất là bất toại nguyện”. Đấy, bản chất cuộc đời là bất toại nguyện thôi, muốn mà không được! Vì nó vô thường.

Như vậy là mình chỉ cần có ba thứ đấy thôi. Dùng đi dùng lại, quay đi quay lại chỉ ba thứ đấy, đủ để biến một đứa bé bình thường thành trí tuệ. Chỉ ba thứ, mình dạy nó từ sáu tuổi là lớp dễ dạy nhất. Nhưng trên sáu tuổi dạy bình thường, lớp này có những đứa bé 10 tuổi dạy bình thường. Nhưng phải nhớ là nếu mình không dạy thì không ai dạy hết! Ông bà chắc chắn dạy ngược lại, cô giáo ngược lại… tất cả cái xã hội này dạy ngược lại. Trách nhiệm của mình là dạy cho nó điều đấy và hãy làm cho nó thấy rằng đấy mới là sự thật.

Thấy được ba điều đấy là sự thật rất dễ vì cuộc sống chứng là bất toại nguyện, cuộc sống đã chứng minh là vô thường, cuộc sống chứng minh là phải gieo nhân mới có quả.

Nên để đứa trẻ con thấy ba điều đấy cực kỳ dễ, thậm chí dễ hơn người lớn. Người lớn khi đã quá tin vào những thứ khác rồi thì không thấy những thứ dễ dàng đấy nữa. Còn trẻ con thì thấy rằng cảnh sờ sờ trước mắt.

Thậm chí là có những buổi giảng thầy hỏi là: “Hãy kể chuyện nhân quả cho thầy nghe”, có đầy đứa giơ tay khoe nhân xấu của mình luôn: “Con hôm nay con đẩy bạn ở lớp, rồi con đánh bạn”. Trong sáng đến mức là nó chưa cần phải sợ hãi những chuyện đấy. Nó có thể kể cho mình được, để nó chứng minh rằng đấy là nhân quả. “Hôm nay đổ mực cho bạn, hôm sau bạn đổ mực lên người con”. Đấy! Nó khoe rất là sung sướng luôn, chứng tỏ rất hiểu bài. Hôm nay con đẩy bạn, hôm sau bạn đẩy con; hôm nay con đánh bạn, hôm sau bạn đánh con. Nó ngấm cái nhân quả đấy rất dễ trong cuộc sống vì có quá nhiều chuyện xảy ra để chứng minh điều đấy.

Bạn chỉ cần gì? Ví dụ như hằng ngày con đi học về, hỏi con một câu: Hôm nay có gì liên quan đến vô thường xảy ra không con?” là kể ngay được câu chuyện ấy mà. Vô thường mà! “Hôm nay con muốn cái này nhưng không được”. Bất toại nguyện. Hoặc là hôm nay đang yên đang lành tự nhiên lại cô gọi con lên bảng.

Mình hỏi một câu đơn giản là: “Hôm nay ở lớp có gì vô thường không?” là nó sẽ kể, khi mình dạy cho nó rồi, nó sẽ kể. Hoặc: “Có gì bất toại nguyện không con?”. Tâm sự ngay mà! Có người tâm sự sướng quá còn gì nữa! Bố mẹ mấy khi hỏi con bất toại nguyện không? Bố mẹ ít khi hỏi lắm, nên nó chẳng có người tâm sự. Chỉ cần có bố mẹ hỏi là: “Có chuyện gì không?” là nó có chuyện kể ra ngay.

Đấy, “Có gì vô thường không con?”, “Có gì bất toại nguyện không con?”, hoặc thỉnh thoảng hỏi nó về nhân quả xong cho quà.

Thầy hay kiểu đấy. Ví dụ: “Tại sao con ngồi đây? Hãy kể cho ba 10 nhân”. Kể xong có quà luôn! Thấy nó rất sáng tạo, nó ngồi nó kể ra đúng 10 nhân phân biệt kiểu đấy. Nó sáng tạo. Trẻ con nó rất thông minh! Mình cứ để cho nó nghĩ, nó sẽ nghĩ ra đủ các lý do, ví dụ như con ngồi đây vì là trời không có bão. Đấy! Chứ có bão thì chạy hết rồi còn đâu nữa? Có bão thì phải chạy trốn chỗ khác, bão to ấy, bão to thì không còn nhà nữa. Nó có thể nghĩ ra những cái như vậy luôn.

Trẻ con rất sáng tạo như vậy, miễn là mình cho nó cơ hội. Còn nếu mình bắt nó theo cái kiểu sai lầm của mình cũ như bố mẹ dạy mình đấy, thì trẻ con sẽ giống mình ngày xưa thôi. Bố mẹ thường có xu hướng là đem cái bố mẹ ông bà ngày xưa dạy cho mình rồi dạy cho đứa con. Hoàn toàn không đúng! Vì nếu như mình không được học thì mình dạy con kiểu gì? Mình bắt chước theo bố mẹ mình dạy mình! Mình vô thức bắt chước mà! Đúng chưa? Thế là mình dạy nó sai lầm ngay.

Thế nên là để dạy con một cách có trí tuệ ấy thì đơn giản bố mẹ áp dụng ba điều đấy, chỉ ba điều thôi. Mọi người nhớ ba điều gì không ạ? Một là gì ạ? Nhân quả. Hai? Vô thường. Ba?

Một số bạn: Bất toại nguyện.

Thầy Trong Suốt: Chỉ ba cái đấy thôi. Bố mẹ hãy sống và nghĩ như vậy rồi sau đó dạy con mình là đủ. Hết. Tóm lại nội dung của buổi trà đàm nó chỉ có ba thứ đấy thôi. Các bạn nhớ được ba thứ đấy, về áp dụng là sẽ có đứa con trí tuệ, còn không áp dụng thì chỉ có một đứa con thông minh, tài ba nhưng mà không có trí tuệ. Đấy, toàn bộ nội dung ngày hôm nay là chỉ là như vậy. Rồi, hết, xong. (Thầy cười)

(Mọi người vỗ tay)

 Hiểu những chân lý cuộc sống để bên trong đứa bé có một trạng thái bình an, sáng suốt khi mọi thứ xảy ra, gọi là đứa bé có trí tuệ. 
 

3.4 Trí tuệ phi thời gian

Bạn Lương: Dạ thưa Thầy, thực sự buổi trà đàm hôm nay rất là ngấm và em hiểu theo cách của mình và nói lại cho Thầy và các bạn xem có đúng hay không ạ.

Hôm nay có hai ý: Thứ nhất là chúng ta phải biết trí tuệ lẫn trí khôn. Trí khôn là: kiến thức, trí thức, kinh nghiệm và tri thức. Kiến thức là những cái chúng ta học được ở trường hoặc học trường lớp ở bất kỳ đâu để phục vụ cho công việc. Còn trí tuệ là sự hiểu biết và áp dụng các cái nguyên lý và các quy luật thì ở đây chúng ta có ba quy luật là nhân quả, vô thường và bất toại nguyện. Nếu chúng ta có trí tuệ thì chúng ta sẽ hiểu vì trí tuệ nó khác với trí khôn là trí khôn phụ thuộc vào thời gian và trí tuệ không phụ thuộc vào thời gian.

Thì đó là hiểu biết của em thì không biết là có đúng hay không?

Thầy Trong Suốt: Rất tốt, bạn Lương rất tốt. (Mọi người vỗ tay) Bạn Lương nói rất hay là: Cái trí tuệ thì nó phi thời gian! Lúc nào cũng đúng. Trí khôn thì trong xã hội này đúng xã hội khác sai. Nhân quả, vô thường, bất toại nguyện thì lúc nào cũng đúng. Đúng chưa ạ?

Còn ví dụ như thế này trí khôn áp dụng vào là sai này: Ở những nước Hồi giáo thì giết một con lợn là xấu hay tốt ạ? Phạm tội luôn! Giết lợn là phải đi tù luôn. Con lợn là vật linh thiêng của họ. Nên là bảo “Con lợn là linh thiêng” là trí khôn hay trí tuệ? Sang nước Ấn Độ, thì con bò mới là linh thiêng, giết lợn thoải mái, giết bò phát thì…? Phạm tội! Như vậy ở Ấn Độ thì bảo “con lợn chẳng là gì, còn con bò linh thiêng”, ở Hồi giáo “con lợn là linh thiêng, bò chẳng là gì”.

Như vậy cái việc mà biết con bò hay con lợn linh thiêng là trí khôn. Trí khôn thì nó phụ thuộc vào thời gian và không gian. Cũng cái trí khôn đấy mà sang Ấn Độ thì sai. Trí khôn Ấn Độ áp dụng sang Hồi giáo thì sai. Nghĩa là trí khôn nó phụ thuộc không chỉ thời gian, phụ thuộc cả vào không gian lẫn thời gian.

Cách đây khoảng 300 năm mà mình nói là: “Tôi ngồi ở Việt Nam, tôi nói chuyện với người ở Châu Phi” thì người ta bảo bị điên hay là bịa đặt. Bây giờ mình có điện thoại nói được ngay. Như vậy cái mà trước đây 300 năm là điên thì bây giờ là trí khôn, cái bây giờ trí khôn mà 300 năm trước là bị điên, đúng chưa? Nên là cái này phụ thuộc rất nhiều vào không gian và thời gian. Nhưng mà trí tuệ nó luôn trường tồn, sáng rực, lúc nào cũng đúng.

Cái đứa bé mình dạy nó từ 3 đến 6 tuổi trí tuệ, đến tận 80 tuổi nó vẫn thấy điều đấy là đúng. Nhưng rất nhiều cái trí khôn mình dạy cho nó từ 3 đến 6 tuổi, lớn lên nó thấy sai rồi. Ví dụ như: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, sao ạ? Đúng hay sai ạ? Đến một tuổi nhất định thì sao ạ? “Con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy” mới đúng chứ! Đúng chưa? Nhưng mình dạy cho nó rất nhiều thứ, rồi sau này lớn lên nó lại thấy rằng nhầm lẫn. Trong khi có những thứ mà mãi mãi không sai, ích lợi cho cả đời nó thì mình lại không dạy. Mình nên dạy nó những thứ đấy cho nó có trí tuệ.

Con thầy chẳng hạn, thầy không cần một đứa bé thành đạt. Thầy hay nói với nó là: “Sau này nếu mà ba mẹ có đủ tiền thì cho học trường tốt. Mà không đủ tiền thì học trường làng. Hết sạch tiền thì về nhà ba dạy. Còn nếu ba không có cả thời gian dạy thì thôi, đời dạy”. Chứ mình không còn bám chấp là con mình nó phải là một đứa bé có trí khôn luôn! Nhưng mà mình cần, mình sẽ dạy nó thành trí tuệ. Vì không có trí khôn mà có trí tuệ vẫn hạnh phúc được. Không có trí tuệ chỉ có trí khôn thôi thì sao ạ? Không hạnh phúc được. Có thành công cũng không hạnh phúc được. Còn tất nhiên, nếu mình có điều kiện mình dạy nó cả hai hoặc mình giúp nó học được cả hai.

Nhưng có một thứ mà không ai dạy được cho nó, đó là trí tuệ, là trách nhiệm lớn nhất của bố mẹ. Thế còn kiến thức thì thầy cô giáo có nhiều kiến thức hay lắm. Thậm chí là dạy con theo phương pháp mới còn hay hơn bố mẹ dạy, đúng không? Nhưng cái trí tuệ thì điều đó đảm bảo không trường nào dạy hết! Ba điều đấy: nhân quả, vô thường, bất toại nguyện đấy. Không ai dạy cả! Nên đấy là việc của các bạn, của bố mẹ.

Nếu chưa có con sau này sẽ dạy nó dần, nếu có rồi thì bắt đầu áp dụng luôn, dạy cho nó về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Bạn nào quan tâm thì có những buổi ghi âm của nhóm Nhi đồng Trong Suốt, mọi người có thể đăng ký. Trong đấy có quay lại cảnh thầy dạy trẻ con như thế nào. Dạy nó về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Dạy những thứ đứa bé mới toanh chưa biết gì luôn, từ số không, tờ giấy trắng để nó hiểu về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện như thế nào. Chỉ trong hai buổi dạy là xong. Không cần nhiều hơn.

 Trí khôn phụ thuộc thời gian, không gian.

Trí tuệ phi thời gian, luôn trường tồn, lúc nào cũng đúng. 

4. Dạy con trong trí tuệ

4.1 Vượt qua nỗi sợ, yêu con vô điều kiện

Một bạn nữ: Dạ, như Thầy nói là, ở cuộc sống, mình phải dạy con cả trí tuệ. Nhưng đa số là phụ huynh, cha mẹ phải đe dọa con hoặc là đánh đập thì nó mới chịu học, còn nếu không thì nó sẽ lười biếng. Nhưng theo Thầy dạy, mình không nên làm như thế thì cũng không được bởi vì đa số trẻ em…

Thầy Trong Suốt: Con của bạn mấy tuổi?

Một bạn: Dạ, một đứa sắp lên lớp bảy, một đứa lớp năm, một đứa lớp ba.

Thầy Trong Suốt: Mình đánh đập nó mới học, nghĩa là mình dạy nó là: “Hãy học hành với động cơ là nỗi sợ”. Đúng không? Hãy sợ mà học đấy. Có phải mình dùng nỗi sợ làm động cơ học không?

Một bạn: Em thấy đa số là như thế.

Thầy Trong Suốt: Đa số là như vậy, cách đấy là cách dễ nhất. Bố mẹ khỏe hơn con, có thước kẻ, có thứ đánh được, có cắt được quyền này quyền kia của nó đúng không? Cắt được bữa ăn, cắt được đồ chơi, nên là bố mẹ có nhiều công cụ để dọa nạt nó. Và bố mẹ dùng cách dễ nhất: Dọa nạt. Tốt nhất là dùng nỗi sợ để dọa đứa bé. Vì mình có sẵn công cụ rồi, nên là mình cứ dọa nó thôi. Không học thì mẹ sẽ đánh, mẹ sẽ mắng, sẽ phạt mất cái này, mất cái kia và dần dần đứa bé có thói quen: “Động cơ học hành của tôi là nỗi sợ”. Mà đã nỗi sợ thì sau này chỉ có đối phó. Cách đấy là cách tệ nhất rồi, chán nhất trên đời vì mình làm cho người ta học bằng nỗi sợ.

Có câu nói là: “Nỗi sợ này dẫn đến nỗi sợ khác”. Lớn lên nó sẽ thi bằng nỗi sợ, đúng chưa? Kiếm công ăn việc làm bằng nỗi sợ, đi làm bằng nỗi sợ, thậm chí lấy chồng, lấy vợ cũng là do…? Nỗi sợ. Đúng không ạ? Đẻ con cũng do sợ. Tóm lại là làm gì cũng vì sợ vì từ bé mình đã dạy nó là gì: “Hãy làm vì sợ đi! Làm vì sợ là đúng rồi, là nên” – Cách đấy không phải là cách tốt.

Bạn đó: Vậy con muốn hỏi Thầy là mình phải nên khuyên con học bằng cách nào là tốt ạ?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, như vậy mình nên tìm cách cho nó: Hãy học vì niềm vui, không phải vì nỗi sợ. Hãy giúp nó làm việc đấy, học vì niềm vui, không học bằng nỗi sợ. Cái giá phải trả bằng niềm vui là gì? Là nó không nhất lớp, thậm chí nó bét lớp, có thể. Mình phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Mình có nỗi sợ cũng thế thôi, nên là mình không dám cho nó học lười. Nên là trước tiên, việc đầu tiên không phải là dạy con thế nào mà dạy bố mẹ thế nào đã! Bố mẹ phải chấp nhận trả cái giá là con bét lớp. Có làm được không? Khó nhỉ! Mất hết cả danh dự, uy tín nhỉ? Em có dám chấp nhận để cho nó học bét lớp, cuối lớp, chấp nhận được không?

Bạn đó: Có lẽ là… (Bạn đó lắc đầu)

Thầy Trong Suốt: Khó. Bố mẹ phải thắng được nỗi sợ của bố mẹ trước! Bố mẹ không thắng được nỗi sợ của bố mẹ thì đương nhiên là truyền cho con, thì làm sao mà nó học được. Nhắc lại này, mình không thể dạy người ta làm một điều mà chính mình không làm nổi. Nguyên tắc rất căn bản và đơn giản. Mình không thể dạy ai đấy làm một điều mà chính mình không làm nổi. Thế thà đừng dạy còn hơn! Không thì sau đứa bé thấy mình đạo đức giả, là nói dối, chẳng có gì hay cả.

Mình không thể dạy đứa bé một điều mà chính mình không làm nổi. Công việc của em đầu tiên là thắng nỗi sợ của chính em đã. “Con ơi mẹ chấp nhận, mẹ không bao giờ biết học lực của con, con được 9 hay 10, hay 3, 4 mẹ vẫn yêu con như cũ. Mẹ vẫn yêu thương và chấp nhận con như cũ”.

Học trò của thầy có một bạn tên là Minh Hiền, bạn ấy có một đứa con khoảng lớp 10. Nó rất là căng thẳng, lúc nào nó cũng rất cáu gắt. Đứa bé đấy học tốt mà rất cáu gắt, lúc nào cũng rất dễ mất bình tĩnh. Bạn ấy hỏi thầy: “Thầy ơi làm thế nào bây giờ, con em như thế đấy, học thì giỏi nhưng mà rất dễ cáu gắt, mất bình tĩnh”.

Thầy bảo em hãy về làm điều này với con: “Từ hôm nay trở đi, mẹ không quan tâm đến kết quả học tập của con ở lớp, con hãy học cái mà con thích. Con có bét lớp mẹ vẫn yêu con như bình thường. Con có học bét lớp mẹ vẫn yêu con như cũ”. Ba tháng sau đứa bé hết luôn tất cả những căng thẳng đấy, nó bảo là: “Con rất hạnh phúc”, đứa trẻ đó nói thật.

Nếu Minh Hiền ở đây kể còn hay hơn. “Các bạn con ở lớp vẫn bị bố mẹ bắt phải học cái này, kiểm tra cái kia, nhưng con là người duy nhất trong lớp, một người, mình con thôi, là không thấy bao giờ bố mẹ hỏi con là học hành thế nào”. Nó vẫn học rất tốt, bây giờ nó sắp đi nước ngoài rồi. Nhưng nó hết tất cả, không còn bị mất bình tĩnh, không còn căng thẳng.

Vì sao lại như vậy? Vì nó không còn sợ nữa. Ngày xưa tại sao nó căng thẳng? Vì nó sợ mẹ nó sẽ không hài lòng, mẹ nó sẽ phán xét nó. Mà con người ấy, nỗi đau lớn nhất là bị người thân của mình phán xét mình. Người ngoài phán xét không đau đâu! Các bạn bị chính người thân nhất của mình phán xét mình là đau nhất. Vợ bị chồng mắng là đau nhất, chồng bị vợ phán xét là đau nhất, chứ còn mấy ông xe ôm ngoài đường phán xét có vấn đề gì đâu? Đứa con đau nhất là khi bị chính bố mẹ nó phán xét. Con người đau nhất khi bị chính người thân, người mình tôn trọng nhất, quý trọng nhất phán xét.

Nên là bạn Minh Hiền gỡ cho con bạn ấy gánh nặng đấy. Thế là dần dần 3 tháng sau, nó bây giờ rất là bình tĩnh, đáng yêu, làm bánh rất ngon và nó rất là vui vẻ. Vì nó không bị bố mẹ thúc ép phải thế này, phải thế kia nữa. Nhưng mà để làm điều đấy được bạn Minh Hiền phải vượt qua nỗi sợ là mình không ép nó nữa, để nó bét lớp. Có khả năng đấy không? Có khả năng đấy đúng không? Mình phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Mình không thể dạy người khác đừng sợ trong khi mình đang sợ, không thể làm thế được.

Đấy, bạn về nhà tập với chính bạn trước đi. Bạn hiểu như thế này cho dễ này: “Con mình, nó có thành ông này bà kia không là do…?”.

Một số bạn: Nhân quả.

Thầy Trong Suốt: Nhân quả. Đúng chưa? Con mình có thành thế này, thế kia không là do nhân quả chứ không phải do mình ép nó, không phải do nó học rất là chăm thì thành ông này, bà kia, đầy người học tài thi phận. Bạn quen ai học tài thi phận chưa?

Một số bạn: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Nên là không thành ông này, bà kia cũng là nhân quả thôi. Mình hiểu nhân quả là mình đã buông bớt rồi. Hiểu thứ hai là vô thường, cứ cho là học chăm thế đi, nó đang rất chăm học đi, đùng một cái chuyện gì xảy ra mất chăm học ngay. Cứ cho rất chăm đi, đùng một cái gặp chuyện thi trượt ngay. Đúng không? Nghĩa là ngay cả việc có chăm ấy cũng không quyết định được việc là sau này nó thành công hay không. Và đầy người học lười vẫn thành công. Thường nghĩa là gì? Cứ chăm, cứ chăm chăm, đều đều không được bớt chăm, cứ phải học giỏi không được học kém, cứ phải thi đỗ không được thi trượt. Vô thường! Mình đừng bắt mọi thứ phải thường. Đấy là vô thường, phải hiểu điều đấy, bớt sức ép cho nó.

Thứ ba là bất toại nguyện, cái này khó hơn. Mình phải hiểu rằng cái việc mà bất toại nguyện là bình thường. Mình ấy, chính mình bất toại nguyện cũng là bình thường, tức là nó không được như mình muốn cũng là bình thường. Cái này khó nhất, vì tâm lý bố mẹ nào chẳng muốn con đúng như kiểu của mình, đúng không? Bố mẹ giỏi văn thì muốn con giỏi văn, giỏi toán muốn con giỏi toán, không giỏi môn gì thì muốn con giỏi cả văn cả toán. (Mọi người cười) Bù lại cho ngày xưa của mình mà! Đấy, bố giỏi văn thì muốn giỏi văn, giỏi toán nếu mà không giỏi thì sao? Con phải giỏi thế này này!

Đấy, nên không hiểu là cuộc đời là bất toại nguyện, mình sẽ bất toại nguyện. Nên là gì? Mình bớt tạo sức ép thôi. Bất toại nguyện mà, kiểu gì chẳng bất toại nguyện. Nó học rất giỏi, sau này có khi nó lại lấy một cái đứa chẳng ra gì như mình muốn, thấy chưa? Nó thành ông này bà kia, có khi lại bất hiếu, chẳng quan tâm đến mình, kiểu gì mình cũng có thể bất toại nguyện ở chỗ nó, nên là mình đừng có căng thẳng quá. Mình hãy đi tìm cái hạnh phúc bên trong của chính mình ấy, cái đấy còn quan trọng hơn là hạnh phúc của đứa con mình.

Đứa con mình có nhân quả của riêng nó. Thậm chí ngày hôm nay mình chết, ngày mai nó vẫn lớn lên thành đứa bé bình thường được. Mình hãy dành thời gian sống để tìm cái hạnh phúc bên trong mình. Hơn là suốt ngày lo lo lo, nếu không cẩn thận mình sẽ ép sang cả cháu, đúng không? Khi nào mình dạy cháu, mình sẽ dạy kiểu đấy. Trong khi chính mình lại không giải quyết vấn đề của mình. Nên bạn dành nhiều thời gian hơn cho mình.

Bước một là gì? Vượt qua nỗi sợ của mình. Sợ gì? Nỗi sợ đầu tiên là gì? Con mình đứng…?

Bạn đó: Cuối lớp ạ. (Cười)

Thầy Trong Suốt: Cuối lớp. Bạn có vượt qua được không?

Bạn đó: Dạ em sẽ cố ạ. (Cười)

Thầy Trong Suốt: Hiểu nhân quả, vô thường, bất toại nguyện, vượt qua cái đấy. Con thầy, thầy chấp nhận điều đấy từ lâu rồi. Không dạy gì mà còn chấp nhận nữa là cuối lớp.

Bạn đó: Thầy nói đúng ạ. Mấy đứa con em tự học, không phải học tệ, nhưng mà nó cứ nói là lên lớp, tới ngày thi là con run, học rất là được nhưng mà nó run.

Thầy Trong Suốt: Vì nó sợ hãi. Vì mình dạy nó bằng sợ hãi thì nó sợ hãi. Đúng chưa? Mình nói là: “Con học hành đến đâu thì đến, mẹ vẫn yêu con như thường. Nghĩa là con có điểm kém hay điểm cao, nhưng tình thương của mẹ dành cho con không thay đổi tí nào hết. Không phải vì con điểm kém mà mẹ phán xét con, không phải vì con học hành không tốt mà mẹ coi thường con. Mẹ yêu thương con như nhau trong mọi trường hợp”.

Như con thầy ở nhà, khi mà mẹ nó phạt ấy, thì ngay từ đầu thầy nói là gì: “Đừng phạt con trong sự ghét bỏ. Vừa phạt vừa nói với nó là gì? Mẹ thương con. Đây là việc đúng, mẹ cần làm vì hành động của con là sai. Còn mẹ luôn yêu thương con, kể cả khi mẹ đang phạt”.

Đấy. Đứa bé không bị tổn thương khi bị phạt và nó cảm thấy là lúc nào cũng không thiếu thốn tình thương. Ngược lại, nếu mình hay phạt hay mắng nó, nó sẽ lớn lên với một trạng thái là thiếu thốn tình thương. Và khi nó lớn lên, càng lớn nó càng đòi hỏi sự yêu thương bên ngoài đến với nó để nó có được tình thương. Nó sẽ trở thành đứa bé bị lệ thuộc vào những người khác. Nếu mà nó là con gái thì nó sẽ cần một anh nào đấy yêu nó vì nó thiếu thốn tình thương. Nếu nó là người chưa thành công, hoặc nó thành công, kể cả thành công rồi, cũng cần người khác ca ngợi để nó cảm thấy là nó được yêu thương hơn.

Nhưng nếu mình cho nó một tình yêu thương không điều kiện, lớn lên nó sẽ khác, nó sẽ có sự tự tin rằng: “Kiểu gì tôi cũng được yêu thương, không cần phải làm cái điều gì đặc biệt mới được yêu thương. Không cần phải làm ông này bà kia cao thế này mới được yêu thương”. Thì nó sẽ không sống như một người ăn xin nữa.

Còn nếu không, mà nó thành công nó vẫn như thế này này: “Em xin các anh các chị qua lại mỗi người thương em một tí” – Thành công rồi vẫn sống kiểu đấy, vì nó cảm thấy rằng nó lúc nào cũng bị thiếu, không xứng đáng để được yêu thương.

Hoặc bạn hãy nói là: “Con lúc nào cũng xứng đáng được yêu thương hết. Con có thành công hay thất bại, thì con cũng xứng đáng được yêu thương. Bằng chứng là có mẹ ở đây. Tối thiểu có bằng chứng là mẹ. Con có không thành công thì con vẫn là người có giá trị, kể cả không thành công và vô giá trị”.

Rất nhiều người nghĩ rằng là tôi không thành công là vô giá trị. Đúng không? Các bạn nghĩ như thế: “Không thành công tức là mình chẳng có giá trị gì” – vì sao? Tất cả mọi người nói các bạn như vậy?

Không phải, các bạn không thành công thì giá trị bạn vẫn thế mà! Bạn là người tốt thì vẫn là người tốt. Kể cả không thành công có thành người xấu không? Chẳng phải đúng không? Bạn là người yêu thương động vật, thì không thành công, bạn vẫn là yêu thương động vật. Chứ không phải không thành công thì mất cái yêu thương ấy đi. Cái phẩm chất của bạn, nó không lệ thuộc vào thành công bên ngoài. Nhưng nếu mình là bố mẹ, không cẩn thận mình dạy con là gì: “Phẩm chất của con, giá trị của con lệ thuộc vào thành công bên ngoài”. Đấy! “Nếu con làm không tốt thì mẹ sẽ coi thường con”, đúng chưa?

Đấy là cách dạy con, đấy là cái mà, ngoài ba cái vừa xong, cũng là điều đáng chú ý. Nghĩa là mình hãy cho nó cảm giác rằng là gì? Phẩm chất của nó không lệ thuộc vào việc nó bên ngoài như thế nào. Giá trị của đứa bé không phụ thuộc vào nó thành công hay thất bại bên ngoài. Mẹ nó, hay bố mẹ nó yêu thương nó vô điều kiện rồi. Nếu làm thế được nó là một đứa bé rất tự tin, không thiếu thốn tình cảm.

Chính ở đây, chắc chắn có nhiều người đã bị thiếu thốn tình thương sẵn rồi. Vì các bạn được bố mẹ dạy theo kiểu là: “Nếu con không làm được cái này cái kia, bố mẹ không yêu con nữa!”. Mình nói thẳng câu đấy luôn với cả con mình.

Đừng bao giờ nói câu làm nó đau lòng như thế. “Nếu con không làm cái kia hay cái này, mẹ không yêu con nữa!”.

Có phải mình nói là: “Con là đứa trẻ tệ nhất quả đất, tất cả giá trị của con phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, con chẳng đáng được yêu thương gì hết! Bố mẹ cũng chẳng yêu con, bố mẹ chỉ yêu cái bên ngoài thôi!”. Làm sao mình có một đứa con tốt được, nếu nó lớn như thế?

Nếu mình lỡ dạy như thế rồi thì dạy lại, không vấn đề gì hết. Vẫn dạy, vì nó là con mình dù sao mình vẫn dạy được. Trong hoàn cảnh mình sống mình đổi cách nói chuyện đi, mình không nói là: “Bố mẹ không yêu con mà chỉ yêu cái thành công bên ngoài của con thôi”, “Con có là cái gì đi nữa thì tình yêu bố mẹ dành cho con vô điều kiện. Giá trị của con không nằm ở bên ngoài”. Làm như vậy đứa bé rất tự tin. Đấy là một loại trí tuệ.

Nói thêm để mọi người hiểu thêm. Ở nhà của thầy có cậu con trai lúc nãy kể câu chuyện, mẹ nó rất hay mắng nó, thế là ở lớp nó rất nhút nhát. Mẹ mắng con ở nhà, nhưng ở lớp lại nhút nhát. Vì nó cảm thấy nó là đứa bé không xứng đáng, không đủ phẩm chất.

Thế là thầy bảo: “Không, đừng làm thế, đừng bao giờ làm điều đấy với con. Ngược lại, kể cả nó chưa ngoan hay nó chưa tự giác, hãy khen nó trước đi đã. Hãy khen nó là: nó là đứa bé ngoan và tự giác”.

Khi mình bảo nó là đứa bé hư, thiếu tự giác nó sẽ tin rằng mẹ nó nói đúng chứ! Hay là mẹ nói sai? Mẹ cơ mà, phải đúng chứ! Nó tin rằng nó là đứa bé hư và thiếu tự giác. Đừng bao giờ nói những câu là: “Con hư thế, con thiếu tự giác thế!”.

Hãy nói thế này này: “Con là đứa bé ngoan và rất tự giác. Cái việc này chưa đúng chứ không phải con thế là hư”, đừng nói: “Con hư!”, con chẳng bao giờ hư cả. “Cái việc này sai, việc này con làm là sai chứ không phải con là đứa bé hư. Việc này con làm là chưa tự giác chứ không phải con là đứa bé thiếu tự giác. Con luôn luôn là một đứa bé ngoan và tự giác”. Thế là nó làm theo.

Thì rất bất ngờ, mấy tháng sau nhận được sổ liên lạc của trường viết về: “Nadhi thuyết trình giỏi nhất lớp”. Ngày xưa nó không bao giờ dám đứng lên nói cái gì ở lớp. Cô giáo ngạc nhiên phê là không biết vì sao, rất mạnh dạn và thuyết trình giỏi nhất lớp luôn. Mà bố mẹ không hề dạy nó thuyết trình cái gì cả, chỉ đổi cách nói chuyện với nó thôi. Khen nó ngoan này, giỏi này, suốt ngày thầy nói: “Con giỏi lắm!” – Đấy! Mình nói đứa bé là cái gì, nó tin nó là đứa đấy mà! Bảo nó là bé hư, thì nó sẽ tin là nó hư, làm sao ở lớp dám giơ tay nữa? Bảo nó là đứa bé ngoan, đứa bé giỏi, chỉ ba tháng sau, hoàn toàn thay đổi. Sổ học bạ cô giáo gửi về, bắt đầu nhất lớp môn này, nhất lớp môn kia mà bố mẹ không hề dạy cho một tí toán hay tí gì hết, chẳng dạy cái gì cả, chỉ đơn giản đổi cách nói chuyện. Mẹ nó đổi hết.

Đấy là điều bố mẹ nên dạy con. Bố mẹ không nên tạo cho con cái ấn tượng là nó một người chẳng ra gì. Để làm gì? Hại cả nó, cả mình. Bố mẹ nên cho nó biết là gì? Đánh thức con người có nhiều phẩm tính bên trong nó. Khi mình nói là: “Con là một đứa bé ngoan, tự giác”, không nhất thiết nó đã ngoan, tự giác sẵn, nhưng mình đánh thức cái tiềm năng ngoan, tự giác bên trong nó. Vì ai chẳng có tiềm năng ngoan và tự giác, đồng ý không? Đúng chưa? Bất kỳ đứa bé nào cũng có tiềm năng ngoan và tự giác hay là phải đứa bé đặc biệt mới có tiềm năng đấy? Đứa bé nào cũng có tiềm năng ngoan và tự giác. Vì nó như vậy, mình đánh thức cái tiềm năng bên trong nó.

Một bạn: Mình khen nó.

Thầy Trong Suốt: Khen, khi mình khen ấy, nó tự đánh thức cái con người bên trong nó. Bố mẹ là những người rất tin nó. Khi bố nói thế, mẹ nói thế, nó tin là, ừ, nó có con người như thế thật. Và nó sẽ đánh bại cái sự tự ti. Sự tự ti cho rằng mình không ra gì trước đây của nó. Đấy một là ví dụ thay đổi rõ ràng luôn. Nên là mình hãy nói với nó lời yêu thương, hãy sống bằng thái độ yêu thương ít điều kiện nhất có thể. Nếu mình chưa vô điều kiện được thì phải ít điều kiện. Đấy, càng ít điều kiện càng tốt. Tốt nhất là yêu thương vô điều kiện, còn nếu không ít điều kiện thôi.

Nếu nó hư thì đừng bảo nó hư, bảo nó cái điều này sai. Đừng bảo con là đứa bé hư. Nó chưa tự giác thì đừng bảo: “Con là người chưa tự giác”, mặc dù nó chưa tự giác. Đừng làm cho nó cảm giác rằng nó bị coi thường. Chính bố mẹ nó coi thường, thì đương nhiên là nó chẳng ra gì, nó sẽ nghĩ thế. “Đến người thân của tôi còn chẳng coi tôi chẳng ra gì”, đúng không? “Thì xã hội chẳng coi tôi ra gì là đúng rồi!”

“Nhưng nếu người thân của tôi cho rằng là tôi rất ngoan và tự giác thì kể cả người ngoài nói cũng chẳng quan trọng”. Người ngoài là những người chẳng thân với nó, bạn nó nói, cô nó nói đâu quan trọng đâu! Bố mẹ là người quan trọng nhất. Nhất là tuổi càng nhỏ càng thế. Nếu bạn còn có cơ hội thì cũng nên dạy con như vậy.

Đấy, còn bạn chấp nhận chưa? (Cười)

Một bạn: Chấp nhận ạ.

Thầy Trong Suốt: Con bạn ngoan, tự giác hay là đứa bé lười?

Một bạn: Dạ, nói chung là khi nào khen nó thì nó ngoan lắm, nhưng mà khi em chê nó thì nó lại…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, khi mình chê nó thì nó nghĩ nó là người đấy! Các bạn nghĩ mình là ai, bạn hành xử như vậy, đúng không? Bạn nghĩ mình là người đường hoàng, hành xử đường hoàng. Bạn nghĩ mình là người táy máy, thành người táy máy, ăn trộm ăn cắp. Nên là mình nghĩ mình là ai, mình hành xử như vậy, nữa là một đứa bé. Đứa bé càng như thế luôn. Mình đã từng gây tổn thương nó, vì mình chưa biết cách nhưng bây giờ mình có cách rồi. Mình hãy chữa lành vết thương đó. Đừng có gây tổn thương, mà chữa vết thương đó đi. Mà sẽ chữa được vì bố mẹ là người gần nhất, nó tin nhất.

4.2 Trí tuệ là số 1, ngoan là số 2

Có mấy video mà thầy đã dạy trẻ con ở Hà Nội đấy. Bạn nào quan tâm có thể đăng ký để xem video đấy về sẽ dạy con về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện thế nào. Vì cái khuôn khổ buổi này quá ngắn, không thể dạy hết được. Nhưng xem video xong thì các bạn sẽ học được cách dạy con, chủ yếu là dạy bằng thưởng. Đấy, nếu mọi người xem sẽ thấy là khen và thưởng là chính.

Thầy bảo: “Con mà không viết được năm câu chuyện về nhân quả, mai bị phạt”. Thì ngày mai khi nó viết được ba chuyện, mình thưởng nó ba chuyện. Cách dạy con là như vậy, một phương pháp để dạy trẻ con dễ bảo. Nhưng quan trọng nhất, thay vì mình ép, ép, ép thì mình hãy đừng bắt nó học bằng nỗi sợ, hãy dồn niềm vui vào việc học. Tất cả các đứa bé đều mong đợi đến ngày đấy, một tháng học một lần thôi mà. Tất cả các bé trong nhóm này đều đợi đến ngày đấy để được đi học một buổi đấy thôi. Học về những cái rất khô khan: nhân quả, vô thường, bất toại nguyện – mà nó chỉ đợi đến ngày đấy để đi học. Để thấy là cái đấy không hề khó, biết cách dạy là sẽ dạy được.

Còn dạy như thế nào, các bạn phải xem là cách thưởng nó thế nào, cách kể truyện nó nghe như thế nào để mình lồng nhân quả vào câu chuyện. Kể truyện Tấm Cám như thế nào cho nó có nhân quả, có vô thường, bất toại nguyện ở trong. Bởi vì cuộc đời này chuyện gì chẳng có nhân quả, vô thường, bất toại nguyện đúng không ạ? Truyện cổ tích nào chẳng có nhân quả! Truyện cổ tích nào chẳng có vô thường! Truyện cổ tích nào chẳng có bất toại nguyện! Nên mình cứ đem chuyện kể cho nó thôi!

Như ngày xưa mình kể không, mình không chỉ cho nó bài học ở trong. Bây giờ mình không kể truyện kiểu đấy, bây giờ mình cho nó thấy bài học ở đấy: “À đây là nhân quả con ạ”, đấy, “Cám định chặt cây giết chị đúng không? Thì sau này bị đuổi khỏi cung” chẳng hạn. Thôi mình đừng kể cái đoạn bị nước sôi đi, cái đấy ghê quá. Trong truyện của thầy không có đoạn đấy, bỏ luôn. Nhưng mà đấy, thấy nhân quả chưa? Thấy chưa? Hay là vô thường chưa? Tấm đang rất vui vẻ với Hoàng Tử, tự nhiên chặt cây rơi xuống thế là biến thành con chim vàng anh. Tức là mình kể cho nó nhân quả, vô thường, bất toại nguyện bằng truyện cổ tích.

Mà bởi vì truyện cổ tích nào cũng có. Vì đó là cái chân lý mà ngàn đời không thay đổi. Lấy bất kỳ truyện gì kể không phải cổ tích, kể cả khi nó kể chuyện ở lớp cho mình nghe ấy: “Bạn này đánh con, bạn kia đánh con ấy”, mình hoàn toàn có thể đem được nhân quả, vô thường, bất toại nguyện vào trong câu chuyện đấy. Đấy là những quý báu của chân lý, nó đúng trong mọi chỗ luôn.

“Bạn này đánh con, thế con đã gieo nhân gì để bạn đánh con?” – hỏi câu đấy!

Chứ còn: “Con để yên, mai mẹ đến lớp mắng cho nó một trận, mẹ sẽ gọi cô giáo lên quạt cho một trận, để con tôi bị đánh thế này!”Không! “Con đã gieo cái nhân gì?”. Thứ hai là: “Đấy, có thấy không? Bất toại nguyện chưa, vô thường chưa? Hôm qua chơi với nhau vui vẻ, hôm nay đánh nhau rồi”. Nhưng mà có nghĩa là gì? Nếu hôm qua vui vẻ, hôm nay đánh nhau thì ngày mai lại vui vẻ được, vô thường mà. Đấy, mình lồng ghép cái đấy vào trong câu chuyện dạy con. Vì ba cái đấy là cái rất căn bản.

Đây, bạn Sara này, cũng là Nhi đồng Trong Suốt đấy, con 8 tuổi? (Hỏi Sara)

Bé Sara: Vâng ạ.

Thầy Trong Suốt: Theo con cuộc đời này vô thường hay là thường?

Bé Sara: Vô thường ạ.

Thầy Trong Suốt: Đấy, thấy chưa? (Mọi người cười) Cuộc đời này là toại nguyện hay bất toại nguyện?

Bé Sara: Bất toại nguyện.

Thầy Trong Suốt: Bất toại nguyện, thấy chưa? Theo con mọi thứ xảy ra do nhân quả hay tự nhiên nó thế?

Bé Sara: Do nhân quả ạ.

Thầy Trong Suốt: Do nhân quả. Dễ lắm. Đúng không? Đồng ý không? Gần đây con có chuyện gì bất toại nguyện không?

Bé Sara: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Kể cho Sư phụ nghe xem nào.

Bé Sara: Con muốn mua phao, nhưng mẹ không mua phao đấy.

Thầy Trong Suốt: Con muốn mua phao, nhưng mẹ không mua phao nữa. (Mọi người cười) Đấy! Gần đây có chuyện gì liên quan đến vô thường không?

(Bé Sara suy nghĩ)

Kể, con có thể kể.

(Có người đưa micro cho bé Sara)

Không cần đâu, không cần micro. Đưa micro nó sẽ ngại. Có chuyện gì liên quan đến nhân quả gần đây không?

Bé Sara: Con đánh anh, nên bây giờ anh ấy đánh lại con.

Thầy Trong Suốt: Con đánh anh. Bây giờ anh đánh lại con. Đấy! Hoan hô Sara! (Mọi người vỗ tay)

Thế thôi, các bạn chỉ về nhà hỏi con mình, rất dễ. Quá nhiều chuyện để nói về cái đấy. Hôm nay có gì bất toại nguyện không? Kể ra ngay. Có nhân quả gì không? “Con vừa đánh anh xong, anh đánh lại”.

Hồng Nhung: Con vẫn nhớ bài thơ “Không làm các điều ác”.

Thầy Trong Suốt: À, đọc bài thơ Sư phụ nghe nào. Ừ, đọc đi. Con cầm mic đọc hẳn hoi. Đọc bài thơ, đọc xong sẽ được thưởng hai cờ.

Bé Sara: Không làm các điều ác

 Làm tất cả điều lành

Sửa chữa tâm ý mình

Là lời Chư Phật dạy.

(Mọi người hoan hô)

Thầy Trong Suốt: Hoan hô, giỏi chưa? Đấy, mình dạy nó thơ. “Không làm các điều ác”. Trẻ con nó học cái đấy rất nhanh. “Làm tất cả điều lành – Sửa chữa tâm ý mình – Là lời Chư Phật dạy”.

Mình giảng nó ác là làm người khác khổ, lành là làm người khác vui, ví dụ giúp người khác, v.v… Nên nó sẽ đi làm điều lành và tránh điều ác. Thật ra trẻ con siêu dễ dạy, vì là tờ giấy trắng viết gì cũng được. Mà dạy nó cái đúng nó nhớ ngay và nó rất trong sáng. Nên là, ví dụ hỏi: “Có làm điều ác gì không?”, nó nhớ, nó sẽ kể. Người lớn là sợ kể điều ác ra đúng không? Không, trẻ con kể hết. Cái mình cần ở nó là trí tuệ, chứ mình không cần nó ngoan mà không có trí tuệ, mấu chốt nằm ở đấy.

Nếu mình hỏi điều ác mà nó không dám nói, chứng tỏ nó rất là sợ mình. Khi nó sợ mình rồi thì dần dần nó sẽ chỉ là bé “ngoan”, trong ngoặc kép thôi. Cái mình cần nhất… trí tuệ hơn cả ngoan.

Trí tuệ là số một, ngoan là số hai. Có trí tuệ nó sẽ ngoan. Khi nó ngoan mà không có trí tuệ sẽ hư. Đầy người hồi bé rất ngoan, lớn lên có ngoan đâu, đúng không ạ? Ngoan nhưng mà không có trí tuệ dần dần sẽ hư. Nên khi mình đối xử với trẻ con ấy, mình phải ưu tiên trí tuệ hơn là ngoan.

Ví dụ mình hỏi nó là: “Gần đây con làm điều ác gì không?”. Nếu nó kể ra, mình không mắng nó. Cứ kể xong là mình mắng nó luôn thì còn gì là… Chỉ là dám ngoan thôi không có trí tuệ nữa. Mình khen: “Đúng rồi, giật được giải!”. Đấy, nếu bạn xem video ấy, con kể chuyện đẩy vẫn được thưởng như thường. Vì sao? Mình đang khen trí tuệ của nó, còn ngoan lúc khác xét. Bây giờ là lúc xét trí tuệ, chứ còn đừng thấy nó vừa kể một chuyện xấu là mình: “Không được, không được làm thế!”. Thì lần sau nó có dám kể chuyện làm sai của nó cho mình nghe không? Không bao giờ nó kể nữa. Vẫn thưởng khi kể, để nó dám kể chuyện đấy.

Bố mẹ phải rất là kiên nhẫn. Bố mẹ mà chỉ muốn một đứa con ngoan không ấy, là dần dần sẽ chỉ có một đứa con ngoan mà không trí tuệ. Nên các bạn hãy đặt một tiêu chuẩn mới, nếu mà nghe bài này xong rồi. Con của mình tiêu chuẩn đầu tiên là trí tuệ. Không phải trí khôn nhé, trí tuệ. Xong thứ hai mới là ngoan, rồi trí khôn, các loại… là số hai hết!

Còn nếu không, tiêu chuẩn cũ của các bạn là gì? Đầu tiên phải ngoan, bố mẹ đầu tiên dạy con đầu tiên phải ngoan đúng không? Sau đấy là phải… ví dụ như là, phải có trí khôn, khôn ngoan ấy. Không cần! Tiêu chuẩn mới của bố mẹ kiểu mới, đầu tiên là trí tuệ, phải hiểu rõ về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Sau đấy mới bàn đến chuyện là trí khôn, hay là có ngoan hay không ngoan. Là xong cơ bản. Thế đấy mới là cách dạy đúng.

Mình ưu tiên trí tuệ, nên đứa bé nó sẽ sống bằng trí tuệ, chứ nó không sống bằng loại khôn ngoan giả tạo. Mình ưu tiên khôn ngoan giả tạo thì đứa bé sẽ sống bằng khôn ngoan giả tạo, không sống bằng trí tuệ, vậy lớn lên xem đứa bé thế nào? Cái trí tuệ là cái mà đứa bé nó tự thấy đúng và làm theo, còn cái khôn ngoan giả tạo chỉ là làm hài lòng người khác thôi. Nếu mình dạy nó bằng trí tuệ, thì lớn lên nó làm theo cái điều đúng, điều nó cho là đúng bên trong. Dạy nó một cách khôn ngoan, một cách giả tạo, lớn lên nó sẽ làm điều ấy một cách giả tạo, khôn ngoan bên ngoài, nhiều khi nó đè át cả trí tuệ bên trong luôn.

Thế nên là mình dạy đứa bé, mình phải đưa tiêu chuẩn là trí tuệ đặt lên trên. Mình phải cho con mình hiểu rằng là: kể cả con sai mà con biết sửa vẫn hơn là con không bao giờ sai. Con sai, con dùng trí tuệ nhận ra rằng là: “À, đây là cái nhân xấu, ngày mai mình gieo nhân tốt để thay thế, giải quyết cái nhân xấu” thì tốt hơn là con không bao giờ làm điều sai. Thế là mình ưu tiên trí tuệ hơn, mà muốn con mình ưu tiên trí tuệ thì mình phải làm gì? Mình phải làm gì với chính mình ạ? Mình cũng phải ưu tiên trí tuệ hơn! Chẳng có cách nào khác cả. Mình không thể dạy người ta một điều, nguyên tắc căn bản đấy, điều rất căn bản là mình không thể dạy ai được một điều mình không làm nổi.

Nếu các bạn muốn dạy con mình là trí tuệ hơn, trên hết, thì bạn cũng cần ưu tiên nhân quả, vô thường, bất toại nguyện hơn là những cái làm ăn kiếm sống khác. Còn nếu không, bạn làm ăn kiếm sống là trên hết, thì bạn không thể dạy con mình là trí tuệ trên hết được, bạn dạy nó trí khôn là trên hết.

Đấy! Nên trông thế thôi chứ quá trình dạy con lại chính là quá trình học của bố mẹ. Cái kinh nghiệm dạy con là kinh nghiệm học của bố mẹ. Rõ ràng là vợ của thầy thay đổi rất nhiều khi dạy hai đứa bé. Chính người mẹ là người thay đổi. Để dạy được con người mẹ học cái mới, và thành con người mới.

Đấy! Người mẹ nào, người bố nào mà chấp nhận là thay đổi người cũ thành con người mới thì mới dạy con được. Nếu không chỉ áp đặt con thôi! Áp đặt con theo chuẩn của mình thôi, còn chuẩn đấy đúng hay sai mình cũng chẳng quan tâm. Vì bố mẹ mình dạy mình thế nên mình dạy con mình thế. Ngược lại, mình chấp nhận rằng mình thay đổi, mình cũng học cái trí tuệ nhân quả, vô thường, bất toại nguyện đấy để mình thay đổi rồi mình dạy con cái mình thay đổi, thì chắc chắn nó sẽ lên một bước, rất nhiều.

Đầu tiên là trí tuệ, dạy con hiểu rõ về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện.

Sau đó mới đến trí khôn, ngoan hay không ngoan.

5. Các cách thực hành

5.1  Tập thường xuyên với cái nhỏ

(Một bạn giơ tay)(Micro không hoạt động nữa)

Thầy Trong Suốt: Vô thường! Míc đang chạy tốt, tự dưng dừng lại.

Một bạn nam: Dạ. Em là Huy ạ. Em có câu hỏi về cách thực hành ba bài học nhân quả, vô thường và bất toại nguyện. Khi một sự cố xảy ra thì cảm xúc đi lên, lý trí đi xuống, lúc đấy chúng ta quên mất ba bài học này và chúng ta bắt đầu lo sợ, hối tiếc và chúng ta hành xử không còn ý chí nữa. Làm thế nào để ý thức được ba cái bài học này xuyên suốt từ hôm nay, ngày mai, sang năm và năm sau nữa ạ?

Thầy Trong Suốt: Rất hay, rất hay! Câu hỏi này quá hay luôn! Rất đúng thực tế. Thực tế là không phải lúc mình nào cũng sáng suốt. Nhưng có một thực tế khác là cái gì làm nhiều lần sẽ quen. Nhiều lần thói quen tự động nên là mình muốn thì mình phải tập nó thành thói quen. Chứ mình không được đợi chuyện to xảy ra tôi mới tập.

Ví dụ như thầy ngày xưa là gì? Vào toa-lét thấy mùi hôi hôi, khó chịu không? Hơi khó chịu, đứng đó tập luôn lúc hơi khó chịu, chứ đừng đợi cả ngày xong mới tập. Hơi hơi khó chịu là mình đã áp dụng nhân quả, vô thường, bất toại nguyện vào rồi. Mình thấy là gì? À, cái khó chịu là do nhân quả, không phải là do lỗi của ai không dọn nhà xí, mà nhân quả thôi! Mình đã gây cái nhân nào đó để mình chịu quả mình khó chịu ngày hôm nay.

Vô thường chưa? Vừa lúc nãy đang thoải mái bây giờ nó lại khó chịu rồi. Đời bất toại nguyện chưa? Có ai muốn bị khó chịu đâu? Vẫn khó chịu, mình phải tập cái đó trong những việc nhỏ hàng ngày, dần dần cái lớn xảy ra mình vẫn tập được. Chứ nếu chỉ tập việc lớn thôi thì đời mình có mấy việc lớn đâu? Việc nhỏ mình không chịu tập thành ra mình không có thói quen. Câu hỏi của bạn Huy rất là hay là gì? Cái các bạn cần làm là tập thường xuyên, việc nhỏ cũng phải tập, khác chi đâu là việc lớn.

Nếu bạn vào trong câu lạc bộ “Unesco Thiền và Yoga Trong Suốt” ấy, thì thầy có một phương pháp gọi là: Sáu bước vô thường. Cứ khi nào gặp khó chịu thì bạn tập sáu bước về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện, dần dần thành thói quen luôn. Gặp chuyện phát là nhớ ngay đến cái đấy. Thế nên cái này nó liên quan đến không phải là hiểu biết mà nó có thực hành. Bạn có thông minh đến mấy mà bạn không thực hành, thì bạn vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả! Nếu bạn muốn thực hành thì vào câu lạc bộ, tập sáu bước. Thế nhưng câu hỏi rất hay, tặng bạn Huy một món quà. (Mọi người vỗ tay).

  Áp dụng nhân quả, vô thường, bất toại nguyện thường xuyên và tập với cái nhỏ hàng ngày để thành thói quen.  

Dần dần khi cái lớn xảy ra mình vẫn tập được. 

5.2 Đổi thái độ – Tập trung vào cái đúng thay vì cái sai 

Thầy Trong Suốt: Tiếp đi ạ, có bạn nào hỏi liên quan đến dạy con không? Mình dạy con tự nhiên mình thấy mình phải học, khi mình dạy con mình thấy mình thiếu mà, tự động mình phải đi học, xong mình sẽ trở nên trí tuệ, không kém gì con. (Cười)

Ai kể một chuyện khó khăn của mình trong dạy con cũng được. Hoặc là mình có thể nói một quan điểm dạy con của mình xem đúng hay sai.

Bạn Nguyên: Dạ thưa Thầy, em là Nguyên ạ. Em có một cháu trai năm nay học lớp tám ạ, nó rất là mê game, ba mẹ cũng có khuyên, có nói nhẹ nói nặng, nó hứa nó sẽ thay đổi, nhưng mà cuối cùng là nó cũng không thay đổi. Vậy Thầy có thể bày cách gì để có thể là cho cháu thay đổi được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Vấn đề là mình cho rằng chơi game là xấu đúng không?

Bạn Nguyên: Dạ, bởi vì có khi là nó lại đam mê quá ấy, rồi nó lại lơ là trong cái việc học hành.

Thầy Trong Suốt: Thế vậy lơ là học là xấu hay chơi game là xấu?

Bạn Nguyên: Dạ, đa số nghĩ là chơi game là xấu ạ!

Thầy Trong Suốt: Sai! Lơ là học mới là xấu. Chứ không phải chơi game là xấu. Mình hiểu sai chỗ thì mình chỉ có tập trung vào chỗ sai, thì làm sao mình sửa được? Không sửa được luôn! Thầy nhớ là hồi bé, thầy rất mê chơi game, siêu mê luôn. Bố mẹ cho bao nhiêu tiền ăn trưa đem ra đâu ạ? Quán nét, quán game, tiêu hết. Nhưng mà thầy vẫn học rất tốt. Tại vì bố mẹ mình làm cho mình hiểu được rằng, việc học hành tử tế là quan trọng. Nên là khi điều ấy xảy ra, thì mình chơi vẫn chơi nhiều, và học vẫn học nhiều. Còn vì bạn chỉ tập trung vào cái sai của đứa bé thôi, thì suốt ngày nhấn vào cái chỗ sai của nó.

Đấy! Đấy là vấn đề. Bạn nhấn vào chỗ sai của nó nhiều, dần dần nó trở thành cái việc là gì? “Con là đứa bé hư” và nó cứ như vậy thôi! “Con là đứa bé mê chơi game” thì nó hành xử như một đứa bé mê chơi game. Chuyển lại: “Con là đứa bé tự giác, con là đứa bé biết cả chơi game lẫn học”.

Đấy, đổi hẳn cách dạy. “Con là đứa bé biết cả chơi game nhiều, vẫn học giỏi, vẫn học tốt, biết học đủ”, đúng không? “Con là đứa bé chơi game giỏi, học đủ, đấy là hình mẫu lý tưởng mẹ muốn con trở thành”.

Chứ không phải là: “Con là một đứa chẳng ra gì, suốt ngày chơi game, bỏ học” thì khác gì mình bảo nó là: “Hãy bỏ học đi, chơi game!”, vì mình bảo nó là con người như vậy mà!

Nên đầu tiên bạn hãy đổi quan điểm về vấn đề của đứa bé. Không phải là chơi game mà là lơ là học hành. Nên đừng chĩa mũi dùi sang game, mà phải chĩa sự chú ý sang học hành đầy đủ rồi chơi game. Đấy, mình dạy nó thành đứa bé học hành đầy đủ rồi chơi game. Nếu bạn làm như vậy, động viên nó, khuyến khích nó làm như vậy thì nó chuyển chú ý của nó sang học đủ đã rồi chơi. Mẹ mình chẳng cấm mình cái gì hết, miễn là mình học hành tử tế, đầy đủ. Đấy, còn nếu bạn làm kiểu kia thì chỉ có ấn sâu vào điều đấy.

Ví dụ thằng cu nhà thầy cũng thế, mê chơi game lắm, nó 5 tuổi mà suốt ngày ôm ipad, ôm máy tính, v.v… Mẹ nó thì bảo: “Con hư thế, mẹ cho con chơi 15 phút, con chơi tận nửa tiếng, v.v…”.

Nói thế khác nào bảo là gì? “Con là một đứa bé hư, con là đứa bé suốt ngày chơi quá giờ mẹ cho”, thì theo bạn sẽ thành đứa bé thế nào? Nó sẽ tin rằng nó là đứa bé hư và chơi quá giờ. Chơi quá giờ, quá giờ… thế này thôi! Cách dạy đấy chỉ làm đứa bé quá giờ hơn thôi, không muốn tử tế, không tử tế lên được.

Thầy thì nói là gì? “Nadhi là một đứa bé ngoan, rất tự giác, cứ hết giờ là đưa máy cho mẹ ngay!”. Mình biết thừa nó chưa làm được, mình tận mắt chứng kiến là mẹ cho 15 phút, nó chơi nửa tiếng. Không vấn đề gì hết. Mình không chú tâm sự chú ý của nó sang cái việc là làm sai mà chuyển chú ý của nó sang làm đúng. Còn làm sai, mình cứ bảo nó không thì nó vẫn sai. Mình không hướng sự chú ý của nó sang làm sai, mà làm thế nào để làm đúng. “Nadhi là đứa bé ngoan, hết giờ đưa cho mẹ”, lần nào cũng thế, hết lần này đến lần khác. Bảo mẹ nó đổi luôn, mẹ đừng bao giờ mắng con là đứa bé hư nữa mà cứ khen là: “Con giỏi thật, tự giác thật, đưa cho mẹ”. Dần dần nó chuyển dần sang đấy.

Bây giờ nó vẫn mê chơi game, chứ không phải nó không mê chơi game nữa, nhưng mà tất cả các việc cần làm nó vẫn làm và nó vẫn có sự tự giác, tự tắt máy đưa cho mẹ. Thế nên là nếu mình tập trung vào cái sai của đứa bé, mình xoáy sâu vào đấy thì nó sẽ sai mãi.

Đấy, vấn đề của đứa trẻ là như vậy đấy. Bạn bảo nó là người thế nào thì nó sẽ thành đúng cái người như thế cho bạn xem. Bạn bảo là hư này, ham chơi game này, nó một cách vô thức, sẽ tin rằng là hư do chơi game và chắc chắn nó sẽ hư do chơi game. Nên hãy chuyển sự chú tâm của nó sang việc là học hành tử tế, học đủ bài, chứ đừng chuyển chú tâm của nó vào chơi game ít hay nhiều. Bởi vì, suy cho cùng vấn đề không phải là game, không phải đâu! Mình cũng bị nhầm mà, mình cứ tưởng vấn đề là game. Thầy chơi game nhưng thầy học vẫn tốt mà, có vấn đề gì đâu!

Nên vấn đề không phải chơi game, vấn đề là gì? Là phải học đủ bài đã, rồi hãy chơi game. Đấy, đừng chểnh mảng học, thế thôi! Chú tâm nó sang đấy và động viên, khuyến khích, phần thưởng. Ví dụ như thầy thưởng là nếu tự giác thì thưởng thêm năm phút nữa. Hôm nào nó tự giác đưa máy cho mẹ thì thưởng năm phút, mười phút nữa. Đấy! Thay vì là phạt, ngày xưa mẹ nó phạt, con chơi quá giờ đúng không? Từ ngày mai không cho chơi nữa. Phải phạt không? Ngày xưa kiểu này là: “Nếu con chơi quá giờ rồi, ngày mai không được chơi nữa”. Thế là phạt, phạt, phạt; tập trung vào sai, sai, sai, sai. Bây giờ ngược lại, không phạt nữa! Nếu con chơi đúng giờ, đưa mẹ tự giác, tự nhiên mẹ thưởng cho năm, mười phút.

Nhưng không phải hôm nào cũng thưởng, hôm nào cũng thưởng nó thành thủ đoạn của nó mất. Mà nếu ba chẳng hạn, ba vui ba thưởng cho con năm, mười phút. Thế nên là nó làm điều đấy vui hơn. Vừa là một sự tự giác vừa là một sự thú vị, xem ba có thưởng không. Đấy! Nó khác hẳn luôn! Nên cách dạy của thông thường, của truyền thống là hướng đứa bé vào chỗ sai lầm. Mình cứ tưởng là mình đang hướng vào chỗ đúng, nhưng mà hướng vào sai. Mình hãy hướng sự quan tâm, chú ý của nó vào cái đúng. Còn nếu bạn hướng sự quan tâm, chú ý của nó vào cái sai, nó chỉ lo đối phó mẹ.

Đấy! Nên việc của bạn là gì? Đổi sự quan tâm chú ý, hãy hướng quan tâm chú ý của nó sang học hành tử tế, thưởng nó cẩn thận tử tế ở chỗ đấy, khen ngợi, động viên, cần thì thưởng nó ở chỗ học hành tử tế. Nó sẽ tự cân bằng lại phần học và phần chơi của nó.

Đấy, thưởng này, cái động viên này, khen ngợi này, tự hướng sự chú tâm của nó vào chỗ tốt. Và phải kiên nhẫn, không phải là hôm nay mình thưởng, ngày mai nó ngoan ngay. Mà mình chỉ cần thấy nó nhích lên một chút thôi, thay đổi một chút thôi là khen nó rồi, động viên nó rồi. Đấy, ví dụ như nói một đứa bé vừa tự giác, là hôm nay sẽ phải khen ầm ầm, đi khoe khắp mọi người rồi, khoe bà, khoe bố: “Nó tự giác lắm, con đưa máy cho mẹ”. Để cho nó cảm thấy là gì? Làm một hành động sai chẳng ai quan tâm cả, làm một hành động đúng tất cả nhà quan tâm và khen ngợi thì cái niềm vui của nó hướng sang chỗ đúng. 

5.3  Nguyên tắc “10 lần khen – 1 lần chê”

Thầy Trong Suốt: Nói thế thôi, chứ đứa bé không đúng ý của nó, nó khóc ấy mà, khóc một lúc rồi chán, mệt. Vì nó không có niềm vui, nó lại chơi trò ấy thôi! Mình hướng niềm vui đấy sang cái đúng. Còn tất nhiên nếu nó quá rồi ấy, thì mình vẫn phải phạt nó thôi, tắt máy, vẫn phải kiểm soát nó. Nhưng cái đấy phải nhớ là số hai. Vì nếu con bạn đi quá xa mất rồi, thì vẫn phải làm cái việc đấy, nhưng mình luôn nhớ là số hai. Mà số một vẫn là phải khen ngợi, động viên, hướng vào điều đúng, thưởng. Đấy!

Con thầy không phải lúc nào mình cũng động viên đâu! Khi mà nó quá, mình có thể tỏ thái độ là “thế này không được”, nhưng phạt ít thôi. Mười lần khen thì một lần chê thôi! Đấy, nguyên tắc đấy “mười lần khen thì một lần chê”. Nếu mình chê nó một lần rồi, thì tìm cách mười lần khác… khen nó ở chỗ đúng ấy! Đừng khen chỗ sai. Mười lần khen, một lần chê để cho nó hướng tâm của nó sang chỗ khen, làm điều được khen. Và kiên nhẫn đến cùng.

Mình không kiên nhẫn thì mình đang làm nửa đường lại bảo: “Ôi làm thế này hiệu quả gì đâu, chẳng hiệu quả gì hết!”, thôi, quay lại chế độ chê bai. Thế là thôi, hỏng rồi! Phải kiên nhẫn đến cùng. Hơi thấy nó nhích lên một chút là phải vui rồi, phải khoe, phải khen ngợi, phải đủ thứ rồi. Bạn hôm nào làm thử đi. Kiên nhẫn!

Tặng quà bạn vừa xong đi.

(Một bạn giơ tay)

Một bạn: Dạ, cũng có người ngồi bên cạnh em, cũng có cho ý kiến nhưng mà không được nhận quà, có thể là do nhân quả.

(Mọi người cười lớn)

Thầy Trong Suốt: À được! Được, tặng luôn, tặng luôn. (Cười) Được! Chuẩn đấy! Học quá nhanh luôn. Nên là con bạn sẽ thay đổi nhanh đấy. Rồi, cám ơn em!

5.4  Kỷ luật từ bên ngoài và kỷ luật từ bên trong

Bạn Oanh: Em thấy những đứa trẻ ở Việt Nam gặp khó khăn là có sự mâu thuẫn giữa giáo dục gia đình với xã hội. Ví dụ như cháu của em mới 8 tuổi thì nó được dạy là khi ra ngoài đường phải tuân thủ đèn giao thông. Nhưng mà nó thấy người lớn rất không tuân thủ. Hoặc không được vứt rác nơi công cộng, nhưng mà người lớn vẫn vứt rác rất nhiều. Thì câu hỏi của em là, khi mà một đứa bé nói có những mâu thuẫn như vậy ấy, thì ba mẹ sẽ nên giải thích như thế nào?

Thầy Trong Suốt: Bạn Oanh hỏi câu rất hay! Phổ biến luôn! Gia đình dạy một kiểu, cô giáo dạy một kiểu khác, sau này xã hội lại gì…? Lại kiểu khác nữa! Đấy chính là lí do mà bạn phải dạy cho nó cái xương sống ngày hôm nay. Cái ngày hôm nay chính là xương sống. Cái ngày hôm nay là cái đúng nhất trong các kiểu dạy, vì nó là luật muôn đời. Không phụ thuộc vào thời gian và không gian.

Ví dụ bạn sẽ nói với nó là thế này: “Nếu con ra đường, con xem người ta, có người phạm luật, người không. Những người phạm luật, thì gieo nhân xấu hay tốt?”. Nó bảo là xấu. “Cái nhân xấu đấy thế nào cũng quả xấu”, hoặc: “Con hãy nói cho mẹ biết một ví dụ là thế nào là quả xấu?”. Nó sẽ nói là: “Có thể là hôm nào đó sẽ bị ngã xe, hoặc bị xe đâm vào”. Thế là xong rồi, thành công! Mình dùng những nguyên tắc to nhất, để dạy nó, thì những cái khác nằm ở dưới nguyên tắc này hết.

Đấy! Đấy là lí do bạn càng phải nắm cái ngày hôm nay để dạy con. Vì nó là nhân quả thôi! “Đúng là có người vượt đèn giao thông thật, nhưng mà theo con, nhân quả có xảy ra với họ không? Đương nhiên là phải có chứ! Và con nghĩ xem là nhân quả gì? Nếu nhân là vượt đèn đỏ thì quả là gì?”. Nó tự nói ngay ấy mà! Bị đâm xe, bị ngã xe, đủ thứ. Áp dụng vào mọi chuyện ngay.

Đúng chưa? Như vậy là mình có một nguyên tắc cao và xuyên suốt thì tất cả những nguyên tắc sai lầm khác, hoặc kể cả sai lầm mà khoa học cho là đúng, đều được nhìn dưới con mắt đấy và đứa bé sẽ đi theo hướng đúng, nguyên tắc cao nhất đấy.

Nghĩa là cái mâu thuẫn được giải quyết, bằng một thứ mà vượt lên khỏi mâu thuẫn. Lúc nào cũng đúng mà! Cái lúc nào cũng đúng vượt khỏi mâu thuẫn. Đấy, dùng cái đấy để dạy con là xong. Càng tốt, càng ngấm hơn về nhân quả. Và đứa bé lớn lên, nó sẽ có nguyên tắc sống của nó, nhưng nếu nguyên tắc đấy dựa trên nhân quả, vô thường, bất toại nguyện thì nó không bao giờ sợ sai cả.

Ví dụ nó sẽ không đi ăn trộm. Bạn nó rủ ăn trộm, nó bảo: “Không!”, “Cả lớp mình ăn trộm sao cậu không ăn trộm?”. “Vì tớ hiểu nhân quả. Tớ biết là ăn trộm xong sẽ gặp quả gì”. Còn ngày xưa có ai dạy nó là ăn trộm xong quả gì đâu! Nhất là đứa bé không được dạy, lớn lên nó bán tín bán nghi, có người ăn trộm không vào tù, người vào tù, suy ra nó bảo: “Thôi thế chẳng sao! May thì mình không vào tù”.

Không! Phải dạy nhân quả. Kể cả người ta không vào tù, thì quả là gì? Mà bạn hãy hỏi, đừng bắt nó tin. Hỏi cho nó nghĩ, nó sẽ nghĩ ra được. Nó sẽ ăn sâu vào tâm trí nó thôi! Đấy thì như vậy tất cả mọi mâu thuẫn bạn đang gặp, đứa bé đang gặp, giải quyết hết, bằng nguyên tắc nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Nó rất sáng tạo và sẽ nghĩ ra. Có hiểu ý không?

Rồi! Câu hỏi rất hay, hoan hô Oanh.

(Mọi người vỗ tay)

Rất đúng luôn, đúng xã hội kiểu đấy thật! Cô một kiểu, bố mẹ một kiểu rồi lại nhà trường, rồi xã hội mỗi người một kiểu. Nhưng kiểu nào thì kiểu, không thoát được khỏi nhân quả, không thoát được khỏi vô thường, bất toại nguyện. Cô giáo dạy trái, mình dạy nó, nó thấy mình đúng ngay! Cứ cho là cô dạy sai đi, thì về mình hỏi nó, thì nó lại thấy là mình đúng, bởi vì đúng nguyên tắc của sự thật.

Cô dạy là: “Nếu các em cố gắng, kiểu gì cũng thành công!”. Đúng không?

Mình bảo là: “Theo con có đúng thế không? Nếu đúng như vậy trái với cả vô thường, bất toại nguyện rồi”. Đấy, cách dạy là như vậy.

Con người có hai kiểu: một kiểu người là kỷ luật từ bên ngoài, và một kiểu người là kỷ luật từ bên trong. Thì những người mà thành đạt hay thành công thường là những người kỷ luật từ bên trong, còn những người không thành công hay thất bại, là những người kỷ luật từ bên ngoài.

Kỷ luật từ bên ngoài, hoàn cảnh nó mất một cái, mất đi tính kỷ luật ngay. Còn kỷ luật từ bên trong thì không quan trọng hoàn cảnh. Mình hãy dạy cho con mình thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong. Việt Nam gọi là tự giác ấy. Có kỷ luật từ bên trong, mà kỷ luật từ bên trong đến từ hiểu biết, trí tuệ, chứ không phải đến từ bắt ép được! Kỷ luật từ bên ngoài đến từ bắt ép. Cứ bắt nhiều, ép nhiều, nó sẽ trở thành một đứa bé có kỷ luật từ bên ngoài.

Nhưng nếu mình dạy cho nó trí tuệ, trí tuệ, trí tuệ, dần dần nó thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong. Đấy mới là đứa bé có thể hạnh phúc được. Còn các em ở đây đầy kỷ luật bên ngoài, nhưng có hạnh phúc đâu! Đúng không? Mình không hạnh phúc được vì kỷ luật bên ngoài mà. Hoàn cảnh đổi một cái, hoặc là không ai biết là mình phá luật ngay. Còn kỷ luật bên trong thì không.

Ví dụ như không bao giờ giết, sát sinh chẳng hạn. Có hai loại là bên trong, bên ngoài. Dạy đứa bé là: “Đừng có giết kiến, nếu con giết kiến thì mẹ đánh con”, đấy là kỷ luật bên ngoài. Hôm nào mẹ không đánh một cái thì sao? Giết ngay! “Nếu con giết kiến, thì sẽ có người khác đến giết con, làm con đau như con kiến bị giết” – đấy là nhân quả”. Nó tự hiểu và nó không bao giờ giết nữa. Kỷ luật bên trong đấy! “Mẹ chẳng đánh con đâu, nhưng mà mẹ không đánh con, sẽ có người khác đến làm con đau như con đã làm chết con kiến”. “Có người làm con đau và giết con luôn!” – Ví dụ như thế. Tự nó lớn lên tự chẳng muốn giết kiến làm gì. Đấy là kỷ luật bên trong. Bên trong là do trí tuệ mới có. Còn bên ngoài là do hoàn cảnh ép làm. Bên ngoài một tí là mất ngay, bên trong sẽ còn mãi.

Ba nguyên tắc này áp dụng vào mọi trường lớp đều được. Bạn có mở trường mẫu giáo, hay là bất kì cái gì thì nó vẫn là nguyên tắc căn bản, đều đưa vào được hết! Hay nó không lệch với bất kỳ nền giáo dục nào hết. Đấy, nó hay ở chỗ đấy! Cái gì là sự thật, nó không lệch đi đâu hết, nó chẳng trái cái gì. Nên bạn đưa vào bất kỳ loại giáo dục nào cũng ra. Dạy ở nhà cũng được, giáo dục ở trường cũng được, mẫu giáo cũng được mà cho người lớn cũng được, trẻ con cũng được, đúng khắp nơi luôn.

Nhưng mà cái hay là gì? Khi bố mẹ dạy con điều đúng ấy, thì cái lòng tin vào bố mẹ sẽ tăng lên, cái đấy rất là quan trọng. Nếu bố mẹ dạy con những điều sai thì mất lòng tin dần dần. Nên khi mình dạy nó điều đúng, cái lòng tin của nó vào bố mẹ sẽ tăng lên. Nó áp dụng ở đâu cũng thấy những điều bố mẹ dạy, thì nó nghĩ là bố mẹ chuẩn. Còn bố mẹ dạy lúc áp dụng đúng, lúc áp dụng sai, nó mất lòng tin. Nên khi bạn dạy điều đúng, thì chính cái mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái nó trở nên sâu sắc hơn. Nó dựa trên sự thật, không dựa trên quyền lực. Đấy, còn nếu không biết, cái mối quan hệ dựa trên quyền lực. “Bố mẹ bắt, thì tôi phải làm, tôi sợ bị phạt lắm” không phải là trí tuệ. Khi mình dạy theo cách này thì mình sẽ thay đổi cả bản chất mối quan hệ luôn. Bản chất mối quan hệ bố mẹ con cái, trở thành là trí tuệ.

Như câu chuyện ban đầu, lúc mà bạn An Thủy trả lời mẹ ấy, mọi người còn nhớ không ạ? Mẹ làm mất cái thẻ 500.000 ấy, thì bản chất mối quan hệ ấy là trí tuệ hay là mẹ con?

Một số bạn: Trí tuệ.

Thầy Trong Suốt: Rõ ràng không có mẹ con nào! Chẳng có cảm giác mẹ con. Cảm giác như là “bà ngoại” với mẹ đúng không? Đấy! Mối quan hệ mẹ con nó chuyển hóa thành mối quan hệ trí tuệ. Ai đúng thì người đấy đáng được nghe! Chứ không phải là ai khỏe hơn, ai to hơn, ai có nhiều sức hơn thì người đấy được nghe. Còn nếu không cẩn thận, bạn xây mối quan hệ dựa trên sức mạnh, ai có quyền hơn, ai có sức khỏe hơn, thì được nghe.

Nhưng không, câu chuyện của An Thủy cực kỳ rõ ràng là: “Ai đúng hơn, người ấy được nghe”, thì mối quan hệ thay đổi! Ai gần với cả sự thật hơn, gần với chân lý hơn, thì sẽ được lắng nghe và được làm theo. Nó cải thiện cả mối quan hệ luôn! Mà quan hệ dựa trên sự thật bền vững nhất vì sự thật nó không bị phá vỡ. Còn sức mạnh có sự phá vỡ. Lúc nhỏ thì nó yếu hơn mình nó phải nghe mình, lúc lớn lên nó khỏe bằng mình, chẳng ai nghe ai. Lúc già rồi, mình yếu hơn nó, mình phải nghe nó.

Đấy, mối quan hệ dựa trên sức mạnh là thế đấy. Mình biến mối quan hệ giữa bố mẹ con cái từ quan hệ sức mạnh sang quan hệ trí tuệ. Cái đấy ai đúng hơn thì người đấy phải nghe. Mà vì là nghe thứ đúng nên kết quả là hạnh phúc, tốt. Còn nghe sức mạnh nhiều khi chẳng tốt, sai ầm ầm đúng không? Đấy, có một điều liên quan rất tốt, đấy là gì? Chuyển được mối quan hệ giữa bố mẹ con cái từ mối quan hệ sức mạnh sang mối quan hệ trí tuệ.

5.5  Dạy con theo đuổi cái đúng, chứ không theo đuổi phần thưởng

Một bạn nam: Dạ, em xin hỏi Thầy, làm thế nào nuôi dưỡng tâm hồn thành thật của con trẻ ngay cả khi không có phần thưởng, không có sự lăm le, không có sự giám sát của người lớn ạ?

Thầy Trong Suốt: Phần thưởng chỉ lúc đầu thôi. Phần thưởng không bao giờ nên là động lực. Vì như vậy người ta làm vì cái Tôi của họ, chẳng vì đúng. Nếu mình biến phần thưởng thành động lực, thì đứa bé chỉ làm vì cái Tôi mà thôi. “Tôi được tôi mới làm, tôi không được, tôi không làm”.

Nên phần thưởng chỉ có giá trị lúc ban đầu thôi. Phần thưởng lúc ban đầu tạo ra một nguồn cảm hứng và để khuyến khích nó làm điều đúng. Chứ còn cuối cùng ấy thì nó phải hành động dựa trên cái gì là sự thật, chân lý. Nó phải theo đuổi cái đúng chứ không phải theo đuổi phần thưởng. Nên mình phải dạy con theo đuổi cái đúng. Thế nên nãy mình nói là gì? Trong mối quan hệ thì trí tuệ đặt lên trên: Dạy con theo đuổi cái đúng chứ không dạy con theo đuổi phần thưởng!

Nếu dạy như vậy, đầu tiên có thể phần thưởng thật, nhưng dần dần nó sẽ thấy là đúng thì làm. Và hãy yên tâm, cứ làm như thế nhiều đi, khi đứa bé nhận thức là điều này đúng rồi nó sẽ làm thôi, không cần phải vì phần thưởng gì hết. Lúc đầu phần thưởng rất tốt, rất quan trọng để nó hiểu là: “À, cái này đúng, được khuyến khích”. Còn cuối cùng thì tất cả mọi người đều phải làm cái đúng hết. Nên là câu hỏi của bạn Duy rất hay. Quá hay!

Ví dụ nhà thầy đi, thằng cu Nadhi vừa xong ấy, nó được dạy một môn gọi là: “Đòi cái là thôi luôn”, nghe thấy bao giờ chưa ạ? Nahdi nó đòi cái gì là không được cái đấy luôn! Nếu nó làm một điều tốt, mà nó đòi phần thưởng ấy, thì nó sẽ không được cái phần thưởng ấy luôn! Đấy, nguyên tắc của thầy với cả Nadhi đấy – “Đòi một cái là thôi luôn”.

Làm điều tốt, được quyền kể, nhưng không được quyền gì…? Đòi thưởng con cái này, đòi thưởng con cái kia. Vì chỉ cần mở miệng ra nói đòi một cái là? Ví dụ: “Ba ơi, năm phút”, thôi rồi! “Ba ơi con xin năm phút chơi ipad” đấy, thôi luôn, mất năm phút luôn! Không đòi thì còn có thể có, đòi cái là mất. Cái kia dần dần mình cũng phải dạy nó, để nó làm theo cái đúng, chứ không phải làm để được phần thưởng. Con được quyền kể cho ba nghe thành tích, công trạng nhưng ba có một nguyên tắc là: “Đòi cái là …thôi luôn!”.

Đấy! Thì đấy là cách mình dạy nó đấy. Vì nếu không, dần dần mình thưởng nó nhiều quá nó lại hiểu rằng làm là được thưởng thì hỏng. Và có nhiều hôm nó kể, mình sẽ không thưởng. Có hôm, không phải hôm nào kể mình cũng thưởng, phần lớn là thưởng nhưng không phải lúc nào cũng thưởng. Nhưng bây giờ nó khôn rồi, trình độ cao hơn! Nó kể xong một lúc xong nó bảo là: “đòi một phát là thôi luôn!”. Nó kể đống thành tích của nó: “Ba ơi, đòi cái là thôi luôn!”, xong bỏ đi. Xong rồi có vẻ bỏ đi, thế là mình hiểu. Xem thái độ mà. Như là một lời nhắc đấy! Lời nhắc là: “Ba ơi, đòi cái là thôi luôn”. Mình hiểu ý nó, nhắc khéo, nó không đòi đâu, “đòi cái thôi luôn” nhưng mà, con không đòi đâu nghĩa là gì? (Mọi người cười) Con không đòi thôi, chứ không phải con không muốn.

Đấy, bây giờ kể hết thành tích ra xong rồi: “Ba ơi, đòi cái là…” (Mọi người cười) Nhưng đôi khi cậu cũng quên, cậu vẫn kiểu bị quá khích ấy, thích quá, đòi cái gì đấy, thế là mất luôn, bị mất phần thưởng. (Mọi người cười) Đấy, dần dần nó sẽ quen. Đấy là cách dạy!

Đòi cái là thôi luôn, đấy, nếu mà hay thưởng thì chuyển sang phương án đấy. Vẫn thưởng, nhưng mà không cần phải để nó đòi, tự giác thưởng nó. Và đôi lúc không thưởng, làm điều tốt là đương nhiên thôi! Đứa bé sẽ nhận thức là gì? Làm việc tốt mà đòi phần thưởng là sai. Thì cái nguyên tắc đấy nó áp dụng rồi, nó hiểu làm việc tốt xong mà đòi phần thưởng là sai, không nên. Theo nhân quả thôi, con làm việc tốt thì ba mới thưởng, nhân quả! Không nhất thiết phải đi đòi.

6. Ba loại người

Ngọc Hoa: Theo em mỗi con người, ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời hay trong kiếp người ấy thì cái trí tuệ, trí khôn của mình có một phần hạn hẹp. Nghĩa là cho dù mình thích cái điều này, nhưng ở một thời điểm nào đó, bằng cách nào đó, có thể mình không kiểm soát được cảm xúc của mình và mình cũng sẽ làm sai. Thì Thầy có thể có lời khuyên gì? Ví dụ như là, mình không sáng suốt và mình làm sai thì làm cách nào bình tâm lại? Hoặc là hằng ngày ấy, để cho mình có thể nhẹ lòng. Ví dụ một trong những thứ mà em thường hay làm cho mình là bỏ ra 10 phút một ngày không làm gì hết, để mà giống như là dặn mình, không có xô bồ không có bon chen với những cái việc xấu hàng ngày.

Thầy Trong Suốt: Rất tốt! Rất tốt!

Ngọc Hoa: Cũng điều đó, em cũng làm với con mình luôn. Nhưng mà ngoài cái đó ra, thì ví dụ như mình có rơi vào một cái tình huống nào đó, khúc mắc với người nào đó trong đời, mình có một cái xung đột nhất định. Cho dù mình hiểu hết được điều này, có rất nhiều lúc mình không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Thì việc gì mình nên làm?

Thầy Trong Suốt: Hoa mấy cháu rồi?

Ngọc Hoa: Em mới có một ạ. Cháu 1 tháng ạ. (Cười)

Thầy Trong Suốt: Một tháng ấy hả? Làm sao em dạy cho nó 10 phút một ngày để nó tĩnh tâm được?

Ngọc Hoa: À, giống như hai mẹ con chơi với nhau không có nói, cho nó làm mọi thứ.

Thầy Trong Suốt: À, được, được. Rất tốt! Trẻ con học bắt chước.

Ngọc Hoa: Mình cũng điên điên khùng khùng một chút, cho nó điên giống mình (cười).

Thầy Trong Suốt: Cũng được. (Cười)

Bạn Hoa hỏi một câu hỏi rất hay đấy là: “Khi cảm xúc mình lên ấy, mình biết hết mọi thứ rồi, nhưng mà khi cảm xúc mình lên, gặp một tình huống mới, là mình quên hết”.

Ngọc Hoa: Dạ, vì em nghĩ có hai loại người: một loại người theo lý trí, một loại người theo cảm xúc. Nhưng mà ở bất kỳ thái cực nào mình nên giữ nó ở mức cân bằng. Với người có quá nhiều cảm xúc thì họ cần lý trí để cân bằng lại, có người có quá nhiều lý trí thì họ cần cảm xúc để đời nó vui hơn. Nhưng mà đâu là cái thực hành để mình có cái sự cân bằng ấy trong cuộc đời của mình?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Rất tốt. Cảm xúc mạnh nhất của bạn là cảm xúc gì?

Ngọc Hoa: Dạ, em nghĩ em là người theo cảm xúc. Nhưng mà nhiều khi em giống như là, em vui thì em rất là vui, buồn thì em rất là buồn, nóng giận thì rất là nóng giận. Cho nên nhiều khi gặp tình huống nào đó, mình thấy mình vui quá mình không để ý mấy người đang buồn. Hoặc là mình nóng giận mấy cái người đó hành xử dở quá thế là không kiềm chế được. Như bản thân em thì em bỏ ra chỗ khác thôi. Hoặc là mỗi ngày dành mười phút để không làm gì hết, để gọi sống với hiện tại đó.

Nhưng mà em vẫn muốn biết thêm có phương pháp nào, thực hành nào khác không?

Thầy Trong Suốt: Rồi. Rất tốt, rất tốt. Khi mình có tính hay nóng giận, liệu mình có muốn thay đổi hay không? Có! Đúng không?

Ngọc Hoa: Em hiểu chữ vô thường đó, và em hiểu là mọi thứ nó luôn bất biến, mình cũng phải luôn thay đổi bản thân mình. Khi mình gặp điều gì đó mình dặn mình là mình phải như vậy. Nhưng mà …

Thầy Trong Suốt: Mình lấy ví dụ cảm xúc nóng giận, khi cảm xúc ấy lên rồi thì bao nhiêu nhân quả, vô thường, bất toại nguyện là quên sạch. Đúng không ạ?

Ngọc Hoa: Dạ, dạ đúng rồi ạ! (Cười)

Thầy Trong Suốt: Miêu tả đúng bạn không? Thì nhà Phật nói có ba cách khác nhau, dành cho ba loại người khác nhau. Cách thứ nhất người ta gọi là “tránh”, như bạn là “tránh”, bỏ đi đúng không? Giận quá bỏ đi luôn! Đấy gọi là “tránh”. Đúng không?

Ngọc Hoa: Không thôi là sợ phát sinh thêm chuyện khác, nên bỏ đi.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, giận quá nên tránh, đấy là tránh! Giống như là như thế này này, mình đang ngồi đây, tự nhiên có một con rắn bỗng nhiên rơi từ trên sàn rơi xuống xoẹt, bộp một cái. Thế là có ba cách phản ứng. Cách thứ nhất: bỏ chạy luôn. Ở đây có bao nhiêu người chạy luôn? Thấy con rắn chạy luôn? Bộp một phát! “Eee…, kinh quá! Chạy!”. Bao nhiêu người chạy luôn, giơ tay ạ? Chạy luôn?

(Một số bạn giơ tay)

Rồi. Được… loại người thứ hai là gì? Tìm hiểu thêm xem là rắn thật hay không, hay chỉ là một cái dây màu hoa hoa thôi. Đúng chưa? Nếu là rắn thật thì tôi chạy, mà rắn giả thì sao? Ngồi yên thôi! Bao nhiêu người chọn phương án đấy ạ? Tìm hiểu xem thật hay không thật? Thật thì chạy, giả thì ngồi yên.

(Một số bạn giơ tay)

Rồi, đấy là cách thứ hai. Cách thứ ba mới ghê. Cũng tìm hiểu. Cũng tìm hiểu xem là thật không. Đúng chưa? Trong khoảng bao lâu? Rắn thật, cũng không chạy. Tôi xem là làm cái gì tốt nhất bây giờ? Ví dụ: Rắn chết rồi, thì làm thuốc. Đúng chưa? Rắn cảnh đúng không? Rắn kiểu rắn nuôi pet ấy, thì đem trả cho chủ nhân của nó. Tức là tôi không có một cái gì gọi là ngại ngùng cả, mà tôi sẽ chuyển nó thành cái tốt. Con rắn có thể là xấu, nhưng mà nếu có cơ hội thì tôi chuyển xấu thành tốt. Có ai chọn cách đấy không? Khó hơn nhiều.

Con rắn có thể xấu, có thể tốt nhưng nếu có cơ hội tôi chuyển nó thành tốt. Ví dụ: “A! Rắn chết rồi, thôi, ngâm thuốc!”, “Rắn có chủ hẳn hoi, đeo cả vòng lục lạc xung quanh”. Đây là rắn do Maria de Hạnh Nguyên nuôi chẳng hạn! Thì mang đến Maria de Hạnh Nguyên trả, đây là rắn không có độc gì hết, do Maria de Hạnh Nguyên nuôi.

(Hạnh Nguyên chạy vào)

Maria de Hạnh Nguyên: Sao ạ?

Thầy Trong Suốt: Không, không có gì hết, đang nói ví dụ (cười).

Bao nhiêu người chọn phương án đấy không? Tôi sẽ đến gần, xem có biến nó thành việc tốt được không, nếu làm được tôi sẽ làm. Bao nhiêu người ạ? Một… (Nói người đang giơ tay) Huệ Phong, rồi!

Còn những người không giơ tay tí nào thì làm gì? Sợ quá tê liệt luôn, không làm gì được luôn! Rồi. Phương án thứ tư đi ạ, phương án: “Tôi đã bị tê liệt rồi, thầy đừng hỏi gì nữa”. (Mọi người cười) Đấy, có bốn phương án, đúng không?

Thế thì cách thứ nhất bạn đang dùng là tránh né, giận đến thì né. Cách thứ hai bạn có thể làm hoặc không, là gì? Là hiểu trong cơn giận, mình phần nào đúng, phần nào sai?

Ngọc Hoa: Em chọn xong em quyết định.

Thầy Trong Suốt: À đấy, thì có thể làm hoặc là không mà. Bạn né xong, bạn đừng có bỏ đi vội. Bạn chạy ra ngoài hít thở mười hơi đã. Xong trong mười hơi đấy, bạn xem là trong cơn giận của mình phần đúng là cái gì, phần sai là cái gì? Nếu phần sai thì bỏ đi, phần đúng quay lại giận tiếp.

Đấy! Cơn giận không phải là sai. Cơn giận đôi khi có sức mạnh rất to lớn. Nó làm người khác thay đổi nhanh chóng. Giống như là vợ chồng ấy, nói mấy câu nhẹ không nghe, mắng phát là gì? Làm luôn! Thầy trò, thầy cô cũng thế thôi, thầy cô mắng học trò, học trò sửa luôn. Nên cơn giận không phải lúc nào cũng xấu, nó có phần tốt và phần xấu. Cái phần mà giận cho bõ tức hả giận, thì là xấu. Phần mà giận để thay đổi được người khác là tốt.

Thì bạn có thể chạy ra ngoài mười phút, hay năm phút, sửa hết phần sai rồi quay lại làm phần đúng. Đấy, đấy là cách. Còn bạn cứ đè đè, nén nén thì ngày nào đó sẽ bung ra. Vì đè nén nhiều lần nó sẽ bung ra, nổ tung ra. Thế nên là thầy khuyên tất cả mọi người chọn cách thứ hai. Trong cơn giận thì có phần xấu và phần tốt. Mình dùng trí tuệ giải quyết phần xấu. Xong rồi, cái phần tốt mình sử dụng nó. Đấy, lúc đấy là lúc quay lại xem con rắn ở đâu đấy, con rắn đấy của ai rồi ngâm rượu được không đấy, hay là chạy đấy. Thì đấy là cách.

Thế thì với quan điểm như vậy nhà Phật gọi là cách “chuyển hóa”. Cách thứ nhất là tránh né. Tránh luôn, cứ giận là tránh. Nhưng cứ giận là tránh có một cái dở là cứ đè đè thì giận hơn. Đấy là cách chuyển hóa cơn giận, bằng cách là khi mà bình tĩnh lại rồi, mình phân tích suy ngẫm và biết cách sử dụng nó. Thì bạn nên nghe thêm các buổi Trà Đàm, trong 35 buổi có một buổi Trà Đàm là: “Sân hận là một bông hoa đẹp”. Thầy nói kỹ hơn trong đấy về cách chuyển hóa cơn giận.

Đấy. Các bạn phải dùng nhiều cách. Đè nén cũng được nếu mà to quá, nhưng cuối cùng phải là chuyển hóa nó, ích lợi cho mình và người khác. Khi mình sửa được phần sai – ích cho mình, khi mình dùng phần đúng để thay đổi người khác, ích cho người khác. Như vậy cơn giận vừa ích cho mình, vừa ích cho người khác, bông hoa đẹp không? Đấy, “sân hận là bông hoa đẹp” nghĩa là gì? Cơn giận đấy, khi nó xảy ra thì mình nhìn ra cái sai mình sửa, ích cho mình. Sau đó cái phần nó đúng ấy mình áp dụng cơn giận, sức mạnh của cơn giận để sửa được người khác. Như vậy là cơn giận nó vừa lợi cho mình vừa lợi cho người, đấy là lý do mà thầy gọi nó là “bông hoa đẹp”. Khi biết cách thì cơn giận vừa lợi mình, vừa lợi người. Khi không biết cách nó hại mình, hại người. Vì thế các bạn hãy tập cách “chuyển hóa cơn giận” để lợi mình lợi người.

Dần dần ấy, cái người cảm xúc nhiều ấy, cũng sẽ trở thành người tập nhiều. Đấy, cái hay của người cảm xúc là thế. Khi cảm xúc nhiều, người ta một ngày giận một lần, còn tôi thực hành tận 20 lần, được lợi 20 lần còn gì nữa! Tôi thực hành hơn người khác 20 lần, thì chuyển hóa nhiều hơn. Bạn tập cách đấy một thời gian thì bạn sẽ trở thành người biết cách giận. Đấy, không phải bị cơn giận khống chế mà biết cách giận.

Người ta có thể nể bạn, tin bạn nhờ bạn giận. Nhờ bạn giận mà người ta tin và nể mình, chứ không phải giận là người ta xa lánh và ghét mình. Và một ngày mà tập 20 lần, thì hơn hẳn các bạn khác rồi! Đúng không ạ? Yên tâm sẽ hơn các bạn khác tập có một lần một ngày, thậm chí có bạn mười ngày mới tập một lần. Còn bạn ngày nào cũng tập 20, 30 lần, chắc chắn sẽ thành cao thủ. Bạn tên là Hoa đúng không?

Ngọc Hoa: Dạ.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Sân hận là…?

Mọi người: Bông hoa đẹp!

Thầy Trong Suốt: Bông hoa đẹp. Là bông hoa luôn!

Ngọc Hoa: Sân hận?

Thầy Trong Suốt: “Là một bông hoa đẹp” – Bạn sẽ thành bông hoa đẹp. Nếu bạn thực hành, nếu bạn “chuyển hóa” cơn giận để lợi mình lợi người ấy, thì chắc chắn bạn sẽ được bạn bè gọi là đẹp, “Hoa đẹp” đấy! Thế thôi, cách là như vậy.

Ngọc Hoa: Thế thì em sẽ thấy ai cũng đẹp hết thẩy!

Thầy Trong Suốt: Tốt, tốt. Ai cũng đẹp rồi, chỉ có là người ta có nhận ra hay không thôi. Mình rất đẹp trai nhưng không lộ ra ngoài. (Mọi người cười) Thế thôi! Thầy đấy, đẹp trai nhưng không lộ ra ngoài, thế mới đau chứ! (Cười) Ai cũng đẹp hết mà! Mình đẹp trai lắm nhưng… hơi tiếc là gì? Không lộ ra ngoài.

Ngọc Hoa: Nhưng mà cái câu hỏi chính của em đó là có những cái cách thực hành gì để mình nhớ cái lúc…

Thầy Trong Suốt: Bạn phải thực hành “Sáu bước vô thường”, như Huy lúc nãy ấy. “Sáu bước vô thường”. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, rất rõ ràng luôn. Nó rất là chi tiết và nó đúng như là toán. Thực hành sáu bước đấy thì bạn sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu bạn muốn quan tâm thực hành thì bạn phải thi vào nhóm. Vũ Thảo, đây, bạn này là đầu mối đây. Vũ Thảo đã đi vào con đường tập và hàng phục cả chồng luôn, chồng cũng hàng phục được luôn. Chồng đâu rồi, đây chồng đứng lên cho các bạn xem. Đấy! Đẹp trai không? (Mọi người vỗ tay) Vũ Thảo là cô gái cũng rất nhiều “bông hoa xấu”, đầu tiên bông hoa xấu. Nhưng do chuyển hóa dần dần đã thành…?

Mọi người: Hoa đẹp.

Thầy Trong Suốt: Hoa đẹp. Bây giờ bạn ấy đã kéo được cả chồng của “bông hoa đẹp” lẫn hai đứa con của “bông hoa đẹp” vào con đường. Đấy! Mà hoa đẹp thật đấy! Xinh hẳn lên nhỉ. Đẹp hẳn lên luôn.

7. Tình thương và lý trí

 Bạn Hùng: (Giáo viên thể thao bóng rổ, bóng chuyền) Khi em đi dạy, thì tại vì bọn em phải có nguyên tắc rõ ràng. Ví dụ các bạn học tốt thì được điểm 10, trung bình thì phải là điểm 5 hoặc là không tốt thì bị điểm kém. Mặc dù em đã nói với sinh viên nhiều là: “Khi thầy đứng trong lớp thì thầy chỉ là thầy của em ở nhữngnội dung mà thầy giỏi, chứ còn thầy vẫn còn phải học ở các em ở những cái khác”.

Có chuyện này mà nếu em làm thì em cảm thấy là không công bằng. Còn nếu không phạm luật như thế thì bạn ấy mất một cơ hội. Trong cuộc sống thì cơ hội cũng không nhiều. Các bạn ấy nhiều lúc cố gắng nhưng mà không đạt được. Đến khi cuối k, nhiều khi các bạn ấy xin điểm.

Thầy Trong Suốt: Mấu chốt là xin điểm. Cho hay không?

Bạn Hùng: Vâng. Nhiều lúc cũng vẫn phải làm. Nhưng mình cảm thấy mình rất là bực bội tại vì vi phạm. Tại vì nếu không làm thì bạn ấy phải mất một năm sau bạn ấy mới ra trường được.

Thầy Trong Suốt: Đấy là giữa “tình thương” và “lý trí” đúng không?

Bạn Hùng: Thì em xem các em như là con, cho nên là em làm chuyện đấy em về cảm thấy rất là bực bội.

Thầy Trong Suốt: Bạn Hùng nói thế này, bạn ấy là giáo viên thể thao. Cuối học kỳ thì người điểm kém muốn có điểm tốt. Bây giờ người ta đến xin điểm, nếu mà mình không cho thì người ta sẽ ở lại một năm, khổ thân đời người ta ra. Mà nếu mà mình cho thì mình thấy không công bằng, với các bạn khác, đúng không ạ? Vậy làm thế nào bây giờ?

Bạn Hùng: Dạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, chuẩn rồi. Câu hỏi bạn Hùng là: “Tôi có một mâu thuẫn giữa công bằng và lý trí! Tình thương và lý trí. Nếu làm theo lý trí thì người ta khổ, nhưng mà nếu làm theo tình thương thì lại mất công bằng. Làm thế nào bây giờ? “

Giống hệt như mình có mấy đứa con ấy, không phải lúc nào mình cũng lý trí với nó hết. Ngược lại nếu mà mình thương nó quá, thì sao ạ? Nó hư mất! Thương nó quá là hư. Đấy, câu chuyện của bạn ấy là như vậy.

Bây giờ mình phải xem xét như thế này này: Thứ nhất là động cơ của mình khi làm là gì? Khi làm cái gì mình phải xem động cơ. Động cơ của bạn có phải đến từ tình thương thật sự hay không? Và nó có đến từ trí tuệ hay không? Cái động cơ của mình có tình thương và trí tuệ thì hãy làm, nếu thiếu cái đấy thì đừng có làm.

Trong trường hợp này người ta đến xin điểm người ta có cho bạn cái gì không?

Bạn Hùng: Thực ra thì em không. Mặc dù em cảm thấy rất là bực bội bạn đấy, vì đã nhắc nhở. Nhưng mà nếu nghĩ sâu xa ra thì đời sống sinh viên nó rất là phức tạp. Em nghĩ thế. Đôi lúc bạn thấy thiếu một cái gì đó, đôi lúc bạn có thể sa ngã.

Thầy Trong Suốt: Bạn làm để cứu người ta đúng không?

Bạn Hùng: Không, em cảm thấy là nếu mà em không làm thì em cảm thấy là thương cho người ta. Tuy nhiên, em đã giải thích rõ ràng nhưng mà em không hiểu như thế là đúng hay sai nên cũng mong Thầy trả lời giúp em ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, đầu tiên phải kiểm tra động cơ của mình. Động cơ của mình có phần nào ích kỷ hay không? Hay là hoàn toàn vị tha? Nếu bạn có phần ích kỷ thì đừng có làm. Ví dụ là người ta cho bạn tiền bạc, thì đừng làm, vì như thế rất là xấu! Người ta cho bạn cái này cái kia để bạn giúp người ta, đừng nhận. Nếu mình thương ấy, hãy thương một cách thực sự là trong sáng, mình không thương vì một cái ích kỷ nào hết. Nên đầu tiên mình phải loại hết phần ích kỷ ra. Mình kiểm tra động cơ mình, có làm vì danh tiếng, vì quyền lợi, vì quyền lực hay vì bất kỳ cái gì không đã.

Bạn Hùng: Dạ đây là làm hoàn toàn là không phải quyền lợi.

Thầy Trong Suốt: Rồi. Nên là thầy nói chung là thế, vì cái nghề giáo viên rất là cám dỗ (cười). Giáo viên mà, “sinh sát” người ta trong tay, xong rồi người ta đem cho mình cái này cái kia. Nên là nguyên tắc đầu tiên là không ra quyết định vị kỷ. Quà đem trả hết! Tiền bạc, tất cả các loại quà, một quả xoài cũng trả hết. Mình cũng không làm vì một quả xoài, ví dụ thế.

Thế bây giờ sau khi bỏ hết tất cả cái phần đấy ra rồi, thì chỉ còn thương hay không thương đúng không? Nếu bạn làm hành động mà tốt cho đời người ta lên, nhưng bạn lại sai lầm về mặt cho điểm thì đây là quyết định của cá nhân bạn.

Bạn phải hiểu là thế này này “Tôi sẽ làm nó và tôi sẽ nhận lại quả của việc cho điểm”, là tôi hy sinh luôn đấy! Tôi chọn cách hy sinh cho người khác. Tôi chọn cách hy sinh chính mình, vì không thể nào tự nhiên cho điểm người ta mà là nhân tốt được. Nhân xấu là cái chắc rồi. Tôi đảm bảo với bạn 100% là nhân xấu! Nhân mà người ta không xứng đáng, mình cho người ta thêm điểm là nhân xấu. Nhưng bạn có thể nghĩ thế này: “tôi sẽ chấp nhận việc đấy, sau này có thể do tôi cho điểm người khác, nên con tôi bị ai đấy cướp điểm, đánh sai điểm. Tôi có thể bị đối xử bất công, vì tôi bất công với người khác”. Khi bạn cho người ta hai điểm, có phải bạn bất công với những người còn lại không? “Thì tôi sẽ chịu quả của việc là bị người khác bất công trở lại”.

Sau khi bạn chấp nhận tất cả điều đấy, nghĩ thật kỹ. Bạn vẫn làm thì đó là động cơ của bạn có cả trí tuệ về nhân quả ở trong đấy. Bạn hiểu rằng là, tôi đã gieo cái nhân này, là nhân xấu, ở chỗ này, thì quả xấu kiểu gì nó cũng đến, thế mà tôi vẫn làm – đấy là động cơ gọi là trí tuệ và vị tha, đấy là thực sự bạn hy sinh vì người khác.

Bạn Hùng: Dạ em cám ơn Thầy.

Thầy Trong Suốt: Đấy. Còn nếu không hiểu điều đấy mà vẫn làm, bạn chưa có trí tuệ, bạn vị tha mà không có trí tuệ thì là không tốt. Còn tệ nữa là bạn lấy cái gì của người ta để cho người ta thì thôi còn tệ nữa! Hoàn toàn vị kỷ luôn, cực kì xấu.

Trong trường hợp bạn vị tha mà có trí tuệ thì bạn vẫn phải chịu quả của việc đấy. Chứ không phải là cứ gieo nhân cứu người là không gặp quả. Bạn sẽ được nhân gì, quả gì? Nhân của bạn là vì cứu người mà tôi làm một điều không công bằng. Quả của bạn là gì? Sau này sẽ có người giúp bạn. Cái nhân tốt, cứu người đúng không? Sau này sẽ có người cứu giúp bạn. Nhân xấu là bất công, sau này sẽ có người bất công với bạn. Nhân quả hết sức là công bằng. Ý thức đúng rồi, bạn vẫn thấy đáng làm thì làm. Còn ý thức xong rồi bạn thấy không đáng làm thì thôi.

Đấy. Và bạn phải nhớ là cái bạn đang làm ở đây thiệt hại cho chính mình, và cho những người không công bằng khác nữa. Bạn có chấp nhận nổi cái quả của việc đấy không? Nếu chấp nhận được, vẫn xứng đáng, cái người này nếu không giúp, người ta sa ngã, họ sẽ đi làm gái mại dâm chẳng hạn. Tôi sẽ làm điều đấy để cứu một con người, tôi sẵn sàng chịu thiệt. Bởi vì để cái quả, cái nhân như vậy rồi ấy, muốn nó bớt ra quả xấu thì tôi cần phải có nhiều hiểu biết trí tuệ hơn nữa.

Bạn hiểu về nhân quả hơn, hành động của bạn hoàn toàn mang tính chấp nhận là: “À, quả xấu đổ vào đầu tôi, đầu con cái tôi, mà tôi vẫn làm”. Khác với việc là bạn làm mà không hiểu quả đi đâu hết.

Như vậy nếu bạn không làm, cũng được. Bạn không làm thì bạn phải hiểu tại sao bạn không làm. Bạn thấy là không đáng gây ra cái nhân xấu như vậy để giúp một người. Hoặc là có làm, bạn hiểu là: “Tôi sẽ làm, chịu tất cả các quả xấu của nhân này, để giúp một người đấy”.

Và những cái này là tuỳ từng trường hợp  mà bạn cân nhắc, chứ không phải trường hợp nào cũng như trường hợp nào. Có những người mình không cộng điểm cho họ, đời họ cơ bản vẫn ổn, thì thôi, cộng làm gì. Có người mình không cộng cho họ, họ thành gái mại dâm ngay, phải cộng thôi! Mình phải nhận cái quả của việc đồng ý cộng. Đấy! Chứ gieo nhân nếu không cẩn thận là cũng hại mình và tương lai của con mình. Bạn hiểu không?

Bạn Hùng: Dạ, cảm ơn Thầy ạ.

Thầy Trong Suốt: Cuộc sống là như vậy đấy. Cuộc sống rất nhiều điều mâu thuẫn như vậy, giữa lý trí và tình cảm, trong trường hợp này là tình thương, mâu thuẫn giữa lý trí và tình thương. Làm theo lý trí thì hại người ta khổ, làm theo tình thương thì trở thành trái nguyên tắc. Mà như vậy cái mình nói là kỷ luật tự thân đấy. Tự mình phải tìm ra nguyên tắc của riêng mình, chứ không ai dạy mình được nữa. Đúng chưa? Sau này chẳng ai viết trong sách là phải làm hay không làm cả. Mình phải tìm ra nguyên tắc. Và tốt nhất là những nguyên tắc của Phật Pháp. Ví dụ trong trường hợp này là gì? Mình sẵn sàng cứu người, mình sẽ nhận quả xấu vào mình. Đấy là nguyên tắc. Hoặc đôi khi mình thấy là không đáng để làm như vậy. Thôi!

Hay nói cho cùng là hiểu nhân quả. Nếu bạn hiểu nhân quả là tốt lắm rồi, hiểu thêm vô thường thì tốt nữa. Nghĩa là khi mình cho người ta điểm, mình cũng hiểu là vô thường. Có khi cũng chẳng giúp được. Có gì đâu, vẫn sai, xấu như thường! Hiểu vô thường thì mình không bám chấp vào hành động nữa. Giúp người ta nhưng mà mình không bám chấp là kết quả nó phải ra cái tốt, thì còn tốt nữa! Nếu bạn hiểu thêm vô thường nữa thì tốt nữa!

Nhân quả của tôi sẽ phải chịu và họ phải chịu, không phải chỉ bạn chịu đâu mà họ cũng phải chịu. Nhưng vô thường, kể cả có giúp xong cũng chưa chắc đã được, nên tôi không bám chấp vào hành động ấy. Được thì được, không được thì thôi! Giúp thì vẫn giúp mà không bị bó buộc vào kết quả là phải giúp được. Không đau khổ khi mà không giúp được.

Bất toại nguyện. Đời kiểu gì cũng là bất toại nguyện, không chỗ này thì chỗ khác. Cái việc này cũng thế thôi, sẽ có những bất toại nguyện, không lúc này thì lúc khác.

Khi bạn hiểu tất cả ba điều đấy rồi, bạn vẫn quyết định làm, thì làm đấy là làm có trí tuệ. Với trình độ của bạn bây giờ thì là như vậy. Tất nhiên là trong nhà Phật còn có những trình độ cao hơn. Và khi bạn có trình độ cao hơn thì hành động của bạn còn chính xác hơn nữa.

Tự mình phải tìm ra nguyên tắc của riêng mình.

Tốt nhất là những nguyên tắc của Phật pháp: Nhân quả, Vô thường, Bất toại nguyện…

Rồi, như vậy là chúng ta đã có hai buổi Trà đàm ở Đà Nẵng, tất cả các vấn đề cơ bản nuôi dạy con đã được đưa ra rồi. Chúc các bạn về thực hành được phần nào đấy và đặc biệt mình muốn dạy con mình phải dạy được chính mình. Mình cũng hãy thay đổi mình theo những nguyên tắc căn bản của nhà Phật, thì chắc chắn là bạn sẽ trí tuệ hơn. Và kiểu gì con bạn cũng sẽ trí tuệ hơn bây giờ. Mọi người đồng ý không ạ?

8. Chủ đề lần sau: Làm thế nào để giúp bố mẹ hạnh phúc

Bác Nhồng: (nói giọng miền Trung) Dạ, kính thưa Thầy, con cũng thưa với Thầy là con có con cũng đã lớn rồi, không còn nhỏ nữa. Nhưng công ăn việc làm, nó không có lo, nó cứ làm những việc mà mình không vừa ý. Nói nó không nghe, làm cách răng để cho con cái nó nghe, nhờ Thầy chỉ giúp giùm. Con của con lớn tuổi rồi.

Thầy Trong Suốt: Con của chị lớn tuổi rồi mà vẫn làm những việc không vừa ý chị. Nói nó không nghe, đúng không?  (Mọi người cười) Mình dạy nó bao nhiêu năm nó không nghe bây giờ sao bảo nó nghe! Đúng không ạ? Nó bao nhiêu tuổi rồi?

Bác Nhồng: 66 tuổi rồi.

Thầy Trong Suốt: Ôi! Mình dạy nó 66 năm… Con chị 66 tuổi à? Con chị bao nhiêu?

Bạn Vũ Hiền: Bác Nhồng thì 66 tuổi, con thì 40.

Thầy Trong Suốt: Thôi, 40 tuổi không nghe thì khó lắm! Bây giờ mẹ sửa mẹ trước, để con có gây chuyện, mẹ không buồn. Con gây chuyện, mẹ không buồn là tốt đẹp thành công rồi. Còn sau này, nếu mà nó thấy mẹ nó xịn, là không buồn ấy, thì nó phải nghĩ lại thôi, dần dần nó sẽ nghĩ lại.

Rồi! (Mọi người vỗ tay) Buổi Trà đàm hôm nay đã thành công rực rỡ, tất cả khán giả đều hoan hỷ rầm rầm về dạy con theo kiểu mới. (Mọi người cười)

***